- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngôi nhà sau lưng Văn Miếu

20 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 104365)

 

ngoinhasaulungvanmieu-content
 

Tôi trở về ngôi nhà của gia đình sau hơn hai mươi năm xa cách. Ngôi nhà chừng như không thay đổi mấy ở mặt tiền. Vẫn ba gian tường quét vôi trắng, điểm một vài khung cửa khép hờ, một chái bếp ở hiên sau và mảnh sân con vuông vức nơi lối ra vào. Dấu tích của thời gian chỉ ẩn hiện lờ mờ từng đốm ố trên vách tường cũ, đã ngả màu cháo lòng và loang lổ đây đó như những vệt mụt nhọt thâm sâu. Ngôi nhà vẫn giữ được màu ngói đỏ mà Thầy tôi thuê người lợp trước ngày Nhật chiếm Đông Dương. Vẫn còn nguyên một mảnh ngói mẻ nằm ở hàng ngói thứ mười từ máng xối đếm lên. Cả lớp rêu xanh rì bám vào bờ tường chạy viền theo bên hông nhà ra đến chân hàng giậu hoa dâm bụt nơi Thầy tôi đang đứng.

- Kìa cái Nụ về đấy à? Đi đâu mãi thế? Đến gần Thầy xem, mắt Thầy lòa rồi không nom rõ...

 

Lòng tôi vụt xốn xang, bồi hồi. Cái thời khắc hồi hộp chờ đợi gặp lại người thân sau bao năm chia cách. Tôi lóng cóng đặt xắc hành lý, hấp tấp bước như chạy vào trong sân. Tôi muốn ôm choàng lấy thân thể mảnh dẻ của Thầy, nói cho người hiểu rằng tôi luôn luôn thương kính người. Nhưng ở lúc tôi xúc động nhất, Thầy tôi bình thản tự nhiên ngồi xuống tấm phản gỗ kê ở gần bên. Hai cánh tay vốn yếu của người chậm chạp lần tìm mẩu vải nhung nâu, mà từ ngày khôn lớn tôi chưa bao giờ thấy người rời ra. Người cong cánh tay xanh mướt, khẽ đỡ cặp kính thuốc xuống lau chùi. Cặp mắt Thầy tôi bỗng dại hẳn đi khi người tháo được đôi kính. Người ngồi yên như thế ở tấm phản trước mặt tôi, tia nhìn ngây thơ như đứa trẻ, ngây dại như là người không còn trông thấy gì, kể cả tôi. Như thể cái con người vừa vồn vã chào mừng tôi trở về nhà tức thời, không phải là thầy. Thầy tôi ngồi ngơ ngác trong sân, chìm đắm vào một thế giới mà chỉ mình người biết. Người không thấy cả hòn non bộ quý mà người đặt mua tận bên Tàu, bây giờ vẫn còn đây, đã cạn nước nằm trơ trẽn phơi xác nơi cuối vườn.

 

Thầy tôi im lặng, lâu lâu cúi xuống mải miết với mẩu vải nhung sờn cũ. Những đường chỉ sợi viền vàng thêu tên họ chữ lót của người đã tả tơi, như mảnh di vật của một thời phú túc. Người mân mê lau chùi hai tròng kiếng dầy trầy trụa, không còn nghe thấy bất cứ một âm thanh hay thứ tiếng động nào khác.

 

Tôi không rõ Thầy tôi lòa và yếu thần kinh đến mức độ nào, song cái hình ảnh thực tế đầy đủ từng đường nét, chi tiết cảnh Thầy ngồi thẩn thờ hàng giờ tẩn mẩn sờ mó mày mò gọng kính thuốc cong queo, tỉ mỉ xếp gấp cái khăn nhung cáu bẩn và nâng niu cây gậy chống kiểu Tây thuở xưa, cái hình ảnh bệ rạc suy nhược đó rằng cái Nụ – như người thường gọi tôi bằng cái tên tấm bé – đã ra khỏi cuộc đời người từ lâu lắm rồi.

 

Lúc tôi theo Mợ tôi bước vào nhà, Cố đang nằm trên sập gụ. Vẫn tủ chè Tàu kê nơi góc, vẫn bàn thờ gia tiên với một nén hương sắp tàn, và mùi hương trầm phảng phất trong không khí tịch mịch yên lặng vây lấy sập gụ. Cố vẫn nằm đó, thiêm thiếp, khò khè, như chưa hề dời đi đâu hai mươi năm nay. Mợ tôi mở hé một tấm phên liếp cho ánh sáng rọi chiếu thêm vào gian buồng. Nghe tiếng động, thân hình Cố bỗng lúc lắc, cái đầu hình sọ rung rung muốn xoay lại. Cố cũng bị yếu thần kinh, nhưng khác với Thầy là Cố không lòa. Bàn chân tôi đột ngột chôn xuống nền đất đã gỡ mất phần gạch lát nơi ngạch cửa, vì trời ơi — đôi mắt Cố mới tóe lửa dữ dội làm sao khi Cố xoay được đầu đăm đăm nhìn trừng về hướng tôi. Cố giương cặp mắt lớn quá khổ trên khuôn mặt xọm khô nhão nhoẹt. Đôi con ngươi muốn vỡ ra ở hai hố mắt đầy tròng trắng, lăn tăn lia tia nhiều gân máu. Ánh mắt nhìn trắng dã mà hai mươi năm nay tôi trốn tránh, lúc này hiển hiện phừng phừng lửa giận trong gian nhà. Cố bị bán thân bất toại nên hai chân và nửa người dưới bất động, song nửa người trên với mười lóng tay co giật cào cấu, chụp bắt liên hồi vào chiếu giường như muốn dựng dậy cái xác thân đã tàn phế. Một chuỗi âm thanh không rõ tiếng, líu ríu thoát ra từ lỗ miệng móm méo. Mợ tôi đè mạnh Cố nằm xuống. Đắp thêm chăn cho người. Bà vuốt vầng trán nhăn nheo của cái thân xác còn đang co giật như bị động kinh, thì thầm à ơi như ru con. Đứng ở bậc cửa, tôi thu tiếp trọn vẹn vùng ánh sáng của nắng vàng hoe, loe từ phên cửa, lờ mờ lớp bụi giăng giăng theo từng chập Mợ tôi phe phẩy quạt mây. Bà dấp dấp khăn ướt đắp lên mặt Cố, chăm sóc cho cụ bằng những động tác nhẫn nại đến điên người. Không gian đặc quánh quanh cái sập gụ của Cố bằng gỗ cẩm lai. Thời gian ngừng hẳn ở bát nước vối Mợ tôi đút từng thìa nhỏ vào giữa cặp môi nhăn nhúm. Phải lâu lắm Cố mới húp hết bát nước vối. Chờ đến khi Cố nằm yên thiu thiu ngủ, bà mới đứng lên.

- Chị đừng chọc Cố, để yên cho cụ ngủ. Cụ bị liệt không đi đứng được nên thường hay lên cơn uất. Thôi chị vào buồng trong thay áo, để tôi làm việc. Tỵ nữa họ hàng có ghé, tôi sẽ bảo chị ra chào.

 

Mợ chỉ chuyện trò với tôi ngần ấy. Không có đến một lời thăm hỏi. Hai mươi năm mà bà không hề thay đổi. Vẫn ngần ấy dáng vẻ, từng ấy cử chỉ cứng rắn cùng lời nói không khi nào biểu lộ tình thương. Giống Thầy tôi, bà không mấy vồn vã khi hay tin tôi về thăm nhà. Tôi rỡ hành lý, lẳng lặng đem cất vào buồng trong, và cẩn thận tránh đi ngang giường cụ Cố. Buổi chiều, con đường Hàng Cháo lặng lẽ như tờ. Một vài phiến lá bay rơi lao xao, xào xạc, vô hồn.

 

*

 

Đêm đầu tiên ở trong ngôi nhà mình đã sống qua thời hoa niên cách đây hai mươi năm tôi không sao chợp mắt được. Tôi thao thức hết nhìn gian buồng nhỏ đơn sơ, một kệ tủ đóng bụi mờ, một cánh riềm cửa phập phồng tung bay lên xuống ở đầu nằm, rồi lại nhìn ngắm hàng cây trầu bà giồng ngoài ô cửa sổ trông ra phía Văn Miếu. Tâm thần tôi cũng phập phồng kỳ lạ, nửa tỉnh táo nghe tiếng ngáy khò khè của Cố ở buồng bên, nửa đuối vào vùng tâm thức của cảnh trí cũ. Tiếng gió đưa những chiếc lá bàng khua rời rạc trên mặt đường như tiếng cánh cửa tâm linh ở trong tôi chợt mở, chợt khép kẽo kẹt lần lữa dằng co với thực tại và quá khứ. Gian buồng tôi ở giữa, hai bên là buồng của Thầy Mợ tôi và cụ Cố. Tôi như bị vây lấy bởi tiếng thở đều đều của những người thân thuộc. Nửa đêm có tiếng mớ của Thầy tôi mê sảng từng chập rồi tắt lịm vào bóng trăng đong đưa chơi vơi giữa hai tàu lá. Không gian lại chìm vào trong cái khuya khoắt của đêm Hà Nội u trầm tịch lặng. Không phải cái yên lặng thanh bình của Hà Nội thời tiền chiến, mà là cái không khí trừ tịch, cô quạnh vắng vẻ, đìu hiu của vũ trụ đã có từ ngàn năm trước. Có một thoáng tôi lờ mờ tuởng mình trông thấy những bóng người đi khuya về ngang Văn Miếu, tuởng nghe được tiếng chuyện trò của họ lúc rõ lúc câm, tôi rùng mình đến mấy lần vì vẻ lạnh lẽo, toát ra từ ánh trăng tròn mọc cao vút. Đúng lúc đó tôi nghe được rõ ràng những tiếng động sệt sệt sau gian bếp.

 

Tôi gặp Nhài lần đầu tiên buổi tối ấy. Lúc tôi xuống bếp, Nhài đang vần những bao than lớn mở trút vào bồ. Thứ tiếng động nặng sền sệt mà tôi nghe khi nãy, là tiếng động của mấy bao tải than mà Nhài kéo lê từ sân sau vào bếp. Nhài còn trẻ lắm, chỉ vào độ đôi tám. Trông thấy tôi, Nhài nở nụ cười cầu thân, tươi cười như thể tôi và Nhài đã quen biết nhau từ trước. Song, ở dáng vẻ tự nhiên không kiểu cọ, vừa rỡ than vừa mời tôi bát nước vối, vừa kể chuyện của Nhài làm tôi có cảm tình với Nhài ngay. Chái bếp khuya, tù mù khói bay tỏa bốc tự đám than hồng Nhài vừa nhóm để nấu xôi. Hai cánh tay Nhài thoăn thoắt, khều tro lửa, giở nắp nồi xem xôi, tước củi nhỏ, sàng gạo ăn cho vào lu, vừa sửa lại búi tóc mỗi khi trễ xuống gáy. Nhài không đẹp lắm, không có nét thanh lịch của thiếu nữ Hà Nội, đôi bàn tay hơi thô vì làm việc nặng, ngực vú đầy căng so với lứa tuổi dậy thì. Nhưng bù lại Nhài có khuôn mặt duyên dáng, nụ cười tươi hàm tiếu, ánh mắt sắc lẻm đưa tình và thân hình đầy đặn. Nhài còn có giọng nói truyền cảm, dù có hơi sắc ở những thanh cao.

- Có chị làm bạn, em mừng quá. Cả ngày giời đụt mưa nắng, tối về quần quật sau chái bếp, em đến mà chết mất!

- Nhài đi đâu cả ngày, mình về nhà từ buổi trưa mà không gặp?

- Ra chợ Đồng Xuân chứ đi đâu! Đáng nhẽ đã về sớm kia, tại cái nhà anh Đoàn dớ dẩn!

- Chắc Nhài thích đi chơi lắm nhỉ? Có hay dạo phố ở hàng Đào không?

- Ấy, đi gánh than ấy chứ! Chơi gì!

Nhài bĩu môi trả lời, hai bắp tay vẫn thoăn thoắt xúc than cho vào bồ. Búi tóc con gái đong đưa từng chặp mỗi lúc Nhài xoay mình với cái này, lấy cái nọ. Nhìn những bao tải than trong lúc ở Hà Nội “gạo châu, củi quế”, tôi mừng cho Thầy Mợ tôi hãy còn phong lưu khá giả, chưa đến nỗi phải đun củi như nhiều gia đình khác.

- Sao mua được than nhiều thế? Mình tưởng ngoài này hiếm lắm chứ?

Nghe tôi hỏi, Nhài quay lại ngó chăm chăm vào mặt tôi rất ngạc nhiên.

- Than đá ấy à?

- Ừ, chứ không phải mua theo phiếu ở cửa hàng cung cấp chất đốt à?

- Tem phiếu gì, ngoài chợ ấy ra mua mà vác về! Tháng nào mà em chẳng đi gánh về cho Mợ.

Nói rồi Nhài vui vẻ đi ngâm nếp, bảo để thổi cơm rượu ngày mai cho Cố. Nhài về ở với Thầy Mợ tôi mười mấy năm rồi. Giọng kể của Nhài đều đều gần như độc thoại.

- Bố đẻ em mất sớm. Bu em lấy chồng khác. Thầy Mợ nhận em về làm con nuôi vì khi ấy chị vào Nam rồi nhà cửa cô quạnh quá.

Ngồi sau lưng Nhài, tôi trông rõ những giọt mồ hôi ẩm lấm tấm bám vào ngấn cổ trắng ngần của Nhài, rồi chảy lăn xuống lưng áo. Hơi nóng tỏa ở ngọn lửa than làm cho chái bếp nóng rực. Làn vải nội hóa mỏng dán sát vào da thịt Nhài phô bày tấm lưng chắc khỏe. Lâu lâu Nhài lơi tay việc, quay nhìn tôi cười khoe hàm răng hột bắp nhỏ đều. Thỉnh thoảng Nhài vuốt lại lọn tóc kẹp không kỹ, buông lẳng lơ trước trán. Đêm trong ngôi nhà sau lưng Văn Miếu khuya vắng, tịch mịch, chỉ có tiếng lửa than tịch tạch từng lúc, và tiếng kể chuyện của Nhài thì thầm đôi lúc lanh lảnh lên giọng. Nhài kể về ngôi nhà nhiều khí âm của Thầy Mợ tôi, về những cơn điên loạn bất chợt của cụ Cố, về bệnh đãng trí mất hồn của Thầy, và về tánh tình mỗi ngày một lãnh đạm của Mợ. Nhài cũng nhắc về Đoàn, gã thanh niên theo đuổi Nhài, thường hay tìm cớ đụng chạm vào tay chân, ngực Nhài.

- Mà lạ lắm chị Nụ, em cũng thích để cho cái nhà anh Đoàn rờ rẫm...

Khi nói câu ấy Nhài tránh nhìn mắt tôi, mặt hơi nghiêng về bếp lửa. Những ngọn lửa than hồng cháy rạo rực trong mắt Nhài lúc đó. Mười ngón tay Nhài mân mê đôi đũa bếp, di di trên mặt đất phẳng phiu vẽ những hình vật vô hình. Hai chúng tôi chuyện trò khuya lắm, đến khi Nhài làm xong hết việc, cả hai mới trở lên nhà. Căn buồng của tôi cũng là căn buồng của Nhài. Lúc thổi tắt ngọn đèn dầu tờ mờ, Nhài cười khúc khích tỏ ý muốn ngủ chung với tôi. Gian buồng chỉ có một chiếc giường tre mỏng manh, tôi lại không nỡ để Nhài nằm đất, dầu sao đây cũng là buồng của Nhài từ sau khi tôi bỏ nhà đi. Trong giấc ngủ dầy đặc bóng mây đen của quá khứ, tôi mường tượng một bàn tay Nhài luồn vào trong áo mình, từng làn hơi thở của Nhài phà vào cổ tôi. Những cơn trăn trở khiến thân thể của Nhài chạm vào mặt, vào ngực, vào bụng tôi, và tiếng phên cửa kẽo kẹt cùng ánh bạch lạp thắp suốt đêm bên buồng cụ Cố.

 

*

 

Khi tôi tỉnh giấc, phên cửa đã thôi kẽo kẹt. Ánh bạch lạp cũng đã tắt. Chỉ có tiếng một vòng bánh xe đạp mệt nhọc, đang rướn mình trên con dốc trước nhà. Tiếng động phọc phạch của một túi đồ nào đó buộc không kỹ trên yên xe, len lỏi được vào nhà, không đủ phá tan bầu không khí vây trùm yên lặng. Khung cửa sổ hâm hấp nắng trưa, rọi vào chỗ nằm làm tôi nặng đầu váng vất. Nhài đã ra khỏi buồng từ khi nào. Bộ áo cánh khi đêm Nhài mặc, treo ở cánh cửa tủ đong đưa, phất phơ... Tôi nằm bất động trên giường, thân thể nặng nề như vừa qua cơn bóng đè. Mãi tôi mới ngồi dậy được và bước xuống nhà dưới rửa mặt.

 

Lúc tôi chải đầu xong trở lên nhà trên, Cố vẫn còn nằm thiêm thiếp nơi sập gụ. Tiếng thở khò khè vang lên từng chập, gần như rên rỉ. Thầy tôi đã ra ngồi ngoài sân, nơi tấm phản kê gần giậu hoa dâm bụt. Hai cánh tay người yếu ớt lau chùi tròng kính, như cố gắng tuyệt vọng sau cùng muốn tìm lại sư tinh anh cho đôi mắt. Thầy không hề trông thấy tôi. Dưới màu nắng lấp lánh, cảnh tượng của ngày hôm qua hiện ra trở lại, với ngần ấy cử chỉ, động tác của người. Tia mắt người còn nguyên sự ngây dại, ở đôi môi run rẩy lâu lâu lắp bắp một câu nói tỉnh táo... của cách đây mấy mươi năm về trước.

- Anh phu đâu rồi? Đánh xe đi rước cụ Phan sang chơi tổ tôm xem nào!

- Không có nhà à? Thôi được rồi cất xe đi...

Cứ như thế, từng lúc bất chợt người to tiếng hầu chuyện một mình, rồi bỗng nhiên ngừng bặt rơi vào một vùng yên lặng sâu thẳm. Tôi đứng chôn chân trên bậc tam cấp, chứng kiến hình ảnh tiều tụy của người cho đến lúc Mợ tôi từ phiên chợ sớm trở về. Bà ném cho tôi cái nhìn không mấy yêu thương, lẳng lặng đến bên Thầy lùa mười ngón tay gầy guộc vào trong mái tóc đã bạc trắng của người, săm soi nhổ từng sợi tóc ngứa. Bà âu yếm vuốt vai Thầy, phủi dăm hạt bụi dính vu vơ trước khi rời ra để vào hẳn nhà trong chăm sóc cho cụ Cố. Tôi vẫn đứng đó, thấy mình thừa thãi, muốn phụ giúp bà nhưng không dám. Có một phiến chắn vô hình, kinh khủng giữa tôi và bà, khiến tôi không thể mở lời làm bất cứ điều gì trước khi bà lên tiếng. Cũng như hôm qua, tôi đứng nhìn bà bồng Cố xuống sập gụ, cho đi tiêu đi tiểu, lau mình mẩy Cố rồi cho ăn uống. Ngần ấy công việc làm xong thì trời đã quá trưa. Mợ tôi xuống bếp hâm thức ăn, những món mà Nhài đã làm sẵn hồi tối.

- Thầy Mợ xơi cơm...

- Không dám, mời chị.

Mợ tôi lạnh lùng cầm đôi đũa, gắp bỏ từng cọng rau đay vào bát của Thầy, chan thêm ít canh cua. Thầy lặng lẽ ăn, ngơ ngác vô hồn như một con đười ươi được tập luyện thuần thục.

Buổi chiều, tôi đi làm giấy cư trú tạm thời trở về thì gặp cô chú tôi đến thăm. Đi cùng với cô chú còn có một vài người quen của Thầy Mợ tôi, nghe tin tôi về Bắc, đến chào hỏi.

 

*

Tối ấy, tôi lại mất ngủ. Bao nhiêu tiếng động, hình ảnh của đêm qua trở về trên cái nếp màn cửa rung hờ, thả ánh trăng soi chập chờn lên trần nhà mờ đục. Tôi nằm im thao thức nghe tiếng mớ của Thầy tôi mê sảng, hòa điệu vào tiếng thở khò khè của cụ Cố chỉ còn là một thân xác gần kề miệng lỗ. Đến khi nghe tiếng lục đục quen thuộc ở gian bếp, tôi trở dậy bước xuống nhà dưới thì gặp Nhài.

- Đi đâu cả ngày nay không về?

- Ra chợ, buôn cau cho Mợ, rồi lên ga hàng Cỏ đón người quen.

- Ai thế?

- Nhà anh Phú chứ ai vào! Gớm cái nhà anh này mới từ miền cao về đã táy máy!

- Này quen ai mà ở tận miền cao?

- Không, trước anh Phú ở Hà Nội, phồ hàng Buồm ấy chứ! Nhưng từ hồi anh ấy vào khu, họ bắt đi công tác ở miền cao.

- Mấy chục năm rồi mà vẫn vậy cơ à?

Tôi ngạc nhiên hỏi Nhài, không ngờ từ ngày kháng chiến đánh Tây đến bây giờ ở ngoài này vẫn không thay đổi mấy. Nhưng điều lạ lùng là Nhài ngạc nhiên còn hơn cả tôi. Nhài tròn xoe mắt nhìn tôi không hiểu.

- Làm gì mà mười mấy năm, chỉ mới gần đây thôi mà.

Nhài trả lời rồi không chú ý đến câu chuyện nữa, trút cau từ trong thúng ra đất, lựa năm trái một buộc túm vào nhau. Tôi phụ Nhài xếp những lá trầu và rỡ vôi tán mỏng gói lại từng túm nhỏ. Nhài bảo để mai gánh ra chợ bán.

- Này gặp Phú nói chuyện gì mà lắm thế, mãi giờ này mới về. Kể mình nghe xem nào.

Vừa nghe tôi hỏi, Nhài đỏ mặt, cả hai đôi má ửng hồng và vụt lính quýnh. Nhài như muốn lảng chuyện bằng cách cho thêm than vào bếp lửa đang sôi. Tối nay Nhài thắt bím, hai bím tóc lẳng lơ đùa giỡn trước ngọn lửa bếp. Nhài quỳ gối làm việc, nhưng rồi không giữ được tâm tình mình, Nhài tâm sự bằng giọng Bắc quê hơi đỏng đảnh pha tiếng cười khúc khích.

- Chị Nụ! Chị đừng khai với Thầy Mợ nhé, em có người yêu rồi!

Nhài ngừng một chút, đôi mắt long lanh rồi tiếp.

- Không phải cái anh nhà Đoàn đâu, ấm ớ dớ dẩn lắm. Phú đấy! Hồi chiều chúng em gửi gánh rau ở nhà ga, đi bát phố. Phú thuê xe kéo đưa em đi dạo hồ Tây thích quá chị Nụ ạ. Mà này chị Nụ, sao đàn ông con giai họ hay thích nắm tay, vuốt lưng mình thế chị Nụ nhỉ?

- Chỉ nắm tay thôi mà mãi tối mịt mới về cơ à?

Tôi hỏi lại Nhài, chỉ để đùa chơi. Nào ngờ vẻ mặt Nhài thay đổi, nghiêm trọng hẳn. Đôi má Nhài thêm đỏ hây hẩy ngọn lửa than.

- Chị Nụ! Chị đã hôn ai chưa?

Nhài nhìn sững mặt tôi không chớp mắt. Lúc đó tôi mới biết cuộc tình đối với Nhài trầm trọng hơn tôi tưởng vì là mối tình đầu. Nhài ngó tôi bằng cặp mắt dễ sợ của một thiếu nữ sẵn sàng chết sống vì tình. Cái cõi sống cũng như chết mà Nhài dám tiến đến vì đã trao thân cho Phú.

 

Cánh cửa gian bếp bỗng xịch mở. Bóng một người đàn ông lao vào, giọng khản đục hét quá to trở thành chuỗi âm thanh vỡ rìn rịt.

- Mày đi đâu cả ngày giời hôm nay, con khốn nạn! Mày theo giai đấy phỏng!

Thầy tôi bất ngờ xuất hiện, tát trái vào giữa mặt Nhài. Cây gậy chống kiểu Tây mà người nâng niu thường khi quất vùn vụt xuống người Nhài vừa ngã chúi xuống nền đất. Diễn biến nhanh đến nỗi tôi không kịp có phản ứng, và Nhài thì nằm co quắp giữa gian bếp chịu trận. Hai cánh tay, Thầy tôi mới ban sáng còn yếu ớt, bây giờ mạnh mẽ khác thường, lên xuống vùn vụt quất tới tấp vào người Nhài.

- Ối, con lạy Thầy!

- Con khốn nạn, con đĩ rạc! Mày muốn làm nhục tao hay sao mà còn gọi tao bằng Thầy.

- Ối, Thầy ơi! Con van Thầy, trăm lạy Thầy.

Thầy tôi như không nghe thấy tiếng kêu van của Nhài, người lồng lên vun vút cây gậy không ngừng tay vào người Nhài. Tôi thu rút người trong góc bếp, tê cứng rũ liệt vì sợ hãi. Tôi muốn lăn vào chịu đòn thay cho Nhài, muốn can Thầy tôi ra, nhưng chân tay dính chặt vào mặt đất. Trong đầu tôi có cái ý nghĩ kỳ lạ là Thầy tôi mạnh kinh khủng, khác thường ngày nhiều lắm và Thầy dường như không để ý nhận thấy sự có mặt của tôi nơi xó bếp. Phải, đêm đó Thầy tôi mạnh lắm, dẫu tôi có xông vào cũng không ngăn nổi người. Hai cánh tay người tiếp tục quất xối xả xuống tấm thân bầm dập tóe máu của Nhài, và tôi như một kẻ vô hình co rút trong góc bếp chứng kiến một cảnh tượng ghê gớm mà không thể can thiệp. Thầy tôi đêm ấy không đeo kính, nhưng đôi mắt người không có vẻ điên dại, chỉ đỏ ngầu vì tức giận. Đến khi người bỏ lên nhà trên rồi thì Nhài hãy còn nằm co quắp, run lẩy bẩy. Tôi ôm cứng lấy Nhài và cùng khóc thút thít theo từng tiếng khóc uất nghẹn của Nhài.

 

Sau đó tôi đỡ Nhài dậy, dìu lên buồng, thay quần áo cho Nhài. Hai chúng tôi ôm nhau ngủ trên chiếc giường nan tre của Nhài, mà cũng là chiếc giường của tôi ngày xưa. Nhài khóc tấm tức suốt đêm, tiếng khóc ứa ra từ những vết thương bật máu. “Em chết mất chị Nụ ơi... đừng bỏ em, Phú ơi, anh ơi...”. Tiếng khóc tấm tức của Nhài nhỏ dần, nhưng thân thể lằn roi vẫn oằn oại, dẫy dụa. Tôi thiếp vào giấc ngủ rã rời, bải hoải cùng với tấm thân thương tích đó. Hình như tôi đã mê đi với những vệt roi lằn đỏ, bầm tím, ăn sâu vào lưng Nhài. Tôi ôm cứng lấy thân thể Nhài để tưởng là thân mình biết đau đớn. Đôi tay tôi hay đôi tay Nhài lần xoa nắn làm dịu vết đau của cả hai. Tôi chỉ nhớ trong trạng thái nửa thức nửa mê, đã ôm vòng lấy trọn vẹn và chạm vào từng vết roi trên da thịt Nhài hâm hấp nóng.

 

 

*

Tôi thức giấc, tấm chăn đay hất trễ duới đùi, phô bày một thân thể Nhài say ngủ mê man gần như chết rồi. Trong giây phút thức giấc đầu tiên, ý nghĩ đến với tôi trước tiên là Nhài chỉ là một hình ảnh bất động, được ghi nhận ăn sâu vào tiềm thức và còn ở lại trên mặt giuờng. Nhưng Nhài vẫn nằm ở đó, cạnh tôi, say ngủ bằn bặt. Đôi mắt Nhài khép hờ, bộ ngực rướn lên theo làn hơi thở và đầu gối khẽ co về trước bụng. Phải mất nhiều phút tôi mới bình tâm và nhớ lại tất cả những gì đã xảy ra.

 

Tôi bước ra gian buồng khách, đang chìm mờ trong thứ ánh sáng ngày xao xác. Ngôi nhà vẫn chìm trong cái không gian thênh vắng, tẻ lặng, không một tiếng động mạnh và không có lấy một chút sinh khí. Tôi muốn nói chuyện với Mợ tôi về Nhài, muốn nói với bà rằng Nhài đã lớn và tình trạng này không thể kéo dài. Tôi cũng muốn hỏi Mợ tôi về thái độ kỳ quặc khác thường của Thầy đêm qua, nhưng ngôi nhà hoàn toàn im vắng. Mợ tôi đã đi đâu mất biệt từ sớm, chỉ còn Cố nằm chờ chết nơi sập gụ. Thầy tôi thì vẫn ngồi ở ngoài sân mân mê gọng kính thuốc, như thể cái người đàn ông hung dữ đánh đập Nhài đêm qua không phải là người. Cố vẫn thở khò khè và Thầy tôi chốc chốc lại ném vào nhà tia nhìn ngây dại vô hồ của người. Tôi tự hỏi làm sao Mợ tôi có thể sống trong ngôi nhà này với hai người đàn ông điên loạn bất bình thường. Một nặng một nhẹ, một tàn phế thể xác, một tàn phế trí tuệ. Tôi đến thắp nén nhang đầu tiên từ khi về Hà Nội, trên bàn thờ tổ. Những bức hình của Nội, của Cố bà, của tất cả những người đã chết trong gia tộc nhìn tôi chằm chằm. Tôi chỉ giật mình thoát ra khỏi những tia nhìn rờn rợn ấy khi nghe tiếng gọi của Nhài.

- Chị Nụ ơi, em quyết định thoát ly thôi...

Nhài thập thò ở cửa gian buồng khách, cầm nơi tay một bọc gói nhỏ. Bước chân Nhài chần chừ chưa dám bước qua chỗ cụ Cố. Nhài nhìn tôi bằng ánh mắt van lơn sầu héo.

- Em đi chị Nụ ạ, ở đây Thầy đánh em chết mất. Chị lạy Thầy Mợ hộ em, chị Nụ... Em đội ơn Nụ...

Nhài vùng vằng gỡ tay tôi, sau tiếng nấc xăm xăm tiến ra cửa. Ánh sáng ngày đón Nhài ở bàn thờ tổ, men dần trên nền lát đá hoa và dừng lại ở chỗ cụ Cố. Vì khi ấy... trời ơi khi ấy, Cố bật dậy từ sập gụ hai tay bấu vào người Nhài. Đôi tròng mắt trắng dã trong hai hố mắt đỏ lăn tăn tia máu hôm nào tôi về nhà phóng thẳng giữ rịt lấy người Nhài. Chuỗi âm thanh líu ríu, gẫy vụn từng mảnh the thé vây lấy Nhài. Cả nửa thân hình trên của Cố ngồi dựng dậy như muốn đứng thẳng người, trong lúc mười móng tay dài cào cấu vào mặt Nhài. Cái cảnh tượng khủng khiếp đó đóng đinh tôi tại chỗ. Tôi cảm giác rõ ràng như đêm qua rằng mình ở ngoài cảnh tượng ấy, không thể can thiệp, không thể đến gần dằng lấy Nhài trong tay Cố. Rõ ràng là Nhài và Cố ở gần tôi nhưng rất xa, diễn biến trước mắt nhưng tôi bất lực không thể ngăn cản. Thầy tôi bước vào đúng lúc ấy. Tôi nghe mình gọi tên người, van xin người giúp đỡ. Nhưng như tối hôm qua Thầy tôi hoàn toàn không trông thấy tôi, hươi cây gậy chống quất tới tấp, xối xả vào mặt mũi lưng mình Nhài. Họ chỉ ngưng tay khi Nhài đã ngất lịm trên mặt đất. Vẫn tôi là người bồng ẳm Nhài vào buồng trong. Vẫn tôi là người lấy khăn ướt lau mặt cho Nhài và dỗ dành an ủi, khóc với Nhài.

 

*

 

Những ngày sau đó Nhài bị nhốt trong buồng không được phép ra ngoài. Giữa những cơn khóc lóc vật vã, Nhài tỉnh táo nói bằng cặp mắt đầy căm phẫn, oán hận.

- Nụ ơi, em không thể sống xa Phú. Rồi em sẽ trả thù! Cướp chính quyền rồi chúng nó sẽ biết! Phú sẽ không tha đứa nào!

Những lúc ấy tôi cảm tưởng rằng Nhài đã điên loạn. Bị đánh nhiều quá, Nhài đã mất đi sự sáng suốt của một người bình thường.

- Nhài ngủ đi, đừng nói nhảm. Cá không ăn muối cá ươn. Thầy Cố thương mới đánh.

- Thương gì! Chúng xem em như con ở nhà này. Để rồi Nụ xem, cướp chính quyền nay mai thôi!

- Cướp gì? Chính quyền nào? Nhài lại lảm nhảm nữa rồi. Con gái lớn phải lo việc nhà, có ai xem Nhài là tôi tớ đâu.

- Trời ơi! Cả nước sôi sục dành độc lập mà Nụ không hay! Trời ơi, sao em khổ thế này, cả Nụ cũng không hiểu. Để rồi Nụ xem, em thề với Nụ là em sẽ đấu tố bọn họ đến dở sống dở chết.

Mắt Nhài long lên, nhìn tôi dễ sợ lúc ấy. Sự hận thù của đứa con gái mới biết yêu lần đầu bị tước đoạt tình yêu và nhục dục sinh lý. Nhưng Nhài cũng không gào la, phẫn nộ được lâu. Thầy tôi thường xuất hiện ở ngưỡng cửa với cây gậy chống vụt xối xả vào người Nhài. Nhiều lúc Cố cũng bước vào phòng tiếp tay Thầy đánh phạt Nhài. Những khi đó, Cố không có vẻ gì là bán thân bất toại, lẩm bẩm chửi rủa bằng thứ ngôn ngữ của cách đây ba mươi năm về trước. Cả Thầy và Cố đều tảng lờ không công nhận sự hiện diện của tôi bên Nhài. Cả hai tỉnh táo và bình thường đến độ tôi có cảm tưởng là họ giả điên, giả liệt để lừa dối Mợ tôi. Vì mỗi khi bà có mặt ở nhà, cả hai lại trở về cái tình trạng mất trí, ngây dại và tàn phế thường nhật. Mợ tôi làm như không hay biết chuyện của Nhài, ra vào làm công chuyện nhà như không có gì xảy ra. Mỗi lần Mợ tôi có ở nhà là Thầy lại trở ra ngồi ở tấm phản con kê ngoài sân, im lìm mải mê lau chùi gọng kính. Người thẫn thờ với nụ cười trẻ thơ vô tội. Và Cố cũng trở thành tấm thân tàn phế, nhão nhoẹt đang tan vữa vì bị thời gian ăn nhấm đến tủy.

 

Khoảng thời gian trở về sống trong ngôi nhà của gia đình sau lưng Văn Miếu, tôi cũng trở thành gần như yếu thần kinh, mang bệnh tâm thần, vì phải chứng kiến cuộc đời ẩn ức của Nhài. Nhiều lần tôi muốn bảo Mợ tôi rằng bà đang bị Thầy và Cố lừa dối, song cái ý chí muốn nói lên sự thật của tôi luôn bị ánh mắt lạnh như băng của bà chặn lại. Tôi chạm mặt bà luôn với mặc cảm trốn tránh, không làm tròn bổn phận, chưa trả hết nợ cho Nhài. Tuy thế, tôi biết rõ chỉ có mỗi mình bà, người tỉnh táo duy nhất trong ngôi nhà này là có thể cứu vớt được Nhài. Một buổi sáng, thu hết can đảm, lợi dụng lúc Thầy và Cố chưa thức, tôi kể chuyện Nhài cho Mợ nghe. Bà ngó tôi đăm đăm khi tôi yêu cầu bà phải thương yêu Nhài, đừng lãnh đạm lạnh nhạt với Nhài nữa. Đôi mắt Mợ tôi lạnh sắt, chằm bẳm đến lạ lùng.

- Chị vào thăm gia đình này như thế là đủ rồi. Liệu thu xếp mà trở ra ngoài ấy, đừng về đây làm gì nữa.

Bà xua đuổi tôi bất ngờ, không đả động gì đến chuyện của Nhài. Tôi chợt thấy mình run rẩy bám víu vào sợi dây máu mủ tình mẫu tử đang muốn đứt lìa.

- Con lạy Mợ, cho con về sống với Thầy Mợ. Anh ấy đã bỏ con rồi, con không biết đi đâu bây giờ. Mợ cho phép con ở nhà này hầu Thầy Cố. Trăm lạy Mợ thương con gái Mợ!

- Tôi không có con gái, nên nhận lầm đứa con nuôi phản phúc! Bộ chị tưởng tôi quên những bất hạnh chị đem đến cho gia đình này à? Tôi làm sao quên chị đã tố khổ gia đình này, đã xui người tra tấn cụ Cố đến tê liệt nửa thân người, đã tra điện chồng tôi đến mất trí.

 

Cũng như lần thoát ly đầu tiên, tôi rời Hà Nội có một thân một mình. Phải, tôi chính là con Nhài bỏ nhà trốn theo trai rồi gia nhập Việt Minh trở về cướp chính quyền, đấu tố Thầy và Cố nuôi tôi đến dở sống dở chết, như lời thề độc sau lần phải đòn vì đi ngủ với Phú. Nhưng Phú cũng đã bỏ rơi tôi sau khi giải phóng miền Nam. Chỉ còn ngôi nhà nằm sau lưng Văn Miếu luôn ở đó, đời đời như một vết nhơ./.

 

Khởi viết tháng 12-1988 hoàn tất tháng 4-1989. Xem lại và hiệu đính ngày 5 tháng 12-2010.

 

* Đăng lần đầu trên Tạp san Văn Học số 42, tháng 7-1989.

Nxb Thời Văn của Cao Xuân Huy xuất bản 1989.

Hồng Lĩnh tái bản 1991 tại California.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 89885)
N goại trưởng Mỹ nêu đích danh một số nước nặng tay nhất với việc sử dụng Internet như Saudi Arabia, Việt Nam, Sudan và Trung Cộng. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ nhưng lại chống đối Hoa Kỳ đẩy mạnh việc cải thiện Dân Chủ trong thế giới Ả Rập.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 76505)
N gười mù, người câm, người điếc, ai cũng thấy hiện trạng xã hội Việt Nam đương đại đang xoay thế nào. Một xã hội bất bình đẳng kinh khủng với ngàn tệ nạn lớn-nhỏ, trẻ-già, sang-hèn. [...] Nhưng chúng ta đã nhìn thấy gì, đã viết được dòng nào từ nguyên liệu khổng lồ ấy? Hay rời rạc dăm câu thơ không rõ nghĩa, vài ba truyện ngăn ngắn kháy khía tủn mủn [...] ngồi nhìn bầu trời xám xịt ô nhiễm, gác chân cho những đứa trẻ tội nghiệp lau giầy, rên ư ử trong nhà hàng bia ôm máy lạnh mà làm thơ móc máy lẫn nhau.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 71792)
C hristine Falkenland, sinh năm 1967, đang là hiện tượng và hy vọng của văn chương Thụy Điển hiện nay. Cô viết tiểu thuyết và làm thơ. Những tác phẩm đã được dịch qua tiếng Pháp: Bóng Tôi (Mon ombre), Cơn Khát Của Hồn (La soif de l’âme), Búa Đe (Le marteau et l’enclume). Bút pháp tiêu biểu Bắc Âu. Văn phong đơn giản, cô đặc nhưng lại cực kỳ day rứt. Nội dung thường hướng về những đau đớn và khúc mắc ái, dục. Búa Đe là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Christine Falkenland được dịch ra tiếng Pháp, do nhà Actes Sud xuất bản tháng Sáu năm 1998.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85778)
T hơ Việt đi về đâu? Đây là câu hỏi mà tập thể các nhà thơ và giới làm văn hoá-giáo dục VN phải trả lời, với sự đóng góp của ý thức và bản lĩnh từ mỗi cá nhân. Những trang dông dài trên đây chỉ muốn phác họa quang cảnh và vài xu thế chính mà các nhà văn nhà thơ VN đang chứng kiến và đối diện: Sự hình thành nền cộng hòa văn chương VN trong bối cảnh toàn cầu hóa một chiều, cộng thêm bóng đen của toàn trị-mafia và vòng kim cô tự kiểm duyệt trên đầu. May mắn được làm một người quan sát từ ngoài nước [...] Chỉ xin đóng góp ở đây vài ý kiến nghề nghiệp.
07 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82870)
Q ua chiến tranh, Việt Nam đã chịu biết bao đau thương tan nát. Bằng những hình ảnh và những trang viết, Hợp Lưu 113 sẽ đưa chúng ta một lần nữa... lội qua chiến tranh. Nhìn lại, không phải để đào sâu thêm sự thù hận bởi biên giới chính trị, mà để suy nghiệm về cuộc chiến Việt Nam như những “trận hậu chấn” dần dần tan vào lịch sử...
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 117892)
K hông còn gọi là vũ khí, một khẩu colt giữa điệp trùng AK chỉ còn để yên tâm biết trong tay có bạn giữa mịt mùng núi rừng không tìm ra lối đi
04 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 82836)
... D ạo ấy tôi là người yêu của lính. Ban đầu là thiếu úy thông dịch viên chiến trường, xong tụt xuống chuẩn úy Quân Trường Thủ Đức, rồi leo lên trung úy Quân Y, chặp sau đại úy Hải Quân, cuối cùng trở lại hàm thiếu úy binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. [...] Mấy tay này, tiếc thay, chết như sung rụng. Tôi ôm nỗi buồn góa phụ cô đơn rên rỉ nhạc Trịnh anh nằm xuống sau một lần đã đến đây ...
02 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 116581)
l úc chúng mình cùng ưu tư chung một đoạn cuối tiếng ve rền nuối tiếc em lẩm cẩm hỏi về điều kỳ diệu của mùa xuân tôi vội nén lại một mùa xuân thất sủng...
01 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 83034)
T ừ ngày 7/3/1975, khi Văn Tiến Dũng bắt đầu cô lập Ban Mê Thuột, tới ngày 30/4/1975, khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vừa chẵn 55 ngày. Thật khó ngờ chỉ trong vòng 55 ngày và 55 đêm mà đạo quân hơn một triệu người–có hơn phần tư thế kỷ kinh nghiệm tác chiến, với những vũ khí khá hiện đại như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa [VNCH]– bị sụp đổ hoàn toàn [...] Những hình ảnh điên loạn mà ống kính các phóng viên quốc tế thu nhận được chẳng khác cảnh vỡ đê trước con nước lũ, hay sự sụp đổ của một tòa lâu đài dựng trên bãi cát, khi nước triều dâng lên.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 95559)
C on gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã nhiều năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.