- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THÁNH Y CHỨNG GIÁM

19 Tháng Năm 202512:12 SA(Xem: 4323)

MANAT 1

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

THÁNH Y CHỨNG GIÁM

Truyện ngắn

 

Lương y Lê Huân gọi hắn, giọng hụt hơi đọng nước mắt:

- Chú… Chú cứu anh với… Anh gặp nguy…

Rồi ông tắt máy có lẽ bằng bàn tay run rẩy… Hoang mang rối bời, hắn phóng xe đến ngay nhà người “bạn vong niên” - như ông đề nghị gọi thế. Lê Huân vốn là người bình tĩnh, từng trải, thương người, không chấp vặt, không gây ác nghiệp với ai bao giờ, vậy mà đang mắc phải chuyện cực kỳ hệ trọng. Nhưng hắn có bản lĩnh gì đây để ông nhờ vả?

Quả là chuyện động trời, liên quan đến tính mạng của một cô bé vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, bạn thân của con gái hắn.

Cô bé tên Lan, do con gái hắn giới thiệu tìm đến Lê Huân để cắt thuốc… Lan được các bạn đưa tới bệnh viện ngay hôm uống thuốc của ông, rồi tử vong tại bệnh viện. Hồ sơ pháp y vỏn vẹn một tờ, dưới tên tuổi chỉ độc câu kết quả: “Trong dạ dày còn lưu một vài thứ thuốc Đông y”. Hôm sau, gia đình Lan gồm 10 người đã từ một vùng quê biển tới bệnh viện. Họ lập tức kéo tới nhà Lê Huân, rồi thuê trọ quanh làng ông mấy ngày liền như canh giữ ông, đề phòng “tội phạm” bỏ trốn. Khi hắn tới, họ vừa về sau gần cả buổi thứ ba truy vấn ông gắt gao về nguyên nhân cái chết của con cháu họ, với chứng cứ “phạm tội” rõ rành ghi trên giấy trắng mực đen.

Trước tiên, hắn phải tự trấn tĩnh đã. Hắn bị sốc nặng trước cái chết của cô bé, mà theo chứng cứ thì rõ ràng có liên quan trực tiếp tới nghề bốc thuốc của ông lương y - người hắn biết rõ là hiền lành, lương thiện. Khổ quá, anh chỉ cắt thuốc bổ… Nó bị kiệt sức vì sinh hoạt thiếu điều độ nhiều tháng trước kỳ thi tốt nghiệp thôi mà, ăn uống lại thiếu chất…  - Ông lầm bầm tuyệt vọng.

Hắn chỉ tay vào mấy chữ pháp y nguệch ngoạc:

- Sao anh không đề nghị các y bác sĩ khám nghiệm ghi rõ cụ thể, đó là những thứ thuốc gì?

- Khổ! Nghe cháu Mai báo, anh đi cả đêm lên Hòa Bình mua thuốc giải, sắc đem tới sáng hôm sau thì y bác sĩ không cho uống… Chiều thì cháu đi… Còn khi khám nghiệm họ đâu có gọi anh đến! Mà bên Tây y thì họ lơ mơ về mấy thứ cây cỏ này, rồi cứ thế mà ghi cho xong chuyện…

- Cái xong chuyện dẫn tới to chuyện đây - Hắn lầm bầm, nhưng Lê Huân nghe rõ và đâm ra thiểu não hơn.

- Làm thế nào bây giờ hở chú?...

Hắn bặm môi. Hắn bế tắc hơn cả ông lương y tội nghiệp, chỉ còn biết lầm bầm tiếp: Thuốc giải… Có phải độc dược đâu mà cần thuốc giải... Ông anh ơi, ông hóa quẩn rồi…

Nhiều năm qua, hắn kết thân với ông bởi biết rõ ông là một lương y thứ thiệt và có khả năng giải đáp cho hắn nhiều bí ẩn thú vị về các loại cây cỏ mà Thánh y Tuệ Tĩnh từng bảo: “Cây hoang dại có thể thành vườn hạnh được vậy”. Lâu nay, hắn âm thầm ấp ủ một bộ phim về trái tim thương dân nghèo của cụ. Năm trước, Lê Huân có mời hắn cùng về Chùa Giám ở Cẩm Vũ, Cẩm Giàng, Hải Dương để thắp hương cho cụ, rồi mời hắn tham gia viết tham luận cho Tọa đàm Khoa học: “Thánh y Tuệ Tĩnh với nền y học cổ truyền dân tộc” do Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Tôn giáo chủ trì. Gần đây Lê Huân còn góp ý cho hắn khá nhiều điều bổ ích quanh cái ý tưởng phim về cuộc đời Thánh y. Sau khi tự mầy mò chán chê các trước tác đã được dịch của cụ - như “Nam dược thần hiệu”, “Hồng Nghĩa giác tư y thư”, hắn đã năn nỉ nhờ ông cùng tìm hiểu, xác minh giúp: bệnh của Vương phi nhà Minh là bệnh quái quỷ gì mà cả một Viện Thái y khét tiếng thời ấy phải bó tay? Cụ Tuệ Tĩnh đã có bản lĩnh gì, đã mang theo thứ “thần dược” Nam y gì để dám cam kết chữa bệnh cho bà ta - sau nhiều lần cụ cố tình vờ vĩnh kém cỏi về y thuật để tìm cách thoát cảnh tha hương, và đã chữa khỏi một cách thần tình?...

Lý lẽ bào chữa quan trọng đầu tiên: một học trò, một “truyền nhân” của Thánh y Tuệ Tĩnh thì không thể có chút manh tâm hãm hại người, hoặc dám sơ sẩy trong việc kê đơn bốc thuốc! Sau đó, hắn sẽ tìm đến bác sĩ pháp y để xin chứng thực lại về thứ thuốc còn tồn trong người cô bé xấu số. Thậm chí sẽ đề nghị khám nghiệm lại tử thi… Nhưng sự việc xảy ra đã mấy ngày, và cách xử lý đó thực nhiêu khê, phức tạp, cùng bất đắc dĩ mới phải dùng đến một khi gia đình nạn nhân khăng khăng quy Lê Huân tội giết người, dù cố tình hay vô tình.

Nhìn bức ảnh chụp chung với Lê Huân dưới tượng thờ Tuệ Tĩnh ở Chùa Giám được đóng khung treo giữa nhà, không hiểu sao hắn bỗng nhớ tới câu “Ngũ tạng: Tâm Can Tỳ Phế Thận” trong sách “Hồng Nghĩa giác tư y thư”, liền bảo ông:
- Em thử “đánh trống qua cửa nhà Sấm” nhé: trước khi cho cô bé uống thuốc sắc, anh có hỏi cô ta về tình trạng chung về sức khỏe không, tức là về phủ lục ngũ tạng ấy, đang có vấn đề gì?

Lê Huân ngẩn ra một lúc như từ Cung Trăng rơi xuống, rồi gật gù:

- Thì anh cũng phải xem kỹ mạch con bé, hỏi han tổng thể rồi mới cắt thang chủ trị chứ! Nó hoàn toàn khỏe mạnh, sức trẻ hoàn hảo, tuy có dấu hiệu suy dinh dưỡng… Nhưng chú mày tìm ra cách gì rồi à?

Hắn lắc đầu.

- Chưa. Anh kéo cả em vào sừng trâu rồi đây này! Nhưng… Ánh sáng đôi khi xuất hiện cuối đường hầm. Theo em, việc cần làm bây giờ là anh em mình hãy về quê cô bé, “nghĩa tử là nghĩa tận”, chia buồn với gia đình họ, đóng góp vào tang lễ chút đỉnh. Rồi sẽ dần tìm cách giải quyết ổn thỏa…

Lê Huân ngồi như tượng, không ra vẻ đồng tình hay phản đối. Hắn hiểu: vào lúc sự đe dọa của gia đình nọ đã công khai, gay gắt, tình thế của ông như sợi dây đàn căng sắp đứt, thì ông chẳng phải ân hận gì nữa về các phương thang chữa trị của mình, cũng nguôi bớt đi sự lo lắng cho tương lai nghề nghiệp bản thân. Lúc này, chắc ông chỉ cảm thấy niềm xót xa khó tả cho một số phận đầu xanh tuổi trẻ không may mắn, và băn khoăn đến hao mòn thể lực lẫn tâm trí về nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của cô bé. Cũng chính điều đó giúp hắn có thêm quyết tâm vào cuộc giúp ông, dù chưa biết bằng cách nào.

Hắn tạm biệt ông bằng lời an ủi:

- Sự nghiệp nào mà chẳng gặp trắc trở, anh! “Thần y” nào mà không từng trải qua thử thách sống - còn? Em sẽ hỏi con gái em những điều cần thiết để có thông tin cần thiết cho “phá án”. Có điều anh cần phải tự tin. Anh là vị lương y luôn có quỷ thần hai vai chứng giám, mà kinh Hoa Nghiêm gọi là Đồng Sanh và Đồng Danh, còn kinh Đại thừa gọi là hai vị Đồng Tử Thiện - Ác đó…

Lê Huân chợt tỉnh mộng. Thấy hắn đang bước ra khỏi nhà, ông hét lớn như tu sĩ Phật giáo thời xưa mở đầu cho một “Công án Thiền”:

- Đứng lại!

Hắn giật mình dừng bước, quay ngoắt người lại. Lê Huân hạ giọng, song không mất đi vẻ tôn nghiêm trang trọng như nhà sư đọc Kệ:

- Chú mày vừa nói: “quỷ thần hai vai chứng giám”? Thế có biết, trong Đông y, “quỷ thần” chứng giám cho hai bờ vai con người ta là gì không? Đó chính là hai Kinh Tâm và Kinh Phế. Nếu hai Kinh lạc này bị xúc phạm, thì tất cả phủ lục ngũ tạng có nguy cơ sẽ bị phá hủy… Có là “thuốc Tiên” cũng bó tay!

Thốt ra những điều như chân lý đó, ông tựa bị kiệt sức, ngồi phịch xuống bực cửa, gục đầu xuống vẻ mệt mỏi tột cùng, phẩy tay ra hiệu hắn đi về.

Ở nhà, hắn đã gạn hỏi con gái nhiều điều về cô bạn xấu số của nó. Nhưng toàn là chuyện của bọn trẻ con đang tập làm người lớn, lý thú đối với hắn trong hoàn cảnh cần tìm hiểu tâm lý lứa tuổi “nửa trẻ con nửa người lớn”, còn trong hoàn cảnh này chỉ khiến hắn thêm bế tắc, thậm chí khó chịu.

Lê Huân và bố con hắn đi xe đò về vùng quê biển nọ. Suốt dọc đường trên xe gần hai trăm cây số, qua nhiều thành phố, thị xã, thị tứ, làng quê, cho tới bến cuối, Lê Huân tuyệt đối im lặng. Ông như thả hồn vào một nơi nào xa xôi lắm. Phải chăng ông đang cố lẩn tránh sự thật, chạy trốn cái tâm tư rối canh hẹ tựa đà điểu chúi đầu trong cát? Còn hắn, sau một hồi mệt óc toan tính, bày đặt đủ tình huống và phương án, thì tặc lưỡi: thôi, tùy cơ ứng biến! Không hiểu Thánh y Tuệ Tĩnh, trước tính mệnh của bậc mệnh phụ triều đình danh vọng chót vót liên quan đến sự sống-còn của kẻ lưu vong khốn khổ, cụ đã nghĩ gì, đã làm gì? Phận người như mây nổi, như ngọn cỏ lau bên đường. Hơn sáu trăm năm trước, giữa cõi tạm vô thường này, cụ đã lấy điều gì làm trụ đỡ cho linh hồn phiêu bạt khi tương lai mờ mịt nhân ảnh? Bà bệnh nhân quý tộc nọ, cao sang tột bậc thế nhưng cũng chỉ được người đời sau biết đến nhờ trái tim thương người như thể thương thân của một tù nhân mà sinh mạng nằm trong tay bà ta… Tới khi hắn gọi taxi để về một làng quê biển theo địa chỉ do gia đình Lan ghi vội, Lê Huân mới như bừng tỉnh “giấc mộng Hoàng lương”, hỏi độc một câu vô nghĩa: “Thế là… sắp đến nơi rồi ư?” Trước khi đi, thấy Lê Huân gắng chạy vạy dăm chục triệu để mang theo, hắn bảo: Như thế là anh mặc nhiên thừa nhận mình có tội nên phải bù đắp cho họ, khắc phục hậu quả do mình gây ra. Chúng mình tới, trước hết là vì sự đồng cảm, an ủi gia đình họ trong cảnh đau thương… Em đã chuẩn bị mấy bó hương đặc biệt đây rồi - Nhưng, họ là dân Công giáo, đâu có bàn thờ mà hương khói? - Anh biết một mà không biết hai ạ! Ở các vùng Công giáo toàn tòng bây giờ, bên cạnh Ban thờ Chúa, nhiều gia đình đã làm thêm cả Bàn thờ Gia tiên truyền thống của người Việt. Còn nếu gia đình bé Lan chưa có bàn thờ này, chúng ta sẽ xin phép họ tự làm bàn thờ riêng thờ cô ấy. Họ đâu nỡ từ chối? - Ừ, tùy chú thôi. Anh chẳng còn đầu óc nào nữa - Đầu óc tạm chạy trốn, nhưng anh không bao giờ đánh mất trái tim Bồ Tát, và anh luôn có Quỷ Thần hai vai chứng giám, bảo hộ, anh nhớ nhé?

Thực buồn cười, hắn vô tình giống kẻ “chăm sóc bảo mẫu” đối với một ông lương y đầu điểm bạc, tâm hồn đương tan nát vì lo lắng, sợ hãi và thương cảm. Hắn nói thêm, cũng là động viên chính mình: Chúng ta có “âm phù” của Thiền sư Thánh y Tuệ Tĩnh đó, anh cứ yên tâm!

Xuống xe, thấy con gái cứ đứng nhìn quanh quẩn, hắn sốt ruột:  Mai, con làm gì thế? - Con tìm chỗ bán hoa - Cứ làm như đang ở phố thị không bằng! Tìm hoa gì?

Mai im lặng bí hiểm.

Đoàn hắn về làng quê ấy giữa lúc đội kèn đồng Nhà thờ đang tấu nhạc di quan hạ huyệt của một ai đó. Hắn và Lê Huân bất giác bỏ mũ cúi đầu đợi đám tang đi qua. Một người cầm bát hương đi trước linh cữu, tiếp sau là người cầm di ảnh người đã mất - một ông già. Rồi đến quan tài và con cháu cùng đám đông đưa tiễn người khuất núi… Tới một ngôi nhà có vườn hoa, Mai chạy tọt vào. Hắn thấy con gái hắn nói chuyện gì đó với một ông lão tóc trắng cước đang làm vườn, và ông ta cẩn trọng ngắt vài bông hồng bạch trao cho nó. Khi Mai đưa tiền, ông xua tay. Nó rối rít cảm ơn rồi hớn hở ôm bó hoa nhập trở lại vào đoàn “hành hương” bất đắc dĩ về một xứ đạo… 

Hỏi thăm, đoàn hắn tới một ngôi nhà rìa làng, ngoài cổng tre treo cờ báo tang và một tấm vải dài thêu tên giáo xứ, tên thánh của người đã khuất: “Rosa My Lan”. Đọc cái tên thánh đang bay trong gió biển, hắn chợt vỡ lẽ và thầm cám ơn con gái.

Một anh thanh niên đưa đoàn hắn vào nhà. Bên cạnh Ban thờ Chúa khang trang, quả là có bàn thờ kết hợp “Đông Tây” mới lập, khá giản dị, có di ảnh Lan, một bát hương có cắm hương nghi ngút, một bình hoa huệ trắng, 6 cây nến đang cháy. Phía sau có bức hình chúa Giêsu với dòng chữ Latin: “Tôi xin xác loài người ngày sau sống lại”. Trong khung cảnh gợi linh thiêng, gương mặt cô bé tựa thiên thần dường như được lấp lánh thêm ánh sáng bình yên và tha thứ…

Mai đặt bó hoa hồng trước ảnh bạn và chợt khóc òa lên, hai tay bám vào mép ban thờ. Nó nức nở hồn hậu như đang ở nhà mình, quên phứt rằng đang ở nơi lạ với những ánh nhìn xa lạ. Mấy người phụ nữ lớn bé cũng bước tới, chùi nước mắt. Mấy người đàn ông già trẻ từ phòng bên và từ ngoài nhà bước vào, lặng lẽ cúi đầu trang nghiêm trước sự bộc lộ cảm xúc của đứa con gái bằng tuổi người xấu số…

Đoàn của những “kẻ Ác tạm thời” đối lập với những “người Công chính”, về đây những tưởng sẽ phải đối đầu chịu đựng sự trì chiết, hằn học, căm thù, đe dọa. Nhưng họ mới chỉ thấy những ánh mắt buồn rầu, giữa một không gian tràn ngập tình thương của Đức Chúa Trời văng vẳng qua lời cầu kinh và tiếng chuông nhà thờ xứ, giờ có thêm tình thương của Tổ tiên quấn quýt giữa hương trầm và tiếng khóc nhớ thương bạn… Hắn đốt bó hương, chia cho Lê Huân và con gái, rồi ba người đứng lặng tưởng niệm hồi lâu. Cặp mắt Lê Huân rưng rưng lệ…

Sau bữa tối do gia chủ mời, bên ấm trà tiếp khách, Lê Huân chậm rãi kể lại về cuộc đời làm thuốc Đông y của mình - đặc biệt là giai đoạn mấy năm gần đây ông chú tâm nghiên cứu thực hành các bài thuốc từ cây cỏ của Thánh y Tuệ Tĩnh. Ông kể: những phương thang mà Thánh y tìm tòi cốt để dành cho đông đảo dân nghèo, gửi gắm vào đó ý nghĩa “hiền triết” và “minh triết” cao quý nhất - như cụ hằng tâm niệm: “Thương nhân dân chết chóc/ Chọn hiền triết phương thang”. Và Tuệ Tĩnh tìm thấy chúng trong cây cỏ vườn nhà, ở vườn hoang mà cụ coi là “vườn hạnh” - nghĩa là khu vườn mong giàu sang, may mắn, hạnh phúc, vườn hạnh ngộ chứa đầy lòng yêu thương dành cho người yếu thế, nghèo đói, bất hạnh… Có lẽ nỗi buồn đau mấy ngày qua của ông trước cái chết của cô bé Lan đã làm nền cho lời của ông, khiến những điều vốn xa lạ với người dân Công giáo vùng Duyên hải thấm vào lòng họ một cách tự nhiên và giản dị.

Hắn kín đáo chú ý thái độ của một người thanh niên, được giới thiệu là “cán bộ pháp lý của Ủy ban xã”. Lúc đầu, anh ta đến với cái nhìn lạnh lùng soi mói như của quan tòa, với tâm thế sẵn sàng buông ra những câu hỏi giăng bẫy hoặc phán xét đanh thép, nhằm lôi ra lời thú tội cưỡng ép hay thành khẩn… Ánh mắt của anh ta dịu dần trước lời tâm tình chân thật không phải với mục đích thanh minh. Tới câu: “vườn hạnh ngộ chứa đầy lòng yêu thương dành cho người yếu thế, nghèo đói, bất hạnh” thì hắn thoáng thấy mắt anh ta mở to, lấp lánh vẻ hào hứng. Anh ta nhẹ nhàng cất tiếng:

- Cám ơn bác! Câu chuyện về ông Tuệ Tĩnh hay quá, giờ tôi mới được biết! Sao mà gần gụi thân quen với sứ vụ Bác ái mà các Thánh Tông đồ bên chúng tôi luôn răn dạy về đức tin, sự trông cậy, và điều trọng hơn cả là tình yêu thương… Tôi và gia đình em Lan đây hiểu rồi: bác đã cho em Lan dùng thuốc của “vườn hạnh” như thế. Bác quả là bậc “cứu nhân độ thế”… Nhưng, sao em lại phải ra đi, vào đúng hôm uống thuốc của bác? Em là người Công chính, lòng lành… Em chắc gặp phải sự cố gì ghê gớm lắm…

Lê Huân ngỡ ngàng trước tình huống không ngờ. Ông đang lúng búng tìm cách trả lời thì hắn nhảy vào cuộc:

- Thưa các ông bà và các anh chị. Chính chúng tôi phải cám ơn gia đình và bà con làng xóm cháu Lan đã lắng nghe lương y Lê Huân anh tôi - Nhìn sang thanh niên cán bộ xã - Và rất biết ơn đồng chí, với sự tỉnh táo của lương tri, sự sáng suốt của người cán bộ, đồng chí đã nhận rõ bản chất lương thiện của anh tôi bao năm nay làm nghề cắt thuốc chữa bệnh cứu người bằng thuốc Nam… Còn nguyên nhân sự ra đi đau đớn thương tâm của cháu Lan, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu. Nhưng dám cam đoan rằng: những thang thuốc bổ của anh tôi là vô hại! Đúng như quả quyết của đồng chí đây: chắc cháu Lan gặp phải sự cố gì thực ghê gớm! Chúng tôi nguyện cùng gia đình tìm cho ra sự cố ấy…

Lê Huân lấy lại tinh thần tự lúc nào, mạnh dạn góp chuyện:

- Thưa các vị, mấy hôm liền cháu Lan rất chăm uống thuốc bổ do tôi cắt… Cháu còn bảo: cứ mỗi lần vào kỳ tháng, cháu rất đau, rất khổ sở, có lúc đau quằn quại. Tôi khuyên cháu: qua đợt bồi bổ sức khỏe này, bác sẽ cắt cho thuốc điều kinh, chẳng qua cháu mắc thể hàn thôi… Cháu bảo: vườn nhà cháu rộng mênh mông có thể trồng được nhiều cây thuốc Nam quý, mời bác về thăm, bác phải nói chuyện với bố mẹ cháu về việc trồng thuốc Nam đấy…

Bố của Lan tới bây giờ mới khẽ khàng góp chuyện:

- Gia đình chúng tôi rất cảm kích trước sự chăm sóc của các bác đối với cháu Lan trong những ngày cuối đời… Ý lành của cháu Lan, chúng tôi xin gắng thực hiện ạ…

Câu chuyện bắt đầu quanh cô gái xấu số. Hắn được biết thêm nhiều về Lan, cô con gái đầu của một gia đình làm nghề thủ công sản xuất đồ thờ, là niềm hy vọng của cả xứ đạo. Cô được cả làng quý mến. Cứ mỗi lần cô về quê, bọn trẻ con chạy bám theo cô để được phân chia kẹo bánh… Dạo cuối năm lớp 11, Lan được vợ chồng cô chú đưa ra Hà Nội lo cho ăn học hết THPT, khi biết cháu gái yêu âm nhạc và muốn học đàn Organ; họ sẽ phụ đạo thêm cho Lan về nhạc lý và thỉnh thoảng đưa tới một nhà thờ xứ ngoại thành để thực tập đàn. Sau khi ông chú được cử sang Tây Âu học Thần học, bà cô trở về quê…

Cô của Lan, sau khi kể đã thuê cho Lan một chỗ trọ ra sao, chỉ tay sang Mai:

- Cháu Lan chơi thân với cháu Mai con nhà báo đây - Chị nói với hắn - Đôi lần nghe cháu kể về ông bố nhà báo, giờ em mới được hân hạnh gặp bác…

Một cô bé khoảng 10 tuổi lúc đó mạnh dạn bước tới chỗ con gái hắn, và nép người vào chị vẻ âu yếm, tin cậy.

Lê Huân chơm chớp mắt xúc động:

- Hai cháu hợp nhau có lẽ vì đều thích đọc truyện… Cháu Mai có lần dẫn cháu Lan tới nhà tôi mượn sách… Tôi đã nghe được hai đứa hò hẹn về quê nhà cháu Lan tắm biển…

Mai chợt giơ hai tay ôm mặt khóc hu hu:

- Lan ơi, sao bạn vội đi… Mai đã về quê Lan rồi đây… Mai không bao giờ được tắm biển cùng Lan nữa rồi…

Nó chợt lau nước mắt, quay sang hắn:

- Bố ạ, con rất ân hận là hôm ấy, con đã từ chối Lan một điều… Con thật ích kỷ quá… - Thấy hắn và mọi người mong ngóng chờ đợi, nó nói nhanh - Con đã từ chối tắm cùng với nó…

Hắn giật mình, lờ mờ nhận thấy một đầu mối quan trọng. Quên phắt mọi người chung quanh, hắn hỏi gấp:

- Sao lại từ chối bạn? Mà tắm ở đâu? Tắm vào lúc nào?

- Thế này ạ: sau khi uống thuốc sắc của bác Huân, Lan rủ con ra chơi ghẹ bóng chuyền ở sân vận động Quận. Con nhớ rõ: chơi gần một tiếng, áo chúng con ướt đẫm… Không ngờ buổi chiều bạt gió ấy lại là buổi chiều cuối cùng của Lan…

Màn ảnh trí nhớ như một tia chớp chợt hiện câu đầu mục PHONG, sách “Hồng Nghĩa giác tư y thư” của bộ “Tuệ Tĩnh toàn tập” mà hắn luôn luôn cặp kè trong giai đoạn viết kịch bản điện ảnh “Thánh y Tuệ Tĩnh”: “Phong (gió) là đầu mối khởi phát các thứ bệnh”. Ngay sau mục PHONG gồm mấy mục nhỏ độ nửa trang, là mục HÀN gồm các ghi chép lên tới hai trang sách… Hắn chộp ngay:

- Thế chơi bóng xong, hai đứa làm gì? Về đâu?

- Con về chỗ trọ của Lan mượn cuốn “Muôn dặm không mây” nó hứa tuần trước…

- Khi về tới nhà, nó có biểu hiện gì không?

- Nó kêu hơi bị nhức đầu chóng mặt, nhưng vui lắm, và bắt con hứa sẽ về quê với nó dịp hè này, cùng đi tắm biển…

Hắn hồi hộp ngắt lời:

- Thế hai đứa có tắm ngay không?

- Đưa sách xong, nó rủ con cùng tắm. Con bảo: Tao về nhà tao tắm thích hơn.

- Thế… Lan vào tắm luôn à ?

Mai ngạc nhiên :

- Vâng. Đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà bố, chịu sao nổi!

Hắn dồn dập:

- Thế nào? Con có tắm cùng với Lan không, hay đi về ngay? Hay là đợi nó tắm xong mới về?

- Con đợi thế nào được! Bọn con gái chúng con thường bảo nhau: chuyện tắm gội của nữ giới là thử thách kinh khủng đối với những anh chàng đang yêu mà thiếu kiên nhẫn…

- Vậy là, nó thì vào tắm ngay, còn con thì về nhà luôn?

Nước mắt còn lưng tròng, Lan tròn mắt nhìn giây lát như hắn là một thám tử kỳ dị, rồi lặng lẽ gật đầu.

- Vậy con biết Lan phải vào viện lúc nào?

- Ngay tối hôm đó, bạn trai của nó tới thăm, thấy nó nằm sốt li bì. Anh ấy gọi điện cho con, rồi chúng con đưa nó vào bệnh viện… Chiều hôm sau nó đi, chẳng kịp trăng trối với ai điều gì… Bác Huân mang thuốc giải tới không kịp…

Mắt hắn hoa lên như sắp bị ngất. Đây rồi, “đích danh thủ phạm”! Lời Lê Huân hôm trước bỗng thành thác dội trong hắn: Thế có biết, trong Đông y, “quỷ thần” chứng giám cho hai bờ vai con người ta là gì không? Đó chính là hai Kinh Tâm và Kinh Phế. Nếu hai Kinh lạc này bị xúc phạm, thì tất cả phủ lục ngũ tạng có nguy cơ sẽ bị phá hủy! Có là “thuốc Tiên” cũng phải bó tay! Bất giác hắn ôm đầu thốt lên:

- Trời ơi!...

Thấy mọi người quanh bàn nước nhìn hắn chăm chú căng thẳng, hắn cố tự trấn tĩnh để lý lẽ đang ứ trào khỏi bị cuốn trôi mất điều nào:

- Thưa các ông bà, các bác các anh chị… Tất cả chúng ta vừa tình cờ được biết nguyên nhân thật sự… nguyên nhân sự ra đi tức tưởi của cháu Lan… Đó là chứng cảm PHONG HÀN… Nó cực kỳ nguy hại… Thánh y Tuệ Tĩnh và nhiều danh y xưa nay đã nói tới… Chúng tôi sẽ gửi tài liệu cho gia đình ta để cùng chúng tôi quảng bá rộng điều này làm phúc, giúp con em nhiều gia đình khác tránh khỏi sai lầm chết người… Vâng, cháu nhà ta đã tắm nước lạnh lúc mồ hôi còn đầy khắp người… Trước đó, mồ hôi đã gặp gió rồi… Phải, chứng cảm PHONG HÀN đã phạm vào thân thể cháu khi đang bốc hỏa gặp phải gió lạnh và nước lạnh, gây ra sự tàn phá nặng nề toàn bộ Tâm - Can - Tỳ - Phế - Thận, hủy hoại sự sống của cháu!… Tiếc thay, chưa ai bảo cho cháu điều tối kỵ này!… Thương quá, cháu ơi…

Hắn nghẹn ngào, bất chấp luật xã giao nơi xứ lạ, với tín ngưỡng lạ, bởi đến tận lúc này hắn mới cảm nhận tới tận đáy nỗi đau mất người ruột thịt của những con người xa lạ kia. Và họ đều òa khóc. Khóc sau những ngày khóc con khóc cháu tưởng không còn nước mắt nữa, trong mối đồng cảm giữa các bậc phụ huynh đang có con, có cháu, có em gái bước vào Tuổi Hoa…

Còn đối với riêng hắn - chưa cần kể với lương y Lê Huân vội,- hắn hiểu rằng giờ đây hắn sẽ tiếp tục viết những cảnh phim về cuộc đời vinh quang và đau đớn của Thánh y Tuệ Tĩnh, nhưng dưới sự chứng giám nghiệt ngã của “Quỷ Thần hai vai”... Và sự chứng giám này chắc hẳn còn có cả ánh nhìn vừa nhân từ vừa nghiêm nghị rọi đau đáu vào cõi đời phù du của một cô bé đã về với thiên nhiên vĩnh cửu.

 

Hà Nội, Lập Đông 2024

MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 16146)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
12 Tháng Sáu 20259:55 SA(Xem: 1626)
trái bóng vẫn lăn... / mấy ngày ở Seattle / theo đà chiếc bánh lăn / một sáng chế mà người bạn đường một thuở đang gửi gắm / thấy chiếc xe đạp vẫn bươn bả trên đường / dù ở nơi nào / xa vạn dặm quê hương
11 Tháng Sáu 20259:50 CH(Xem: 1737)
Anh còn có gì / Ngoài khung cửa nhỏ / Em về qua phố / Nắng rực đường đi! -- Em mỉm môi cười: Tình trao ai đó? Lòng anh không gió / Cũng lộng niềm vui /
06 Tháng Sáu 20254:06 CH(Xem: 2497)
Năm ấy, khi còn đang mài đũng quần để lấy tấm bằng Master, anh làm thêm trong một hầm rượu. Một quán rượu nằm nửa chìm nửa nổi dọc bờ sông Seine. Anh không muốn xin tiền nàng vào những khoản bí mật của một thằng đàn ông đã đến tuổi tự lập từ lâu, nên cuộc đi làm thêm diễn ra cũng bí mật, kín đáo y như cái quán rượu huyền bí này- nửa chìm, nửa nổi. Sơ mi trắng, nơ đen, chạy băng băng giữa các thực khách, luôn nhoẻn cười quá ư lễ độ, vô cùng nhũn nhặn phô hàm răng khểnh, không ai nhận ra ngài trợ giảng một trường đại học trong trang phục bồi bàn, nói tiếng Pháp chuẩn âm Paris.
06 Tháng Sáu 20253:23 SA(Xem: 2585)
Tập thơ “Hẹn Anh Về Vỹ Dạ Ngắm Mưa Bay” của Hoàng Thị Bích Hà có hơn 180 bài thơ dài ngắn khác nhau được chia làm 2 phần: Phần 1: 80 bài thơ, Phần 2: 116 bài thơ bốn câu. Phần 1: 80 bài thơ tuyển là những bài tâm đắc được chọn lọc ra từ 10 tập thơ trước đã xuất bản và một số bài thơ mới sáng tác trong thời gian gần đây, chưa in nhưng đã được đăng tải trên các trang báo mạng và website Văn học Nghệ thuật trong và ngoài nước. Phần 2 là những khổ thơ yêu thích, mỗi bài chỉ chon 4 câu trong số những bài thơ đã xuất bản.
06 Tháng Sáu 20252:58 SA(Xem: 2555)
Trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn này, tôi đã tham khảo nhiều nguồn thông tin và trực tiếp đối thoại với những nhân vật “sống” trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phản hồi nhận được đa phần rơi vào ba mô thức: (1) phê phán gay gắt phía đối lập, (2) nói chung chung với lý thuyết viễn mơ, hoặc (3) phủ nhận hoàn toàn tính khả thi của việc hòa hợp hòa giải. Do đó, tôi đã tìm đến Trí tuệ Nhân tạo Chat GPT – như một cuộc đối thoại với "sự trống vắng im lặng", và đồng thời là một sự tổng hợp từ hàng triệu nguồn tiếng nói – để có được một cái nhìn khách quan, toàn diện, mang tinh thần đối thoại tương kính về một vấn đề lớn và dai dẳng của dân tộc Việt Nam.
31 Tháng Năm 20251:27 CH(Xem: 3855)
Tôi không phải là một “cư dân mạng” thuần thành, nhãn hiệu mà người ta thường dùng để chỉ những người sống trong thế giới ảo nhiều hơn trong thế giới thật. Tuy vậy, tôi vẫn nặng lòng biết ơn tất cả những nhân tài về kỹ thuật tân tiến trên thế giới đã đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy kho tàng văn minh của nhân loại qua các nền tảng trên mạng như Google, Facebook, Wikipedia, YouTube... và gần đây hơn nữa là ChatGPT. Những nguồn thông tin đó đã giúp chúng ta học hỏi, tìm hiểu về vốn kiến thức đồ sộ của con người từ đời nay sang đời khác, trong một thời gian rất ngắn. Cuối thế kỷ trước, khi mạng lưới toàn cầu đã ra đời nhưng chưa thông dụng mấy, tôi từng phải vào thư viện biết bao nhiêu lần, nhiều khi chỉ để tra tìm một chữ, một khái niệm, trong suốt thời gian viết luận án của mình. Ngày nay, chỉ cần “nhấp con chuột” một cái, chúng ta đã có thể tìm được điều mình muốn tìm trong tích tắc.
29 Tháng Năm 20251:06 SA(Xem: 2673)
Ở đâu tôi không biết chứ ở làng quê tôi, điều này đến thế hệ mình ít thấy được duy trì cách gọi này. Thôi thì con cái họ, họ cứ gọi tên cũng được, không sao! Nhưng với người khác nhất là anh em họ hàng nhưng họ lớn tuổi hơn mình thì cần lưu ý cách xưng hô cho lịch sự, dễ nghe để hiệu quả giao tiếp được tốt hơn.
29 Tháng Năm 202512:54 SA(Xem: 2401)
Năm 2025 Hoàng Thị Bích Hà trình làng 2 tập thơ: “Hoa tím sầu đông” (gồm 103 bài thơ) và “Hẹn anh về vĩ dạ ngắm mưa bay” (Hơn 180 bài). Hai tập thơ này tuyển chọn ra những bài thơ tâm đắc của Hoàng Thị Bích Hà trong 10 tập thơ đã xuất bản từ mấy năm trước đây. Những tập gồm 50 bài, mỗi tập lọc ra khoảng 10-15 bài, trong những tập gồm có 100 bài thơ lọc ra khoảng 15-20 bài. (Đây là 2 tập thơ cuối cùng khép lại việc in thơ. Từ nay về sau tôi tiếp tục dành thời gian và tâm huyết cho truyện ngắn và tùy bút, nếu bất chợt có cảm hứng thì vẫn làm thơ, đăng báo chứ không xuất bản nữa).
29 Tháng Năm 202512:23 SA(Xem: 2943)
Trong những năm gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI : Artificial Intelligence) đã tạo ra một làn sóng quan tâm sâu rộng trong giới viết lách. Với nhiều người, đây là một phương tiện mới mẻ, đáng để thử nghiệm. Nhưng với không ít người khác , nhất là những cây bút kỳ cựu hoặc thủ cựu, thì sự xuất hiện của AI đặt ra những hoài nghi, thậm chí phản ứng: Có nên xử dụng AI khi viết văn? Nếu có sự trợ giúp như thế, tác phẩm đó có còn là của cá nhân? Người viết có còn xứng đáng đứng tên tác giả? Tôi từng bỡ ngỡ và đặt những câu hỏi ấy khi mới tiếp xúc với AI. Nhưng nhờ trải nghiệm thực tiễn, tôi dần nhận ra bản chất thật sự của công cụ này – và càng hiểu rõ hơn đâu là ranh giới giữa công cụ hỗ trợ và ý tưởng sáng tạo. Bài viết này chia xẻ góc nhìn cá nhân ấy, không nhằm tranh luận hay áp đặt, mà như một cách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn: trí tuệ nhân tạo không hề thay thế con người, và việc xử dụng AI trong sáng tác – nếu trung thực và có ý thức – là điều hợp lý và xứng đáng.