- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Mạn Đàm Văn Học

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 9756)
mandamvanhoc1TRĂM NĂM CÔ ĐƠN Ở ARACATACA

Nếu như, hơn hai thế kỉ trước, thủ đô Hoa kì được đặt tên là Washington (ta gọi theo Tàu là Hoa thịnh đốn) vì thị trấn này do chính Tổng thống George Washington (1732-1799) chọn làm nơi hành nghiệp, và kể từ năm 1800 đã trở thành cư điếm của tòa White House (Bạch ốc, hay Nhà Trắng), nhiệm sở của tổng thống Mĩ cho đến ngày nay. Thì non một thế kỉ rưỡi sau, ở bên kia bờ Đại tây dương, chánh quyền Liên xô lại lấy quyết định biến Saint-Peterxbourg/Petrograd thành Lêningrad từ năm 1924 tới năm 1991 và Txaritxyn thành Xtalingrad từ năm 1942 tới năm 1961. Và gần chúng ta hơn, ba chục năm trước đây, sau ngày đất nước thống nhứt, Sài gòn đương nhiên phải lột xác để mang tên Bác, trở thành Tp Hồ Chí Minh.

Các sự thay đôỉ ở Mĩ, Nga, Việt nam vừa kể và ở biết bao nước khác nữa trên toàn thế giới, như bạn đọc nhận thấy, thảy đều mang một mẫu số chung : tôn sùng các nhà lãnh đạo mà chánh quyền sở tại xem là đã đóng góp rất nhiều công sức cho đất nước về mặt xã hội. Nhưng ngoài họ ra, chúng tôi không thấy có một vĩ nhơn tầm cỡ nào tiếng tăm lừng lẫy trong các địa hạt khác được hưởng thứ vinh dự ấy. Vậy mà lạ thay, như một ngoại lệ chứng minh cho nhận xét nói trên, cũng có ít nhiều nhà văn mà tác phẩm là những bức tranh khắc họa nơi chôn nhau cắt rún của mình và những nơi mình đã sống qua và chia sẻ ngọt bùi, được ghi danh chẳng thua gì các nhà lãnh đạo chánh trị. Có điều là họ được tôn vinh một cách gián tiếp - không qua tên thật hay bút hiệu mà qua tên làng xã miêu tả trong tác phẩm của mình.

 

blank

Nhà văn Gabriel García Márquez

Trường hợp nhà văn Gabriel García Márquez là một thí dụ điển hình.

TRĂM NĂM CÔ ĐƠN

Nguyên tác Ciel anõs de soledad, xuất bản năm 1967, là nhan đề kiệt phẩm của nhà văn châu Mĩ latinh gốc Côlombia Gabriel García Márquez, giải Nobel văn chương năm 1982. Ông chào đời vào năm 1928 ở Aracataca, một làng nhỏ hẻo lánh náu mình trong vùng chiêm hoang dã, trũng nước, bùn lầy, nằm khoanh trong rừng núi bạt ngàn Nevada de Santa Marta. Khung cảnh ngụp đầy huyền ảo này được nhà văn tái dựng trong thiên truyện. (1)

Câu chuyện diễn ra ở Macondo, chơ vơ giữa đồng không mông quạnh nhiệt đới, nhầy nhụa bùn lầy, núi non cách trở : ị Macônđô là một làng gồm vài chục nóc nhà tranh vách đất dựng bên bờ con sông nuớc trong như pha lê, ào ào chảy qua những tảng đá nhẵn thín, trắng bong, to như những quả trứng thời tiền sử. (2) Con người ở đây ngày nay sớm chiều bị cái nóng oi bức, cây cối héo hon, rồi bạo lực hoành hành khiến cho họ suy nhược tinh thần, thân xác uể oải, cảm thấy lẻ loi đơn chiếc.

Khởi thủy là gia đình nhà họ Buendia, theo chơn ông tổ José Arcadio tới đây lập nghiệp. Một thời đại hoàng kim tức khắc khai mào ở Macondo, bấy giờ con người sống hồn nhiên, tâm thần thanh thản, không tham vọng, không tranh giành, không ưu tư phiền muộn, chấp nhận mọi hiện tượng huyền bí, diễm ảo, coi như bất phân với cuộc đời như vào thời tiền sử. Cho đến một hôm có kẻ du cư xâm nhập vô tận trong làng, mang theo phát minh mới lạ của thế giới văn minh. Thế là Macondo lần hồi biến thành đô thị, hàng quán mọc đầy, xe cộ tới tấp, tiếng ồn dồn hồi ngoài đường phố xua bặt tiếng chim. Dân làng hóa nên mất ăn mất ngủ.

Qua thế hệ thứ hai, bước vào thời kì lịch sử, Macondo khôn thôi gánh chịu binh đao, khói lửa, bạo hành, tranh giành quyền lực: Đại tá Aurêlianô Buêndya đã phát động ba mươi hai cuộc vũ trang nôỉ dậy và thất bại hoàn toàn. Chung đụng với mười bảy cô gái ở những làng khác nhau, ngài sinh được mười bảy người con trai và tất cả bọn họ đều lần lượt bị giết hại chỉ trong một đêm trước khi người con cả vừa đúng ba mươi lăm tuổi. Ngài đã thoát nạn trước mười bốn vụ mưu sát, bảy mươi ba vụ phục kích và một đội hành hình. Ngài sống sót qua vụ đầu độc bằng bột mã tiền hòa trong cà phê với lượng đủ giết chết mọt con ngựa. (3)

Du kích do ngài đại tá cầm đầu dĩ nhiên thất bại. Macondo hóa ra già cỗi, chết lần chết mòn, cho tới khi bọn Mĩ hoa kì ào ạt kéo nhau vô làng đầu tư, khai thác. Lập vườn trồng chuối bạt ngàn. Phân chia Macondo thành nhiều khu xóm đối nghịch da màu; kì thị, bóc lột nhơn công. Dân tình nổi dậy, bị thẳng tay đàn áp. Một trận hồng thủy bỗng đâu ập xuống, mưa suốt bốn năm mười một tháng và hai ngày.( 4) đằng đẵng. Cuốn lốc nhà cửa, ngả nghiêng cây cối, bọn Mĩ sải cẳng thoát chạy mất tiêu. Còn lại trong làng một mớ người sống sót, bần thần ngơ ngáo. Quái thai cuối cùng của dòng họ Buendia lọt lòng đuôi heo ngọ nguậy sau đít, chưa ráo máu đầu, chưa kịp nứt mắt là đà chết ngủm, làm mồi cho bầy kiến tha đi hoá thành cát bụi.

TỪ ARACATACA TỚI

Khung cảnh thiên truyện nay vẫn còn đó. Aracataca qua ống kíếng huyền ảo của G. García Márquez vẫn còn đó, đờ đẫn dưói sức nóng oi ả của vùng nhiệt đới, với những mái nhà sơn phết vàng vọt, những già làng ngủ gà ngủ gật ngoài hiên, những con đường nhầy nhụa, những tường vách xô vẹo của United Fruit Company (Xí nghiệp Hoa quả liên hiệp, chủ các vườn chuối bạt ngàn nửa đầu thế kỉ trước), những tảng đá to như quả trứng thời tiền sử. Hiện thực, nhưng có mấy ai nghĩ tới nó, họa chăng chỉ nghe biết tới nó, hệt như một số độc giả chúng ta, qua cái tên hư cấu Macondo mà thôi.

Aracataca ngày nay dân số đâu chừng năm mươi bốn ngàn người. Cơm ăn việc làm khan hiếm, thiếu nước sạch, thiếu nhà trường. Trên đường phố thưa thớt, thỉnh thoảng qua lại vài chiếc xe ôm (xe đạp, chớ không phải xe máy) xé toạc tiếng cười nói râm ran của các mụ nạ dòng trốn nắng dưới tàn cây rợp bóng hoà quyện với tiếng chim chí choé nhốt trong lồng. Vẫn còn đó los animos, các thần linh thổ dân da đỏ. Người và ma vẫn chung sống hoà bình hằng ngày trà trộn với nhau. Vẫn có vợ bị chồng bỏ, chồng bị vợ bỏ, đêm khuya rủ nhau biến thành chim cú réo gọi, ghê rợn tới mức tình địch phải sởn da gà.

Còn đâu nữa thời đại hoàng kim đã qua. Thời mà non tám chục năm trước, khi đường sắt đầu tiên được xây chạy ngang qua làng, khi xí nghiệp United Fruit bỏ vốn lập vườn chuối trùng điệp, khi lớp người tứ chiếng rần rật nhập cư tiếp tay khai khẩn đất hoang. Mang đến cho Aracataca, cùng với cơm ăn việc làm, nhiều thứ mới lạ, nào là nhạc cụ accordeon (phong cầm), nào là hát bóng (phim câm, hồi ấy chưa có phim nói), nào là hàng xén (bách hoá), nào là las madamas (nhà thổ). Thời đại vàng son bỗng dưng tàn lụi, khi hãng chuối buộc phải cuốn gói xa chạy sau những đợt đình công đẫm máu. Rồi từ bấy, hệt như Macondo đã thiếp ngủ triền miên, ngập lụt sau cơn hồng thủy, Aracataca bị lãng quên trong nỗi trăm năm cô đơn cho tới bây chừ.

Nhưng làm sao cứ mãi đắm chìm trong căn bịnh trầm luân. Aracataca rồi đây cũng phải trổi dậy, vươn mình ra khỏi tình trạng trì trệ hiện nay. Trong mục đích ấy, chánh quyền sở tại ráo riết tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch, ý thức rằng mình có thể tận dụng một lợi thế đâu phải làng xóm nào cũng có sẵn trong tay : Aracataca vừa là nơi chôn nhau cắn rún của một văn tài (giới phê bình văn học xem G. García Marquez là nhà văn châu Mĩ latinh lớn nhứt) vừa là mô hình ngôi làng khắc họa trong kiệt tác của ông. Bước đầu là miễn thuế cho những ai mở khách sạn, nhà nghỉ và, đồng thời, thay tên làng.

... MACONDO

Ngôi làng biểu tượng cho dòng văn chương hiện thực huyền ảo đó là Macondo. Aracataca nay không còn cô đơn như trước nữa, đã chánh thức trở thành Aracataca-Macondo, rồi Macondo - hệt như, ở Pháp, làng Illiers hẻo lánh đã trở thành Illiers-Combray nhiều khách thăm viếng, cũng như La Haye La Haye-Descartes, rồi Descartes. (5) Macondo giờ đây đà lần hồi khởi sắc, thu hút du khách tứ phương, người dân không còn phải bỏ làng đi kiếm ăn nơi khác.

Ước gì xứ Cà mau chót mũi dải đất thân yêu của chúng ta nay bỗng chánh thức thay tên gọi, Đầm Bà Trường hay Cánh đồng bất tận chẳng hạn. (6)

(Paris 21/04/2006)

Chú thích:

(1) Xem : Gabriel García Márquez – Nhà văn hiện thực huyền ảo, trong Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ - Những nụ cười giòn (Nxb Hội Nhà văn, 2004), tr. 288-293.

(2) Xem : Gabriel García Márquez, Trăm năm cô đơn ( bản dịch của Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyên Đức Dũng - In lần thứ 4 - Nxb Văn học, 2000 ), tr. 39. Tiếc rằng bản dịch có nhiều đoạn bị cắt bỏ.

(3) Sđd, tr. 203.

(4) Sđd, tr. 537.

(5) Combray, nơi ông tổ nền tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX, Marcel Proust (1871-1922), trải qua thời niên thiếu, miêu tả trong bộ kí vãng A la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất, 1913-1927) ; La Haye, nơi chôn nhau cắt rún của René Descartes (1596-1650), ông tổ nền triết học Pháp, tác giả luận thuyết Discours de la méthode (Phương pháp luận, 1637).

(6) Đầm Bà Trường - Tân duyệt – Cà mau, nơi Nguyễn Ngọc Tư, tác giả tập truyện Cánh đồng bất tận (Nxb Trẻ, 2005), chào đời và sanh hoạt. Chúng tôi không cùng một cách suy luận với Dạ Ngân khi bà cho rằng : ị Có Nguyễn Ngọc Tư, nền văn chương Nam bộ nói riêng cao lên được mấy thước. (Tuôỉ trẻ online, 16/04/2006). Tại sao Nam bộ nói riêng ? Nguyễn Ngọc Tư, và ngay chính Dạ Ngân, không thuộc nền văn chương Việt nam hay sao, mà cứ phải nhìn họ qua ống kiếng thiên kiến như vậy ? Nhại theo Dạ Ngân, chúng tôi xin được phép nhận định rằng : Nguyễn Ngọc Tư, nền văn chương Việt Nam cao lên mấy thước.

-------------------------------------------

BERNARD HENRI LÉVY - T H Ầ N T Ư Ợ N G G I Ả T Ạ O ?

Mấy năm gần đây, ở Pháp, có một nhà xuất bản được thành lập mang một cái tên biểu hiện rõ rệt chủ trương của mình : Les Arènes (Đấu trường). Nhảy vô đấu trường trong mục đích cảnh giới dư luận (dư luận này có bị hướng dẫn hay chăng) về phong cách một số nhơn vật hằng được suy tôn làm thần tượng. Đánh đổ các thần tượng nói theo thành ngữ Pháp là aux pieds d’argile, các thần tượng giả hiệu, có đôi chưn nặn bằng đất sét.Với tập sách dày 881 trang nhan đề Le Livre noir de la psychanalyse – Vivre et aller mieux sans Freud (Sổ đen về nạn phân tâm - Sống khỏe mạnh và thanh thản không cần tới Freud), gồm 80 bài tham luận của các nhà khảo cứu và giáo sư tâm lí, phát hành tháng 09/2005, Nxb Les Arènes thật sự đã góp phần vào việc thẩm định (lại) học thuyết của ông tổ phân tâm học và tác phong các đồ đệ của ông trong thời gian dài một trăm năm ròng. (1)

Tiếp tục đường lối đó, Nxb Les Arènes vừa đây lại cho ra mắt bạn đọc, vào cuối tháng 02/2006 vừa qua, một tập sách mới, tựa là Une imposture francaise (Một cuộc lừa bịp ở Pháp) của Nicolas Beau và Olivier Toscer. Cái nhan tự nó đã nói lên rạch ròi chủ đích của hai tác giả : vạch trần bộ mặt của một thần tượng không ngừng múa máy tác oai trong mọi lãnh vực văn hóa và xã hội mấy năm trở lại đây. Một bộ mặt thuộc nhóm gọi là nouveaux philosophes (triết gia trẻ) (2) : Bernard-Henri Lévy, gọi tắt là BHL..

TRÍ THỨC DẤN THÂN

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Paris (Ecole Normale Supérieure de Paris ) (3), là trường sư phạm danh tiếng nhứt ở Pháp đã đào tạo những Jean-Paul Sartre (1905-1980, nhà văn hiện sinh lớn thế kỉ 20), Léopold Sédar Senghor (1906-2001, nhà thơ, cố Tổng thống Xênêgal), Phạm Duy-Khiêm (1907-1974, thạc sĩ văn phạm đầu tiên gốc Việt nam) (4), Georges Pompidou (1911-1974, cố Tổng thống Pháp), hay Trần Đức-Thảo (1917-1993, triết gia Việt nam có tầm cỡ quốc tế) (5) và nhiều nữa, tuy ra trường với bằng agrégation de philosophie (thạc sĩ triết học), Bernard-Henri Lévy không hành nghề giảng dạy triết học như đã định.

Là một con người năng nổ, vừa tốt nghiệp, BHL nhảy liền vô làng báo (ông hiện giữ vai bình luận xã hội, văn chương, chánh trị trên tuần báo Le Point, Lược điểm) và làng văn (đến nay, đếm có vài chục tác phẩm phần nhiều thuộc loại luận thuyết) trong lúc không ngừng rong ruổi liên hồi nay đây mai đó, dấn thân đến các trận địa nóng hổi đang xảy ra những biến cố có cơ đôỉ thay cuộc diện chánh trị và nền tảng xã hội trên thế giới (Afganixtăng, Barr al-Djaza’ir, Koxôvô, Pakixtăng, Groxny, Bogotá và nhiều nữa). Từ hơn ba thập niên qua, cứ mỗi lần quay về Paris, hay có sách xuất bản, là ngay liền sau đó, ông không bỏ lỡ cơ hội hiện hình cùng một chặp khắp nơi nào có tiềm năng câu khách cho tác phẩm và cho bản thân mình. Đâu đâu cũng thấy bóng dáng của ông, cũng nghe ông gióng tiếng, tranh cãi, bàn luận, tố giác, thuyết phục, hướng dẫn dư luận.Trên trang giấy, trên làn sóng truyền thanh, trên màn ảnh truyền hình, trên mạng website, trên diễn đàn tỉnh lớn tỉnh lẻ - khôn thôi nhanh trí uốn nắn miệng lưỡi.

Bạn đọc cho phép kẻ viết bài này nhắc lại cảm tưởng của mình về phong cách nói trên của đương sự, trình bày ba năm trước đây như sau :

“(Chúng tôi) đòi phen cũng lấy làm khó chịu thế nào, không ngớt nghe thấy một nhơn vật quả tình quá giỏi chiêu hàng và tự tôn quá mức. Có chút gì thiếu tự nhiên, kém khiêm nhường từ trong tánh khí đó : BHL tận dụng tài năng của mình chừng như chỉ để đề cao chính mình. Đề cao một thiên tài, một nhà văn lỗi lạc, tin rằng mình không thua kém gì (...)Jean-Paul Sartre chẳng hạn.” (6)

Nhưng đây chỉ là ấn tượng dựa trên tác phong, nghĩa là trên cách thức làm việc và sanh hoạt của đương sự, chớ không căn cứ trên bằng chứng cụ thể, không đủ thời gian và phương tiện xác minh cảm tưởng của mình. May thay, đầu năm nay, có hai nhà báo, như đà hẹn trước, đã vô hình trung thay thế chúng tôi thực hiện việc này, qua một cuộc điều tra tỉ mỉ và tường tận.

HUYỀN THOẠI

Hai nhà báo trẻ, tác giả tập sách Une imposture francaise (Một cuộc lừa bịp ở Pháp) mới vừa phát hành nói trên, là Nicolas Beau, phóng viên tuần báo châm biếm le Canard enchainé (Vịt đực hay Lá cải bị xiềng) và Olivier Toscer, phóng viên tuần báo thiên tả le Nouvel Observateur (Quan sát, bộ mới). Cả hai đều là nhà báo chuyên ngành điều tra, gọi là journalistes d’investigation, thận trọng, nghiêm túc.

Qua cuộc điều tra tỉ mỉ và tường tận không bỏ sót một nơi nào và khía cạnh nào dính tới con người và tác phong (nghĩa là cách thức làm việc và sanh hoạt hằng ngày) của nhơn vật, Nicolas Beau và Olivier Toscer trong hai năm trời đã thay phiên nhau lùng sục khắp cùng, từ tòa soạn báo chí qua các nhơn sĩ ít nhiều có liên hệ với đương sự tới trung tâm tình báo Mĩ, thâu thập mọi sự việc lớn nhỏ mà họ gọi là les grands et petits faits vrais.

Các chi tiết thật này chiếu rọi vào những ngõ ngách thầm kín mà đương sự cố tình bưng bít. Phơi ra ánh sáng các xảo thuật, mánh lới, gian dối và mọi thứ giả mạo khác mà đương sự hằng sử dụng, biến mình thành huyền thoại đương đại số một hiện hành. Huyền thoại do chính mình dựng lên : một nhà báo gan dạ, một nhà văn lớn, một triết gia tầm cỡ, một tinh thần nhơn bản đầy nghị lực. Có thể bảo không triết gia nào (kể cả Jean-Paul Sartre, mà đương sự thường ngụ ý sánh ngang với mình) (7), nhà giáo, nhà nghiên cứu hay giải Nobel văn chương hoặc khoa học nào được ưu đãi như ông, được (tự) đề cao (mình) bằng ông. Tâng ông lên hàng trí thức mẫu mực mà ai cũng phải noi theo, nhứt là giới trẻ - khiến cho chúng ta không khỏi nghĩ tới vài ba nhơn vật tương tợ trong nền văn học Việt nam của chúng ta hôm nay.( 8)

Vì nhờ đâu mà cho đến giờ BHL khôn thôi được (tự) đề cao (mình), mặc cả vài ba tiếng nói khác biệt hằng bị bóp nghẹt, hằng bị cả vú lấp miệng em, như vậy ? Nicolas Beau và Olivier Toscer cho rằng chính giới báo chí tự động phân cho đương sự vai trò đó, nhờ ở mạng lưới tiếp thị nửa văn chương nửa khuyến mại mà BHL đã thiết lập, bủa vây khắp nơi dành để tôn vinh mình . Nghĩa là đương sự luôn thời được báo giới hỗ trợ - toa rập, đồng lõa với ông.

Mười chương ngắn gọn trên 211 trang sách cô đọng vẽ nên một chơn dung không sơn phết, cho độc giả chúng ta nhìn thấy bề trái của một gương mặt bự phấn..

BỘ MẶT KHÔNG SƠN PHẾT

Vào khoảng đầu năm 2004, trong thời gian chuẩn bị công trình điều tra, hai tác giả đã tìm đủ mọi cách xin gặp đương sự, nhưng vô hiệu, lần nào cũng bị ông từ chối. Một cách gián tiếp chớ không trực diện, đơn thuần qua các phương tiện truyền thông đại chúng, bảo rằng ông không bao giờ tiếp loại nhà báo bất hảo như họ. Vậy mà liền sau đó một năm chính đương sự đã tự động bắt liên lạc lại với họ. Chẳng phải để cộng tác, mà là để dọa rằng ông sẽ không ngần ngại lôi họ ra tòa về tội phỉ báng – ông nói, thật lâu sau ngày phát hành để khỏi làm quảng cáo cho tập sách. Chẳng những vậy, mà còn “ không ngớt khuyên bảo chúng tôi (= tác giả) chớ nên bỏ / bõ công viết cuốn sách đó làm gì, chẳng bán chạy được đâu”. Tất nhiên là hai nhà báo không thể chùn bước trước những lời dọa nạt và khuyên lơn loại này.

Công trình điều tra của hai nhà báo, như vậy, ngay từ đầu đã bị đương sự cố tình cản trở, đoan chắc rằng họ sẽ không ngại vén rộng tấm màn hằng che khuất những điều u ám mà ông một mực giữ kín.

Và trên thực tế, biết bao sự kiện lớn nhỏ đã được hai tác giả bỏ nhiều công khó lần hồi thu thập trong thời giai hai năm trời ròng rã, nay được tiết lộ trên 211 trang sách, dầy đặc không sao kể xiết. Nhưng trong khối này, phải kể trước hết nguyên văn các bài báo bất lợi cho đương sự chưa từng đăng tải, đã bị gạt bỏ vì đụng chạm tới l’ami Bernard ...( anh bạn Bernard – cách gọi thân BHL) (9); đặc biệt một bài của nhà báo lão thành Jean-Francois Kahn, bị chính tờ Marianne (Nước Pháp) mà mình là bỉnh bút rường cột thẳng tay kiểm duyệt. Cũng như vụ ban chủ biên tuần san Elle (Nữ giới) đã phải cho thôi việc một nữ phóng viên có những lời lẽ trịch thượng đối với BHL (chê một cuốn sách của ông), dưới sức ép của chính thần tượng này. Đó là không nhắc tới những bài báo đã phải qua tay ông sửa chữa từng câu từng chữ sao cho đúng lập trường đặt định. Mới hay cánh tay của BHL nặng cân và dài tới mức nào !

Bởi thần tượng của chúng ta bao giờ cũng muốn được thiên hạ xem mình là một nhà trí thức sắc sảo, một triết gia siêu phàm, một tinh thần nhơn bản, nên ông chẳng hề ngại ngần ngăn chận mọi phát biểu nhắc tới các hoạt động khác không mấy sáng sủa của mình. Thí dụ như, vào thập niên 80, việc ông đắc lực quản lí và điều hành doanh nghiệp khai thác gỗ quí của cha mình ở châu Phi, một doanh nghiệp bị các tổ chức phi chánh phủ tố cáo là bốc lột nhơn công bản xứ đến tận xương tủy - để rồi sau đó kế thừa sản nghiệp kếch sù này. Hay, ba năm trước đây, thảm kịch Daniel Pearl, nội dung cuốn điều-tra-tiểu-thuyết Qui a tué Daniel Pearl (Ai đã giết Daniel Pearl ? – Nxb Grasset, 2003) của ông, trong đó BHL không ngừng quả quyết rằng mình đã đích thân vào tận sào huyệt các nhóm Hồi giáo cực đoan, trà trộn với họ ngay giữa các trường đào tạo giới lãnh đạo talibăng ở Pakixtăng, Afganixtăng - những nơi mà nhà tình báo Randell Bennett thuộc cơ quan CIA đặc trách thảm kịch này đã quyết đoán với hai nhà báo như sau : “Tôi không tin là B.- H. Lévy thật sự đã đích thân xâm nhập tới các sào huyệt đó. Vì một lẽ rất ư đơn giản là, nếu đúng như lời ông ta nói, thì ông ta có còn sống đâu để mà thuật lại như vậy”, trong khi bà quả phụ Marianne Pearl, phu nhơn kẻ bị sát hại, thì nhứt định không chịu nhắc tới “con người luôn luôn bị cái tôi tiêu hủy hết trọn trí lự của mình”...

TÓM GỌN

Mười chương và 211 trang tả thực tỉ mỉ và tường tận, với vô số dữ kiện (thống) kê trong tập sách, hai nhà báo Nicolas Beau và Olivier Toscer quả thật đã hạ bệ một icône (thần tượng), một thương hiệu mà họ cho là giả tạo. Để đương nhiên tóm gọn rằng “triết gia không hề được giảng dạy trong đại học, nhà báo cố ý lẫn lộn thật giả, nhà văn không có tác phẩm để đời này là một icône được tôn sùng trong thứ xã hội bị báo chí thao túng, thứ xã hội, tiếc thay, không ngừng trọng vọng lớp vỏ bọc ngoài chớ không biết ngó thấy thực chất” .

Gay gắt và nghiệt ngã. Chờ xem tác giả rồi có bị lôi ra tòa như đương sự đã dọa hay không.

(Paris, 4/04/2006)

***

CAO BAY XA CHẠY

Cuốn sách chỉ mới vừa phát hành sáng nay, thứ ba 25 tháng Tư 2006 này, vậy mà đã làm náo động không những giới quan sát và phê bình văn học mà còn cả giới pháp luật và ngoại giao. Một là vì tác giả là nhà văn nổi tiếng trong loại hình trinh thám. Hai là vì ông đang bị tróc nã khắp cùng trên thế giới. Ba là vì ông là đối tượng giằng co giữa hai chánh phủ Ý và Pháp từ hơn hai chục năm nay.

Tập trung lắm nguyên cớ như vậy thì làm sao tác phẩm thứ mười ba của Cesare Battisti, tựa đề Ma cavale (Trốn chạy – Nxb Grasset-Rivages) ra mắt trong lúc tác giả bị ráo riết truy lùng, lại không gây nên náo động cho được. Nhưng tác giả thật sự là ai, đã phạm tội gì, có tiền án trong trường hợp nào, để phải lẫn trốn chui nhủi đâu đó hiện nay ?

THỜI KÌ ĐEN TỐI

Có thể bảo, trong thời gian giữa thập niên 60 tới giữa thập niên 80 thế kỉ trước, xã hội nước Ý trải qua một thời kì cực cùng đen tối. Đó là những năm trời bạo động lan tràn chưa từng thấy ở các nước Tây Âu sau thế chiến thứ II. Chưa từng thấy về mặt thời gian, non hai thập niên ; về mặt cường độ trong các cuộc đương đầu giữa các lực lượng đối lập, bắt cóc, ám sát, khủng bố hằng bữa ; về mặt số người tham chiến, (cực) tả (cực) hữu lẫn lộn, trong các trận đụng độ này.

Trong một xã hội bị vật chất biến thể mau lẹ tựa hồ mất hết ý nghĩa, giới trẻ bỗng thấy mình không có tương lai, đột nhiên bùng lên nổi dậy. Bãi khoá, đình công, chiếm cứ học đường, xí nghiệp. Thế là đụng đầu với lực lượng cảnh sát bị nghi là đồng lõa với cánh cực hữu, bạo động bùng nổ liên hồi. Để đối phó, giới cực tả bèn ngả theo khuynh hướng đấu tranh võ trang. Chính trong bầu khí phấn đấu võ trang đó mà Cesare Battisti (bấy giờ còn trẻ, ông sanh năm 1954 ở Roma, thủ đô nước Ý) gia nhập phong trào mạc xít vô chánh phủ Pac (Vô sản võ trang cho chánh nghĩa cộng sản), do Pietro Mutti lãnh đạo. Phong trào này không ngại dùng mọi hình thức bạo động nhắm tới chơn trời xán lạn mình muốn thiết lập cho nước Ý. Bị bắt cuối năm 1979, Cesare Battisti lãnh án tù với tội danh : thành viên phong trào Pac, một trong những phong trào bất hợp pháp. Hai năm sau, trốn tù, giả dạng vượt biên qua Pháp rồi lưu vong sang México cho tới năm 1990 lại quay về Pháp chờ thời và viết truyện.

Trong lúc đó thì lãnh đạo phong trào là Pietro Mutti sa lưới năm 1982. Bàn tay còn vấy máu, nên bị buộc tội gây nhiều án mạng trong suốt thời kì đen tối. Pietro Mutti liền trở mặt hối cải, nghĩa là thành khẩn mặc cả với tòa án bằng cách tố cáo đồng chí của mình : càng quyết liệt càng được giảm tội. Chính anh ta đã lần lượt cáo buộc Cesare Battisti là kẻ chủ mưu trong năm mươi vụ đánh cướp và bốn vụ ám sát vào những năm 1978 và 1979 do phong trào Pac tổ chức. Không kể các nạn nhơn bị thương nặng trong các vụ đánh cướp, bốn người thiệt mạng trong các vụ ám sát mà Cesare Battisti, qua lời khai báo của Pietro Mutti, phải chịu trách nhiệm trực tiếp (tự tay mình bắn chết) hoặc gián tiếp (hỗ trợ đồng lõa) là : cai tù Santoro (lí do : tra tấn tù nhơn), chủ tiệm kim hoàn Torregiani (cảm tình với cánh cực hữu), anh hàng thịt Sabbadin (cán bộ đảng phát xít Msi) và viên cảnh sát Campagna (đánh đập nghi can bị quản thúc). Năm 1985, tòa đại hình đặc trách Roma căn cứ theo lời cáo buộc của lãnh đạo phong trào Pac, xử khiếm diện Cesare Battisti, bấy giờ đang biệt tích ở México : tù chung thân, còn Pietro Mutti thì được giảm án, chỉ lãnh có chín năm tù giam.

Trở lên trên là nội dung phần I, viết dưới dạng tự thuật, xưng tôi .

TẨU THOÁT

Ngày 22 tháng 02/1985, sau cuộc hội kiến với Thủ tướng Ý bấy giờ là Bettino Craxi, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand (1916-1996) long trọng tuyên bố trước công luận rằng nước Pháp sẽ không cho dẫn độ công dân Ý nào dính dáng tới thời kì đen tối, đã “ hòa nhập xã hội Pháp một cách toàn diện” và “cắt đứt hết hẳn mọi liên hệ với phong trào khủng bố” .

Dựa trên qui tắc này, Cesare Battisti quyết định quay về Pháp ngày 5 tháng 09/1990 dưới tên thật. Ở đây, ông hoà nhập xã hội bằng cách vừa giữ chức gác cổng kiếm cơm vừa viết văn (12 tác phẩm của ông được Nxb Gallimard ấn hành), rồi lấy vợ (Pháp), đẻ con (hai gái). Cho tới ngày 24 tháng 08/2004, ông bị công an gọi đến trình diện - quyết định trục xuất ông về Ý chịu án tù chung thân vừa được bộ Tư pháp thông qua, chỉ còn chờ ngày dẫn độ : thì ra bao nhiêu nước chảy qua cầu, hai chánh quyền Pháp và Ý thảy đều đổi chủ. Thế là đương sự không còn giải pháp nào khác ngoài giải pháp cao bay xa chạy để khỏi phải mọt gông trong tù cho tới ngày hắt hơi thở cuối cùng - ở Ý, án xử khiếm diện không được xét lại.

Vào giữa mùa hè 2004 oi bức, Cesare Battisti sống bên cạnh hình bóng của mình, bên cạnh Auguste. Giương mắt nhìn người anh em sanh đôi kia, thấy hắn bỗng dưng ba chưn bốn cẳng thục mạng thoát thân. Đâm ra nghĩ ngợi : sao lại như vậy, sao lại tẩu thoát ? “Thì cứ bám gót hắn, ắt biết” , Cesare nhủ thầm trong bụng rồi tất tả chạy theo.

Auguste đã vượt qua bao nhiêu biên giới để đặt chưn lên xứ sở nào sát cạnh “con đường buôn lậu nha phiến” ? Để lẻn vô khu phố bị quân đội Liên xô giày xéo độ nào đã “trở thành huyền thoại” ? Đã ngồi trong khoang thuyền nào lướt sóng trên mặt biển “đầy gió mùa” và “cá bống mú” ? Đã bước lên hòn đảo nào ẩn chứa ngôi đền thờ một vị thần hằng ngày được sùng bái, và một quán thịt dê, còn người dân thì nói tiếng Ả rập ? Và cuối cùng trụ lại lẫn trốn trên dải đất nào, vào buổi sáng nọ giở xem báo chí, thình lình ngó thấy hình ảnh mình in gần trọn trang nhứt ? Ở nơi chốn xa xôi nào vậy ?

Trốn chui trốn nhủi với bản án tù chung thân quả thật là khủng khiếp. Canh cánh trong lòng, phập phòng lo sợ, lúc nào cũng sợ, ở đâu cũng sợ, cái gì cũng sợ. Sợ bóng sợ gió, sợ mình lỡ lời, sợ mình lớn tiếng, sợ mình vô ý tiết lộ tình trạng bị truy lùng. Quạnh quẽ, lẻ loi. Câm miệng hến, không hề thổ lộ tâm tình cùng ai. Lúc nào cũng giả dối, chẳng dám hé môi nói thật nửa lời, trừ phi với lũ chó hoang cùng loại với mình. Lại nghe như có ai đó cứ “ rống lên tên mình trong điện thoại di động” . Đêm khuya ngửa mặt ngó mông lên trần, không ngớt thầm hỏi : “Sao kì vậy?” cô chiếc tuyệt vọng nghĩ tới vợ con, tới bạn bè thân thiết, tới tình xưa nghĩa cũ. Muốn cho rượu vào để quên hết mọi sự, nhưng nào có được, biết đâu mình lại bất cập lè nhè chuyện gì. Mình rồi sẽ tiếp tục phiêu bạt tới tận đâu, tới tận bao giờ ?

Trên đây là nội dung phần II, viết dưới dạng autofiction hay tự sự hư cấu, với phong cách trinh thám - sở trường của Cesare Battisti .

TRANH LUẬN HAY TRANH CÃI

Tập sách vừa phát hành sáng nay đã được tác giả hoàn thành trong bóng tối. Lọt ra ánh sáng, nó đang làm náo động, như đã nói ở đầu bài, cùng một lúc ba giới văn học, pháp luật và ngoại giao, gây nên tranh luận (hay tranh cãi ?) chung quanh trường hợp Cesare Battisti. Tác giả, tất nhiên, quả quyết rằng tay mình không hề dính máu : “Như đã nói, tôi chỉ phạm mỗi một tội là gia nhập một tổ chức võ trang. Chớ chẳng có bắn giết ai hết” và cho rằng mình bị kết án oan. Ông đuợc hai nhà văn danh tiếng binh vực : triết gia Bernard-Henri Lévy đề tựa và tác giả truyện trinh thám (cùng loại với truyện của Cesare Battisti) Fred Vargas đề bạt.

Sự thật thế nào, hãy đợi thời gian phân giải.

(Paris, 25/04/2006)

****

THƯ VIỆN Ở PARIS

Diện tích thành phố Paris tính có 105 km vuông, dân số nội thành (không gồm ngoại ô) đếm tới những 2.147.956 người cuối năm ngoái, về mặt hành chánh chia ra làm 20 quận. Để phuc vụ miễn phí cư dân trong quận, chỉ phải đóng niên liễm tượng trưng mỗi năm mà thôi, đủ loại báo chí (nhựt trình, tuần báo, nguyệt san và mọi thứ tạp san khác) đọc tại chỗ và nhiều loại sách (đa số thuộc mảng tiểu thuyết) mượn về nhà hay đọc tại chỗ, Paris hiện nay có cả thảy 57 bibliothèques municipales (thư viện quận) rải rác khắp địa bàn. Không kể trong số này các thư viện lớn, quốc gia như Bibliothèque nationale de France (Thư viện quốc gia Pháp) hay đại học như Bibliothèque Sainte-Geneviève (Thư viện Sainte–Geneviève), dành cho giới nghiên cứu và sanh viên chẳng hạn.

Mỗi quận như vậy điều hành và quản lí ba thư viện, trừ ba quận nhỏ ít người hơn chỉ có hai, cung cấp trực tiếp cho cư dân của mình đầy dủ phương tiện nâng cao trí thức và kiến thức tối thiểu cần thiết cho trình độ văn hoá chung.

TRUNG TÂM TÀNG TRỮ

Mỗi năm, các thư viện quận nói trên đều phải lọc bớt, vì thiếu chỗ, khoảng chừng 275.000 tư liệu gồm đa số là báo chí và tạp san đà mất tánh thời sự và sách cũ vắng người mượn, chuyển cho Trung tâm tàng trữ tư liệu của các thư viện Thành phố Paris, gọi là Réserve centrale des bibliothèques de la Ville de Paris.

Trung tâm chiếm trọn mặt bằng trước kia là trụ sở một đại lí bán xe hơi tọa lạc ở quận XI. Diện tích rộng lớn này cho phép Trung tâm, kể từ giữa thập niên 80, lần lượt tồn trữ 175.000 tác phẩm đủ loại gạn lọc trong số sách các thư viện quận chuyển tới hằng năm, ghi trong danh mục rồi sắp xếp trên giá chồng chất lên nhau dài tới 5 km. Theo lời bà Maria Courtade, giám đốc Trung tâm, thì đây là bộ lưu trữ có nhiều tư liệu hơn ở đâu hết trong nội thành, dầu mỗi năm chỉ giữ lại không quá 15.000 cuốn. Bà giải thích :

“Chúng tôi chỉ giữ lại sách nào xét thấy còn có độc giả trong vài năm tới, năm năm hoặc mười năm nữa chẳng hạn. Chớ không thể tồn trữ hết được.”

Mười bốn nhơn viên đặc trách công việc thẩm định này. Không định kiến, không thiên vị. Sách nào cũng có thể được chấm khi thấy nó hạp tiêu chuẩn nói trên. Có thể ví Trung tâm với hang động Ali Baba trong chuyện đời xưa A Ựrập Một ngàn lẻ một đêm : ở đây muốn tìm gì cũng có. Từ thứ tiểu thuyết diễm tình đẫm lệ đã tuyệt bản chẳng ma nào chịu in lại, qua chính tập truyện cổ vừa nhắc, tới sách dạy nấu ăn hoặc nuôi con và nhiều thứ khác nữa, tâm lí, lịch sử, du kí... chẳng hạn.

Là bởi nhu cầu của độc giả vốn thuộc mọi thành phần xã hội trình độ học thức chênh lệch nên hết sức đa dạng, không những về chất lượng mà còn cả về mặt hình thức và nội dung, cần được các thư viện quận thỏa mãn trực tiếp hay gián tiếp. Nói cách khác, Trung tâm đã trở thành bàn tay nối dài của các thư viện này. Bà Maria Courtade bày tỏ :

“Chúng tôi tồn trữ như vậy hầu có thể cung cấp ngay cho các thư viện quận, những khi độc giả đòi mượn một cuốn sách cũ, hiếm hay không còn hợp thời nữa. Hậu thuẫn các thư viện này, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ mà thành phố Paris giao phó cho họ.”

DANH MỤC

Như đã trình bày, sách báo chuyển tới Trung tâm, sau khi đà vượt qua khỏi mạng lưới tuyển chọn, đều được ghi vào danh mục có thể tham khảo tại chỗ. Nhứt là trên mạng Internet, bạn chỉ cần mở máy vi tính bấm đúng nút là biết ngay sách mình đang kiếm có trong danh mục hay không.(*)

Một khi thấy sách mình muốn mượn có tên trong danh mục, bạn chỉ còn mỗi một việc là thẳng tiến ngay tới thư viện quận (chớ không cần lôi gót tới tận Trung tâm) kí giấy mượn sách. Rồi nhẫn nại chờ, từ hai tới sáu ngày, thời gian cho phép Trung tâm lục tìm và trao cuốn sách cho một trong năm chiếc xe bibliobus (xe buýt chở sách) hằng ngày làm công việc này ghé qua thư viện giao hàng gởi tới tay bạn. Bà Maria Courtade tóm tắt thao tác đó như sau :

“Độc giả khỏi cần phải đi tới tận đâu đâu để lấy sách nữa. Mà ngược lại, chính cuốn sách tự mình gởi tới tận tay người độc giả.”

Nói chung, độc giả đến mượn sách ở các thư viện quận qua Trung tâm phần đông không những tìm sách cũ và hiếm, mà thường còn tỏ ra rất ư bén nhạy, phản ứng ngay liền trước thời sự nóng bỏng xảy ra trong nước hay ngoài nước. Bằng chứng là, cứ theo lời bà Maria Courtade, thí dụ như năm ngoái khi giới thanh thiếu niên thế hệ thứ hai thứ ba các gia đình nhập cư ở ngoại thành Paris nổi dậy đập phá, đốt xe, đòi quyền được tôn trọng và trợ cấp :

“Suốt tháng mười một năm ngoái trong thời gian khủng hoảng ở ngoại ô, chúng tôi đã kịp thời cung ứng hàng tá sách xã hội học và phương thức qui hoạch chung cư ở ngoại thành. Còn ngay lúc này đây, thì lại có rất nhiều độc giả quan tâm tới loại sách nghiên cứu chánh sách thuộc địa và phong trào giải phóng các nước thuộc địa, vì hiện nay đang sôi nổi diễn ra tranh cãi về đề tài này giữa hai chánh phủ Pháp và Barr al-Djaza’ir.” (**)

Dầu vậy, ngoài những đòi hỏi đặc biệt như trong các trường hợp vừa nhắc tới trên, Trung tâm vẫn cứ phải vận hành một cách bình thường, thực hành nhiệm vụ giao phó cho mình. Nghĩa là lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng trung bình mỗi ngày 280 yêu cầu đa dạng đến từ các thư viện quận, thí dụ như hôm nay có người mượn cuốn L’art de la guerre (Binh pháp) của Sun Tse (Tôn Tử), còn người kia thì là cuốn Cent ans de solitude (Trăm năm cô đơn – nguyên tác : Cien anõs de soledad) của Gabriel García Marquez.

Nội dung và hình thức quả thật đa dạng.

(Paris, 23/04/2006)

TRẦN THIỆN ĐẠO

Chú thích:

(1) Xem Trần Thiện-Đạo, Sigmund Freud – thiên tài hay bịp bợm ? (E-Văn, ngày 12/11/2005 và 19/11/2005).

(2) Từ nouveau(x) ở đây hàm nghĩa cách tân, đổi mới mà chúng ta thường chỉ định bằng chữ trẻ như trong các cụm từ “ nhà thơ trẻ” và “nhà thơ nữ trẻ Sài gòn”

(3) Sanh viên chỉ được nhà trường chọn qua một cuộc thi tuyển gắt gao. Khác hẳn trường hợp một số sanh viên ngoại quốc, như Việt nam chẳng hạn, được phép vô học ở đây không qua thi tuyển, mà do sứ quán Pháp cấp chỗ dành cho họ qua phỏng vấn - khiến nhiều người cuối cùng phải bỏ dở, không đủ trình độ theo dõi học kì.

(4) Thạc sĩ văn phạm : agrégé de grammaire. Bằng agrégation (thạc sĩ) là học vị sư phạm cấp cho người được công nhận có trình độ giảng dạy ở bực trung học và đại học ; chớ lầm với cấp bằng cũng gọi là thạc sĩ của chúng ta hiện nay, xen kẽ giữa cử nhơn và tiến sĩ. Xem mục Phạm Duy Khiêm, nhà văn của miền thanh lãng, trong Thụy Khuê, Sóng Từ Trường III (Nxb Văn Mới, 2005), tr.11-35.

(5) Xem Nhiều tác giả, Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo (Nxb Đại học Quốc gia Hà nội, 2006).

(6) Xem mục Từ tự sự hư cấu tới điều tra tiểu thuyết, trong Trần Thiện-Đạo, Văn nghệ - Những nụ cười giòn (Nxb Hội Nhà văn, 2004), tr. 171-178.

(7) BHL là tác giả khảo luận Le siècle de Sartre (Thế kỉ Jean-Paul Sartre – Nxb Grasset, 2000) ; xem thêm Phần I, trong Trần Thiện-Đạo, Từ chủ nghĩa hiện sinh hành động tới thuyết cấu trúc (Nxb Văn học, 2001). Bernard-Henri Lévy cũng là tác giả phóng sự điều tra American Vertigo (Hành trình trên đất Mĩ – Nxb Grasset) vừa phát hành đầu tháng này, đang được giới thiệu rùm beng như thường lệ mọi khi sách ông xuất bản. Trước đó, cuốn sách cũng đã được tiếp thị và quảng cáo một cách không kém phần ào ạt ở Mĩ.

(8) Xem Hoàng Ngọc-Tuấn, Sáng chế tài liệu giả : một hiện tượng phản trí thức trong văn học Việt Nam đương đại (Hợp lưu, số 53, tháng 6 & 7 / 2000) ; bài phỏng vấn Văn chương mười năm trên giá sách do Lê Hồng Lâm và Bình Nguyên Trang thực hiện (Sinh viên Việt Nam, ngày 5-11-2003) ; gần đây, có người tự tôn mình là Ngôi sao sáng Hà nội (nguyên tác tiếng Pháp là Vedette de Hanoi), trong một dĩa DVD..

(9) Tình trạng này cũng thường xảy ra ở bên ta. Kẻ kí tên dưới đây cũng đã mấy lần bị gạt bỏ như vậy, vì đụng chạm tới vài thần tượng giả hiệu trong địa hạt dịch thuật và phê bình.

(*) Ban đọc nào tò mò muốn thử nghiệm, thì đây là địa chỉ trên mạng : www.paris.fr, rồi lần lượt bấm nút các mục Culture (Văn hoá), Bibliothèques (Thư viện) và Catalogue des bibliothèques municipales de prêt (Danh mục các thư viện quận cho mượn sách).

(**) Pháp gọi là Algérie.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12816)
(Xem: 14246)
(Xem: 15585)
(Xem: 15050)
(Xem: 15065)
(Xem: 15787)
(Xem: 14480)
(Xem: 14240)
(Xem: 14237)
(Xem: 15181)