- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Phỏng vấn nhà thơ Hoàng Xuân Sơn

19 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 93847)


chan_dung_nha_tho_hxs_-2010-content

 Chân dung nhà thơ Hoàng Xuân Sơn _2011


TI ỂU SỬ

Hoàng Xuân Sơn: tên thật, bút hiệu Bút hiệu khác: Hoàng Hà Tĩnh, Sử Mặc Nguyên quán: Nhân Thọ-ĐứcThọ - Hà Tĩnh Sinh quán: Vỹ Dạ - Phú Vang - Thừa Thiên (Nhâm Ngọ) Cử nhân giáo khoa triết học tây phương - Đại học Văn Khoa Saigon Cao học chính trị kinh doanh – Saigon/Đà Lạt Trước 75: làm công chức, dạy học Khởi viết từ năm 1963. Thơ xuất hiện trên các tạp chí Văn, Chính Văn, Nghiên Cứu văn Học, Khởi Hành, Thời Tập, Nhà văn . . . Định cư tại Gia Nã Đại (Montreal) từ tháng 11/81 Cộng tác với đa số tạp chí văn học ở hải ngoại và trên liên mạng Góp mặt trong nhiều tuyển tập văn chương 

Đã xuất bản :

Viễn Phố (thi tập - Việt Chiến, 1988)

Huế Buồn Chi (thi tập - tự ấn hành, 1993)

Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (thơ – Thư Ấn Quán, 2004)

 

Dự tính trong tương lai :

In ấn và phát hành Thơ Quỳnh (thi tập), song hànhvới CD Quỳnh Hương trình bày ca khúc của 10 nhạc sĩ tiêu biểu Cũng Cần Có Nhau (phóng bút - viết về sinh hoạt thanh niên sinh viên giai đoạn 65/75 và sinh hoạt của Quán văn tại Saigon)

 

 

 

 1-Tuy sáng tác thơ, nhưng Hoàng Xuân Sơn có một số bài viết sâu sắc tạo chú ý cho độc giả. Xin ông cho biết tại sao không chuyển hướng qua viết văn như một số tác giả khác, mà mãi chung tình với Nàng Thơ?

 

Chào nhà văn Lê Quỳnh Mai! Kính chào quý bạn đọc! Thưa chị Quỳnh Mai! Dù chị dùng cách xưng hô cho ngôi thứ hai là “ông” để giữ tính cách khách quan và đứng đắn của một bài phỏng vấn, tôi vẫn muốn gọi chị là “chị”chỉ với mục đích duy nhất là giữ được sự thân thiện qua trao đổi ý kiến nhẹ nhàng, thoải mái giữa những người bạn văn : một cuộc chuyện trò vui vẻ hơn là những câu hỏi/đáp thông thường. Cứ như vầy nhé!

 

Xin nói ngay hành trang văn nghệ của HXS đa phần và chủ yếu là làm thơ[ mần thơ ]. Cho dù có nhấm nháp một số bài viết, đó chỉ là tạm bợ, vì nhu cầu cấp thời. Nói nôm na theo triết lý nhà Phật, trong trùng trùng duyên khởi, cái nghiệp nó chọn mình : Nghiệp Thơ chị ạ! Mình chọn thơ thay vì văn cũng do sự lười biếng cố hữu : làm thơ coi bộ dễ hơn, nhanh hơn viết văn, khỏi nặng đầu nặng óc!. “Cái thuở ban đầu ”nó có những suy nghĩ cạn cợt như vậy đó! Nhưng “không phải đâu là không phải đâu”chị Quỳnh Mai ơi [cười- tôi học cách nói của nhân vật Bao Bất Đồng trong Lục Mạch Thần Kiếm của KimDung đấy!] . Mần thơ cũng vất vả lắm, cũng phải đánh vật với mình liên miên nếu như không có tài thơ cỡ các bậc thần thi Luân Hoán, Trần Mộng Tú, Trần Vấn Lệ v.v.làm thơ dễ như lấy đồ trong túi! Bây giờ nói chuyện đứng đắn một chút : tôi xin mạn phép ghi lại một đoạn trong phần Mở của tập thơ đầu tay Viễn Phố như một bày tỏ về quan niệm sáng tác : . . . “ Tôi không phải là nhà văn nên dù ao ước bao nhiêu, tôi cũng không thể nào có được cái sức sống mãnh liệt, cái tài năng sáng tạo phi thường và ngòi bút dàn trải phong phú của nhà văn, kẻ đã đem văn chương đến giữa cuộc đời như một tặng phẩm quý giá. Bởi thế tôi chọn thơ như tiếng nói của kẻ lười biếng, một cánh cửa phần đời.. . . . Với tôi, thơ không rao truyền một ngôn ngữ nào to tát: thơ chỉ là tâm sự, là “một chút riêng tư”trao gởi người thân, bạn bè, những kẻ đồng hành biết, và sẽ quen.” . . .

 

Chị Quỳnh Mai nói đúng : chuyển hướng ? Nên lắm chứ ! Trong trường văn trận bút có lắm kẻ đa tài, bao gồm thao lược văn- thơ một núi lừng lững, nhìn mà bắt thèm! Nhưng mình bất tài biết mần răng chừ?Phương chi nghề văn coi bộ thực tế hơn, còn kiếm sống được, chứ không như nghề thơ, chỉ có cái vẻ hào nhoáng bên ngoài?![ xem ông bạn Song Thao “tà tà biên” đến cuốn Phiếm thứ 8, thứ 9, độc giả đặt mua sách trên trời dưới đất hà rầm rất chi là đắt hàng, tha hồ mà hốt bạc ] .Trong đời sống lứa đôi, chung tình là một đức tính tốt. Nhưng trong sáng tạo văn chương, chung tình có phải là một trở lực không nhỉ?

 

2-Huế ơi! Buồn chi( bx 1983) là tác phẩm nổi bật để lại dấu ấn cho độc giả của nhà thơ Hoàng Xuân Sơn. Xin ông giới thiệu lại tác phẩm này?

 

Huế Buồn Chi(HBC) , thi tập thứ nhì của HXS ấn hành năm 1993, là một tập thơ về xứ Huế, dành riêng cho Huế; nơi mà tác giả đã trải qua những năm tháng ấu thời cho đến lúc trưởng thành. Viết về Huế là viết về một vùng trời kỷ niệm, có hạnh phúc, mộng mơ,có yêu thương , khổ đau và hoan lạc trộn lẩn. Nói như nhà văn Trần Doãn Nho(Huế) : đọc HBC có thể đọc riêng đơn vị từng bài; hay đọc toàn tập như một tổng thế cũng không ra ngoài sợi chỉ xuyên suốt : Tâm -Thức-Đặc- Thù- Huế. Bởi vậy thưa chị Quỳnh Mai, nói HBC để lại nhiều ấn tượng cho độc giả, e rằng chỉ có tầng lớp độc giả đồng hương với người viết [điều này chứng thực khi ra mắt HBC tại Montreal, hết 90% khán thính giả là người Huế lặn lội tuyết giá đi ủng hộ phe ta, “phe mền”] . HBC được hình thành trong vòng 3 tháng sau Một- Cơn -Nhớ- Quê-Bồng- Bột, lúc kẻ này đang đi khuấy hồ dán sách trong một hãng xưởng lao động. Hình tượng, ý và lời trong HBC cũng không thoát ra ngoài phương ngữ Huế mà ngờ rằng chỉ có người địa phương mới thâm hiểu được?Cho dù các bạn văn đã ưu ái nhận xét : “Trong HBC, HXS sử dụng phương ngữ Huế một cách tài tình, khiến cho những độc giả dù không sinh trưởng ở Huế cũng lấy làm tâm đắc.”(Phạm Xuân Đài) . Hoặc như Hồ Đình Nghiêm(cũng Huế) viết trong phần bạt của HBC : . . ,”Nhà thơ họ Hoàng là người nặng lòng với Huế . . . . .tôi mong HBC sẽ không chỉ loanh quanh ở sông Huơng núi Ngự mà nó còn bước chân qua đèo Hải Vân để xuôi Nam hay sang cầu Hiền Lương mà ngược Bắc. Nó không là ‘văn chương miền trung’ mà nó phải là một cái gì hơn thế” . Anh Võ Đình(Huế rặc) thì cứ ngâm nga bài thơ Huế Buồn Chi trong tập HBC bất cứ khi nào có dịp.Và nhà văn Túy Hồng (rất Huế): “ Theo tôi, HBC là một trong những tập thơ hay nhất ở hải ngoại!” . . . Đó, chị thấy chưa : Toàn “Huế” phe mền không hà (ngoại trừ anh Phạm Xuân Đài- Quảng Nam Đà Nẵng, láng giềng me mé) .

 

3-Có một giai đoạn, thơ Hoàng Xuân Sơn xuất hiện những từ ngữ địa phương lạ, rất Huế. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng gây trở ngại cho một số độc giả không hiểu được nghĩa những từ ngữ ấy. Ông có giải thích gì về ý kiến này?

 

Mình mới nói sơ qua về phương ngữ, thuật ngữ Huế. Nhiều người cho tiếng Huế là tiếng khó nghe nhất về âm ngữ hoặc nghĩa ngữ. Nhưng sự thay đổi ngôn ngữ thi ca trong thơ HXS lại đi theo một ngõ khác. Việc dùng từ ngữ địa phương cho tập HBC chỉ mang tính chất cục bộ, giai đoạn. Cái chính là thay đổi quan niệm sáng tác : từ cổ điển lãng mạng sang tượng trưng ẩn dụ lôi kéo theo một số thi ngữ thoát ra ngoài cái vỏ bình thường gây trở ngại cho một số người đọc, không hiểu tác giả muốn nói gì[ trường hợp thơ tối nghĩa, hũ nút ] như chị đã nhắc nhở. Thiệt ra bất cứ người nào theo đuổi con đường văn nghệ cũng mong muốn tìm tòi những điều mới lạ hơn là dậm chân tại chỗ,nhai lại “nỗi buồn tháng năm” sáo, mòn cũ. Nhưng thành công hay không lại là chuyện khác. Theo tôi, một vài điều kiện cần theo đuổi trong sáng tác ngoài năng khiếu, cần sự dụng công : nghĩa là bền tâm học hỏi , ghi nhận và tiếp tục đào bới, ngoài năng khiếu tạm gọi là “trời cho” . Để ghi lại một vài ý kiến của bạn đọc, bạn văn trong sự chuyển đổi cách làm thơ của HXS xem chơi : Đa số cho rằng những con chữ của HXS nằm trong một sào huyệt của ẩn dụ, tối tăm bí hiểm khôn lường. Một độc giả đã viết : “Đã có một thời tôi rất thích thơ HXS, thơ nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ thông cảm và rất lãng mạn. Nhưng sau bao năm qua, giờ đây thơ HXS dần dần mất đi cái lãng mạn đẹp nhẹ nhàng xa xưa . Bây giờ đọc thơ HXS, tôi không còn tìm thấy nỗi uyển chuyển của âm nhạc, và cái bay bướm; mà có cảm tưởng như đọc một bài xếp chữ (sic). . . ” Một bạn đọc khác : “ . . . anh (HXS) viết những bài thơ mà tôi (Hòa Bình) không hiểu gì hết nhưng âm điệu vẫn hay tuyệt . . .” . Lý giải cách nào đây? Bên cạnh đó là ý kiến của một vài bạn văn (tôi nhấn mạnh:Bạn Văn)về công trình tim óc của người sáng tác : có người cho rằng thơ HXS lúc sau này lạ, nhưng mà khá hay[“có nhiều người làm thơ lạ mà không hay” - Trần Thị lai Hồng] . Chị Lê Thị Huệ chủ biên Gió-O thì xếp HXS vào trường phái duy từ[ chuyên viên đánh bóng chữ nghĩa], ban phát cho mỹ từ “người thơ đắc chữ ” . Có người(ai nhỉ?), một lúc nào đó nhận xét thơ HXS có sự lôi cuốn riêng ở nhịp điệu cầu kỳ bí hiểm(chị QM có phảỉ?)trong những bài thơ tự do hơn là lục bát . Mới đây trên blog V.O.A, Trịnh Y Thư trích dẫn lời của thi sĩ xứ Mễ Octavio Paz : “Chủ yếu của thao tác thi ca là ngôn ngữ. Bất luận sự tin tưởng cũng như xác tín của nhà thơ là gì, điều hắn ta quan tâm đến là ngôn từ, chứ không phải những điều ngôn từ này ám chỉ”. Từ đó, nhà văn Trịnh có vài nhận xét về thơ lục bát, trong đó có lục bát HXS : “Sau Phạm Thiên Thư, tôi cũng yêu thích lục bát của nhà thơ Nguyễn Đức Bạt Ngàn, và nhất là Hoàng Xuân Sơn. Sự thành công của lục bát HXS cũng nằm ở sự nhuần nhụy (?)của ngôn từ chứ không phải ở ý nghĩa ngoài bài thơ”. Các bạn văn khác nhìn thơ 6/8 HXS dưới một góc độ riêng : Cao Vị Khanh: Hơi thở rướn của lục bát HXS- Lương Thư Trung: Lục bát HXS, một chỗ về của bạn bè- Vũ Hoàng Thư: Lục bát HXS ngày càng nhuyễn nhừ- Đoàn Nhã Văn:Lục bát HXS là một thứ Lục-Bát-Biến . . .,nhà thơ như muốn ôm lấy ý tưởng chặt đứt hình hài quen thuộc của lục bát tự ngàn xưa. Tưởng cũng nên nhắc nhỡ một điều khá quan trọng : Tất cả các điều ghi trên chỉ là dẫn chứng cho những hướng thưởng ngoạn thơ ca khác nhau trong sinh hoạt chữ nghĩa, hoàn toàn không có hậu ý khoe khoang thành tích. Riêng kẻ này, dù có vặn vẹo chữ nghĩa đến đâu cũng không ra ngoài cái nghĩa cố gắng thay đối tư duy từ những chiếc vỏ ốc khép kín hoặc đã bị xói mòn theo thời gian . Nếu có ai cắc cớ yêu cầu tác giả giải thích những bài thơ thơ tạm gọi là kỳ bí này, chỉ xin được mạn phép trả lời: chính người viết nhiều khi cũng không hiểu; anh chị cảm như thế nào thì nó như thế ấy!Nếu không cảm được một chút gì thì đó đích thị là sự thảm bại của người viết.

 

Nói tóm gọn, hành trình ngôn ngữ thi ca ( hay con đường sáng tạo)chẳng qua là một câu hỏi bức xúc thường trực cho nhiều người: “Ta vẫn trung thành với ta hay phải nên tự giải thể chính mình để đi tìm một cái tôi khác?”Nên theo phái cuồng nhiệt để bức phá mọi thứ?Hay nên khư khư giữ lấy hồn cũ như một kẻ chung tình?( hình như cả người đọc lẫn người viết đa số vẫn còn mơ về khoảng trời xa xăm mơ mộng cũ ?) . Tôi có thời cũng xâm mình thử nghiệm làm thơ Tân Hình Thức nhưng cũng chẳng ra môn ra khoai gì, đành “ngựa quen đường cũ”! Tôi-ở-đâu-giữa-khoảng-trời-đất-này? Đấy vẫn mãi hoài là một phương trình chưa có lời giải. Chữ nghĩa nhiêu khê quá phải không thưa chị?

 

4-Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn có đồng ý với những dấu chấm(.), phẩy(,), gạch ngang(-) trong một bài thơ không? Ý kiến của ông về thơ (tạo) hình? Cảm nghĩ ông thế nào, khi đọc một bài thơ có những từ ngữ diễn tả trực tiếp về dộng tác, bộ phận sinh dục của con người?( ví dụ thơ Lê Thị Thấm Vân)

 

Tất cả những lối sử dụng dấu chấm(.);phẩy(,);gạch ngang(-);gạch chéo(/)v.v. đều có dụng ý thay đổi tiết tấu, hình tượng, nghĩa ngữ của câu thơ, tạo cho người đọc một cảm giác khác, hay nói như Du Tử Lê : khiến bạn đọc trở thành đồng tác giả. Tôi cũng có nhiều bài thơ xài dấu chấm(như lối làm thơ của Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Thanh Châu,và mới nhất của Đài Sử trên mạng Gió-O v.v.) . Ví dụ :

 

Ở đây. môi nhón tâm từ nấc trong tiếng nhẹ thừa dư huyệt đời cái nống chiều. nắp đậy hơi thoát. bung một nỗi rụng rời vô vi cởi trao nhau áo vàng quỳ ngón tay thiếu nhẫn làm chi đạng tình bây giờ tôi ở cô minh đỉnh phong. tiếng hú. và rình rập em

 

(trích Buồn Ở Động tào – HXS)

 

Theo tôi, việc sử dụng bất cứ hình thức nào mang tính sáng tạo cho thi ca cũng đều đáng xiển dương cho dù là thơ tạo hình, thơ cụ thể, chụp chép v.v.Sự đánh giá là từ phía người thưởng ngoạn. và do thời gian gạn lọc ...

 

Còn về thơ tả chân hiện thực diễn tả trực tiếp các bộ phận sinh dụng và các động tác tình dục thì xin đánh cho hai chữ “đại xá” – Kính Nhi Viễn Chi. Tôi không mặn lắm với loại văn chương này! Nhưng tôi tôn trọng sự chọn lựa sáng tác thơ văn theo nguồn cảm hứng “Xếch-Xít”của một số tác giả đương đại như Lê Thị Thấm Vân, Dung Nham, Vương Ngọc Minh, Kiệt Tấn (đôi bài tiểu luận), Đỗ Kh.(một dạo có thơ thông tục như bài thơ Linda Mặt Ngang gây sôi nổi một thời, hoặc thơ văn có kèm hình ảnh chụp, chép về những sự kiện khoái cảm của con người); và một số tác giả trẻ trong nước v.v. Có lẽ tôi vẫn là một người cổ hủ, còn mang cái tâm thức dè dặt Á Đông trong người, cho nên dù có mong muốn cách tân cách mấy, vẫn chọn đứng về phía văn chương tình dục kín đáo hơn là sỗ sàng.(Mà chắc gì dung tục đem lại cái mới cho sáng tạo?- Tuồng như đã “xưa rồi Diễm” !) Viết bạo, văn chương sa đích diễn tả dục tình cỡ Trần Vũ – không cần nói ngay nói thẳng- đọc lên không thấy rợn cả người sao? Hoặc xếch-xy mơn trớn vuốt ve kiểu Lê Xuyên hồi nẳm, hay Võ Đình, Hồ Trường An, Kiệt Tấn (Đêm Cỏ Tuyết, ví dụ). . .gần đây; đọc lên mà không thấy “hừng hực” cả người sao? Viết về cái sự vụ “đi tìm khoái cảm đơn phương “,thi sĩ Ngu Yên đã có những câu lục bát thật mượt mà :

 

 "giữa tình uốn éo liên miên lần tay tìm kết nhân duyên một mình"

 

một lối diễn tả nghệ thuật và đầy tính thuyết phục đấy chứ?

 

Nói lan man thêm về thẩm mỹ quan : về nghệ thuật gợi cảm gợi tình, dường như hiệu ứng của cái đẹp nửa kín nửa hở có tác dụng bền lâu hơn là cái đẹp lồ lộ phơi bày : tà áo dài Việt Nam chẳng hạn ?

 

5-Vũ Hoàng Chương viết trong Thơ Say: Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh Biển vô tận sá gì phương hướng cũ Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh

 

 Bao năm sống tại xứ người, đọc lại dòng thơ VHC vào thời điểm có các chuyến bay mang những người Việt( vuợt biển) hải ngọai trở về Việt Nam, Ông có cảm nghĩ gì?

 

Cái tâm thức lưu vong dần dần trôi tuột khi biên giới địa lý hay tâm lý đã không còn quan san cách trở, xa mặt cách lòng. Mấy câu thơ trên của thi sĩ Vũ có lẽ chỉ thích hợp ở thời điểmcủa bọn người mất quê hương, chân ướt chân ráo đi tìm tự do ở xứ người biểu lộ qua dòng văn chương lưu xứ hoài hương như Cao Tần, Thanh Nam, Hà Thúc Sinh, Hoàng Xuân Sơn (Viễn Phố-một thời) v.v.

 

6-Tại sao ông không sáng tác thơ tình?( theo đúng nghĩa tình yêu nam nữ).

 

Thơ tình? Thì thi nhân tập sự nào chẳng bắt đầu bằng dăm ba bài tình thơ!(không phải là Tình Thư Của Lính đâu nhé!) .Cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”tôi cũng có mày mò nặn óc mần những bài thơ thuộc loại tình cảm ướt át, nhưng thấy không xong ( không có năng khiếu, hoặc giả không trải qua những cuộc tình “vật vã khôn nguôi”) nên đành thôi. Nhận định như Võ Phiến : văn học miền nam Việt Nam thiếu những sáng tác về tình yêu năm/nữ đích thực. Nhận định này khá trung thực : nhìn lại chặng đường sáng tác của những tác giả miền nam VN, cho dù có viết về tình yêu, cũng lồng trong khung cảnh thời chiến, thấp thoáng bóng dáng của chiến tranh; của niềm sinh ly tử biệt.Hoặc thơ văn viết về thân phận con người , về triết lý nhân sinh, hoặc viết theo trào lưu hiện sinh v.v. Văn-thi nhân viết về tình yêu thơ mộng nam/nữ đích thực rất hiếm hoi, có thể đếm trên đầu ngón tay : Bên thơ có Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Sa, Hoàng Trúc Ly, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Nguyễn Tất Nhiên, Mường Mán, Hoàng Lộc (chung tình cho tới giờ phút này), Trần Mộng Tú (cả văn lẫn thơ). . .Bên văn cũng thế, ngoài một Hoàng Ngọc Tuấn viết thuần chất về tình yêu, ta còn có Nguyễn Thanh Trịnh, Nguyễn Đức Nam, Dung Sàigòn&Võ Hà Anh(?), Nguyễn Thị Minh Ngọc, Từ Kế Tường (thỉnh thoảng)...; hoặc viết về tình yêu pha lẫn mùi vị triết lý nhân sinh, hiện sinh như Trùng Dương, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị Ngh.; v.v. Đâu có nhiều phải không chị? Lan man thêm một chút về cái sự vụ “ vì đâu HXS không làm thơ tình?” . Chẳng qua là bị, là tại, là vì CÁI SỰ CÔ ĐƠN NGÚT NGÀN của đời hắn . Bởi lẽ thế mà hắn được bạn bè gắn cho nhiều danh hiệu khác nhau :

 

Võ Đình : “. . . nếu tôi phải gán cho thơ Hoàng một chữ thì tôi sẽ nói đó là một tiếng thơ Cùng Cực Cô Đơn. . .”[trích lời bạt, tập Viễn Phố] Vĩnh Hảo: “Thơ ông buồn vời vợi. Buồn từ trong buồn ra. Buồn từ ngoài buồn vào. Ở đâu cũng thấy buồn. Thảng hoặc có vài nơi ông đùa bỡn một chút, cũng vẫn thấy buồn thấm thía thế nào ấy. Đùa cho người ta buồn rơi nước mắt . . . “[trích mạng VinhHao.com, phần Đọc Thơ] Hoặc như Nguyễn Vy Khanh :Vì cô đơn nên nguồn thơ HXS luôn luôn đi tìm sự đồng cảmcủa người khác. Và Lương Thư Trung : Lục Bát HXS là một chỗ về của bạn bè . . . tưởng chừng như thiếu nguồn cảm hứng từ bạn bè, ông không còn làm thơ nổi . . . Một thân hữu khác : nguồn thơ cô tịch của ông giống như một người làm thơ cùng tên - Nguyễn Đức Sơn, người nuôi lửa tịch mịch . . .

 

v.v.

 

Nguyên uỷ vì đâu có sự chọn lựa Cô Đơn ? Trong thao tác văn chương, mỗi người đều muốn đi tìm một phong cách viết riêng cho mình, khởi đầu, như một cây gậy dò đường. Lâu dần, sự chọn lựa được bồi đắp, trở thành chất liệu đặc thù, một loại dấu ấn tự phong. Dấu ấn của hắn, HXS, chính là sự cô đơn cùng tận! Đã cô đơn thì khó nói chuyện Tình Yêu Nam Nữ. Họa chăng, chỉ có sự luyến thương một chiều, đơn phương như ông ca sĩ Tuấn Vũ ông ổng hát ngày nào: “. . . đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn . . .” ! Tôi mới được đọc bài phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai dành cho nhà văn Trùng Dương có một câu hỏi khá thấm thía: “Người ta nói nhà văn(đích thực)là những người cô đơn nhất theo bản năng tự nhiên. Chính vì thế mà họ có khả năng chìm đắm trong tư duy sáng tạo, và sống với những nhân vật họ tạo ra. Theo chị câu này có đúng không?và chị có cảm thấy cô đơn như thế chăng? Nếu được hỏi tương tự, tôi chỉ xin ca cẩm thế này: “Làm thơ là trở về với thế giới tịch mịch, thu mình trong chiếc vỏ ốc đơn lạnh; mình ta hiểu lấy ta! Nhưng có thể nào như lời của Simone Weil – Cô đơn tuyệt đối ta sẽ nắm được chân lý ở đời (trích dẫn: truyện Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau của Hoàng Ngọc Tuấn) – Ôi chân lý! Có thể nào là suốt đời côi cút trên đỉnh cô phong?!

 

7-Đôi khi nhà thơ nổi tiếng vì tác phẩm được phổ nhạc, trường hợp Nguyễn Tất Nhiên. Được biết Hoàng Xuân Sơn thường tham gia sinh họat văn nghệ và hát rất hay. Ông có nhận được đề nghị của nhạc sĩ muốn phổ thơ HXS không? Nếu có, nhà thơ có muốn họ trả tiền bản quyền cho tác phẩm không?

 

Cám ơn chị Quỳnh Mai, hát hỏng cho đời đở tẻ ấy mà! Riêng về việc ThơPhổNhạc(hay nói ngược lại), tôi có đôi ý kiến thế này : Hiện tượng Thơ Phổ Nhạc/Nhạc Phổ Thơ – tôi tạm mượn dấu slash(gạch chéo: /) mà thi sĩ Du Tử Lê hay sử dụng để nói lên ý nghĩa hoán vị và bổ túc giữa hai nhóm chữ này : tiên khởi, cả hai đối tác (Người có thơ được phổ nhạc và người muốn viết những nốt nhạc lên bài thơ) phải mang một tâm hồn đồng điệu mới làm nên một tác phẩm hay đẹp. Như những trường hợp tiêu biểu có được sự tương tác của đôi bên,những cặp đôi có nghệ phẩm đi sâu vào lòng quần chúng, Phạm Duy/Nguyễn Tất Nhiên, Từ Công Phụng/Du Tử Lê, Ngô Thụy Miên/Nguyên Sa v.v.Hay mới đây như Phạm Anh Dũng/Hoàng Ngọc Quỳnh Giao( tiêu biểu là bài Dạ Quỳnh hương) . Còn như làm công việc nói trên một cách tùy tiện, gượng ép kiểu nhắm mắt làm bừa, thù tạc thì không nên. Tự nguyện là một điều kiện cần thiết : Khi một người viết nhạc đọc được một bài thơ đắc ý, cảm thấy “kết” liền, “mặn” liền, thì tự khắc sẽ có một công trình mang hứng khởi văn nghệ đích thực. Còn viết theo đơn đặt hàng thì ô hô ai tai!Tôi cũng có được một đôi bài thơ phổ nhạc cũng không ngoài ý nghĩa có sự đồng cảm và đồng thuận đã nêu. Như thế thì tác quyền không còn là một vấn đề cần đặt ra nữa! Vả lại chuyện dài “bản quyền” ở bên này chắc chị cũng đã thấy rồi chứ gì : có ma nào tôn trọng đâu?! Có người cho rằng thơ là tinh chất của ngôn ngữ. Là những hạt ngọc. Nhưng là những hạt ngọc vương vãi. Ai muốn “lụm”chế biến kiểu gì, thức gì cũng đặng. Hoàn toàn “free”! E rằng sẽ chẳng có sự đôi co nào lớn chuyện.

 

8-Trong thời gian gần đây, sáng tác của Hoàng Xuân Sơn xuất hiện đều đặn trên những trang mạng văn chương hải ngoại. Hiện tượng này chứng tỏ ông đã mặc nhiên chấp nhận sự thoái hóa, triệt tiêu từ từ của sách báo in giấy phải không?

 

Không chấp nhận cũng không được chị à! Báo in đúng nghĩa văn học đâu còn mấy tờ!?Tôi rất khâm phục sự can đảm của các chủ biên còn lại : chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn để duy trì một diễn đàn tư tưởng mà tương lai chẳng biết đi về đâu! Tuy nhiên còn nước còn tát phải không? Nếu cần phổ biến bài vở đến bạn đọc thì e rằng báo điện tử chiếm thượng phong : Nhanh và gọn! Vậy mà cái tâm thức có bài trên báo in và được đọc lại bài mình trên báo in vẫn mang lại cho mình cảm giác lâng lâng thống khoái như được uống một cốc rượu ngon! [ có nhiều người đã viết về cái nỗi vui nhân tình nhân ngãi này] . Hỏi ngược lại : nhà văn Lê Quỳnh Mai nghĩ thế nào về tình trạng này?

 

9-Theo ông, áp lực đời sống có đè nặng lên nợ văn chương hay không?

 

Có và không !

 

Có: là điều dễ hiểu. Bao nhiêu người đã bỏ bút, ngưng viết vì nợ áo cơm đè nặng. Ngoài tình trạng lão hóa sức viết ngày mỗi cùn nhụt đi, ta còn phải chạy đua với thời gian theo cuộc sống bươn chải, lâu dần không còn hứng thú theo đuổi sự nghiệp văn chương nữa! Kiểm điểm lại trên trường chữ nghĩa, những kẻ đam mê thực thụ dễ còn mấy tay?

 

Không: theo cái nghĩa hiệu ứng nghịch chiều (effet contraire?) . Cuộc mưu sinh càng gay go chừng nào, càng sản sinh được nhiều tuyệt phẩm. Ý là có gian nan mới mài dũa nên được nhiều lời hay ý đẹp. Lấy một chút kinh nghiệm bản thân: Thời gian làm nhiều công việc nặng nhọc, cực khổ là thời gian kẻ này viết được nhiều nhất. Lúc tà tà ở không, tưởng là dễ múa may, nhưng không dè chính là lúc tắc tị!

 

10- Ông cầm bút cũng đã khá lâu, từ hồi còn ở quê nhà, nay vẫn còn chạy đường trường. Ông có thể nói về giao tình của ông với những người viết khác qua mỗi chặng đường? Và quan niệm kết giao bằng hữu của ông như thế nào?

 

Bằng hữu văn nghệ của tôi đông vô số kể chị Quỳnh Mai ơi! Kể tên ra e ngốt người. Đánh bạn được với nhiều người, nhiều thành phần khác biệt, đối với cá nhân tôi là một niềm hãnh diện vô biên. Thiệt ra vì cái bản chất cô đơn thường trực như đã nói ở trên nên hắn rất chi là cần bạn bè. và chấp nhận sự thù tạc trong văn chương (cho dù có nhiều người khích bác)như một hơi ấm, một chỗ dựa cho cuộc nhân sinh buồn bã. Cho dù đời sống quá bận bịu, bạn bè tôi dù ở trong hay ngoài nước, dù chân trời góc bể, lúc nào cũng mong ngóng nhau từng giờ từng phút. Phương chi được gặp nhau phải nói là ta cùng sướng vui “niềm vui tung giời” . Đó là bằng hữu chi giao đích thực! Bạn bè của HXS gồm đủ mọi lứa tuổi: từ lớn hơn, đồng trang lứa, và trẻ hơn. . . qua bao thăng trầm, dù có một vài dị biệt [không đáng kể], tình bạn lúc nào cũng được thắm thiết[ và mong được mãi mãi như thế]. Kết bạn vong niên đôi khi cũng sản sinh nhiều mối hảo cảm bất ngờ thú vị. Tôi có nhiều ông anh bà chị văn nghệ cũng như nhiều cô em cậu em “văn gừng” mà đối xử với nhau lúc nào cũng như bát nước đầy : “ gừng cay muối mặn ta ơi!” Tiêu chuẩn đánh bạn của tôi cũng vô cùng đơn giản : hãy đến với nhau bằng chân tình! Bạn bè ăn ở với nhau lâu dài bằng tấm lòng cỡi mở chân thật.Biết lân tài, quý trọng lẫn nhau[không phải là ganh tài] . Và gạt bỏ hết lòng kiêu ngạo, tị hiềm, tinh thần vụ lợi con buôn[đâm sau lưng bạn bè - đạp trên lưng người khác để thăng tiến ]. Có khó và nhiều quá không chị?

 

11- Sự hình thành của Quán Văn (trích: Phóng Bút Cũng Cần Có Nhau), là một thiên phóng bút dưới dạng hồi tưởng về thời điểm sinh họat văn nghệ thập niên 60/70 ở miền Nam Việt Nam nói chung, trong đó có Quán Văn.( tác giả giới thiệu). Trong phóng sự này ông đã viết rất đẹp về Trịnh Công Sơn, và khẳng định sự kết hợp giữa Khánh Ly và TCS, là hiện tượng tạo dấu ấn rõ rệt về các sinh hoạt văn nghệ thời thượng. Ông nghĩ thế nào, khi đọc nhiều bài viết với những dẫn chứng kết án TCS là cộng sản?

 

Mở lại hồ sơ TCS là trở lại với sự phức tạp tưởng chừng không dứt: bởi vì mọi tranh cãi về vị thế chính trị của ông ấy đối với đất nước Việt Nam cho tới giờ phút này dường như vẫn chưa ngả ngũ TCS là quốc gia hay cộng sản? Chung quanh vấn đề này đã xuất hiện nhiều bài viết từ nhiều phía: phía binh vực TCS(rất hiếm hoi), phía quy kết TCS là cộng sản gộc hay “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”(rất đông đảo), phía những người thương và hận TCS(vẫn yêu nhạc Trịnh nhưng hận ông về sự lựa chọn phản bội); và cánh hùa theo đánh hôi TCS để tự đánh bóng mình(cánh này cũng đông đảo không kém) .

 

Khi tôi viết phóng bút Cũng Cần Có Nhau và viết “tốt đẹp” cho TCS và Khánh Ly là tôi chỉ viết lên một phần nhỏ sự thật lúc bấy giờ - tôi nhấn mạnh THỜI ĐIỂM BẤY GIỜ - Đối với giới trẻ Sài gòn nói riêng và VN nói chung TCS và Khánh Ly quả là thần tượng qua sinh hoạt văn nghệ thanh niên sinh viên cuối thập niên 60. Họ say mê nhạc Trịnh (mà người diễn đạt gần gũi, gây nhiều ấn tượng nhất không ai ngoài Khánh Ly) như một cái “mode” thời thượng, chán ghét chiến tranh, chiêm nghiệm thân phận con người; sự bi đát, huỷ hoại và sau cùng là cái chết của đạn bom mang lại . . . Theo nhận định(rất chủ quan) của tôi, với tư cách một người bạn đã từng sinh hoạt chung với nhau nhiều năm : THỜI ĐIỂM BẤY GIỜ (lại nhấn mạnh) TCS chưa hề là cộng sản! Những ca khúc của anh, cụ thể là Ca Khúc Da Vàng, chỉ mang tính chất phản chiến, cho dù có quy kết những ca khúc này làm lợi cho địch, cũng không thể chối bỏ khuynh hướng nhân bản chống lại cuộc chiến phi nhân tương tàn. Nếu TCS là một cán bộ CS gộc, có bề dày tuổi đảng, thì không thể viết: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày. . .”(Gia Tài Của Mẹ) . Đối với người cộng sản, cuộc chiến xâm lăng miền nam VN vẫn được họ mệnh danh là “cuộc chiến đấu thần thánh của toàn dân chống Mỹ cứu nước” . “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”thì diễn từ “nội chiến” là phản động là cái chắc. Hoặc những lời ca khác của TCS như “ một ngày mùa đông trên con đường mòn, một chiếc xe tang, trái mìn nổ chậm, người chết hai lần, thịt da nát tan . . .” . Mìn nổ chậm do phía nào gài thì ai cũng biết. Vâng! Có những cái chết phi lý như thế. Như người ta vẫn nhân danh bạo lực để sát hại đồng loại mà có lần TCS đã lên án và binh vực cho bạn Ngô Vương Toại bị ngã gục vì viên đạn thù phía bên kia bằng ca khúc Nhân Danh Ai “nhân danh ai anh đến đây bắn vào người ...”( trích đoạn sự việc này tôi đã gởi đăng ở mạng www.damau.org , xin mời đọc nếu cần kiểm chứng) . Trừ trường hợp(giả thiết) TCS là một điệp viên CS cao cấp, che dấu hết mọi căn cước của mình để ăn dầm ở dề trong lòng địch làm công tác ru ngủ đối phương tạo thành tích lớn cho “cách mạng” . Tôi không tin như thế, vì quả đúng vậy thì TCS về sau sẽ trở thành một anh hùng dân tộc của phía bên kia(?!). Sau 75 TCS không hề được công kênh. Và chỉ là một con chốt trên bàn cờ thí. Dù sao, tôi vẫn trân quý TCS là một thiên tài âm nhạc đích thực.Và qua giao tiếp, tôi nhận thấy anh là người có học, suy nghĩ sâu sắc,tính tình bặt thiệp, cách đối xử với bạn bè và người thân rất bình thường, thân thiện. Tuy nhiên, một điểm cần nhấn mạnh là TCS rất nhút nhát, hay sợ hãi, an phận và nể vì. Đó cũng là những đức tính đưa đến sự chọn lựa sau cùng của anh :hợp tác với chế độ cộng sản. Sự lựa chọn này có thể manh nha từ những tháng năm chịu áp lực ngầm của đám bằng hữu nhảy núi vô bưng hoạt động cho CS. Cụ thể là từ Ca Khúc Da Vàng, lúc TCS sáng tác loạt ca khúc “đấu tranh”Kinh Việt Nam và Ta Phải Thấy Mặt Trời, hơi hướm lời ca từ Vàng đã biến thành Da Cam [ “ta sẽ chiếm trăm công trường, ta xây nên nghìn phố hòa bình . . .”hoặc “... ta đi trong cách mạng tự hào ...”- “ chính chúng ta phải nói hòa bình, khi đất này địa ngục dựng lên, chính chúng ta dành lấy mọi quyền, đứng lên đòi thống nhất quê hương” v.v. và v.v.]. Sau này, khi gặp lại TCS một lần duy nhất ở Gia Nã Đại, một vài bạn cũ, và chính tôi cũng nhận thấy anh có phần biến chất: một người đã từng được hưởng ơn mưa móc của chế độ mới qua cách suy nghĩ, diễn đạt và ứng xử. Như thế, từ thời điểm này, bảo TCS là người của CS cũng không ngoa.

 

12-Ông có khẳng định những chi tiết trong SHTCQV là đúng 100%, sau hơn 35 năm, như trí nhớ của người phóng bút không? Có phải đây mới là tác phẩm để đời của Hoàng Xuân Sơn?

 

Khi tôi bắt đầu viết phóng bút Cũng Cần Có Nhau, tôi đã cẩn thận ghi lại như thế này: “ . . . Tôi không có ý định viết hồi ký. Viết hồi ký đòi hỏi phải có một đầu óc khá minh mẫn để ghi lại sự kiện rõ ràng, minh bạch như đen với trắng. Ví dụ như ngày/tháng, địa điểm v.v; thời gian, không gian cần có sự chính xác. Hỡi ơi! Trí não tôi giờ này đã mụ mị mất rồi! Hơn thế nữa, trong các thể loại văn chương, cầm bút viết một bài văn cho ra hồn, với tôi thật là vạn nan. Tôi là một kẻ làm thơ lưng chừng ở sự lười biếng. Lâu lâu có cảm hứng rị mọ một vài câu vần-vè-vật-vạ. Bởi khó khăn thế nên tôi không hề có ý định viết hồi ký cho đến khi. . .(?) . . . đến khi dăm ba bằng hữu ngồi tán dóc chuyện đời xửa đời xưa; nghe tôi có dính líu ít nhiều đến sinh hoạt thời sinh viên trai trẻ, thời của Quán Văn có đông đảo anh chị em văn nghệ v.v., các bạn đã khuyến dụ tôi ghi lại quãng đời này qua những sự kiện của một thời đại đáng ghi nhớ . Cám ơn các bạn văn Hoàng Chiều Nhân, Trương Vũ, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Doãn Nho, Triều Hoa Đại, Cao Vị Khanh. . . đã chủ động “khích tuồng” . Và gần đây nhất, thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp, ông chủ Phố Văn, trong một đêm đối ẩm hai chàng ba chai rượu đỏ (đêm tiền đại hội Văn Hóa Phẩm Dallas Fortworth, tháng 11/2005) đã cặp kè bên hông kẻ hèn này thúc viết cho bằng được. Ừ, thì viết. Cái này không gọi là hồi ký thôi thì tạm gọi là “phóng bút” đi. . .”

 

Chị thấy không ? Như thế thì làm sao khẳng định đúng 100% được . Tuy nhiên qua thăm dò một số thân hữu đã từng sinh hoạt chung thời kỳ Quán Văn, những điều ghi lại (sự kiện chính)cũng đạt được mức độ chính xác khoảng 90% . Như thế là cũng có điểm tốt rồi phải không ? Còn gọi là tác phẩm để đời thì không dám mô . Tất cả mọi thao t ác văn nghệ của HXS đều ở trên đường chập chững, vẫn còn nơi cõi tạm mà thôi ! . 13- Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn có lời nào với độc giả của ông?

 

Trong tương lai, khi phóng bút Cũng Cần Có Nhau ra đời, chỉ mong nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và góp ý xây dựng của bạn đ ọc . Cám ơn nhà văn Lê Quỳnh Mai đã cất công sửa soạn buổi trò chuyện này . Cám ơn quý độc giả đã theo dõi . Xin chúc sức khỏe mọi người . Với lời chào tạm biệt .

 

 Cám ơn nhà thơ Hoàng Xuân Sơn đã nhận lời mời phỏng vấn của Lê Quỳnh Mai

 

LÊ QUỲNH MAI thực hiện

Tháng 8, 2010

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
28 Tháng Tám 201911:09 CH
Khách
Tôi là Lê Đình Thông, bạn của anh Hoàng Xuân Sơn.
Kính mong quý anh chị cho tôi địa của anh Sơn để liên lạc.
Xin đa tạ.
LĐT (Paris)
28 Tháng Tám 201911:08 CH
Khách
Tôi là Lê Đình Thông, bạn của anh Hoàng Xuân Sơn.
Kính mong quý anh chị cho tôi địa của anh Sơn để liên lạc.
Xin đa tạ.
LĐT (Paris)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 89885)
N goại trưởng Mỹ nêu đích danh một số nước nặng tay nhất với việc sử dụng Internet như Saudi Arabia, Việt Nam, Sudan và Trung Cộng. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ nhưng lại chống đối Hoa Kỳ đẩy mạnh việc cải thiện Dân Chủ trong thế giới Ả Rập.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 76505)
N gười mù, người câm, người điếc, ai cũng thấy hiện trạng xã hội Việt Nam đương đại đang xoay thế nào. Một xã hội bất bình đẳng kinh khủng với ngàn tệ nạn lớn-nhỏ, trẻ-già, sang-hèn. [...] Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì, đã viết được dòng nào từ nguyên liệu khổng lồ ấy? Hay rời rạc dăm câu thơ không rõ nghĩa, vài ba truyện ngăn ngắn kháy khía tủn mủn [...] ngồi nhìn bầu trời xám xịt ô nhiễm, gác chân cho những đứa trẻ tội nghiệp lau giầy, rên ư ử trong nhà hàng bia ôm máy lạnh mà làm thơ móc máy lẫn nhau.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 71792)
C hristine Falkenland, sinh năm 1967, đang là hiện tượng và hy vọng của văn chương Thụy Điển hiện nay. Cô viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm đã được dịch qua tiếng Pháp: Bóng Tôi (Mon ombre), Cơn Khát Của Hồn (La soif de l’âme), Búa Đe (Le marteau et l’enclume). Bút pháp tiêu biểu Bắc Âu. Văn phong đơn giản, cô đặc nhưng lại cực kỳ day rứt. Nội dung thường hướng về những đau đớn và khúc mắc ái, dục. Búa Đe là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Christine Falkenland được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Actes Sud xuất bản tháng Sáu năm 1998.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85778)
T hơ Việt đi về đâu? Đây là câu hỏi mà tập thể các nhà thơ và giới làm văn hoá-giáo dục VN phải trả lời, với sự đóng góp của ý thức và bản lĩnh từ mỗi cá nhân. Những trang dông dài trên đây chỉ muốn phác họa quang cảnh và vài xu thế chính mà các nhà văn nhà thơ VN đang chứng kiến và đối diện: Sự hình thành nền cộng hòa văn chương VN trong bối cảnh toàn cầu hóa một chiều, cộng thêm bóng đen của toàn trị-mafia và vòng kim cô tự kiểm duyệt trên đầu. May mắn được làm một người quan sát từ ngoài nước [...] Chỉ xin đóng góp ở đây vài ý kiến nghề nghiệp.
07 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82870)
Q ua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử...
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 117890)
K hông còn gọi là vũ khí, một khẩu colt giữa điệp trùng AK chỉ còn để yên tâm biết trong tay có bạn giữa mịt mùng núi rừng không tìm ra lối đi
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82830)
... D ạo ấy tôi là người yêu của lính. Ban đầu là thiếu úy thông dịch viên chiến trường, xong tụt xuống chuẩn úy Quân Trường Thủ Đức, rồi leo lên trung úy Quân Y, chặp sau đại úy Hải Quân, cuối cùng trở lại hàm thiếu úy binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. [...] Mấy tay này, tiếc thay, chết như sung rụng. Tôi ôm nỗi buồn góa phụ cô đơn rên rỉ nhạc Trịnh anh nằm xuống sau một lần đã đến đây ...
02 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 116577)
l úc chúng mình cùng ưu tư chung một đoạn cuối tiếng ve rền nuối tiếc em lẩm cẩm hỏi về điều kỳ diệu của mùa xuân tôi vội nén lại một mùa xuân thất sủng...
01 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 83023)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 95553)
C on gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã nhiều năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.