- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HOÀNG CẦM

18 Tháng Năm 202511:27 CH(Xem: 3678)




Ngày 06.05.2010, cách nay 15 năm, tôi mất một người bạn thân và quý ở Hà Nội. Đó là anh Hoàng Cầm. Hoàng Cầm và Thái Bá Vân là hai người bạn HN mà tôi có tình thân và quý mến từ những năm 1990. Tình cảm này đã gây trong tôi những xúc động sâu xa khi mất đi các anh. Tôi không làm Thơ theo lối “khóc bạn” cổ điển. Những bài Thơ viết về các bạn đã mất là những cảm xúc của một tình bạn tuy không gian cách xa, nhưng rất gần gũi trong Tình, trong Thơ.

Tôi trích ra đây lần đầu tiên trong tập văn xuôi duy nhất của tôi “Ghi Chú Về Không Sự” (Notizen der Nichtigkeit) một đoạn tôi ghi về tình bạn hiếm có này, trong khoảng thời gian 20 năm từ 1995 đến lúc anh mất.
NGUYỄN CHÍ TRUNG

 

chi trung HOANG CAM
HINH 1: Chí Trung và Hoàng Cầm

 

*** HOÀNG CẦM ***

 

Những lần sau này, mỗi khi tôi về Hà Nội, tôi đều có đến thăm anh, nhất là sau khi Vân mất. Một thời điểm nào đó, tôi đứng trước một căn nhà gạch mới xây, không thấy căn nhà xưa đâu nữa. Tôi gọi “anh Cầm ơi” vói lên nhà. Từ trên cao có tiếng anh đáp trả “ai đấy”: Khi nghe tiếng trả lời vọng lên anh biết là tôi, những lần đầu anh bước xuống cầu thang đón và dẫn tôi lên tầng trên, chỉ một lần đó thôi. Lần cuối cùng, tôi tự đi ttừng nấc thang lên ba hay bốn tầng đến chỗ anh “ở”, nghĩa là nơi anh nàm.

 

Một lần của những năm xưa tôi và vợ tôi đến thăm anh. Lúc đó là vào giai đoạn đầu, tức là khoảng sau 1997, khi tôi đã in “Thi Ca Ngoại Tập” ở nxb Văn Học HN. Nhà anh đã không còn là ngôi nhà gỗ lụp xụp và tối như lần đầu Vân dẫn tôi đến, mà đã trở thành nhà gạch có một tầng trên. Tôi và KC lên trên gác gặp anh. Tôi thấy anh vẫn đang nằm rất tự nhiên, mặc áo maillot và quần pyjama, bên cạnh một “bàn đèn”. Song song với anh là một người râu tóc cũng đã muối tiêu, cũng nằm bên cạnh. Hóa ra hai người đang có chầu thuốc phiện. Anh Cầm giới thiệu chúng tôi, đây là anh Quang. Tôi chưa nghe và chưa gặp anh Quang bao giờ. Hai người rất tự nhiên, dù có mặt một phụ nữ là vợ tôi, vẫn tiếp tục chuyện trò với tôi và thay phiên nhau trao đổi điếu thuốc hút. Tôi vốn đã quen cảnh người hút thuốc phiện, thời tre tuổi (những năm 1950er), hai căn nhà sát bên cạnh nhà tôi đều có người hút thuốc phiện. Mỗi buổi trưa, khi trời nóng nực quá và tôi không ngủ được, tôi hay leo lên gác xép xây trên phòng bếp. Ở đấy tôi có thể nhìn qua nhà bên cạnh qua các khe hở của các liếp gỗ là vách ngăn nhà nhau. Và bên ấy có chồng của cô y tá hàng xóm nằm bên cạnh bàn đèn. Mỗi khi ông ấy rít một hơi dài và khoan khoái thở ra, khói bay đầy phòng, xuyên qua các liếp gỗ đến tận mũi tôi: tôi chỉ thấy một mùi thơm rất dễ chịu. Giờ đây, sau mấy mươi năm, tôi trực tiếp ngồi cạnh một người bạn già, nằm hút trong một bầu không khí gần gũi thân mật, mùi khói thuốc càng nồng, càng ấm và càng thơm đối với tôi. Anh hỏi hai đứa chúng tôi, “có muốn thử không thì anh đưa cho thử cho biết”. Tôi từ chối, nhưng vợ tôi, vốn là một người rất tự nhiên và cỡi mở, có vẽ muốn thử, nhưng sau cùng chỉ cười cám ơn khi anh hỏi thêm lần nữa.

 

Bữa anh và anh Q. hút thuốc hôm đó, tôi có ghi lại trong một số ảnh chụp. Lúc ấy, không ai có khả năng hoặc trí tưởng tượng nghĩ ra sau này sẽ có những máy ảnh, chụp bao nhiêu cũng được, vì chụp xong xóa đi ngay được. Tôi phải dè dặt vì những cuộn phim mang theo chỉ có 36 bức tối đa. Và mỗi bức chụp hỏng, là mất một bức. Bây giờ nhớ lại, tôi ngạc nhiên vì sự “tự nhiên” của mình, chụp ảnh anh Q., một người lạ đối với tôi mà không xin phép, và sự tự do phóng khoáng của anh Q, không phiền hà gì khi tôi ghi lại chầu thuốc phiên đấy trong những hình ảnh. Trên nguyên tắc, việc hút nha phiến ở VN vẫn bị luật pháp cấm cho đến ngày nay. Và việc anh HC nghiện thuốc phiện cũng là điều mà ai cũng biết, những người có dính dáng đến giới văn nghệ sĩ HN. Anh có nói với tôi là anh đã có lý do từ hồi trẻ, tại sao phải trở nên bị “nghiện” thuốc phiện. Nếu tôi nhớ không nhầm thì lý do là vì anh bị suyển nặng. Viết đến đây, tôi nghĩ mình phải mở một dấu ngoặc thật dài và rộng. Đó là tôi muốn nói về cái gọi là trí nhớ của tôi, nay đã trở thành “trí nhớ của một người 77 tuổi”, nghĩa là tôi không dám, không có thể khẳng định 100% những thời điểm mà tôi viết ra có chính xác hay không. Nếu sau này, có một người nào đó “tìm ra” sự không-chính-xác của các thời điểm đã được ghi ra, thì đó không phải là lý do để phê bình hay nghi vấn những chuyện tôi kể ra đây, những chuyện đã có giữa các bạn văn nghẹ sĩ và tôi. Xin đóng ngoặc dài ở đây.

 

Và cũng nhờ vào thuốc phiện mà anh còn sống được đến ngày nay, nghĩa là những ngày tháng của cuối những năm 1990er. Và anh còn nói thêm một điều này là anh đã nhiều lần được các hội hè hay bạn hữu VN ở bên Pháp mời sang Paris. Anh cũng muốn đi lắm, nhưng họ không có lời giải cho “vấn đề thuốc” cho anh nên chuyện đi nước ngoài của Hoàng Cầm đã không bao giờ xảy ra.

 

Nhiều lần tôi cũng có gọi điện về cho anh và nói chuyện, dù lúc bấy giờ điện thoại chỉ có thể được thực hiện qua đường của bưu điện, của các hãng sau này được gọi đại khái với một cái tên là “Viễn Thông”. Anh và tôi nói chuyện về Thơ, và về cái gọi là “quê nhà”. Anh không cần và có lẽ không hề biết ý niệm “Quê Nhà & Quê Hương” nơi tôi nó khác biệt đến ý niệm cùng chữ gọi đó của nững người như anh, một đời gắn bó với đấu tranh, từ thời Pháp thuộc, sau này đến chuyện tù đày vì đòi hỏi tự do cho người nghệ sĩ, cho đến cuộc chiến tranh Nam Bắc, và chưa một lần rời bỏ hay ra khỏi đất nước. Anh nói với tất cả sự giản dị của một tinh thần yêu nước của một người nghệ sĩ VN.

 

Tôi nhớ một lần tôi đến chơi với anh vào một chiều tối. Anh vui mừng và một lúc nào đó nói: “hai anh em mình đi uống bia hơi”. Anh kéo tôi ra khỏi con ngõ 39 Lý Quốc Sư, đi một quãng về phía Nhà Thờ và xê vào một quán bia. Thời ấy HN đã từ từ thay đổi bộ mặt, đương phố đã có nhiều đèn và sáng sủa hơn, các cửa hiệu ăn uống cũng có vẻ sạch sẽ tươm tất hơn, không còn gây một ấn tượng đen đủi luộm thuộm nữa. Anh gọi họ mang bia hơi ra uống. Tôi chỉ biết bia hơi là loại bia rẻ tiền hơn bia ngoại quốc được đóng trong những lon thường thấy. Loại bia này, chỉ có được cái là rất nhẹ, vị rất loãng, hầu như không có, và rất nhiều hơi. Cái “lợi điểm” của bia hơi là người ta có cảm giác là đã uống rất nhiều bia, khi bắt đầu ngà ngà say. Hai chúng tôi ngồi tà tà uống những cốc bia 1 lít to nặng, như những cốc bia người ta thường thấy ở Đại Hội Tháng Mười Ở Munich (Oktoberfest in München, Deutschland) và nói chuyện văn chương chữ nghĩa. Tôi có nhờ người của quán chụp ảnh để kỷ niệm. Đến khuya anh đã ngà say và dĩ nhiên tôi cũng thế. Tôi đứng lên, dìu anh về đến tận nhà và từ giã anh. Tôi vì tối hôm ấy chưa hoặc đúng hơn đã không ăn gì nên uống khá nhiều bia vào bụng trống, nên tôi phải lão đảo tìm đường về, nửa choáng váng vì men rượu, nửa buồn bả vô hạn vì chia tay bạn già, nhất là khi tôi ở một phương trời nào đó, xa xôi … vô cùng tận.

 

Lần cuối cùng tôi đến thăm anh là vào mùa đông năm trước khi anh mất. Tôi đi bộ lên nhiều từng lầu, lên tận tầng chót. Có vẻ như đấy là phòng riêng của anh. HN vào mùa đông, tháng giêng hay hai, có thể thật lạnh. Hơn nữa những nhà được xây lên trong khoảng thời gian trước hay lúc đó phần lớn là vẫn không (hay chưa) chú ý đến vấn đề kín gió, nghĩa là vẫn hở đầu hở đuôi, trong nhà không có thiết bị lò sưởi dù dưới bất cứ hình thức nào (máy nóng lạnh hai chiều). Anh nằm trên giường, giữa một đống chăn mền hỗn độn, và có mặc áo len. Tôi thấy anh đã già hẵn đi, khác với những ngày tháng anh và tôi kéo nhau đi uống “Bia Hơi” ở đâu đó ngoài đường. và anh cũng ốm nhiều đi, cùng với dáng điệu, cử động mệt mõi. Tuy nhiên anh luôn cho tôi một nụ cười mừng rở và vui vẻ lúc hai anh em gặp nhau lại, dù là đã một hay nhiều năm không gặp lại nhau: lần ấy anh cho tôi quyển sách mới in ra của anh, “Văn Xuôi Hoàng Cầm” và ký tặng tôi. Trong tập sách này họ có in cả bài HC viết về NCT, lúc hai anh em gặp nhau lần đầu, khi tôi tặng anh tập Thơ Trong Hồi Tắt Hơi (THTH, in ở Đức). Anh có tặng tôi nguyên cả bản thảo viết tay sau khi anh viết bài ấy. Hôm tất cả mấy anh em tụ tập nhau ở nhà anh Vân, anh cũng có chép tay giao cho tôi một bài Thơ anh tặng cho cô …. , một người phụ nữ có quan hệ với anh.

 

Một lúc người nhà của anh mang lên một bát cháo cho anh. Anh nửa nằm trên giường, nửa phải hay muốn ngồi dậy để ăn tối. Tôi giúp anh ngồi dựa lưng trên đống gối mền, và đút từng muỗng cháo cho anh ăn. Anh vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ với tôi, như không có chuyện gì đáng phàn nàn xảy ra. Những tấm hình chụp anh HC và tôi tối hôm giã biệt ấy, là những tấm hình thật quý của tôi. Tôi chỉ phổ biến một hai tấm trong nhiều tấm tôi có, vì ở thời đại thông minh nhân tạo và mạng xã hội, có lẽ chẳng ai quan tâm đến chuyện tác quyền, “đạo ảnh / đạo văn / đạo thơ / đạo nhạc”, không chỉ kẻ “”đạo” mà kể cả kẻ “tác”.

Mùa xuân năm 2010 đó, tôi được tin thi sĩ Hoàng Cầm đã mất tại HN.

Dưới đây là hai bài trường thi tôi viết cho anh:

 

chi trung HOANG CAM 2
HINH 2 : Bia hơi Lý Quốc Sư với Hoàng Cầm

 

Nguyễn Chí Trung

GỬI HOÀNG CẦM

 

Tôi là kẻ ở phương xa

Tôi đi khắp đất, đâu là quê hương

Lâu rồi tôi mỏi phố phường

Lâu rồi tôi chẳng còn mường tượng ra

Biết bao thành phố tôi qua

Giống nhau như thể chỉ là một thôi

Sáng choang rực rỡ chói ngời

Mà trong rỗng tuếch vì tôi không cùng

Có khi tự rỗng không chừng

Như là cuộc sống trong vùng văn minh

Rằng tình thì cũng là tình

Hiện sinh thì cũng hiện sinh như ruồi

Biết bao quán rượu tôi ngồi

Rượu thì ngon thật, không người cùng vui

Tôi say chỉ một mình tôi

Thiếu vài người bạn đứng ngồi ngửa nghiêng

Tôi qua suốt xứ suốt miền

Lỡ chân tôi đến cõi riêng không đường

Cõi riêng chỉ mở một chương

Chép xong trang cuối hết phương để về

Đã đành tôi sống như mê

Bên bờ thực tại không hề bước sang

Hơn ba mươi năm lang thang

Tôi mang cảm giác dở dang hết đời

Đầu tôi nặng nhọc những lời

Hồn tôi mệt nhọc những đời của ai

Chuyện là chuyện của trần ai

Tôi bê tôi vác từng hoài ấy năm

Bây giờ đời đã xa xăm

Râu tôi đã điểm hoa râm một vài

Thơ thì viết được dăm bài

Có bài thì có có bài thì không

Có điều hình dáng hình dung

Trụ ngoài mà tưởng như trong lòng này

Hình xa vắng bóng còn dài

Bao năm ngây ngất lạc loài tìm nhau

Tảo thanh còn lại vài câu

Đổi vui đã chuốc được sầu bao nhiêu

Rằng là cựa quậy đã nhiều

Ở trong chữ nghĩa những điều nói ra ?

Dù gì đi nữa cũng là

Cơn mê tận, hơi đâu mà mất công ?

Thiết tha tha thiết lạ lùng

Rồi ra tất cả trùng phùng bụi hơi

Viết là tìm kiếm khắp nơi

Những gì sót lại trong lời phù du

Hay là giam hãm mùa thu

Vào linh hồn nặng sa mù điêu linh?

07. – 21.06.1998

(trích Tạp Thi - 1998)

***

chi trung HOANG CAM 3
HINH 3: Mùa đông cuối cùng của anh Cầm.



Nguyễn Chí Trung

HOÀNG CẦM

06.05.2010

 

Tháng năm cách nay hai năm

Người tình bỏ đi xa xăm cõi ngoài

Nỗi buồn từ xưa đến nay

Đã dài, giờ lại còn dài thêm hơn

Đầu xuân cây lá mởn mơn

Hoa rực nở, tôi chập chờn cơn mê

Hình như bao nhiêu não nề

Của cuộc sống tôi đều vê vào người

Thật ra tôi mệt lắm rồi

Tuy có người nói yêu tôi vô cùng

Rủ tôi vào cuộc chơi chung

Cửa tôi đã đóng, lại lần mở ra

Để xem những cuộc người ta

Hai chữ “tình yêu” bày ra thêm gì?

(Tôi vẫn muốn sống, một khi

Tôi chưa thành bụi bay đi về trời)

*

Đêm sáu tây trời tối thui

Tôi đang tưởng tượng cuộc đời vẽ thêm

Vì hình như vẫn còn thèm

Cuộc, muốn là hết, mà vẫn đem thêm điều

Càng khao khát sống bao nhiêu

Thì tôi càng chán bấy nhiêu con người

Đầu tôi “quyết định” rút lui

Lòng tôi nhậy cảm lời người “yêu thương”

Tình yêu, một bãi chiến trường

Người nào đẫm máu đầy thương tích là

Người đã có thể thăng hoa

Đưa hồn đến cõi sâu xa vô cùng

Chỉ nới đó hồn trùng phùng

Lời Thơ chỉ nở trong vùng khổ đau

Nghệ thuật chỉ là tiếng gào

Không thanh âm của đêm sâu kéo dài

*

Trong đêm sắp vào cơn say

Rượu đang kết thúc một ngày sắp xong

Tôi nằm hút thuốc trong phòng

Một cú điện thoại, tôi không hề chờ

“Ông Hoàng Cầm đã hết giờ!”

Từ xa tiếng vọng, tôi ngờ là không

Tuy vẫn vốn biết trong lòng

Giờ anh sẽ điểm, sẽ không còn dài

*

Khoảng hơn ba năm trước đây

Tôi về Hà Nội một ngày mùa đông

Ở trên tầng thượng lầu năm

Chiếc giường là chốn nhiều năm không rời

Phong phanh phòng trống tôi ngồi

Gió mùa đông bắc qua đời thê lương

Mền, khăn, áo, bề bộn giường

Đỡ anh qua cõi bình thường tôi nâng

Chén súp âm ấm đến gần

Từng muỗng tôi đút dần dần anh ăn

Tôi buồn, không thiết nói năng

Đầu tôi nhắc nhở tôi rằng chia tay

Lần cuối, có lẽ lần này

Giọng anh yếu ớt, nhưng đầy tâm can

*

Trong không khí lạnh mênh mang

Phòng không lò sưởi hở hang bốn bề

Hở hang không gây đam mê

Trụi trần cuộc sống, ê chề càng hơn

Làm sao sống mà không hờn?

Bao nhiêu giấc mộng đã trôi tuột rồi

Cuối cùng thêm cuộc đơn côi

Bảo sao không nỗi ngậm ngùi lúc đi?

Chúng ta Sự Thật cũng vì

Ấy là trả giá: cuộc đi đọa đày

*

Chúng ta cũng có những ngày

Hơn mười năm trước, vui vầy cùng nhau

Khi tôi đặt bước lần đầu

Về Hà Nội để tìm đâu bóng hình

Tháng năm thành phố trời hanh

Ở Thanh Xuân Bắc nhà Vân chật đầy

Có anh, Lê Đạt và Mây

Bài Thơ anh tặng, chép tay, tôi còn

Ngày ấy cuộc vui chưa mòn

Bạn bè còn đấy trong cơn say mèm

Gió tuy cũng lạnh qua phên

Nhưng tình bạn ấm, ta quên được đời

Ở trong thân phận làm người

Chúng ta giữ được nụ cười cho nhau

Cùng chung một nỗi đớn đau

Hũ rượu an ủi đáy sâu tháng ngày

Ẩnh hình tôi chụp còn đây

Mong sao giữ lại sau này. (Cho ai?)

*

Lúc Vân dẫn đến nhà anh

Bốn ba Lý Quốc Sư, thành nơi thân

Khi xưa lụp sụp tối tăm

Từ gác lửng, chốn anh nằm, xuống thang

Ngồi trên manh chiếu võ vàng

Uống trà đen đậm, tôi mang trong lòng

Những gì thâm cảm, mà không

Chữ lời nào nói … tận cùng đến nay

*

Những năm tháng tiếp sau này

Thăm anh, tôi đến, nhà xây cao tầng

Anh nằm hút thuốc khói dâng

Mùi thơm ngào ngạt, tình thân ngập phòng

Anh hỏi tôi muốn thử không?

Những gì tôi muốn, tôi không thể nào!

Tôi còn muốn – biết là bao

Tôi yêu cuộc sống, khát khao hàng ngày

Đời người ngắn, chuyện thì dài

Cuối cùng, ta sống một ngày một đêm

Ánh trăng giờ đã đến thềm

Giờ thì sắp điểm, thịt mềm xương tan

*

Những trưa Hà Nội nắng chang

Đường Trần Hưng Đạo ngồi ngang vỉa hè

Những chiếc ghế đẩu lè tè

Mặt đất lồi lõm đá đè lên chân

Từ xa tôi trở về gần

Từ chân trời khách đến chân trời nhà

Có khi tôi đi quá xa

Các anh ở lại, tưởng là quê hương

*

Những chiều phố lạc trong sương

Lý Quốc Sư, ngồi đầu đường, anh, tôi

Chúng ta uống mãi bia hơi

Và ợ lên những nỗi đời ngổn ngang

Không ăn gì, chỉ uống càn

Dìu anh về, tôi lại càng buồn hơn

Nửa khuya ngất ngưởng chập chờn

Bóng mình như bóng ma vờn bóng cây

Bờ Hồ sương tản mạn vây

Đèn vàng ám khói, ôi ngày vui qua

Đốt điếu thuốc khói la đà

Quẩn quanh tìm mãi, không ra đường về

*

Hà Nội ngày ấy lê thê

Bờ tường rêu mốc vỗ về sáu canh

Bao nhiêu thế kỷ chiến tranh

Bây giờ đất nước khúc quanh điêu tàn

Tinh thần dân tộc rã tan

Văn minh vật chất rần rần đuổi theo

Đấy là tình cảnh đói nghèo

Ngửi mùi tiền bạc đem treo linh hồn

Anh là người bạn cuối cùng

Bây giờ, tất cả thành vùng chiêm bao

Tôi về thành phố lao đao

Tìm nơi tạm trú, chốn nào nơi đây?

Mộ các anh, bụi chắc dầy?

Đời tôi còn chỉ những ngày buồn tênh

Có khi vốn đã rỗng tuênh

Vì đâu ý nghĩa ? Mà tìm cho ra !

Tôi như là một người già

Làm Thơ khóc bạn “kêu la” đời mình

Chúng ta một cuộc tiến trình

Của linh hồn đọa trong tình người thôi

“Xong việc” là lúc qua đời

Còn chưa xong thì lại dời đến mai

*

Bao nhiêu những câu Thơ « hay »

Tôi đã viết hết cái ngày Vân đi

(Tôi đang nghe nhạc Satie)

Và Giáng, Nguyên, Sơn lúc về âm gian

Thơ tôi lệ chảy từng hàng

Tiếp, thay các anh thở than cuộc đời

Giờ đây không có một người

Để tôi gửi đọc những lời viết ra

Thơ tôi mất cả quê nhà

Mà xưa nay vốn không là Quê Hương

*

Tôi đi khắp những nẽo đường

Đọc Thơ cho thế giới đương mất dần

Cũng có vài người ân cần

Cám ơn tôi đã hiến dâng đời mình

Tiếp tục cái việc thiêng linh

Để cho Cái Đẹp hiện hình trần gian

Khi trên mặt đất điêu tàn

Con người biến mất. Vài hàng còn đây?

15. - 16.08.2010

(trích Tạp Thi - 2010)

© Nguyen Chi Trung 2025
**

(Vì sách chưa in nên tác giả không cho phép chụp hay sao lại để phổ biến khi chưa có phép của tác giả - all Rights reserved –

© Nguyen Chi Trung 2025)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tư 20244:07 CH(Xem: 16085)
On the evening of December 21, 1946, the Bach Mai radio resumed its operations somewhere in the province of Ha Dong after a day of silence. One of its broadcasts was Ho Chi Minh’s appeal to the Viets for a war of resistance. He reportedly said: The gang of French colonialists is aiming to reconquer our country. The hour is grave. Let us stand up and unify ourselves, regardless of ideologies, ethnicities [or] religions. You should fight by all means at your disposal. You have to fight with your guns, your pickaxes, your shovels [or] your sticks. You have to save the independence and territorial integrity of our country. The final victory will be ours. Long live independent and indivisible Viet Nam. Long live democracy.
12 Tháng Sáu 20259:55 SA(Xem: 901)
trái bóng vẫn lăn... / mấy ngày ở Seattle / theo đà chiếc bánh lăn / một sáng chế mà người bạn đường một thuở đang gửi gắm / thấy chiếc xe đạp vẫn bươn bả trên đường / dù ở nơi nào / xa vạn dặm quê hương
11 Tháng Sáu 20259:50 CH(Xem: 1112)
Anh còn có gì / Ngoài khung cửa nhỏ / Em về qua phố / Nắng rực đường đi! -- Em mỉm môi cười: Tình trao ai đó? Lòng anh không gió / Cũng lộng niềm vui /
06 Tháng Sáu 20254:06 CH(Xem: 2234)
Năm ấy, khi còn đang mài đũng quần để lấy tấm bằng Master, anh làm thêm trong một hầm rượu. Một quán rượu nằm nửa chìm nửa nổi dọc bờ sông Seine. Anh không muốn xin tiền nàng vào những khoản bí mật của một thằng đàn ông đã đến tuổi tự lập từ lâu, nên cuộc đi làm thêm diễn ra cũng bí mật, kín đáo y như cái quán rượu huyền bí này- nửa chìm, nửa nổi. Sơ mi trắng, nơ đen, chạy băng băng giữa các thực khách, luôn nhoẻn cười quá ư lễ độ, vô cùng nhũn nhặn phô hàm răng khểnh, không ai nhận ra ngài trợ giảng một trường đại học trong trang phục bồi bàn, nói tiếng Pháp chuẩn âm Paris.
06 Tháng Sáu 20253:23 SA(Xem: 2399)
Tập thơ “Hẹn Anh Về Vỹ Dạ Ngắm Mưa Bay” của Hoàng Thị Bích Hà có hơn 180 bài thơ dài ngắn khác nhau được chia làm 2 phần: Phần 1: 80 bài thơ, Phần 2: 116 bài thơ bốn câu. Phần 1: 80 bài thơ tuyển là những bài tâm đắc được chọn lọc ra từ 10 tập thơ trước đã xuất bản và một số bài thơ mới sáng tác trong thời gian gần đây, chưa in nhưng đã được đăng tải trên các trang báo mạng và website Văn học Nghệ thuật trong và ngoài nước. Phần 2 là những khổ thơ yêu thích, mỗi bài chỉ chon 4 câu trong số những bài thơ đã xuất bản.
06 Tháng Sáu 20252:58 SA(Xem: 2419)
Trước khi thực hiện cuộc phỏng vấn này, tôi đã tham khảo nhiều nguồn thông tin và trực tiếp đối thoại với những nhân vật “sống” trong và ngoài nước. Tuy nhiên, phản hồi nhận được đa phần rơi vào ba mô thức: (1) phê phán gay gắt phía đối lập, (2) nói chung chung với lý thuyết viễn mơ, hoặc (3) phủ nhận hoàn toàn tính khả thi của việc hòa hợp hòa giải. Do đó, tôi đã tìm đến Trí tuệ Nhân tạo Chat GPT – như một cuộc đối thoại với "sự trống vắng im lặng", và đồng thời là một sự tổng hợp từ hàng triệu nguồn tiếng nói – để có được một cái nhìn khách quan, toàn diện, mang tinh thần đối thoại tương kính về một vấn đề lớn và dai dẳng của dân tộc Việt Nam.
31 Tháng Năm 20251:27 CH(Xem: 3733)
Tôi không phải là một “cư dân mạng” thuần thành, nhãn hiệu mà người ta thường dùng để chỉ những người sống trong thế giới ảo nhiều hơn trong thế giới thật. Tuy vậy, tôi vẫn nặng lòng biết ơn tất cả những nhân tài về kỹ thuật tân tiến trên thế giới đã đóng góp vào việc giữ gìn và phát huy kho tàng văn minh của nhân loại qua các nền tảng trên mạng như Google, Facebook, Wikipedia, YouTube... và gần đây hơn nữa là ChatGPT. Những nguồn thông tin đó đã giúp chúng ta học hỏi, tìm hiểu về vốn kiến thức đồ sộ của con người từ đời nay sang đời khác, trong một thời gian rất ngắn. Cuối thế kỷ trước, khi mạng lưới toàn cầu đã ra đời nhưng chưa thông dụng mấy, tôi từng phải vào thư viện biết bao nhiêu lần, nhiều khi chỉ để tra tìm một chữ, một khái niệm, trong suốt thời gian viết luận án của mình. Ngày nay, chỉ cần “nhấp con chuột” một cái, chúng ta đã có thể tìm được điều mình muốn tìm trong tích tắc.
29 Tháng Năm 20251:06 SA(Xem: 2599)
Ở đâu tôi không biết chứ ở làng quê tôi, điều này đến thế hệ mình ít thấy được duy trì cách gọi này. Thôi thì con cái họ, họ cứ gọi tên cũng được, không sao! Nhưng với người khác nhất là anh em họ hàng nhưng họ lớn tuổi hơn mình thì cần lưu ý cách xưng hô cho lịch sự, dễ nghe để hiệu quả giao tiếp được tốt hơn.
29 Tháng Năm 202512:54 SA(Xem: 2345)
Năm 2025 Hoàng Thị Bích Hà trình làng 2 tập thơ: “Hoa tím sầu đông” (gồm 103 bài thơ) và “Hẹn anh về vĩ dạ ngắm mưa bay” (Hơn 180 bài). Hai tập thơ này tuyển chọn ra những bài thơ tâm đắc của Hoàng Thị Bích Hà trong 10 tập thơ đã xuất bản từ mấy năm trước đây. Những tập gồm 50 bài, mỗi tập lọc ra khoảng 10-15 bài, trong những tập gồm có 100 bài thơ lọc ra khoảng 15-20 bài. (Đây là 2 tập thơ cuối cùng khép lại việc in thơ. Từ nay về sau tôi tiếp tục dành thời gian và tâm huyết cho truyện ngắn và tùy bút, nếu bất chợt có cảm hứng thì vẫn làm thơ, đăng báo chứ không xuất bản nữa).
29 Tháng Năm 202512:23 SA(Xem: 2841)
Trong những năm gần đây, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI : Artificial Intelligence) đã tạo ra một làn sóng quan tâm sâu rộng trong giới viết lách. Với nhiều người, đây là một phương tiện mới mẻ, đáng để thử nghiệm. Nhưng với không ít người khác , nhất là những cây bút kỳ cựu hoặc thủ cựu, thì sự xuất hiện của AI đặt ra những hoài nghi, thậm chí phản ứng: Có nên xử dụng AI khi viết văn? Nếu có sự trợ giúp như thế, tác phẩm đó có còn là của cá nhân? Người viết có còn xứng đáng đứng tên tác giả? Tôi từng bỡ ngỡ và đặt những câu hỏi ấy khi mới tiếp xúc với AI. Nhưng nhờ trải nghiệm thực tiễn, tôi dần nhận ra bản chất thật sự của công cụ này – và càng hiểu rõ hơn đâu là ranh giới giữa công cụ hỗ trợ và ý tưởng sáng tạo. Bài viết này chia xẻ góc nhìn cá nhân ấy, không nhằm tranh luận hay áp đặt, mà như một cách giúp bạn đọc hiểu rõ hơn: trí tuệ nhân tạo không hề thay thế con người, và việc xử dụng AI trong sáng tác – nếu trung thực và có ý thức – là điều hợp lý và xứng đáng.