Hoàng Thuỵ Anh
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Hoàng Thuỵ Anh hiện sống và làm việc tại thành phố Đồng Hới. Chúng tôi trân trọng giới thiệu những bài viết của tác giả Hoàng Thuỵ Anh đến với quí văn hữu và bạn đọc của Hợp Lưu.
TCHL
Con đường thơ ca nhân loại ngày một dung nạp thêm nhiều giọng mới: thơ nữ quyền luận, thơ tân hình thức, thơ trình diễn, thơ thực hiện... Tự thân, nó đã thể hiện nhu cầu thay đổi, khác trước. Các khuynh hướng ấy, dù muốn hay không đã nằm trong guồng quay của cảm quan hậu hiện đại.
Hậu hiện đại đang còn là vấn đề nóng bỏng đối với các nhà nghiên cứu - phê bình trên thế giới. Việc cổ xúy hay bài xích nó chưa có hồi kết. Theo Nguyễn Văn Dân, các nhà nghiên cứu như: F. Lyotard, R. Ruland, B. Smith, L. Fiedler, I. Hassan, R. Stern... đều có ý kiến khác nhau về thời kì hậu hiện đại (xê dịch từ khoảng 1940 đến 1980), nhưng tương đồng về cách xác định đặc điểm hậu hiện đại trong nghệ thuật. Họ đều lấy chủ nghĩa hiện đại làm yếu tố quy chiếu để xác định cái gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại. Xuất phát từ những kiến giải của mình, ông khẳng định: chỉ nên dùng khái niệm “hậu hiện đại” cho kiến trúc và hội họa, còn trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong văn học, thì không nên dùng nó, mà chỉ nên dùng khái niệm “[chủ nghĩa] hiện đại”, hoặc cùng lắm thì dùng khái niệm “[chủ nghĩa] tối [hoặc siêu] hiện đại”[1].
Tuy không đồng nhất về khái niệm hậu hiện đại, thời kì hiện đại, chủ nghĩa hiện đại giữa các nhà nghiên cứu phương Tây lẫn ở phương Đông, song vẫn cần có những đặc trưng để xác định các yếu tố trong thơ hậu hiện đại. Paul Hoover (Hoàng Hưng dịch) nêu ra một số đặc điểm của thơ hậu hiện đại Mỹ: hướng về một thứ thơ “hữu cơ”, hữu nhân cách (đầy cá tính, personal), thơ đọc miệng; khuyến khích một quan điểm “toàn thị” (panoptic) hay cái nhìn từ nhiều phía; ưa thích “những chữ rỗng” (empty words) hơn là “cái thụ nghĩa mang tính siêu nghiệm”, cái có thực hơn cái siêu hình; cái chết của Thượng Đế và tác giả, sự vay mượn trở thành một phương sách ngự trị; không có kết thúc nào để đi đến, câu chuyện kể lặp lại chính nó với sự chồng chéo và đôi khi là những phiên bản trái ngược; đào sâu sự lạ lùng, ưa thích cái phi lý tính và bộc phát hơn là cái lịch thiệp và trau chuốt; ngẫu hứng ngôn từ và cảm thức Jazz trong nhịp điệu; mang tính công chúng, trực tiếp, trình diễn, trần tục; ưa thích đối với lối nhại; giải phóng ngôn ngữ khỏi cú pháp; văn bản ở trong tình trạng bất định; câu trở thành một sự khuyếch trương của chính cơ thể... Đó là lí do để ông cho rằng: “thơ hậu hiện đại chống lại các giá trị mang tính trung dung của sự thống nhất, ý nghĩa, tuyến tính, tính biểu đạt, và một chân dung được tâng bốc thậm chí mang tính khoa trương của cái tôi trưởng giả và những bận tâm của nó” [2]. Từ những đặc điểm này, chúng ta có thể soi chiếu sự tác động của nó đến thơ hậu hiện đại Việt Nam.
Thơ hậu hiện đại bùng lên ở các nước phương Tây và ảnh hưởng kéo dài đến các nước phương Đông. Ở Việt Nam, những sáng tác của nhóm trường thơ Loạn, Xuân Thu Nhã Tập, Dạ Đài lúc bấy giờ ít nhiều đã có sắc thái hậu hiện đại. Nhưng phải từ khoảng những năm 1980 đến nay, sáng tác theo tâm thức thơ hậu hiện đại mới thực sự nở rộ: Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Nguyễn Đình Chính, Lê Vĩnh Tài, Mai Văn Phấn, Inrasara, Trần Quang Quý, Hoàng Vũ Thuật, Lê Xuân Đố, Trần Quang Đạo, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đinh Thị Như Thúy, Ly Hoàng Ly, Trần Tuấn,... nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời,... Sự góp mặt đông đảo của đội ngũ này đã mở rộng lãnh thổ thơ ca và đưa đến những cách nhìn mới, suy nghĩ mới, đánh giá mới trong tiến trình phát triển.
Va chạm thơ hậu hiện đại phương Tây, Nguyễn Quang Thiều đưa vào thơ muôn mặt rệu rã của cuộc sống qua tâm trạng vừa bất lực vừa khát khao của “gã” - một cái “tôi” khác của nhà thơ vào khoảnh khắc “Những chữ buổi trưa ngày 29/08”:
Gã chống lại những con chó đái ở góc phố
Gã chống lại những đồng tiền
Gã chống lại những chính trị gia
Gã chống lại một văn bản khác văn bản gã viết
Gã chống lại khu phố gã ở và uống bia suốt trưa
...
Gã chống lại những cô gái bán dâm mà gã viết thơ tặng
Gã chống lại những người nhiều tiền mà gã bắt tay
Gã chống lại một chiếc xe hơi đi qua mà gã không sở hữu được
Nhưng gã lại không bao giờ chống được
Cái lưỡi thô tục và tham lam của gã
Đang cuống cuồng bò trong vòm miệng nhớp nháp của gã
Nghệ sĩ, cái thiết yếu là phải sống với ngôn từ của mình. Ngôn từ biểu hiện cá tính sáng tạo của mỗi người. Nếu chống được sự “thô tục”, “tham lam”, chống lại được những rào cản thì lúc đó nhà thơ mới nói đúng giọng mình, đúng ngôn từ của mình. Khoảnh khắc ấy là bản lĩnh của nhà thơ. Nhưng cũng mở ra một con người khác của nhà thơ trước ngày 29/08: cạn kiệt, trống rỗng.
Thanh Thảo là nhà thơ liên tục đổi mới bút lực của mình. Với quan niệm, làm thơ phải tìm kiếm trong cái đơn giản để hướng thơ mình đi vào cội rễ của bản chất đời sống: “tôi tiêu những ngày của mình như mưa xuống cát...// bây giờ tôi dè sẻn từng chiếc lá/ trên cành/ cái hộp diêm nhốt dế than tôi nhốt chút hơi ấm/ mùa đông chút gió mát mùa hè/ cái hộp diêm sờn mờ nhãn hiệu/ qua mặt tôi một đứa bé chống nạng tập đi lúc/ năm giờ sáng/ một chiếc xe tải xả khói đen vào thiên niên kỉ mới/ một người đàn bà mất trí nhớ chạy về ánh đèn đường/ phía sau lưng rạng đông/ những con thiêu thân tạm dừng cuộc kiếm tìm” (Khúc chậm 2000). Trước giờ khắc chuyển giao, nhà thơ nhận ra được những mặt trái của cái thế giới đang mở hoang hoác. Thế giới cũ đang qua đi và thế giới mới lại đến, ngỡ là đổi thay, nhưng cũng chỉ là hình thức chuyển giao từ chiếc lồng này sang chiếc lồng khác mà thôi:
bây giờ
tôi biết
những thế giới khác
cũng thế thôi
như con
chim tập yêu chiếc lồng của mình
nhưng không cần tập hót
Cách nhìn về thế giới, về cuộc sống của Thanh Thảo đã thay đổi tâm thế thơ và hình thức thơ ông. Chính Mai Bá Ấn đã rất tinh tế nhận xét: Tư duy thơ Thanh Thảo “đã nghiêng hẳn về lối sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chính lối tư duy thơ này đã khiến Thanh Thảo cấu trúc tác phẩm thơ hoàn toàn mở, nhằm “rủ rê” sự tham gia của người tiếp nhận theo quan niệm "cái chết của tác giả" của chủ nghĩa hậu hiện đại” [3].
Bằng cách thể hiện khát vọng của kiểu “sống lùi”, Inrasara nhại chính cái thế giới mà mình đang sống: “Tôi sống trong cộng đồng mà mọi thứ/ đều lùi. Những đám cây mọc lùi nhỏ/ dần vào hạt mầm, tận kiếp trước hạt/ mầm.../ Những ý tưởng nghĩ lùi về// thời tiền sử, bản chép tay mọc thêm/ trang lật lùi như thể hết làm thất/ lạc. Ngôi nhà cô hàng xóm thuở bé/ thơ đổ nát được dựng trở lại...” (Sống lùi). Thế giới đã “băng hoại”, không còn giữ những giá trị xưa. Câu thơ vắt từ dòng này sang dòng khác, khổ này sang khổ khác, nhân lên khao khát sống lùi: sống lùi để những cái “đổ nát được dựng trở lại” và gieo mầm cho sự hồi sinh.
Xoáy vào tâm thức thơ hậu hiện đại, Nguyễn Đình Chính cũng hết sức táo bạo trong cách phát ngôn. Mi (zê) xuất hiện rất nhiều lần trong tập thơ Chẹc chẹc (Tân hình thức publishing club ấn hành, Hà Nội, 2010) của ông. Đó là sự phân thân của nhà thơ. Nhà thơ phân thân cái “mi” (zê) của mình để chất vấn, để bày tỏ một cách trung thực những phức tạp của cuộc sống. Nhờ vậy, cuộc sống hiện thực được phơi bày trần trụi, con người được tự do tuyên bố chính kiến của mình. Trước cái ngột ngạt, bất mãn của cuộc sống, mi (zê) bật lên tiếng chửi. Chửi một cách không thương tiếc khi tất cả mọi thứ trong thế giới đều bị cào bằng: “trí thức cụp tai uống trà chửi đổng/ trí thức cụp tai ngồi bàn nhân sự/ trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan// cục cứt mày cứ ngủ ngon/ sớm mai mới bị khai trừ (tống cổ) khỏi thơ// chẹc chẹc// trong cái thế giới bị là phẳng này hóa ra lại dễ chơi quá” (Giã biệt cứt). Lối viết táo bạo, pha sự giễu nhại, không che giấu, người đọc có thể có cảm giác khó chịu, nhưng cái khó chịu ấy sớm nhường chỗ cho sự bằng lòng với tư duy của nhà thơ. Nhà thơ “trực ngôn” mới nói hết cái oái oăm nhân thế (trí thức cụp tai) đang nhan nhãn trong xã hội.
Nếu Nguyễn Đình Chính “đùa giỡn” với tầng lớp trí thức thì Lê Xuân Đố lại chú tâm đến trò chơi ngôn từ và ngữ nghĩa. Với phong thái “giọng muối”, Lê Xuân Đố tháo rời các con chữ: phố Phái đội giấc mơ rêu tỉnh lại/ râu các bậc thức giả mọc rễ cổ thụ/ các khe hở quá khứ được ánh sáng tòa kính cao ốc mời gọi/ cắt giữa đường biên dự án lửng lơ// các tiến sĩ Quốc Tử Giám ở lại một mình ngẫm lại bia đá/ khoảng lặng cần thiết của lịch sử/ những con rùa đá vuột khỏi chân bia đi làm dịch vụ/ biểu diễn sương khói Tây Hồ. Gặp lại nhé. Những con chữ mở ra các mảnh ghép khác nhau nhờ sự nới lỏng, bỏ ngỏ bằng khoảng lặng ngoài văn bản:
đường lượn quanh Bờ Hồ là giải lụa mềm thiết tha buộc mở
vũ điệu ánh sáng đa sắc màu tiếng nói
đô thị màu nhiều ẩn ý
(Đô thị màu)
Xiếc chữ, tung hứng chữ bằng những câu thơ không vần điệu để nổi bật những gam màu khác nhau của Hà Nội: mơ-tỉnh; quá khứ-hiện tại... Do đó, thơ Lê Xuân Đố luôn có sự đối nghịch giữa hai bè giọng: bè trầm-quá khứ và bè cao-hiện tại. Chúng tạo nên tính đa thanh, tự giễu trong ngôn từ của nhà thơ.
Hoàng Vũ Thuật cũng đưa sự hỗn loạn, vô trật tự vào trong thơ bằng cái nhìn “lập thể”: “sương cài lên ngực màu thiên thanh/ vội vã không từ biệt/ cây cứ xanh ngoài lời/ trinh bạch vạn năm trước/ ngày cứ dài như cây// những buổi chiều lặng lẽ lên men/ bức tranh ảm đạm/ ai hát se se trong gió/ khúc du ca/ thăm thẳm tiếng người như tiếng ve// trong trái ổi thơm tho ửng đỏ/ cánh chim mơ hồ bay ra/ và/ cuốn sách bỏ quên/ đã tan thành tro bụi”. Bài thơ như một bức tranh lập thể. Nhà thơ ráp các chữ, các khổ với nhau một cách ngẫu nhiên. Cái nhìn đa điểm đưa đến sự bất định trong tâm trạng của nhà thơ khi “ngày cứ dài như cây”.
Trước luồng gió thơ hậu hiện đại, Đinh Thị Như Thúy phá ranh giới đường biên giữa các thể loại, nhờ vậy, thơ chị giàu chất văn xuôi: Giấc mơ nối tiếp giấc mơ rồi lại nối tiếp giấc mơ trong ngôi nhà màu bóng tối. Nơi ta buộc phải diễn vai và không thể tự kết thúc vai diễn của mình. Ta chờ đợi hay bị buộc phải chờ đợi phép màu giải thoát lóe lên không từ chiếc đũa thủy tinh mà từ tiếng chuông điện thoại hẹn giờ báo thức. Sự mệt mỏi ngấm ngầm vào từng rẻ xương vốn đã rã rời từ ngày rạng. Quẫy đạp trong thế giới này thật khó khăn xiết bao!...// Mơ và mơ, bóng tối và bóng tối hơn, đêm và hết đêm, ngày và ngày tàn chỉ là những mắc xích ta nắm rồi thả trong thời khắc diễn vai.// Kìa chuông reng!// ... Cám ơn bạn đã sử dụng dịch vụ này (Thời khắc diễn vai). Chỉ một thời khắc đời thường mà “ta” hội tụ bao dằn vặt, trở trăn. Những cảm giác “thèm nỗi đau rách toác thịt da, sợ trạng thái không nhức không tê không buồn không vui của một ngày đã quen như muôn ngày đã quen của cuộc sống mà như không sống” này đã xáo trộn thời gian, khiến “ta” vùi dập trong sự đứt đoạn của kí ức.
Các nhà thơ kể trên đều có ảnh hưởng cảm thức thơ hậu hiện đại phương Tây. Không phải tất cả sáng tác của họ đều là hậu hiện đại. Mỗi bài, mỗi tập thơ có những tiếp thu riêng. Yếu tố hậu hiện đại có khi rõ đường nét, có khi mờ ảo. Nhưng tựu trung, thơ của họ khác những mạch thơ mà nhiều người đã sa vào quá lâu, trở nên không thích ứng. Bên cạnh đó, việc tự do “đi về” giữa Tây và Đông, đoạn tuyệt với tư duy truyền thống, các nhà thơ tha hồ cày xới thoải mái trên các thửa ruộng mà không cần phải xuất trình giấy tờ để kiểm duyệt. Cuộc sống có thứ gì, trong thơ chưng lên thứ đó. Quan niệm “phi tâm hóa” cũng lẩy ra những giọng điệu mới lạ, sốc với người tiếp nhận: vấn đề sex nhất, tục nhất cũng “tuồn” vào thơ. Đọc thơ hôm nay, người đọc phải tỉnh táo, tỉnh táo để biết phân loại thơ, nhận định thơ, nếu không sẽ bị “lọt thỏm” vào những vòng xoáy trống mà cứ ngỡ kiến thức của mình quá “ít ỏi” nên không nhập vào được. Một số nhà thơ chú trọng đắp đổi con chữ, gián đoạn các con chữ để dấu đi sự rỗng triết lý cần và nên có trong thơ. Ma trận nhưng ngõ vào tuốt luột. Phương Lan (nhóm Ngựa trời) mang tâm thế nổi loạn để viết “Mùa căng”, thặng dư thơ ngầm, “căng” rồi “viên mãn” bằng sex:
Như con ngựa bất kham bị giam giữ suốt mùa đông
Tôi băng mình ra mông mênh thảo nguyên ngợp ngời cỏ non và ánh sáng
Mùa xuân nheo mắt vẫy gọi tôi
Hoang dại cuồng loạn réo gọi tôi
Như mũi tên đã bật cong trên dây cung
Tôi vút đi hân hoan đầy phấn khích…
Trong số các nhà thơ trẻ Việt, thơ Vi Thùy Linh thể hiện khá rõ sự bạo liệt với những vần thơ thấm chất sex. Sex đan cài trong trò chơi lắp ghép ngôn ngữ: “Thời gian ngưng lại/ Bỏ quên mọi u phiền đớn đau ngoài vũ trụ/ Buổi chiều sữa trào qua rèm cửa/ Trên ngực Anh, em thở/ Thu đầy thu nghìn trùng rút gọn/ Ngực áp ngực trái tim lên xuống/ Mũi tên thiêng ký tên giá thú/ Hơi thở dồn như muôn cơn gió/ Anh thấy như Anh nắng oi gọi bão/ Anh thấy như Anh chưa yêu lần nao/ Như đã yêu em suốt đêm ngọt ngào/ Suốt trong mảnh đời chạy theo tình yêu/ Yêu thật liều yêu hiểm nghèo yêu không tỉnh dậy/ Tai em áp chặt tim Anh, ngàn nhịp ân hoan từ thế giới tượng thanh Anh khởi tạo” (Trên ngực anh). Vi Thùy Linh cũng không ít lần chịu những đòn roi của dư luận về vấn đề sex. Thơ Linh sống động. Tuy nhiên, sex của Linh thuần bản năng, thiếu sự tiết chế của ý thức, cái đòi hỏi sống còn của nghệ thuật. Chính vì thế, nó thiếu đi tính triết lý.
Ở góc nhìn hậu hiện đại, các nhà thơ từ bỏ cái thế giới đóng khung, hướng đến cái thế giới rã rệu, lắp ghép, phân mảnh, đứt đoạn... bằng kĩ thuật xốc ngửa, lắp ráp từ, sử dụng chất humour, pha tạp thể loại... để chạm vào những vấn đề tinh tế và nhạy cảm mà hầu như thơ ca trước đây còn ngại ngùng. Họ đưa vào thơ những ngôn từ tục tĩu để giễu nhại chính vấn đề mà mình đề cập đến. Tuy nhiên, cái gì thái quá cũng có mặt hạn chế của nó. Ngôn ngữ gần với đời sống dễ làm cho thơ mất đi chất thơ của nó. Quá nhấn mạnh tính suồng sã, thơ sẽ đông cứng ngay khi mới chào đời. Đọc một số bài thơ của nhóm Mở Miệng như: Cái l... què, Vẫn làm chồng tốt, Vô địch... tôi tự hỏi liệu đây có phải là thơ thời thị trường? Viết như thế, chất thơ của thơ sẽ đi về đâu? Nếu câu chữ xoàng, tối, hỗn độn thì thơ, dưới hình thức nào, không thể sinh sản để duy trì nòi giống. Hậu hiện đại chấp nhận sự phỏng nhại, cắt dán nên một số người tuyên ngôn “đạo thơ” công khai để sinh hạ những nàng thơ “quảng cáo”: “Lactacyd FH, với công thức đặc biệt gồm hai thành phần tự nhiên là Acid lactic và Lactoserum (chiết suất từ sữa), không chỉ giúp rửa sạch, giảm ngứa, loại trừ vì khuẩn gây viêm nhiễm và mùi hôi, mà còn củng cố cơ chế bảo vệ tự nhiên của âm [dương] đạo [tặc]” (Lý do thích hạp cho mọi người trong việc tiêu [chảy] tiền [bạc] hay còn gọi là bài thơ có tên: "CHĂM SÓC BẠN GÁI HÀNG NGÀY" – Bùi Chát). Đọc những bài kiểu này, người đọc khó có thể chấp thuận.
Đổi mới thơ theo xu hướng phát triển của văn học là tất yếu, là cần thiết. Dù tiếp nhận muộn mằn nhưng tính lan tỏa của thơ hậu hiện đại đưa đến cho nền thơ ca Việt Nam những năm gần đây đầy sự táo bạo, tươi rói, khuấy đảo âm hưởng trầm lắng của thơ hiện đại. Nếu xem con đường sáng tác của thơ hậu hiện đại thể hiện sự bế tắc của thơ ca là không hoàn toàn đúng. Chúng ta có một Chẹc chẹc (Nguyễn Đình Chính) vứt bỏ vần điệu, nhạc tính để những sinh lực của thơ tự trào dâng; một Cây ánh sáng (Nguyễn Quang Thiều) “đứng riêng một cõi” (theo cách nói của Trần Sáng) bởi tính “ma quái” trên mọi phương diện: từ ngữ, cấu trúc, hình ảnh...; một Màu và Ngôi nhà cỏ (Hoàng Vũ Thuật) “trở thành thông điệp da diết về cõi người, kiếp đời vẫy gọi liên chủ thể tiếp nhận” [4]; một Và đột nhiên gió thổi (Mai Văn Phấn) đan xen giữa tính triết lí và tính trụi trần của cuộc sống; một Liên tưởng (Lê Vĩnh Tài) giản dị chất sống như phố núi Buôn Ma Thuột... Những tác phẩm ấy phần nào đã đánh dấu hướng đi cần thiết cho thơ Việt hôm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những bài thơ, tập thơ gây ấn tượng, thể hiện những phong thái mới và mạnh, vẫn còn có một số tác phẩm thơ có phần quá đà, khiến thơ của họ chưa được đón nhận như một sản phẩm quý và lạ, làm nên sự đột biến. Tập thơ Dự báo phi thời tiết của nhóm Ngựa Trời là một ví dụ. Những tập thơ khác của nhóm Mở Miệng cũng đang xôn xao hai mặt trên thi đàn.
Thơ khuân vác mọi vấn đề của đời sống nên các nhà thơ mang cảm quan hậu hiện đại luôn rủng rẻng với các đề tài thơ của mình. Chính họ làm cho thơ ca phát triển, sinh nở. Nhưng nếu phóng ngôn từ một cách bừa bãi, không tự kiềm chế, không chọn lọc thơ sẽ đường cùng, tắc tị. Cần có cách tiếp nhận phù hợp xu thế thơ hậu hiện đại phương Tây. Tiếp nhận nhưng vẫn giữ được cốt lõi của thơ: tính thơ và chất triết lí. Và quan trọng, làm thơ chính là cách thể hiện tính văn hóa của mình. Vì thế, văn hóa sáng tạo trước hành trình thơ là thước đo tất yếu mọi giá trị.
Hậu hiện đại đang trên đà đi của nó. Dù manh nha rất sớm, nhưng hậu hiện đại đến nay vẫn còn mới mẻ và lạ lẫm, chưa được trình bày dưới một hệ thống lý thuyết đầy đủ và tin cậy. Tuy vậy, những rào cản nào trước sự phát triển của thơ hậu hiện đại đều có thể dẫn đến sai lầm. Thiết nghĩ, hãy để nó phát triển như bản chất tự nhiên chính nó. Bởi lẽ, chưa bao giờ cái thế giới thực tại bị dày xéo, lật tẩy đúng thực trạng như trong thơ hôm nay. Mặt khác, một tinh thần mới, ý nghĩ mới bao giờ cũng có không ít hạn chế. Chỉ cần ở mỗi nhà thơ sự tự ý thức không bị mất đi thì cánh cửa thơ Việt ngày một mở rộng, đa trị đa chiều.
Đồng Hới, ngày 19/12/2010
H.T.A
------------------------
[1]. Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến (biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lí thuyết, NXB Hội nhà văn & Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2003, tr 146.
[2]. Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến (biên soạn), Sđd, tr 378.
[3]. Mai Bá Ấn, “1 2 3 của Thanh Thảo và ba bậc tư duy thơ trong quá trình hiện đại hóa thơ ca”, http://thinhanquangngai.wordpress.com.
[4]. Hồ Thế Hà, “Thế giới tương hợp trong thơ Hoàng Vũ Thuật”, Thơ Hoàng Vũ Thuật-nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson, Hoàng Thụy Anh, NXB Thuận Hóa, 2010, tr 327.