- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Thảo Trường

09 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95210)

 

thaotruong_1
 Nhà văn Thảo Trường (1936-2010)

Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh 1936 tại Nam Định, nổi tiếng tại Miền Nam trước 1975, qua đời tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ, ngày 26-8-2010 vì bệnh ung thư gan, thọ 74 tuổi. Sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bực thiếu tá, ông là một trong những người tù lâu năm nhất : 17 năm cấm cố qua 18 trại giam từ Nam ra Bắc.

 

Di cư vào Nam năm 1954, ông vào trường sĩ quan Thủ Đức, phục vụ ngành pháo binh vùng giới tuyến và bắt đầu viết văn. Truyện ngắn đầu tiên Hương gió lướt đi đăng trên tạp chí Sáng Tạo, Sài Gòn, ký bút hiệu Thao Trường, đã gây ngay được tiếng vang trong giới độc giả trẻ thời đó ,vì đề tài mới mẻ, qua giọng văn đơn giản và trong sáng

Chuyện bắt đầu tại Hà Nội, giữa một cậu học trò mười lăm tuổi, với cô hàng xóm tên Ngân, hơn cậu – người kể chuyện – khoảng năm, bảy tuổi. Ngân làm chủ một quán giải khát, phục vụ lính Pháp, quan tâm đến cậu bé hàng xóm như một người em, và bị các đồng nghiệp « nhà thổ » khác chế riễu : « xê-ri của chị Ngân đấy chùng mày ạ … Nhưng Ngân đã nghiêm chỉnh bảo họ : – các chị đừng đùa. Anh ấy là học sinh, không ưa thế đâu » [1].

 

Chuyện và văn không có gì lạ, nhưng thời đó, 1960, độc giả học sinh, sinh viên ham thích vì cách viết thật thà, đơn giản, phản ánh thời đại một cách bàng quan : không khí Hà Nội thời cuối chiến tranh Việt Pháp, cuộc di cư 1954 ; hai nhân vật gặp lại nhau khi « tôi » đã trưởng thành, quan hệ đi xa hơn, rồi Ngân theo chồng về Pháp, vẫn thư từ cho người bạn cũ.

 

Lối kể chuyện tự nhiên, chân thành đến mức nhiều người đọc ngờ là chuyện tình của tác giả. Sau này Thảo Trường kể lại là chuyện phần nào có thật, nhưng là chuyện của một bạn học cùng lớp, anh nghe được và viết lại [2].

 

Một truyện khác, cũng trên báo Sáng Tạo, gây hứng thú là Đò dọc : hai người yêu nhau, nhưng vào buổi di cư 1954, họ chia tay, cô gái, tên Kim, tặng người yêu tấm khăn san màu đỏ của mình làm kỷ niệm. Họ gặp lại nhau tại Huế trong cảnh oái oăm : chàng đi dạy học, tìm thú chơi bời trên « đò dọc » và gặp lại nàng làm gái điếm. Họ mừng mừng tủi tủi và trong cơn tái hợp bị kiểm tục bắt quả tang. Chàng không lẩn tránh, bị đuổi việc nhưng chính thức cưới nàng, đúng theo tập quán xã hội. Mẩu đối thoại nhỏ, chân thật, đã gây ấn tượng thời đó :

« Lúc đó Kim hôn tôi như tôi đã hôn nàng. Hai chúng tôi ngả người ra chiếc gối. Ánh đèn dầu lờ mờ, Kim sờ chiếc khăn đỏ ở cổ tôi.

Khăn ngày xưa ?

Không phải. Khăn ngày xưa anh đã cho một người con gái khác. Khăn này anh mua hồi chiều » (Thử Lửa, tr. 54).

 

Trong truyện Xác chết, ngay buổi gặp gỡ đầu tiên, người khách làng chơi đã đưa cô Lim, gái điếm, về làm vợ và họ sống hạnh phúc cho đến ngày người vợ bị tên nhân ngãi cũ ám sát.

 

Ghi nhanh về tên các cô gái giang hồ: người tên Ngân, người tên Kim, toàn tên vàng tên bạc. Lim là tên gỗ quý. Những chất rắn, bền, quý. Nhận xét nhỏ thôi, nhưng có thể là một trong vài ba chìa khóa mở vào thi pháp Thảo Trường.

 

Cô gái giang hồ từ Nguyễn Du đến Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng đến nay, là một biểu tượng xã hội, nội hàm có thể không thay đổi bao nhiêu, nhưng từ thế hệ Thảo Trường trở về sau, như nơi Nguyễn Ngọc Tư ngày nay, biểu tượng hàm súc và phức tạp hơn nhiều, nhất là nói chung, truyện ngắn Thảo Trường phản ánh những giai đoạn lịch sử rõ nét.

 

Trong Thử Lửa, Thao Trường trực tiếp đề cập đến chính trị, việc phân chia đất nước và kỳ vọng vào cuộc thống nhất trong hòa bình, đoàn kết « công việc nối liền hai miền, xóa đi cái ranh giới trên đất đai và cái ranh giới trong tâm hồn chúng ta là công việc của chúng ta » (tr.26-27).

 

Là sĩ quan trẻ tuổi mới ra trường, hoạt động tại miền giới tuyến, Thao Trường đã suy nghĩ và tin tưởng : « Ý nghĩ đầu tiên của tôi về con sông này : nó chỉ là biên giới của đất đai, nó không là biên giới của tư tưởng. Người bên kia hay bên này không qua lại nhau, nhưng những tư tưởng phát sinh từ tâm hồn người bên này hay bên kia thì cũng nẩy nở sang bên kia hay bên này. Những cái gì được nuôi dưỡng từ trong lòng người này thì cũng có được ở trong lòng người khác. (…) Tôi cố gắng phân biệt ra biên giới nhưng không được, vẫn chỉ là làng mạc, đồng ruộng và đường đi ; muôn đời muôn thuở vẫn là hình ảnh quê hương tôi. (…) Mười ba triệu người đằng sau tôi chắc cũng tin như vậy ? Tôi đứng gác ở tiền tuyến cho nửa dân tộc yêu nhau và tin tưởng con sông trước mặt tôi sẽ không là biên giới » (tr.88).

 

Điều đó, bây giờ đọc lại, 1975 hay 2011, ta cho là ngây thơ, ảo tưởng. Nhưng thời đó, 1960, cùng với Thảo Trường nhiều người ước mong như vậy. Trong lời giới thiệu Thử Lửa, Nguyễn văn Trung đã viết, 1960 : « Tôi coi Thao Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của những nhà văn mà sứ mệnh là nhắc nhở cho con người những giá trị làm người thường xuyên bị quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người » (tr.145).

 

(Tập truyện Thử Lửa in 1962, ký tên Thao Trường. Sau đó tác giả mới thêm vào dấu hỏi, có lẽ để tránh sự trùng hợp tình cờ với bút danh của Nguyễn Huy Tưởng đã dùng trên báo Tiên Phong, Hà Nội, 1945, và Văn Nghệ, Việt Bắc, những năm 1948, 1949. Trong bài này chúng tôi tùy nghi dùng tên này hay tên kia).

 

Quan điểm của Thao Trường và cả Nguyễn văn Trung vào một thời điểm nhất định, là thành tâm, thiện chí của một lớp người.

(Khi một lý tưởng thất bại thì biến thành ảo tưởng. Nhưng cũng có khi chiến thắng hóa lý tưởng thành ảo tưởng : ngoài đề).

 

Khi Thảo Trường – vừa mới đổi tên, rời pháo binh vào ngành An ninh Quân đội – đi khắp nơi, anh có dịp tìm hiểu chiến tranh sâu xa hơn, nhưng vẫn chung thủy với ước vọng của mình, là tìm kiếm hòa bình trong tình đoàn kết dân tộc. Anh hợp tác chặt chẽ với báo Hành Trình, quay ronéo, do Nguyễn văn Trung và một nhóm trí thức công giáo tiến bộ chủ trương, chủ yếu đòi hỏi chấm dứt chiến tranh. Truyện ngắn Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp, nổi tiếng, viết 1964, đăng trên Hành Trình số 1, nhà xuất bản Trình Bày cùng nhóm ấn hành 1966, đã được dịch ra tiếng Pháp đăng trên tuần báo công giáo Témoignage Chrétien phổ biến trên khắp thế giới, thời đó, về sau in trong tuyển tập chứng từ chiến tranh [3].

 

thaotruong_3Chuyện kể : người đàn bà mang thai là cán bộ cộng sản, gài lựu đạn dưới một tấm ván gỗ ghi khẩu hiệu « đả đảo đế quốc Mỹ » để gài bẫy. Toán lính Việt Nam Cộng Hòa biết được, buộc đương sự phải triệt hạ tấm ván. Lựu đạn rớt xuống may không nổ. Người đàn bà động thai đẻ non. Viên sĩ quan chỉ huy toán lính phải đỡ đẻ rồi khai sinh cho đứa bé, « cho nó mang họ của ông ta ». Và để lại mẩu nhắn tin ngắn cho cậu bé mai kia, khi lên 20 tuổi : « trước khi hành động… xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ đến những người mẹ bị rất nhiều chủ nghĩa với những danh tự hoa mỹ hành hạ » [4].

 

Chuyện viết tại Sài Gòn, ngày 27.11.1964, trong ngụ ý khôi phục tình người qua tình đồng bào. Rồi đến 1975, Thảo Trường đã phải đi tù non 17 năm. Sang Mỹ 1993, trong truyện ngắn Khẩu hiệu anh viết tiếp câu chuyện tại Huntington Beach, ngày 25.5.1993, kể chuyện trong một trại tù Việt Bắc, kèm lời Nhắn tin : « nhắn cậu thanh niên ra đời, sẩy thai, thiếu tháng, mang họ nhờ… Người đỡ đẻ và khai sinh cho cậu đã chết trong tù. Khi chiến tranh chấm dứt, cũng không thấy có một người đàn ông nào gọi là cha ruột cậu trở về. Còn mẹ của cậu nghe nói đã có một đời chồng khác » [5].

 

Truyện sau mang tên Khẩu hiệu vì tù nhân đã điêu đứng, có người chết trong trại cải tạo vì « mấy chữ đả đảo CS bằng than trên vách nhà lô ». Tương quan giữa hai câu chuyện cách nhau 15 năm, là cái khẩu hiệu, trong đó chữ CS chỉ viết tắt không rõ nghĩa.

Và dòng suy tưởng liên tục của tác giả.

 

Đồng thời với Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp, Thảo Trường còn có truyện Viên đạn bắn vào nhà Thục, nguyên tên là Nhãn hiệu Mỹ vì có câu « đạn này nhãn hiệu Mỹ » bị kiểm duyệt Sài Gòn thời đó đục bỏ. Sau này khi tái bản tại Mỹ, trong tập truyện Tầm xa cũ bắn hiệu quả (nxb Quan San, 1999, California) câu văn lẫn tên cũ được khôi phục lại.

Do đó, giới bình luận thường đặt anh vào hàng tác phẩm phản chiến, điều mà sau này anh đã từ khước, trong một cuộc phỏng vấn ngày 4.8.2008 : « Trước hết, tôi là người tham chiến. Nếu có ai bảo tôi là phản chiến thì không đúng, vì tôi ở trong cuộc chiến đó. Những năm đầu sĩ quan của tôi, tôi đi theo những đơn vị tác chiến, từ vĩ tuyến 17 cho đến đồng bằng sông Cửu Long, và làm một số công việc, chẳng hạn đi tiền sát cho pháo binh trong những trận đánh. Những năm về sau tôi được điều động về cơ quan tham mưu, từ đây tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn những diễn tiến của cuộc chiến Việt Nam. Tất cả những cái đó dù muốn dù không cũng « ám » vào tác phẩm của tôi ».

 

Từ ngữ « phản chiến » không còn là một nhãn hiệu ăn khách ; không còn mấy ai nhận chịu danh hiệu này. Nhìn vào những tác phẩm cuối cùng của Thảo Trường trước 1975, vượt qua chữ « phản chiến », ta có thể dùng từ « chủ hòa », « hòa » trong nghĩa « huề » để gọi tắt quan điểm của anh, như trong truyện dài in năm 1971 :

« Và theo tôi, trong cuộc chiến hiện nay, dù tấn công hay phòng thủ, hình thức này hay hình thức khác, bên này phải nêu rõ lên cái chủ đích đánh lấy hòa của mình.

Và hai bên phải cố duy trì tính cách dân tộc trong phe mình, tránh khỏi sự chi phối của ngoại bang, phát triển cái xã hội trong phần kiểm soát của mình để tiến tới thống nhất đất nước » [6].

 

Trong truyện, Hoán – một sĩ quan Việt Nam – đã nói với đồng minh Mỹ « các anh đang giúp chúng tôi. Nhưng chính vì sự có mặt của các anh, ở bên chúng tôi, hay nói một cách khác, chúng tôi đi chung với các anh, tình thế này có vô số vấn đề sẽ bị đặt ra » (tr.101-102)

Cuối cùng Hoán đã ngăn người Mỹ từ máy bay bắn xối xả xuống đám đông dân chúng và kết luận : « Rắc rối lắm, khó lắm, kẹt lắm » (tr.116).

 

Viết như vậy, trong tình hình Miền Nam 1971, mà rồi khi cuộc chiến chấm dứt, 1975,Thảo Trường vẫn phải đi học tập mút mùa, là điều trái khoáy, ít người hiểu.

 

Tổng cộng lại, tại Việt Nam trước 1975, Thảo Trường đã xuất bản 14 đầu sách, gồm có truyện ngắn, truyện dài, một tập tùy bút ; viết tiểu thuyết Bà Phi, ăn khách, đăng báo Tiền Tuyến hằng ngày, khoảng 2000 trang.

Tập truyện đầu tay Thử Lửa, 1962, có tầm quan trọng đặc biệt : vừa là một thành tựu nghệ thuật, vừa đánh dấu một giai đoạn tạm gọi là « tiền chiến tranh » qua tâm lý một lớp thanh niên thành thị : lý tưởng, tin vào tình tự dân tộc không phân chia Nam Bắc thành chiến tuyến.

 

Sau đó chiến tranh lan rộng, mỗi ngày một tàn bạo. Tác phẩm Thảo Trường phản ánh mức khốc liệt và nét phi lý – tạo ra chất bi thảm của chiến tranh và đồng thời bày tỏ khát vọng hòa bình và xóa bỏ thù hận. Tình tự dân tộc và phẩm chất nhân đạo được nâng cao nhờ nghệ thuật văn học. Truyện ngắn Thảo Trường thường đạt đến chất lượng nghệ thuật cao – mà sau này, hai mươi năm sau, tác giả vẫn còn giữ được phẩm cách.

 

*

 

thaotruong_2Ra tù 1992, sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, Thảo Trường tiếp tục viết, in được 8 cuốn. Mới nhất là tuyển tập Những miếng vụn của tiểu thuyết, 2008. Truyện về sau thường kể lại đời sống cơ cực, phi lý trong các trại giam : « tất cả đau khổ tàn nhẫn, xót xa mà anh em trong tù phải chịu, những cảnh trớ trêu mình gặp, hay sự dốt nát tội nghiệp của cai tù… đều đòi hỏi mình để tâm phân tích » (Thảo Trường trả lời phỏng vấn, 4.8.2008).

Đồng thời anh cũng mô tả nhiều cảnh oái oăm của xã hội Việt Nam sau 1975, hay cảnh sống của người Việt định cư tại Hoa Kỳ.

 

Bút pháp linh hoạt : tả cảnh tù tội thì gay cấn, bi đát ; cảnh xã hội Việt Nam mới ly kỳ, cay đắng ; cảnh sống nước ngoài dí dỏm, hoạt kê. Thảo Trường hậu chiến tranh, hậu lao cải, là nhà văn đều tay và điệu nghệ. Nhưng nhìn chung, những truyện ngắn về các trại giam, tích lũy lâu, là hàm súc nhất ; chưa kể chúng làm chứng từ chân chính cho một thời đại.

 

Một truyện tiêu biểu : Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào. Mẹ bị án chung thân vì tội tòng phạm giết chồng cán bộ ; cha bị 2 án chung thân vì 2 lần giết người. Hai tội nhân bị biệt giam ở hai trại tù nam nữ riêng biệt, cách nhau bởi hàng rào kẽm gai « Anh gặp chị ngoài sân trại mấy lần. Nhìn, cười. Cười lại. Nhìn lại. Thế là thân nhau… Bèn nghĩ ra kế truyền tin cho nhau bằng cách dùng cây, chỉ lên những chữ thích hợp trong các chữ ở những khẩu hiệu trên tường nhà giam (…) Thế rồi chị tính toán theo ý chị… chị sẽ mặc một cái quần mỏng hở chỉ dưới đáy… » [7].

 

Tác giả kể tình tiết hấp dẫn. Và mô tả đời sống trong trại, trong đó có sáu đứa trẻ con của nữ tù nhân, dĩ nhiên chính thức không biết bố là ai. Truyện kết bằng hình ảnh người tù già đóng vai ông ngoại, bào ảnh Thảo Trường : « Bác ở tù đến năm thứ mười bảy và vì là tù binh không có án cho nên bác cũng không biết đến bao giờ mới hết. Bác không thuộc một chế độ nào nữa cả, bác thuộc về lịch sử » (tr.61, sđ d).

 

Vì không được xét xử, không có án, người tù không biết sẽ bị giam cầm bao lâu vì tội danh gì, tự xem là « tù binh ». Nhưng đã là tù binh, thì phải được hưởng quy chế tù binh theo luật quốc tế, và phải đựợc trao trả. Nhưng trao cho ai, trả về đâu ? Bác thuộc về lịch sử.

 

Vấn nạn đã nhiều người biết. Nhưng nói thêm một lần nữa, cho minh bạch, cũng không phải là thừa.

Chế độ trách nhiệm phải lãnh nhận trách nhiệm và trả lời chính xác từng hồ sơ một. Pháp lý và đạo lý thông thường là như vậy.

 

Bình thường là như vậy.

 

 

Tác phẩm mới, hư cấu nhưng phản ánh tâm tình và phong cách Thảo Trường, có lẽ là Đá Mục, một tryện vừa – hơn 100 trang – viết 1997. Truyện trộn lẫn trật từ thời gian, xen thực tại đời sống tại Hoa Kỳ, với nhiều kỷ niệm. Bắt đầu từ thời sĩ quan mới ra trường, trấn đóng tại một tiền đồn hẻo lánh, đời sống êm đềm, hồn nhiên như những cô gái Thượng ngực trần bên suối ; đến những ngày trong trại cải tạo : những oái oăm, gian khổ xen lẫn với những cuộc gặp lại đồng đội, tình nghĩa ; cuối cùng là đời sống ở nước ngoài, thư thái, tiện nghi nhưng vẫn chua cay : « ông lão thấy rõ ràng cuộc đổi đời của mình thật phi lý : tự nhiên tình thế xoay chiều… Mình đang là người Kinh ở quê nhà nay hóa ra người Thượng ở quê người. Mà trong cái giới người Thượng này mình còn là người Thượng mới, không giống người Thượng cũ… Hóa cho nên, hỡi người con gái bên bờ suối tiền đồn biên giới năm nào, bây giờ cô đã già, cô ra sao, cô ở đâu ? » [8].

 

Giọng văn giàu chất uy mua, linh hoạt, dí dỏm pha chút ưu hoài, nhắc đến lối hành văn phóng khoáng buổi đầu Thử lửa.

 

Khi ta nói chuyện một con sông, thì chủ yếu là nói đến một khúc sông, như khúc sông Hương chảy qua thành phố Huế. Nói về một tác giả cũng vậy, thường ưu đãi ấn tượng về một tác phẩm nào đó. Với một sự nghiệp văn học đã trải qua nhiều ghềnh nhiều thác như của Thảo Trường, đánh giá toàn bộ là một việc khó.

 

Tôi đã đọc Hương gió lướt đi, Đò dọc, trên báo Sáng Tạo, vào tuổi học trò. Nay cố khôi phục lại cảm nhận của mình, và những trao đổi với bạn bè đồng lứa thời trước 1960. Rồi đọc Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp vào một giai đoạn khác, nặng ưu tư về chiến tranh và hòa bình. Cuối cùng là Tiếng thì thầm trong bụi tre gai, đọc trong nỗi u hoài về thời cuộc và số phận con người.

 

Nhưng không lần nào cố tình đặt ra mục tiêu phê bình văn học. Nhưng có lúc cũng đã làm bất đắc dĩ, nghĩa là đánh giá và « làm trung gian giữa tác giả và người đọc sau tôi », y hệt như lời anh Nguyễn văn Trung e ngại, đã viết đúng nửa thế kỷ trước, khi viết lời giới thiệu tập truyện Thử lửa.

 

Bài này, cũng như tác phẩm Thảo Trường, là những viên sỏi đánh dấu những chặng đường « qua một chiếc cầu, lên một cái dốc » qua nhiều thời điểm. Xem như là thí điểm.

Và theo lời di chúc, đâu đó, của người mới ra đi :

 

 Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả.

 Đặng Tiến

 

Orléans, 10.10.2010, đọc lại, hiệu đính cho ngày giỗ đầu, 26-8-2011.

 



[1] Thao Trường, Thử Lửa, nxb Tự Do, tr. 31, 1962, Sài Gòn. Việt Báo tái bản 2001, California. Truyện in lại trong Tuyển Truyện Sáng Tạo, tr. 113, nxb Tân Văn, 1970. Thư Ấn Quán in lại, 2009, New Jersey, Hoa Kỳ.

[2] Thảo Trường, Đá Mục, tr. 125, nxb Đồng Tháp, 1998, California.

[3] Le Crépuscule de la violence (Hoàng hôn của bạo lực) 90 trang, nxb Trình Bày, 1970, Sài Gòn.

[4] Thảo Trường, Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai, tr. 13 và 27, nxb Tin, 1995, Paris.

[5] Sđd, tr.27

[6] Thảo Trường, Cánh đồng đã mất, tr. 17, nxb Tân Văn, 1971, Sài Gòn.

[7] Thảo Trường, Tiếng thì thầm trong bụi tre gai, sđd, tr. 53-54

[8] Thảo Trường, Đá Mục, tr. 111, nxb Đồng Tháp, 1998, California.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89194)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 110096)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90955)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 90512)
Trong tình bằng hữu nhiều năm với Huy, được sự đồng ý của chị Cao Xuân Huy và hai cháu Chúc Dung & Xuân Dung, bài viết thiên về khía cạnh y khoa này, nói về một Cao Xuân Huy khác, người bệnh Cao Xuân Huy chênh vênh trên con dốc của tử sinh, đã can trường chống chỏi với bệnh tật cho tới những ngày và giờ phút cuối cùng và đã ra đi với tất cả “phẩm giá”. NGÔ THẾ VINH
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 80694)
Cao Xuân Huy có người cha đi kháng chiến, để lại vợ con trong thành. Rồi, 1954, ông ngoại bị đấu tố, người cậu cấp bách đem cháu, 7 tuổi, vào Nam. Mẹ ở lại Hà Nội đợi bố. Về, nhưng người cha kháng chiến, gốc tư sản, địa chủ, không thể "can thiệp" cho người mẹ khỏi diện "tự lực cánh sinh" (như đi "kinh tế mới"). Rồi họ chia nhau con cái: mẹ để lại con gái cho bố, vào Nam với con trai. Xa cách, mỗi người lập một gia đình khác, có các con khác. Huy được cậu và bà ngoại nuôi. Như một định mệnh, chuyện nhà Huy trùng hợp với chuyện đất nước, với truyền thuyết Sơn tinh Thủy tinh, với bao gia đình thời chia đôi Nam-Bắc.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 85158)
Thường, khi viết về một nhà văn, trong vai trò của một người làm phê bình, tôi chỉ quan tâm đến tác phẩm, đến văn bản. Đúng hơn là tôi quan tâm đến văn bản văn học, và cái cách mà tác giả của nó đã, cùng với các độc giả của mình, biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tôi không quan tâm lắm đến tác giả.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 86517)
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời. Thời xưa Cao Biền đã nhiều lần cỡi diều bay tới, tay cầm quạt giấy phất bằng lụa bạch, nan cánh quạt đúc bằng vàng khối tinh ròng, toan tính yểm đất.
09 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 77654)
Cuối cùng rồi tôi cũng đọc quyển hồi ký ấy, quyển hồi ký gắn liền với một cái tên suốt 25 năm dài. Làm như người ấy tái sinh với tên cũ dài hơn: Cao Xuân Huy Tháng Ba Gãy Súng.
07 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 99553)
Đọc truyện ngắn “ Trả lại tiền ” in trong tập truyện “ Vài mẩu chuyện ” của nhà văn Cao Xuân Huy (tạp chí Văn Học xuất bản, 2010), tôi không khỏi mỉm cười bởi cái phong cách khôi hài đen của câu chuyện—truyện của Cao Xuân Huy đa phần đều như thế...
12 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 80556)
LTS: Bài phỏng vấn nhà thơ Đặng Hiền được thực hiện bởi nhà thơ Go Hyeong Ryeol Tổng biên tập tạp chí Thi Bình (The poet society of Asia ) trong số mùa Đông 2009. Phần chuyển ngữ do Giáo sư Tiến sĩ Yang Soo Bae thuộc đại học Pusan University of Foreign Studies tại Hàn Quốc biên dịch. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quí văn hữu và độc giả Tạp Chí Hợp Lưu.