- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Chuyến Đi Cầu Viện Bí Mật Năm 1950 Của Hồ (phần 1 Của 2)

04 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 105640)

Từng trang lịch sử, buông hờ hững,

Xương máu còn tanh những dối gian

NGUYÊN VŨ, 1985

 

Trong đời hoạt động của Hồ Chí Minh–ngoại trừ chuyến “đi biển” năm 1911–mỗi cuộc xuất ngoại đều có sứ mạng riêng. Chuyến đi Nga cuối tháng 6/1923 từ Paris–do Quốc Tế Cộng Sản [QTCS] dàn xếp–là chuyến cầu viện thứ nhất. Nó mở ra cho Hồ giai đoạn hoạt động suốt 22 năm kế tiếp như một cán bộ QTCS chuyên nghiệp [agitprop = political agitation and propaganda]. Chuyến qua Pháp từ ngày 30/5 tới 16/9/1946, Hồ đóng vai một quốc trưởng, hy vọng thuyết phục thế giới về chính nghĩa độc lập của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] (1945-1976). Chuyến đi này thất bại, vì Linh mục/Cao Ủy Georges Thierry d’Argenlieu và nhóm Gaullist chỉ coi Hồ như lãnh tụ một Đảng, và lãnh thổ Việt Nam không quá vĩ tuyến 16, trừ thêm các khu tự trị cho sắc tộc ở thượng du Bắc Việt cùng vùng rừng núi phía tây Trung Kỳ. Tháng 12/1946, Hồ tấn công bốn vị trí trú quân Pháp ở phía bắc vĩ tuyến 16–Hà Nội, Nam Định, Vinh và Huế–khởi đầu giai đoạn thứ hai cuộc chiến kháng Pháp. Đầu năm 1950, Hồ thêm một lần xuất ngoại cầu viện. Qua ngõ Bắc Kinh.

Trước thập niên 1990, rất ít người biết chuyến cầu viện bí mật này. Những nghiên cứu cổ điển “nghiêm túc” nhất suy đoán rằng “một phái đoàn” đã đến Bắc Kinh và “có thể” ký một hiệp ước ngày 18/1/1950–đúng ngày Bắc Kinh nhìn nhận VNDCCH. Ngay Đại tướng Võ Nguyên Giáp–tên thực Võ Giáp–từ năm 1994 và rồi 2001 mới đề cập đến “bạn” và chuyến cầu viện của Hồ; nhưng không trưng dẫn được những phụ bản tài liệu khả tín như phóng ảnh các công điện và văn bản liên hệ. (1)

Nhân dịp tranh chấp giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong giai đoạn 1975-1991, giới nghiên cứu được tiếp cận một số thông tin vượt ngoài dự tưởng–như Võ Giáp chỉ có công đứng ra nhận chiến công do tướng tá cố vấn Trung Công chỉ huy, từ chiến dịch Lê Hồng Phong II (9-10/1950) tới Điện Biên Phủ (1953-1954). Điều khiến những người thận trọng thắc mắc là tại sao Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] chưa bạch hóa các tài liệu văn khố Đảng và Quân Đội Nhân Dân [QĐND] để phản bác hay xác nhận chứng từ của Chen Geng [Trần Canh], Liu Shaoqi [Lưu Thiếu Kỳ], Zhou En Lai [Chu Ân Lai], Luo Guibo [La Quí Ba], cùng các cố vấn khác mới công bố.

Hầu hết những tài liệu lược dẫn trên đều có hạn chế về mức khả tín. Thứ nhất, với Bắc Kinh và Hà Nội, “lịch sử Đảng” chỉ công bố những sự thực giai đoạn, hay nửa sự thực, phù hợp với mục tiêu chính trị và tuyên truyền nhất thời. Thứ hai, nhật ký hay hồi ký và truyền khẩu sử, tự chúng đầy chủ quan và khó tránh lầm lỗi. Đó là chưa nói đến thú ngụy tạo chứng từ, được biện minh bằng nguyên tắc: chiến tranh hay chính trị phải biến trá.

Có lẽ phải nhiều thập niên nữa, văn khố Việt Nam, Trung Hoa, Pháp, Nga Sô và Mỹ mới bạch hóa hoàn toàn, trả cuộc chiến Việt Nam, và liên hệ Hoa-Việt, vào chỗ đứng đích thực của chúng. Phương pháp làm việc tỉ đối giữa nhiều nguồn tài liệu văn khố [multi-archival] đã giải mật vào đầu thế kỷ XXI giúp tạm phác họa cái nhìn toàn cảnh vai trò tiền đồn của Việt Nam trong cuộc chiến tranh lạnh 1947-1991, mà chuyến xuất ngoại cầu viện Trung Cộng và Nga Sô năm 1950 của Hồ được coi như một dấu mốc quan trọng. Chúng cũng giúp phản ánh hiện tượng “Trung quốc hóa” hay “Mao-hóa” Đảng CSVN (dưới danh nghĩa Đảng LĐVN), và con đường “khúc khuỷu” [zigzag] mà Mao Nhuận Chi (Mao Trạch Đông) muốn Đảng LĐVN vượt qua.

Hiện tượng Mao hóa thường bị che đậy này liên hệ và giải thích những dị biệt tồn đọng từ nhiều thế kỷ trong quan hệ Việt-Hoa, đưa đến “bài học Đặng Tiểu Bình” Xuân Kỷ Mùi (17/2-16/3/1979), cùng tham vọng đất đai của Bắc Kinh từ năm 1956–lên cao điểm trong cuộc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa (Paracels) vào tháng 1/1974 do Chu Ân Lai chủ động, rồi đến cuộc tranh chấp Trường Sa (Spratlys) tại biển Đông. (2)

Nguồn tư liệu chúng tôi sử dụng gồm tư liệu văn khố Mỹ, Pháp, Việt thu thập hơn 30 năm qua, kể cả chuyến tham khảo Việt Nam năm 2004-2005. Hai tài liệu văn khố Pháp lần đầu tiên công bố là nghiên cứu “Le Parti communiste chinois en Indochine du Nord” của Nha Thanh Tra Chính Trị Đông Dương, và “Les Communistes chinois et le Viet Minh (du Septembre 1945 à Septembre 1948) do Charles Bonfils soạn thảo.( 3)

 

I. NGOẠI GIAO NHÂN DÂN:

 

Từ khi Hồ tuyên bố độc lập với Pháp chiều 2/9/1945 không quốc gia nào thừa nhận VNDCCH. Pháp và Bri-tên chỉ coi VNDCCH như một “chính phủ sinh ra trong hỗn loạn,” bất hợp pháp. Dịp cuối tuần 22-23/9/1945, liên quân Bri-tên-Pháp ép buộc tù binh Nhật tham dự cuộc cướp chính quyền ở Sài Gòn–một tội ác chiến tranh [war crimes] theo công pháp quốc tế đương thời–rồi đánh đuổi Lâm Ủy Hành Chánh của Trần Văn Giàu khỏi các thành thị phía Nam vĩ tuyến 16 như “phiến loạn.”

Mặc dù Trùng Khánh áp lực Paris và d’Argenlieu cử đại diện ký với Hồ và Vũ Hồng Khanh Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 tại Hà Nội, thừa nhận chính phủ Liên hiệp Kháng chiến VNDCCH là một “tiểu bang tự do” [Etat libre] trong Liên Bang Đông Dương và Liên Hiệp Pháp; rồi, Marius Moutet và Hồ ký thêm Tạm Ước [Modus vivendi] 14/9/1946 tại Paris; d’Argenlieu cùng Jean Valluy quyết dồn Hồ vào tình cảnh “lang thang” trong rừng núi. Cuộc “tổng tấn công” 19/12/1946, là thế chẳng đặng đừng, dù bị diễn dịch như thái độ ưa chuộng bạo lực cách mạng của Đảng CSĐD, và dùng làm chiêu bài [pretext] hầu cắt đứt thương thuyết, mở đường cho “một chí sĩ quốc gia” chân chính giúp Pháp tái khôi phục đế quốc tiền chiến.

Từ năm 1946, các giáo sĩ Pháp–như Tổng Giám Mục Antonin Drapier, Giám Mục Quảng Châu Fourquet, Linh mục Vircondolet, Giám đốc Hội truyền giáo Hong Kong, và Yolle–cùng d’Argenlieu, Léon Pignon, và viên chức Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại tái khám phá ra cựu hoàng Bảo Đại (1926-1945) đang lưu vong ở Hong Kong. Cuối năm đó, Cao Ủy Emille Bollaert ký với Bảo Đại Qui ước Hạ Long (6-7/12/1947)–mà điều khoản quan trọng nhất là Pháp sẽ tuyên bố cắt đứt thương thuyết với Hồ. (4)

Sau nhiều tháng tranh luận, ngày 5/6/1948, Bollaert, Nguyễn Văn Xuân cùng đại diện ba miền (Nghiêm Xuân Thiện, Đặng Hữu Chí [Bắc], Phan Văn Giáo, Nguyễn Khoa Toàn, Đinh Xuân Quảng [Trung], và Trần Văn Hữu, Lê Văn Hoạch [Nam]) gặp nhau trên chiến hạm Duguay-Trouin, “dưới sự chứng kiến của đế Bảo Đại.” Ra Tuyên ngôn chung (Déclaration Commune) ba [3] điểm; theo đó, xác định: “Nước Pháp long trọng nhìn nhận sự độc lập của nước Việt Nam. Từ rày về sau, việc tự do thực hiện nền thống nhất quốc gia tùy nơi nước Việt Nam. Về phần mình, nước Việt Nam tuyên bố chịu gia nhập vào Liên Hiệp Pháp với danh nghĩa một quốc gia đồng hội với nước Pháp.” (điều 1). (5)

Nhưng chính phủ trung ương lâm thời của Xuân vô quyền lực. Ba kỳ đều có chính phủ riêng, do ba Thủ hiến cầm đầu. Mỗi Thủ hiến có các đơn vị phụ lực bản xứ, mà cấp chỉ huy biệt phái từ lực lượng Viễn chinh Pháp. Chính phủ trung ương chưa có quân đội riêng, ngoại trừ một tiểu đoàn Ngự Lâm Quân. Từ tháng 3/1949, Quân Đội QGVN mới bắt đầu thành hình. Giữa năm 1950 tổng số chỉ có 56,742 người (27,778 chính qui + 28,964 Bảo An và phụ lực). Để đáp ứng nhu cầu, nhiều lớp huấn luyện cấp tốc sĩ quan và hạ sĩ quan cao cấp được tổ chức. Cuối năm 1950, QGVN có 300 sĩ quan, với hai Trung Tá. Nhưng chưa có Bộ Tổng Tham Mưu, hay Tổng trưởng Quốc Phòng “toàn thời gian.” Cấp chỉ huy đầu tiên là Pierre Nguyễn Đệ, Đổng lý Văn-Võ Phòng của Bảo Đại từ ngày 1/6/1950. Ngày 1/10/1951, Quân đội QGVN chính thức thành lập. Năm 1951 lập được 4 Sư đoàn: SĐ 1 ở miền Nam; SĐ 2 ở Trung Việt; SĐ 3 ở Bắc; và SĐ 4 ở vùng Cao Nguyên. Dự trù lên tới 8 Sư đoàn nhẹ năm 1955. (6) Từ tháng 10/1950, Pháp cũng tiến hành việc sát nhập 75,000 phụ lực Ki-tô vào QĐQG do Mỹ tài trợ, như lời yêu cầu của Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Thục và Phạm Ngọc Chi. (7)

Điều khiến Pháp khó chịu nhất là phe Việt Nam chống Cộng–mà guồng máy tuyên truyền của khối Cộng Sản nguyền rủa là “ngụy,” “tay sai Pháp”–không ngừng đòi hỏi độc lập và thống nhất lãnh thổ. Trên sơ sở pháp lý, họ được nhân nhượng những gì Hồ và Đảng CSĐD (lúc này đã giải tán, hay “rút vào bí mật” như Hồ tự biện minh ít năm sau) đã thất bại. Ngày 8/3/1949, dưới áp lực Mỹ và nhất là do viễn ảnh đầy dọa nạt từ chiến thắng của Đảng CSTH, “Hiệp ước Elysée” ra đời. Ba ngày sau, 11/3, Paul Coste-Floret vận động Quốc Hội Pháp chấp nhận cho Nam Kỳ sát nhập vào Việt Nam–dựa trên Điều thứ 75 của Hiến pháp 1946: Một phần lãnh thổ của Cộng Hoà Pháp hoặc Liên Hiệp Pháp có thể biến đổi, do một Luật của Quốc Hội, sau khi đã tham khảo với Hội nghị địa phương và Hội đồng Liên Hiệp Pháp. Như thế, theo Điều 27 của Hiến pháp, không cần phải trưng cầu dân ý (referendum), mà chỉ cần biểu quyết của một Hội đồng Lãnh thổ Nam kỳ (Assemblée Territoriale de Cochinchine, HĐLTNK), với sự chấp thuận của Thượng Viện Liên Hiệp Pháp [Haut Conseil de l'Union Francaise]. Viên chức Pháp cũng giữ kín nội dung “Hiệp ước Elysée” cho tới ngày Bảo Đại về nước, dự trù vào 25/4/1949 để có một “kích xúc tâm lý” (choc psychologique). (8)

Ngày 24/4/1949–sau khi Hội Đồng LTNK đồng ý tái nhập Nam Kỳ vào Việt Nam–Bảo Đại rời Paris hồi hương. Từ Singapore về tới Sài Gòn ngày 26/4, Bảo Đại lên thẳng Đà Lạt, dù trụ sở chính phủ trung ương đặt tại Hà Nội. Hơn một tháng sau, ngày 18/6, Paris công bố Phụ bản các điều thỏa thuận của hiệp ước, và đầu tháng 7/1949, chính phủ Quốc Gia Việt Nam [QGVN] ra đời với Bảo Đại làm Quốc trưởng, Xuân làm Phó Thủ tướng. Nhưng Bảo Đại thực sự cai trị vỏn vẹn thị xã Đà Lạt. “Hoàng triều cương thổ” bao gồm Cao nguyên Trung Việt, cùng các khu tự trị dành cho sắc tộc Thái, Mường, H’Mong (Mèo), Nùng, và khu Ki-tô giáo Phát Diệm do các sứ quân trực trị. Sài Gòn, Huế, Hà Nội và Hải Phòng vẫn do quân Liên Hiệp Pháp cai trị, qua các viên chức hành chính Việt đang tiến hóa thành QGVN. Trên phương diện ngoại giao, hai cường quốc Mỹ, Bri-tên và các nước Đông Nam Á cảm thấy chưa cần vội vã mở liên hệ.

Phần Hồ vẫn chủ trương “nước còn tát được vẫn tát.” Tháng 2/1947, Trần Ngọc Ranh gửi cho Bộ Hải Ngoại Pháp thư nghị hòa của Hồ, kèm theo tài liệu qui trách cho viên chức Pháp về chiến cuộc VN. Ngày 20/2/1947–sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội ra Phúc Yên, và HCM rời Hà Đông qua Sơn Tây dưới sự che chở của dòng người tản cư mà Hồ dấy động qua khẩu hiệu “tản cư cũng là kháng chiến”–Hồ nhờ đại diện Hồng Thập tự quốc tế chuyển cho Lãnh sự Bri-tên một thư nghị hoà. Đài phát thanh VM đọc thư Hồ gửi Thủ tướng Paul Ramadier và BT Hải Ngoại Moutet, kêu gọi thương thuyết. Theo Hồ, mục tiêu của dân Việt Nam là độc lập và thống nhất trong Liên Hiệp Pháp, và hứa tôn trọng quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp tại Việt Nam. (9) Đồng thời phát thanh thư ngày 19/2/1947 của Thứ trưởng Ngoại Giao Hoàng Minh Giám, mời Lãnh sự Mỹ, Bri-tên, Trung Hoa và India cùng đại diện Hồng Thập Tự tham dự một buổi gặp mặt ngày 21/2/1947.

Ngày 12/4/1947, Phạm Ngọc Thạch–nhân chuyến đi Hong Kong thuyết phục Bảo Đại nhưng thất bại–gửi thư cho Đại sứ Edwin F. Stanton tại Bangkok. Một lá thư khác, đề ngày 13/4/1947 của Thạch, gửi Tướng Douglas MacArthur, liên quan đến số vàng trị giá 37,498,000 Mỹ kim do Nhật giữ. Thạch tiếp xúc được Trung tá William Law của Toà Đại sứ Mỹ. khi ghé qua Bangkok. (10)

Hồ còn bí mật gặp Paul Mus ở Thái Nguyên tối 11/5/1947 để nghe điều kiện đầu hàng của Cao ủy Emille Bollaert, rồi lại gửi sứ giả qua Thái Lan tiếp xúc Mỹ, và Đại sứ Pháp.

Hồ cũng tạm thời chưa bày tỏ thái độ với Bảo Đại, dù Bảo Đại chuyển dần sang lập trường chống Cộng. Từ ngày 17/2/1947, những người ủng hộ Bảo Đại đã thành lập tại Nam Kinh Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc “ngõ hầu đạt tới lý tưởng tối cao . . . tranh thủ Độc lập và Thống nhứt quốc gia, củng cố chánh thể Cộng hòa dân chủ, thực thi chế độ dân chủ chân chánh.” (Bản ký kết thành lập MTQGTNTQ; 10H xxx). Qui tụ Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Nguyễn Hải Thần), Việt Nam Quốc Dân Đảng (Nguyễn Tường Tam), Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng (Nguyễn Hoàn Bích), Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn (Trần Côn tức Văn Tuyên), và Đoàn Thể Dân Chúng (Lưu Đức Trung tức Lưu Bá Đạt). Mặt Trận cử Thần, Tam, Bích và Côn xuống Hong-Kong gặp Vĩnh Thụy. Hơn một tháng sau, trong cuộc họp báo ở Hong Kong ngày 29/3, Bảo Đại tuyên bố chính phủ HCM không đủ khả năng đại diện Việt Nam; và, Bảo Đại chống lại Việt Minh. Tại buổi họp báo này, phổ biến tài liệu Mặt Trận Thống Nhứt Quốc Gia Việt Nam [Front d'Union Nationale du Viet-Nam], danh hiệu mới của MTQGTNTQ mở rộng–mới mời thêm được các tổ chức miền nam và trung như Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng (Nguyễn Văn Sâm), Cao Đài (Phạm Công Tắc), và Liên Đoàn Công Giáo (Trần Văn Lý-Ngô Đình Diệm). Mục tiêu của Mặt Trận mở rộng hơn, tức “thống nhất mọi tổ chức cách mạng, đảng phái chính trị, đoàn thể tôn giáo và xã hội để đấu tranh giành độc lập và thống nhất lãnh thổ, củng cố chế độ cộng hoà, dân chủ, hợp tác toàn diện với tất cả các quốc gia trên thế giới trên căn bản công bằng và tự do để vãn hồi trật tự thế giới.” Về Việt Nam, Mặt Trận khẳng định cuộc kháng chiến hơn một năm qua không phải là công trình của một đảng nào, mà là của toàn dân. Chính phủ HCM không còn được nhân dân tin tưởng và đã mất vị thế trên thế giới trong cuộc tranh đấu giành độc lập. Bởi vậy, Mặt Trận ủng hộ cựu hoàng Bảo Đại Nguyễn Vĩnh Thụy để thành lập một chính phủ dân chủ thực sự. (11)

Mãi tới ngày 27/4/1949, khi nước đã cạn, ngọn lửa “thánh chiến chống Cộng” ngày càng bốc mạnh, và Mao đã chiếm Bắc Kinh, Hồ mới lên án tử hình Bảo Đại, rồi công khai chống “đế quốc đầu xỏ Mỹ.” Đồng thời xiết chặt quan hệ với Đảng CSTH–qua những cuộc hành quân hỗn hợp tiêu diệt và ngăn chặn tàn binh Tưởng tràn vào Bắc Việt, hay đánh phá Thập Vạn Đại Sơn, nằm sát biên giới Quảng Tây-Cao Bằng. (12)

Tài liệu CSTH và CSVN mới giải mật giúp khẳng định điều mà quân báo Pháp và Tây Phương ờ biết từ lâu: Liên hệ giữa hai đảng CSTH và CSVN đã khởi đầu từ năm 1945-1946 qua mạng tình báo Trung Hoa hải ngoại ở Bangkok và Phnom Penh với các lưới nằm vùng Hoa kiều Chợ Lớn, Hải Phòng và Hà Nội. (13)

Đảng CSTH–bị đặt ra ngoài vòng pháp luật tại Đông Dương từ năm 1939–bắt đầu tái hoạt động sau ngày Nhật đầu hàng. Tháng 8/1945, xuất bản tờ Việt Nam Báo ở Chợ Lớn, nhưng bị đóng cửa. Tháng 9/1945, CSTH thành lập một Ủy ban Đảng hải ngoại tại Nam Đông Dương, chi nhánh của Ủy Ban Chấp Hành Hải Ngoại phụ trách Thái Lan, India, Indonesia, Miến Điện [Myanmar], Malaya và Đông Dương, với trụ sở đặt tại Bangkok (Thái Lan). Cơ quan này liên hệ trực tiếp với Yenan [Diên An]. Từ tháng 3/1946–sau khi cả Liên Bang Mỹ và Liên Sô Nga đứng ra hòa giải giữa Tưởng và Mao, đưa đến việc ký ba [3] tạm ước vào tháng 1/1946 (đình chiến, chính trị và hiến pháp, tái tổ chức quân đội)–cán bộ CSTH tái hiện ở miền Nam vĩ tuyến 16. Rải truyền đơn đả kích chính sách của Quốc Dân Đảng TH. Nam Kiều Học Hiệu tại Chợ Lớn có nhiều hoạt động nhất. Việt Nam Nhựt Báo cũng tái bản, nhưng giọng điệu ôn hòa hơn. Ngày lễ lao động 1/5/1946, hoạt động ở Sài Gòn-Chợ Lớn và Pnom Penh gia tăng. Nhiều cán bộ quá khích từ Bangkok, nơi đặt trụ sở Ban Chỉ Huy Các Nước Đông Nam Á, đến Sài Gòn và Pnom Penh. Đảng CSTH cũng thành lập một trạm liên lạc ở Pnom Penh, vì đây là một địa điểm an toàn, ngoài sự kiểm soát của Tòa Lãnh sự THDQD tại Sài Gòn. Nương đà thắng lợi của quân đội Diên An, cán bộ CSTH tăng gia hoạt động trong các nghiệp đoàn tại Nam Kỳ và Kampuchea.

Đảng viên CSTH hoạt động mạnh nhất trong giới học sinh. Hiệu trưởng trường trường Nam Kiều, Vương Quan Nhựt, là một cán bộ cấp lãnh đạo. Chen Lee, quản lý Việt Nam Nhựt Báo, từng huấn luyện ở Diên An, giữ chức Tổng thư ký. Những phóng viên hải ngoại đều là CS, thuộc hãng thông tấn Kuo Tsi ở Hong Kong, Hua Shiang Pao [Hoa Thương Báo] ở Hong Kong, và hãng TASS của Nga. Sau loạt bài tấn công Tưởng Giới Thạch trên Việt Nam Nhựt Báo, Tổng Lãnh sự TH can thiệp, khiến Pháp đóng cửa báo ngày 23/11/1946. Chen Lee còn bị trục xuất vì thái độ bài Pháp. Chủ bút Quách Tương Bình, giáo sư trường Nam Kiều, bèn xin ra báo Việt Nam nhưng không được chấp thuận; nên in lại tờ nhật báo CS Yen Sha của Pnom Penh tại Chợ Lớn. Các biên tập khác hình như qui tụ tại tuần báo Toàn Dân ở Cây Mai, Chợ Lớn. Nhóm chỉ huy văn phòng liên lạc Pnom Penh gồm Trương Quan Hao, Lương Kiên, Trác Diệu Sô, Tô Đại Hun, Đặng Tất Toan. Cơ quan ngôn luận là Hiện Thực Nhật Báo. Môi trường hoạt động chính là giới công nhân và học sinh. Theo tài liệu TC, một cán bộ CSTH nằm vùng là Trương Dực, sinh ở Nam Việt, từng hoạt động ở Diên An. Năm 1938, vì bệnh phổi, trở lại Sài Gòn. Chủ nhiệm Tổng hội Liên Hiệp Giải Phóng Hoa Kiều. Giao du thân với Lê Duẩn, Lê Đức Thọ. Năm 1951, được Vương Gia Tường gọi về nước, làm việc trong Ban Liên Lạc Trung Ương Đảng CSTH (Tình báo hải ngoại). Thông dịch chính của HCM từ năm 1951. Sau này tham gia Hội nghị Geneva trong “tổ Việt Nam” của Chu Ân Lai. (14)

Tại miền Bắc, từ mùa Thu 1945, Hồ tiếp kiến cán bộ CSTH ở Hải Phòng và Hà Nội ngay trong Phủ Chủ tịch. Cán bộ CSTH có mặt ở Hải Phòng từ tháng 2/1946. Vì quân THDQ đang chiếm đóng miền Bắc, cán bộ CSTH hoạt động bí mật. Họ đến từ Bangkok qua ngả Lào. Cũng vào thời gian này, các đơn vị du kích Quảng Tây và Quảng Đông, đã xâm nhập Bắc Việt từ Thế chiến thứ hai (1939-1945), công khai chống lại Đệ tứ Phương Diện quân của Trương Phát Khuê. Bị Sư đoàn 156 đánh đuổi khỏi Hoa Nam, các đơn vị trên phân tán vào Đình Lập và Móng Cái. Một số được Việt Minh thu dụng; số khác phân tán vào dân chúng tại Quảng Yên, Hòn Gai và Móng Cái.

Giữa tháng 5/1946, Ủy Ban Bangkok gửi qua Hà Nội một đoàn đại biểu. Cầm đầu là Ken Ky, Ủy viên BCH Bangkok. Hai ngày sau, 17/5, Lou Hing, một cán bộ BCH Trùng Khánh cũng tới Hà Nội, với vị thế phóng viên Tân Hoa xã. Lou Hing giới thiệu nhóm Ken Ky với HCM và BCHTW Đảng CSĐD [hoạt động dưới tên Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư] [HNC/CNMKT]. Ngày 25/5/1946, Lou Hing rời Hà Nội qua Bangkok.

Từ tháng 7/1946, có hai nhóm CSTH tại Bắc Việt. Một đặt văn phòng ở Hà Nội và Hải Phòng, trực thuộc Ban Liên lạc thường trực với chính phủ HCM, gồm Yu Te Ming, cố vấn tại Bộ Nội vụ; Tchao Yi Pe và Tchang Siao Po, cố vấn tại Bộ Giáo Dục; Tchang Pan và Lam Lin Ping, cố vấn Bộ giao thông. Tchang Yi Ping và William Lu hợp tác với tuần báo Tân Việt Nam của Đặng Thái Mai. Một HNC/CNMKT Hoa-Việt cũng được tổ chức để chống lại tổ chức hữu nghị Hoa-Việt do phe Tưởng lập nên, với các đảng viên VNQDĐ và Việt Cách. (15)

Dẫu vậy, Dalburo ở Thượng Hải–chi nhánh phụ trách Nam Á Châu của Ban Phương Đông QTCS, do cơ quan tình báo Nga [Intercenter hay Mainburo] tài trợ–không hài lòng việc Hồ giải tán Đảng CSĐD năm 1945, và từng lên án Hồ là phản bội. (16)

Tháng 11/1946, sau một buổi họp ở Hải Phòng, cán bộ CSTH và Đảng Dân Chủ Thống Nhất TH (PDU) gửi thư ngỏ cho HCM, tuyên bố theo đuổi những đường lối sau: Phản đối sự tàn ác của Pháp tại Nam Bộ; Phản đối những mưu toan biệt phân; Ủng hộ chính phủ VNDCCH; Không nhìn nhận chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Thinh [Cộng Hòa Nam Kỳ tự trị] do Pháp lập nên (từ ngày 2/6/1946); Phản đối việc không thực thi nghiêm chỉnh Hiệp ước sơ bộ 6/3/1946 và Tạm ước [Modus vivendi] Paris ngày 14/9/1946.

Sau khi Việt Minh tổng tấn công đêm 19/12/1946, tiếp vận từ TH cho VM phần lớn là kinh tế. VM dùng quặng thiếc (étain), thuốc phiện và tiền mặt mua vũ khí từ Hoa Nam khá dễ dàng. Tháng 1/1947, đại diện HCM là Nguyễn Đức Thụy thường qua Hoa Nam mua khí giới, đạn dược. Thụy và thuộc hạ không gặp khó khăn gì từ phía Trương Phát Khuê. Những kho tàng tịch thu được trong chiến dịch Thu Đông 1947 (Léa-Ceinture) khẳng định điều này.(17)

Đảng CSTH cũng tiếp trợ VM về chính trị và quân sự. Diệp Kiếm Anh hay “đồng chí Lộc,” (theo một tài liệu Việt) cầm đầu một phái đoàn quân sự CSTH có mặt tại Hà Nội vào thượng tuần tháng 12/1946 và sau đó theo Bộ Tổng Tư lệnh Việt Minh lên Tuyên Quang. Ngày 18/6/1947, cán bộ CSVN và CSTH hội thảo tại Tuyên Quang, cho phép bộ đội Hồng quân TH vào lãnh thổ Bắc Việt qua ngả Cao Bằng, trục xuất phần tử thân THDQ khỏi vùng VM kiểm soát, huấn luyện quân sự cho thanh niên TH chưa đăng ký, v.. v... Tháng 7/1947, các đồn biên giới của Pháp ghi nhận khoảng 270 bộ đội TC vượt biên, lập thành đoàn du kích Trung Hoa tại Tuyên Quang. Tháng 8/1947, Ken Ky cũng chỉ huy khoảng 400 bộ đội Trung Cộng vượt biên vào khu vực Thất Khê (phủ lị Trùng Khánh của tỉnh Lạng Sơn) và Cao Bằng (trị sở Khu Quản Đạo hay Tiểu Khu thứ 2) sát biên giới Quảng Tây. Thất Khê là thị trấn phồn thịnh nhất của tỉnh, có đường thông tới cửa ải Thủy Khẩu (Long Châu, Quảng Tây).

Ngày 12/6/1947, báo Thái Bình Dương bằng Hán ngữ ở Hà Nội trích dẫn báo cáo của Tòa Lãnh sự TH về sự hiện diện trong khu vực VM kiểm soát một tổ chức CSTH, dưới danh hiệu “Ủy ban Tiếp trợ Hoa kiều trong thời chiến tranh tại Việt Nam.”

Thời gian này, Hồ còn duy trì liên hệ với Tổng lãnh sự Hà Nội. Thực tế, Tổng lãnh sự Hà Nội Yuen Tsi-kai từng giúp Vệ Quốc Quân an toàn rút khỏi Hà Nội, và đề nghị hai chính phủ THDQ cùng Liên Bang Mỹ đứng ra hòa giải.

Ngoài ra có khoảng 4,000-5,000 tự vệ, chia làm 15 đơn vị. CSTH còn mở một trường học. Theo nhân chứng, Lý Ban [Lý Bích Sơn?], một Hoa kiều, cán bộ trung ương Đảng CSTH phụ trách Mặt trận Hoa vận trong An Toàn Khu (Thái Nguyên-Tuyên Quang). Lý Ban còn phụ tá Lê Giản phát động phong trào “diệt đặc vụ” tức những toán tàn quân THDQ hay biệt kích, gián điệp ở biên giới Hoa-Việt. (18) Cuối năm 1947, những đơn vị CSTH lại hoạt động hầu như tự do ở vùng biên giới, và quân Tưởng–với 1,000 binh sĩ trú đóng theo 500 cây số biên giới–khó kiểm soát hay ngăn chặn.

Qua năm 1948, nhiều buổi hội thảo quân sự giữa Việt Minh và TC diễn ra ngày 21/1 và 5/2/1948 tại Bi Nhi và Na Noi. Sau đó, bộ đội Việt Minh tham gia các trận đánh ở Lung Ping (26/2/1948), Pho Cap (7/3/1948), Long Ping, gần Long Châu (8/3/1948), Nà Lý (5/4/1958), Hai Yuen (9/4/1948), v.. v... Tình báo Pháp cũng ghi nhận việc tập trung quân VM và TC tại Thập Đại Sơn.

Từ cuối 1947, đầu 1948, giao tình giữa Việt Minh và viên chức THDQ xấu đi. Tháng 11/1947, Nguyễn Đức Thụy bị bắt và chỉ được phóng thích ít tháng sau với số tiền hối lộ lớn. Viên chức THDQ cũng bắt giữ một phái đoàn thương mại VM và dẫn độ cho Pháp vào cuối tháng 4/1948. Lê Văn Hiến (1904-1997), cựu Bộ trưởng Tài chính và rồi Đại sứ tại Lào, ghi trong Nhật Ký rằng từ năm 1947 vẫn giữ liên hệ với cả hai phe Trung Hoa. Nguyễn Lương Bằng (Cù Vân) qua lại Trung Hoa nhiều lần mua vũ khí, đạn dược, trả bằng tiền Đông Dương, vàng bạc, thuốc phiện, gỗ cùng quặng mỏ wolfram, thiếc, kẽm, galène, antmoine [ở mỏ Bản Thi]. Hiến cũng nhiều hơn một lần gặp gỡ và tiếp vận cho quân CSTH tại vùng Lào Cai-Tuyên Quang. (19)

Tài liệu Việt và Trung Cộng sau này đều xác nhận sự có mặt của lực lượng võ trang Trung Cộng tại vùng Việt Minh kiểm soát. Theo tài liệu Trung Cộng từ năm 1946, Hồ đã giúp các đơn vị TC ở Quảng Đông chạy sang Bắc Việt tị nạn. Tháng 3/1946, khoảng 1,000 quân thuộc Trung đoàn 1 Quảng Đông vượt biên giới qua Bắc Việt. Hồ cung cấp thực phẩm và thuốc men. Hồ cũng yêu cầu CSTH cho đơn vị trên huấn luyện một số cán bộ Việt Minh. Tháng 6/1946, văn phòng CSTH tại Hongkong gửi Zhou Nan [Chu Nam?] qua Hà Nội làm liên lạc viên bên cạnh Đảng CSĐD. Do đề nghị của Hoàng Văn Hoan, Trưởng ban Liên lạc, Zhou Nan cho lệnh cán bộ Trung đoàn 1 huấn luyện cho Việt Minh ở Thái Nguyên, và hoạt động quân báo tại Hà Nội. Tới tháng 7/1947, tổng số trên 830 sĩ quan và binh sĩ VM được huấn luyện. Tháng 8/1949, Trung đoàn 1 mới trở lại Quảng Đông. Điện đài giữa Đảng CSTH và Việt Minh thiết lập từ mùa Xuân 1947. Ngày 13/1/1950, Phó Chủ tịch Đảng CSTH Lưu Thiếu Kỳ còn nhắc đến việc này. Nhưng theo Võ Nguyên Giáp, từ năm 1947, Việt Minh mới bắt đầu liên lạc với Đệ Bát Lộ Quân TC tại Hoa Nam và Bộ Tư lệnh Quân sự Biên Giới Điền Quế (Vân Nam-Quảng Tây). Năm 1948, Chu Ân Lai sai Trang Điền và Lục Giả qua gặp Hồ, dàn xếp cho Trung đoàn 1 Quảng Đông di tản qua thượng du Việt Nam để tránh cuộc tảo thanh của Tưởng Giới Thạch. Tháng 3/1948, một số đơn vị của Trung đoàn này vào lãnh thổ Việt. (20)

Dù có sự khác biệt tới hai năm về thời gian quân Trung Cộng hiện diện trong lãnh thổ Việt Nam qua lời chứng các viên chức Hoa-Việt, có thể khẳng định hai bên liên hệ khá chặt chẽ, ít nhất ở mức độ địa phương.

Liên hệ hai bên gia tăng theo mức Nam tiến của Hồng quân Trung Cộng. Tháng 4/1949, giữa lúc Bạch Sùng Hy và Lâm Bưu đại chiến ở Hà Khẩu (giáp ranh Lào Cai), Hồ sai Lê Quảng Ba (Đàm Văn Mông, 1915-1988), Tư lệnh Liên khu Việt Bắc, và Chu Huy Mân (Chu Văn Điều, 1913-2006), v.. v.... chỉ huy một đơn vị qua Thập Vạn Đại Sơn phụ giúp Hồng quân TH. Sau khi Mao tuyên bố thành lập CHND Trung Hoa (ngày 1/10/1949), lãnh đạo VNDCCH không ngớt bàn tán về tình thế và thời cơ mới. Cơ quan ngôn luận Việt Minh công khai loan tin về chiến thắng của Đảng CSTH. Ngày 12/12/1949, báo Cứu Quốc đăng cả danh sách Ban chấp hành Trung ương Đảng CSTH, đã được bầu ra ngày 24/9/1949. (21)

Trong khi đó, từ tháng 12/1947, Công An Việt Minh bắt giữ một số người Hoa ở vùng Đầm Hồng, Chiêm Hóa–cách Tuyên Quang hơn 60 cây số–vì tội đã chỉ điểm cho quân Pháp các kho tàng của Việt Minh. Ngoài ra, đa số sống bằng nghề buôn thuốc phiện lậu–vi phạm độc quyền của chính phủ Hồ.( 22)

Từ khi chính phủ lâm thời trung ương của Nguyễn Văn Xuân thành lập ở Hà Nội tháng 6/1948, Hồ ngày càng ngả về hướng tân Quốc Tế Cộng Sản (Cominform). Nhiều nhân vật quan trọng VM và CSTH đi lại, xuất hiện ở Hoa Nam, Nam Ninh, Quảng Châu và Hong Kong. Cuối tháng 6/1948, công tác đội Hoa Kiều ở Đầm Dương Tuyên Quang, do một nữ cán bộ CS điều khiển. Người cầm đầu công tác Hoa vận là Lý Ban, sau này lên chức Thứ trưởng Kinh tế; góp công vào kế hoạch Cải Cách Ruộng Đất trong thập niên 1950, rồi bị thanh trừng năm 1979. (23)

Năm 1949 đánh dấu một khúc quanh mới trong liên hệ Việt Minh và CSTH. Một mặt, Mao và Hồng quân đang thắng lớn, tiến vào Bắc Kinh tháng 2/1949; Tưởng từ chức, chạy sang Đài Loan. Mặt khác, dưới áp lực Mỹ, Pháp khởi đầu thí nghiệm Bảo Đại. Trong khi khối Kominform [Ban Thông Tin Quốc Tế, gồm 9 đảng CS Âu châu thành lập tháng 9/1947] nối tiếp nhau nhìn nhận chế độ Mao, chỉ riêng Hồ thái độ chưa rõ ràng. Sự chậm trễ này khiến có suy luận rằng Hồ nuôi một tâm ý khác. Thực ra, Hồ tạm thời theo chính sách “ngoại giao nhân dân” hơn ngoại giao chính thức, vì chưa tiện thách thức khối “trắng” (Mỹ và tư bản). Một tài liệu TC ghi tháng 10/1949, HCM sai Lý Ban và Nguyễn Đức Thụy mang thư sang Bắc Kinh. Được Mao hồi âm vào hạ tuần tháng 11/1949, Hồ liền cử một phái đoàn phụ nữ đi thăm Trung Cộng. Đồng thời, đích thân Hồ chuẩn bị bí mật qua Bắc Kinh. (24)

Sau khi bẻ gãy chiến dịch mùa Thu 1947 của Pháp, Hồ ngả hẳn theo Cộng Sản. Ngày 6/1/1948, Hồ tổ chức lễ kỷ niệm 18 năm thành lập Đảng CSĐD. Ngày 15/1, Hồ đề cử Stalin, Mao và Maurice Thorez chủ tọa danh dự Hội nghị trung ương mở rộng. Trong báo cáo chính trị, Trường Chinh có vẻ thuần thạo lý luận “hai phe” của Andrei Zhdanov–Nga cầm đầu “Dân chủ chống đế quốc,” chống lại phe “đế quốc phản dân chủ” Mỹ-Pháp phản động. Hội nghị cũng nghị quyết sẽ triệu tập Hội nghị Toàn quốc vào khoảng tháng 6/1948 để sửa lại điều lệ Hội NC/CNMKT và bầu Ban Chấp ủy trung ương mới. Tuy nhiên, trong hàng ngũ Bộ trưởng vẫn có người muốn ngả theo Mỹ, người thì sợ Mỹ và thân Mỹ. Riêng Võ Giáp chống Mỹ.( 26)

Việt Minh còn khoa trương đang chuyển từ “phòng ngự” qua “cầm cự.” Để chống lại việc Pháp tiếp tục càn quét; lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại, dùng người Việt hại người Việt, sử dụng công giáo và thiểu số (Thái tự trị, Nùng tự trị, .. v...) Nghị quyết phân tán các đơn vị chủ lực, thành lập các đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, và đẩy mạnh hoạt động võ trang tuyên truyền. (27)

Dịp này, nhiều cán bộ Nam, Trung và ngoại quốc được gọi về Việt Bắc. Tuy nhiên, sau Hội nghị cán bộ lần thứ 5 họp từ 8 đến 16/8/1948, Hội NC/CNMKT vẫn giữ nguyên danh hiệu, vì chưa đúng thời cơ để ra công khai: Theo Lê Đức Thọ, bên ngoài phản động quốc tế; bên trong, mặt trận Việt Minh và Liên Việt sẽ bị chia rẽ, một phần tư sản, địa chủ, Ki-tô giáo sẽ hoang mang, bọn phản động sẽ thọc gậy bánh xe. Bởi thế, Thọ chỉ thị cán bộ trong khi tuyên truyền, có thể nói đảng CS vẫn hoạt động, nhưng tránh tuyên truyền quá trớn tại vùng Ki-tô giáo và địa chủ. (28)

Phần Mao và cộng sự viên có những lý do riêng để tuyển mộ Hồ vào cuộc thánh chiến tạm gọi là “Đông Phương Hồng.” Việt Nam án ngữ tuyến phòng thủ Đông Nam của Trung Hoa–nơi gần 200,000 quân viễn chinh Pháp đang có mặt. Hàng chục ngàn tàn quân Tưởng cũng đã chạy sang Đông Dương tị nạn, và rải rác khắp Hoa Nam. Ngoài ra, dưới mắt Mao–và ngay cả Tôn Dật Tiên hay một số chính khách chỉ quen thuộc với những bài sử lớp đồng ấu hay tiểu học–Việt Nam, và cả Đông Nam Á đều là chư hầu đã bị thực dân cướp đoạt, cần khôi phục vào bản đồ Hoa hạ. Hồ cũng từng hoạt động cho QTCS ở Trung Hoa nhiều năm, gặp gỡ nhiều lãnh đạo CSTH, kể cả Mao, Ân Lai, Kiếm Anh, v.. v.. Giúp đỡ Hồ, bởi thế, đôi bên đều hưởng lợi. Hồ và Đảng CSVN sẽ lập tiền tuyến bảo vệ Trung Hoa, đồng thời cũng là mũi tiên phong xuất cảng chủ nghĩa Mao–trong cuộc nam tiến bất khả cưỡng chống trước sức ép nhân mãn nội địa và nhu cầu thương mại cùng tài nguyên thô–ngoại trừ trường hợp, như Mao đề xướng ngày 18/11/1957, có một cuộc chiến nguyên tử, tiêu diệt bớt nửa nhân loại, số còn lại sẽ tiêu diệt đế quốc, xây dựng một thế giới XHCN mới. Nhân dân TH chưa hoàn tất cuộc kiến thiết, nhưng nếu thực dân muốn gây chiến, TH sẽ đánh đến cùng, trước khi tái thiết. (29)

Tuy nhiên, Mao tạm thời duy trì chính sách “ngoại giao nhân dân,” tức bí mật nối lại quan hệ giữa hai Đảng CS, hơn thiết lập quan hệ giữa hai chính phủ. Đại diện Đảng CSĐD được mời tham dự Hội nghị Công đoàn Thương mại Thế Giới ở Bắc Kinh trong tháng 11-12/1949. Tại Hội nghị này, Thiếu Kỳ hứa giúp đỡ các phong trào cách mạng, giải phóng đất nước tại Á Châu. Phát biểu sau Thiếu Kỳ, đại diện Hồ tuyên bố kinh nghiệm và mẫu mực cách mạng giải phóng Trung Cộng là “kim chỉ nam” cho Việt Nam. (30)

Trong thời gian qua Liên Sô để dưỡng bệnh từ 6/12/1949 cho tới ngày 17/2/1950, đồng thời thương thuyết Hiệp ước hữu nghị Nga-Hoa mới (14/2/1950), Mao tỏ ý muốn công nhận chế độ Hồ, nhưng Stalin sợ rằng chỉ gây thêm khó khăn, cô lập cho VNDCCH. Cuối cùng, Stalin nhượng bộ, đồng ý cho Mao công nhận Hồ trước, Moksva [Mat-scơ-va] và Kominform sẽ theo sau.

Chính sách ngoại giao chung của Mao thời gian này tóm gọn trong cuộc nói chuyện với Ngoại trưởng Molotov và Đại sứ A.Y Vyshinsky ngày 17/1/1950. Mao tiết lộ ba ngày trước Bắc Kinh đã ép đại diện Mỹ rời Bắc Kinh bằng cách đòi lãnh sự Mỹ hoàn trả những dinh trại dành cho quân đội ngoại quốc trú đóng do những hòa ước bất bình đẳng cũ. Lãnh sự Mỹ đe dọa là có thể sẽ rút hết nhân viên ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Nam Kinh. Mao cười riễu cợt, nói là Mỹ đang dọa làm những gì Mao mong muốn. [In response, the American consul in Beijing started threatening the Chinese government that USA, as a sign of protest, will be forced to recall all of their consular representatives from Beijing, Tientsin, Shanghai, and Nanking. This way, said Mao Zedong in a half-joking manner, the Americans are threatening us with exactly that which we are trying to accomplish]. Mao quyết định đình hoãn thời gian bang giao với Mỹ càng lâu càng tốt để ổn định nội bộ. [We need to win time, emphasized Mao Zedong, to put the country in order, which is why we are trying to postpone the hour of recognition by the USA. The later the Americans receive legal rights in China, the better it is for the People's Republic of China]. Mao cũng nói trong ít ngày trước Mỹ nỗ lực thăm dò lập trường của Bắc Kinh về bang giao. Người cầm đầu một hãng thông tấn Mỹ ở Pháp từng đặt câu hỏi Mao nghĩ gì về một cuộc tiếp xúc với đặc sứ Philip C. Jessup, chuyên viên về Viễn Đông. (31)

 

II. BẮC KINH CÔNG NHẬN VNDCCH:

 

Ngày 24/12/1949, Thiếu Kỳ họp Bộ Chính Trị bàn việc thiết lập quan hệ với VNDCCH. Nghị quyết là bang giao với Hồ trước khi Pháp nhìn nhận CHNDTH sẽ có lợi hơn hại. Bốn ngày sau, 28/12, Thiếu Kỳ gửi điện văn cho Hồ, ngỏ ý muốn bang giao. Thiếu Kỳ khuyên Hồ chủ động bày tỏ ước muốn thiết lập ngoại giao với các nước ngoài, Bắc Kinh sẽ gửi đại diện qua Việt Nam và đổi lại Hồ gửi một phái đoàn qua thảo luận về cuộc chiến đấu chung chống đế quốc [the common struggle against imperialism]. (32)

Công điện ngày 28/12/1949 của Lưu Thiếu Kỳ đến với Hồ như cơn mưa giữa ngày nắng hạn.

Hồ đang lúng túng, tuyệt vọng trước sự tấn công toàn diện của Pháp trên cả ba phương diện quân sự, chính trị và kinh tế, trong khi các cường quốc quay mặt làm ngơ. Thực trạng an toàn khu [ATK] và “châu tự do” (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) ngày một khó khăn. Lãnh thổ kiểm soát ngày một thu nhỏ. Áp lực quân sự Pháp gia tăng. Thu nhập bị giảm sút. Kinh tế suy thoái. Lê Văn Hiến chỉ tiếp tục in tiền không bảo chứng–hay dùng sức sản xuất nhân dân làm bản vị–khiến lạm phát gia tăng như hỏa tiễn. Tháng 8/1950, trên đường về căn cứ, Hiến phải trả hai chục [20] đồng để mua một quả chuối ở Văn Lãng, ăn lấy sức lên đèo Khế. Từ năm 1950, thu thuế bằng thóc. Ngày 22/1/1951, Thiếu Kỳ cảnh cáo VNDCCH về việc phát hành tiền không bảo chứng. Trong tháng 4 và 5/1951, Thiếu Kỳ cảnh giác Hồ về nạn tham ô lãng phí đồ viện trợ. (33)

Mọi nguồn tài nguyên có thể mang lại vàng và ngoại tệ đều được khai thác tối đa để thu mua khí giới, thuốc men từ Thái Lan, Miến Điện, Hoa Nam và Hong Kong. Cũng may, vùng thượng du Bắc Việt là nơi có nhiều quặng mỏ, và nhất là thuốc phiện. Từ năm 1946-1947, thuốc phiện, gạo, gỗ và những quặng thô khác–vàng cốm, wolfram, thiếc, kẽm, galène, antimoine, và có thể Uranium non tại mỏ Tĩnh Túc (Pia Ouac, Cao Bằng)–bán sang Hoa Nam để mua vũ khí và những vật dụng cần thiết khác. (34)

Nhưng từ mùa Thu 1947, Pháp thu phục được một số lãnh chúa Thái và Mèo ở Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, và Bắc Kạn, nên hạn chế dần mức thu nhập thuốc phiện của Việt Minh. Tại đồng bằng, các khu vực “Tề” ngày một mở rộng. Hòa ước Elysée và thí nghiệm Bảo Đại là giọt nước làm tràn ly. Mọi nỗ lực còn nước cứ tát đều tuyệt vọng. Ngay đến cựu cố vấn của Hồ–Giám Mục Lê Hữu Từ ở Bùi Chu/Phát Diệm, theo tin đồn còn là “bạn học” của Nguyễn Sinh Côn tại một tiểu chủng viện Nghệ An–cũng từ bỏ dần thế tự trị, trung lập. Từ tháng 10/1949, một tiểu đoàn Nhảy Dù đã tới Phát Diệm. Linh mục Hoàng Quỳnh đang chuẩn bị thành lập các đội tự vệ và vệ sĩ, kiêm nhiệm việc hành chính khắp ba tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Bùi Chu. Tổng bộ chỉ huy đặt tại Phát Diệm. Tỉnh bộ Nam Định đặt tại Phát Diệm Bùi Chu. (35) Các giáo sĩ Ki-tô cũng bắt đầu nhận lệnh chống Cộng, từ Bắc chí Nam. Những đạo “thập tự quân” ở Quảng Bình, hay UMDC Bến Tre-Mỹ Tho giơ cao họng súng diệt trừ “quỉ đỏ vô thần.” Cao Đài, Hòa Hảo và lực lượng Bình Xuyên ở miền Nam công khai và liên kết với Pháp qua các chính phủ Nam Kỳ tự trị của Lê Văn Hoạch, Nguyễn Văn Xuân, rồi ủng hộ Bảo Đại. (36) Trong nội bộ đảng CSĐD, những phần tử bảo thủ và hiếu chiến hân hoan reo mừng chiến thắng của Mao Trạch Đông, và đòi tái khai sinh đảng. Hồ đành trở lại với vô sản quốc tế–niềm trông cậy duy nhất: Mao từng đưa ra lí luận một người khó cỡi hai ngựa. Stalin nhắc nhở không thể ngồi một lúc trên hai ghế, hay đứng giữa một đòn gánh. Hồ quyết định thủ vai nhà ngoại giao lần thứ hai–đích thân đi Bắc Kinh và Nga cầu viện.

Để chuẩn bị cho chuyến cầu viện của Hồ, ngày 15/1/1950 Ban Chấp hành TƯ Hội NC/CNMKT gửi điện chính thức đề nghị thiết lập bang giao với THNDCHQ như Thiếu Kỳ gợi ý. Đồng thời, đài phát thanh Việt Minh tuyên bố nhìn nhận chế độ THNDCHQ, và yêu cầu các nước mở quan hệ ngoại giao với VNDCCH. Theo đúng kịch bản, ngày 17/1, từ Mat-scơ-va, Mao chỉ thị Thiếu Kỳ hồi đáp ngay là đồng ý bang giao, và BNG Trung Cộng tiếp xúc các nước CS khác để công nhận VNDCCH. Hôm sau, 18/1, Bắc Kinh sẽ tuyên bố thừa nhận VNDCCH, và yêu cầu HCM gửi Đại sứ tới Bắc Kinh. Ngày 18/1, Tân Hoa Xã đi tin về việc Hồ đã kêu gọi các nước trên thế giới ủng hộ và nhìn nhận VNDCCH như chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam. (37)

Ngày 18/1 từ đó được cơ quan tuyên truyền ca ngợi như ngày chiến thắng ngoại giao vĩ đại của Đảng CSĐD. Trong thời chiến tranh lạnh, nhiều quan sát viên từng đặt ra những câu hỏi, rồi tự trả lời về lý do chậm trễ nhìn nhận Bắc Kinh của Hồ. Có người còn đưa ra cái gọi là tinh thần bài Hoa và thân Tây phương của Hồ. Tuy nhiên, những thông tin đã giải mật cho thấy từ năm 1947-1948, Hồ đã quyết định cho tái sinh Đảng Cộng Sản, sau một thời gian “rút vào bóng tối.” Sự kiêu ngạo và tham vọng của phe cực hữu Pháp–nhất là Hội truyền giáo Ki-tô, một trong những cổ phần viên của Ngân Hàng Đông Dương [Banque de l’Indochine] cùng các công ty kiếm lợi nhiều nhất ở Đông Dương–khiến bỏ qua cơ hội giải quyết Việt Nam một cách ôn hòa. Và, kết quả chung cuộc, đẩy Việt Nam vào quĩ đạo Trung Hoa–một đế quốc bạo tàn nhất lịch sử nhân loại, mà những tội ác diệt chủng và vi phạm nhân quyền còn vượt qua những Nazi của Hitler, và ngay cả Stalin–người được Mao ngợi ca như “một thiên tài lớn nhất của thời đại” Mao. Thế giới mới chỉ đưa những tên tội phạm chiến tranh nhỏ Khmer Rouge ra trước tòa án hình sự quốc tế, những con đom đóm nhỏ so với Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, hay Hoa Quốc Phong, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, v.. v..

Để đánh dấu chiến thắng ngoại giao vĩ đại này, nửa đêm 18/1, đặc công Mặt Trận Hà Nội tấn công phi trường Bạch Mai (3 cây sôã phía nam Hà Nội), phá hủy một số phi cơ và một kho xăng. Ngày 24/1, khi Bảo Đại ra Hà Nội tiếp phái đoàn đặc sứ Mỹ Jessup, đặc công Việt Minh lại phá hoại 15 trong tổng số 41 [42] máy biến điện.

 

III. HỒ BÍ MẬT QUA BẮC KINH & MAT-SCƠ-VA:

 

Ngày 26/1, sau 17 ngày lặn lội núi rừng, “Đồng chí Đinh” [Hồ] vượt biên giới Hoa-Việt ở Thủy Khẩu, Long Châu (Quảng Tây). Tháp tùng Hồ có Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp [Hậu Cần] của Bộ Tổng Chỉ Huy Việt Minh. Thiếu Kỳ chỉ thị cho cán bộ Wuhan [Vũ Hán] tiếp đón Hồ thật long trọng và cẩn thận hộ tống lên Bắc Kinh.

Tới Nam Ninh [Naning], Trương Quân [Vân] Dật, Bí thư kiêm Chủ nhiệm Quảng Tây, cựu Chính Ủy Tân Tứ Quân, ra tận bờ sông đón. Tại đây, Hồ cũng gặp Chen Geng [Trần Canh], Tư lệnh Quân Khu Vân Nam. Canh gợi ý cho Hồ xin mình qua giúp. Từ Nam Ninh Hồ đi xe hơi tới Lai Tân (đông bắc Nam Ninh), rồi đáp xe lửa lên Bắc Kinh.

Ngày 30/1, tại thủ đô Trung Hoa, Thiếu Kỳ, cùng Thống chế Chu Đức [Zhu De], Phó Thủ tướng kiêm Tổng Tư lệnh Hồng Quân, và nhiều viên chức cao cấp nghênh đón Hồ. Hồ trình bày tình hình Việt Nam, và nói rõ mục đích xin viện trợ. Thiếu Kỳ thành lập một Ủy Ban gồm Chu Đức, Nie Rongzhen [Nhiếp Vĩnh Trân], Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng, Li Weihan, Chủ nhiệm Ủy Ban Mặt Trận Thống Nhất của Đảng CSTH, và Liao Chengzhi, Phó Chủ tịch Ủy Ban Hoa kiều vụ, để nghiên cứu những yêu cầu của Hồ. (38)

Ngày này, Nga chính thức nhìn nhận Hồ. Các nước Cộng Sản khác theo gót. Hôm sau, 1/2, Mao và Ân Lai gửi điện chúc mừng Hồ đã tham gia “đại gia đình chống đế quốc” do Nga lãnh đạo, vàợ chúc việc thống nhất đất nước sớm thành công. [We sincerely congratulate Vietnam's joining the anti-imperialist and democratic family headed by the Soviet Union. We wish that the unification of the entire Vietnam would be soon realized. We also wish Comrade Ho Chi Minh and his comrades-in-arms good health.] Đồng thời, thông báo sứ quán TC tại Mat-scơ-va đã chuyển cho các đại sứ khối CS công điện yêu cầu thừa nhận và giúp đỡ VNDCCH. (39)

Do đề nghị của Hồ, ngày 3/2, Bắc Kinh dàn xếp với Đại sứ Nga N.V. Roshchin cho Hồ qua Mat-scơ-va. Chuyến “hồi chính” sau hơn 11 năm tích cực biến đổi giòng lịch sử Việt này của Hồ đủ mùi vị mặn ngọt, chua cay.

Thái độ “Người Thép” vẫn xa lạ. Stalin không tham dự buổi dạ tiệc chào đón Hồ do Ủy Ban Trung Ương Đảng CS Liên Sô tổ chức tối 6/2. Hiển nhiên, “Bác Joe” còn nghi ngờ Hồ theo chủ nghĩa “dân tộc,” một thứ “[J. Broz] Tito của Viễn Đông.” (Lãnh tụ Yugoslavia bị Stalin “tuyệt thông” và lên án là tay sai đế quốc [imperialist agent])

Mặc dù đã hoạt động cho QTCS từ thập niên 1920, Hồ chưa hề gặp mặt Stalin. Hồ (Nguyễn Ái Quốc, rồi Linov) còn bị chỉ trích là không theo đúng lập trường Stalin đã đưa ra năm 1928–tức đặt cách mạng vô sản lên hàng đầu, thực hiện đấu tranh giai cấp, dựa trên liên minh công-nông–nên từ năm 1930 không được giao một nhiệm vụ quốc tế nào. Việc tự động thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam [CSVN] ngày 6/1/1930 vi phạm kỷ luật sắt “phục tùng tuyệt đối” của QTCS khiến Hồ bị hạ tầng công tác xuống một hộp thư, trong khi Trần Phú, một học viên Đại Học Phương Đông, được gửi về Sài Gòn làm Tổng Thư Ký. Tháng 10/1930, Phú triệu tập Hội nghị Trung Ương lần thứ nhất ở Hong Kong, đổi tên đảng CSVN thành Đảng CSĐD với những chủ trương mới của QTCS. Thêm vào đó, lý lịch Hồ cũng có vấn đề, nhất là vụ bị bắt giữ năm 1931 và ra tòa ở Hong Kong, đưa đến sự suy yếu của Dalburo [Ban Phương Đông] Thượng Hải. Giữa năm 1932, Mat-scơ-va khai tử tên Nguyễn Ái Quốc, trong khi Thống đốc Hong Kong thông báo với Đông Dương là Hồ đã chết vì ho lao và nghiện thuốc phiện trong ngục. Khi tái hiện ở Mat-scơ-va năm 1934, Hồ phải mang bí danh mới “Linov.” Nhiệm vụ chính chỉ có việc nghiên cứu ở Văn Phòng Đông Dương của Ban Chấp ủy QTCS, và từ năm 1935, được thêm danh phận hờ ủy viên dự bị của Ban Trung ương Chấp ủy Đảng CSĐD.

Tài liệu văn khố QTCS ghi vào tháng 6/1938 Lin (Hồ) làm đơn tình nguyện xin đi công tác, và QTCS đang chuẩn bị đóng cửa các trung tâm huấn luyện, nên Dmitri Manuilsky và Vasilyeva dàn xếp cho “sinh viên số 19” trở lại Trung Hoa để tăng cường lãnh đạo Đảng CSĐD. Ngày 19/8/1938, Mainburo chấp thuận. Ngày 29/9, Lin được tốt nghiệp, và ngay hôm sau rời Mat-scơ-va về Diên An [Yenan].

Theo lối giải thích trong thập niên 1950, Hồ được giao nhiệm vụ tổng quát là chấn chỉnh Đảng CSĐD, đồng thời mở những lớp huấn luyện cán bộ tương tự như kinh nghiệm tại Quảng Châu trong giai đoạn 1925-1927. (40) Nhưng có dư luận (như Thủ tướng Hungary Ferenc Munnich) cho rằng Hồ là một trong rất hiếm người may mắn thoát khỏi cuộc thanh trừng của Stalin trong thập niên 1930, nhờ sớm rời Mat-scơ-va, trong khi những cấp chỉ huy cũ như Mikhail Borodin, v.. v... theo nhau bị thanh trừng. (41)

Tới Diên An vào tháng 11/1938, “Lin” (ông Hoàng hay Vương) tháp tùng phái đoàn huấn luyện du kích chiến của Ye Jianying [Diệp Kiếm Anh] xuống Hoa Nam. Từ tháng 12/1938, “D.C. Lin” gửi về nội địa bài viết về sự tàn ác của Nhật tại Hoa Nam, đăng trên Dân Chúng, tờ báo chữ Việt bán công khai của Đảng ở Sài Gòn (21 & 28/1/1939). Các báo bí mật của xứ ủy Bắc Kỳ tại Hà Nội cũng trích đăng bài Lin, dưới bút hiệu “P.C. Lin.” Tháng 2/1939, “Thiếu tá Hồ Quang” của Đệ Bát Lộ Quân tới Quảng Tây.

Có dấu hiệu cho thấy Lin đã cố mở liên lạc với Ban chấp ủy Trung ương Đảng CSĐD từ đầu năm 1939, qua hệ thống liên lạc người Hoa, lúc đó khá phát triển tại miền Nam qua các tổ chức kháng Nhật. Nhưng tháng 7/1939, Côn báo cáo với QTCS là chưa liên lạc được nội địa, dù đã nhờ chuyển khẩu lệnh của QTCS qua những người bạn. Thế chiến thứ hai bùng nổ khiến nỗ lực liên lạc với BCUTW càng khó khăn hơn, vì Toàn quyền Georges Catroux đặt CS ra ngoài vòng pháp luật từ hạ tuần tháng 9/1939.

Trong khi Kan Nguyễn Ngọc Vy [Phùng Chí Kiên] cùng cán bộ CS nằm vùng trong quân đội Tưởng truy tìm tông tích Hồ từ Quế Lâm [Guilin] tới Vân Nam, một liên lạc viên người Minh Hương gây ra sự thiệt hại lớn cho Đảng CSĐD. Liên lạc viên này tìm đến một cơ sở đã bị lộ từ nhiều tháng ở số 19 hẻm Nguyễn Tấn Nghiệm, khiến Tổng thư ký Đảng CSĐD cùng hai cán bộ TƯ bị gài bắt ở cơ sở trên. Nhiều cán bộ cao cấp khác, kể cả Lê Hồng Phong, cũng bị bắt giữ trong hai ngày 17-18/1/1940. Mẻ lưới cá này khiến chuyên viên Mật Thám Pháp hớn hở nghĩ đến một cuộc thanh trừng lớn trong hàng ngũ lãnh đạo CSĐD. (42)

Trong Thế Chiến thứ II (1939-1945), Hồ giữ liên lạc thường xuyên với Đảng CSTH, nhưng chưa có tài liệu nào xác nhận sự liên lạc giữa Hồ và Đảng CSLS hay QTCS. Từ năm 1943, Hồ công khai hợp tác với tình báo Trung Hoa, Bri-tên và Liên Bang Mỹ. Lập trường chống Nhật của Hồ–kể cả việc tham gia vào việc tố cáo sự tàn ác của Nhật sau “vụ Thảm sát Nam Kinh” [The Nanking Massacre] vào tháng 12/1937–giúp Hồ có cơ hội ủng cố tổ chức ngoại vi Việt Minh. Tháng 8/1945, đội quân Việt-Mỹ của Võ Nguyên Giáp tiến vào Hà Nội cùng các cố vấn Mỹ. Ngày 2/9/1945, Hồ xuất hiện tại Cột Cờ Hà Nội, đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập lịch sử–trong đó Hồ trích dẫn Tuyên Ngôn Độc Lập 1776 của Liên Bang Mỹ để mở đầu Tuyên Ngôn của mình.( 43)

Thời gian này, Josef Stalin còn hợp tác toàn diện với Mỹ và Bri-tên để đánh Germany. Năm 1943, “Bác Joe” giải tán QTCS để mua chuộc lòng tin của Franklin D. Roosevelt và Winston Churchill. Bài học này được Hồ bắt chước qua việc giải tán Đảng CSĐD từ ngày 11/11/1945 để có thể lập một chính phủ đoàn kết, liên hiệp với các phe phái chống Cộng–một hòn đá ném hai, ba chim: Mỹ, Pháp và Trung Hoa Dân Quốc–chủ nhân thực sự phía Bắc vĩ tuyến 16.

Khi chiến tranh thứ II đi vào đoạn kết, mối quan tâm lớn nhất của Stalin là nhu cầu tái thiết nội địa, do sự tàn phá khủng khiếp trong Thế chiến. Stalin cũng dồn chú tâm vào việc tạo một vùng trái độn biên giới phía Tây, tức Đông Âu (Kominform), và yểm trợ các phong trào tả phái ở Tây Âu, đặc biệt là Pháp. Charles de Gaulle đã khôn khéo khai thác mâu thuẫn giữa Bạch Cung và Krem-li–cho phép Maurice Thorez về nước, nhận lời viếng thăm Mat-scơ-va từ 2 tới 10/2/1944, ký hiệp ước đầu tiên của chính phủ lâm thời Pháp với một cường quốc, trước khi qua Mỹ năm 1945–để bảo vệ “chủ quyền” Pháp ở Đông Dương. Chính Stalin giúp Churchill áp lực Roosevelt thừa nhận De Gaulle ngày 23/10/1944; và rồi, từ Hội nghị Yalta (Crimea, 4-14/2/1945), đặt vấn đề Đông Dương vào “thiện chí” của Pháp.

Riêng với Hồ, vì một lý do nào đó, Stalin giữ một khoảng cách, có thể mệnh danh là “hands-off” hay “không chính sách.” Giống như Mỹ, Nga chỉ “yểm trợ tinh thần” cho khuynh hướng “giải thực” [decolonization]. Dễ hiểu là những công điện Hồ gửi cho Stalin giữa tháng 9 và 10/1945, giống như những văn kiện ca ngợi hệ thống dân chủ Mỹ, kể cả diễn văn của Harry Truman và các viên chức ngoại giao Mỹ từ tháng 9/1945 tới tháng 2/1946, đều không có hồi âm. (44)

Bán nguyệt san New Times [Tân Thời Báo]–tờ báo Anh ngữ chuyên về ngoại giao của Nga–không đi một tin tức nào về việc Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập hay liên quân Bri-tên/Pháp xâm chiếm miền Nam vĩ tuyến 16. Mãi tới số báo ngày 15/10/1945, New Times mới nhắc đến “Đông Dương thuộc Pháp” [French Indochina] khi bàn về thực dân Nhật. Trong số kế tiếp, tác giả A. Guber viết về tình hình Đông Dương và Indonesia, nhưng chỉ nhận xét chung chung: “Mối đe dọa tái lập chế độ thuộc địa dưới dạng thức cũ mà nhân dân Đông Dương và Indonesia không chấp nhận được, đang gặp sự chống đối ngày một mạnh. Thiện cảm của những lực lượng tiến bộ nghiêng về phía quần chúng đang khao khát tự do và được quyền tự do.” Tháng 12/1945–khi liên quân Pháp/Bri-tên tái xâm lăng Nam bộ và Nam Trung bộ–tác giả E. Zhukov viết bài “Vấn đề Quốc tế Quản trị” [The Trusteeship Question]. Trong khuôn khổ nguyên tắc yêu chuộng hòa bình, tác giả kêu gọi thực thi ngay điều khoản quốc tế quản trị của Liên Hiệp Quốc đối với dân chúng thuộc địa. Lập luận này đã được đại diện Nga Sô nêu lên ít tháng trước ở Hà Nội.

Chuyến qua Pháp của Hồ năm 1946 không mở được quan hệ trực tiếp với Nga. Kremli vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho Âu Châu–nơi Churchill đang tìm cách trở lại chính quyền bằng cách rao giảng về mối đe dọa của “bức tường thép.” Stalin không muốn đẩy Pháp về phía khối Anglo-Saxon, đồng thời dành một phần sân chơi cho Maurice Thorez và Đảng Cộng Sản Pháp. Thorez sau này tự nhận trở thành gạch nối giữa Hồ và Stalin, nhưng không thuyết phục được Bác Joe về việc Hồ giải tán Đảng CSĐD vào tháng 11/1945. Dĩ nhiên, lập trường chống giao trả Nam Kỳ cho chính phủ liên hiệp VNDCCH mới thành lập ngày 1/1/1946 của Thorez cũng ít nhiều ảnh hưởng quyết định của Stalin về Việt Nam. Dù Đảng CS Pháp dành cho Hồ những tiếp đón thiện cảm, nếu tin được d’Argenlieu, phía sau hậu trường, chiều ngày 22/2/1946 Thorez từng cố vấn Linh mục/Cao ủy:

Quốc kỳ của chúng ta trên hết! Vậy nếu cần đánh, cứ đánh, nện cho nặng vào.” [Nos couleurs avant tous! Et donc s’il faut cogner, cognez et cognez dur.”] (45)

 

 Vũ Ngự Chiêu, Ph.D, J.D

Houston, 1/1/2010

(xem tiếp phần 2 của 2)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Tư 20241:51 SA(Xem: 6812)
Vô cùng thương tiếc khi được tin: Nhà văn, Sử gia NGUYÊN VŨ - VŨ NGỰ CHIÊU Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942, tại Phụng-Viện-Thượng, Bình-Giang, Hải-Dương, VN. Mệnh chung ngày 19 tháng 4 năm 2024 tại Houston, TX Hoa-Kỳ. Hưởng Thọ 82 tuổi
31 Tháng Tám 202311:33 CH(Xem: 11943)
Sunday afternoon, September 2, 1945. High on a stage at Cot Co [Flag Pole] park—which was surrounded by a jungle of people, banners, and red flags—a thin, old man with a goatee was introduced. Ho Chi Minh—Ho the Enlightened—Ho the Brightest—a mysterious man who had set off waves of emotion among Ha Noi's inhabitants and inspired countless off-the-record tales ever since the National Salvation [Cuu Quoc], the Viet Minh organ, had announced the first tentative list of the "Viet Minh" government on August 24. It was to take the Vietnamese months, if not years, to find out who exactly Ho Chi Minh was. However, this did not matter, at least not on that afternoon of September 2. The unfamiliar old man — who remarkably did not wear a western suit but only a Chinese type "revolutionary" uniform — immediately caught the people's attention with his historic Declaration of Independence. To begin his declaration, which allegedly bore 15 signatures of his Provisional Government of the Democ
13 Tháng Chín 20243:25 SA(Xem: 441)
bay nửa vòng đời ngơ ngác tìm nhau / chưa kịp chạm tay / mùa thu đã cháy / trong lá khô đôi môi nào run rẩy / mãi hoài không gọi nổi / một cái tên
12 Tháng Chín 20246:15 CH(Xem: 744)
Bài thơ GIÓ đã được thi sĩ Đức gốc Việt Nguyễn Chí Trung trình bày từ năm 2004 tại nhiều Đại Hội Thi Ca Quốc Tế (International Poetry Festival) trong các buổi đọc Thơ trước công chúng. Bài thơ được viết bằng tiếng Đức vào mùa Thu năm 1993 và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng cũng như xuất bản ở nhiều quốc gia Âu châu (Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha …).
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 814)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 783)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 498)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
12 Tháng Chín 20242:02 CH(Xem: 1058)
đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi! đổ về xa ngái / đi mô ngoai đầu ngó lại / sững. trồng / cây thầu đâu há miệng trần tình / đừng. đừng vội khóc / tiều tụy ơi!
03 Tháng Chín 20243:54 CH(Xem: 1506)
Bài thơ “GIÓ” của thi sĩ Nguyễn Chí Trung GỒM 48 tiểu đoạn, mỗi đoạn 4 câu, tất cả là 192 câu thơ được viết theo thể thơ lục bát. Xuất hiện lần đầu trên thi đàn quốc tế “International Writers In Belgrade” vào năm 2003./ Từ 2004 đến nay khắp các Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ĐHTCQT International Poetry Festival trên thế giới từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc mời tác giả Nguyễn Chí Trung tham dự và đọc Thơ, Ông đều trình bày bài thơ này. Vì thế bài thơ GIÓ được dịch ra nhiều thứ tiếng gốc La tinh của Ậu châu, và cả tiếng Hindi của Ấn, hay tiếng Ả Rập, hay Thụy Điển hay ngôn ngữ tổng hợp Serbo-Croatia v... v...
02 Tháng Chín 20243:46 SA(Xem: 664)
Khi em trở lại / Bằng những cánh tay vàng của lá / Buồn ở nhớ nhung / Những đám mây mùa hè lẩn trốn / Em còn đâu đó trong tôi