Triệu Vũ
NIỀM VUI CÔ ĐƠN
Tôi đã trở lại Mỹ vừa tròn một tháng, sau chuyến về thăm quê hương dài ngày. Cưỡi mây lướt gió, tổng cộng hơn 20 tiếng đồng hồ, suốt chặng đường dài nửa vòng trái đất, chỉ một lần chuyển máy bay ở Đài-Bắc, Đài-Loan. Với tuổi đời khá cao, giờ giấc khác biệt, nên tôi cần một thời gian điều chỉnh để sống lại đời bình thường. Quê hương tuy xa rồi nhưng vẫn còn đó. Những ghi nhận, những suy tư, cảm xúc; những tao ngộ khó quên; những ước mong đã thành hiện thực; vẫn còn đây, còn trong trí tưởng, chưa phai mờ. Lòng tôi chất đầy luyến lưu thương nhớ khi rời xa và hòa quyện với những niềm vui khó tả. Đôi lúc tôi tự trách: đã một tháng trôi qua mà đầu óc còn mơ mơ màng màng, mgười bồng bềnh như đi trên mây, ngẩn ngơ ngơ ngẩn; đáng tiếc nhất là chưa ghi lại một dòng chữ nào, chưa đem tâm tình trải dài trên trang giấy. Không phải tôi không đủ khả năng, hoặc không biết cách diễn đạt thành văn. Thực ra vì đầu óc không tập trung, suy tư rối loạn, nên tôi không biết khởi đầu từ đâu; người cứ bần thần như bị ốm, bị bệnh gì đó, tôi không biết…Có những người bạn, người thân lâu không gặp, điện thoại thăm hỏi. Tôi chỉ đáp lại là chưa tỉnh táo, người cứ như trong cơn mê, hình như bị ốm, bị bệnh và hẹn một ngày gặp mặt, có nhiều chuyện để kể cho nhau nghe…
Chẳng lẽ để thời gian cứ vô tình trôi đi, cuốn theo, tất cả rồi chìm vào quên lãng hay sao? Đầu óc suy nghĩ mung lung, tôi như lạc vào chốn vô minh. Nhưng thực bất ngờ và thực lạ, không biết do đâu, có gì tác động đến não bộ mệt mỏi, khiến tôi nghĩ đến một vì sao tỏa sáng trên bầu trời Thơ Ca Việt-Nam vào nửa đầu thế kỷ 20, Nguyễn-Bính, nhà thơ của”đồng nội”. Những vần thơ của Ông thực bình dị, dễ hiểu nhưng chuyên chở cảm xúc, rung động thấm sâu lòng người. Từ “Cô Hàng Xóm”, “Chân Quê”, “Lỡ Bước Sang Ngang”, “Tương Tư” v.v., lời thơ không phải là những nhát búa chém đinh chặt sắt, cũng không là gào thét của phẫn nộ cuồng phong, bão tố, cũng không là thảm thiết bi thương của tim gan rỉ máu. Nó nhẹ nhàng, tình tự, lâng lâng; tim không nức nở thổn thức mà trí lại mơ màng thương nhớ mênh mang. Qua những vần thơ êm dịu, mượt mà, Nguyễn-Bính quả là người kể chuyện tình xuất sắc, duyên dáng, hấp dẫn. Đôi khi, dòng thơ Nguyễn Bính như mặt nước yên bình nhưng ẩn dấu những con sóng ngầm cuồn cuộn. Có thể nào vì yêu thơ Nguyễn-Bính, bồi hồi mê say khi nghe diễn ngâm thơ của Ông, qua những giọng ngâm truyền cảm tuyệt vời, nên tôi mơ mơ màng màng, bồng bềnh trên mây, như một người bệnh, người ốm….chăng? Tôi nghe ở đâu đó, có người bảo rằng Nguyễn-Bính là Nhà Thơ bị Giời đầy. Lạ nhỉ! Tôi nghĩ, biết bao người mong “bị” Giời đầy như thế. Thưa Ông Nguyễn-Bính, Ông thực hạnh phúc quá! Ước gì tôi cũng có một cô hàng xóm mang tơ vàng hong trước hiên; ước gì tôi cũng có người yêu với nét đẹp hương đồng gió nội; tôi ước …nhiều lắm, nhưng chỉ được một điều: bạn đời của tôi là người con gái xứ Đoài, nơi có thành Sơn-Tây, có con sông Đáy, có núi Ba-Vì. Và một thời, xa xưa lắm, vì không biết làm …thơ, nên mỗi khi nhớ đến nàng, tôi thường mượn câu thơ của Ông và ngân nga “ Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông”...
Hôm qua, một người bạn cùng tù, hiện định cư ở San José, tiểu bang California. điện thoại; sau những lời thăm hỏi, anh “nghi” rằng tôi có khả năng mắc bịnh tương tư! Ối giời! Bạn tôi đi xa quá! Chỉ nghe tôi kể lại một chút tâm trạng mà anh bảo tôi mắc bịnh gì đó, nghe thực xấu hổ. Tôi không tin. Anh chưa bắt mạch, chưa khám lâm sàng, làm sao anh biết. Anh bảo rằng, dựa trên kết quả cận lâm sàng ( para-clinic ), có thể đoán biết. Tôi dốt về y học, không hiểu đúng hay sai. Hình như, tất cả sự việc bắt đầu từ hỗn danh “Sư 5”của tôi, cộng thêm tấm hình vãn cảnh chùa ở quê nhà, gửi cho anh qua điện thoại. Phải công nhận trí tưởng tượng của anh bạn quá phong phú, anh lại luôn ân cần, quan tâm lo lắng cho sức khỏe của tôi, người bạn già, từng chung tủi nhục trong các trại tù ở vùng thượng du Bắc-Việt. Do vậy, qua tấm hình vãn cảnh chùa, anh bảo rằng tôi đi tìm ai đó. Sợi dây kéo chuông ngày xưa không thấy đâu; trên tường chỉ có một núm hình tròn bằng nhựa mầu nâu, bên cạnh bốn chữ S.S.V.P.(chữ Pháp viết tắt, tiếng Việt có nghĩa : Vui lòng bấm chuông). Anh đoán rằng tôi đưa tay lên bấm vào nút trên tường, bị điện giật, té xuống ghế đá trước cổng chùa, cây ba- toong văng sang bên. Anh còn phụ đề : “Truyện xưa có anh chàng Điệp Vũ… Ngày nay cũng có chàng Triệu Vũ....” Chưa hết, anh còn đi xa hơn, bảo rằng: Vì là “Sư 5”, có thể tôi bị một cô “yếm thắm” nào đó bỏ bùa, bây giờ Sư về, ốm lăn ốm lóc …Thiệt tình, không ngờ bạn tôi suy diễn lung tung, vô tư, bao la. Tôi nghĩ không chừng mai kia, anh có thể trở thành nhà văn, nhà thơ lớn, bên cạnh công việc của người thầy thuốc mát tay. Không biết tôi có làm điều gì buồn lòng anh bạn chăng, hay là bây giờ, anh đang “nổi tiếng” ở thung lũng hoa vàng, nên nói năng không cần giữ ý? Với riêng tôi, tự nghĩ: Đừng bận tâm, ai nói gì thì nói, miễn là mình....có thì thôi.
Thành phố Houston, tiểu bang Texas, nơi tôi định cư đã 35 năm, trong nhóm “Cà Phê Thứ Bẩy” của chúng tôi, có vợ chồng anh bạn trẻ. Cả hai, thơ văn đầy mình; được tin tôi đã trở lại Mỹ, điện thoại hỏi: Anh đi tìm Nàng Thơ, đã gặp chưa, có bài thơ nào mang về “trình làng” không? Đã biết tôi thích thơ, yêu thơ nhưng không phải là một nhà thơ và dĩ nhiên tôi không biết làm …thơ! Vậy mà vẫn hỏi. Vợ chồng anh bạn muốn làm khó tôi hay sao đây? Xấu hổ quá. Tôi còn nhớ, mùa Thu năm 2023, không biết do nguồn cảm hứng từ đâu, có lẽ do đầu óc muốn tìm tòi, khám phá, hoặc là do Trời chiều lòng người yêu và say mê thơ văn, tôi viết bài “ Đi Tìm Nàng Thơ”, trong đó, tôi giới thiệu bài thơ đầu tiên trong đời, sáng tác khi mới 84 tuổi với tựa đề “Em Còn Đó Không”. Tôi không đưa người bạn đời đọc bài thơ này. Nhưng ít lâu sau bài thơ được chắp cánh bay xa, qua kỹ thuật âm thanh của Đặng-Hiền, một thi sĩ kiêm nhạc sĩ ở tiểu bang California. Không ngờ bài thơ ấy, sau khi được phổ nhạc và lan tỏa, tuy được nhiều người ưa thích, nhưng đã ảnh hưởng, phần nào xáo trộn sinh hoạt, đời sống của riêng gia đình tôi. Hình như qua ánh mắt, trong giọng nói, tiếng cười của người bạn đời, có chút gì đó, nghi ngờ rằng bên kia bờ Thái-Bình-Dương, người em nào đó của tôi có còn đó không ? Thực khó giải thích. Chỉ là Thơ thôi mà, bay bổng một chút cũng khó khăn. Và từ đó, để giữ hòa khí trong gia đình, tôi không nhắc đến sáng tác thơ, giả vờ như chưa từng làm… thơ. Cũng bởi thế, đã từ lâu, tôi chưa có thêm bài thơ mới nào, để góp mặt với đời .
Nhưng, nhớ lại, vào một sáng Đầu Xuân Giáp-Thìn (2024), trong không gian ấm áp, chan hòa yêu thương nơi phòng khách của căn nhà nhỏ, người bạn đời đặt ly cà phê trên bàn, trước mặt tôi rồi nhẹ nhàng, âu yếm hỏi :
-“ Anh chưa làm …bài thơ nào nữa sao ? Hay là Anh giận em vì không khen thơ anh hay . Mới khởi đầu mà ! Cố lên ! Anh làm …thơ nữa đi ! Em chờ thơ của Anh” .
Tôi lúng túng, cầm ly cà phê còn bốc khói, uống ngay, cho bớt ngượng. Tôi không dám nói thực. Thay vì trả lời rằng thơ đã… làm rồi, nhưng muốn hay hơn, hoàn chỉnh hơn nên tạm thời giữ lại để nghiên cứu thêm; tôi lại vô tư trả lời một cách vô duyên :
-“OK, cám ơn em!”
Bài thơ ấy, bài thơ giữ lại, chưa đưa nàng “duyệt”, chỉ với cái tựa “Em Còn Đó Không”, tôi e rằng người bạn đời, đã hốt hoảng, trau mày thắc mắc. Rồi qua 32 câu thơ tiếp theo, không biết còn bao nhiêu câu hỏi nêu lên. Tôi không muốn đưa trí tưởng đi xa quá …Nhưng chẳng lẽ để nàng chờ đợi mãi, tài làm …thơ của tôi sao. Do vậy, cố nặn óc, tập trung cao độ, tôi làm… được mấy câu có vần, có điệu, không dám gọi là “thơ”. Tôi nghĩ miễn là mình … có làm …là quý rồi . Xin đừng, nếu ai đó nghĩ rằng đây là một bài thơ. Chẳng qua vì trong lúc cấp bách, không biết chống đỡ ra sao, lại “sợ” rằng người bạn đời chê tôi là “đần”, là “kém” nên cố tuôn ra ít dòng như sau :
Em vẫn đợi hoài, mà chẳng thấy…
Thơ của anh . Chắc khó lắm sao ?
Người ta bảo : làm….thơ dễ lắm !
Anh làm…đi ! Hãy cố lên nào .
**
-Tin nơi anh! Em yên lòng chờ đợi .
-Mau lên Anh ! Cho em được ….đọc thơ .
Xấu hổ quá! Anh trách mình lỗi hẹn .
Để em yêu phải trông ngóng, đợi chờ .
**
Bỗng hôm nay, tình Xuân ban ý lạ :
Anh đã làm …thơ, thương gửi về Em .
Đọc thơ Anh, Em rưng rưng ngấn lệ .
Anh làm…thơ, nghe thổn thức, con tim!
**
Nữa đi Anh ! Anh nhớ làm …thơ tiếp .
Làm … bấy nhiêu, chưa đủ ! Anh yêu ơi !
Thời gian cứ trôi, nhưng em …vẫn đợi
Anh sẽ dìu Em, đến …chốn tuyệt vời ..
Những dòng chữ còn chưa ráo mực, tôi đưa ngay cho người bạn đời; vì vui mừng và vội vàng, tôi quên cả đặt tựa đề. Người bạn đời đọc xong 16 dòng “chữ”vừa tuôn ra, thay đổi hẳn, nàng không nói nhiều, chỉ vỏn vẹn 3 tiếng: được lắm anh! Hú hồn. Tôi mừng thầm trong bụng. Tôi như đọc được suy nghĩ trong đầu của nàng, hiểu được ý nàng muốn khuyến khích, cổ vũ tôi, rằng: Cứ thế mà làm! Nàng tươi vui, không nghi ngờ trách móc. Khi nhìn tôi, vẫn ánh mắt “dìu dịu” buồn Tây Phương của người con gái Xứ Đoài. Điều ngạc nhiên và thú vị hơn nữa là nàng đồng ý để tôi “hộ tống” về thăm quê hương vào dịp nghỉ lễ cuối năm. Dù chỉ là “hộ ăn theo” nhưng tôi đã rất vui và mãn nguyện, trong suốt cuộc hành trình dài ngày, từ khi chuẩn bị khởi hành đến lúc trở lại Mỹ .
Chuyến thăm quê nhà vừa qua, tôi tung tăng đó đây; khi thì ghé những quán cà phê sang trọng, ngang lưng trời, trong các tòa nhà cao tầng, như đang trên thảm mây; có lúc ngồi trên những chiếc ghế thấp bên vỉa hè; vừa uống cà phê vừa ngắm nhìn cảnh vật, dòng người, xe cộ qua lại, ngược xuôi. Tôi cũng đến thắp nhang tại Đền Thờ Quốc-Tổ Hùng-Vương, Đền Thờ Đức-Thánh Trần-Hưng-Đạo và chùa Ngọc-Hoàng ( nơi một Tổng-Thống Mỹ đã ghé thăm ) v.v nhưng không dám nhìn lại những nơi, trước đây giam cầm Sĩ-Quan Quân-Đội Việt-Nam Cộng-Hòa như chúng tôi, sau ngày 30-4-1975…. Chuyện xưa, lâu rồi, nay tôi không muốn gợi nhớ những kỷ niệm buồn; nhiều khi tôi quên mất là, thời gian bị giam cầm trong cái gọi là trại tù cải tạo, tôi đã để lại một phần thân thể ở “Dưới Chân Tam-Đảo”, thuộc tỉnh Vĩnh-Phúc, miền Bắc Việt-Nam. Với tuổi đời hiện tại, 86 tuổi, thể lực, trí lực lão hóa, tôi không còn đủ sức chịu đựng những oán hờn, uất nghẹn, hận thù dày vò xé nát, cấu cào, gậm nhấm tâm can… Thế nên tôi tìm lối thoát, tự an ủi, reo lên mừng rỡ: Tôi đã tiêu hết, xài hết cái buồn rồi, giờ chỉ còn vui thôi! Bằng hữu, người thân thực ngạc nhiên khi thấy tôi …trở thành một con người mới. Ngay cả những lúc thập tử nhất sinh, trên đường nhập viện để chữa trị căn bệnh quái ác -không có phương cách nào khác ngoài xạ trị và hóa trị-; tất cả cảm xúc, từng giai đoạn chữa trị, tôi ghi lại trong bài “ Trở Về Từ Tầng…14”. Ai cũng bảo đi chữa bệnh mà như đi du lịch! Cũng trong bài “Trở Về ….” này, tôi xác quyết là cuộc chiến tranh xảy ra trên đất nước Việt-Nam mến yêu của tôi suốt 30 năm (1945-1975) là cuộc chiến tranh của “Phước Đức”. Tôi cho rằng chỉ tôi mới biết tôi là ai, tôi nghĩ gì, cảm nhận gì? Hình như chỉ mình tôi hiểu, chỉ mình tôi vui. Phải chăng đây là niềm vui cô đơn?
Bên cạnh những chuyến tung tăng đó đây, tôi còn ghé thăm một số bạn cùng trang lứa, cùng đơn vị thuở xa xưa. Có vài bạn cư ngụ vùng ngọai ô Saigon, tôi điện thoại trước khi ghé thăm. Đầu dây bên kia : Dạ, Anh L, nhà em, mất năm ngoái, sắp tới ngày giỗ đầu … Cuộc gọi thứ hai, đầu dây bên kia: Dạ, Anh Th. ra đi hơn một năm rồi. Lòng tôi chùng xuống. Dòng người và xe cộ ngoài đường vẫn xuôi ngược chóng mặt, vô tình . Tôi đã ghé nhà của hai chú lính lái xe và cần vụ, luôn sát bên tôi khi xưa. Nhà N-V-Quang, dốc cầu Trương-Minh-Giảng (L-V-Sỹ); nhà N-N-Quỳnh, bên hông giáo đường Gò-Vấp. Hai chú lính ngoan, hiền, tốt bụng, tận tụy, chu đáo ngày nào, nay ẩn mình sau tấm ảnh chụp nghiêm chỉnh, lồng trong khung kính, để trên bàn thờ. Thời gian thật khắc nghiệt, đã nhẫn tâm cuốn đi mọi thứ. Tôi ngẩn ngơ, bâng khuâng, tiếc rằng mình không về thăm quê hương sớm hơn có thể. Bao nhiêu kỷ niệm thưở nào lại ùa về. Nhưng luật Tạo Hoá, có gì tồn tại mãi đâu. Bao người quen biết đã ra đi, đi thật xa, tôi còn ở lại. Hay là ý Trời muốn tôi là một chứng nhân. Tôi không nghĩ xa xôi quá. Chỉ tin là Nhờ Ơn Trời Phật, Tổ Tiên, những Đấng Linh Thiêng phù trợ, nên tôi, đã bao lần thóat khỏi Lưỡi Hái Tử Thần; nay còn được thở, tức là được sống, lại còn được bay bổng, đi mây về gió. Thế là hạnh phúc lắm rồi!
Có nhiều lúc tôi lẩn thẩn, suy nghĩ linh tinh về nhận xét của anh bạn ở bên San Jose, CA rằng tôi có thể bị bịnh… gì đó. Không ! Tôi tự thấy không ốm, không bịnh gì cả . Sở dĩ đầu óc tôi mơ màng, bần thần, không tỉnh táo, chỉ vì sau cuộc hành trình dài, ngồi trên máy bay khá lâu, không thoải mái, ngủ không đủ, nay chỉ cần thời gian ngắn nghỉ ngơi, sẽ bình thường. Cũng có khi một mình suy tư và tự hỏi, có thể nào tôi trở thành một nhà thơ không nhỉ? Chắc không đâu, không thể nào. Tôi vẫn biết : không phải thích thơ, yêu thơ, mê thơ là trở thành một nhà thơ! Tôi không phải và chắc chắn không phải là một nhà thơ. Ông Nguyễn-Bính nhớ người tình da diết, nhớ đêm nhớ ngày; là nhà thơ nên ông gửi tâm tư nhớ nhung ấy vào những vần thơ tình tứ, nhẹ nhàng, âu yếm, cho vơi niềm nhớ thương. Thưở ấy, vào thời đại của Ông Nguyễn-Bính, người tình chia xa, muốn nhìn thấy nhau, gặp gỡ nhau, nhận được tin nhau thực vất vả khó khăn nên than van, rên rỉ, nguyện cầu. Nhớ người yêu quá, không có ai để tâm sự, nhà thơ “nuốt” nhớ thương vào lòng nên phát bệnh, phát ốm …tương tư. Người tình dù cùng thôn, cùng làng mà sao xa xôi quá. Ngay cô hàng xóm kế bên, chỉ một dậu mồng tơi yếu ớt phân ranh, mà nhà thơ cảm thấy, đó là bức tường kiên cố cách ngăn. Lâu lắm rồi, tôi có nghe câu: “ đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì ...”. Nghệ sĩ nhìn chung, nhà thơ nói riêng hình như yếu lòng, ngại khó; lá gan để một nơi nào rồi, cứ trông chờ phương tiện liên lạc duy nhất là “con bướm trắng” bay qua, bay về. Rất may, ngày nay văn minh hiện đại, khoa học tiến bộ, với những bước tiến nhảy vọt, truyền tin kỹ thuật số, thời đại năm chấm (5.) rồi sáu chấm (6.); dù xa xôi vạn dặm, rất nhanh và rất gần, không tới một giây đồng hồ, chỉ một “nốt nhạc”, chỉ một “sát na” lướt trên điện thoại là có đầy đủ : tin nhắn đi, về; chân dung người tình, giọng nói tiếng cười, ánh mắt người yêu hiện trên màn ảnh; bởi thế, căn bệnh mà người đời gọi là tương tư, ngày nay, hình như chiếm tỷ lệ rất thấp và không có nguy cơ lan rộng …
Rồi cuộc sống hàng ngày cũng đưa tôi về thực tại; những trải nghiệm trong hành trình thăm quê hương từ từ đi vào vùng kỷ niệm. Tôi lại tiếp tục lái xe trên xa lộ, tiếp tục làm tài xế trung kiên cùng phụ việc trong nhà với người bạn đời, và đặc biệt vẫn tiếp tục đến điểm hẹn, gặp gỡ bằng hữu thân quen, trao đổi tâm tình văn nghệ . Trong những buổi gặp mặt cuối tuần, có nhiều người nói với tôi rằng, bây giờ cái gọi là trí thông minh nhân tạo (A.I) giúp ích rất nhiều cho con người. Một bạn nhà báo trẻ khoe với tôi : Bài em gửi đăng báo là do A.I làm, em có phải viết chữ nào đâu. Hay quá! Tôi nghĩ đây là cơ hội bằng vàng.Tôi sẽ nhờ A.I làm giúp bài thơ, với nội dung trả lời bài thơ “Em Còn Đó Không” mà tôi sáng tác trước đây. Quả nhiên A.I đáp ứng ngay, chỉ ít phút sau lời yêu cầu của tôi, A.I viết một bài thơ 20 câu, tựa đề “Em Vẫn Còn Đây”. Xin các nhà thơ thẩm định; riêng tôi vì không phải là nhà thơ, không quen biết A.I, nên không dám góp ý. Nguyên văn bài thơ như sau :
EM VẪN CÒN ĐÂY
Tin em chết, Anh kịp về vuốt mắt.
“Em vẫn còn đây”, nhưng xác không hồn .
Tiếp sinh khí, Anh nghiêng xuống môi, hôn .
Và nguyện cầu Em trở về dương thế .
**
Chiếc quan tài sao dài và rộng quá !
Em tôi bồng bềnh, sóng nước đại dương.
Trôi về đâu, trôi mãi mãi, chẳng ngừng .
Bến bờ nào ? Neo buông, vào bến đậu .
**
Phật, Chúa ơi ! Xin dang tay cứu độ .
Xin đừng đưa Em về cõi Vĩnh Hằng .
Cánh cửa Thiên Đường, vui lòng khép kín !
Để Em tôi trở lại chốn trần gian .
**
Trời cao quá và biển bao la quá !
Lời cầu xin, vang vọng chín tầng mây .
Đấng Linh Thiêng đã động lòng trắc ẩn .
Đưa Em về, nên “ Em vẫn còn đây ! ”
**
Kỳ diệu thay ! Đôi mắt Em hé mở,
Âu yếm nhìn Anh . Môi điểm nụ cười .
Không, vạn lần không ! Không là ảo mộng.
Đó là Trời, Phật, Chúa,.. thương Anh thôi !
Có A.I chống lưng, có bài thơ A.I sáng tác làm bằng chứng cụ thể, vậy mà tôi vẫn không muốn đưa người bạn đời đọc bài thơ trên. Tôi nhớ mãi, cổ nhân đã có câu nhắc nhở rằng “ Ớt nào là ớt chẳng cay, ...” Cho nên, vì sự yên vui hòa thuận của riêng gia đình tôi, một lần nữa tôi quyết định giữ lại bài thơ, không lan tỏa, cho dù ai chê ai cười …Tôi rất vui vì A.I tặng cho bài thơ tuyệt vời nhưng lại không biết chia xẻ niềm vui ấy với ai, có thể nói hầu như không có ai để chia xẻ nên cứ giữ kín trong lòng. Không biết đây có phải là Niềm Vui Cô Đơn hay chăng ? Nếu ai hỏi rằng sao lòng hớn hở, tâm hồn phơi phới, lại thấy niềm vui ấy cô đơn? Xin cho tôi giải thích một cách đơn giản và dễ hiểu : điều mà chỉ mình ta thấy vui, người ngoài không cảm, không thấy, không hiểu được; vả lại, đâu đó, niềm vui không vỡ òa, mà trở thành niềm riêng giữ kín (không phải chôn kín) trong lòng, không biết tỏ cùng ai; như thế , theo tôi suy nghĩ một cách chủ quan, có thể gọi là “Niềm Vui Cô Đơn” vậy .
TRIỆU VŨ
(Houston, TX. March - 2025)
- Từ khóa :
- TRIỆU VŨ