- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Nam Trân: Văn Học Đại Chúng Nhật Bản Hiện Đại: Tiểu Thuyết Trinh Thám Và Khoa Học Giả Tưởng

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 8529)
nguyennamtranDẫn Nhập:

Trong lịch sử văn học Nhật Bản có những giai đoạn “hạ khắc thượng” (gekokujô) tức là “dưới lấn trên” khi văn chương bình dân ảnh hưởng ngược lên văn chương cung đình. Người viết e rằng khuynh hướng chung của thế giới là đang đi vào một thời buổi ấy khi văn học đại chúng, vốn bị coi là văn chương thấp kém, không có giá trị cho lắm lại nắm vai trò chủ đạo.Những quyển sách được đọc nhiều và nhớ nhiều hơn cả không phải là tác phẩm của các vị lãnh giải Nobel. Nó là Harry Potter hay Lords of the Ring những tên sách còn dễ nhớ hơn tên tác giả. Mà văn chương viết ra làm gì nếu không phải là để được đọc nên ta không thể coi thường sức mạnh của văn học đại chúng. Hơn nữa, mục đích tiêu khiển của văn chương đại chúng cũng là một điểm son vì nó đem lại cho ta những giây phút thư giản trong một cuộc sống quá căng thẳng (mai kia sẽ có văn học manga, không chừng đã có rồi cũng nên). Chúng ta thấy rằng văn chương đại chúng còn có thể giải đáp được những vấn đề của thời đại mà không hề tự trao cho mình một sứ mệnh hay nhiệm vụ gì cả. Nhiều tác giả thuộc dòng văn chương thuần túy cũng đã có lần rời bỏ vị trí trên trước của mình để cúi xuống viết văn chương đại chúng.

Ở Việt Nam, trước đây, văn học đại chúng có một số tác giả tiêu biểu như Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương, Nguyễn Triệu Luật, Lan Khai, Phú Đức, Hoài Điệp Thứ Lang, Tùng Long, Ngọc Linh, Trọng Nguyên, Dương Hà, Văn Quang, An Khê, Lê Xuyên v.v... nhưng họ chỉ khai thác loại tiểu thuyết lịch sử, gián điệp, mạo hiểm đường rừng, chiến tranh, đồng quê và tình cảm xã hội. Truyện trinh thám hãy còn có Thế Lữ, Phạm Cao Củng, Lê Minh, Hoàng Thái Sơn nhưng giả tưởng thì e rằng không ngoài một vài tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn. Sau 1975 thì có những truyện gián điệp kiểu X 30 Phá Lưới nhưng không nhiều, ít nhất không nổi tiếng bằng. (Người viết đã rời Việt Nam trên 40 năm nên ấn tượng giữ lại chỉ có thế). Chưa kể việc những nhà văn nói trên có chịu cho ta đặt tên của họ bên cạnh nhau và cho phép ta gọi họ là tiểu thuyết gia đại chúng hay không nữa. Nói chung, tiểu thuyết đại chúng của Việt Nam ta còn nghèo nàn và vẫn là đối tượng của kiềm chế hoặc khinh thị. Có thể người Việt Nam quá trang nghiêm, đạo mạo hay đòi hỏi quá nhiều ở văn chương? Vả lại, biên giới giữa văn học thuần túy và văn học đại chúng có thực sự không thể xóa bỏ được hay không?

Để góp phần suy gẫm về hướng đi của văn học Việt Nam trong tương lai (xin lỗi cái tội ăn to nói lớn) , xin được đóng góp bài viết nhỏ này. Nó là bộ phận của một chương sách biên khảo về văn học Nhật Bản hiện đại trong đó ngoài tiểu thuyết trinh thám và giả tưởng, người viết còn đề cập đến tiểu thuyết kiếm hiệp lẫn tiểu thuyết tình cảm xã hội.

TIẾT I: TIỂU THUYẾT TRINH THÁM VÀ SUY LUẬN

A) Tiểu thuyết hình án dưới thời Edo

Thể loại tiểu thuyết hình án xuất hiện hơi trễ ở Nhật so với các nước khác.Những truyện đầu tiên được biết đến như “Truyện xử án dưới bóng anh đào”(Ôin Hiji, Anh Âm Tỉ Sự, 1689) của Ihara Saikaku (1642-1693) vay mượn nhiều từ Đường Âm Tỉ Sự, tác phẩm Trung Quốc thế kỷ 13. Các truyện về lường đảo, lừa bịp xuất hiện sau năm 1700 cũng có nguồn gốc tương tự. Sự thành công của Ôin Hiji đã làm thiên hạ mô phỏng để viết các tác phẩm như thế và các quan án được sự ngưỡng mộ của quần chúng. Ôoka Echizen no Kami , một thứ Bao Công Nhật Bản đã trở thành nhân vật tiểu thuyết như một quan án lý tưởng vừa công minh vừa dào dạt tình người. Thế rồi từ đó đẻ ra loại truyện thêu dệt chung quanh những cuộc xử án của ông như “Truyện Xử Án của Ôoka Echizen” (Ôoka Seidan, Đại Cương Chính Đàm). Về phía kẻ gian thì chúng đã xuất hiện đầy dẫy trong kôdan tức truyện kể dạo và bản tuồng kabuki qua thể loại shiranami mono hay “truyện hảo hán trên sông nước”.

Qua đến thế kỷ 19 thì truyện hình án đã tự tạo cho mình một chỗ đứng riêng biệt hẳn hoi.

B) Tiểu thuyết và phóng tác dưới thời Meiji về tội phạm

Trong những năm đầu đời Meiji đã thấy xuất hiện loại, truyện nói về những người đàn bà độc ác như “Truyện con mụ Oden ác độc” (Dokufu Oden no Hanashi, 1879) của Kanagaki Robun (1829-94) phỏng theo akubamono (lọai truyện đàn bà ác độc) của tuồng kabuki. Oden tức là Takahashi Oden (1850-1879), nhân vật có thực, một kẻ sát nhân bị án tử hình trong mục tin vặt “từ thành đến tỉnh” thời đó. Loại truyện nầy lại được chính quyền khuyến khích vì nó có tính cách răn đe kẻ ác (khuyến thiện trừng ác). Tuy nhiên, đối với độc giả, nó chỉ giúp họ thoả mãn tính tò mò và tìm được một cảm giác mạnh.

Truyện của Jules Verne, Victor Hugo và Edgar Allan Poe nhập vào Nhật từ thập niên 1890 cũng đã được đem ra phóng tác. Cái khác của loại truyện nầy là ngoài sự mô tả tình tiết của phạm nhân hay kẻ sống ngoài vòng pháp luật, nó đã trình bày quá trình suy luận để vén màn bí mật của câu chuyện.

Kuroiwa Ruiko (Hắc Nham, Lệ Hương, 1862-1920)

Ngoài thầy rakugo (kể truỵện tếu) Sanyuutei Enchô (Tam Du Đình, Viên Triều) đã cho in tập truyện của mình mang tên “Cô Matsu, người đẹp trung trinh bị chôn sống”(Matsu no Misao Bijin no Ikiume, 1886), còn có Kuroiwa Ruiko kể “Người đẹp trước pháp đình” (Hôtei no Bijin, 1888), một truyện rất ăn khách có giết người, dấu xác chết, tự thú, hàm oan và giải oan. Cái đặc biệt của Ruiko là ông vừa dịch vừa phóng tác nhưng không ngừng ở đó. “Kinh Khủng” (Muzan,1889) nói về hai phương pháp điều tra kiểu cũ và kiểu mới của hai nhân viên cảnh sát, có lẽ là tiểu thuyết trinh thám lần đầu tiên do người Nhật sáng tác, đã biết dùng phương pháp khoa học suy diễn để truy lùng manh mối tội phạm.

Trong 20 năm ròng, Ruikô để lại một sự nghiệp rất lớn trong việc truyền bá truyện trinh thám ở Nhật. Cứ mỗi lần ông viết cho tờ báo nào là tờ đó tăng độc giả. Năm 1892, ông lập ra tờ báo riêng: Yorozu Chôhô (Vạn Triêu Báo) cho đăng “Vua Trong Hang Đá” (Gannkutsu-ô) phóng tác Le Comte de Monte Christo của Alexandre Dumas hay “Ôi chao, vô tình!” (Aa Mujô) phỏng theo Les Misérables của Victor Hugo. Qua tiểu thuyết trinh thám, ông đã thực hiện một lần ba mục đích: trình bày tổ chức tư pháp Tây Phương, đổi mới cách viết văn cổ lỗ của người Nhật và thu hút một số độc giả trẻ mới vừa biết đọc cho tờ báo của ông.

C) Tiểu thuyết trinh thám kiểu Âu Tây thời Meiji

Ruiko không phải là người duy nhất đã nhập cảng tiểu thuyết trinh thám Âu Tây. Tsubo-uchi Shôyô (1859-1935) , nhà lý luận và nhà tiểu thuyết thời Duy Tân, đã dịch (dưới bút hiệu Harunoya Oboro) hai truyện của Edgar Allan Poe: “Con Mèo” và “Hai vụ án mạng Đường Nhà Xác”. Nhóm “Bạn Bút Nghiên” (Kenyuusha, Nghiễn Hữu Xã) ban đầu nhân danh đạo đức xã hội lên án tiểu thuyết lịch sử (dã sử) và trinh thám nhưng rốt cuộc cũng đành chạy theo thời thượng và cho ra đời một số tập dịch truyện trinh thám, bộ sách mang tên“Tiểu thuyết đại chúng” (Tantei Shôsetsu) trong khoảng năm 1893-94. Nhật báo Miyako, nhân bị tờ Yorozu Chôhô của Ruiko tranh mất khách đến hầu như phá sản đã đưa ra vũ khí mới là loại tantei jitsuwa nghĩa điều tra (trinh thám) chung quanh truyện có thật (thực thoại).

Năm 1899, một người bạn của Ruiko đã đem từ Anh về những truyện đầu tiên của Arthur Conan Doyle (1859-1930) và từ đó tiểu thuyết của Doyle với thám tử quen thuộc Sherlock Holmes được dịch thoát và dăng trên mặt báo Nhật cũng như truyện của Maurice Leblanc (1964-1941). Khoảng năm 1909 thì ông vua ăn trộm Arsène Lupin, đứa con tinh thần của Leblanc, đã xuất hiện ở Nhật dưới cái tên bản xứ Arita Ryuuzô.

D) Tiểu thuyết trinh thám thời Taishô và Shôwa tiền kỳ

Ba nhà văn thuộc dòng văn học “thuần túy” đã đóng góp vào sự phát triển của loại tiểu thuyết trinh thám do chính người Nhật Bản viết. Đó là Tanizaki Jun-ichirô (1886-1965), Akutagawa Ryuunosuke (1892-1927) và Satô Haruo (1892-1964).

Tanizaki đã cho ra mắt “Bí mật” (Himitsu, 1911), “Kẻ có tiền án” (Zenkamono, 1918), “Quỉ sứ giữa ban ngày”(Hakuchuuki no hanashi, 1918), có nhiều tình tiết hợp với tiểu thuyết gọi là trinh thám. Akutagawa chịu ảnh hưởng của E.A.Poe khi viết“Cuộc tái ngộ kỳ quái” (Kikaina Saikai,1921). Satô viết “Dấu Tay” (Shimon, 1918), “Lời cung khai” (Chinjutsu,1929) và còn viết cả lý luận về tiểu thuyết trinh thám.

1) Okamoto Kidô (Cương Bản, Kỷ Đường, 1872-1939)

Một hình thức đặc thù Nhật Bản là thể loại torimonochô hay “hồ sơ điều tra bắt quân gian”, của các okappiki, tên gọi cảnh sát công an dưới thời Edo(1603-1867), trong đó các yếu tố dã sử và trinh thám hòa lẫn vào nhau. Nhà văn nổi tiếng trong lãnh vực nầy là Okamoto Kidô khi ông cho đăng trên báo Bungei Kurabu “Câu lạc bộ Văn Nghệ” “Hồn vía nàng Ofumi” (Ofumi no Tamashi) với tựa đề phụ hay “Truyện trinh thám lừng danh ở Edo” (Edo tantei meiwa). Tài liệu gốc ông dùng là hồ sơ được lưu trữ trong nha sở hành chánh của cảnh sát thời đó, cho biết các okappiki đã điều tra thế nào để bắt được tên ác tăng, thủ phạm đã nhát ma để một người đàn bà yếu bóng vía phải bỏ chồng theo mình.

Qua lại torimonochô, ta có thể biết về tình tiết cuộc sống hằng ngày vốn được tô vẻ rất tỉ mỉ và đầy tình người (ninjô) của lớp bình dân thời Edo và đó là cái duyên của loại tiểu thuyết nầy. Vì các okappiki được tả ra trong truyện như những người cầm quyền nhân đạo, hiểu biết, cho nên nhà đương cục tỏ ra có thiện cảm với nó, chưa một lần gây khó dễ hay cấm đoán như đã làm đối với những tác phẩm điều tra trinh thám khác.

Về Okamoto Kidô, người ta còn biết ông là một nhà văn đa tài. Ông đã viết “Truyện xãy ra ở chùa Shuuzenji” (Shuzenji Monogatari,1911), một vở tuồng cho sân khấu kabuki, cũng như Toribeyama shinjuu “Tự sát chung vì tình ở núi Toribe”(1915) trong truyền thống tuồng với chủ đề “shinjuu” (chết chung vì tình) của Chikamatsu Monzaemon.

Tạp chí Shinseinen

Thời nầy cũng được đánh dấu với sự xuất hiện của tờ “Tân Thanh Niên” (Shinseinen, 1920) do Morishita Uson (1890-196) điều khiển, và như cái tên của nó, nhắm giới độc giả trẻ. Báo không những vẫn đăng loại torimonochô mà còn gom vào đó các tác phẩm của Arthur Conan Doyle, Maurice Leblanc và Gaston Leroux. Nó còn giới thiệu một tên tuổi ngoại quốc mới là Agatha Christie, thêm hai nhà văn Nhật đầy hứa hẹn là Yokomizo Seishi và Edogawa Rampo, chưa kể nhà khoa học Kozakai Fuboku (Tiểu Tửu Tỉnh, Bất Mộc, 1890-1929) với những tiểu luận nghiên cứu về độc dược học và phạm tội học. Sự thành công của Shinseinen đã gây được một phong trào, thôi thúc sự xuất hiện của các tạp chí trinh thám khác.

2) Edogawa Ranpo (Giang Hộ Xuyên, Loạn Bộ, 1894-1965)

Morishita Uson đã khám phá ra tài năng của Edogawa Ranpo (diễn âm Nhật của chữ Edgar Allan Poe) nhân khi đăng truyện ngắn “Hai đồng xu” (Nisen dôka) trên tờ Shinseinen năm 1923. Những chi tiết như dấu xì-gà mà tên trộm để lại phạm trường đã làm hắn ta bị bắt hay nhờ giải mã ký hiệu bí mật trên đồng xu mà người ta đã tìm ra chỗ hắn cất tiền là những “thủ pháp” mà người viết vay mượn ở truyện trinh thám ngoại quốc. Tuy nhiên Ranpo đã sử dụng hình thức kôdan thuần túy Nhật Bản để kể truyện làm cho nó có được một phong vị lãng mạn, tinh tế Nhật Bản chứ không nặng nề quá về suy lý như trong các tác phẩm Âu Mỹ.

Sau đó, Ranpo đã lần lượt cho ra mắt “Án mạng trên con dốc D” (Dii Zaka no Satsujin Jiken, 1925) với thám tử Akechi Kôjirô, nhân vật ông tạo ra và sau nầy sẽ lập được nhiều thành tích như một Hercule Poirot, một Sherlock Holmes hay một Columbo ở phương Tây. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là Chẩn đoán tâm lý” (Shinri Shiken, 1925), “Căn buồng đỏ” (Akai Heya, 1925) hay “Địa ngục trong tấm kính”(Kagami Jigoku, 1926). Đặc điểm của chúng là có một bầu không khí ma quái và bất thường bao trùm câu chuyện, điều đã từng thấy trong tác phẩm của Tanizaki Jun-ichirô hay Satô Haruo.Văn chương của Ranpo đã mở đường cho một dòng văn học trinh thám thiên về tính thần kỳ, huyền ảo mà trong đó cái rùng rợn, cái siêu nhiên, cái gợi tình, cái biến chất che lấp cái hợp lý của điều tra trinh thám thấy nơi các tác giả Âu Mỹ sống cùng thời như Agatha Christie (1890-1976) hay F. W. Crofts (1879-1957).. Điều nầy còn có thể giải thích bởi việc nhà văn vì choáng ngợp trước sự đòi hỏi về lượng của đại chúng, không thể nghiền ngẫm những “thắt gút tháo gút ” chặt chẽ, vốn làm mất nhiều công phu và thời giờ.

Tài nghệ của Ranpo bắt nguồn từ sự thông kim bác cổ của ông. Ông đã đem kiến thức của một nhà văn thuộc dòng văn học thuần túy đến cho văn học đại chúng. Tuy vẫn những tác phẩm có giá trị văn chương cao, tinh tế như “Con thú trong bóng tối” (Inshuu, 1928), “Sâu khoai” (Imomushi, 1929) viết cho người lớn nhưng ông cũng có tiểu thuyết đăng dài hạn trên báo như “ Quái nhân với hai mươi khuôn mặt” (Kaijin Nijuu Mensô, 1936) phục vụ độc giả thiếu nhi, làm cho nhân vật (nhà trinh thám) Akechi Kogorô trở thành bất tử. Sau chiến tranh, ông còn là người trách nhiệm của tạp chí trinh thám Hôseki (Bảo Thạch) và hoạt động hội đoàn năng nỗ trên văn đàn.

3) Các tác giả tiền chiến khác

Vào thời Shôwa, nhiều tác giả trẻ đã theo dấu Edogawa Ranpo. Có thể giữ lại một số tên tuổi như Kunieda Shirô (chuyên về dã sử), Hayashi Fubô tức Maki Itsuma (đa dạng), Kataoka Teppei và Hirabayashi Hatsunosuke (Bình Lâm, Sơ Chi Phụ, 1892-1931) (cả hai đến từ phong trào văn học vô sản). Về tiểu thuyết đăng dài hạn trên báo thì đã có Kôga Saburô (Giáp Hạ, Tam Lang, 1893-1945), Ôshita Udaru (Đại Hạ, Vũ Đà Nhi, 1896-1966) và Hamao Shirô (Tân Vỹ, Tứ Lang, 1896-1935) đại diện cho thập niên 1930. Yumeno Kyuusaku (Mộng Dã , Cữu Tác, 1889-1936), Unno Juuzô (Hải Dã, Thập Tam, 1897-1949) và Inagaki Taruho (Đạo Đàn, Túc Tuệ, 1900-1977) là những tên tuổi khác, trong đó Unno có lẽ là một trong nhưng người đi tiên phong khai triển chủ đề khoa học dã tưởng (SF hay science fiction) cũng như phiêu lưu kiểu Jules Verne và rốt cục là tiểu thuyết gián điệp.

Khoảng năm 1930-45 còn có ba tác gia với tầm quan trọng đáng kể: Oguri Mushitarô (Tiểu Lật, Trùng Thái Lang, 1901-46), Kigi Takatarô (Mộc Mộc, Cao Thái Lang, 1897-1965) và Hisao Juuran (Cữu Sinh, Thập Lan, 1902-57). Oguri có “Phạm tội toàn hảo” (Kanzen Hanzai, 1933) và “Án mạng trong căn nhà tử thần hắc ám” (Kokushikan satsujin jiken, 1934). Tác phẩm thứ hai điển hình cho loại truyện nói về phạm tội xãy ra trong một khoảng không gian bưng bít (huis clos) không ai lọt vào.

Thời thế chiến thứ hai, tiểu thuyết trinh thám bị kiểm duyệt khắt khe, nhất là khi những nguồn sáng tác là các tác phẩm Âu Mỹ, tức là phe “địch”. Như đã nói, chỉ có loại torimonochô với tư liệu bản xứ là được dung thứ. Nhân vật hoạt động mạnh trong thời điểm nầy là và với thể loại nầy là Yokomizu Seishi, tác gia đồng thời với Edogawa Rampo.

E) Tiểu thuyết trinh thám hậu chiến

Truyện trinh thám bỏ túi đầy trong các ba-lô lính Mỹ đã ngập tràn các hiệu sách cũ trên đường phố năm 1945 mở ra thời hưng thịnh cho tiểu thuyết trinh thám cùng lúc với chính sách văn hóa của lực lượng chiếm đóng bãi bỏ ngay lệnh cấm loại tiểu thuyết nầy. Từ 1946, người ta không dùng chữ tiểu thuyết trinh thám (tantei shôsetsu) mà dùng chữ tiểu thuyết suy luận (suiri shôsetsu), theo đề nghị của Kigi Takatarô. Thế rồi từ đó những thuật ngữ gốc Anh-Mỹ đã thi nhau ra đời để phân loại chúng thành bí mật, xúcđộng hay hồi hộp : misuterii (mystery), surirâ (thriller), sasupensu (suspens) v.v...

1) Yokomizo Seishi (Hoành Câu, Chính Sử, 1902-81)

Trong khi Rampo lo việc tổ chức, điều khiển nguyệt san Hôseki (ra đời năm 1946) và nghiên cứu lý luận thì Yokomizo Seishi, bạn ông bắt đầu viết tiểu thuyết trường thiên. Nếu chỉ kể đến những tác phẩm nổi tiếng nhất thì ta đã có “Án mạng trong lữ quán”(Honjin Satsujin Jiken,1946) nơi thám tử Kinda-ichi Kôsuke có dịp trổ tài, “Thôn tám ngôi mộ” (Yatsuhaka Mura, 1949-50), “ Họ hàng Thần Chó””(Inugami-ke no ichizoku, 1950-51) “Khúc hát tung cầu của ma quái” (Akuma no Temariuta, 1957-59). Bối cảnh truyện của Yokomizo bao giờ cũng là một không gian bưng bít ví dụ một hòn đảo xa, chòm xóm, nội bộ một gia đình.

Ngoài Yokomizu, còn có Yamada Fuutarô và nhất là Takagi Akimitsu (Cao Mộc, Lẫm Lang, sinh năm 1920) với “Án mạng xâm chàm” (Irezumi satsujin jiken,1948), “Án mạng mặt nạ tuồng Nô” (Nômen Satsujin Jiken,1949). Takagi sở trường về mổ xẽ những hồ sơ lịch sử. Loại nầy có tên là rekishi suiri “suy luận lịch sử”, được đặt bên cạnh các loại “suy luận xã hội”, “suy luận kinh tế”, “suy luận pháp đình”.

Trong những năm 1950, có hiện tượng nhập cảng loại tiểu thuyết đen (romans noirs) còn gọi là lọai gây xúc động (thrillers) của R. Chandler (1888-1959), D. Hammmett (1894-1961) và M. Spillane (sinh năm 1948) thường là miêu tả hành động tàn bạo, đam mê tốc độ và dục tình trong khung cảnh thành phố hay trên đường nhựa. Người viết theo khuynh hướng hard-boiled “dân lì lợm” nầy là Ôyabu Haruhiko (sinh năm 1935) với “Con thú hoang phải chết” (Yajuu shisubeshi) mô tả tập tục khát máu của giới giang hồ tội ác Yakuza, theo phong cách Mafia của Mỹ với mắm muối địa phương Nhật Bản.

Song song với khuynh hướng nói trên, loại torimonochô phục hồi trở lại từ năm 1946. Các tác giả tiếng tăm sau chiến tranh của thể loại nầy có Nomura Kodô (Dã Thôn, Hồ Đường, 1882-1963) cha đẻ của nhà điều tra Zenigata Heiji (Tiền Hình, Bình Thứ) và Ikenami Shôtarô (Trì Ba, Chính Thái Lang, sinh năm 1925), người tạo ra nhà điều tra Ônihei. . Trong tác phẩm của họ, các okappiki không còn độc quyền tra vấn và đại diện pháp luật như trước. Đôi lúc, okappiki được trình bày như công chức thối nát hay lạm quyền. Những nhà điều tra có thể xuất thân daimyô hay samurai rỗi việc, dùng việc suy luận để tiêu khiển. Nhưng chính nhờ sự đổi mới nầy mà loại torimonochô mới có đất sống vì không còn đóng khung trong những mẩu cố định.

2) Matsumoto Seichô (Tùng Bản, Thanh Trương, 1909-1992)

Trong lúc tiểu thuyết suy luận xuống dốc sau tám năm hậu chiến hưng thịnh, cùng với Hino Ashihei và Nitta Jirô, nhà văn Matsumoto Seichô đã xuất hiện để cứu nguy.

Ông tên là Matsumoto Masaharu, người tỉnh Fukuoka, miền nam nước Nhật. Ông thường khai thác chủ đề về lòng oán hận của những nhân vật không gặp thời và những động cơ bắt nguồn từ quá khứ.Năm 1952, ông đoạt giải Akutagawa với tác phẩm“Về một phiên bản của Nhật Ký Kokura” (Aru Kokura nikkiden). Chỉ đến 1955, ông mới viết tiểu thuyết suy luận nhưng trong thập niên 1960 đã đạt được danh vọng với “Điểm và đường” (Ten to sen, 1957-58), “Bức tường chắn mắt” (Me no kabe, 1957), “Đích nhắm số không” (Zero no shôten, 1958-90).

Trong “Điểm và đường”, hai nhân vật chính là cô hầu bàn và anh công chức, những người không có gì đặc biệt, hình ảnh của độc giả bình thường. Ông muốn mượn câu chuyện để phê phán một xã hội mà cá nhân bị khép kín trong đó như kẻ vô danh. Khuynh hướng hiện thực, chủ nghĩa nhân bản, ý hướng cải tổ xã hội thấy qua văn ông có lẽ cũng là điểm ông có chung với nhiều tác gia văn học đại chúng đương thời.

Năm 1965, ông trở lại với tiểu thuyết bình thường, có màu sắc thông tin (jôhô shôsetsu) như”Sương đen trên trời Nhật” (Nihon no kurokiri,1960) để phê phán giới chính trị và tài chính Nhật (kurokiri còn ám chỉ chuyện không minh bạch).Thái độ lấy trách nhiệm của người cầm bút đã làm cho tiểu thuyết của Matsumoto Seichô trở thành những “long sellers”(sách bán chạy lâu dài) có giá trị đối với độc giả.

3) Thế hệ mới với Morimura Seiichi (Sâm Thôn, Thành Nhất, sinh năm 1933)

Minakami Tsutomu (sinh năm 1919) được giải Naoki 1961 với “Chùa chim nhạn” (Gan no tera), có “Eo biển đói” (Kiga Kaikyô, 1962) và được xem như người thừa kế Matsumoto. Sau đó là Kuroiwa Juugo (Hắc Nham, Trọng Ngô, sinh năm 1924), Kajiyama Toshiyuki (“Vĩ “ Sơn, Quý Chi, 1930-1975) và Akagawa Jirô (Xích Xuyên, Thứ Lang, sinh năm 1948), một người tràn trề sức viết. Một nhà văn trẻ, Morimura Seiichi, sản phẩm của thời hậu chiến nhưng trưởng thành dưới sự dìu dắt của Matsumoto, đã thành công trong loại tiểu thuyết suy luận với chủ đề xã hội. Đoạt giải Edogawa Ranpo năm 1969 với Kôsô no shikaku “Điểm mù của nhà cao tầng”, ông có nhiều tác phẩm ăn khách như “Án mạng trong tàu siêu tốc hành” (Shinkansen Satsujin Jiken, 1970) đã được dựng thành phim.Tuy nhiên, tác phẩm được nói đến nhiều nhất của Morimura là “Bằng chứng làm người” (Ningen no shômei) đăng trong tờ Yasei Jidai năm 1979 nói về một thanh niên Mỹ lai đen khi đến Nhật tìm người mẹ Nhật lại bị giết chết. Người mẹ xưa kia là một cô gái làng chơi nay trở thành một mệnh phụ đáng kính. Bao nhiêu là nghi ngờ đã vây chung quanh thiếu phụ, cho đến khi có bằng chứng bà vẫn giữ vẹn tình thương đối với đứa con. Mọi sự rốt cục đã được giải tỏa trong sự nhẹ nhỏm nơi người đọc.Morimura được xem như nhà văn tiêu biểu của tiểu thuyết suy luận của thế hệ ông.

TIẾT II: TIỂU THUYẾT KHOA HỌC GIẢ TƯỞNG:

Trong phần nói về tiểu thuyết trinh thám thế hệ 1930, tên tuổi của Unno Juuzô (Hải Dã, Thập Tam) và Inagaki Taruho (Đạo Đàn, Túc Tuệ, 1900-1977) đã được nhắc tới. Họ được xem như những người viết tiểu thuyết có tính cách dự phóng (roman d’anticipation) chứ không phải tiểu thuyết trinh thám. Thế nhưng phải đợi đến thập niên 1960 mới thấy xuất hiện hình thức tiểu thuyết khoa học giả tưởng (science fiction) thực sự. Nó đã đến sau loại tiểu thuyết “gián điệp kỹ nghệ”, “mạo hiểm khoa học”.

A) Từ dự phóng (future) tới khoa học giả tưởng (science fiction)

Matthew trong Japanese Science Fiction , tác phẩm viết năm 1989 nghiên cứu tiểu thuyết giả tưởng Nhật Bản, cho rằng nguồn gốc của loại nầy đã bắt đầu từ thời Meiji (1868-1912). Ông đã dẫn ra bản Kawashima Chuunosuke dịch quyển (1878).Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” của Jules Verne như điểm khởi hành. Sau đó mới đến hai bản dịch của Inoue Tsutomu ị Từ trái đất đến cung trăng trong vòng 97 giờ 20 phút Ể (dịch năm 1880) và ị Hai mươi nghìn dặm dưới đáy bể” (dịch năm 1884).

Hai quyển tiểu thuyết đầu tiên thuần Nhật Bản thuộc loại dự phóng có lẽ là Nhật Bản ngày mai (Nihon no Mirai) của Ushiyama Ryônosuke năm 1884 và “Ghi chép về những chuyện sẽ xãy ra năm Meiji 23” (Nijuusannen Mirai Ki) tức năm 1890 do SuehiroTetcho (Mạt Quảng, Thiết Trường, 1849-1896). Nhà văn nầy còn viết “Mai trong tuyết” (Setchubai, 1886) và tiếp đó, “Chim oanh giữa đám hoa ” (Kakan- ô, 1888-89), tiểu thuyết dự tưởng chính trị, vẽ ra cuộc sống của vợ chồng một giáo sư qua nhiều thời đại sau ngày tác giả chấp bút, lưu lại trong sổ tay của họ tìm lại được vào năm... 2040. Hai cuốn truyện đều đặt bối cảnh trong tương lai chứng tỏ ý thức của người viết là có cuộc đời là có những biến chuyển, đổi thay, một nguyên lý cơ bản của tiểu thuyết dự phóng.

Đầu thế kỷ 20, loại tiểu thuyết dự phóng quân sự ra đời. Năm 1900, Oshikawa Shunro viết Kaitei Gunkan “Chiến hạm chìm đáy bể”. Nhân vì khoảng 1904-05 đã xãy ra trận Nhật Nga, Harada Masaemon cho ra đời ị Mười năm chiến tranh Nhật Nga đáng tiếc trong tương lai (Ikon Juunen Nichiro Miraien), tưởng tượng chiến sự mai sau giữa Nhật và Nga. Kitahara Tetsuzô cũng viết“ Trận chiến tranh kế tiếp ” (Tsugi no Issen), trong đó, hải quân hoàng gia Nhật bị tiêu diệt và đế quốc Nhật Bản suy vong. Tiểu thuyết thời nầy không còn là tiểu thuyết phiêu lưu kiểu Jules Verne mà là mô phỏng theo Wars of the World (1898) của văn hào người Anh H.G. Wells. Nên nhớ là Wells đã tiên tri một cuộc chiến tranh toàn cầu 16 năm trước khi trận thế chiến thứ nhất (1914-18) xãy ra. Cùng một thể ấy, tác phẩm của Oshikawa, Harada và Kitahara tiên tri cuộc thất trận của Nhật Bản năm 1945. Dự tưởng đen tối về chiến tranh của các tác giả Nhật thời điểm đó, theo R. Matthews (sđd, tr. 12) có lẽ do ảnh hưởng của chủ nghĩa tự nhiên của văn học Pháp đối với thế hệ của họ.

Có người cho rằng tiểu thuyết dự phóng và giả tưởng chỉ là tiểu thuyết trong đó vai trò của tưởng tượng được đề cao. Lối viết hư cấu của Akutagawa trong Kappa Thủy quái Kappa (Kappa, 1927) đã tạo một không khí thuận lợi và tạp chí Shinseinen (Tân Thanh Niên ) hoạt động từ 1920 đến 1950 đóng vai trò điểm tựa vật chất để loại văn chương nầy có dịp phát triển.. Ngoài Shinseinen còn có Kagaku Gahô (Khoa Học Họa Báo) vào năm 1927 đã cho đăng lại một lô truyện khoa học giả tưởng của tạp chí Amazing Stories .Truyện Kinh Dị do Hugo Gernsback xuất bản bên Mỹ với mục đích tìm kiếm những tác phẩm có chất lượng và tính khoa học cao nhưng không rơi vào cung cách tiểu thuyết trinh thám .

Ta có thể xem điểm khởi hành của tiểu thuyết khoa học giả tưởng là những năm đầu đời Shôwa (1926-1989) với các tác phẩm phần lớn đăng tải trên các tạp chí Shinseinen, Kagaku Gahô và Daishuu Bungei (Văn nghệ đại chúng). Nếu thập niên 1920, tiểu thuyết giả tưởng hãy còn được đánh dấu bằng tính kinh dị phi lý, đến thập niên 1930, tính kinh dị đã nhường bước cho tính khoa học hợp lý hơn. Từ đó cho đến sau nầy, những chủ đề của tiểu thuyết giả tưởng thường liên quan đến y học, khảo cổ học, động vật học, cơ khí... lồng trong khung cảnh chiến tranh, hoạt động gián điệp, trinh thám nhưng vẫn đứng ngoài hệ suy luận của truyện trinh thám chính thống.

Liên quan đến y học như Đường biểu diễn của tình yêu (Ren-ai Kyokusen, 1926) của Fuboku Kozakai (1890-1929) nói về thí nghiệm đo tình yêu bằng cách chích máu các người đàn ông vào trái tim của một người đàn bà cắt ra và ngâm trong một dung dịch để đo phản ứng tâm lý. Con người nhân tạo (Jinzô Ningen, 1928) của Hirabayashi Hatsunosuke đề cập đến công trình của một bác sĩ tên Muraki chế ra người nhân tạo với đủ tính cách đạo đức, biết tôn trọng phép tắc xã hội... nhưng rốt cục đương sự Muraki phải thú nhận trước cử tọa rằng đó chỉ là một trò lừa bịp của mình. Về khảo cổ học và vị lai học thì đã có Con xén tóc (Kamikirimushi, 1930), tác phẩm của Yumeno Kyusaku, tả lại con bọ xén tóc từ thời thượng cổ Ai Cập không hiểu vì sao còn sống sót cho đến bây giờ nhưng rốt cuộc bị giết chết. Hoshida Sanpei kể truyện Ghi chép về việc xây cất thành phố trung tâm cho địa cầu (Sentoraru Chikyuu Shi Kensetsu Kiroku), nói về cuộc chiến đấu gan lì trước một chứng bệnh không rõ nguồn gốc của một nhóm 10 người sống sót sau một thiên tai. Còn Kuze Juran (1901-46), ông tưởng tượng hai nhà thám hiểm, một Nhật, một Nga, đi đến một vương quốc của thú vật nằm trong lòng đất với Nước của thú vật trong lòng đất (Chitei Juukoku , 1929), tác phẩm xem như có chịu ảnh hưởng của Hành trình vào lòng địa cầu của Jules Verne và Trong lõi quả đất của Edgar Rice Burroughs.

Trong Đám cưới liệm trong màu xám (Haiiro ni Bokarareta Kekkon,1928), Kizu Tora mô tả ảnh hưởng một cuộc chiến tranh tàn khốc làm bốn phần năm dân số địa cầu chết bằng hơi ngạt và người còn sống được cấp phát những lá phổi nhân tạo và một lô hơi như hơi sinh mệnh, hơi dinh dưỡng, hơi an thần... để sống còn. Unno Juuza viết Tắm trong âm nhạc lúc 6 giờ chiều (Juuhachi-ji no Ongaku-yoku,1971) nói đến việc chính phủ dùng một hệ thống chấn động âm thanh để ám ảnh đầu óc dân chúng, kiểm soát mọi hành vi và điều khiển tinh thần họ. Trong bối cảnh những năm 1930, hai tác phẩm giả tưởng trên đều có tác dụng phê phán chính quyền quân phiệt đang dùng những bài hát ái quốc để kích động dân chúng và dẫn dắt họ vào một cuộc chiến tranh mà hậu quả bi thảm như thế nào, chúng ta đều biết. Cảnh tượng cuối cùng của Tắm trong âm nhạc lúc 6 giờ chiều là cuộc chiến tranh bằng vũ khí hỏa tiễn giữa người quả đất và người đến từ sao Hỏa. Người trái đất đã hoàn toàn bị tiêu diệt vì sự điên cuồng của những nhà lãnh đạo tự tấn phong. Đây cũng là một hình thức châm biếm thời sự vượt khỏi tầm nội dung tiểu thuyết giả tưởng thông thường.

1) Hoshi Shin-ichi (Tinh,Tân Nhất, sinh năm 1926)

Tuy nhiên, người mở đầu cho thời đại hoàng kim (thập niên 1960) của loại khoa học giả tưởng (Esu Efu hay SF) có lẽ là Hoshi Shin-ichi (Tinh, Tân Nhất, sinh năm 1926). Ông chịu ảnh hưởng của R.Bradbury và đã viết một truyện nhan đề Sekisutora cho tờ Hôseki từ năm 1957. Ông sở trường về một loại văn ngắn , gọi là “Short Short”, dài chỉ một hai trang nhưng nội dung phi lý và hóm hỉnh. Tập truyện nổi tiếng của ông là Bokko-chan (1971) nói về thế giới nhìn dưới mắt một đứa bé gái tên Bokko-chan, vốn là một người máy được đặt trong một quán rượu để tiếp khách.

2) Abe Kobo (An Bộ Công Phòng, 1924-1993) :

Nhà văn Abe Kôbô với lối viết tiền vệ cũng được sắp vào số tác giả khoa học giả tưởng qua “Bức Tường- Tội của ông Karuma” (Kabe S. Karuma-shi no Hanzai,1951), giải Akutagawa, “Thời Băng Hà Thứ Tư” (Daiyon Kanpyôki, 1958), Moetsukita Chizu “Bức địa đồ cháy rụi” (1967) mà ông viết theo phong cách suy luận của nhà văn Pháp Alain Robbe-Grillet. Abe Kôbô đặc biệt chú trọng tới chủ đề tha hóa (alienation). Trong“Cử động vĩnh viễn” (Eikyuu Undô, 1971) , người máy đã nghiên cứu lợi hại, chấp nhận món tiền người khác đề nghị để nhận lời giết cả người phát minh ra nó. Tác giả hẳn muốn nói người máy có thể trở thành nguy hiểm cho nhân loại khi nhân loại muốn phi nhân hóa (dehumaniziation) chính mình.Sự thiết lập một kỷ cương cứng nhắc (excessive regimentation) nguy hiểm sẽ gieo tai hại cho chính người tạo ra nó. Ngược lại, trong“Việc phát minh người máy R62”(R62 go no hatsumei, 1971), Abe Kôbô, với lập trường tả khuynh của mình (đảng viên, bị khai trừ ra khỏi đảng Cộng Sản năm 1962 vì bị tình nghi là có khuynh hướng đệ tứ), đã chứng minh rằng người máy có khi là đồng minh của người bị áp bức. Truyện kể một kỷ sư cơ khí bị đuổi việc vì chủ ông ta đem kỷ thuật mới của Mỹ vào hãng. Ông ta chán đời, lúc suýt nhảy xuống sông tự tử, được một cậu sinh viên ăn mặc xơ xác xin đánh đổi thân xác mình sau khi chết để lấy một món tiền. Kỷ sư đem một bộ óc nhân tạo đặt vào thân thể cậu ta. Cậu người máy với thiết bị điều khiển tầm xa đã được nhận làm việc để thế chỗ những nhân viên hay làm reo chống lại việc sử dụng những kỷ thuật mới. Sau đó, cậu được đem bán cho chủ cũ của kỷ sư. Cậu người máy R62 bèn chế ra một dụng cụ làm việc mới, trước cắt tay sau đâm chết ông chủ và đứng nhìn cái chết của ông chủ hay áp bức người làm công nầy với vẻ đắc thắng.

Ngoài tha hóa, hóa thân (metamorphosis) là chủ đề lớn khác th ấy trong văn chương Abe Kôbô và đó cũng nằm trong phạm vi giả tưởng như khi cho người biến thành bức tường (trong Kabe, Bức Tường), cho họ hóa lỏng thành nước (trong Kôzui, Lũ lụt) hay trở thành biết ăn cỏ như cừu khi bị giải phẩu thay một khúc ruột bằng ruột cừu (Môchô, “Khúc ruột cùng”).

3) Komatsu Sakyô (Tiểu Tùng, Tả Kinh, sinh năm 1931) :

Nhà văn thứ ba cần nhắc đến có lẽ là Komatsu Sakyô (Tiểu Tùng, Tả Kinh, sinh năm 1931), người đã đăng “Xin hòa bình về trên mặt đất”(Chi ni wa heiwa wo, 1962) trong tạp chí SF Magajin với giả thuyết chiến tranh thứ hai không kết thúc vào năm 1945. Đó là một tiểu thuyết giả tưởng chính trị. Vẫn theo đường hướng dã tưởng đã đặt ra, ông đạt được thành công vượt bực với “Nước Nhật chìm lĩm” (Nippon Chinbotsu,1973), một tác phẩm bán được trên một triệu cuốn trong vòng hai tháng đầu.Truyện tưởng tượng một trận động đất kinh khủng làm chết 2 triệu người và cho biết dân chúng Nhật chỉ có thời gian một năm để rời quần đảo trước khi nó chìm lĩm. Đó là giả tưởng về thiên tai vì thiên tai là mối lo lớn nhất của người Nhật. Ngoài ra, Sakyo còn được biết đến với“Đông Kinh mất điện” (Shuto Shôshitsu, 1986) được dựng thành phim năm 1987, một thảm họa khác do con người gây ra.

Cuối cùng, cần đưa thêm tên Hanmura Ryô (Bán Thôn, Lương) và Tsutsui Yasutaka (Đổng Tỉnh, Khang Long) như hai nhà văn khoa học giả tưởng (sinh trong thập niên 1930) đáng nhớ của những năm 1970. Đó là chưa kể các tên tuổi của thể lọai văn học lịch sử như Yamada Fuutarô (Sơn Điền, Phong Thái Lang) và Nitta Jirô (Tân Điền, Thứ Lang) cũng có lúc phiêu lưu qua lãnh vực nầy.

B) Những chủ đề khác của tiểu thuyết giả tưởng hiện đại

Tiểu thuyết giả tưởng không chỉ nói đến thiên tai, chiến tranh mà còn khai thác những chủ đề khác.

1) Sự nhàm chán của cuộc đời :

Trước tiên, sự chán ngán và mệt mõi, kết quả của một cuộc sống sung túc nhưng không có lấy một lý tưởng cho ngày mai, cũng có cơ hội xuất hiện trong tiểu thuyết giả tưởng Nhật Bản qua tác phẩm của Hoshi Shin-ichi, Komatsu Sakyo, Tsutsui Yasutaka và Tsukushi Michio...

Hoshi Shin-ichi đã kể lại trong “Người hùng vũ trụ” (Uchuu no Eiyu, 1971) , truyện một chàng trai trên trái đất nhận được một tín hiệu cấp cứu từ một hành tinh. Anh ta lên phi thuyền, hăng hái xã thân đi cứu hành tinh đang gặp vấn đề. Sau khi vượt qua bao gian khổ và phải chiến thắng cả sự nhàm chán, anh ta đến được hành tinh kia. Dân chúng sở tại tiếp đón trọng thể. Hỏi họ cần anh cứu giúp điều gì thì họ chỉ trả lời là đời sống ở đây quá êm ả, nhàn nhã, làm họ đâm chán. Họ bảo ngay việc đánh tín hiệu kêu gọi anh ta đến đây cũng chỉ là một trò đùa để giúp bọn họ có cơ hội tiêu khiển.

Komatsu Sakyo trong “Thời của mô hình” (Mokei no Jidai,1973) đề cập đến một thời đại mà con người không còn có thú vui gì. Sự nối tiếp nòi giống đã được máy móc thụ thai trong chân không (in vitro) lo liệu và giao cấu chỉ còn là trò giải trí với các “búp bê Hòa Lan” khổ lớn cở người thật vì giá cả gái làng chơi trong các quán mát-xa đã trở nên quá đắt đỏ.Con người chỉ còn vùi đầu nhìn qua kính hiển vi để làm các mô hình li-ti nào là xe cộ, nhà cửa, tàu chiến, tàu bay để giết thời giờ. Con cháu cụ A-Dong”(Adamu no Sue “, 1973) của Sakyo cũng nói đến thời mà chỉ cần 2% nhân loại để làm những công việc có tính cách tri thức và sáng tạo vì phần công việc còn lại đã được máy móc đảm nhận. Con người lúc ấy chỉ còn lo ăn nhậu, cờ bạc hay phạm tội ác mà thôi. Thế rồi đàn ông sẽ thoái hóa thành những dương vật tuy có mồm, có tim nhưng những bộ phận khác lại biến hình. Những dương vật kỳ dị đó sau khi tiếp xúc với âm hộ các bà sẽ sinh sôi nẩy thêm ra, nhảy nhót như cóc nhái. khắp nơi. Nhu cầu thoát khỏi nhàm chán là một nhu cầu lớn của xã hội Nhật Bản quá sung túc nhưng cuộc sống lại đơn điệu, kể cả sự nhàm chán trong đời sống tình dục đã được trình bày một cách tượng trưng qua sự vay mượn một đối tượng giả tạo như búp bê để làm tình.

2) Sự khống chế của các phương tiện truyền thông :

Chủ đề thứ hai là sự sợ hãi trước quyền lực to lớn của các phương tiện truyền thông. Maruyama Taku trong “Cấu trúc của ảo ảnh” (Gen-ei no Kôsei, 1957) đã nói về giấc mộng của cậu bé tên Rugg, sống trong một địa điểm tên Thành Phố Thứ Tám, từ khi lên năm lên sáu đã được cấp cho cái máy phát hình ảnh tên gọi Imajex . Cậu ta ước mơ khi lớn lên sẽ vào làm việc ở một cơ quan tên Trung Ương Công Dân Đăng Ký nằm ở một Thành Phố Trung TâmŨ, và với Imajex, có khả năng dùng để quản lý các tầng lớp dân chúng khác. Hoshi Shin-ichi cũng là người đề cập đến quyền lực của truyền hình trong các tác phẩm“Ông thần vô tuyến” (Terebi no Kami, 1981), trong đó, nhân vật tên là ông N. đã được vị thần nầy ban cho cái tài đoán trước được mọi thứ đánh giá (ratings) về các chiến dịch quảng cáo để đền bù cho sự trung thành theo dõi vô tuyến của ông trong nhiều năm. Nhờ đó, các hãng đánh giá tìm đến vấn kế và ông trở nên giàu có. Điều cơ bản mà thần dạy ông phải tâm niệm là: “Chương trình truyền hình ngốc nghếch chừng nào lại ăn khách chừng đó”.

3) Mâu thuẩn giữa đạo đức và lợi nhuận :

Chủ đề thứ ba liên quan đến vai trò của đạo đức trong sinh hoạt kinh tế. Sự phồn vinh của xã hội Nhật Bản kéo được tới bao giờ? Sự đi kiếm lợi nhuận phải chăng là ý nghĩa của cuộc đời? Những câu hỏi ấy cũng được các nhà văn khoa học giả tưởng tìm cách trả lời.

Hoshi Shin-ichi viết “ Một xã hội nhỏ bé “ (Chiisana-shakai, 1981) nói về một bọn người bị tàu đắm lạc vào một đảo hoang. Thuyền trưởng khuyên họ dù sống trên hoang đảo vẫn phải lập một kế hoạch lưu thông tiền tệ trong nhóm để khỏi mất tập quán sử dụng tiền khi về đất liền vì đó là một phương pháp để sống còn. Trong Kế hoạch to tát ” (Yuudai na Keikaku, 1973) , Hoshi kể truyện chàng thanh niên Saburo, khi thi đậu vào làm ở hãng R đã được chỉ thị của Tổng Giám Đốc hãng này sang thi vào hãng K để làm gián điệp kỹ nghệ. Sau khi đã leo lên hết bậc thang danh vọng danh vọng ở hãng K và là lúc phải trở về để báo cáo tình hình bí mật của K với R thì Saburô nhận ra rằng sự nghiệp, danh vọng, ngay cả hạnh phúc gia đình đều do K mang đến nên không thể trở mặt với K. Khi sự việc bị R phanh phui để báo thù, các nhân viên của K cảm động vì sự trung tín của anh ta với hãng , nhiệt liệt ủng hộ anh trong cuộc tranh chấp với R và làm R phải phá sản.

Komatsu Sakyo cũng châm biếm xã hội làm việc quá sức khi ông tưởng tượng trong “Thế rồi ai nấy đều nghĩ việc” (Soshite Daremo Shinakunatta. 1973), cái ngày thủ tướng Nhật tự nhiên bỏ việc về làm vườn, nội các bắt chước và toàn dân cũng làm theo nốt: thầy giáo lẫn học trò đều ở nhà, xe cộ ngừng, tàu bay, cơ xưởng đều đình chỉ hoạt động. Thành phố trở nên yên tĩnh, ô nhiểm cũng hết đi, không khí nhàn tản giống như một ngày Tết Nguyên Đán. Nhà viết tiểu thuyết giả tưởng đang họp với ban biên tập tạp chí cũng ngừng họp để tự hỏi vì cớ gì mình phải cam chịu bận bịu như thế cho đến nay.

4) Môi trường sinh thái bị ô nhiễm :

Chủ đề thứ tư nói đến việc bảo vệ các giá trị nhân bản và sự gìn giữ môi trường thiên nhiên. Komatsu Sakyo tưởng tượng trong “Tòa án xử tội loài người” (Jinrui Saiban, 1973) cảnh nhân loại đã bị đưa ra trước Tòa Án Vũ Trụ vì tội đã chiếm đóng một số tinh cầu ngoài Thái Dương Hệ, hũy diệt đời sống và tài nguyên ở những nơi ấy. Trước tòa, công tố viện đã dẫn ra một số nhân chứng để buộc tội, trong đó có một người da đỏ Mễ Tây Cơ, một người nô lệ Phi Châu, một người Do Thái bị Hitler giết, một người Nhật bị bom nguyên tử, một người Việt Nam nạn nhân chiến cuộc cũng như hồn ma côn trùng thảo mộc bị hủy diệt trên trái đất. Kết cục, Tòa Án đã xử loài người phải bị đày ra khỏi Thái Dương Hệ, chỉ còn một người đàn ông và một người đàn bà có quyền ở lại địa cầu để tạo ra nhân loại mới.

5) Sự xung đột giữa các thế hệ :

Chủ đề thứ năm liên quan đến sự xung đột giữa các thế hệ dưới ngòi bút bi quan của Komatsu Sakyo. Trong“Những đứa trẻ trong đêm tối” (Yami no naka no kodomo, 1975) , ông tả cảnh các người lớn trong trang phục samurai đuổi theo trẻ em để giết chúng. Ngược lại, trong“Những bước chân dồn dập” (Semarikuri Ashioto, 1973) , ông tả cảnh bọn trai trẻ ngông nghênh trên đường phố đi tìm người già để giết vì xem họ như những kẻ gian giảo và đồi bại.Một ông lão đã hóa trang mong nhờ đó được sống còn nhưng vì bất cẩn lại hiện nguyên hình, bị bọn trẻ rượt đuổi đến kiệt lực mà chết.

6 ) Tình dục và tình yêu thời đại vũ trụ :

Chủ đề thứ sáu liên hệ đến tính dục (sex) và giới tính (gender). Hình nhân tự động (robot) có tên là Bokko-chan trong tiểu thuyết của Hoshi Shin-ichi đã tiến xa hơn với Maruyama Taku khi ông tạo ra nhân vật người máy nữ phục vụ việc thỏa mãn nhục dục nam tính. Tuy nhiên, trong“Chúng tôi, bọn người máy làm tình ” (Waga Sekuzoid, 1974), những “Sexoid” của ông, ngoài hình dáng như người thực, còn được miêu tả như có ý chí cá nhân riêng. Một tác giả khác, phái nữ, Kurahashi Yumiko trong“Người đẹp bằng hợp chất” (Gôsei Bijô, 1969) kể truyện Michiko, bà nội trợ vào năm 2161, đi mua một cô tớ gái hợp chất về nhà. Kể từ lúc cô tớ gái hợp chất có kinh nguyệt, Michiko bắt đầu ghen tuông, cho thám tử theo rình rập chồng và cô gái để kiếm chứng cứ ngoại tình để dễ bề ly dị. Thế nhưng báo cáo của thám tử cho biết ông chồng đẹp trai của bà ta rốt cuộc cũng có thể chỉ là một gã đàn ông hợp chất. Michiko lập mưu giết cô gái nhưng bị chính chồng và cô gái thanh toán vì bà đã biết bí mật về họ.

Một nữ tác giả trẻ, Arai Motoko, đặt vấn đề về vai trò của người phụ nữ trong một xã hội bị đàn ông khống chế. Nổi tiếng từ thập niên 1980, cô viết tác phẩm “Con thuyền đi lên ngôi sao” (Hoshi e iku Fune, 1981) trong đó cô gái 19 tuổi Morimura Ayumi mạo tên người anh để đáp phi thuyền lên một hành tinh trong không gian do Nhật đô hộ. Trong chuyến bay, cô không dấu được tông tích phụ nữ khi phải sống chung đụng cùng phòng với hai bạn đồng hành phái nam. Rốt cục, cô ăn mặc trở lại như phụ nữ nhưng bấy giờ cảm thấy độc lập và tự do hơn trước khi bỏ nhà để lên vũ trụ. Tác giả như muốn chứng minh cái mà người phụ nữ đòi hỏi là sự bình đẳng trong quyền lợi làm người của mình chứ họ vẫn muốn giữ nguyên nữ tính. Tác phẩm thứ hai cùng mang một chủ đề của Arai Motoko là“Khúc hát đưa tang màu xanh lục” (Guriin Rekuiemu, 1983) trong đó, một chiếc tàu của người vũ trụ bị nạn phải đáp xuống địa cầu và một cô gái sống sót yêu một chàng trai trên trái đất nhưng bị ám ảnh bởi một khúc hát của mẹ mình, cô bỏ anh ta và tự trầm.Tình yêu của thời đại vũ trụ vẫn còn bị ràng buộc bởi tập tục cổ hủ có lẽ là điều tác giả Arai muốn đề cập đến chăng?

7) Đi tìm hòa bình thế giới :

Cuối cùng cũng không nên quên chủ đề bang giao quốc tế. Nếu giai đoạn từ thập niên 1930 cho đến khi chiến tranh Thái Bình Dương bộc phát, tiểu thuyết giả tưởng Nhật Bản đã có những tác phẩm chống Tây Phương, chống Liên Xô nhưng thân Phát Xít Đức thì chủ đề hòa bình đã trở thành trọng tâm của những tác phẩm hậu chiến. Chiến tranh Việt Nam (1965-1975), sự gắn bó của Nhật Bản đến độ tùy thuộc vào Mỹ, cuộc tranh chấp Nga-Hoa đã trở thành chủ đề của loại tiểu thuyết nầy.

Tsutsui Tanaka viết “Hãng Du Lịch Việt Nam” (Betonamu Kampo Kosha, 1969) và “Bốn Tỷ Tám Ảo Ảnh” (Yonjuuoku no Môsô, 1965) trong chiều hướng đó. Trong tác phẩm đầu, Tsutsui tưởng tượng rằng cuộc chiến ở Việt Nam sẽ kéo dài trên 100 năm, lính Mỹ ở Việt Nam đa số là người da đen và chính quyền Mỹ dùng chiến trường Việt Nam như một cách giải quyết nạn thất nghiệp của dân da đen ở Mỹ. Chiến trường trở thành nơi tham quan cho du khách được chở đi xem đánh nhau trên những chiếc buýt bọc kính dày để tránh đạn.Một du khách vô tình rơi vào trong cuộc chiến, bắt buộc hết chạy từ hàng ngũ nầy đến hàng ngũ kia.Trong tác phẩm sau, Tsutsui bình luận về ảnh hưởng của truyền hình đối với chiến tranh khi tả cảnh đài truyền hình cho trực tiếp phóng ảnh một cuộc tra tấn tù binh của lính Mỹ và cuộc nổ súng của lực lượng cảnh bị vào đám sinh viên da đen ở đại học Kent State University. Điều nầy phản ánh thái độ kinh khiếp chiến tranh của người Nhật dù rằng lập trường chính trị của họ nhìn chung vẫn là thiên hữu.

Komatsu Sakyo viết “ Bức tường Mỹ” (Amerika no Kabe, 1982), trong đó ông tưởng tượng ngày mà mạng lưới thông tin giữa nước Mỹ và thế giới bị cắt bị cắt đứt thì nước Mỹ cô lập sẽ ra sao, có dụng ý phê phán dự tính lập phòng tuyến chiến lược bảo vệ nước Mỹ (Strategic Defense Initiative) của Tổng Thống R.Reagan năm 1977, cũng như sự lệ thuộc của Nhật vào hệ thống hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana). Ngược lại, Waku Shunzo viết “Buổi sáng thay đổi chính quyền” (Kenryoku no Asa, 1980) tả cái cảnh chính quyền đương nhiệm thất cử và được thay thể bằng đảng đối lập. Liên Xô lúc đó phong tỏa eo biểu Nhật Bản rồi xung đột biên giới Nga Hoa lại gây ra một cuộc chiến tranh lớn ở Á Châu.Tất cả đều phản ánh mối quan tâm của các tác giả Nhật Bản đến những biến cố trên thế giới có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của họ.

C) Đi Xa Hơn Với Văn Học Đại Chúng:

Văn học đại chúng mà tiểu thuyết trinh thám và khoa học giả tưởng là bộ phận chính yếu, nhờ sự tiếp sức của các môi thể truyền thông (mass media), đã là nguyên động lực của sự hình thành văn hóa hạ tầng (subculture) ở Nhật Bản.

Khi vô tuyến truyền hình (xuất hiện ở Nhật năm 1953) đi vào phòng khách của mọi gia đình Nhật Bản kể từ năm 1965 trở đi, đã tạo ra hiện tượng teleseller. Những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, dã sử, trinh thám của Shiba Ryôtarô (Tư Mã Liêu Thái Lang, 1923-1996), Kaionji Chôgorô (Hải Âm Tự, Triều Ngũ Lang, 1901-1977), Matsumoto Seichô (Tùng Bản, Thanh Trương, 1909-1992)... nhờ được phóng tác thành kịch bản và đem lên truyền hình đã liên kết với sức mạnh của môi thể này trở thành những quyển sách ăn khách hàng đầu (bestseller) sau đó.

Nhà xuất bản Kadokawa đưa ra loại sách bỏ túi (bunkobon) với các tác giả văn học đại chúng như Yokomizo Masashi (Hoành Câu, Chính Sử, 1902-1981), Morimura Seiichi (Sâm Thôn, Thành Nhất, sinh năm 1933) trong những năm kể từ 1975, phối hợp với phóng tác thành phim truyện và những bài hát theo chủ đề của phim in trên đĩa hay băng từ, đã nhân lên gấp nhiều lần sức thẩm thấu của văn tự trong quần chúng. Không những thế, thủ pháp tiếp thị hiện đại với sự tổ chức các hội chợ sách (book fair), sự công bố các giải thưởng văn chương... đã tạo ra được một mô hình thương mãi văn chương. Mô hình văn học trọn gói (package model) đã hoàn chỉnh và vẫn được sử dụng một cách hiệu quả cho đến ngày nay.

Tuy vậy, trong những thập niên 1970 và 1980, các môi thể truyền thông kể cả ngành ấn loát, cơ sở phát triển của văn học hiện đại, đã giảm sức hoạt động vì nhiều lý do mà lý do kinh tế là quan trọng hơn cả. Loại sách về văn học hiện đại do nhà xuất bản Shinchô đã không còn bán chạy như trước và đến năm 1978 thì họ hầu như ngưng hoạt động. Các tạp chí văn nghệ cũng suy thoái kể từ thập niên 1980 và người ta e rằng văn học sắp đi vào chỗ bế tắc.

Kịp đến khoảng 1988-89, hai nhà văn trẻ Murakami Haruki (sinh năm 1949) và Yoshimoto Banana (sinh năm 1964) thổi được một luồng gió mới vào văn học Nhật Bản thuần túy trên đường hồi phục nhưng cùng lúc, từ các phân nhánh của văn hóa hạ tầng kể cả văn hóa địa đạo (underground) có một số phản ứng ngược lại. Thêm vào đó, sự xuất hiện và phát triển của các tân môi thể (new media) và có tính cá nhân như máy tính, mạng Internet.. đã làm cho cấu trúc của văn học Nhật Bản nói chung bị xáo trộn.

D) Các Hình Thức Biểu Hiện Mới Của Văn Học Đại Chúng:

Kể từ năm 1994 trở đi đã thấy một loại tiểu thuyết mới manh nha : loại nầy do các nhà biên tập tạp chí băng truyện (manga) đề nghị với độc giả của họ một loại tiểu thuyết mang tên Jump Novel Tiểu Thuyết Nhảy Cóc , có lẽ vì giữa các khung ảnh manga không có sự liên tục cần thiết thấy trong tiểu thuyết thông thường. Ngoài ra còn có loại tiểu thuyết dựa trên các trò chơi điện tử (electronic games) nên được gọi là Games Novel, tiểu thuyết luyến ái giữa các thiếu niên nam nữ ham chuộng manga mang tên ị tiểu thuyết June Ỏ, Yayoi , Boys LoveỎ... Đặc điểm của nó là tính tiểu thuyết không được coi như là trọng điểm, nó chỉ còn là một nhân tố của một ị thể loại truyền thông để giải trí có tên là media comics Ỏ. Thể loại truyền thông giải trí đại chúng cá nhân này có đề tài, nội dung, hình thức xuất bản và bạn đọc riêng. Nó được trưng bày một chỗ riêng trong các hiệu sách vì tính văn học của nó đã khác hẳn những tác phẩm tiểu thuyết có xưa nay. Ví dụ trường hợp của tiểu thuyết lịch sử chẳng hạn, nó đã biến thành một trò chơi điện tử mà người đọc có thể vờ dàn cảnh (simulate) lịch sử theo ý muốn.

Văn học mới cũng lợi dụng sự trao đổi hai chiều (interactivity), sự hồi tố (feedback) và kết mạng (networking) của máy tính điện tử cá nhân (personal computer) để tác giả và độc giả có thể trao đổi ý kiến về những tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên mặt báo và thực hiện một loại tiểu thuyết gọi là siêu tiểu thuyết (metafiction), di động được giữa ranh giới của hư cấu và hiện thực.Về mặt ngôn ngữ, chữ dùng trong đó được tự do, không qui định tính chất hay khuynh hướng, nên sinh sôi ra vô số, được gọi là loại ngôn ngữ siêu văn bản (hypertext).

Một đặc điểm nữa của loại văn chương này là vì xuất hiện trên mạng một cách vô trật tự nên có tính nặc danh và ngôn ngữ thường hung bạo. Ngôn ngữ hung bạo và nổi loạn, phủ định quyền lực này đối lập với ngôn ngữ thường là trầm tĩnh hơn, bảo thủ hơn của tác giả.Tương quan giữa chúng cũng là điều chúng ta cần theo dõi và canh phòng vì có thể có những yếu tố cực đoan và phản xã hội.

Các tác giả cũng đã mở những trang nhà (home page) để trực tiếp giao lưu với độc giả của mình. Murakami Haruki (Murakami Asahidô Home Page) đã xuất bản một phần những trao đổi đó dưới hình thức CD-ROM (Nhật báo Asahi, 1998 và 2000).

Hiện nay, tương quan giữa tác phẩm văn học và các phương tiện truyền thông (đại chúng và cá nhân) đã trở thành phạm vi quan sát không thể thiếu được của người nghiên cứu văn học sử hiện đại.

Thay Lời Kết :

Văn hóa đại chúng đang trở thành một yếu tố chủ đạo trong cuộc sống của con người Nhật Bản hiện đại nhưng cũng là của con người trong xã hội toàn cầu hóa. Ví dụ tiểu thuyết trinh thám giúp họ biết sử dụng lý trí để tách bạch mọi yếu tố và nhờ đó phán đoán một cách sáng suốt trong cách xử thế, chớ để cho tình cảm và đam mê mặc tình lôi cuốn. Tiểu thuyết giả tưởng vừa muốn nói lên những ước mơ và lo âu cho cuộc sống tương lai, vừa dóng tiếng chuông cảnh cáo về những hiểm họa đến chính từ con người. Như thế, bên ngoài yếu tố tiêu khiển của một quyển truyện tình cảm xã hội, lịch sử, trinh thám, giả tưởng... mua ở quầy báo phi trường, đọc vội trên máy bay và sẽ vứt vào thùng rác của phi trường sắp đến, văn học đại chúng không ngờ lại có những tác dụng tinh thần lớn hơn ta tưởng.

Trong một nền kinh tế như Nhật Bản, tính thị trường của văn học cần phải được nhấn mạnh. Nhà văn cho mình là chân chính thường tự đóng vai trò người dẫn đường, không chịu uốn mình theo thị hiếu của đại chúng. Nhưng nên nhớ rằng, ngày nay, nếu không có độc giả, nhà văn sẽ không tồn tại nổi. Hơn thế, cái thị hiếu của những người mà nhà văn vẫn xem thường kia nay đã được tôi luyện nên sắc sảo hơn trước. Đại chúng độc giả trở thành những phân chúng và cá chúngỎ, nhờ tiếp xúc thường xuyên với các môi thể đa dạng và cá biệt hóa, có trình độ văn hóa cao và trưởng thành trong chọn lựa, đã thành nhân tố quyết định của văn học. Mặt khác, với vô số hình thức diễn đạt mới, văn học đại chúng đã tạo nên những tầng văn hóa cấp thấp, nếu được phát triển trong một chiều hướng lành mạnh nghĩa là hợp với nhân tính (cần định nghĩa), sẽ giúp cho con người có cuộc sống phong phú, đầy sáng tạo.

NGUYỄN NAM TRÂN

(Theo Phác Thảo Văn Học Sử Nhật Bản, chưa xuất bản)
 

Tư Liệu Biên Tập:

1)Kokugo Kyôiku Purojekuto biên, Genshoku Siguma Shinkokugo Binran (Tân Quốc Ngữ Tiện Lãm, Tập Tư Liệu Bằng Tranh), Bun-eidô, tái bản lần thứ 4, Tôkyo, 2002.

2)Asai, Kiyoshi chủ biên., Gendai Nihon Bungaku (Văn Học Nhật Bản Hiện Đại) 7 tập, Meiji Shoin, Tokyo, 2000.

3)Matthew, Robert, Japanese Science Fiction. A View of Changing Society, Routledge London, UK, 1989.

4)Nishikawa, Nagao, Le roman japonais depuis 1945, PUF Ecriture, Paris, 1988.

5)Odagiri, Susumu, Nihon no meisaku (Danh tác Nhật Bản), Iwanami tái bản lần thứ 24, Tokyo, 2001.

6)Sakai, Cécile, Histoire de la littérature populaire japonaise. Faits et Perspectives (1900-1980), L’Harmattan, Paris, 1987.

7)Yamauchi, Hisaaki & Kawamoto Kôji, Kindai Nihon ni okeru gaikoku bungaku no bungaku shuuyô (Sự tiếp thu văn học ngoại quốc của văn học Nhật Bản cận đại), Hôsô Daigaku xuất bản, Tôkyô, 2003.

Ý kiến bạn đọc
25 Tháng Mười Một 20185:54 SA
Khách
Chân thành cảm ơn người viết bài tổng hợp vì những kiến thức đầy bổ ích như vậy ạ!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12816)
(Xem: 14246)
(Xem: 15585)
(Xem: 15050)
(Xem: 15065)
(Xem: 15786)
(Xem: 14480)
(Xem: 14240)
(Xem: 14237)
(Xem: 15181)