- Mục Lục H L 106
- Thư Tòa Soạn Hợp Lưu 106 - Sáng Tác Trẻ 2009
- Vân Cát
- Lưỡi Bén
- Nơi Mùa Hạ Đi Qua
- Linh Hồ
- Thơ Trần Trọng Dương
- Hương Nhãn
- Ngày Không Bao Giờ Mới
- Vườn Mê 2
- Thơ Vương Kh.
- Bốn Người Đàn Bà Và Một Buổi Chiều Tháng Tám
- Núi Đụn
- Phỏng Vấn Nguyễn Xuân Tường Vy, Ngón Tay Mười Bốn.
- Thả Lá
- Trật Tự Mới Trong Bài Luân Vũ Điên
- Mừng Tuổi Mẹ
- Bài Viết Lại Ở Đà Nẵng
- Về Lại Sorrento
- Lưng Trần
- Có Một Vầng Mặt Trời
- Chuông Ngân Chạnh Nhớ Yêu Đầu
- Trăng Vỡ Anh Ra
- Mùa Cua Lên Bãi (trích Đoạn Vu Quy)
- Những Con Chim Nhỏ
- Phỏng Vấn Sử Gia Vũ Ngự Chiêu Về Những Nghiên Cứu Lịch Sử Liên Quan Đến Hồ Chí Minh
- Đọc Tác Phẩm Snow (tuyết) Của Orhan Pamuk.
- Mạn Đàm Văn Học
I
Xe dừng ở thị trấn. Nắng rất rát. Người lái xe mở cửa cabin, xòe tay như làm xiếc: Hết tiền rồi quý ông! Tôi biết làm gì với cái thị trấn lạ huơ này nhỉ. Thò tay lấy cái balo nhàu nhĩ, lí nhí một lời cảm ơn, tôi quày quả đi. Nhưng người lái xe ngoắc lại. Lão đưa cho tôi cái khăn rằn, cũng lấm lem bụi đất, lầm bầm, như đã lầm bầm suốt chuyến: Giữ mà lấy hên!
Quán nước mía. Cô chủ bao nhiêu tuổi? Không biết. Cũng quấn kín cái khăn rằn như thế. Một đôi mắt đen. Rất đen. Ở bến phà Khả Môn, hồi đi làm công trình xáng cạp, mấy thằng điêu toa đã cố gắng tìm cách lột cho được cái khăn trùm mặt của cô thu vé phà, năm năm trời, hàng trăm chuyến, mà bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn!
Cô chủ quán nước mía này có phải là hậu thân của nàng phà Khả Môn?
- Cho một ly. Cho mượn cái hộp quẹt!
Nắng. Rất rát. Chỉ nghe lí nhí dạ. Giọng buồn. Sao biết giọng buồn? Chỉ một tiếng dạ gió thổi mây bay thôi mà… Có khi, chính mình đang mặc định cho nàng Mía này cái nỗi buồn của mình!
Thì đâu sao. Hay có khi có sao. Nhưng mà nắng, rát lắm!
Cái quán nước mía trụ dưới một tàn phượng đỏ ối. Phượng. Hoa của học trò đây. Phượng, của một ngày xưa cũ rất chi là cải lương. Nhưng mà nhớ Phượng. Bữa hôn nàng, dòm cảnh nàng nhắm mắt phê phê, hốt nhiên tôi bật cười. Vậy đó, cái cuộc tình ba mớ bay vèo chỉ vì cái sự buồn cười không đúng chỗ.
Bên ngoài kia, mặt đường nhựa óng lên cái nắng quái đản. Tôi ực cạn ly nước mía. Gói thuốc nhàu. Thèm một làn khói nhưng lại sợ cộng hưởng cùng cái nắng quái này.
- Tính tiền!
Dạ. Vẫn là cái giọng buồn. Tò mò dòm vào đôi mắt đen. Hình như có nụ cười sau cái khăn rằn?
- Gọi bằng cô hay chị đây?
- Dạ. Chi cũng được. Nắng vầy, anh đi đâu?
- Vô đồi Ma!
- Xa đó! Anh cứ ngồi đi. Chút có mấy xe ở trại trong đó đi chợ về, quá giang được!
- Vầy, cô cho ngồi ké. Không phiền chớ!
- Phiền chi anh.
***
Hồi ở Khả Môn…
Bọn tôi sống bằng sông nước. Xáng thổi. Xáng cạp. Nghề tàu cuốc, đơn điệu. Nhiều khi buồn tê dại đêm nỉ non nghe trên bờ giọng cải lương rặt ròi miền Tây, thèm một chai rượu mà lại sợ những cơn say!
Hay có những ngày, hai ba thằng trốn lẻn lên bờ bò về thị trấn Tân Hưng sa đọa. Những sa đọa nhầy nhụa và lắm khi, bệnh hoạn. Nhưng là vậy, là vậy! Bố Tàu Lai đem đổi lời một bài hát rồi nghêu ngao kêu là nghiệp ca nghề tàu cuốc: "Anh chán đời anh đi tàu cuốc!".
Có phải chán đời đâu. Chẳng qua là thời cuộc đẩy đưa!
Mấy năm ròng đi thổi đi cạp. Rồi Phúc chết. Chao ôi, say rượu một đêm trăng tưởng mình là Trích tiên Lý Bạch "cúc thủy nguyệt tại thủ", vớt trăng dưới kênh đêm đó mà sáng hôm sau bọn tôi phải vớt xác thằng bạn lắm tài vặt.
Bỏ tàu cuốc. Bỏ bến phà Khả Môn mà chưa một lần dòm được tận mặt nàng Phà. Tôi rong ruổi đi nuôi ong mật Tây Nguyên. Đánh nhau một trận tơi bời với thằng chủ mặt rô. Bị bẻ trật khớp cả hai cái tay. Bò về xuôi trú tạm quán phở chị Phương. Rồi hôn lén em Phượng mà bật cười, để giờ này phải đi tha phương cầu thực vầy đây!
Hồi ở Khả Môn…
Một bữa bố Tàu Lai say chèm mẹp nằm khóc. Vừa khóc vừa ói tràn trên cái khoang bọn tôi dành làm chỗ ngủ. Gớm không chịu được nhưng thương ông già tứ cố vô thân, tôi phải trần thân ngồi dọn. Bố Tàu Lai khóc, nói, mi là thằng khá, thằng rất khá, mai mốt con gái tau về, tau gả cho mi…
Ông già tội nghiệp. Có vợ đầm và hai cô con gái bỏ về Paris hoa lệ. Lâu lâu thấy gửi về cái manda tiền quan Pháp cho ông. Lâu lâu (mà phải nói là rất lâu) bố Tàu Lai buồn (hay vui) lại vác cây guitar đầy bụi chơi Flamenco. Ngón đã cứng còng nhưng hồn còn lai láng lắm…
Ông già dân pilot ngày xưa, một thời oanh liệt du học bên Texas. Nhưng cái mệnh con người là vậy. Bố Tàu Lai nói, tại cái mũi tau cao quá, bây dòm coi, nó cao vổng như núi. Nhân tướng học kêu là Cô phong tỵ. Núi cao đứng một mình. Số tau cuối đời sống không có người thân.
Thằng Phúc có lần la bài hãi: "Ông nói vậy là ý làm sao? Bọn tôi không thân ông à? Bọn tôi người lạ à?".
Bố Tàu Lai không cãi. Nhưng rồi đó, thằng Phúc lắm tài vặt lặng lẽ bỏ đi về bên kia thế giới trong một cơn say. Tôi cũng bỏ bố Tàu Lai mà biệt tích giang hồ đó thôi…
Ừ, nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ về Khả Môn tìm ổng.
***
- Có xe kìa anh. Để tui đón cho!
Chiếc máy xới kềnh càng chở dăm phụ nữ, chao ôi, ai cũng bịt mặt như Ninja, và mấy chục bao phân rề rề máy tấp vô lề.
- Cho anh này quá giang vô đồi Ma với…
- Lên xe đi!
Cái anh chàng lái xe, áo vắt trên vai, người nhỏ quắt mà bắp thịt cuộn vổng lên, cười bằng hàm răng trắng ởn: "Hôm nay không ghé uống nước nghe Nương! Về cho kịp đã!". Ra là nàng Mía của tôi tên là Nương đây!
Tôi ké né lót một cái bao nilon lên bao phân rồi ngồi xuống. Mấy nàng (chị? bà?) thu mình lại trước một người lạ. Gã lái xe không quay đầu lui, hỏi mà như quát: "Về công ty Len à?". "Ừ!".
Nghe một tràng cười rất kiếm hiệp. Giải mã giọng cười đó làm sao? Chịu!
Hay đúng hơn. Tôi có ba tháng đồi Ma để nghiệm ra tiếng cười đó!
II
Kêu là Giác Ma mới đúng. Trên đó còn cái am của sư ông Thích Giác Ma anh à. ổng tịch lúc nào không ai biết nhưng lâu lâu có mấy đại đức lên đây cúng bái. Ông này như đã đại ngộ rồi mới lên đây làm cái am. Bà con mình kêu tắt, thành đồi Ma. Nghe rờn rợn…
Ở chung sam với tôi, cu Điền mặt hình chữ điền, mắt sáng như ông sao. Nhưng cái đầu thì to quá khổ. Dòm nó, cảm giác như nó phải mang vác chính cái trí tuệ, cái trung ương thần kinh của nó một cách nhọc nhằn. Bữa thân thân, tôi nói điều đó, cu Điền cười khùng khục: "Thằng nào không mang vác trí tuệ mình thì thằng đó không có trí tuệ!".
Nó có một cây kiếm Nhật. Sáng nào cũng tĩnh tọa một chặp rồi múa kiếm ào ào. Nó nói cây kiếm này không phải kiếm thường, vì đây là bảo bối của một Thành chủ thời trung cổ xứ Phù Tang, qua đất Việt thời 45 và duyên phận đẩy đưa rơi vào tay nó.
Có cố hỏi vì sao nó được cây kiếm đó, chỉ nhận lại tiếng cười trừ…
Sam, cái lán nhỏ thưng tre, lợp tranh, giữa kê sạp tre bằng chằn chặn, mỗi đứa một chiếc chiếu và cái mền, đêm, đốt lửa dưới đất cho phà lên sàn tre, vừa giữ ấm vừa chống muỗi.
Công ty Len. Biết cái tên vậy. Nó làm len như thế nào thì chịu. Bọn tôi sáng đi phá rừng. Kêu là phá rừng trồng mới. Rừng chồi. Không đến nỗi hoang vu và cô quạnh. Nhưng vì là rừng chồi nên có khi nắng nó thiêu cháy rát cả hai cái vai và cái lưng. Sam tôi, toàn đực rựa, không có cái gương cái lược chỉn chu, nên cũng không biết mình đã đen cháy như thằng mọi hay chưa.
Ngoài Điền và tôi, sam còn ba người nữa. Một anh câm. Câm thật, hay không thèm nói, chẳng biết được. Anh câm sau giờ làm giờ ăn, lúc nào cũng ngồi vuốt những đồng tiền của mình thiệt thẳng thớm rồi bỏ vô cái đạy cột quanh lưng. Một ông trung niên khó chịu, sở hữu một bộ ấm trà cổ, nhỏ hin hít và lúc nào cũng khư khư giữ bên mình, bất kể lên rừng hay ở trong sam. Lão tên là Kiệu. Cu Điền nói lén, lão Kênh Kiệu. Người sau chót, Xuất, không có gì đặc biệt. Cứ nhàn nhạt nhờn nhợt, lắt lay cái bóng…
Cu Điền giảng cho tôi cái gốc tích đồi Ma, rồi vui chuyện, nó giảng thêm về cái công ty Len: "Bọn này làm len đâu ở Bình Triệu, bỏ tiền ra mướn thằng đầu nậu về phá rừng trồng cafe cải thiện. Kêu là công ty cho oai, anh em mình thiệt ra là làm công cho thằng đầu nậu đó. Cái thằng bụng bự lâu lâu đi xe La Dalat về đó…".
Hoàng hôn nhập nhọa. Dòm sang bên kia sườn dốc, xóm làng bình yên với khói lam chiều, không dưng tôi nghe lòng nhè nhẹ buồn!
Tôi nói: "Thằng công ty hay thằng đầu nậu, thì tao với mày cũng cong lưng làm thuê thôi, có khác nhau gì đâu!". Nghe cu Điền cười khùng khục…
***
Bố Tàu Lai hay đặt chuyện. Có bữa ngồi suông dòm con nước, bố Tàu Lai nói: "Tau thấy mặt con nhỏ ở phà Khả Môn rồi!". Chục thằng trai tơ bọn tôi tụm lại, háo hức: Sao? Sao?
Bố Tàu Lai quấn điếu thuốc rê, rề rà: Mặt nó rặt mụn!
Rồi lão cười ha hả. Bọn tôi có thằng nổi dóa, văng tục bố Tàu Lai: Ông già trắc nết! Bố Tàu Lai lắc đầu: Tau không có nết, nói hoài rồi mà!
***
Tôi rủ cu Điền: Ê, qua bên xóm uống rượu đi!
Cu Điền như là lưỡng lự: Thiệt với anh, em không biết uống. Có tập thử vài lần, lần nào cũng nổi mề đay từng ề, sợ!
Tôi ngồi bó gối. Cái sam kế bên có anh nào đang ngồi thổi sáo. Một bài xưa cũ của Dương Thiệu Tước, buồn nẫu cả người. Hoàng hôn lá reo bên thềm. Hoàng hôn tơi bời nhớ nhung…
Nhớ nhung? Nhớ thương chi bây giờ? Tôi chẳng có một người thân lận lưng. Cha mẹ đà không còn. Chị Hai tôi giờ nằm đâu đó ở dưỡng trí viện Biên Hòa. Một thân mang vác chính mình chưa đủ để ngóc đầu lên đớp đớp cái dưỡng khí như kiểu con cá, đôi khi muốn về tìm chị, lại sợ cái bất an đeo đẳng mình năm rày năm khác!
Chị, chị, có bao giờ nhớ tới thằng em?
Rồi không dưng mà tôi lẩm bẩm: Anh chán đời anh đi tàu cuốc!
Tôi lấy cái áo khoác hờ lên vai, cầm tay cu Điền: Đi! Tao không bắt mày uống. Nhưng tao thèm uống. Mà uống một mình, tao sợ mình điên!
Xóm làng bên đó bình an lắm. Cái quán tôi kéo cu Điền vô, đã có vài bàn xây chừng. Cu Điền nói, em cũng chơi với anh một ly cho biết đá vàng. Tôi nói thôi, tao không phải thầy lang, mày nổi mề đay lên đó, tao đâu có trị được…
Cu Điền ngồi gắp mấy miếng mồi nhai thỏn lỏn, rồi thắc mắc: Bộ uống rượu vô là anh ù lì vậy hả?
Tôi cười: Tửu tại tâm cẩu cuồng tại thị, mày biết câu đó không?
Nó nói: Anh háng rộng đa! Để rồi mai mốt kể anh nghe về chuyện em bỏ học!
Ra là vậy đó.
III
Bữa trưa. Nắng rát lắm. Sao mà tôi ghét cái nắng đỏ lòm, vàng khe khé như chỉ chực chờ làm nổ con mắt người ta. Tôi và cu Điền ngồi dưới bóng râm của lùm cò ke, mang cơm ra ăn. Phần cơm may mà còn có chút khô để gọi là đạm. Cu Điền đi hái về một nhúm ớt đâu đó, chia cho tôi mấy trái...
Tôi nhai trệu trạo, rồi hỏi nó: Mày học cái gì mà bỏ học vậy?
Cu Điền phẩy tay: Nắng thiệt. Năm ngoái cữ này không nắng làm vậy.
Tôi biết, nó đang nản lòng với cái nắng này, không muốn nói chuyện, bèn thôi! Hai đứa cứ im im ngồi nhai, uể oải, uể oải. Mà rồi cu Điền dòm tôi chăm chăm. Tôi ngừng muỗng cơm, dòm lại nó, đầy dấu hỏi. Cu Điền đưa tay chỉ chỉ, tôi dòm theo cái ngón tay nó, chao ôi, một con rắn khoang vàng khoang đen cuộn tròn ngay dưới chân tôi…
Vứt cha nó cái gô cơm, tôi nhảy dựng lên, té tát vọt một phát đã cách xa con rắn cả chục bước chân. Cùng lúc, con rắn cũng vùng chạy biến.
Cu Điền cười sặc cười sụa, cái đầu bự chảng cứ lắc lư lắc lư. Nó lượm cái gô cơm của tôi lên, phủi mấy vụn đất dính ở đó, đưa cho tôi rồi nói: Anh lẹ thiệt, lẹ thiệt!
Tôi tức khí: Lẹ cái con khỉ. Con mai gầm đó nó đớp một phát thì toi mạng tao còn gì!
Cu Điền gật gật: Thì đúng vậy. Nhưng lẹ quá, làm mất bữa tươi. Phải chi anh thè thẹ chụp nó mà quay một vòng…
Ừ, mất một bữa tươi!
***
Hồi đó ở Khả Môn…
Có một đêm văn nghệ ở xã. Bố Tàu Lai nổi máu giang hồ, ực vô mấy ly rượu rồi kêu: Ê, tụi bây, mình đi góp vui với bà con đi!
Thì đi. Bọn tàu cuốc chúng tôi chải chuốt lại mình, lên bờ bao, đi.
Nhớ chuyện Sơn Nam hát Bộ xứ Đồng Tháp Mười, bà con né ông Cọp, làm nhà thủy tạ cho gánh hát, khán giả chống xuồng chung quanh thưởng lãm, ông Cọp ngồi trên bờ bao nuốt nước miếng.
Những ngày giờ đó, bọn tôi làm cái việc của ông Thoại Ngọc Hầu ngày xưa, nạo và vét cho cái bưng rộng như một công quốc bớt phèn bớt chua. Bố Tàu Lai hay thậm xưng: tàu cuốc mở cõi!
Ừ, thì mở cõi.
Nhưng cái cõi mà bọn tôi đang mở đó, không thân thiện. Hay chính xác hơn, cách sống bầy hầy, tạp chủng, đa văn hóa của chúng tôi không được dân bản địa đón nhận nhiệt tình.
Cho nên, có chải chuốt cho láng mượt lên bờ, thì cũng thấy mình lẻ loi. Không ai ghét bỏ, chỉ là những cái nhìn dè chừng. Phúc đi ngoại giao, rồi cũng được hát một bài sấp ngửa. Gần chục thằng cả người cả ngợm leo lên sân khấu, gào như chưa bao giờ được gào: "Anh chán đời anh đi tàu cuốc!".
Nghe ở dưới ó ré phản đối: Phản động quá! Phản động quá!
Thì đúng là phản động!
Bố Tàu Lai lại xua quân về. Bọn tôi cun cút đi, như thất trận. Bố Tàu Lai hậm hực: Về, liên hoan!
Có hai con ri voi rộng dưới khoang từ đời nao, Bố Tàu Lai giấu riệt. Đêm buồn thất trận đó mang ra khao quân!
Món cháo rắn đậu xanh nóng nhừ, húp sựt sựt, ngon, mà lòng nghe đắng lắm!
Hôm nay cu Điền tiếc con rắn, mà tôi nhớ kỉ niệm Khả Môn!
***
Đêm. Lại bên sam hàng xóm, lão nào đó thổi sáo bài Tiếng Xưa Dương Thiệu Tước. Lại nhớ nhung nhớ nhung!
Lão Kiệu nằm trở mình mãi rồi chợt đứng lên gầm gừ: Sáo với siếc, không cho ai ngủ à?
Cu Điền độp lại: Ông nói đây chi? Ông ngon thì qua kia chửi người ta á!
Lão Kiệu cung tay: Tao đập mày chết!
Tôi đi ra sân. Không trăng. Cũng chẳng sao. Trời im gió lắm! Bên sam kia, tiếng sáo đã ngừng. Có lẽ đã nghe thủng lời lão Kiệu.
Anh Câm cũng ngồi đó, đánh trần. Trong đêm tối mò, tôi cảm được nụ cười chào hỏi của anh Câm.
Tự nhiên tôi nhớ Phượng…
Không đẹp, không xấu. Cũng nhạt nhòa như gã Xuất ở chung sam với tôi. Nhưng có khi, ở một tuổi nào đó, một ngày nào đó, một thời nào đó, người ta cần một người nữ.
Tôi về chị Phương, phụ chị bưng bê, chạy chợ cho cái quán phở. Chị Phương bạn học của chị Hai tôi, kêu rằng thân thiết chắc là không, nhưng tôi cần cái chỗ tạm trú, chị cần thằng đàn ông chịu sào để cánh cạnh tranh dòm thấy mà bớt quậy. Cuộc cộng sinh đơn giản vậy.
Tôi biết Phượng thích mình. Biết. Không tự hào. Không đỏm dáng. Không lên gân. Biết. Mà không vui không buồn!
Chỉ một đêm đó, chị Phương đi vắng, Phượng kêu tôi ra ngoài sân, nói, rồi anh tính ngày mai ngày kia của anh ra sao?
Tôi nói tôi chưa tính gì hết, đời còn dài còn rộng lắm!
Phượng nhích lại gần tôi, nói nhỏ nhỏ, anh có nghĩ mình hợp nhau không?
Có thể. Có lẽ. Tôi không nói gì, chỉ thấy khát thèm trâng tráo, bèn riết lấy cơ thể ấm nóng của Phượng.
Nhưng mà Phượng xô ra…
Ấm ớ vậy. Ấm ớ vậy, chày ngày chày tháng!
Rồi một bữa đụng mặt nhau sau bếp, cái bếp vắng hoe, tôi đè Phượng ra hôn. Em nhắm mắt chờ đợi, mà tôi lại bật cười. Khốn nạn!
Hôm sau thì tôi dọn đồ, lễ phép khoanh tay chào chị Phương mà đi. Sau kia nghe như là Phượng khóc!
Nhưng mà tôi phải đi. Tôi sợ những tật nguyền dị dạng của mình có cái đất màu mà trưởng nở. Tôi sợ. Tôi sợ!
IV
Ngày cuối tuần mưa, thích quá! Có dễ vài thế kỷ rồi tôi gặp mưa. Cuối tuần, trong túi rủng rẻng xu teng, tôi rủ cu Điền ra thị trấn. Trước tiên qua xóm mua cái lưỡi dao lam về cạo cái mớ râu cứng cọc. Sau đó ngồi chờ xe máy xới đi chợ quá giang…
Ghé bưu điện gửi cái thư về Khả Môn, hy vọng bố Tàu Lai còn đó. Loăng quăng chợ huyện một chặp, cu Điền kêu khát nước, tôi nói đi uống nước mía với tao…
Là vậy. Chút bí hiểm đôi mắt nàng Mía (Nương chứ) và kỉ niệm nào bến phà Khả Môn, giờ, tôi mới hiểu. Té ra cái lý do ra phố không phải để tìm về với văn minh nhân loại, mà chỉ là bản năng nào tự thăm thẳm trong tiềm thức vậy thôi…
Hẳn, cô chủ hàng nước mía không nhớ tôi.
Nhưng hề chi. Hai anh em tôi ngồi, nhấm nháp cái ngọt mát mùi thơm thảo đồng quê, nghe mặt đường loang loáng phả hơi nước sau mưa vào cơ thể. Tôi hỏi cu Điền thích không, nó dòm tôi ánh cười rạng rỡ: Đời đẹp quá!
Đời đẹp quá. Có khi chỉ là một ly nước mía và dòm cái đôi mắt đen sau chiếc khăn rằn quấn kín kia, là cuộc đời đã đẹp mê ly lên rồi. Cần chi. Cần chi.
***
Hồi đó ở Khả Môn…
Phúc có một cuốn The Godfather của bậc thầy Mario Puzo. Bọn tôi thay nhau đọc, nhàu nát, nhàu nát. Lâu lâu Phúc lại đem cuốn sách này ra làm mới bằng cách xén bớt đi, đóng bìa lại. Nó quý, tất nhiên! Có lẽ không chỉ vì sách hay, mà còn chắc là quà tặng của ai đó.
Lâu lâu lại đem từng nhân vật ra bình loạn. Đứa thích thằng anh Sonny, đứa khoái thằng em Michael, cãi nhau lộn tùng phèo. Nhưng có một điểm không cãi nhau bao giờ là sự kính trọng lão Bố già. Mà lời cuối lúc lâm chung của lão, đời đẹp quá, khiến thằng nào cũng say như điếu đổ!
Nhất là Phúc.
Những lúc khốn khó. Những lúc anh em cắm cẳn nhau vì cơ cực miếng cơm manh áo, Phúc hay trầm ngâm quan sát rồi thốt một câu: Đời đẹp mà tụi bây!
Có lần tôi giận thằng nào không nhớ, lấy giấy mực viết xong dán trước cửa buồng câu thơ của Nguyễn Bính: "Những phường bất nghĩa xin đừng đến". Chút nữa thì to chuyện vì thằng kia đọc được đã nổi lồng lên như con thú hoang, cũng may còn có bố Tàu Lai và Phúc. Nhớ lúc đó, Phúc đang làm cơm, nó thủng thẳng cầm hai con dao lên đưa cho tôi và thằng kia rồi từ tốn nói: "Hai thằng bây giết nhau đi!".
Đấm vào mặt nhau thì còn dám, chứ giết nhau a? Thằng nào cũng xuội lơ, mặt thộn ra, như sau này Phúc hay kể lại, như đống cứt!
***
Vậy mà nàng Mía nhớ mặt tôi!
Kêu tính tiền, cô nhỏ nhẻ: "Công việc trong đó tốt không anh?". Sững sờ một chút, tôi cười: Cảm ơn Nương, tốt thôi mà. Bọn tôi sức trai cùi cụi, lo chi…
Thằng cu Điền cũng dòm tôi trân trối, rồi lắp bắp: Anh quen a? Anh quen a?
Tôi chỉ tay về phía nàng Mía: Chị này hôm bữa đón xe dùm tao – Rồi quay sang Nương, tôi nói: Tưởng chị hông nhớ!
Nghe một giọng cười dòn tan: "Chị gì anh ơi. Em nhỏ hít à!". Tôi ghẹo: "Cho thấy mặt đi mới biết chớ!".
Nghe im thít. Nàng Mía đã bỏ đi qua bàn khác. Cu Điền véo tay tôi, ý chừng như nhắc khéo ăn nói cầm chừng.
Ừ nhỉ. Ừ nhỉ. Ngày đang mát. Trời đang mưa. Cái khăn bịt mặt kia đâu phải để che cái nắng cái bụi. Phải có một lý do nào. Chao ôi cái vụng về thằng tôi…
Chuyến xe về, lại là anh chàng đã cho tôi quá giang lần nọ, anh chàng có nụ cười kiếm hiệp làm thằng tôi băn khoăn đó. Lúc xuống xe, chưa kịp nói lời cảm ơn, hắn đã hất hàm: Vẫn công ty Len à? Tôi chìa cho hắn một điếu thuốc, trả lời: Ừ! Hắn nhận điếu thuốc, dòm tôi như ông chủ tế củ soát lễ vật, rồi gục gặc: Bền đó!
Buổi tối ăn cơm, cu Điền bưng qua chỗ tôi, vừa ăn vừa rủ rỉ: Lão thầy dạy môn Phong cách học đó, bị em bụp cho một trận…
Tôi bỏ muỗng cơm: Hả?
À, quên nói. Em học văn khoa tới gần hết năm ba thì bị đuổi học. Mà không bị đuổi em cũng bỏ!
Cu Điền nói, thản nhiên thinh không. Tôi truy: Bụp là sao? Nó cung tay lên thành nắm đấm: Thế này, ngay giữa mặt! Tôi gạt: Sức mày mà bụp ai. Nó cười: Cũng đủ xịt máu mũi, hi hi…
Tôi ra vẻ Thánh hiền: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư!
Cu Điền nhai nốt miếng cơm, cười nhếch miệng: Thôi đi cha háng rộng! Lẽ ra anh phải hỏi vì sao đã, bày đặt dạy đời!
Tôi cũng cười. Rồi hỏi: Mà vì sao?
Cu Điền khoát tay: Muộn rồi, không thèm trả lời!
Dù có vì sao, thì trong tôi vẫn dậy lên một niềm tin, cu Điền đầu bự bạn tôi đây có lẽ phải của nó! Dẫu nhiều khi lẽ phải của thế giới mông muội không thể đong đếm bằng ni tấc của giáo điều…
***
Hồi đó ở Khả Môn…
Mỗi ngày của tôi đi qua như thế. Lúc nào cũng hồi đó ở Khả Môn. Khả Môn, có nàng Phà không tuổi không tên, có những tò mò và háo hức tuổi trẻ. Có những khốn khó bức bách rèn nên con người. Ừ, con người!
Con người mà một bận, thằng Phúc ngồi khóc u u chỉ vì phát hiện trong một chuyến đi về Tân Hưng quậy phá, bố Tàu Lai của chúng tôi trốn anh em đi tìm gái…
Khóc. Như là cả một sự đổ vỡ!
V
Ngày mệt nhoài. Sức nô trâu bò như thằng tôi mà cũng cảm thẫy rã rời, đuối nhớt. Trăm phần cũng tại cây Móng bò. Gốc không lớn, gỗ không cứng, nhưng cái búa bổ vào cứ dội ra. Cu Điền thè lưỡi dài như lưỡi rắn, thõng tay than: Thua!
Tôi nói không thua được. Phải cố chớ. Bên kia, lão Kiệu gườm gườm: Còn chỗ tụi bây nữa thì xong. Phần tao với thằng Xuất láng hơ rồi, bây thấy chưa…
Cu Điền có vẻ nổi đóa, nhưng tôi gạt nó qua một bên, bặm môi băm hết nhát này đến nhát khác…
Khi ông mặt trời nghẹo đầu đi ngủ, thì em Móng bò rụng cái đùng. Thở phào. Rã rời. Lê lết về sam, không buồn ngó cái phần cơm có con khô dai nhằng và chén canh nguội ngắt.
Cu Điền để nguyên bộ đồ rừng lấm lem lăn đùng ra. Tôi ngồi ở bậc cửa hút thuốc. Trăng lên. Tròn vành vạnh và thơ mộng. Làm sao có thể nghĩ đến điều thơ mộng khi mà bao nhiêu năng lượng của một ngày mình đã trút cạn? Tôi không biết, không biết!
Tôi cầm khư khư điếu thuốc, đi theo trăng…
***
Hồi đó ở Khả Môn…
Cũng cái đêm trăng sáng. Phúc đứng ở đầu tàu, hờ hững cầm cái cần câu trên tay. Câu chơi, mấy khi có con cá nào. Mấy cái xáng thổi sặc mùi xăng dầu, mỗi khi vận hành, lại ầm ầm như động đất, làm gì còn chim chóc cá kiếc… Thỉnh thoảng cũng dụ được một con cá trắng, nhưng là hiếm hoi, hiếm hoi!
Tôi ngồi đung đưa chân trên mặt nước. Phúc cáu: Mày vậy, làm sao cá nó cắn câu? Kệ. Nói cho có chuyện. Cãi cho có sự. Chẳng ai hoài hơi quan tâm. Những vòng nước gợn mẩy trăng anh ánh bạc, đẹp như thơ.
Phúc tự dưng nổi đóa, bẻ cần câu cái rắc rồi ném đi. Tôi ngạc nhiên dòm nó, nhưng cũng chẳng hỏi gì!
Nó đi vô phía khoang sau xách ra chai rượu, hỏi mà như một câu hỏi tu từ: Uống chớ!
Ừ thì uống. Uống như Tây. Cứ cầm chai ực ực. Được chăng hay chớ!
Phúc nói: Tao nhớ con Mận…
Mận. Đào. Bưởi. Chuối. Cóc. Ổi…
Hương. Diễm. Ngọc. Ánh. Hồng…
Những tên con gái. Những mái tóc dài. Những đôi mắt đen. Và cả nàng Phà Khả Môn không tên không tuổi. Tôi nói ậm ừ, không hiểu mình nói gì: Tao cũng nhớ!
Phúc gằn: Mày biết đếch gì con Mận!
Đúng. Mận là ai? Ai là Mận?
Phúc rủ rỉ: Con Mận hàng xóm nhà tao. Hồi nhỏ chơi đồ hàng đóng giả vợ chồng. Lớp bảy, nó kéo tao vô toilet hun tao trong đó. Tao gớm, về nhà rửa miệng bằng thuốc sát trùng…
Giờ ngồi đây nhớ nó…
Tôi nghĩ, có lắm thứ tào lao! Chị Hai tôi giờ ở trong dưỡng trí viện đó, chỉ đang bơi trong một trường sinh học nào? Có Mận có Bưởi? Có tôi, có gia đình tôi của những xưa cũ? Hay chỉ có những giấc mơ phi lý, những suy tưởng không bao giờ logic?
Tôi ừ ào qua chuyện. Rồi cầm chai rượu đưa trả cho nó, tôi nói: Chai này khê, tao uống không nổi…
Phúc ừ, ực thêm phát nữa. Tôi đứng dậy. Phúc hỏi: Mày vô à?
Tôi nói, tao mệt, muốn nằm chút! Sự thực không phải vậy. Tôi ngán những Bưởi những Mận những Đào. Ngán tới cổ. Tôi trốn thằng Phúc. Trốn cái ánh trăng non nõn dờn dợn sóng sông nước mùa mở cõi tàu cuốc này đây!
Mà đâu biết đêm đó bạn tôi quờ tay vọc trăng, say rượu té chìm trong nước. Chết cái chết không khác Lý Bạch xưa, chỉ có khác là chỉ vài người anh em tôi biết, không được lưu truyền sử sách, dẫu là văn chương hay tình ái!
Khi vớt cái xác nó lên, tôi trốn chui trong khoang của mình. Đau. Thương. Nhưng thống hối tột cùng. Ân hận tột cùng. Cảm giác như chính mình đã giết chết bạn mình!
***
Mà bây giờ tôi đi theo trăng…
Nhưng trăng có đi đâu đâu. Trăng nó ở trên đầu. Phép tam đoạn luận là tôi đi theo cái đầu của tôi…
Đi miết. Rồi tôi thấy tôi ngồi ở bậc cửa của sam. Rồi tôi lại nghe tiếng sáo réo rắt hoàng hôn lá reo bên thềm… bâng khuâng phím loan vương tình…
Nó buồn chi mà khủng khiếp. Có khi, lão Kiệu nói đúng, sáo siếc chi, phải để cho người khác ngủ chứ.
Cu Điền ra ngồi với tôi. Anh Câm ngủ, ngáy như bò rống. Câm, câm, lẽ ra không nên ngáy. Ngáy, nó làm mất giá trị câm…
Anh đang nghĩ gì?
Cu Điền hỏi!
Tao chẳng nghĩ gì hết. Nhưng giá mà mình có ba điều ước…
Tự nhiên cu Điền cười rộ lên. Tôi hỏi: Mày cười gì?
Nó nói: Anh đừng có la. Bữa xưa có hai vợ chồng nọ làm ruộng, ông chồng được ba điều ước, đang ngồi suy nghĩ mà bà vợ cứ giục, ổng nổi đóa gào lên: ước ước cái con C., hehe, anh biết hậu quả rồi đó!
Tôi cũng cười theo nó…
Cứ tưởng tượng cái điều ước của lão nông phu kia thành hiện thực, lại phì ra mà cười…
Cu Điền chưa thôi: Nói chung là nó hiện ra khắp nơi, bà vợ mếu máo nói ông ước chi không ước, ước cái của nợ này làm gì! Ông chồng lại nổi điên, gào lên, ước gì mà ước, ừ thì tao ước cho không còn con C. nào trên thế gian này cho má mày thỏa lòng…
Vậy đó, điều ước cuối cùng chỉ là hoàn nguyên cái của lão cho lão! Xong ba điều ước…
Tôi ậm ừ: Mày thành triết gia rồi đa! Cu Điền gãi đầu: Cũng ráng đua cho kịp cái háng rộng của anh chớ…
Một cụm mây che khuất trăng, tôi kéo tay nó: Đi ngủ, mai còn đi làm!
VI
Cuộc vây bắt anh Câm đầy bất ngờ. Chẳng thể nào dè được. Mấy anh em chung sam vừa về tới khu lán trại thì có khoảng một chục công an ào ra, vây kín anh Câm, còng tay và dẫn đi ngay… Bọn tôi ngơ ngác chẳng biết gì. Chỉ có cu Điền nhào vô, như một thứ phản xạ tự nhiên và bị xô ra ngay…
Ra anh Câm là tội phạm bị truy nã. Một vụ giết người đâu đó. Và anh Câm trốn về đây.
Đêm. Cái sam tự nhiên trống đi, vắng đi! Lão Kiệu ngồi chiết trà ra cái chung nhỏ, nói một mình: Đéo mẹ đời, đếch biết đường nào mà lần. Mình ở chung với thằng sát nhân mà chẳng biết.
Cu Điền xì một tiếng. Một loại phản ứng tiêu cực, yếm thế, chỉ vậy thôi. Xuất ngồi chồm hổm trên sạp tre, lí nhí: Thì cũng chỉ bắt đi thôi, chớ mình có biết thực hư nào đâu! Lão Kiệu đàn áp: Không à? Cả một tiểu đội công an chứ ít. Không giết người thì đâu cần lắm thằng bắt vậy…
Những luận điệu không ra chi…
Cu Điền rủ rỉ với tôi: Hồi đó em cũng bị bắt một lần. Đêm đi làm thêm về, Ký túc xá nó đóng cửa cha nó, không vô được. Hai thằng, mua một bịch rượu, ra công viên Lê Văn Tám hái hoa sứ trải thành cái thảm, uống. Mề đay thôi nó nổi từng ề, mà kệ nó. Rồi bị công an tóm cổ vì tội phá hoại của công (nghe giống học trò quá). Nhốt một đêm, sáng ra thì thả vì người em nó sưng vêu sưng vao, bọn nó sợ em… chết!
Tôi sực nhớ chuyện kia, hỏi: Nhưng sao mày đập thầy mày?
Cu Điền lắc đầu: Chuyện đó túc tắc. Đúng sai không phải là thứ để mình bình bầu nghe. Em đánh ổng ngay văn phòng khoa. Mém gãy răng đó. Máu mũi xịt tùm lum…
Lão Kiệu quay sang cảnh giác: Mày đánh thầy mày à?
Điền gật. Lão Kiệu húng hắng ho. Có lẽ, lão sẽ phải thay đổi thái độ du côn với thằng nhóc đầu bự này đây sau khi nghe chuyện này…
***
Hồi đó ở Khả Môn…
Không, không có câu chuyện nào tương tự về bắt bớ, đánh lộn… Chỉ có đám bầy hầy tụi tôi, không chọc trời khuấy nước, mà những cơn điên lâu lâu chạy về gào rú trong những bức bách túng quẫn… Anh chán đời anh đi tàu cuốc… Anh chán đời anh đi tàu cuốc… Cái câu hát xàm, không mang một ý nghĩa nào siêu việt, cũng chẳng giải thích đúng, đủ hay đầy cho cái hành trình lang thang cù bơ cù bất những thằng tù mù tụi tôi, vẫn cứ ám ảnh, ám ảnh…
Một bữa lãnh lương, bọn tôi kéo nhau đi Tân Hưng. Tất nhiên, tới phà Khả Môn là thằng nào cũng háo hức chờ coi mình có được thấy mặt nàng Phà. Chờ và đợi cầu may vậy, chứ cuối cùng cũng chỉ là một đôi mắt đen và cái khăn rằn quấn kín.
Phà gỗ. Chạy máy. Ì ạch lê một đoạn sông Tiền (hay Tiền Đường nhỉ?) qua bên kia. Vài cây số đã thấy thị trấn ầm ào sôi sục cuộc chạy, cuộc đi con con người người…
Có tiền nên đi mua tiên…
Tiên đà thất tiết nên tiền còn đây!
Bố Tàu Lai hay đọc hai câu đó, chẳng biết của ai! Nhưng đúng là tiên ở một thị trấn đìu hiu như Tân Hưng, thì toàn là tiên ở trần chứ không phải giáng trần. Tiên ơi Tiên ơi, tiên ở nơi mô?
Đi tìm người. Đi ngó người. Lội chợ vài vòng. Mua sắm tùng tơng những thức cần mua rồi lại kéo nhau vào ngồi quán nhậu. Nhi nhô nhi nha, không mục đích.
Bố Tàu Lai bày trò, hỏi hay là mình đi hát cô đầu? Trời đất, món thượng thặng văn chương Bắc Hà đã chết từ tám hoánh, tìm đâu? Bố Tàu Lai nói, là tau giả dụ, chớ mình đi tìm nơi tìm chốn, tìm mấy cô cậu tài tử về mần chầu vọng cổ, góp gió thành mây, bây thấy sao?
Không ngờ, bọn tôi được một trận vui thâu đêm. Không ngã ngớn cô đầu, không õng ẹo karaoke mãi về sau này. Chỉ tìm được một gánh hát rong đang không mùa không vụ, họ cũng chỉ có nhu cầu được hát, và bọn tôi bày mâm chiếu trong vườn một chủ quán nhậu, biến cái cuộc hành hương chán ngắt thành ra một đận chơi đầy trang trọng!
Tương kính như tân. Dân tàu cuốc mấy khi thấy mình được trọng vọng! Dẫu có cháy túi một lần cho cuộc vui ấy, bọn tôi sẵn lòng…
Gần sáng kéo nhau về, phà Khả Môn mở cửa đón một đám tàn quân ăn đêm, tàn quân nhưng mắt đứa nào cũng như đang ca một bài khải hoàn thắng trận.
Nhưng Bố Tàu Lai mất tích từ trước đó. Té ra ông già ăn mảnh, đã kịp tì tèo với một cô đào hát và kéo nhau đi riêng giải quyết chuyện chúng mình.
Vậy mà thằng Phúc ấm ức khóc, nói, ổng phài để cho tụi mình kính trọng chớ. Một thằng nào đó nạt Phúc: Mày ngu trối chết đi, ổng là con người, là giống đực, mày biết không?
Phúc biết chớ. Tôi biết chớ. Nhân loại này biết hết!
***
Sam lại có thêm người.
Tôi cũng chẳng hoài hơi để ngắm nghía. Bữa chủ đầu nậu (cách thằng cu Điền kêu thằng quản lý) lái xe La dalat vô, ghé sam tôi ngồi, nó giải thích ậm ờ: Ông Câm đó đánh chết một du kích xã, nghe nói vì tư thù… Lão Kiệu hỏi tư thù gì? Đầu nậu nói nghe đâu cướp vợ của ông câm, vậy đó…
Ngày trôi. Ngày trôi. Tôi nhận lại cái thư của chính mình viết cho Bố Tàu Lai. Vậy là tàu cuốc đã chinh chiến, đã đi mở cõi một phương nào khác, không còn Khả Môn nữa rồi… Thôi thì hẹn chuyến nào về phố, tìm bạn bè hỏi lại cái địa chỉ mới. Mà đã chắc gì bố Tàu Lai còn nhớ đến tôi…
Buồn buồn ngồi bó gối, đếm ngón tay mình, vẫn cứ là mười ngón!
Rồi ngó con rắn mối oằn oằn lườn lườn đi bên vách sam, bóng nhẫy, sờ sợ…
VII
Nửa đêm, tiếng la bài hãi của cu Điền dựng cả sam dậy. Tôi quơ vội cái bật lửa, quẹt nhoang nhoáng, miệng cũng la theo: Chuyện gì? Chuyện gì? Cu Điền đã nhảy dựng khỏi cái sạp tre tự lúc nào, lập cập nói: Cái gì mềm mà trơn ghê quá…
Trời đất. Một con mai gầm nằm khoanh đốm đen đốm trắng ngay chỗ cu Điền ngủ. Có lẽ nó thèm hơi ấm con người. Tôi bất giác rùng mình. Không biết nhân loại lấy con rắn làm biểu tượng của Y học vì nó ích lợi gì, chứ riêng mình, dòm cái thân dài thượt của nó uốn éo, tôi sợ.
Lão Kiệu vớ đâu cái đùi, đập một phát ngay giữa sóng lưng. Con rằn vùng vẫy, quằn quại nhưng hầu như là đã hết khả năng chiến đấu.
Tôi rót cho cu Điền ly nước, tranh thủ trả thù: "Đó, còn chọc tao vụ lần trước không!".
Điền uống từng ngụm nhỏ. Cái đầu bự sự lắc lư, lắc lư. Lão Kiệu thì hớn hở: "Ê, chiều mai đi làm về kiếm vài xị nghe, giãn gân cốt đây!".
Tôi quàng vai Điền. Cậu nhỏ có vẻ vẫn còn run. Bất giác tôi rùng mình lần nữa, nghĩ tới những thứ liêu trai Bồ Tùng Linh nào đâu. Hai tay cu Điền bụm chặt cái ly, giọng nó nhỏ, đứt quãng: "Anh cũng còn sợ rắn à?". Tôi ậm ừ, sợ chứ. Điền như không cần nghe câu trả lời của tôi, lẩm bẩm như nói một mình: "Em mơ y như thật. Mơ con rắn bò vô cửa sam, bò lên giường, con rắn ngóc đầu nói: Cho ngủ chung nghe! Rồi nó ngoác mỏ ra cười hụ hụ, rồi đặt cái đầu kinh dị nó trên tay em, giật mình dậy thì nghe mềm mềm bên cạnh đó!".
Tôi há hốc dòm trân cu Điền!
Nó quấn cái mền, đứng dậy đi ra sân. Tôi đi theo nó. Hai đứa ngồi bệt giữa sân. Điền nói, sao anh không ngủ lại, mai còn đi làm! Tôi nói, cứ nghĩ tới có một em rắn vô nằm kế tao, tao hết ham ngủ. Điền cười khì khì: "Ảnh hưởng chi tới mình đâu. Không ngủ thì không có sức à. Phải sống chớ!".
***
Hồi đó ở Khả Môn…
Cũng một đêm mất ngủ, tôi ra mũi tàu ngồi. Bố Tàu Lai đi theo. Ổng nói đêm nay tự dưng nằm mơ thấy thằng Phúc về đứng đầu giường cười cười, không ngủ được. Rồi bố Tàu Lai quay sang tôi: Mày có mơ thấy nó không?
Tôi nói từ ngày thằng Phúc chết tới giờ, tôi chưa mơ thấy nó. Dù thực sự cái chết của nó ám ảnh tôi ghê lắm!
Bố Tàu Lai lui cui tới cabin tàu bật một ngọn đèn, rồi lẩm bẩm: Chắc tại tau già!
Ổng ngồi xuống bên tôi. Im rất lâu rồi nói: "Mày có như thằng Phúc không?". Tôi ngạc nhiên: Là sao? Bố Tàu lai thở dài: "Thì có ghim gút tau vụ đánh quả mình ên?". Tôi dòm ổng: "Sao biết thằng Phúc ghim gút?". Ổng tránh cái nhìn của tôi, ậm ừ trong cổ họng "Anh chán đời anh đi tàu cuốc"…
Rồi như một luật sư đường bệ, bố Tàu Lai tuyên bố: "Tau cũng phải sống chớ, đúng không?".
Quá đúng. Ai cũng phải sống hết.
***
Để em giải thích cho anh vụ em nện tay giảng viên dạy môn phong cách học!
Ờ, thì cuối cùng Điền cũng phải nói chớ. Tôi dòm cái đầu bự sự của nó, không thấy buồn cười nữa, chỉ nghe mơ hồ thương cảm. Giọng tôi như khản đi: "Mày cũng là một con ngựa chứng a…".
Hôm đó, buổi sáng được nghỉ học, tụi em đi bán sách. Bên đầu nậu họ in ra, họ giao cho mình, mình mang sách tới mấy trường trung học, xin phép thầy cô vài phút chào hàng với các em học trò. Cũng dễ kiếm sống. Tới chiều còn ham, vô lớp trễ, bốn đứa…
Lão thầy dạy phong cách học dòm trân từng đứa. Lão có một sợi dây chuyền vàng to tướng, ngón tay cái cứ níu cái dây chuyền, miệng xoen xoét dạy bốn đứa đi học trễ về cái gọi phong cách học hành chuyên nghiệp…
Biết lỗi mình chứ, bốn đứa học sinh cấp bốn tụi em cúi đầu nghe rao giảng. Nhưng khi ổng chỉ thằng bạn em nói nó ăn bận quá ẹ, thì nổi điên thật… Thằng đó đúng là ẹ, nó mặc một cái áo xăng gai cũ, một cái quần jean tơi tả. Nhưng chỉ ra điều đó trước bàng dân thiên hạ, là sỉ nhục, đúng không!
Tới giờ giải lao, em xuống phòng giáo viên xin gặp ổng, em nói ổng nợ bạn em một lời xin lỗi. Ổng cười cười ngón tay cái cứ níu sợi dây chuyền: Tại sao? Tôi là thầy của các anh mà!
Em nói: Tư cách đàn ông của thằng bạn em bị thầy làm tổn thương. Thầy phải xin lỗi nó trước lớp.
Ổng vẫn cười: Nếu tôi không xin lỗi thì sao?
Cu Điền cười khanh khách: Vậy đó, em chơi một phát, xong là cuốn gói phăng luôn. Về đây, tính ra cũng nửa năm rồi. Bà già em buồn, nhưng ông già nói mày vậy được.
Tôi cầm tay nó: Ờ, tau cũng thấy mày được!
***
Sẫm tối, cu Điền qua bên xóm mua rượu về, mấy anh em chung sam ngồi khề khà liên hoan con rắn. Tôi nói vui, là nhậu người yêu của cu Điền!
Lão Kiệu có vẻ dễ chịu hơn. Xuất thì uống tì tì, cười cười, dù vẫn nhạt nhòa như xưa nay vẫn nhạt nhòa! Lão Kiệu say say, tự dưng tỏ tình: "Thiệt ra thì thằng nào cũng xuống tận bùn đen rồi mới chui vô đây, phải thương yêu nhau bây à. Tau thương hết thảy tụi bây, từng đứa một…".
Ở Khả Môn, một bận, hay nhiều bận, những hoàng hôn sẫm màu, khi dân tàu cuốc buồn tênh bày cuộc nhậu, những lời tỏ tình như thế không thiếu.
Nhưng tôi nghe, bằng cả một nỗi niềm ứ nghẹn dâng lên, dâng lên. Đúng rồi lão Kiệu, bọn mình, những cơ nhỡ không thành một sự nghiệp, yêu thương nhau làm sao cho hết, can cớ gì không thương không yêu…
Như là nước mắt tôi chảy dài!
Rồi Điền nói một câu, rờn rợn: Ăn con rắn này, nhớ chuyện học trò ông Nguyễn Trãi giết rắn với lời nguyền tru di tam tộc. Có khi nào đó là sự thực không ta?
VIII
Hồi đó ở Khả Môn…
Ngày anh em tôi mang xác Phúc lên bờ, ở bãi tha ma, bà con Khả Môn dù không ưng bụng đám lâu la tàu cuốc, cũng tới thắp cho thằng bạn xấu số của tôi cây nhang còm.
Sự thành tâm nghĩa tử là nghĩa tận, rồi có phai lạt đi theo những trầm kha, biến động của cuộc đời và sự hôn ám trong tâm hồn con người…
Tôi nhớ bữa tôi quảy ba lô rời tàu cuốc, bố Tàu Lai đứng vịn lan can tàu, vẫy tay cho tôi. Lời tiễn biệt buồn tênh. Cái buồn vô định vì ngày giờ đó, tôi đâu có biết mình sẽ trôi lạc đi đâu…
Bến phà Khả Môn đây rồi!
Tôi biết, tàu cuốc đã đi về phía biển, cuộc mở cõi đâu đã dừng lại. Nhưng tôi nhớ Khả Môn. Tôi nhớ kỉ niệm đẹp như một giấc mơ, nàng Phà chưa bao giờ lộ mặt! Tôi đâu có khờ khạo để tin rằng, đây sẽ là cuộc hạnh ngộ của những người quen cũ, và rằng, nàng Phà bí ẩn sẽ mở bung chiếc khăn quàng che mặt để tôi có thể ngắm nhìn một mặt trời hay mặt trăng lóa sáng sau đó…
Đúng rồi. Nàng Phà Khả môn lạnh lùng xé vé, lạnh lùng ném môt cái nhìn ương ngạnh, thách thức lên tôi, kiểu như muốn rủa một câu: Việc chi chú mày mà chú mày cứ dòm lom lom vậy!
Ơi em Phà. Tôi nào có ý làm phật ý nhân loại này đâu. Chỉ là thổn thức đâu đó những kí ức tôi. Chỉ là thôi thúc đâu đó những khát khao được làm thân làm quen với nhân loại này.
Tôi qua phà, tôi đi bộ tùng tơng dọc bờ bao. Chỗ này, chỗ này, chỗ này, những xưa cũ bọn tôi cắm chốt. Giờ điên điển mọc lên từng dãy rậm ri. Mùa nước nổi, rậm cây này sẽ vàng rực hoa…
Anh chán đời anh đi tàu cuốc… Trong tâm khảm tôi, câu hát cũ chạy về ứ nghẹn!
***
Khi anh em công ty Len gánh quan tài cu Điền lên đồi Ma, chỗ có cái am của ông sư Giác Ma đó, tôi đã vùng chạy ngược xuống, tức nghẹt, chịu không xiết cái cảm giác bị đè cho không còn dưỡng khí.
Tôi biết, hằng trăm năm sau nữa, hay nếu còn có thể có nhiều kiếp sống khác nhau, hàng triệu triệu hay tỷ tỷ năm sau, cái tức nghẹt lúc này sẽ không tha tôi, sẽ nguyên vẹn như thế khi nghĩ về cu Điền đầu bự của tôi.
Một vết rắn cắn. Chắc là vậy. Và buổi sáng nhận ra cơ thể lạnh ngắt của thằng em không huyết thống ruột rà, tôi đã chết lặng đi rất lâu!
Đêm trước, mệt, rất mệt, bọn tôi chỉ kịp tắm rửa cho cái cơ thể rít rát bụi đất và mồ hôi rồi lăn ra ngủ, không kịp cả chào nhau trong giấc mơ.
Cho tôi quá giang ra thị trấn, anh chàng lái máy xới nhỏ thó nhưng gân guốc hất hàm hỏi: "Thua rồi à?". Tôi gật đầu. "Trụ được bao lâu?" "Ba tháng!". "Giỏi rồi! Đất đó có huông, ma và chướng khí, rắn độc hà rầm!".
Tôi không thể hiểu được thế nào là đất dữ và đất lành. Bọn tôi sống hiền lành, có phạm húy điều chi?
Anh chàng lái máy xới lại cười. Cái cười âm u, bắt tôi nhớ lại giọng cười đó của ba tháng trước. Tôi tự an ủi mình trước khi bỏ lại sau lưng ký ức buồn công ty Len: Cu Điền của tôi đã được giải thoát!
Tôi phải đi sớm vì sợ sẽ gặp ba mẹ cu Điền. Thư báo tin của công ty chắc ngày giờ này đã tới tay họ.
Tôi ghé quán nước mía của Nương, nàng Mía. Như một lời chào, một cái vẫy tay, một kí hiệu tiễn biệt, tôi chiêu từng ngụm nước đắng nghét rồi tính tiền và đi.
***
Tôi ngồi ở chỗ mà tàu cuốc đóng chốt cuối cùng trước khi tôi đào ngũ. Chiều sầm sậm và u u. Văng vẳng tiếng vọng cổ sâu đâu đó trong xóm làng.
Đêm nay tôi sẽ ngủ đây. Mai, tôi sẽ hướng về phía biển, qua Kiên Giang, tìm bố Tàu Lai và những anh em bạn bè xưa cũ, tìm lại tàu cuốc và những kỉ niệm còn đau đáu trong kí ức mình.
Đêm, tôi đi bộ tới một quán nhậu. Hiu hắt những ánh đèn dầu. Cuộc rượu bày ra trên nhiều chiếc bàn, với nhiều nhiều những cơ nhỡ nào khác nhau. Tôi dòm quanh, có người quen, có người không quen, nhưng tuyệt nhiên, không ai nhận ra tôi, một dân tàu cuốc của một thời bầy hầy…
Tôi ngồi một mình, nhấp từng ngụm rượu. Lát nữa quán đóng cửa, tôi sẽ ra bờ bao nằm, bình yên ngắm sao trời.
Trong cơn say đơn độc, tôi thấy Phúc, thấy cu Điền, thấy bố Tàu Lai và lạ lùng hơn, thấy cả chị Hai tôi, người đang nằm ở dưỡng trí viện Biên Hòa, chấp chới bay bằng những đôi cánh rất trong. Tôi thấy cả Phượng, đôi môi rất mềm và ánh mắt tinh nghịch: "Hôn em thì đừng có cười nghe chưa!".
Khuya lắm. Tự nhiên tôi nghe ở bàn bên một giọng lè nhè: Anh chán đời anh đi tàu cuốc…
ĐaMi
Sài Gòn Tháng Tư 2009