Như Hạnh
ĐỌC MỘT CÁCH PHÊ PHÁN
“Luận Ngữ Trích Lục Dẫn Giải” của Phan Bội Châu
Kết thúc chương ngắn viết về Nho Giáo Việt Nam trong cuốn sách về Nho Giáo, xuất bản năm 1943, Trần Trọng Kim viết:
Đến nay người mình thấy Tây học rực rỡ mà cái học của ta khi xưa mập mờ không rõ, sách vở không có mấy, liền cho cái học của ta không có gì. Đó là một điều mà các học giả trong nước nên chú ý mà xét cho kỹ, đừng để cái hình thức bề ngoài làm hại mất cái cốt yếu bề trong. Nho Giáo tuy không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm gía tôn quí. Hãy kể một phương diện ấy, thiết tưởng cũng đủ làm cho người mình không nên bỏ Nho Giáo vậy.[ 1]
Đoạn văn ngắn ngủi nhưng nói lên được rất nhiều điều quan hệ. Thứ nhất ông gợi lên được cái suy tàn của “cái học nước ta” trước sự rực rỡ của Tây học. Việc ông ám chỉ Nho học là “cái học của ta” nói lên được vai trò của Nho Giáo trong văn hóa Việt Nam. Ông than phiền rằng cái học của ta “mập mờ không rõ, sách vở không có mấy” là một sự thật không thể chối cãi được và là một trở ngại muôn đời cho việc nghiên cứu văn hóa sử Việt Nam nói chung chứ không riêng gì Nho Giáo.
Trong khi biện minh cho vai trò của Nho Giáo, Trần Trọng Kim nói rằng “Nho Giáo tuy không gây thành được cái văn minh vật chất như Tây học, nhưng vẫn có cái đặc tính đào tạo ra được cái nhân cách, có phẩm gía tôn quí.” Với nhận định này Trần Trọng Kim nói lên quan điểm tiêu biểu nhưng cần phải được xét lại của đa số những người trí thức Á Châu và Việt Nam: Ưu điểm duy nhất của Nho Giáo là luân lý. Nếu như người Việt Nam không nên bỏ Nho Giáo thì cũng chỉ vì Nho Giáo có giá trị luân lý thôi.
Đây một quan điểm tai hại nhất về Nho Giáo ôm giữ bởi những người theo cũng như chống Nho Giáo. Đối với những người theo Nho Giáo thì tuy Nho Giáo không có gì để đóng góp cho cái học vật chất (tức là khoa học kỹ thuật) nhưng lại trổi vượt về mặt luân lý. Dưới mắt những người chống Nho Giáo thì Nho Giáo không những đã làm cản trở khoa học và tiến bộ mà luân lý Nho Giáo cũng chỉ là một thứ luân lý địa phương, hẹp hòi, hủ lậu, không còn đất đứng trong thời đại nữa.
Chủ đề chính của bài viết này là đọc một cách phê phán “Luận Ngữ Trích Lục Diễn Giải” tức là phần thượng thiên của bộ sách Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu (1867-1940).[ 2] Tôi đọc sách của Phan Bội Châu nhiều năm trước đây, bởi vì ông là một trong các học giả- Việt Nam hiếm hoi viết về Nho Giáo. Nhưng lúc đó tôi chỉ có toàn những ấn tượng tiêu cực. Sách và con người ông bị đẩy sâu vào một góc xó đen tối của tâm thức tôi. Gần đây tôi được gợi hứng để đọc kỹ lại Phan Bội Châu là nhờ hai nhà học giả Herbert Fingarette và Simon Leys, một triết gia và một chuyên viên về Trung Hoa học.
Kinh nghiệm của tôi về việc đọc bộ Khổng Học Đăng tương tự với kinh nghiệm của Herbert Fingarette với sách Luận Ngữ. Fingarette nói rằng khi ông mới đọc Khổng Tử, ông thấy Khổng Tử là một ông thầy dạy đạo đức bình dân địa phương, những lời dạy của Khổng Tử trong Luận Ngữ thì xưa cũ chẳng có gì hợp thời cả. Sau đó nỗ lực đọc lại kỹ hơn, ông thấy Khổng Tử là một nhà tư tưởng có cái nhìn sâu xa và nhiều sáng tạo về con người không kém bất cứ ai. Ông còn tin rằng Khổng Tử có thể là một bậc thầy cho chúng ta ngày hôm nay. Khổng Tử có nhiều cái mới mẻ để dạy, ông có những tư tưởng đi trước thời đại chúng ta.[ 3]
Trong bản dịch Luận Ngữ xuất bản gần đây, Simon Leys cũng cảm kích cái hiện đại tính của tư tưởng Khổng Tử. Leys viết rằng trái với cái hình ảnh dễ ghét về Khổng Tử được vẽ ra bởi nhiều nhà trí thức hàng đầu của Trung Hoa vào đầu thế kỷ XX, ông nhận thấy điều kỳ diệu là cách đây hai mươi lăm thế kỷ mà đôi khi Khổng Tử dường như đối trị thẳng với những vấn đề của chính thời đại và xã hội chúng ta. Nhưng Leys nhận định thêm rằng, một cách nghịch lý, có lẽ các độc giả không phải là người Trung Hoa (hay chúng ta có thể nói Á Châu) lại ở trong một vị trí thuận lợi hơn để cảm kích cái hiện đại tính của Khổng Tử. Có lẽ vì họ có cái vô tư thuần phác mà các độc giả Á Châu không có.[ 4]
Xin trở lại với Phan Bội Châu. Lần đầu đọc Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu, điều đầu tiên tôi nhận thấy là ông viết bằng một thứ Việt ngữ cũ kỹ, vụng về pha trộn giữa Hán Việt và một thứ Việt ngữ bình dân. Nói tóm, Việt ngữ của Phan Bội Châu không phải là bất cứ một người Việt Nam hiện đại nào đọc cũng hiểu ngay được.[ 5] Sách lại viết một cách luộm thuộm, giống như thể viết xong in ngay, không đọc lại hay sửa chữa gì cả. Ngoài ra, ông lại có thái độ giáo điều, hẹp hòi, bộ phái. Tôi đặc biệt khó chịu với cái giọng điệu trịch thượng của ông. Tôi nghĩ đây là một bộ sách lỗi thời giống Nho Giáo. Nhưng sau khi đọc Fingarette và Leys, tôi trở lại đọc Khổng Học Đăng kỹ hơn, với những thái độ khác hơn.
Trước hết, tôi nghĩ Phan Bội Châu có quyền giáo điều đến một mức độ nào đó, bởi vì ông tiếp cận Nho Giáo (mà ông gọi là Khổng Học) với tư cách của một nhà Nho chứ không phải của một học giả đứng ngoài. Nói cách khác, ông muốn người khác sống tư tưởng Khổng Học chứ không phải chỉ tìm hiểu Khổng Học trên mặt trí thức. Hơn nữa, cái thẩm quyền mà ông có là với tư cách của một học giả được kính trọng cũng như là một nhà lãnh đạo chính trị và một nhà cách mạng. Cho nên tuy rằng tiếng Việt của ông vẫn làm tôi nhức đầu và tôi vẫn khó chịu với giọng điệu trịch thượng của ông, tôi cũng nhận thấy sự tha thiết của ông. Cái ấn tượng trịch thượng mà người đọc có thể có về ông có lẽ là vì cách sử dụng Việt ngữ vụng về cộng với lòng nhiệt thành. Điều quan trọng nhất là, đằng sau mớ ngôn ngữ rối rắm kia, tôi nhận thấy–mặc dù tôi không nhất thiết luôn luôn đồng ý với ông– Phan Bội Châu có nhiều ý tưởng rất độc sáng.
Thứ nhất, trước cả Fingarette và Leys, Phan Bội Châu thấy được cái hiện đại tính của tư tưởng Khổng Tử cũng như tin nơi sự quan hệ của nó. Mặc dù sách của ông xuất bản trước sách của Trần Trọng Kim gần mười năm, Phan Bội Châu không hề kêu gọi người ta kính trọng Nho Giáo chỉ bởi vì vấn đề luân lý. Với tư cách là nhà Nho và học giả về Nho Giáo, ông thừa hiểu rằng luân lý là một phương diện nền tảng của Nho Giáo, nhưng ông cũng nhận thức được rằng Nho Giáo còn có nhiều cái để cung hiến chứ không phải chỉ luân lý nhất là thứ luân lý hẹp hòi bảo thủ.
Trong suốt bộ Khổng Học Đăng, Phan Bội Châu ý thức được những cái thủ cựu lỗi thời trong truyền thống Nho Giáo. Đó luôn luôn là mục tiêu để ông nặng nề đả kích. Theo ông đó chính là lỗi của ngụy Nho, những người hiểu sai và sử dụng sai tư tưởng của Khổng Tử. Trong khả năng và với cách diễn đạt của ông Phan Bội Châu cố trình bày cho độc giả đương đại của ông (và có lẽ cho cả chúng ta) thấy được rằng tư tưởng của Khổng Tử về con người, quốc gia và xã hội–nếu như chúng ta biết nhìn đúng quyền biến và thời tính–vẫn có thể được ứng dụng một cách hữu ích ở thời đại chúng ta. Trong cái nhìn của Phan Bội Châu thì Khổng Học không phải chỉ là một mớ luân lý địa phương bảo thủ hay một chương trình đào luyện công cụ cho một guồng máy cai trị. Khổng Học là một vũ trụ nhân sinh quan có giá trị hằng cửu. Nói tóm, bộ Khổng Học Đăng không phải chỉ là một bộ sách tuyên truyền Nho Giáo, mà còn hàm chứa những quan điểm phê phán và đưa ra một cách nhìn mới mẻ.
“Luận Ngữ Trích Lục Diễn Giải”của Phan Bội Châu.
“Luận Ngữ Trích Lục Diễn Giải” thuộc thượng thiên của bộ sách Khổng Học Đăng, bộ sách bao gồm hầu như tất cả các trước tác quan trọng của Phan Bội Châu về Nho Giáo.[ 6] Trung thiên gồm bản dịch và chú thích sách Đại Học và Trung Dung . Hạ thiên dành trích giải Mạnh Tử và lược giải về tư tưởng của Tuân Tử cùng với một giải thích đại cương về Nho Giáo từ đời Hán cho đến đời Dân Quốc.
Dựa vào nội dung của bộ sách, chúng ta thấy được quan điểm đại cương về lịch sử tư tưởng Nho Giáo trong cách nhìn của Phan Bội Châu. Theo ông thì sách Luận Ngữ hàm chứa những tư tưởng căn bản, chính thống nhất của Khổng Học. Các sách Đại Học và Trung Dung được xem là đích phái của Khổng Học. Mạnh Tử và Tuân Tử nằm trong vòng cận phái của Khổng Học, trong khi toàn thể các tư tưởng gia kể từ đời Hán cho đến Dân Quốc được xếp là viễn phái.
Cách đọc Luận Ngữ của Phan Bội Châu:
Điều đầu tiên đáng lưu ý là suốt cả bộ Khổng Học Đăng, Phan Bội Châu dùng thành ngữ Khổng Học. Ông hầu như không bao giờ dùng danh xưng Nho Giáo cả. Theo những gì chúng ta hiểu được sau khi đọc sách này thì đây không phải giản dị chỉ là việc lựa chọn từ ngữ mà nó biểu lộ cả cách tiếp cận của ông đối với Nho Giáo cũng như dụng ý của ông. Thứ nhất, theo ông Luận Ngữ là sách hàm chứa tư tưởng chính thống của Khổng Tử và mục tiêu của ông là khôi phục lại tư tưởng chính thống này. Thứ hai, suốt trong phần “Luận Ngữ Trích Lục Diễn Giải” khái niệm mà Phan Bội Châu nhấn mạnh nhất chính là học.
Dụng ý của ông là gửi đến người đọc đương thời cái thông điệp rằng cái Nho Giáo bị xem là thủ cựu chịu trách nhiệm cho sự chậm tiến chỉ là cái học hủ lậu của nhà Nho sau này chứ không đại diện cho tư tưởng chính thống của Khổng Tử. Thứ đến, ông muốn người đọc nhận thức được rằng tư tưởng Khổng Tử là một thứ học thuật chứ không phải là giáo điều. Một học thuật bao gồm cả mục tiêu (nhân) lẫn con đường thực hiện mục tiêu (học). Trong hoàn cảnh chính trị xã hội đương thời, lại cũng vào lúc Nho Giáo đang bị cho là lỗi thời, dụng ý của Phan Bội Châu khi nhấn mạnh chữ học là cốt để cho người đọc thấy rằng cứu cánh của Khổng Học tuy thường hằng (nhân, thiên lý) nhưng con đường của Khổng Học (học, luân lý) thì đa diện và quyền biến chứ không thủ cựu như nhận thức thông thường.
Do đó, Phan Bội Châu đọc Luận Ngữ theo cách hiểu biết của chính mình, ông không dựa vào một học phái nào của Nho Giáo Trung Hoa. Lý do chính là vì ông không tin họ.[ 7] Ông cũng không diễn giải Luận Ngữ theo từng chương một giống như đa số các học giả trước ông ở Trung Hoa. Như chúng ta biết, Luận Ngữ là một bộ sách ghi lại một cách rời rạc những tư tưởng của Khổng Tử về một số vấn đề căn bản của Nho Giáo.
Đa số các kinh điển cổ xưa trong đó có cả Luận Ngữ thường chỉ là những ghi chép về các phát biểu trực tiếp, đột phát của các bậc thầy trong những hoàn cảnh không gian và thời gian khác nhau cho những môn đồ với những cá tính và trình độ khác nhau. Những phát biểu này không nhắm được tiêu chuẩn hóa để ứng dụng như các giáo điều. Đúng hơn, chúng đòi hỏi sự chiêm nghiệm của chính các môn đồ cũng như nói lên sự hiểu thấu của người thầy về cá tính, tâm tư và trình độ của từng môn đồ. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là người đời sau không thể tham dự và rút tỉa ý nghĩa của các phát biểu này một cách mạch lạc hơn. Đó chính là cách nhìn của Phan Bội Châu. Chính vì thế mà ông xắp xếp lại nội dung của Luận Ngữ thay vì là chú thích chương cú.
Phân tích nội dung “Luận Ngữ Trích Lục Diễn Giải”:
Theo cách nhìn của Phan Bội Châu thì 20 chương sách Luận Ngữ xoay quanh các đề tài mà ông bàn trong 17 chương.[ 8] So sánh với những bản dịch tiêu biểu chúng ta thấy trong đa số trường hợp cách dịch của ông chính xác. Phan Bội Châu tiếp cận Luận Ngữ với tư cách của một tín đồ thực hành Nho Giáo hơn là một nhà ngôn ngữ, nghĩa là ông không luôn luôn phân tích ngữ căn hay giải thích cách ông dịch và giải thích một số từ ngữ hay khái niệm nào đó trong các đoạn văn khó hiểu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, ông đặc biệt biện minh cho cách giải thích đặc thù của mình. Xin đưa ra vài ví dụ:
Khi giải thích tiết 9:1 “tử hãn ngôn lợi dữ mệnh dữ nhân”. Đây là câu mà đa số các dịch giả hiện đại cho là khó hiểu. Phan Bội Châu phát biểu rằng tiết này các nhà chú thích hay giải sai mất nghĩa. Theo ông thì câu này có nghĩa là: “Khổng Tử không bao giờ nói chữ nhân mà lại nói cặp với chữ lợi và chữ mệnh”.[ 9]
Khi giải thích tiết 15.39: “hữu giáo vô loại”, khác với đa số các dịch giả thường hiểu là: “Ta giảng dạy không phân biệt loại người”. Phan Bội Châu giải thích rằng loài người khác nhau vì giáo hóa chứ không phải vì chủng tộc hay chủng loại và ông nối kết tiết này với tiết 17.2: “tính tương cận dã, tập tương viễn dã, duy thượng trí dữ hạ ngu bất di”.[ 10]
Một ví dụ nữa, tiết 7:20: “tử bất ngữ quái lực loạn thần”. Đa số các học giả hiểu là Khổng Tử không nói về quái, lực, loạn và thần. Phan Bội Châu cho cách giải thích này là sai. Theo ông trong câu nói này chỉ hai việc chứ không phải là bốn. Nghĩa là Khổng Tử không nói về quái lực và loạn thần.[ 11]
Tiết 7:7: “tự hành thúc tu dĩ thương, ngô vị thường vô hối yên”. Câu này thường được hiểu là “ngay cả những người chỉ mang đến cho ta một bó nem, ta cũng chưa bao giờ từ chối không chịu dạy họ”[12]. Phan Bội Châu chấp nhận rằng có bản cổ chú rằng “thúc tu” có nghĩa là bó nem,[13] nhưng theo ông xét cho kỹ thì hiểu như thế là sai lầm, vì “thánh nhân dạy người có bao giờ lại nghĩ tới bó nem đâu”.[ 14] Theo ông “thúc” có nghĩa là kiểm thúc, giữ lễ phép, “tu” có nghĩa là tu sức, tức là biết sửa chữa con người mình. Do đó, câu trên chỉ có nghĩa là một người cần có nỗ lực giữ lễ và tu sửa là có thể đáng được dạy dỗ.
Con đường và mục tiêu của Khổng Học:
Chúng ta có thể đúc kết con đường và mục tiêu của Khổng Học theo Phan Bội Châu như sau: Mục tiêu cứu cánh của Khổng Học là thành tựu cái nhân tính toàn vẹn đích thực của con người tức là nhân. Nhân có thể hiểu theo hai phương diện thể và dụng.[ 15] Người thành tựu được nhân được gọi là quân tử.[ 16] Tuy rằng nhân là chân tính của con người, nhân không tự nhiên hiển hiện mà phải được khôi phục bằng học. Do đó, nếu nhân là mục tiêu thì học là con đường. Mà muốn học thì phải lập chí.[ 17] Tuy nhiên, Khổng Học được sáng tạo ra và biểu hiện nơi Khổng Tử. Cho nên, trước khi phân tích con đường và mục tiêu của Khổng Học, chúng ta cần nhìn xem Phan Bội Châu hình dung Khổng Tử như thế nào.
Khổng Tử dưới mắt Phan Bội Châu:
Trước khi diễn giải Luận Ngữ Phan Bội Châu đưa ra cho người đọc một bản “tiểu sử” ngắn của Khổng Tử. Tuy ông có dựa vào một số tư liệu lịch sử chẳng hạn như Tả Truyện và Sử Ký của Tư Mã Thiên về mặt “dữ kiện lịch sử”, điều đáng lưu ý là Phan Bội Châu dựa vào chính bộ Luận Ngữ để rút tỉa ra một hình ảnh và nhân cách của Khổng Tử như là một bậc thầy lý tưởng[18] và là một bậc thánh.
Theo Phan Bội Châu thì hình ảnh Khổng Tử mà chúng ta nhìn thấy trong Luận Ngữ là một người có đầy đủ các đức tính như học và hành, tin nơi Thiên và hoàn hảo cả về trí, tình, và chí. Điều này có nghĩa là Khổng Tử là một người không phải chỉ có trí tuệ mà còn có luôn cả những tình cảm tiêu biểu của một con người. Chỉ khác là những tình tự này đều được toàn hảo dựa trên lễ. Phan Bội Châu tóm lược nhân dáng của Khổng Tử bằng tiết 9:4: “tử tuyệt tứ vô ý vô tất vô cố vô ngã”. Ông giải thích rằng nơi nhân cách Khổng Tử luôn luôn có bốn đức tính là vô ý, vô tất, vô cố và vô ngã. Theo Phan Bội Châu “vô ý” có nghĩa là không áp đặt ý riêng của mình vào sự việc mà chỉ dựa trên lẽ phải. Đoạn văn giải thích thành ngữ “vô tất” của Phan Bội Châu có hơi tối nghĩa. Theo tôi hiểu thì ý ông muốn nói “vô tất” có nghĩa là không vũ đoán mà phải biết nhận xét thời thế. “Vô cố” có nghĩa là không cố chấp theo một phương pháp nhất định nào đó mà phải biết biến thông viên hoạt. “Vô ngã” có nghĩa là không xem con người mình là quan trọng hơn hết, là trung tâm của sự vật.
Chúng ta thấy ở đây Phan Bội Châu mô tả–mà tôi nghĩ là xác đáng theo nội dung sách Luận Ngữ–Khổng Tử trái với một số quan niệm thường tình rất phổ biến trong đầu óc của nhiều người Đông Á và Việt Nam hiện đại rằng Khổng Tử là một nhà tư tưởng địa phương, bảo thủ, hẹp hòi và lỗi thời. Cách nhìn này hoàn toàn trái ngược với bốn điều mà Khổng Tử tuyệt đối tránh và luôn luôn nỗ lực dạy các môn đồ của ông phải tránh. Trong bốn cái “vô” Phan Bội Châu nhấn mạnh nhất là vô ngã mà theo ông là nền tảng của thái độ tâm linh của Khổng Tử. Phan Bội Châu cũng nói thêm rằng muốn phát huy cái vô ngã thì phải căn cứ vào chữ nhân, và nhân chính là khái niệm bao trùm tất cả triết lý của Khổng Học. Nói tóm, ông cố ý gửi đến người đọc thông điệp rằng Khổng Tử là một nhà tư tưởng cách tân chứ không phải là một truyền thống gia thủ cựu.[ 19]
Khổng Tử như một bậc thầy:
Theo Phan Bội Châu thì Khổng Tử đặc biệt chú trọng vào giới thanh niên. Lý do là vì “những người ấy tuổi còn non, sức còn mạnh, đường còn xa, quan hệ với xã hội tiền đồ còn nhiều lắm. Huống hồ thì giờ người thanh niên, chính là ngày bắt đầu vào cửa học.”[ 20] Phan Bội Châu trích ra ba tiết để giải thích, ở đây tôi chỉ xin trích tiết 1:6: cùng với diễn giải của ông: “Tử viết: đệ tử vào thì hiếu ra thì đễ cẩn và tín yêu thương mọi người gần gũi với người nhân. Sau khi thực hành xong những điều này rồi phải để năng lực còn lại để học văn”[21] Tiết này nói lên cái toàn diện của cách dạy học và giáo trình của Khổng Tử. Sự hòa hợp giữa luân lý và văn hóa.
Phan Bội Châu giải thích rằng hiếu, đễ, cẩn, tín, phiếm ái và thân nhân làm thành nền tảng luân lý của việc học. Tuy Khổng Tử nhấn mạnh khía cạnh luân lý, sáu đức tính trên mới làm thành một nửa của việc học. Sự học theo Khổng Tử vẫn nhắm vào việc đào tạo các thanh niên có khả năng để gánh vác việc đời. Phan Bội Châu giải thích chữ văn có nghĩa là thi thư và lục nghệ. Thi thư gồm các kinh sách của người xưa; lục nghệ gồm lễ, nhạc, xạ, ngự, thư và số.[ 22] Quan điểm học trên đây của Khổng Học cũng trái với nhận thức thông thường rằng Nho Giáo vốn có tính cách phản trí thức và chỉ chuyên chú vào khía cạnh luân lý bảo thủ.
Chính vì để nhấn mạnh quan điểm này mà Phan Bội Châu còn dành cả một chương rất dài khác (Chương XV)[23] để bàn thêm về chữ học trong Khổng Học. Chương này chia làm ba tiết, trong đó ông bàn rất chi tiết về chữ học.[ 24] Có hai phương diện đáng lưu tâm là hiếu học và sự liên hệ giữa học và tư. Phan Bội Châu giải thích rằng hiếu học là nền tảng để thành tựu cái tính thiện bẩm sinh của con người. Chính Khổng Tử, tuy khiêm cung về những mặt khác, lại rất kiêu hãnh về tính hiếu học của mình.[ 25]
Thế nhưng tuy học là tốt, học phải có suy nghĩ (tư). Bởi vì có suy nghĩ mới sinh ra thắc mắc muốn hiểu biết. Khổng Tử nói rằng: “Những người mà không bao giờ biết nói phải làm sao phải làm sao? Ta không biết phải tính làm sao với những người ấy”.[ 26] Khổng Tử lại cũng nói rằng, Ta thường trọn ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để suy nghĩ, vô ích mà thôi, không bằng học”.[ 27] Theo ông ba chữ “bất như học” không có nghĩa là bảo người ta đừng suy nghĩ mà chỉ có ý muốn nhấn mạnh rằng chữ học và chữ tư không bao giờ rời nhau.
Về ý nghĩa của chữ nhân:
Nhân là mục tiêu của chí và cứu cánh của học. Nhân là yếu tính của con người. Khổng Tử nói: “Nhân đâu có ở xa, chúng ta muốn nhân là nhân đến ngay” (nhân viễn hồ tại ngã dục nhân tư nhân chí hĩ), ngụ ý rằng nhân chính là bản tính của con người,[28] cái nguyên lý để làm người. Vì nhân chính là yếu tính của con người cho nên con người phải nỗ lực tự mình thành tựu nhân. Nhân lại cũng là yếu tính của người quân tử, người quân tử không thể trong bất cứ tác vi nào mà xa rời nhân được.[ 29]
Bởi vì tầm quan trọng của chữ nhân và cũng chính bởi vì tính cách đa dạng của cách mà Khổng Tử giảng dạy về chữ nhân, Phan Bội Châu dành những sáu chương (các Chương V-X) để thảo luận về chữ nhân. Trong các chương này, ông giải thích toàn diện chữ nhân theo tám phương diện là thể, dụng, kinh, quyền, nhân, quả, chính, phụ.[ 30] Theo Phan Bội Châu thì tất cả những khái niệm khác như trung, thứ, đạo đều đồng nghĩa với nhân, nghĩa là cũng thuộc trong các phương diện kia của nhân.[ 31]
Phan Bội Châu nhận định rằng hơn một nửa sách luận ngữ là giảng về chữ nhân. Nhưng phần lớn là giảng về mặt trừu tượng.[ 32] Nhưng mà nhân cũng phải được nhấn mạnh trong nhân quần xã hội, cho nên Khổng Tử cũng giảng nhân về cả mặt cụ thể nữa.[ 33] Do đó, theo Phan Bội Châu tất cả các đức tính khác ứng xử trong các phương diện khác của đời sống đều được bao gồm trong nhân cả. Nói cách khác, không có nhân là nền tảng, chúng ta không thể nào hành xử các đức tính này được cả.[ 34]
Phan Bội Châu dành riêng một chương để bàn về phương pháp thành tựu nhân. Căn bản của phương pháp luận này là tri nhận phản diện và phụ diện của nhân. Theo ông chỉ khi nào chúng ta nhìn được cả chính diện và phản diện của nhân thì chúng ta mới lãnh hội trọn vẹn được khái niệm này.[ 35] Một cách văn tắt, Phan Bội Châu định nghĩa phản diện là những gì mâu thuẫn với nhân, phụ diện là những gì trợ giúp cho sự phát triển của nhân.[ 36] Tuy nhiên, theo nội dung của chương thì phản diện còn phức tạp hơn vấn đề giản dị là người học phải trừ bỏ những gì mâu thuẫn với nhân mà con phải đủ tinh tế của nhận thức để nhìn ra những ngộ nhận về nhân nữa. Xin đưa ra một ví dụ: “Mạnh Vũ Bá hỏi Tử Lộ có phải là người nhân không? Khổng Tử nói (5:8): ‘Không biết’. Lại hỏi nữa: ‘Trong một nước trung bình Do có thể thống lĩnh quân đội, nhưng mà có phải là người nhân hay không thì ta không biết’.[ 37] Ý nói là tuy, như chúng ta sẽ thấy, người nhân cũng phải ra gánh vác việc đời. Tuy nhiên, người có khả năng này chưa hẳn có thể được xem là người nhân được.[ 38]
Phan Bội Châu nói rằng Chương VIII là để giải thích mặt dụng của nhân. Đọc kỹ nội dung chúng ta thấy ông giải thích trí, kinh và quyền như là dụng của nhân. Chúng ta nhớ rằng trong Chương V ông đã giải thích trung và thứ như là dụng của nhân. Cũng chính trong chương này ông đã đề nghị rằng muốn hiểu trọn vẹn nhân chúng ta phải nhìn nhân từ tám phương diện gồm thể, dụng, kinh, quyền, nhân, quả, chính và phụ. Ở đây ông lại nói trí, kinh và quyền và dũng là dụng của nhân. Do đó, nhận thức luận của Phan Bội Châu nên được chỉnh đốn lại như sau:
Nhân phải được hiểu từ tám phương diện:
(1) Thể; (2) dụng gồm trung, thứ, trí, kinh, quyền và dũng; (3) nhân, (4) quả; (5) chính và (6) phụ.
Người nhân không phải chỉ là người nhân từ một cách mù quáng và nhu nhược mà còn phải có trí tuệ, có phương pháp và quyền biến cũng như dũng cảm để thi hành nhân tính trên cả mặt tâm linh lẫn xã hội.[ 39] Phan Bội Châu nhấn mạnh một cách hữu lý sự cần thiết của dũng. Ông minh giải thêm rằng trong đời sống thường ngày nhiều khi việc đúng với đạo lý lại trái với thế tục. Hơn nữa, việc hợp với lẽ phải thường không mang đến lợi lộc cá nhân, cho nên thường là khó. Do đó, người nhân phải có dũng mới có thể làm việc khó được. Đây cũng chứng tỏ sự liên hệ của dũng và trí.[ 40]
Ý nghĩa của chữ học:
Tuy rằng nhân là quan niệm nền tảng nhất trong Khổng Học và là yếu tính của con người, nhưng nhân không thể tự nhiên phát huy trong con người được.[ 41] Chúng ta phải dựa vào phương pháp học để phát huy tất cả mọi phương diện của nhân. Cho nên theo Phan Bội Châu chữ học được bàn đến trước tiên trong Luận Ngữ. Phan Bội Châu dành ra hai chương (II và III) để bàn về chữ học. Trước tiên ông luận về phương diện thực học của chữ học (Chương II),[42] sau đó ông lại giải thích thêm về các tầng bậc trong tiến trình học (Chương III). Rồi ông cũng lại dành thêm một chương rất dài để luận giải thêm về tầm quan trọng của chữ học và các phương diện và những phụ trợ cho chữ học (Chương XV).
Phan Bội Châu đặt nền tảng giải thích ý nghĩa căn bản của chữ học dựa trên tiết mở đầu Luận Ngữ: “Học rồi luôn luôn thực tập những điều mình đã học, như thế lại không vui sao? Có bằng hữu từ bên ngoài đến [cùng học], như thế lại không vui sao? Người ta không biết đến mình mà không buồn, như thế chẳng phải là quân tử sao?”.[ 43] Theo Phan Bội Châu đoạn văn này minh giải ba giai đoạn của người học:
Câu thứ nhất: “Học rồi luôn luôn thực tập những điều mình đã học”, là giai đoạn đầu, người học phải thường thường thực tập những điều mình học. Câu thứ nhì: “Có bằng hữu từ bên ngoài đến [cùng học]”, là giai đoạn giữa. Đây là phương diện cộng thông của việc học. Phan Bội Châu giải thích chữ “viễn phương” chỉ có nghĩa là từ bên ngoài đến, không cứ phải là nơi thật xa. Câu thứ ba: “Người ta không biết đến mình mà không buồn, như thế chẳng phải là quân tử sao?” là giai đoạn cuối của việc học. Đây là điểm then chốt nhất trong quan niệm học của Khổng Học, nói lên cái cốt yếu của cái học của người quân tử, mẫu người lý tưởng của Khổng Học. Một cách tóm lược, người quân tử học để thành tựu nhân tính chứ không phải học vì danh hay lợi. Câu này không hẳn chỉ mô tả nhân cách luân lý của người quân tử mà cả sự tự do tâm linh của người quân tử nữa.
Về quân tử:
Mặc dù quân tử là con người lý tưởng của chương trình Khổng Học của Phan Bội Châu, ông không dành riêng một chương nào để giải thích về khái niệm này. Có lẽ ông thấy không thiết yếu vì kết dệt trong các chương bàn về các bộ phận của chữ nhân và các chương khác quan niệm quân tử đã được giải thích. Quân tử chính là hiện thân của nhân và tất cả các phương diện của nhân. Chỉ có Chương XIII có tựa đề là “Phương Pháp Phân Biệt Quân Tử với Tiểu Nhân” trong ấy Phan Bội Châu dùng phương pháp tương phản để giải thích khái niệm quân tử.[ 44] Đúng hơn, chủ đề của chương này không phải là thảo luận cặn kẽ về khái niệm quân tử mà chỉ là cách dạy người học phân biệt quân tử và tiểu nhân. Do đó, chương này cũng chỉ nói lên nhân cách luân lý của con người mà thôi.
Trong chương cuối cùng (Chương XVII), Phan Bội Châu tổng kết rằng mục tiêu cứu cánh của Khổng Học là nhân, bởi vì các đề tài chính trong Luận Ngữ xoay chung quanh con người, chính trị, luân lý, xã hội, tất cả đều đặt trên nền tảng và là công dụng của chữ nhân. Mà có hoàn thành được nhân thì mới thành tựu được chữ thánh,[45] bởi vì thánh là khuôn mẫu của sự toàn hảo của nhân tính, mà muốn thành tựu được quả vị này thì phải đặt nỗ lực vào học, và muốn học thì phải lập chí.[ 46] Chúng ta thấy ở đây sự mô tả thánh như là hiện thân của nhân có vẻ tương đồng với sự mô tả về quân tử. Điểm này hơi thất thường vì suốt trong thiên “Luận Ngữ Trích Lục Diễn Giải” Phan Bội Châu chỉ dùng chữ thánh hay thánh nhân để chỉ Khổng Tử mà thôi. Ở đây thánh dường như được hiểu với ý nghĩa trừu tượng và tương đương với quân tử.
Đặc tính của thánh được Phan Bội Châu qui kết trong bốn phẩm tính: lạc, trung, quyền và thời.[ 47] Người đã thành tựu được toàn thiện của nhân tính rồi thì luôn luôn có cái lạc, bởi vì người ấy luôn luôn ở với đạo không còn bị lay động bởi hoàn cảnh bên ngoài nữa.[ 48] Người này còn giữ được cả trung trong tất cả mọi hành động của mình, tránh được các cực đoan. Thế nhưng tuy hành cần phải đúng với trung, trên thực tế sự việc tùy thời và địa cho nên đạo lý cũng phải tùy thời và địa khác nhau. Do đó, thánh còn có luôn cả các đức tính quyền và thời nữa.[ 49] Chúng ta có thể tóm lược rằng nhân (hay đạo hoặc lễ) là thể của thánh nhân; còn lạc, trung, quyền và thời là dụng của thánh nhân.
Ý nghĩa của chữ chí:
Học là con đường thực hiện nhân và tính thiện. Nhưng khi mới khởi sự thì phải dựa vào chí. Theo Phan Bội Châu thì chí là bước thứ nhất trên con đường Khổng Học.[ 50] Chí có nghĩa là ý muốn và sự quyết định. Chính Khổng Tử cũng đã nói: “Ta lúc mười lăm tuổi để chí vào việc học”.[ 51] Lập chí đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng một khi chí đã định rồi, nó giúp người học tránh được âu lo về những cái vụn vặt phụ thứ[52] và không bị vướng vào cái ác[53] và đưa người ta đến sự tự do của người quân tử.[ 54] Chỉ lúc ấy–tức là lúc đã lập chí rồi–người học mới có thể tu luyện cái học chân chính, nghĩa là cái học của người quân tử.[ 55] Tóm lại, bước đầu tiên của người học là lập chí. Mục tiêu của chí có ba phẩm: đạo, đức và nhân. Để chí vào đạo và đức này là nền tảng để chí vào nhân, bởi vì nhân chính là nguyên lý bao trùm của tất cả nền Khổng Học.[ 56]
Ý nghĩa của chữ lễ:
Dưới mắt các học giả Nho Giáo, lễ là một khái niệm hết sức trọng yếu. Điều hơi lạ là Phan Bội Châu tuy có đề cập đến lễ nhưng ông lại không dành ra một chương riêng biệt nào để nói về lễ cả. Từ viễn cảnh giải thích cũng như dụng ý của ông, Phan Bội Châu muốn nêu lên khía cạnh hiện đại của Khổng Học–biểu hiện qua cách ông trích lục từ sách Luận Ngữ–ông không thấy lễ với ý nghĩa như là những nghi tiết gắn chặt với hoàn cảnh văn hóa xã hội đặc thù nào đó là có ý nghĩa lắm với hoàn cảnh hiện đại. Chẳng hạn trong “chương XIV” nói về luân lý trong Khổng Học, Phan Bội Châu đặc biệt chỉ trích quan điểm lễ với ý nghĩa nghi tiết hình thức.
Trong suốt mười bảy chương diễn giải Luận Ngữ Phan Bội Châu hiểu lễ dưới hai khía cạnh: Lễ với ý nghĩa công ước là lễ phép và lễ với ý nghĩa trong khía cạnh huyền bí mà ông dùng thành ngữ “lẽ trời”[57] để diễn giải. Trong khuôn khổ giải thích của ông, thành ngữ này đồng nghĩa với “thiên lý”.[ 58] Tóm lại, theo Phan Bội Châu lễ có hai nghĩa: lễ như là nghi tiết và lễ như là thiên lý. Lễ như nghi tiết thì bị điều kiện bởi thời gian và có thể thay đổi. Lễ như thiên lý thì chính là nền tảng vũ trụ bản thể (cosmo-ontological ground) của con người, do đó phổ quát và thiết yếu.[ 59] Nhận thức này rất trọng yếu trong quan điểm của Phan Bội Châu về con người và luân lý xã hội.
Về chính trị, liên hệ xã hội và luân lý trong Khổng Học:
Đây là nội dung các Chương XI, XII, XIV và XVI. Về chính trị trong Khổng Học giải thích của Phan Bội Châu cũng không dị biệt gì với các học giả khác ở quan điểm rằng trong Nho Giáo chính trị chỉ là sự nối dài của luân lý. Ông cũng không đưa ra được gì mới lạ hơn là quan điểm chính trị được đặt trên căn bản của luân lý và giáo dục hơn là sự chặt chẽ của luật pháp. Với tư cách là nhà Nho, Phan Bội Châu tuy luôn đặt tầm quan trọng của chính trị vào luân lý, ông lại vẫn luôn luôn qui kết về sự quyền biến. Điều đáng lưu ý nhất là ông mượn cơ hội bàn về những đề tài này để phê bình một số quan điểm thủ cựu của luân lý chính trị Nho Giáo.
Phan Bội Châu trích tiết 4:10 để minh giải quan điểm của mình: “Người quân tử ở trong thiên hạ, không khăng khăng chấp nhận hay từ chối cái gì cả. Chỉ làm đúng với nghĩa mà thôi”.[ 60] Theo Phan Bội Châu, “vô thích” có nghĩa là “chấp lấy làm phải mà nhất định theo”, và “vô mịch” là “nhất định chấp lấy làm dở mà không chịu làm”.[ 61] Rồi ông liên kết hai khái niệm này với lời Khổng Tử nói tiết 18:8 rằng–khác với các ẩn sĩ cố chấp vào một thái độ–ông “ngã tắc dị ư thị vô khả vô bất khả”.[ 62] Phan Bội Châu nhận xét thêm rằng hai thành ngữ “vô khả, vô bất khả” chính là để xác định hai khái niệm “vô thích, vô mịch”. Rồi ông kết luận: “Chỉ bốn câu ấy là hết được đạo lý của thánh nhân thiệp thế”.[ 63]
Phan Bội Châu đặc biệt giải thích thêm chữ nghĩa. Theo ông, ở đây chữ này có ba nghĩa: (a) thời nghĩa, (b) nghĩa vụ, và (c) nghĩa lý. Ông giải thích chữ nghĩa lý theo cách đặc thù của ông như sau: “Nghĩa lý thường phải theo việc mà thay đổi: tỷ như ở vào nước quân chủ thời trung quân ấy là hay, ở vào nước dân chủ thời trung quân lại là dở; chế độ giai cấp ở vào nước dã man thời là sự thường, mà đưa vào nước văn minh thời lại độc ác cho nhân đạo. Vì thì nghĩa, nghĩa vụ và nghĩa lý không thể nhất định được đã như thế, nên thánh nhân ở với đời, cũng chỉ tùy nghĩa mà biến hóa”.[ 64]
Khi bàn về khía cạnh luân lý ở nơi quốc gia, Phan Bội Châu nỗ lực giải thích lại luân lý quân thần trong Nho Giáo. Bởi vì đây là một phạm vi bị chỉ trích nhiều nhất trong Nho Giáo. Phan Bội Châu công nhận rằng luân lý quân thần là trọng yếu trong Nho Giáo vì Nho Giáo[65] phát sinh trong chế độ quân chủ. Nhưng mà cái thái độ tôn quân quá khích theo ông là do tội lỗi của Hán Nho ngụy tạo ra sách vở và nhét những tư tưởng sai lầm tai hại vào luân lý quân thần của Nho Giáo. Phan Bội Châu tập trung sự phê bình của ông vào chương “Hương Đảng” mà ông cho là của Hán Nho ngụy tạo ra.[ 66]
Phan Bội Châu giải thích quan điểm chân chính của Khổng Tử đối với luân lý quân thần (3:18): “Tử viết: ‘sự quân tận lễ, nhân dĩ vi siểm dã”.[ 67] Phan Bội Châu dịch tiết này ra Việt ngữ hơi khó hiểu như sau: “Hễ những kẻ thờ vua hết sức làm cho có lễ mạo, là những món người dung tục kia lấy đó làm cách siểm nịnh mà thôi”.[ 68] Theo cách ông giải thích tiếp sau đó, tôi nghĩ Phan Bội Châu muốn nói Khổng Tử xem những kẻ phụng sự vua theo nông cạn bề ngoài là siểm nịnh.
Ông trích thêm tiết 3:19: “Định Công hỏi: ‘Quân sai sử thần, thần phụng sự quân, phải như thế nào?’ Khổng Tử trả lời: ‘Quân sai sử thần bằng lễ, thần phụng sự quân với trung”.[ 69] Phan Bội Châu giải thích rằng vua và tôi người nào có chức phận của người ấy, chỉ chung gánh vác việc nước mà thôi. Cho nên vua không được ỷ vào quyền thế của mình, lúc sai sử tôi cũng phải giữ lễ. Tôi phụng sự vua, không phải chỉ vì kiêng nể quyền thế vua, chỉ làm hết nghĩa vụ mình gánh vác việc nước, cốt ở lòng ngay thẳng, cho nên phải dựa vào trung, tức là sự thẳng thắn. Do đó, theo Khổng Tử luân lý quân thần có sự quân bằng chứ không phải là một chiều. Vua phải có lễ, thần phải có trung. Nếu vua thiếu lễ ông đã làm mất cái trung nơi tôi.[ 70]
Theo Phan Bội Châu tiết sau đây (11.22) cũng giải thích rõ thêm luân lý quân thần theo Khổng Tử: “Quí Tử Nhiên hỏi: ‘Trọng Do, Nhiệm Cầu có thể được gọi là đại thần không?’ Khổng Tử nói: ‘Đáng được gọi là đại thần là người dùng đạo để phụng sự vua, nếu thấy không được thì phải thôi ngay. Như Do với Cầu chỉ là cụ thần mà thôi”.[ 71] Ý của tiết nàylà thần đối với quân cũng chỉ là nghĩa vụ cá nhân thôi. Phan Bội Châu nhấn mạnh rằng thành ngữ “bất khả tắc chỉ” có nghĩa là hợp với đạo thì phụng sự, không hợp với đạo thì thôi.[ 72] Luân lý quân thần theo Khổng Tử có bao giờ bảo người ta sống theo vua chết theo vua đâu. Theo Phan Bội Châu thì các giáo điều như “tôn quân ty thần” và “bất sự nhị quân” chỉ là luân lý của ngụy Nho chứ không phải là luân lý của Khổng Học.[ 73]
Theo Phan Bội Châu thì Khổng Tử dạy rằng luân lý quân thần nghĩa là đối với quốc gia cũng chỉ là tùy nghi ứng phó mà thôi. Chỉ có nghĩa vụ đối với xã hội mới là trọng yếu. Ông nói rằng toàn bộ Luận Ngữ không một câu nào mà không dính dáng đến xã hội. Đạo lý áp dụng cho một người một nhà hay một quốc gia đều đặt nền tảng trên xã hội. Xã hội bao gồm cả cá nhân, gia đình và quốc gia. Nói tóm, xã hội theo ông có nghĩa là nhân loại. Chủ trương lý tưởng mà ông gọi là đại đồng, Phan Bội Châu tin rằng con người có trách nhiệm nhiều với xã hội (nhân loại) hơn là quốc gia chứ đừng nói là quân. Theo ngôn ngữ của ông thì luân lý Khổng Học là một thứ luân lý đại đồng chứ không phải là một thứ luân lý địa phương.[ 74]
Kết Luận:
Trong tình thế hiện tại Nho Giáo đang tiếp tục ở trong tình trạng suy đồi, Nho Học thì nghèo nàn thiếu sót. Nhà Nho là một chủng loại sắp tận diệt (hay có lẽ đã tận diệt).[ 75] Nghiên cứu nghiêm nghị đúng tiêu chuẩn về Nho Giáo thì hầu như hoàn toàn không có. Hơn nữa, khuyến khích nghiên cứu Nho Giáo lại còn có thể bị xem là một hiện tượng thoái hóa văn hóa. Tuy nhiên, các giá trị Nho Giáo có hoàn toàn biến mất trong sinh hoạt văn hóa, luân lý và tâm linh của người Việt Nam hay không thì lại là một chuyện khác.[ 76]
Đọc lại Phan Bội Châu là một nỗ lực sơ khởi của tôi trong kế hoạch nghiên cứu Nho Giáo tại Việt Nam. Như đã đề cập ở trên, lần thứ hai tôi tiếp cận trước tác của Phan Bội Châu với một thái độ bình thản hơn. Tôi không kính cẩn chấp nhận ngay tư tưởng của ông như đa số những người còn chịu khó bỏ thì giờ để đọc ông, nhưng tôi cũng không chối bỏ ngay cho rằng Nho Giáo đã lỗi thời. Tôi chỉ muốn nỗ lực đọc ông một cách phê phán (critical) cách mà Phan Bội Châu, một nhà Nho được kính trọng của Việt Nam, hiểu sách Luận Ngữ.
Nghiên cứu một cách nghiêm nghị trước tác của các nhà Nho Việt Nam như bộ Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu giúp chúng ta hiểu được phần nào tình trạng Nho học, mức độ hiện diện của Nho Giáo tại Việt Nam. Như thế có nghĩa là chúng ta phải nghiên cứu Nho Giáo tại Việt Nam dựa vào những tài liệu thành văn cùng những tư liệu khác, chứ không phải chỉ sự suy diễn chủ quan hay phóng đại một cách đầy cảm tính. Tôi nghĩ nhận thức này sẽ là nền tảng tiên khởi cho việc nghiên cứu Nho Giáo một cách có học thuật trong tương lai.
NHƯ HẠNH
(Giáo sư Triết học Đông Phương - Đại học George Mason, Fairfax, Virginia, Hoa Kỳ)
--------------------------------------------
Phụ chú:
[1] Trần Trọng Kim, Nho Giáo. Tái bản (Đại Nam, không đề nơi và năm xuất bản), trang 386.
[2] Sơ lược về Phan Bội Châu xem Nguyen Dinh Hoa, Vietnamese Literature: A Brief Survey (San Diego State University, 1994), các trang 136-37.
[3] Xem Herbert Fingarette, Confucius–the Secular as Sacred (New York: Harper & Row, 1972 ), trang vii.
[4] Xem Simon Leys, transl. The Analects of Confucius (New York: W. W. Norton & Company, 1997), trang xvii.
[5] Do đó mà suốt bài viết này khi trích những tiết trong Luận Ngữ mà Phan Bội Châu diễn giải phần vì đôi khi ông chỉ dịch thoát, phần vì tiếng Việt của ông đôi khi quá tối nghĩa, tôi chọn phương cách là viết lại bằng một thứ tiếng Việt dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, tôi luôn luôn cố hết sức giữ đúng ý ông để hợp với cách diễn giải của ông.
[6] Xem Sào Nam Phan Bội Châu, Khổng Học Đăng. Tái bản (Los Alamitos, không đề ngày tháng), các trang 11-237. Theo lời tựa của nhà xuất bản trong ấn bản nguyên thủy thì Phan Bội Châu hoàn thành tập sách này vào năm 1936.
[7] Trong phần về viễn phái của Khổng Học tuy đây đó Phan Bội Châu cũng tỏ lòng tôn kính với một vài Nho gia Trung Hoa, ông vẫn chủ trương phục hồi Khổng Học chính thống qua tư tưởng của chính Khổng Tử hơn là dựa vào một nhà Nho nào đó.
[8] “Luận Ngữ Trích Lục Dẫn Giải” gồm 17 chương: Chương I: Tiểu sử Khổng Tử, Chương II: Bàn về chữ học theo Khổng Tử, Chương III: Bàn kỹ thêm về chữ học, Chương IV: Bàn về chữ chí, Chương V: Bản thể của chữ nhân, Chương VI: Bàn chi tiết về nhân, Chương VII: Bàn về những tương phản và phụ trợ cho nhân, Chương VIII: Nhân với trí và dũng, Chương IX: Nhân thể nghiệm bởi người xưa, Chương X: Kết luận về nhân, Chương XI: Quan điểm chính trị của Khổng Học, Chương XII: Liên hệ xã hội theo Khổng Học, Chương XIII: Cách phân biệt quân tử và tiểu nhân, Chương XIV: Luân lý trong Khổng Học, Chương XV: Bàn thêm về học, Chương XVI: Phương pháp tìm thầy kén bạn, Chương XVII: Cách giáo dục của Khổng Tử, Chương XVIII: Kết luận, bổ lục.
[9] Khổng Học Đăng, các trang 74-75.
[10] Cách giải thích này có vẻ kỳ đặc, tuy nhiên giải thích như vầy và dùng hai tiết này để mở đầu chương nói về phương pháp dạy học của Khổng Tử thì người đọc khó thấy được liên hê. Xem Khổng Học Đăng, trang 203.
[11] Khổng Học Đăng, trang 209.
[12] Ibid, trang 212.
[13] Theo Hán Ngữ Đại Từ Điển (Shanghai, 1989), Tập 4, trang 781a, “thúc tu” có nghĩa là mười lát thịt khô. Chu Hi (Zhu Xi) cũng giải thích theo nghĩa này. Xem Tứ Thư Tập Chú , 1980.
[14] Ibid., trang 214.
[15] Phan Bội Châu dùng hai từ ngữ trừu tượng và cụ thể. Dụng của nhân gồm các phương diện như trí, dũng, kinh và quyền.
[16] Đôi khi Phan Bội Châu sử dụng chữ thánh nhân, nhưng dường như không với những ý niệm của Tân Nho Học mà ông chỉ muốn ám chỉ cá nhân Khổng Tử như là hiện thân lý tưởng của Khổng Học.
[17] Chương trình Khổng Học này của Phan Bội Châu có thể so sánh được với chương trình của Đại Thừa Phật Giáo.
[18] Hơn hai ngàn năm nay Nho Giáo Trung Quốc và Đông Á xem Khổng Tử như một bậc thầy tối thượng và Phan Bội Châu cũng chia sẻ quan điểm này. Tuy nhiên, theo Simon Leys thì đây là một quan niệm sai lầm khởi xướng bởi đế quốc Trung Hoa với dụng ý để trung hòa hóa thông điệp chính trị của Khổng Tử có thể có hại cho họ. Xem The Analects of Confucius, trang xxii.
[19] Điều đáng ngạc nhiên là Simon Leys hoàn toàn không không chú giải gì về tiết này. Thông thường người ta hay dựa vào tiết 7:1 (chương “Thuật Nhi”) trong ấy Khổng Tử phát biểu rằng ông “thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ” để mà khư khư kết luận rằng Khổng Tử là một truyền thống gia có tư tưởng thủ cựu. Nhận thức phổ thông này có đúng hay không lại là một chuyện khác. Herbert Fingarette có đưa ra những nhận xét rất lý thú về vấn đề này, xem Confucius–The Secular as Sacred (New York: Harper & Rows Publishers, 1972), các trang 57-70.
[20] Khổng Học Đăng, trang 23. Ở đây một lần nữa chúng ta nhận thấy Phan Bội Châu vạch ra rằng trái với một số thành kiến, Khổng Giáo không phải chỉ tập trung vào những người già nua cổ hủ.
[21] Ibid.
[22] Trong khuôn khổ này Phan Bội Châu nhận định thêm: “Công việc học của thánh hiền đời xưa, há phải như cách học của người đời ta bây giờ đâu!” Dường như ông bất mãn với cái học từ chương, học để ra làm quan của hủ Nho. Nền giáo dục toàn diện của Khổng Học nhắm đào tạo cả luân lý lẫn kiến thức “chuyên môn”.
[23] Xem Khổng Học Đăng, các trang 168-95.
[24] Đó là (a) hiếu học, học và tư , và phạm vi chữ học. Tuy nhiên, tiết thứ ba hơi thiếu tập trung và lủng củng.
[25] Tiết 5:28, Khổng Tử nói: “Trong một xóm chỉ có mười nhà kia ắt cũng có người trung tín như Khâu, nhưng khó có ai hiếu học được như Khâu cả”.
[26] Khổng Học Đăng, trang 168.
[27] Ibid. Tôi nghĩ thông điệp này của Khổng Tử vẫn còn giá trị trong khung cảnh hiện thời với tinh thần phản trí thức cao độ của đa số người Việt Nam.
[28] Khổng Học Đăng, các trang 36-37. Phan Bội Châu cũng trích câu “nhân giả nhân dã” để nhấn mạnh quan điểm này.
[29] Xem Luận Ngữ 4:5: “Quân tử khử nhân ô hồ thành danh. Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị”. Khổng Học Đăng, trang 37
[30] Khổng Học Đăng, trang 34. Trong các chương này thì Chương V, VI và VIII (thể và dụng của nhân), và VII (chính và phụ của nhân) là quan trọng, còn Chương IX chỉ bàn về sự hể hiện của nhân nơi các người xưa. Chương X là kết luận.
[31] Khổng Học Đăng, các trang 40-41. Khổng Tử phát biểu: “Ngô đạo nhất dĩ quán chi... trung thứ nhi dĩ hĩ”. Phan Bội Châu giải thích rằng trung thứ chỉ có nghĩa là nhân (mặt dụng), cho nên cái nhất quán của Khổng Học chính là nhân. Ibid., các trang 39-41. Ông còn trích sách Trung Dung: “trung thứ vi đạo bất viễn” rồi cắt nghĩa rằng đạo ở đây chỉ có nghĩa là nhân.
[32] Phan Bội Châu không nói rõ ông hiểu chữ “trừu tượng” theo nghĩa nào. Theo nội dung chúng ta có thể nói “trừu tượng” ở đây có nghĩa là mặt “thể” hay “huyền bí” của chữ nhân.
[33] Phan Bội Châu dùng thành ngữ “trừu tượng” để chỉ phương diện “thể” của nhân, trong khi thành ngữ “cụ thê” chỉ bảy phương diện còn lại của nhân.
[34] Đây là nội dung của Chương VI mà Phan Bội Châu gọi là “Các Bộ Phận Và Chi Tiết Ở Trong Chữ Nhân”. Khổng Học Đăng, các trang 43-50.
[35] Trong các chương này ngôn ngữ của Phan Bội Châu có hơi lủng củng. Trong Chương V khi liệt kê tám phương diện của nhân ông dùng hai chữ chính và phụ . Rồi ở Chương VII chính là chương tập trung vào hai khái niệm này lại có tên là “Phản Diện Với Phụ Diện Chữ Nhân Trong Khổng Học”. Theo nội dung của chương thì phản diện có nghĩa là tương phản và phụ diện có nghĩa là cái trợ lực. Khổng Học Đăng, các trang 51-62. Đúng ra thì phản diện và phụ diện là hai mặt của nhận thức chính diện về nhân. Phan Bội Châu dường như đồng nhất chính và phụ, nhưng ông lại xem chúng là hai phạm trù giải thích chữ nhân. Lưu ý rằng trong Chương XIII Phan Bội Châu cũng dùng phương pháp chính và phản để định nghĩa người quân tử.
[36] Ibid., trang 61.
[37] Ibid., trang 55.
[38] Dụng ý của Phan Bội Châu ở đây là đả phá nhận thức phổ thông rằng Nho Giáo chỉ là một chế độ quan liêu. Tuy cái dụng của nhân (và của người quân tử) là gánh vác việc quốc gia và nhất là xã hội, thế nhưng chỉ có khả năng làm quan mà thôi chưa đủ được xem là người nhân (hay quân tử được).
[39] Nếu chúng ta có thể dùng ẩn dụ từ quan điểm Ấn Giáo thì người nhân hay quân tử trong Khổng Học của Phan Bội Châu vừa là một brahmin vừa là một kshatriya.
[40] Khổng Học Đăng, các trang 65-66.
[41] Phan Bội Châu trích hai tiết trong chương “Thuật Nhi” để nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ học. Chính Khổng Tử đã từng nói “ta không phải bẩm sinh mà biết”; “học không biết chán, dạy người không biết mệt” (7:33).
[42] Ở đây Phan Bội Châu sử dụng thành ngữ “thực học” không được rõ ràng lắm. Dựa vào nội dung của chương này có lẽ ý ông muốn nói về yếu tính của chữ học hơn là thực học hiểu như là ý nghĩa thực tiễn và cách ứng dụng chữ học vì ông đã giải thích các phương diện này trong các chương III và XV.
[43] Khổng Học Đăng, trang 20.
[44] Ibid., các trang 144-52.
[45] Ở đây khi xem mục tiêu cứu cánh của Khổng Học là thánh–đồng hoá nhân và quân tử với thánh–dường như Phan Bội Châu rơi vào lối hiểu của Tân Nho Học mà ông thường chỉ trích. Lý Túc Cốc (Yi Yulgok) (1536-84), một tư tưởng gia Tân Nho Học của Cao Ly cũng đặt thánh ở trên quân tử trong mục tiêu của Nho Giáo. Xem Young-chan Ro, The Korean Neo-Confucianism of Yi Yulgok (Albany: State University of New York Press, 1989), các trang 98-99.
[46] Khổng Học Đăng, trang 221.
[47] Ibid., trang 220.
[48] Ở đây Phan Bội Châu dùng chữ đạo thay vì chữ nhân. Nhưng như đã nêu ra ở trên, theo ông thì hai chữ này đồng nghĩa.
[49] Tuy Phan Bội Châu phân quyền và thời thành hai phẩm, nhưng theo cách giải thích của ông thì hai phẩm này không có gì là khác nhau. Ông luôn luôn nhấn mạnh vào tính cách quyền biến của Khổng Học. Lưu ý rằng Phan Bội Châu cho rằng chương “Hương Đảng” là ngụy tác, nhưng ông lại trích dẫn tiết 10:21 để chứng minh chữ thời. Một số học giả cho rằng tiết này nằm trong chương này không được ổn lắm. Xem Chichung Huang, op. cit. trang 115; Simon Leys, op. cit., trang 168.
[50] Ibid., trang 27.
[51] Ibid.
[52]Luận Ngữ 4:9, Khổng Học Đăng., trang 28.
[53] Luận Ngữ 4:4, Ibid.
[54] Luận Ngữ 4:14, 15:9, 11:16. Ibid., trang 29.
[55] Luận Ngữ 14:24, 15:21, 13:52. Ibid., các trang 30-31.
[56] Ibid., trang 32.
[57] Phan Bội Châu là một nhà Nho thường dùng Hán ngữ, song đôi khi vì lý do “chỉ có trời mới hiểu” ông lại dùng những thành ngữ rất nôm na để diễn giải những thuật ngữ mà nếu ông sử dụng từ Hán Việt thì tư tưởng của ông hẳn sẽ sáng tỏ hơn nhiều. Chẳng hạn, đôi khi ông dùng thành ngữ “lòng tốt” thay vì tính thiện.
[58] Khổng Học Đăng, trang 36.
[59] Ví dụ trong Chương XII, Phan Bội Châu trích một đoạn trong tiết 16:13: “Không học lễ thì không có chỗ để lập”. Trong Chương V, ông cũng trích tiết 12:1: Một ngày mà mình khắc kỷ phục lễ được thì thiên hạ đều quay về nhân cả”. Ông giải thích rằng kỷ là cá nhân, lễ là những gì trái với tư dục, những cái phi lễ, một khi khắc phục được tư dục, nói chung là những hạn hẹp cá nhân, thì người ta khôi phục được lễ. Cho nên lễ là một với nhân. Xem Khổng Học Đăng, các trang 35-36.
[60] Ibid., trang 122.
[61] Ibid.
[62] Ibid.
[63] Ibid., trang 123.
[64] Ibid., trang 123.
[65] Đây là một trường hợp hiếm hoi mà Phan Bội Châu dùng danh xưng Nho Giáo. Có lẽ ông phân biệt giữa Nho Giáo như là một truyền thống lịch sử và Khổng Học như là tư tưởng chính thống của Khổng Tử. Xem Khổng Học Đăng, trang 159.
[66] Ibid., các trang 159-60.
[67] Chichung Huang giải thích tiết này như sau: “Trong thời Khổng Tử, đa số người ta thiếu lễ trong việc sự quân. Do đó, họ cho những người sự quân với lễ là siểm nịnh”. Xem op. cit., trang 64. Simon Leys dịch tiết này như sau: “Khi một người sự quân giữ đúng lễ, thiên hạ cho người ấy là siểm nịnh”. Ông không chú giải thêm gì cả. Xem op. cit., trang 12.
[68] Ibid., trang 160. Ông lưu ý người đọc rằng chữ lễ trong trường hợp này chỉ có nghĩa nghi tiết hình thức chứ không có nghĩa là thiên lý như trong câu “khắc kỷ phục lễ” chẳng hạn.
[69] Ibid., trang 160.
[70] Ibid., các trang 160-61. Ở mặt này Phan Bội Châu có đồng minh nơi Simon Leys. Xem The Analects of Confucius, trang xvi. Tuy nhiên, dịch chữ lễ trong tiết này là “courtesy” (A ruler should treat his minister with courtesy) thì hơi yếu. Tôi nghĩ dịch như Chichung Huang: “The sovereign should employ the officials in accordance with the rituals” thì mạnh mẽ và chính xác hơn. Xem Chichung Huang, op. cit., trang 64.
[71] Khổng Học Đăng, trang 161. Tiết này Phan Bội Châu giản lược chính văn chứ không trích nguyên cả tiết. Thành ngữ cụ thần trong tiết này có nghĩa là người điền vào một chức vụ cho đủ số thôi.
[72] Đây là điểm then chốt mà Phan Bội Châu nhấn mạnh trong luân lý chính trị (quân thần) của Khổng Học. Trong Chương XII ông cũng trích các tiết 14.3 và 8.13 để giải minh điểm này. Xem Khổng Học Đăng, các trang 118-19.
[73] Ibid., trang 162. Phan Bội Châu còn dẫn thêm tiết 15.7 để chứng minh quan điểm của ông.
[74] Ibid., trang 163. Phan Bội Châu trích tiết 20.1 để chứng minh rằng trong luân lý Khổng Học thì xã hội, tức là nhân loại, quan trọng hơn quốc gia. Chỉ khi nào thiên hạ nhận thức được như thế thì mới không còn diệt quốc hay tuyệt thế nữa. Xem ibid., các trang 166-67. Tôi nghĩ hai thành ngữ này của Phan Bội Châu có thể được dịch ra là genocide (diệt chủng) và ethnocide (diệt văn hóa).
[75] Đa số người Việt Nam hiện đại có ý niệm rất tiêu cực về nhà Nho. Trong tâm mục họ thì nhà Nho là những người đã lỗi thời, gàn dở, cùng lắm thì chỉ có một ít đạo đức thủ cựu, suốt ngày ngồi không làm mấy bài vè vô ích để vợ nuôi.
[76] Có thể nói rằng tới một mức độ nào đó các giá trị Nho Giáo vẫn luôn luôn thể hiện rõ ràng trong các sinh hoạt của đa số người Việt Nam hiện nay.
- Từ khóa :
- NHƯ HẠNH