LUÂN ĐÔN.-“Xin đừng gọi tôi là nhiếp ảnh gia chiến trường, tôi chỉ là một nhiếp ảnh gia mà thôi." Đó là lời của Don McCullin, một nhiếp ảnh gia người Anh được coi là cây đại thụ trong làng nhiếp ảnh Anh quốc, với hơn 50 kinh nghiệm chụp ảnh các cuộc chiến từ Berlin, Việt Nam, Campuchia, đến Bangladesh và Trung Đông.
Cuộc đời, sự nghiệp và tên tuổi của ông gắn liền với các cuộc chiến tranh. Ngay cả bộ sưu tập ảnh chiến trường lớn nhất của ông đang được trưng bày tại Bảo tàng chiến tranh London cũng được đề tựa là Định hình nên bởi chiến tranh (Shaped by War). Thế thì tại sao trước cử tọa hơn một trăm người tại hội thảo Nhìn lại Việt Nam (Considering Vietnam) diễn ra vào ngày 17 và 18 tháng 2 tại London, ông McCullin lại không muốn được giới thiệu là "nhiếp ảnh gia chiến trường". Liệu chiến trường có gợi cho ông nhớ điều gì đó bất an, uẩn khúc không. Theo nhận định của BBC đối với nhiếp ảnh gia McCullin thì có lẽ đúng như vậy, nếu đó là cuộc chiến tại Việt Nam những năm 60. Loạt ảnh chiến trường Tết Mậu Thân 1968 tại Huế đã để lại dấu ấn sâu sắc về cuộc chiến ở Việt Nam Với gương mặt khắc khổ, giọng nói từ tốn, ông McCullin kể lại cảm xúc và những nỗi bất an của mình qua một số bức ảnh tiêu biểu ông đã chụp tại cuộc chiến Việt Nam từ năm 1965 đến 1973 khi còn là phóng viên ảnh chiến trường cho tờ The Illustrated London News. Ông nói ôn đã chụp những bức ảnh mà có lẽ bây giờ sẽ không ai cho phép chụp nữa. Đó là những bức ảnh đầy biểu cảm về sự tàn khốc của chiến tranh Việt Nam cho tất cả các bên: lính Mỹ và đồng minh, Việt Nam Cộng Hòa, Bắc Việt, và những người dân thường bị kẹt giữa nhiều làn đạn. Nhiếp ảnh gia McCullin giải thích thêm Cuộc chiến tại Việt Nam là một cuộc chiến hết sức phức tạp. Nó không chỉ đơn thuần là cuộc chiến giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, mà còn là Chiến Tranh Lạnh, chiến tranh ý thức hệ, và còn có thể là cuộc chiến giành độc lập nữa".
Tuy có trong tay thẻ báo chí do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp, nhưng Don McCullin đã chọn không chỉ thể hiện cái nhìn của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa qua ống kính của mình. Sự tự do báo chí mà ông có được trong những năm 60 được ví như một tờ ngân phiếu trắng, cho phép ông được toàn quyền tự do chụp ảnh, được sử dụng cả trực thăng khi cần thiết để đi đến những vùng giao tranh nguy hiểm và nóng bỏng nhất. Ông đã tận dụng cơ hội đó để chụp những bức ảnh mà ông cho là đại diện cho ba điều: bản thân ông, tờ báo London News, và tính nhân văn.