- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Từ Cầu Mỹ Thuận 2000 Tới Cây Cầu Cần Thơ 2008

26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 10628)

w-final3-hopluu92-106_0_300x153_1*Gửi nhóm bạn Cửu Long

From mountains to the sea, wetlands at work for us.

Từ núi ra biển, các vùng đất ngập phục vụ chúng ta.

World Wetlands Day_ 02/02/2004

TỚI TAM NÔNG_ TRÀM CHIM VẮNG BÓNG CHIM

Rời Sài Gòn từ buổi sáng sớm, khi chưa có những rối loạn xe cộ và ồn ào tiếng động. Theo quốc lộ 1A đi về hướng tây nam, qua các tỉnh Long An, Tiền Giang qua huyện Cái Bè, đổi qua tỉnh lộ 30 tới Đồng Tháp. Do đường chưa tốt lại sợ bị công an "bắn"_[tốc độ xe] nên nhiều đoạn tài xế phải chạy chậm lại, phải mất hơn 6 giờ để qua một đoạn đường chỉ hơn 200 km. Trên đường luôn luôn thấy cảnh tài xế những chiếc xe đò chạy ngược chiều, đưa tay ra dấu. Bàn tay chúc xuống là phía trước không có công an phục kích, bác tài lại yên tâm nhấn ga "phá rào" để vượt qua đoạn đường có giới hạn tốc độ. Vi phạm luật lưu thông không chỉ bị phạt tiền rất nặng, lại thêm bị bấm lỗ trên bằng lái xe, ba lỗ là mất bằng_ nên đã làm trùn chân cả những tay lái giang hồ liều mạng tự nhận là rất "bản lãnh".

Đến với Đồng Tháp Mười là đi trên một vùng đất trũng rộng lớn. Có giả thuyết lý thú cho rằng "có thể nơi đây khi xưa là dấu vết cũ của sông Cửu Long, vì một lý do thiên nhiên nào đó sông Cửu Long đã bỏ lòng sông cũ để chảy qua vị trí hiện nay. Hai vùng trũng thiên nhiên rộng lớn là Đồng Tháp Mười và Đồng Cà Mau là hai hồ để chứa nước sông Cửu vào mùa nước nổi." [Trần Ngươn Phiêu_ Đồng Tháp Mười, 2006 ]

Từ thị xã Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, lên tới quận Thanh Bình, để từ đây vẫn theo đường 30 đi về hướng tây bắc. Tới một ngã ba, thay vì đi hướng Hồng Ngự, theo tấm bảng chỉ dẫn, xe quẹo mặt đi thêm 17 km nữa trên một đoạn đường tráng nhựa hẹp và khá gập ghềnh để dẫn tới Tràm Chim Tam Nông [TCTN].

Hai bên đường nhà cửa đang san sát mọc lên, áp lực gia tăng dân số rất rõ, để thấy rằng Tràm Chim đang trước nguy cơ. Sâu vào lề đường, chúng tôi chú ý tới một ngôi mộ không phải trên đất mà trên một sàn xi măng khô ráo cao hơn mặt lộ, ngay phía dưới là đất ruộng ngập nước để thấy Tam Nông nguyên là vùng đầm lầy.

TCTN trong khu tứ giác các con kinh đào thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long [ĐBSCL]. Với khí hậu gió mùa, gần xích đạo, nhiệt độ trung bình 27 độ C với biến thiên từ 3 tới 5 độ C trong năm. Độ mưa tương đối thấp khoảng 1500mm/ năm, mùa mưa khoảng từ tháng 5 tới tháng 11. [Phùng Trung Ngân, Garrulax 6:3-5,1989 ]

Trong chiến tranh Việt Nam, Đồng Tháp Mười nơi từng là trận địa giao tranh ác liệt và là một vùng rất khó bình định. Mỹ đã thực hiện kế hoạch rút cạn các khu đầm lầy, kết hợp xử dụng chất khai quang da cam và bom napalm để phá hủy các an toàn khu của Việt Cộng nhưng đã không thành công.

Sau chiến tranh do đất chật người đông, người ta vẫn không ngừng rút cạn các khu đầm lầy qua một hệ thống kinh rạch phức tạp nhưng chỉ là để có thêm đất canh tác.

Năm 1985 khi thấy giống Hạc Đông Phương bắt đầu xuất hiện ở vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, các nhà khoa học đã triệu tập một Hội Nghị Hạc Quốc Tế ở Côn Minh thủ phủ Vân Nam, với sự tham dự của nhiều tổ chức như WWF (World Wildlife Fund), IUCN (International Union for the Conservation of Nature), ICF (International Crane Foundation)... nhằm tìm biện pháp bảo vệ Tràm Chim Tam Nông như một khu mẫu mực "du lịch sinh thái" trong vùng Đông Nam Á. TCTN trở thành một cứ điểm hấp dẫn cho các nhà khoa học muốn nghiên cứu về đời sống sinh hoạt của các loài di điểu.

Là một vùng trũng phía tả ngạn sông Tiền, với diện tích 7,588 hecta được giới thiệu như "mô hình thu nhỏ cảnh quan Đồng Tháp Mười" với hơn 130 loài thực vật, 120 loài cá nước ngọt, 40 loài lưỡng ngư bò sát, hơn 200 loài chim với 16 chủng loại được coi như quý hiếm; riêng giống Hạc Đông Phương (Eastern Sarus cranes) hay còn có tên là Sếu Đầu Đỏ, được liệt kê trong Sách Đỏ Thế giới (World’s Red Book) đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Chỉ mới tám năm, TCTN khu trung tâm Đồng Tháp Mười được chính thức công nhận là Vườn Quốc Gia Tràm Chim [29-12-1998].

Khu Tràm Chim chủ yếu là vùng đất ngập nước (wetlands) với rừng tràm (Melaleuca) và các loại cỏ nước (wet grasslands), mùa lũ vào khoảng từ tháng 8 tới tháng 11, với đỉnh lũ vào tháng 9, nước có độ sâu trung bình 2.50 m, nhưng vì là vùng thấp nên Tràm Chim vẫn ngập nước trong mùa khô.

Rất khó để thấy trụ sở TCTN nằm khuất lấp ở cái điểm mốc cây số 17 ấy. Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm ra. Cô hướng dẫn với một cái tên rất mộc mạc, Nguyễn Thị Được cùng xuống ghe đi với chúng tôi. Do tới TCTN vào giữa thời điểm mùa lũ nên từ ghe chỉ thấy mặt nước mênh mông với nhô lên là những khóm tràm, bụi cỏ, bông súng và rất thưa thớt những bóng chim.

Phải tới tháng 2-3, vào mùa nước thấp, Tràm Chim là nơi tràn đầy thực phẩm tôm cá sò ốc hến nên lôi cuốn các đoàn di điểu từ xa trở về kiếm ăn và sinh sản. Không phải chỉ có giống Hạc Đông Phương; còn phải kể thêm loại chim nước hiếm quý như Oriental Darter, lesser adjutant stork, Painted Stork, Asian Golden Weaver và nhiều chủng loại chim khác.

Mới đây có thêm mối quan ngại về dịch cúm gia cầm H5N1 có nguy cơ lan ra toàn cầu và các chuyên viên dịch tễ học (epidemiologist) của Tổ chức Y tế Thế giới có nhắc tới khả năng các đàn di điểu phát tán bệnh đi tứ phương. ĐBSCL cũng là nơi có ổ bệnh H5N1 cho dù đã được khống chế nhưng không phải không có khả năng tái phát.

Không chỉ có động vật và các loài chim hiếm quý, trong số hơn 130 loài thực vật, phải kể tới giống lúa hoang (Oryza rufipogon), cũng đang có nguy cơ không còn nữa. Trong bài viết về Đồng Tháp Mười, Bs Trần Ngươn Phiêu có nhắc tới loại lúa đặc biệt này như một độc đáo khác thường được thấy ở Đồng Tháp, đó là loại "lúa trời, mọc từ lòng đất vươn lên cao khỏi mặt nước, giống như loại lúa nổi. Dân nghèo dùng xuồng nhỏ, thấp, len lỏi vô các bưng có lúa trời, dùng thanh tre dài lùa đập các cọng lúa để hột lúa rụng rớt vô xuồng. Đi đập mót lúa trời cũng là một nguồn sinh sống cho dân cư cùng khổ, không đất canh tác."

Theo Gs Phạm Hoàng Hộ "Lúa hoang là giống lúa nổi, có thân dài 1,5 - 4m, thân to 4 - 6mm, với lóng dài 10cm. Lá có phiến dài 20 cm, rộng 1cm... Trước đây có ở ruộng sâu khắp cùng và rất nhiều ở Đồng Tháp". [Cây Cỏ Việt Nam 1991. III - 2, tr. 776 ]

Theo Gs Võ Tòng Xuân [VTX], "Cây lúa ma hay lúa hoang Oryza rufipogon (OR) mọc hoang ở các nơi đầm lầy, hoặc dọc theo các kênh mương ở Đồng Tháp Mười, và các vùng nước sâu trung bình ở các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang. Có một loại khác nữa, Oryza nivara (ON) mọc chung với OR ở các vùng này. Năng suất rất thấp, khoảng 0.2 đến 0.4 tấn/ ha mà thôi. Ngày nay khi các cánh đồng trong Đồng Tháp Mười đã phủ kín lúa cao sản thì OR và ON gần như bị tiêu diệt hết." Gs VTX cho biết, ông đã đưa cả hai loại lúa hoang này sang giữ tại IRRI (International Rice Research Institute) tại Banos 60 km nam Manila, là viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế lớn và lâu đời nhất Á châu.

Tam Nông còn có những đầm sen và súng tô điểm thêm cho vẻ đẹp cảnh quan của Tràm Chim.

Và rồi cũng không thể không nói tới một "loại cây bất ưng" đang xâm lấn sinh cảnh của TCTN: cây Mimosa pigra. Tuy là một giống ngoại lai từ vùng nhiệt đới Nam Mỹ nhưng đang tràn lan trong vùng trung tâm Tràm Chim gây tác hại trên sinh cảnh và tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn.

Theo Gs Phạm Hoàng Hộ "Mimosa pigra hay Trinh nữ nhọn là một loại cây cứng cao 2-3 m, lá khi đụng cũng xếp lại nhưng chậm hơn Trinh nữ mắc cỡ (M. pudica), sóng lá mang một gai đứng cao 1,5cm giữa mỗi cặp thứ diệp. Hoa đầu vàng, hoa như ở Trinh nữ. Chụm trái to có lông hoe, dày 10-12 x 1,3-1,6 cm rụng từng đốt chừa hai bìa lại. Gốc Nam Mỹ, gặp ở các nơi đầm lầy.. ."[ Cây Cỏ Việt Nam 1991_ I -2, tr. 1029 ]

Theo Gs VTX, thì "Mimosa pigra còn được gọi là Mai Dương hay Ngưu Ma Vương là một đau đầu cho nông dân vùng đất ngập nước. Cây này phát tán rất nhanh và rất khó diệt trừ. Đã có nhiều nghiên cứu quốc tế nhằm tìm biện pháp hữu hiệu để diệt chúng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả tốt. Vườn bảo tồn quốc gia Tràm Chim Tam Nông, nơi mà Tổ Chức Hạc Quốc Tế (ICF) đầu tư bảo tồn đàn sếu đầu đỏ quý hiếm, đang bị Mai Dương lấn áp".

Do đó, nhân kỷ niệm "Ngày Đất Ngập Nước Thế Giới" nơi 4 quốc gia ven sông Mekong vùng Hạ Lưu: Việt Nam, Cam Bốt, Lào và Thái Lan, với khẩu hiệu "Từ núi ra biển, các vùng đất ngập nước phục vụ chúng ta_ World Wetlands Day 02-02-2004"

Riêng với Việt Nam vùng điểm được chọn là Tràm Chim Tam Nông. Ngoài những nghi thức của một ngày lễ hội với các cuộc vui đua thuyền, đá banh, diễn kịch... nhưng đáng chú ý nhất đó là ngày phát động phong trào "lùng và diệt cây Mai Dương, Ngưu Ma Vương hay Trinh nữ nhọn" và cũng để báo động với dân chúng địa phương là giống Mimosa pigra kẻ thù nguy hiểm, cần có một chiến dịch lâu dài lùng và diệt loại cây này để bảo vệ sự cân bằng và đa dạng sinh thái của TCTN.

Từ khi Tràm Chim đã chính thức trở thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, ngoài số tiền 4 tỉ đồng từ Việt Nam, còn có thêm nhiều tặng dữ của các quốc gia khác như Đan Mạch, Đức, Nhật... nhằm bảo tồn khu Hạc và phát triển vùng đệm (buffer zone) của Tràm Chim.

Từ 1995, Tổ Chức Hạc Quốc Tế đã lên kế hoạch khảo sát các vùng sinh sản của giống Sếu Đầu Đỏ và kể từ tháng Ba 1998 các nhà điểu học đã khởi sự cho đặt những chiếc vòng theo dõi điện tử (electronic tracking rings) để khảo sát toàn sinh cảnh và lối sinh hoạt của giống di điểu này. Chương trình được tài trợ bởi chánh phủ Nhật và có sự tham gia của các nhà khoa học Nhật, Mỹ và Việt Nam.

Theo cô Được, hướng dẫn viên của Tràm Chim thì do những ảnh hưởng tiêu cực dây chuyền, số Hạc cũng như các loại chim hiếm quý trở về ngày càng ít đi vào mùa khô mỗi năm về sau. Đây là một hiện tượng rất đáng quan tâm đối với các nhà bảo vệ môi sinh. Từ 20 năm qua là số chim Hạc trở lại Tràm Chim càng ngày càng ít đi: từ con số 1,052 năm 1988, xuống còn 631 năm 1996, 154 năm 2004 và chỉ còn 90 con năm 2006 [Source: VNN ].

Có thể do nhiều nguyên nhân: suy thoái môi trường sống trong Tràm Chim với các kinh rạch mới, các trận lũ bất thường do ảnh hưởng chuỗi đập thượng nguồn Vân Nam, còn phải kể cả sức ép dân số từ các khu phát triển gia cư, chiếm lấn đất quanh vùng đệm, nhu cầu lấy nước từ Tràm Chim, bao quanh tràm chim là những cánh đồng lúa với ảnh hưởng độc hại của phân bón hóa chất... Tất cả đều có tác hại lâu dài tới khu bảo tồn.

Đã thế lại đang có thêm một công trình làm con lộ vòng đai quanh TCTN để khai thác "du lịch sinh thái ", với cảnh quan thiên nhiên ngày một thu hẹp, nhìn về tương lai không xa, hệ sinh thái phong phú của TCTN đang được đếm từng ngày.

Săn bắn trong khu Tràm Chim tuy bị cấm nhưng thực tế thì vẫn cứ diễn ra, gây sát hại các loài chim quý kể cả giống hạc.

Các nhà bảo vệ môi sinh đã rất có lý khi chọn giống Hạc Đông phương như một "chủng loại quan trọng_ flagship species ", bảo vệ Hạc có nghĩa là bảo vệ cho hơn 120 loài chim, nhưng xa hơn thế nữa cũng là bảo vệ cho cả một hệ sinh thái trong lành của ĐBSCL và con sông Mekong_ mà Tràm Chim Tam Nông là một biểu tượng sống.

 

Tới Đồng Tháp Mười, khi qua huyện Lấp Vò nơi mà mấy năm trước đây ngư dân đã bắt được một "con cá đuối nước mặn" khổng lồ dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 kg trên sông Tiền_ nhưng khi hỏi thì không ai biết hay đúng hơn là chẳng còn ai nhớ. Cũng rất ít ai nhớ là chỉ cách đây hơn 30 năm thôi, nguồn tôm cá thiên nhiên ĐBSCL còn phong phú là thế nào. Nay thì nguồn tài nguyên ấy cạn kiệt và cũng ít ai thắc mắc tại sao. Không kể Thái Lan, ngay người dân Lào và Cam Bốt từ hai quốc gia không thể nói là hơn Việt Nam, nhưng họ có ý thức về con sông Mekong và có thông tin nhiều hơn về những con đập khổng lồ Vân Nam chắn ngang dòng chính sông Mekong. Rồi không thể không nghĩ tới cái địa chỉ nghịch lý "12 Phố Hàng Tre Hà Nội của Ủy Hội Quốc Gia Sông Mekong Việt Nam" thay vì nơi Đại học Cần Thơ hay Đại học An Giang.

...

ĐẾN VỚI ĐẠI HỌC AN GIANG SÁU TUỔI

w-final3-hopluu92-113_0_178x300_1Về lại Cao Lãnh để đi An Giang_ nơi có khu di chỉ Ốc Eo thuộc Vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến VI , Long Xuyên với Đại Học An Giang là nơi tôi có hẹn gặp anh Võ Tòng Xuân. Có một thay đổi bất ngờ là khi tới Long Xuyên, người bạn đồng hành Nguyễn Kỳ Hùng_ đã cùng đi với tôi trong chuyến thăm ĐBSCL kỳ thú 7 năm trước, vì một lý do riêng anh đã lại phải tách ra để trở về Sài Gòn. Rất tiếc những ngày sắp tới tôi sẽ không có được những tấm hình tuyệt đẹp ĐBSCL qua ống kính rất nghệ thuật của anh. Lại một cuộc hành trình đơn độc như các chuyến đi Lào và Cam Bốt.

Đã từng tới Long Xuyên, trở lại thăm để ngạc nhiên thấy một Long Xuyên, thị xã của tỉnh An Giang đã có rất nhiều đổi thay và phát triển.

Năm 1970 khi Gs Đỗ Bá Khê đọc bài diễn văn tốt nghiệp khóa đầu tiên của Đại học Cần Thơ, thì lúc đó An Giang chỉ mới có Trường Sư Phạm Long Xuyên với 4 lớp và 260 giáo sinh. Phải 30 năm sau, do con số hơn 40 ngàn học sinh tốt nghiệp trung học mỗi năm tại ĐBSCL, trước tình trạng quá tải của Đại học Cần Thơ, trường Đại Học An Giang [ĐHAG] được phép thành lập vào tháng 12 năm 1999, rồi công trình xây cất ĐHAG được khởi công tháng Giêng 2001_ năm đầu tiên của Thế kỷ 21, với kinh phí 35 triệu MK trên một diện tích 40 hecta. ĐHAG được hỗ trợ tài chánh từ địa phương nhưng vẫn chịu sự giám sát chuyên môn của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo trung ương.

Sau Đại Học Cần Thơ_ được ra đời vào những năm 1960, ĐHAG là trường Đại học công lập thứ hai, được xem là trường Đại học trẻ trung nhất ĐBSCL.

Lãnh đạo nhà trường ngay từ bước đầu chập chững là một khuôn mặt quen thuộc và thân thương đối với bà con nông dân ĐBSCL: đó là Gs Võ Tòng Xuân, từng là Phó Viện trưởng Đại học Cần Thơ, ông cũng được biết tới từ trước 1975 như cha đẻ của lúa cao sản Thần Nông HYV (cao sản, ngắn ngày), là một giống lúa thân lùn với năng xuất rất cao. Đưa lúa Thần Nông vào ĐBSCL được coi như "bước đột phá" chống đói giảm nghèo mà Viện Lúa Gạo Quốc Tế IRRI gọi đó là Cuộc Cách Mạng Xanh về Lúa Gạo. Với một con chim đầu đàn như thế, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy ĐHAG đang phát triển theo hướng kết hợp giảng dạy, nghiên cứu ứng dụng vào công ích. Một thứ quan niệm R&D (Research and Development) trong các đại học Mỹ.

Trước khi gặp anh Võ Tòng Xuân, không người hướng dẫn, tôi đã tự xông xáo đi thăm các cơ sở nhà trường, giảng đường, thư viện và dĩ nhiên cả gặp gỡ nói chuyện riêng với một số em sinh viên: các em rất trẻ mộc mạc, ăn mặc giản dị, cách nói chuyện chất phác, và đặc biệt là lễ phép với khách lạ đến thăm. Phải chăng đó là nét đẹp từ một nền Văn minh Miệt vườn. Chắc chắn các em không phải con của các "đại gia hay cán bộ cao cấp" của ĐBSCL, bởi vì tệ lắm nếu không là Đại học Sài Gòn thì cũng đã là những sinh viên du học "tự túc" ở các nước Âu Mỹ, nhất là Mỹ.

w-final3-hopluu92-114_0_300x178_1Các em là thế hệ khá thiệt thòi, sinh ra và lớn lên nơi vựa lúa ĐBSCL sau chiến tranh nhưng lại chỉ được hấp thụ một nền giáo dục trung và tiểu học thấp kém nhất nước, do thiếu lớp học thiếu thầy cô giáo_ thua cả Tây nguyên, theo nhận xét của chính các nhà giáo dục trong nước. Tốt nghiệp trung học trong một tình trạng mất căn bản như vậy, khi bước lên đại học, chỉ có lòng hiếu học cao độ mới giúp các em vượt qua được khoảng cách đại dương ấy.

ĐHAG hiện có tầm vóc khiêm tốn của một Đại Học Cộng Đồng (Community City College) còn đang phát triển. Quanh sân trường, đây đó còn những đống gạch cát của công trình đang xây cất dở dang. Thư viện khá đẹp như khuôn mặt chính của nhà trường với hai từng lầu, gọn sạch ngăn nắp, tổ chức sắp đạt theo tiêu chuẩn Mỹ, với cả một giàn máy điện toán PC cho sinh viên sử dụng. Sinh viên nam nữ tự động sắp hàng trật tự trước các quầy để mượn và trả sách. Sách mới, sách khoa học tiếng Anh phải kể là còn rất ít nhưng bù lại các em đã biết truy cập vào "internet" để có một số thông tin mà các em cần.

Buổi sáng, bước vào một giảng đường lớn, đông đảo sinh viên thuộc nhiều khoa và các lớp khác nhau, trên bục giảng là Gs VTX, với đề tài rất cơ bản "Phương pháp Khoa học và Lộ trình Nghiên cứu." Cho dù đi vào từ phía sau giảng đường cũng không còn một chỗ trống, một em tự động đứng dậy nhường chỗ cho khách (sau này có dịp nói chuyện, tôi được biết là một sinh viên năm thứ tư sắp ra trường).

Bài giảng khúc triết và dễ hiểu để ứng dụng đối với các sinh viên khi phải làm một luận văn/ một thứ luận án nhỏ như điều kiện để tốt nghiệp ra trường. Luận văn ấy sẽ là nỗ lực cá nhân của sinh viên hướng về giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL. Riêng với tôi thì phần lý thú nhất trong bài giảng sáng hôm đó vẫn là những ví dụ nghiên cứu về "lúa gạo" của nhà nông học Võ Tòng Xuân.

Sau lớp học, tôi được gặp anh Xuân. Tuy gặp nhau lần đầu tiên nhưng từ nhiều năm "văn kỳ thanh", tôi đã theo dõi những bước đi của anh, anh cũng đã là nguồn cảm hứng về "nhân vật" khi tôi viết Cửu Long Cạn Dòng_ chúng tôi đã có ngay một mẫu số chung để nói chuyện với nhau. Phong cách giản dị, không nghi thức, anh Xuân tự tay pha trà tiếp tôi trong văn phòng Hiệu trưởng_ mà tôi thì vẫn quen gọi là Viện trưởng, căn phòng khá nhỏ, trông lại càng nhỏ chật hơn với ngập những sách. Trong số sách ấy, tôi cũng thấy cuốn Cửu Long Cạn Dòng, ấn bản đầu tiên của nhà xuất bản Văn Nghệ năm 2000, cũng là thời điểm Đại Học An Giang mới tuổi "thôi nôi".

Buổi trưa hôm ấy, tôi đã ngồi Honda ôm với anh VTX thay vì xe hơi, để xuống phố cùng với mấy cộng sự trẻ của anh dùng bữa ăn trưa với canh chua cá bông điên điển, cá kho tộ và có cả gỏi tôm ngó sen, toàn những món đặc sản của ĐBSCL.

Sau bữa ăn trưa ngắn ngủi, nửa ngày còn lại là một ngày ngập bận rộn của anh Xuân. Anh để tôi tùy nghi chọn lựa tham dự các sinh hoạt ấy. Như buổi trình luận án cấp trường của một giảng viên ĐHAG do anh Xuân chủ trì. Luận án liên quan tới những con số thống kê, những khiếm khuyết trong cách thu thập và phân tích dữ kiện đều được hội đồng giám khảo nhận xét, thí sinh có cơ hội được phản biện; cuối cùng thì thang điểm được cộng lại: chỉ đạt 52% số điểm có nghĩa là luận án không được thông qua. Cùng một lúc ở một giảng đường khác, là một buổi nói chuyện của một kỹ sư người Mỹ gốc Việt từ Florida về, dùng laptop và power point để giới thiệu với sinh viên về chiếc máy xấy lúa "tiết kiệm" do anh sáng chế. Cũng buổi chiều hôm ấy, có hai phái đoàn khách tới thăm, một đoàn từ đại học USC (University of Southern California) tới đây, ai cũng muốn được gặp Gs VTX.

Anh Xuân có những cộng sự viên trẻ, tốt nghiệp ở ngoại quốc từ nhiều nguồn khác nhau, lớp trẻ này có kiến thức khả năng và nhiệt tình nhưng chưa tới tầm vóc để có thể thay anh. Họ về với anh Xuân, về với ĐHAG vì họ biết đó là tương lai. Với trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ ấy nếu đi làm cho các công ty tư nhân ngoại quốc như Đài Loan Đại Hàn chắc chắn họ sẽ với một số lương bổng cao hơn gấp nhiều lần. Cô Giám đốc phòng giao dịch quốc tế là một Ph.D. về giáo dục về từ đại học USC. Tổ chức thư viện và thiết kế website của ĐHAG là một kỹ sư có bằng MSc. tốt nghiệp ngành vi tính (computer sciences) từ một Đại học Miền Đông Hoa Kỳ, cho dù nhiệm vụ chính của anh vẫn là giảng dạy về Tin học; được biết anh cũng vừa được một Đại học Úc thâu nhận vào chương trình Ph.D. trong năm tới. Cô nhà báo HV, xuất thân từ báo Tuổi Trẻ, tác giả nhiều bài ký và những bức hình chụp sinh động, nay cũng đã tự nguyện về với ĐHAG, cô ấy cũng được khuyến khích đi học thêm về báo chí ở Đại học Columbia New York... Ngoài ra, còn phải kể tới nguồn Voluntary Faculty _ những giáo sư ngoại quốc thỉnh giảng tình nguyện. Anh Xuân cho biết tuy là trên căn bản tự nguyện nhưng ĐHAG vẫn tìm cách trả lương họ theo quy chế.

Một "sự cố vui bên lề" là đã có một ông giáo sư thỉnh giảng tới với ĐHAG nhưng vì "đi một về hai" nên nhà trường đã có một tổn thất phụ (collateral damage) về nhân sự.

Nhiệm vụ của ĐHAG cùng với ĐH Cần Thơ, là đào tạo nguồn nhân lực và nhân tài cung ứng cho các bước phát triển kinh tế và xã hội của ĐBSCL nhằm "tăng cường khả năng hợp tác và cạnh tranh, khả năng hội nhập vào thị trường quốc tế" khi Việt Nam sắp chính thức gia nhập WTO.

Tình trạng thực tế hiện nay, tỉnh An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung không chỉ thiếu cán bộ có trình độ đại học và trên đại học trong các ngành kinh tế xã hội mà còn rất thiếu cả một đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề trong các lãnh vực công nghiệp chế biến thủy sản và nông phẩm, công nghệ sinh học và phát triển du lịch.

Với hướng đi từ nay tới 2010, dự trù sĩ số sinh viên sẽ lên tới 10,000 với chương trình đào tạo 4 năm cho các ngành như sư phạm, canh nông, công nghệ thực phẩm thủy sản, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kỹ sư điện toán, kỹ thuật môi trường / environment engineering, quản trị kinh doanh nông thôn...và mục tiêu đào tạo là làm sao đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các thành phần kinh tế [biện pháp đào tạo theo-địa-chỉ các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân chứ không phải với tương lai sinh viên tốt nghiệp chỉ là những công chức nhà nước].

Phải nói rằng số lượng giảng viên hiện nay của nhà trường còn rất hạn chế, với sĩ số 600 chỉ có 50% có bằng thạc sĩ (Master) và một số rất ít tiến sĩ (Ph.D). Qua các em, tôi được biết anh Xuân không ngừng khuyến khích và tìm cơ hội gửi các giảng viên trẻ của ĐHAG đi ngoại quốc học thêm để tăng cường chất và lượng cho ban giảng huấn. Và cũng có cả kế hoạch thu hút thêm những nguồn chất xám mới đổ về. Nhiều hứa hẹn nhưng cũng thật nhiều thách đố cho một Đại học còn non trẻ như ĐHAG.

Ngoài chức vụ lãnh đạo ĐHAG, riêng anh Xuân còn những dự án dở dang khác: (1) tìm gene giống lúa mới chịu được nước lợ do Cửu Long Cạn Dòng và thêm nhiễm mặn; (2) vận động nông dân ĐBSCL áp dụng kế hoạch "3 giảm 3 tăng" trong đó có giảm thuốc trừ sâu rầy để giảm nhiễm độc đã tới mức độ nguy hiểm cho môi trường sống; (3) lập khu bảo tàng cây lúa ĐBSCL với sưu tập tất cả các nông cụ mà tiền nhân đã sử dụng từ thủa khai hoang.

Và còn nhiều nữa, anh Xuân có theo dõi và biết rõ hậu quả những con Đập Vân Nam và các dự án chuyển dòng lấy nước sông Mekong của Thái Lan ra sao trên ĐBSCL, mà theo anh Việt Nam cũng chẳng thể phản đối được gì. Trước nghịch cảnh, anh tìm cách làm sao để biến những "bất cập" hiện nay thành "thuận lợi" như phát triển ngành nuôi "tôm xú" nuôi "cua biển" nơi vùng nước lợ đem lợi tức cho nông dân cao hơn là trồng lúa; áp dụng kỹ thuật tưới luân phiên mà vẫn bảo đảm năng xuất lúa ở vùng thiếu nước khi Cửu Long Cạn Dòng... Hình như lúc nào anh Xuân cũng thiếu thời gian cho một ngày chỉ có 24 giờ, bản chất người Nam, anh vẫn lạc quan; luôn luôn nhìn thấy nửa phần đầy của ly nước thay vì là nửa vơi.

Tre già măng mọc, anh Xuân đang lo vun trồng thế hệ măng tiếp nối anh. Hẹn ngày tái ngộ với ĐHAG, lần tới khi trở lại ĐBSCL mong sẽ có dịp đến thăm Bảo Tàng Cây Lúa của anh Xuân.

 

Ô NHIỄM TRÊN NHỮNG XA LỘ NÂU

Xuống ghe từ bến Ninh Kiều, buổi sáng sớm tinh sương, dòng sông Hậu trải rộng mênh mông và thoáng mát. Chiếc ghe máy chạy ngược dòng để tới kịp hai chợ nổi Phong Điền và Cái Răng, giờ cao điểm. Vẫn cảnh tượng các ghe thuyền lớn nhỏ từ các nhà vườn chở đầy rau trái theo các ngả kinh rạch hướng về khu chợ nổi để bán cho lái thu mua. Vẫn hình thức tiếp thị là những cây sào cao treo lủng lẳng các mẫu nông phẩm như trái su, bắp cải, chuối dừa... là những thứ có bày bán trong mỗi ghe. Rõ ràng thiếu cái tấp nập và phong phú của rau trái cũng vào tháng này cách đây 7 năm: ít hơn về chủng loại và số lượng.

Thay cho bữa ăn sáng nay là một ly cà phê sữa nóng mua từ một chiếc ghe nhỏ len lách giữa khu chợ nổi.

Đến 9 giờ sáng, ghe tàu trên sông càng thêm tấp nập, cả thêm những chiếc ghe của công ty du lịch đưa khách du ngoạn ven sông và lên khu chợ nổi. Rất ít ghe còn dùng chèo, kể cả những chiếc ghe nhỏ cũng chạy bằng máy đuôi tôm. Những chiếc ghe bầu và xà lan chở khẳm cát vật liệu xây dựng thì chạy bằng máy dầu cặn. Khói dầu trải dài trên mặt sông mùi khét nồng, cũng để hiểu tại sao_ không phải chỉ có ở Sài Gòn, trên sông nước Miền Tây, trên các con phà đã có cô gái Cửu Long phải mang khẩu trang vì không khí ô nhiễm.

Không kể những hóa chất độc đã tan trong nước không còn thấy được, nhìn những búi cỏ rác khô và cả những túi rác ni lông đủ màu chưa bị phân hủy nổi trôi giữa những đám lục bình, cũng để thấy rằng con sông Mekong đang là cống rãnh của các chất phế thải kỹ nghệ và cả rác rưởi của tiện dụng gia cư. Cảnh ấy diễn ra khắp nơi: ngay trên sông Sài Gòn từ một Nhà hàng nổi, bao nhiêu đồ thải rác rến cũng được hất xuống sông. Cảnh chiếc ghe máy bất chợt phải khựng lại vì chân vịt vướng đầy cỏ rác khiến tài công phải lặn sâu xuống nước để tháo gỡ. Ít nhất hai lần như vậy chỉ trong nửa buổi sáng ngược dòng sông Hậu.

Không chỉ trên bộ, mà cả ven sông thường thấy xuất hiện những tấm bảng hiệu Làng hay Ấp Văn Hóa nhưng cạnh đấy vẫn là cảnh phóng uế hay xả rác xuống sông và người dân thì vẫn dùng nguồn nước ấy cho tắm giặt, rửa rau, nấu nướng_ nghĩa là rất thiếu vệ sinh và văn hóa. Mặt trời càng lên cao, cái nóng ẩm của khí hậu nhiệt đới cảm nhận được từ tấm lưng thấm đẫm mồ hôi.

Vào nghỉ trưa nơi khu Vườn Trái Cây Phong Điền sát ngay mé sông, chủ nhân là một nhà giáo tuổi ngoài 70 đã về hưu nhưng còn tráng kiện. Ông góa vợ sống với con trai và cháu nội, ông cũng có con ở Canada. Trường hợp góa vợ của ông là một mối thương tâm, bà khỏe mạnh chỉ đau thấp khớp nhưng đã chết ở tuổi ngoài 50 chỉ vì mũi thuốc chích vào sống lưng của ông bác sĩ từ ngoài bắc vô. Vợ ông bác sĩ sợ quá tới năn nỉ xin dừng kiện tụng và rồi ông cũng bỏ qua. Đã 20 năm rồi, ông bác sĩ từ Hà Nội vô ấy thì nay cũng đã chết. Cũng được biết ông giáo là người đầu tiên có sáng kiến lập ra nhà vườn Trái Cây, mở đầu cho một phong trào "du lịch sinh thái" nơi ĐBSCL sau đó. Trong vườn có lạch câu cá, chòi lá và võng treo dưới những tàn cây xanh cho khách nghỉ ngơi và dĩ nhiên đủ loại cây trái theo mùa. Tôi cũng được ông giáo mời lên thăm khu nhà thờ họ với bàn tủ thờ và câu đối có từ ngót 300 năm. Trước khi trở xuống ghe, tôi còn được ông giáo mời viết ít dòng trong sổ lưu niệm, với trước đó đã có ghi bao nhiêu lời khen tặng bằng đủ thứ ngôn ngữ của những khách vãng lai tới trước.

Cũng trên đường về, không xa chợ nổi Cái Răng, tôi bảo tài công ghé ghe vào thăm một ngôi chợ ven sông_ chợ Lê Bình, tới khu chợ cá thật nghèo nàn hơn tôi tưởng, thua xa chợ Nongkhai Thái Lan, nơi đây chỉ còn thấy những rổ cá nhỏ, cá ba sa, cá rô, lươn ếch mà đa số là những mớ cá nuôi. Trông thật nản lòng.

Cũng trong chuyến đi này, mỗi khi ghé vào các nhà hàng đặc sản, câu hỏi của dân được xem là sành điệu [chưa hề được nghe chỉ mấy năm trước đây] khiến khách phương xa phải ngạc nhiên: "Cá sông hay cá nuôi ?" Bởi vì cá thiên nhiên bao giờ cũng ngon hơn, giống như gà thả vườn được ưa chuộng hơn gà kỹ nghệ nuôi trong lồng. Kỹ nghệ nuôi thủy sản đã phát triển để thay thế cho nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, chẳng đủ để cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng của con người. Lại có nhà hàng bắt đầu quảng cáo món thịt ngựa, chắc chắn không phải ngựa nuôi từ ĐBSCL mà nhập từ xứ Kangaroo Úc châu.

Trên đường đi, với một chút kỷ luật về ăn uống như không ăn rau sống, không dùng nước đá, chỉ uống nước đóng chai và ăn trái cây còn nguyên vỏ... [giống như các chuyến đi Vân Nam, Lào, Cam Bốt kể cả Thái Lan], tôi đã tránh được nhiều phiền toái về bệnh đường ruột của khách du lịch. Lại đang có dịch H5N1, nên cũng tránh các món thịt gia cầm. Các bữa ăn cùng bác tài chủ yếu là mấy món ăn nóng như canh chua cá [cá kèo, cá diêu hồng] nấu với bông điên điển, cá trê kho tộ, tép rang hay thịt kho nước dừa. Duy có món cá tai tượng chiên xù, không chỉ rất ngon mà cách trưng bày đẹp_ chúng tôi được thưởng thức cách đây 7 năm, bên bờ sông Cổ Chiên, nay nhà hàng không còn nữa. Thêm một Món Lạ Miền Nam_ chữ của nhà văn Vũ Bằng, lần đầu tiên chúng tôi được ăn món búp hoa thiên lý sào tỏi rất lạ miệng và ngon.

Cạn kiệt nguồn thủy sản thiên nhiên, điều này thêm một lần nữa xác nhận câu phát biểu của Gs Võ Tòng Xuân, cách đây một năm trong cuộc phỏng vấn của đài RFI [10.10.2005] với phóng viên Ánh Nguyệt: "Thủy sản sông Mekong nói chung đang giảm về lượng mà kể cả số loài cũng giảm. Tuy nhiên hiện nay ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, nguồn thủy sản sản xuất chính là do mình nuôi, đánh bắt chỉ chiếm số ít thôi. Tình hình này không giống như hồi năm 1975, lúc mới hoà bình; lúc đó có thể nói là cá tôm rất nhiều, nhưng bây giờ nguồn thủy sản do nuôi trồng là chính. Tính ra lượng cá xuất khẩu của Việt Nam thì cá nuôi chiếm phân nửa, còn phân nửa còn lại là cá đánh bắt ở ngoài đại dương chứ phần đánh bắt trên sông không có bao nhiêu. Cá đánh bắt trên các dòng sông chỉ là phần của những gia đình nông dân sống dọc theo các bờ sông , họ đánh bắt hay chài lưới giúp họ sinh sống thêm vậy thôi..."

Có một hiện tượng khách quan là dòng chảy sông Cửu Long ngày càng yếu đi ở nhiều khúc sông nhất là vào mùa khô, [dòng chảy đo được ở Nam Vang chỉ còn 1,600 m3/ giây thay vì 2,000 m3/giây như trước đây], khi xuống tới ĐBSCL chắc còn yếu hơn. Có thể do hiện tượng cạn dòng này, khiến một số nơi bắt đầu trồi lên những cồn cát.

Ngay ven sông Hậu, từ nhà hàng Hoa Sứ nhìn ra, dân địa phương cho biết giữa sông đang tạo hình một cồn cát chưa đủ cao để nhô lên khỏi mặt sông, nhưng ghe tàu đi qua phải tránh để khỏi mắc cạn. Người ta chỉ đơn giản cho đó là hiện tượng thiên nhiên. Còn yếu tố nhân tạo thì sao? Không ai thắc mắc và nghĩ tới.

Lại đang có thêm một phong trào rất tự phát, là tư nhân "xây kè" lấn sông không phải để ngăn lở mà để có thêm đất. Ngay từ nhà hàng Hoa Sứ ấy, lấn ra sông cả 5 mét, người ta đang xây một tấm vỉ xi măng cốt sắt kiên cố ngăn sông mà dân địa phương gọi là "kè". Ai cho phép và ai có phương tiện sắt thép xi măng để thực hiện một công tác đại trà ấy nếu không phải là thế lực của các đại gia hay cán bộ cao cấp. Điều đó đang diễn ra trước mắt và hàng ngày. Liệu có cần bộ luật mới để bảo vệ và cứu lấy những dòng sông trước nguy cơ ?

 

CÂY CẦU CẦN THƠ VÀ GÓI THẦU III TRUNG QUỐC

Ngày 25/09/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải đã khởi động công trình xây cất cầu Cần Thơ bắc ngang sông Hậu và khi hoàn tất sẽ là cây cầu treo dài nhất Đông Nam Á.

Công trình dự trù hoàn tất vào cuối năm 2008, cũng đánh dấu thời điểm chấm dứt đoạn "qua phà" cuối cùng trên quốc lộ 1A nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Hậu Giang. Đây là một trong hai công trình được coi là lớn nhất của ĐBSCL, công trình kia là Dự án Phức hợp Dầu khí- Điện- Phân bón Cà Mau [Ca Mau Gas-Electricity-Fertilizer Complex].

Tiếp theo sau cầu Mỹ Thuận dài 1,535 m bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long hoàn tất năm 2000; Cầu Cần Thơ có chiều dài 2.75 km, rộng 26 m với 4 đường xe chạy 2 chiều. Cầu có độ thoáng cao 39 m khiến các tàu lớn 15,000 tấn vẫn có thể lưu thông qua lại. Nếu tính cả Đường dẫn tới hai đầu cầu thì chiều dài của công trình sẽ là 15.85 km, sẽ thay thế hệ thống Phà Cần Thơ đang phải chuyển tải hơn 20,000 chuyến xe, 87,000 khách qua sông mỗi ngày, và như vậy chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và cải thiện mức sống của ngót 20 triệu cư dân vùng ĐBSCL. Cầu Cần Thơ được đánh giá là một thành tố quan trọng để thu hút đầu tư ngoại quốc và cả từ trong nước trong kế hoạch phát triển vĩ mô của Tây Đô tới năm 2010.

Tổ hợp nhà thầu bao gồm các công ty Taisei, Kajima, Nippon Steel Co., Công ty Xây dựng Trung Quốc; dưới sự giám sát của công ty tham vấn Nippon Koei-Chodai, kinh phí xây cất cầu Cần Thơ với tổn phí cao nhất lên tới 342.6 triệu MK và cũng là cây cầu dài nhất của cả nước. Trong buổi lễ động thổ, Osamu Shiozaki Tổng lãnh sự quán Nhật tại TP Sài Gòn cho biết ODA của Nhật (Official Development Assistance) đã viện trợ cho Việt Nam từ 1992 số tiền lên tới 7.4 tỉ MK để xây dựng 70 cây cầu trên quốc lộ 1A.

Theo Vietnam News [vnagency.com.vn] thì cầu Cần Thơ sẽ là cây cầu "thứ ba" bắc ngang sông Mekong thuộc Vùng Hạ Lưu, sau cây cầu Hữu Nghị Mittaphap nối Vạn Tượng và Nongkhai Thái Lan, cây cầu Mỹ Thuận nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Nhưng theo tác giả bài viết này thì chi tiết trên không chính xác: cầu Cần Thơ [2008] sẽ là cây cầu "thứ năm" sau 4 cây cầu: (1) Mittaphap (04/ 1994), (2) Lao-Nippon Bridge/ Champassak [Lào Thái 08/ 2000], (3) Kompong Cham Japanese Bridge [Cam Bốt, 12/ 2001], (4) Mỹ Thuận (Việt Nam, 05/ 2000).

Tiến trình xây cất cầu Cần Thơ đến nay được xem là "khá chậm" khiến có mối lo ngại là thời điểm hoàn tất vào năm 2008 có khả năng khó đạt được.

Dự án cầu Cần Thơ gồm 3 Gói Thầu [Contract Packages]: Đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long do các nhà thầu địa phương Việt Nam [gói thầu 1, Thăng Long, Cienco 6, Cienco 8] có tiến độ chậm nhất, trong khi công trình xây cầu chính [gói thầu 2, Nhật] và Đường dẫn vào cầu phía Cần Thơ [gói thầu 3, Trung Quốc] được coi tiến triển khả quan.

Riêng gói thầu 3, có tên là : "Dự án Xây dựng Đường Tránh QL1 cầu Cần Thơ" do Công Ty Xây Dựng Quốc Gia Trung Quốc đảm trách, là một tuyến đường dài 7,690 m, rộng 24.1 m, với 4 đường xe chạy cùng 9 cây cầu phụ với tổng chiều dài là 1,165 m, với nút giao số 3 có "cầu vượt_ flyover" qua QL 91B, một trạm thu phí 10 cửa, cùng với một khu dịch vụ rộng 21,000 m2. Khởi công ngày 25/02/2005 với 1365 ngày và dự trù hoàn thành ngày 21/11/2008.

Do không thể tiếp cận với công trường xây cầu Cần Thơ bằng đường bộ vì là toàn là những khu cấm, nhưng bằng đường sông tôi đã có thể tới rất gần các khu đang xây dựng ấy: tới với những giàn khung sắt thép khổng lồ, những cần cẩu cao vút trên nền trời xanh. Và cũng ngạc nhiên khi thấy gần khối sắt thép ấy lại có một chiếc ghe cào nhỏ, đang bám sát vào một chiếc chân cầu mới xây trơ trọi giữa sông: trên chiếc ghe đó chỉ có một người đàn bà và đứa con trai nhỏ. Hỏi ra mới được biết là ông chồng thì đang lặn xuống dòng nước nâu chảy siết để vớt những khúc thép dư dưới chân cầu. Vớt được bao nhiêu, bán được bao nhiêu mỗi ngày thì không biết nhưng quả là một lối mưu sinh mới vô cùng nguy hiểm.

Sau bến phà Mỹ Thuận, rồi ra từ 2008 bến phà Cần Thơ cũng sẽ đi vào quá khứ. Và Con Đường Cái Quan sẽ xuyên suốt từ ải Nam Quan xuống tới mũi Cà Mau; nhưng nếu nhìn xa, Con Đường Cái Quan không dừng lại ở đó, bởi vì trong tâm khảm mỗi người Việt_ Con Đường ấy còn thêm cả khúc đường biển tiếp nối ra tới Hoàng Sa và Trường Sa. Đó cũng là một gợi ý cách đây 7 năm của người viết với tác giả bản trường ca Con Đường Cái Quan. Chắc ông không còn nhớ buổi nói chuyện với tôi trong căn nhà thân thuộc nơi thị trấn Giữa Đường; và cũng hôm ấy, nhạc sĩ Phạm Duy có ký tặng tôi bức ảnh ông đang đổ rượu trên mộ Văn Cao khi ông lần đầu tiên trở về thăm Việt Nam. Bây giờ ở cái tuổi 85, trên báo chí, thấy ảnh ông cùng mấy người con đang trở lại để một lần nữa đi suốt Con Đường Cái Quan ấy. Trước viễn ảnh một Biển Đông Dậy Sóng, những dòng chữ này một lần nữa gửi tới ông, vẫn với tâm cảnh của "tam bách dư niên hậu" và với niềm tin rồi ra cho dù thời gian xa tới đâu, Hoàng Sa Trường Sa cũng sẽ lại "châu về Hiệp Phố ".

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA CẦN THƠ HƠN 30 NĂM CŨ

Cho dù trọng tâm các chuyến du khảo là "môi sinh" nhưng bệnh viện, trường học là nơi tôi vẫn thường tới thăm khi qua các tỉnh An Giang, Hậu Giang và Tiền Giang. Có thể nói, có một "mẫu số chung về tình trạng y tế và giáo dục" nơi các tỉnh ĐBSCL mà bệnh viện Đa khoa Cần Thơ_ có thể xem như một điển hình.

Tuy bề thế là một bệnh viện lớn của Tây Đô nhưng phòng ốc thì chật chội, cũ kỹ từ hơn 30 năm sau ngày giải phóng, không được sửa sang nên xuống cấp, dụng cụ máy móc nếu chưa hư hỏng thì cũng đã lỗi thời. Có thể ví bệnh viện ấy như một chiếc xe đò cũ kỹ với 40 chỗ mà vẫn phải ì ạch chở hàng trăm khách, nghĩa là "quá tải" để chạy trên một con lộ cũng không kém gập ghềnh xuống cấp. Chẳng có an toàn gì để bước lên một chuyến xe như vậy nhưng là những "người bệnh" thì chẳng có một chọn lựa nào khác.

Cuối tháng 8-2006, một ngày như mọi ngày, cho dù đã sang chiều, số bệnh nhận chờ khám nơi phòng ngoại chẩn và cả chờ lãnh thuốc vẫn còn đông nghẹt. Trên 500 bệnh nhân tới bệnh viện mỗi ngày chờ được khám là con số "thường nhật". Trên khuôn mặt họ, ngoài vẻ mỏi mệt, bệnh hoạn nhưng như từ bao giờ vẫn toát ra vẻ chịu đựng. Một bác sĩ phải khám từ 70 tới 100 lượt bệnh/ ngày không phải là không có. Phòng Cấp Cứu, ngoài tấm bảng hiệu thì bên trong trang thiết bị thật thô sơ. Rồi cảnh tượng trong cơn mưa rào nhiệt đới tới bất chợt, với mùi hơi đất xông lên, bệnh nhân được thân nhân khiêng cáng từ phòng cấp cứu lên trại bệnh, dưới trời mưa không có gì che chở. Lên tới trại bệnh thì càng thêm não lòng về tình trạng giữa số giường và số người bệnh. Trên mỗi giường sắt cá nhân có trải chiếu là hai người nằm đối đầu, nhưng vẫn còn thiếu_ nên có nơi người ta phải kê sát hai giường lại với nhau cho 5, thay vì 4 người nằm, vẫn còn hơn là xuống nằm đất. Với một người khỏe mạnh "không bệnh" phải nằm lại ngày đêm trong điều kiện ấy, chắc chắn cũng phải sinh bệnh. Đã thế, thời gian nằm điều trị cũng ngắn nhất, bệnh nhận phải xuất viện sớm hơn để có chỗ cho những bệnh nhân mới khác. Số bệnh nhân thì đông, đa số là nghèo, từ phòng đợi tới phòng khám, phòng cấp cứu rồi lên tới trại bệnh, tất cả đều trong một tình trạng "quá tải"_ quá sức chứa như vậy. Do nghề nghiệp, cho dù đã quen với môi trường bệnh viện, nhưng phải nói là không khí nơi đây rất ngột ngạt, một thứ mùi "nhà thương" rất khó tả vì không đủ nhân sự để giữ gìn và chăm sóc.

Nơi phòng "Lọc máu Nhân tạo_ Hemodialysis Unit", máy móc thì cũ kỹ nhưng vẫn cứ rỉ rả hoạt động và không còn một giường trống. Trưởng phòng là một bác sĩ trẻ ngồi bên một chồng hồ sơ bệnh lý dày cộm. Anh giới thiệu với tôi một "cộng sự viên vô giá ", tuổi trung niên vẻ ít nói. Không có dụng cụ thay thế, máy lọc nào hư anh ấy cũng cố sửa cho bằng được, nhờ vậy mà còn có được một số máy hoạt động. Với người bệnh suy thận (ESRD / End Stage Renal Disease)_ với hai nguyên nhân chủ yếu ở Việt Nam hiện nay là bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp không được chữa trị, nếu không được lọc máu tuần 3 lần thì chỉ có chết. Trừ bác sĩ trưởng khoa, ít ai biết tới người anh hùng vô danh ấy. Hơn 30 năm sống với y nghiệp, hình ảnh của những cô điều dưỡng áo trắng những bác y công vui vẻ và ẩn nhẫn làm việc bên những người bệnh nghèo khổ như vậy, vẫn đem cho mọi người niềm hy vọng và cả lòng ngưỡng mộ.

...

Một cách để biện minh và giải thích cho tình trạng trên, là các bệnh viện hay nói chung là ngành y tế không có đủ kinh phí. Bảo rằng đất nước còn nghèo thì không đúng, vấn đề là nhận thức đâu là ưu tiên. Tiềm năng xây dựng cơ sở vật chất, không phải là không có; bằng chứng là khắp các tỉnh ĐBSCL, các cơ quan nhà nước nơi nào cũng sáng choang và uy nghi, như Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Cần Thơ có tầm vóc của một Dinh Độc Lập thu nhỏ, rồi trụ sở Quân đội nhân dân, Công an nhân dân...

Cuối năm 1999, trong chuyến viếng thăm ĐBSCL, người viết đã có ghi nhận: "Bưu điện, Chợ, Ngân hàng, Khách sạn là những công trình kiến trúc mới khang trang của ĐBSCL, duy chỉ có trường học và bệnh viện là vẫn cũ kỹ tiêu điều chậm bước vào thời kỳ đổi mới." Điều này vẫn cứ đúng cho 7 năm sau khi trở lại viếng thăm ĐBSCL.

Rời bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cũ để tới thăm khu bệnh viện mới đang xây cất bên quận Ninh Kiều ngoài trung tâm thành phố. Nhìn từ bên ngoài thì đó là bề thế của một bệnh viện lớn và hiện đại. Ngay trước khu bệnh viện mới là tấm bảng lớn với sơ đồ liên quan tới công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Tây Đô. Thêm một khẩu hiệu màu đỏ nổi bật trên tấm bảng ấy: Đến Với Tây Đô Đến Với Niềm Tin.

Không phải chỉ có bệnh nhân, mà cả những bác sĩ và toàn thể nhân viên bệnh viện Đa khoa Cần Thơ cũ hiện nay, chỉ biết từng ngày hướng trông về cơ sở bệnh viện mới. Là một Bệnh Viện Đa khoa 700 giường đã được khởi công từ ngày 19/12/2004 với dự trù hoàn thành, đưa vào hoạt động vào đầu năm 2006: thời điểm ngày 3 tháng 2. Nhưng vì công trình còn xây cất dở dang nên dời lại tới tháng 8/ 2006, rồi cũng vẫn chưa xong, nên lại phải dời vào một thời điểm khác, có lẽ là vào tháng 12/2006. [Riêng tỉnh An Giang, phải tới năm 2010 mới có kế hoạch xây một bệnh viện đa khoa mới như Cần Thơ]. Nhưng xem ra mốc thời gian thứ ba này cũng khó mà đạt được khi tận mắt chứng kiến toàn cảnh tiến độ của công trình vào thời điểm cuối tháng 8, khi mà bên ngoài tòa nhà vẫn đang còn vướng những cột những khung sắt.

Điều đáng chú ý, cũng được ghi trên tấm bảng hiệu kích thước hoành tráng ấy, liên quan tới hướng hoạt động của BV Đa Khoa Tây Đô mới trong tương lai, đó là: "điều trị bệnh theo yêu cầu với dịch vụ cao cấp, nhân viên lịch sự, phục vụ tận tình, không gian sạch sẽ, thoáng mát." [sic] Mà "dịch vụ cao cấp" có nghĩa là phục vụ cho các "đại gia, các cán bộ, những người giàu có tiền", và liệu rồi ra sẽ có bao nhiêu phần trăm sinh hoạt của bệnh viện mang ý nghĩa "vì dân" phục vụ cho hơn 95% cư dân nghèo của ĐBSCL ?

Ngành y tế hay các bệnh viện từ Sài Gòn xuống tới các tỉnh, đều phát triển theo "hướng kinh tế thị trường ", nghĩa là cho dù thiếu thốn xuống cấp tới đâu, trong mỗi bệnh viện đều có hiện diện một "ốc đảo sáng choang"_ đó là những khu chăm sóc đặc biệt cho một thiểu số giàu có nhiều tiền, phòng ốc với đầy đủ tiện nghi có cả TV, tủ lạnh, nhà tắm nhà vệ sinh riêng và dĩ nhiên có gắn máy lạnh 24/24 và chế độ điều trị "cao cấp" với đủ mẫu thử nghiệm, máy móc chẩn đoán và thuốc men ngoại nhập theo yêu cầu. Dĩ nhiên có những cái "giá rất cao phải trả" để được bước vào khu ốc đảo ấy.

Nếu như nhà nước hay nói riêng ngành y tế, "sau khi đã cung ứng được một dịch vụ y tế xã hội cơ bản cho đa số người dân, thì không phải là sai khi thiết lập thêm những khu điều trị đặc biệt cao cấp ấy ". Nhưng quả là nhẫn tâm đến mức vô cảm nếu ưu tiên phát triển lại chỉ biết dành cho một khu ốc đảo sang cả như vậy.

Như một flashback , tôi nhớ lại dịp tới Siam Reap, thăm Angkor năm 2001, cũng viếng thăm bệnh viện Jayavarman VII, được Hunsen khánh thành năm 1999. Với cái tên Jayavarman VII, bao hàm một nội dung lịch sử vì đó là tên vị vua cuối cùng của triều đại Khmer-Angkor thế kỷ 12, ông không chỉ có công mở mang bờ cõi, xây dựng các khu đền đài kỳ vĩ, ông còn quan tâm tới các công trình công ích như mở mang đường sá, xây cất rất nhiều bệnh viện và các dưỡng đường cho người nghèo.

Chỉ là bệnh viện tỉnh nhỏ nhưng Jayavarman VII sạch sẽ, khang trang, với những bà mẹ Khmer tin tưởng ôm con từ ngoài cửa đi vào, cùng một lúc hừng lên trong nắng mai trên cao là tượng Jayavarman VII giống tượng Phật, phía dưới là một câu trích dẫn: Les souffrances des peuples sont les souffrances des rois_ Nỗi thống khổ của dân là nỗi đau của đấng quân vương _ Jayavarman VII.

Từ Đồng Bằng Sông Cửu Long, người viết gửi tới giới hữu trách Việt Nam, cũng nội dung câu nói ấy của 8 thế kỷ trước vẫn còn nguyên vẹn ý nghĩa.

 

QUA CẦU MỸ THUẬN MÀ VẪN KHÔNG QUÊN PHÀ

Trong chuyến đi các tỉnh Miền Tây lần này, qua lại nhiều lần trên phà: phà Cao Lãnh, phà An Hòa sang Long Xuyên, phà sông Hậu từ Vĩnh Long sang cần Thơ, phà Rạch Miễu từ Mỹ Tho qua bến Tre... Phải nói đây là một điểm son về giao thông của ĐBSCL, hệ thống phà hoạt động rất hữu hiệu và trật tự. Do có thêm nhiều phà phục vụ nên "vòng quay" rất nhanh, cảnh những đoàn xe nối dài mỏi mệt chờ phà đã trở thành quá khứ. Từ 15 phút tới nửa tiếng, nếu là con sông rộng, xe chúng tôi đã có thể qua bờ sông bên kia và lại lên đường.

w-final3-hopluu92-128_0_300x164_1Rồi không thể không nhớ tới bến phà Mỹ Thuận, như một nét văn hóa ngày nào. Từ buổi sáng hôm ấy trên sông Tiền, trên một con phà_ cũng là một trong những chuyến phà cuối cùng, nhìn về phía xa là cây cầu Mỹ Thuận trước ngày "giao long" [tháng 5, 1999], vậy mà đã hơn 7 năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu triệu tấn phù sa đã đổ ra ngoài Biển Đông.

Từ Cần Thơ qua Phà Sông Hậu sang Vĩnh Long, để từ đây qua tỉnh Tiền Giang bằng cây cầu Mỹ Thuận. Đây là lần đầu tiên tôi qua cầu Mỹ Thuận kể từ khi khánh thành. Phải qua "những ngày phà " nhất là những năm trước đây, mới thấy tiện nghi của cây cầu. Những cây cầu trên những khúc sông Mekong luôn luôn có sự hấp dẫn cuốn hút đối với tôi, khi có dịp tới gần tôi đều tìm cách bước lên những cây cầu ấy. Chỉ có một cây cầu bắc ngang sông Mekong phía Nam Lào hoàn tất từ tháng 8 năm 2000, là tôi chưa đi qua: cây cầu Lao-Nippon/ Champasak. Những cây cầu khác, từ cây cầu treo Cảnh Hồng trên Vân Nam, xuống tới cây cầu Mittaphap Vạn Tượng rồi cầu Kompong Cham Cam Bốt, nay là cầu Mỹ Thuận trên sông Tiền. Phải nói mỗi cây cầu trên sông Mekong tự nó đã là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc, trang điểm cho dòng sông như những chiếc vòng nạm ngọc hay kim cương...

Tưởng cũng nên ghi thêm ở đây một kinh nghiệm mà tôi cho là ấm lòng. Cho dù chỉ là những chuyến viếng thăm đột xuất và không có liên hệ quen biết trước, tôi vẫn được các đồng nghiệp áo trắng tiếp đãi cởi mở và chân tình. Thêm niềm vui khi tới thăm Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang [Mỹ Tho], tôi được gặp lại những học trò cũ trong ngành Vật Lý Trị Liệu từ hơn 20 năm, các cô ấy vẫn trẻ trung vui tươi yêu nghề và được mấy cô bác thân thương gọi là "ngũ long công chúa" do những chăm sóc mà các cô đem lại cho họ. Cũng được biết thêm rằng, từ Sài Gòn tới các bệnh viện đa khoa tỉnh, các khoa và phòng Vật Lý Trị Liệu vẫn cứ hiện diện và hoạt động hữu hiệu như là "bước thứ ba" của y khoa tiếp theo các bước y khoa phòng ngừa và y khoa điều trị.

 

CHUYẾN PHÀ VIỆT ĐAN VÀ CÂY CẦU RẠCH MIỄU

Từ Mỹ Tho, qua phà Rạch Miễu bằng chuyến phà Việt Đan [Việt Nam-Đan Mạch] băng qua các nhánh sông để sang tỉnh Bến Tre. Qua Cồn Phụng của Ông Đạo Dừa, nơi mà từ 1963 đã từng là một "ốc đảo hòa bình" giữa cuộc Chiến Tranh Việt Nam đang diễn ra khốc liệt. Với chánh phủ Miền Nam lúc đó thì Cồn Phụng là ổ trốn quân dịch, Việt Cộng thì coi đó là hang ổ CIA, còn đám cố vấn Mỹ thì gọi đó là nơi an dưỡng củaViệt Cộng. Đâu là sự thật ? Chỉ có một sự thật chắc chắn là nay Ông Đạo Dừa đã chết và Cồn Phụng trở thành một tụ điểm du lịch.

Bến Tre là một tỉnh duyên hải thuộc ĐBSCL, nằm giữa hai nhánh của con sông Tiền và cho đến nay cũng chưa có một chiếc cầu nối nào để đi vào tỉnh Bến Tre ngoài phương tiện qua phà. Bởi vậy dự án cầu Rạch Miễu dài 2.8 km nối Tiền Giang và Bến Tre có một tầm quan trọng chiến lược cho bước phát triển của cả hai tỉnh. Nhưng phải nói dự án Cầu Rạch Miễu là một công trình xây dựng gây nhiều tai tiếng nhất. Được khởi công từ 2002 và dự trù hoàn tất vào cuối tháng 6 năm 2006. Nhưng rồi bao nhiêu sự cố đã và đang xảy ra.

Giữa công trình các nhà thầu bỏ đi vì thiếu vốn, viện cớ giá cả vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép và xăng dầu đều tăng. Để cứu vãn, nhà nước đã phải tăng thêm ngân khoản từ 696 tỉ đồng [43.7 triệu MK] lên tới 988 tỉ đồng [62.1 triệu MK] để công trình có thể tiếp tục.

Tiếp theo là vụ tai tiếng, ăn cắp "rút ruột" hơn 10 tấn sắt thép từ ngay hiện trường của công trình. Chủ mưu không ai khác hơn lại là một kỹ sư 29 tuổi [nghĩa là được sinh sau 1975] phó giám đốc công trình. Cho dù công an đã bắt được tại trận các tay thợ lặn với trang bị là những bộ đồ lặn, máy cắt tối tân, máy phát điện và cả một kế hoạch tinh vi làm việc theo thủy triều để không bị phát hiện. Nhưng rồi chỉ 2 tuần sau đó, không thể giải thích được, hồ sơ vụ án bị đóng lại và có tin đồn cũng viên kỹ sư trẻ ấy còn được bổ nhiệm vào một công trình xây dựng khác ở miền bắc. Do vụ lấp liếm trên quá lộ liễu, cũng theo báo Thanh Niên 4/19/06, nhà nước đã phải cho mở lại hồ sơ để thẩm tra vụ án.

Nhưng điều nghiêm trọng và đáng quan tâm hơn hết là chất lượng kém của công trình do từ các báo cáo và phát hiện của báo chí: việc xây dựng chưa hoàn tất mà đã có nhiều trụ, mố bị nứt lún. Điển hình là "mố 58" bị nứt, được "khắc phục" bằng cách phun dung dịch chống thấm, sau đó dùng keo trám lại vết nứt. Cách "xử lý" đó được ông Giám đốc công trình cầu Rạch Miễu lên tiếng bảo đảm là vẫn an toàn và chất lượng. Ông Giám đốc ấy cũng tiết lộ thêm một tin động trời khác nữa là khởi đầu Việt Nam quyết định "tự thiết kế, tự thi công" xây dựng cầu treo Rạch Miễu [mà tiếng trong nước gọi là công trình cầu dây văng], nhưng nay thì thấy rõ là "khả năng bất cập" của các kỹ sư và nhà thầu Việt Nam nên Chánh phủ và Bộ Giao thông Vận tải phải chọn giải pháp đi thuê một công ty nước ngoài, có thể là Pháp hay Thủy Sĩ đủ năng lực để hoàn tất phần "dây văng" này.[www.bentre.gov.vn]

Với nhiều "cha chung" như vậy, nếu đứa "con cầu tự" cầu Rạch Miễu sinh ra mà èo uột, không có tuổi thọ, thì ai sẽ thực sự trách nhiệm sự an sinh lâu dài của cư dân hai tỉnh Bến Tre – Tiền Giang nói riêng và của ĐBSCL nói chung ?

Khác với công trình cầu Cần Thơ, bằng đường bộ phía Mỹ Tho, tôi đã có thể tiếp cận với các bộ phận xây cất nơi đầu cầu Rạch Miễu. Lúc đó là giờ nghỉ trưa của toán công nhân làm cầu, đứng ngồi bên những chiếc Honda, tất cả mặc đồng phục màu đỏ cam, đầu đội nón bảo hộ lao động. Dân chúng vẫn sinh hoạt sát bên công trường. Tôi đã chụp được rất nhiều bức hình sinh động bên chân cây cầu Rạch Miễu ấy.

Từ đường sông, trên chuyến phà Việt Đan qua Bến Tre, nhìn một hàng dài các chân cầu xi măng cốt sắt cao mảnh mai_ trông như một tiểu đội lính, chắn ngang nhánh con sông Tiền, cũng không xa đó là Cồn Phụng, tôi liên tưởng tới phim Platoon của Oliver Stone , chỉ có khác là sau chiến tranh_ tiểu đội những chân cầu ấy, không được chuẩn bị lại bị ném xuống giữa mênh mông dòng nước nâu chảy xiết và rồi đám chân cầu ấy sẽ đứng vững được bao lâu nữa_ nếu phải chịu tổn thất lâu dài không ai khác hơn sẽ là những thế hệ cư dân của ĐBSCL.

Cầu Rạch Miễu có thể coi là một "điển hình" cho các công trình xây dựng thiếu quy hoạch, thiếu trách nhiệm và rất lãng phí đã và đang diễn ra ở Việt Nam.

Chiếc phà Việt Đan vừa cập bến, chiếc xe lại lên đường, đi vào huyện Châu Thành rồi vào thị xã Bến Tre. Là một tỉnh nông nghiệp với hơn 1.3 triệu dân số, tương đối nghèo so với các tỉnh khác của ĐBSCL, lại cũng là nơi đang còn ổ dịch cúm gia cầm H5N1 [Thạnh Phú, Tân Hưng / thời điểm 08-2006]. Bến Tre được biết tới như một xứ dừa với kỹ nghệ làm kẹo dừa, bánh phồng dừa xuất khẩu... Dừa Bến Tre ngon nổi tiếng vì là vùng nước lợ_ mà nước lợ thì chẳng tốt gì cho cây lúa. Không phải dừa xiêm mà dừa đỏ mới là loại dừa ngon nhất của Bến Tre với nước ngọt và cùi thì thơm. Ghé một quán bên đường, giữa trời nóng khát, uống một trái dừa đỏ từ nguyên trái như là được "cứu hạn". Cô gái bán quán rất xinh, có vẻ là nữ sinh. Cô vui vẻ chặt dừa cho khách với ba nhát dao thật khéo. Cô chỉ nhận tiền dừa và thẳng thắn từ chối tiền tip, trước nhân cách ấy, khách vãng lai đã nợ cô một lời xin lỗi. Chúng tôi cũng mua thêm hai trái dừa đỏ nữa để trên xe thay cho những chai nước trên đường về.

...

Không có kết luận cho bài viết. Chỉ có một cảm nghĩ, phát triển kinh tế mà không có phát triển giáo dục và y tế đồng bộ: đó là những bước Phát Triển Không Bền Vững.

NGÔ THẾ VINH

Đồng Bằng Sông Cửu Long 09/ 2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12755)
(Xem: 14209)
(Xem: 15532)
(Xem: 15006)
(Xem: 15017)
(Xem: 15705)
(Xem: 14445)
(Xem: 14202)
(Xem: 14197)
(Xem: 15138)