- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TẠI SAO KHÔNG NGHĨ ĐẾN MỘT GIẢI THƯỞNG MANG TÊN “NGUYỄN DU” DÀNH RIÊNG CHO VĂN CHƯƠNG?

13 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 33284)


vu_dam-_thuyhuong_0-content
 Nhà văn Vũ Đảm và Thủy Hướng Dương


Vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng xôn xao các vấn đề liên quan đến giải thưởng Nhà nước, Hồ Chí Minh… Trò chuyện về ảnh hưởng tích cực của các giải thưởng, Nhà văn Vũ Đảm – Phó tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn có đưa ra một vài ý tưởng rất đáng quan tâm. Ý tưởng này cách đây sáu năm đã được Nhà văn Vũ Đảm nêu lên trong một bản luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ văn hóa của mình. Sau đây là cuộc phỏng vấn với nhà văn Vũ Đảm do Thủy Hướng Dương thực hiện. Xin trân trọng giới thiệu với quí độc giả cuộc trò chuyện này.


 

PV: Thưa Nhà văn Vũ Đảm, tại sao ông lại có ý tưởng về một giải thưởng dành riêng cho văn chương mang tên đại thi hào Nguyễn Du?

 

Nhà văn Vũ Đảm: Hầu như tất cả người dân Việt Nam từ trẻ con đến người già, từ tầng lớp lao động đến trí thức, ai cũng đều biết cụ Nguyễn Du là một đại thi hào nổi tiếng với tác phẩm Truyện Kiều. Các công trình nghiên cứu cho thấy, đã nói đến cụ Nguyễn Du thì ai cũng tâm phục, khẩu phục về tài năng của cụ. Ngoài ra cụ Nguyễn Du còn được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Chúng ta cũng đã từng có một Trường Viết văn mang tên Nguyễn Du vậy nên nếu có một giải thưởng mang tên Nguyễn Du thì chúng ta không những tôn vinh một danh nhân văn hóa mà tôi tin chắc rằng người được nhận giải cũng sẽ lấy rất làm vinh dự, tự hào. Giải thưởng cũng sẽ là động lực để các nhà văn nhà thơ, nhất là những cây bút trẻ sẽ ra sức phấn đấu sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc để mong nhận được giải thưởng danh giá này.

 

PV: Nhưng chúng ta đã có giải thưởng danh giá như giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh v.v… Vậy thì có nên xuất hiện thêm một giải thưởng tương tự hay không?

 

Nhà văn Vũ Đảm: Tôi đồng ý với chị là hiện nay chúng ta vẫn đang có những giải thưởng danh giá như đã nêu nhưng các giải thưởng trên sử dụng trao cho nhiều lĩnh vực khác nữa như hội họa, nhiếp ảnh, sân khấu, âm nhạc v.v.. Điều tôi muốn nói chính là một giải thưởng dành riêng cho Văn chương. Giải thưởng này không những có thể trao cho các nhà văn trong nước xứng đáng nhận giải mà còn có thể tìm kiếm các tài năng trong khu vực châu Á hoặc rộng hơn là khắp các châu lục. Giải thưởng cũng là một thông điệp hòa bình và hữu nghị gửi đến các nền văn hóa.

 

PV: Mới đây trong lĩnh vực văn chương xuất hiện một số giải thưởng do cá nhân đứng ra tổ chức, trao giải cho các nhà văn, nhà thơ. Và các giải cá nhân này không ngờ lại được lòng độc giả và tác giả. Vậy ông có ý kiến gì nếu như một giải thưởng mang tên Nguyễn Du lại do một cá nhân đứng ra tổ chức?

 

Nhà văn Vũ Đảm: Việc xã hội hóa trong việc thành lập các giải thưởng trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực văn chương nói riêng là đáng khuyến khích vì vậy một tổ chức hoặc một cá nhân trong nước hay Việt kiều có năng lực về tài chính, tổ chức, quản lý đứng ra thành lập giải thưởng mang tên “Nguyễn Du” rồi mời các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận- phê bình, nhà khoa học có uy tín trong và ngoài nước thẩm định các tác phẩm để trao giải là hoàn toàn có thể chỉ có điều đừng vì mình bỏ tiền ra mà ghép tên mình với tên cụ Nguyễn Du thì xin can. Sẽ rất tiếc nếu như chỉ có một giải mang tên Nguyễn Du giới hạn cấp tỉnh như Hà Tĩnh đang có. Tại sao không nghĩ đến việc giải thưởng Nguyễn Du mang tầm quốc gia, quốc tế trao tặng cho những tác phẩm văn chương đỉnh cao?

Ngoài ra cũng cần có thêm những giải thưởng khác như: Giải truyện ngắn Nam Cao; Giải tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng; Giải thơ Xuân Diệu; Giải Lý luận- phê bình Hoài Thanh.

 

PV: Ông không sợ ý tưởng này sẽ bị dư luận cho là một ý tưởng bất thường?

Nhà văn Vũ Đảm: Tôi không sợ. Tôi cho rằng, trước tôi đã có nhiều người nghĩ đến một giải thưởng Nguyễn Du nhưng họ chưa có cơ hội đưa ý tưởng đến với bạn đọc. Tôi chỉ khác họ vì tôi dám mạnh dạn đưa ý tưởng vào luận văn của mình và viết một số bài đăng trên các báo. Cách đây ít lâu tôi và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có trò chuyện về việc này; ông cũng ấp ủ có một thưởng mang tên của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ trao cho các tác phẩm văn học xuất sắc trong nước mà còn trong khu vực châu Á, thế giới. Thậm chí ông còn táo bạo nói đến việc mời cả những nhà văn, nhà thơ được giải Noben văn học làm thành phần tuyển chọn tác phẩm và tham dự buổi trao giải.

PV: Nếu có một giải thưởng Nguyễn Du thật thì liệu rằng các nhà văn trẻ có cơ hội được chạm tới giải thưởng không hay lại chỉ dành riêng cho các “cây đa cây đề”?

Nhà văn Vũ Đảm: Trong văn chương rất bình đẳng, độc giả họ không nhìn vào tuổi tác, học hàm để phán xét tác phẩm. Những tác phẩm nào “chẳng may” đoạt một giải thưởng nào đó vì một lý do nào đó mà tự tác phẩm không có giá trị xứng đáng thì tác phẩm đó sớm muộn sẽ bị đào thải. Nên chẳng có lý do gì mà các nhà văn trẻ không thể ngẩng cao đầu đón nhận giải thưởng Nguyễn Du nếu như tác phẩm của họ xuất sắc.

 PV: Ý tưởng đã có, vậy còn khó khăn gì để đi đến hiện thực?

 Nhà văn Vũ Đảm: Tôi cũng chỉ là một người đóng góp đưa ra ý tưởng. Việc này tôi không thể tự mình làm được. Tôi nghĩ Bộ Văn hóa- thể thao & Du lịch hoặc Hội Nhà văn Việt Nam nên nghiên cứu về vấn đề này. Hay một tổ chức, một cá nhân nào đó có uy tín, có điều kiện thấy được giải thưởng văn chương mang tên Nguyễn Du là cần thiết thì cũng có thể biến nó thành hiện thực ngay hôm nay mà không cần chờ đến ngày mai.

 P.V: Nhưng thưa ông, hàng năm Hội Nhà văn Việt Nam đều trao giải- Giải thưởng Hội Nhà văn cho các tác phẩm văn học?

 Nhà văn Vũ Đảm: Đúng thế, vậy nên một giải thưởng mang tên của đại thi hào Nguyễn Du, 4 hoặc 5 năm tổ chức một lần thì càng có thời gian để” Chọn mặt gửi vàng”.

 

Xin cảm ơn Nhà văn Vũ Đảm về cuộc trò chuyện cởi mở này.

 Thủy Hướng Dương

thực hiện

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 109290)
một con thuyền dính bùa ngải của sông ý nghĩ găm đầy tháng năm mắc cạn em cố quên làm gì! khi ngay cả cánh tay anh cũng ảo
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86712)
Đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, Ngô Thế Vinh còn là một sinh viên y khoa, đảm nhiệm chức vụ chủ bút cho tạp chí Tình Thương, tờ báo của những người sinh viên áo trắng. Trong thời gian này tôi là một sĩ quan rất trẻ của QLVNCH. Cả Ngô Thế Vinh và tôi bị cuốn vào một biến động làm rung chuyển rừng núi Tây Nguyên: vụ nổi loạn đòi tự trị của những sắc tộc thiểu số, mà báo chí thời đó gọi là FULRO.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89584)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 75356)
Hợp Lưu 112 Xuân Tân Mão 2011 , đến với bạn đọc và văn hữu khắp nơi trong tiết trời lạnh hơn mọi năm. Một năm đã trôi qua với bao biến động trên thế giới ngày nay, và cũng là một năm có nhiều đổi thay nơi quê nhà. Dù đang ở nơi nào, tâm hồn người Việt vẫn luôn hướng về; mong mỏi đổi mới, cải thiện cho một xã hội tốt đẹp hơn. Mùa Xuân là biểu hiệu của khởi đầu và hy vọng, cũng là dịp cho chúng ta suy gẫm và nhìn lại một năm đã qua.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 103382)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 86822)
Larsson lìa đời trước khi đứa con tinh thần, bộ tiểu thuyết thuộc loại trinh thám, Millennium Trilogy, gồm ba cuốn, mà ông đã viết vào mỗi tối như một trò giải trí cho thần kinh bớt căng thẳng, ra đời sáu tháng sau khi ông ký giao kèo với một nhà xuất bản Thụy Điển, Norstedts Förlag, nhà xuất bản thứ hai Larsson liên lạc và ký giao kèo, sau khi gửi cho một nhà xuất bản thứ nhất tới hai lần mà gói sách không hề được mở ra.
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 92325)
Gần hai chục năm sau biến cố 30 tháng Tư 1975, chúng tôi có cái hân hạnh được Công đoàn bảo hiểm Pháp ( Fédération Française des Sociétés d’Assurance ), qua thỏa ước với Bộ Tài chánh CHXHCNVN, gởi về nước cùng với một số nhà giáo Pháp giảng dạy bộ môn Bảo hiểm còn mới này trong trường Đại học Tài chính và Kế toán Hà nội - nay trường đã lột xác trở thành Học viện Tài chính.
14 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 108937)
Về đi thôi nhật ký ngày chân đất Gốc đa già bà kể lá bùa yêu Em ôm giấc thị thành nửa mùa cổ tích Hỏi gió trời sao giấu lá bùa yêu 
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84048)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83105)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.