- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Núi Đụn

09 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 9155)

blankMùa hè, nắng trải xuống cánh đồng xanh mươn mướt một màu vàng dịu như mật ong, gió từ bãi sông thiêm thiếp thổi về, những tàu lá chuối xơ xác như chiếc lược chải đầu, những vạt lau phất phơ như hàng vạn lưỡi kiếm khua loạn xạ, khóm tre kẽo cà kẽo kẹt như tiếng nôi của mẹ đưa. Mặt đất nóng như rang, con đường đất đỏ bốc hơi ngùn ngụt như vệt lửa, chốc chốc lũ ve thi nhau gào thét inh ỏi, lũ chó mọi khi vẫn thè lưỡi dài lê thê chạy nhông nhống nay cũng chẳng thấy đâu?

Tôi đứng giữa đỉnh núi, hơn năm mươi năm không trở về, đây được gọi là sự hồi sinh, tôi muốn tìm lại những gì mình đã mất, nhưng mọi dấu tích của cuộc chiến tranh đã tan biến, chỉ còn chiếc lô cốt bê tông nằm im lìm trên núi, hình ảnh cũ vẫn còn nguyên trong ký ức tôi, ngọn núi vẫn căng tròn như bầu vú người thiếu nữ, các dải đất kéo dài dưới chân trải rộng ra bốn phía như những cái chân con rùa, gốc đa cổ thụ ở đầu làng vẫn xum xuê tỏa bóng mát. Nhưng hôm nay vạt lau sậy mọc chen chúc dưới đầm không còn nữa, người ta đã phát chúng đi để trồng lúa. Thật mà nói phong cảnh này cũng chẳng khác xưa là bao, cây cối vẫn mọc xanh um, gió vẫn thổi như hồi tôi còn ấu thơ.

 

Tôi không có làng, chuyện này tôi không muốn kể, vì kể ra đây cay đắng lắm. Người ta bảo tôi là đứa con mang dòng máu phản quốc. Bố tôi đi lính cho Tây bị bắn chết từ hồi kháng chiến. Ông ngoại tôi là thầy giáo dạy học ở làng Phú Hộ. Cụ ngoại tôi là địa chủ giàu có nhất vùng Lạng Thương. Nghe nói đời kỵ ngoại tôi làm chức quan gì trong Phủ, bởi lúc đó còn nhỏ quá nên tôi không biết. Và dòng dõi đàng ngoại nhà tôi có khí tiết lắm, cụ ngoại đã nhất quyết không làm việc cho quân đội Pháp, khi quân Nhật đặt chân vào chiếm đóng, chúng khuyên nhủ cụ vận động con cháu ra phục vụ, cụ đã hô hào họ trốn lên rừng theo Việt Minh, bọn lính Nhật tức tối đã lôi cụ ra chặt đầu làm gương cho kẻ khác. Mẹ tôi là cô gái hát quan họ hay nhất làng, họ bảo những người con gái đẹp thường hay có số hồng nhan bạc phận, chính vì vậy mà đời tôi gặp nhiều oan nghiệt. Cả làng không còn người đàn ông trai tráng, họ đã trốn vì không muốn đi lính, hoặc không muốn làm tay sai cho người ngoại quốc, ở lại toàn những kẻ bám chân người nước ngoài hại dân, chúng sẵn sàng hiến dâng tất cả để được hưởng lợi, trong lúc đó bọn sĩ quan Nhật vừa đặt chân đến cũng đua nhau đi tìm gái đẹp, chúng nghe tiếng mẹ tôi là cô gái tài sắc trong vùng. Lũ Việt Gian nhân cơ hội đã mách nước nhằm cống mẹ tôi cho một viên sĩ quan Nhật. Lúc ấy bố tôi đang là tên tay sai cho Thực dân Pháp, trong con mắt của người dân ông là tên ác ôn khét tiếng, ông thường dẫn quân đi càn quét khắp vùng, bàn tay ông đàn áp người dân không từ một thủ đoạn nào, chính vì vậy mọi người cũng phải kiềng mặt. Một hôm có tốp lính Nhật đến nhà ông giáo chơi, viên chỉ huy trẻ tỏ thái độ rất lịch thiệp. "Chúng tôi là quân đội của Thiên Hoàng, mọi hành động đều theo ý của ngài, nhưng thực tình muốn giúp đỡ những kẻ yếu, tôn sùng trí thức, chẳng hạn như ông giáo đây. Người Nhật chúng tôi rất trọng chữ tín, xin biếu ông giáo sấp lụa tơ tằm làm quà lưu niệm, mong ông giáo gả con gái cho tôi, hẹn ông giáo ngày lành tháng tốt sẽ làm lễ ăn hỏi". Nghe lời đề nghị của viên sĩ quan Nhật ông giáo chỉ biết khóc, cả đời ông không làm điều gì ác mà có kẻ mượn danh Thiên Hoàng bắt phải gả con gái cho bọn cướp nước. Ông đau muốn chết nhưng không chết được, đúng lúc ấy bố tôi xin đến được ra tay cứu giúp. "Thưa cụ chúng con là người Việt máu đỏ da vàng, chỉ vì thời thế nên mới phải ra tay mạnh bạo, chúng con không có ý đồ phản quốc hại dân, biết như gia đình nhà ta, bố đẻ ra cụ đã bị quân Nhật chặt đầu mà cụ nỡ gả con gái cho kẻ thù của mình, xin cụ cho con được tỏ lòng…" Ông giáo lại bị thêm một nỗi đau nữa đè nén, chỉ biết ngồi than khóc trời.

Đúng một ngày viên sĩ quan Nhật đến xin làm đám hỏi, trên đường đi chúng gặp phải sự phản kháng của bố tôi. "Các ông có thể hất chân được người Pháp, người Việt chúng tôi cũng có lòng tự trọng, chẳng lẽ lại để cho các ông cướp vợ của mình ngay tại nhà hay sao?" Viên sĩ quan Nhật nổi nóng nhưng cũng phải hiểu, đây là đất nước xa xôi vùng Đông Dương, dù Thiên Hoàng có bàn tay dài nhưng đất có thổ công, sông có hà bá, ta vẫn cần hợp tác với người bản xứ để tiến hành công cuộc cai trị, giữa thời buổi loạn lạc này chưa biết chừng. Thôi thì, nếu cuộc này mềm thì nắn, rắn thì buông, đời lính chiến dính vào cái thứ đàn bà chẳng may mất mạng uổng công. Hai bên kéo nhau đến trước sân nhà ông giáo đã thấy một chiếc thòng lọng treo ngay trước hiên, ông giáo dõng dạc tuyên bố sẽ treo cổ, nhất quyết không chịu gả con cho những kẻ vô nhân đạo. Con gái ông giáo thương bố không biết phải làm gì? Suy nghĩ chán một hồi rồi quyết định, đằng nào mình cũng chịu kiếp cho chúng làm nhục, nếu mình có chết bố mình cũng sẽ chết theo, cách này chẳng giải quyết vấn đề. Nhìn ông giáo đứng trên cái ghế cạnh chiếc thòng lọng sắp sửa thít cổ, cô con gái ông nói: "Con xin bố, con van bố, bố đừng có chết làm khổ mọi người, kiếp này con xin được hi sinh." Con gái ông giáo quay sang nói với hai bên: "Tôi hứa sẽ trả lời các người vào ngày mốt, bây giờ các người hãy về để bố tôi được sống, nếu bố tôi chết thì các người cũng chẳng lấy được tôi đâu."

Hai hôm sau diễn ra một cuộc thương lượng tại nhà ông giáo, cuộc này đã có sự sắp đặt trước với tên "máu đỏ da vàng", con gái ông giáo quay sang nói với viên sĩ quan Nhật: "Mong ngài thứ lỗi! Hai gia đình chúng tôi đã ước hẹn với nhau từ trước, nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, tôi đây coi như đã làm vợ anh ấy rồi, biết ngài rất bực nhưng vì sự cao cả của Thiên Hoàng mà bỏ quá cho người đã có chốn như tôi, con gái thiên hạ này không thiếu." Viên sĩ quan Nhật hậm hực kéo lính ra về.

 

Nhà tôi ở dưới chân núi, ngôi nhà buộc dứng, trát vách rơm trộn bùn, cột khoét từ cây tre lộc ngộc, mái lợp bằng cỏ tranh cắt trên núi về. Từ ngày bố tôi bị người ta bắn chết, hai mẹ con tôi bị đuổi ra khỏi làng, người ta khinh bỉ vì không ai chứa chấp dòng máu của một tên ác ôn, ông ngoại tôi thương con nhưng cũng đành đứng nhìn dân làng mà không có cách nào cản trở được họ, không nỡ bỏ giọt máu người vợ đứt ruột đẻ ra mà đã dúi ít đồng bạc vào túi áo con. Trước nhà tôi có một cái hồ, nước dưới hồ trong xanh, xung quanh mọc lên những đám le le khiến cho lũ chim cuốc kéo nhau về làm tổ, suốt đêm chúng cất tiếng kêu khắc khoải. Mẹ tôi bảo cái hồ là vết chân ngựa của Thánh Gióng, chuyện ngày xửa ngày xưa, mẹ vẫn kể cho tôi nghe mỗi trưa hè, chàng Gióng cũng bé tí như tôi, mẹ nuôi mãi nhưng không lớn, rồi đến một ngày có giặc ngoại xâm, chàng đòi mẹ cho đi đánh giặc, từ đó mẹ không thể ngờ chàng lớn nhanh như thổi, mỗi bữa ăn hết ba nong gạo, rồi phắt một cái đứng dậy vươn vai, cưỡi con ngựa sắt, nhổ gốc tre đánh giặc, khi tan quân giặc ngựa của chàng cắm vó xuống đất lấy đà bay lên trời, ngọn núi chính là phần đất từ vết chân ngựa đụn lên. Đợt lính Pháp chưa về xây lô cốt trên núi, vào những ngày rằm, mồng một các cụ trong làng thường mang lễ lên cầu may ở phiến đá trên đỉnh, ngọn núi ấy linh thiêng che chở cho dân làng bình yên.

 

Tháng sáu, mặt trời chói chang, lá khô rụng xuống đất chỉ cần dẫm nhẹ là vỡ tan như bánh đa nướng, gốc mướp đầu vườn ủ rũ gục trên giàn như thể giận dỗi ông trời không muốn múa may những cái vòi xúc tua giữa không gian, nhìn những tàu chuối quắt queo mà đàn gà phải rúc vào gốc tre kêu rúc rích. Chỉ có lũ bò sát là vui sướng phơi mình nghênh đón ánh nắng cháy da cháy thịt. Buổi trưa, tôi nằm ngủ trên chiếc trõng tre, mẹ ngồi bên cạnh phe phẩy chiếc quạt mo cau, con mực nằm trong gậm giường thè lè cái lưỡi đỏ, đúng lúc ấy từng toán lính Pháp từ trên núi xuống hồ tắm, họ không dám đi buổi chiều tối vì sợ bị du kích bất ngờ đánh. Tôi nhớ nạn đói năm 1945, hậu quả của Phát xít Nhật bắt dân chúng nhổ lúa đi trồng đay, hai mẹ con tôi phải sống nhờ đồ tiếp tế của những tốp lính qua nhà. Từ trên núi có con đường đi qua ngõ nhà tôi, mỗi lần lính xuống lại rẽ vào uống nước, cái thứ nước chè xanh thật là khó uống, người uống chưa quen hay bị hoa mắt, buồn nôn, nhưng khi đã thử vài ba bận rồi thành nghiện. Ngày nào mẹ tôi cũng nấu một nồi nước lớn rồi ủ nóng trong ổ rơm, đợi lính đi qua rồi rót cho họ uống. Thỉnh thoảng mẹ lại bắt cua nấu canh riêu bán cho lính. Tôi nhớ nhất viên chỉ huy trên núi, ông ta tên là Coocder, sang Việt Nam đã lâu nên nói tiếng Việt rất sõi.

 

Những năm ấy quân đội Pháp và Nhật mâu thuẫn dữ dội, người Nhật muốn hất chân người Pháp khỏi Đông Dương, lợi dụng tình thế đấy du kích tăng cường đánh úp bất ngờ, họ tấn công thẳng vào các đồn chốc lát rồi lại rút lui ngay vì không đủ sức. Đã nhiều năm chiến đấu tại Việt Nam nên Coocder hiểu, sứ mệnh của người Pháp ở Việt Nam không còn nữa, nhiệm vụ của họ là chiến đấu cầm cự và ngăn cản không cho Việt Minh tiến quân về đồng bằng. Lúc đó phong trào đấu tranh của Việt Minh cũng đã mạnh, hàng loạt các vụ thanh toán những tên tay sai ác ôn như bố tôi diễn ra khắp nơi, người Pháp bảo tồn được tính mạng là nhờ có súng nhiều và đại bác, một khi người đã chiếm được đất đai nhưng chưa chiếm được lòng dân rồi cũng sẽ thất bại. Người Pháp sống ở đây lâu năm nên không hung hãn như quân Nhật. Công cuộc khai sáng nền văn minh của họ đã gặp nhiều khó khăn với dân bản địa, chẳng lẽ những ngày cuối cùng lại co rúm như con tê tê, ở trên núi lâu ngày cũng có nhiều bất lợi, phải dữ lại chút uy tín và danh dự cho nước Pháp, thỉnh thoảng Coocder cho quân lính mở những cuộc tuần tiễu xuống dân vận động, trong hàng ngũ của họ cũng có nhiều tên lính mới sang nên chưa hiểu biết, chúng tưởng có nhiều vũ khí sẽ làm nhụt chí kẻ yếu hơn mình, uy hiếp được lòng người, làm như thế khác nào đổ thêm dầu vào lửa, chả chừng ngày mai Việt Minh sẽ hành quân về nhổ lô cốt. Đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân là công việc của người Việt, đấy là việc của bọn tay sai, người Pháp đứng trên chỉ đạo không muốn can dự vào.

 

Tôi bước đi trên con đường đất đỏ, sau chiến tranh đã có nhiều thay đổi nhưng đất đai vẫn mặn mà như xưa, vẫn cái mùi ngai ngái của cỏ cây mục nát, vẫn là cánh đồng và bóng tre xanh xa tít tầm mắt, những hàng cau cao vút, lác đác đàn cò trắng sải cánh rộng ngang trời, chúng sẽ bay về đâu? Cánh đồng này dang rộng đón chúng, lũy tre bao bọc chúng trong mỗi lần bão dông. Ngôi nhà tranh của tôi không còn nữa, họ hàng tôi không biết ai còn ai mất, xóm làng có coi tôi là kẻ ác ôn nữa không? Nhiều năm sống phiêu bạt nơi đất khách nên tôi hiểu thế nào là quê hương? Nhưng chắc chắn không phải là những tòa tháp cao ngút trời! Không phải là những cung điện nguy nga! Không phải là những con đường trải nhựa nối liền giữa các thành phố! Nhiều người đã nhầm, họ thích được hưởng thụ những thứ không thuộc về mình, cũng như cánh cò kia mà không có lũy tre và cánh đồng thì sẽ gọi là gì? Đã qua quá nửa đời người nên tôi mới hiểu được giá trị thế nào là quê hương. Những ngày sống phiêu bạt khắp Châu Âu tôi chỉ là một cá thể cô độc. Sau khi Coocder mang tôi về đến nước Pháp, tôi tưởng mình đã đến được thiên đàng của sự sống nhưng không phải, tôi đã vĩnh viễn mất mẹ, mất ngôi nhà thân yêu. Tuy họ hàng và xóm làng không thừa nhận tôi nhưng tôi vẫn được nhìn thấy họ, vẫn nghe tiếng họ nói mỗi ngày, tôi có thể soi vào họ mà thấy hình ảnh của mình, số phận lại đưa đẩy tôi đến những ngõ cùng đường thẳm khác, tôi chưa bao giờ tìm thấy sự bình yên. Về đến Pari Coocder tiếp tục được điều động sang Algeria chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy, tôi sống cùng bà cụ già người Pháp (Mẹ của Coocder), tôi không biết một thứ tiếng nào, cách ứng xử hàng ngày giữa hai bà cháu như con thú, đến bữa bà múc thức ăn cho tôi, khát bà cho uống nước. Người thân nhất của tôi lúc ấy là Coocder cũng không có ở đấy, giá mà có ông ta thì tôi cũng bớt nhớ nhung phần nào, tôi bơ vơ khóc sút sít không ngơi nhưng bà cụ cũng chẳng biết làm gì, ngoài cho tôi ăn uống và dẫn tôi đi ỉa, đái, bà không hiểu được những suy nghĩ của tôi. Tôi cần có mẹ quạt mát và kể chuyện mỗi trưa hè, tôi cần có mái nhà tranh, tôi muốn được chạy tự do trên cánh đồng mà không được. Ở Pari hai bà cháu sống trong căn hộ chật hẹp trên gác hai phía Tây thành phố. Tôi sống chẳng khác nào một chú khỉ nhỏ bị bắt từ rừng nhiệt đới về xứ lạ. Mùa đông ở Pari có tuyết rơi, tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh tuyết đẹp đến thế, những bông tuyết nhè nhẹ bay trên các ngọn cây, vương vào các khung cửa kính trắng xóa. Tuyết lạnh làm tôi nhớ đến mẹ, những ngày ở trong ngôi nhà tranh tôi thường rúc vào nách mẹ ngủ, sống ở đấy tôi phải nằm một mình trên gác xép, từng đêm tuyết vẫn phủ đầy mái nhà, bầu trời như thể trùng thấp ngay xuống đầu, có những bông tuyết nhỏ bay vào kẽ cửa sổ, tuyết thì thầm với tôi, "mùa đông lạnh lắm, có nhớ mẹ không em?" Tôi nằm đắp chăn kín đầu mà khóc nức nở.

 

Tôi không có tình yêu, sống với bà già được hai năm khi bắt đầu hiểu được thì lại phải chứng kiến cảnh đau buồn, bà nhận được tin Coocder không bao giờ trở về, ông ta bị chết trong một lần lực lượng nổi dậy tập kích vào căn cứ. Bà cụ chết ngất đi vì đứa con trai duy nhất đã biến mất khỏi cuộc đời, tôi thương bà lắm, thương cả Coocder nữa nhưng không biết phải làm gì? Khi còn ở Việt nam, buổi sáng khi mẹ đi làm tôi thường hay lên núi chơi cùng Coocder, ông bế tôi vào lòng rồi lấy lương khô cho ăn, tôi thích nghịch súng treo trên người ông. Lính chiến có kỉ luật nghiêm, nhưng cũng có kẻ đến cơn thèm khát dục vọng dâng trào thì bất chấp. Ngôi nhà tranh dưới chân núi chỉ có hai mẹ con tôi sống, mỗi lúc tôi lên núi chơi với Coocder thì nhà chỉ còn mình mẹ. Một hôm có người lính Pháp đã tự động trốn xuống vào nhà tôi làm cái việc ấy bị Coocder phát hiện, ông ta đã rút súng ngắn trong bao ra dí vào trán người lính kia và bảo: "Mày có muốn chết không mà ngang nhiên cưỡng hiếp phụ nữ?" Người lính kia đã lột trần truồng mẹ tôi đè ra giữa nhà đành hậm hực bỏ lên núi. Tôi biết ơn Coocder đã bảo vệ cho hai mẹ con, có lần Coocder còn cho lính cắt tranh trên núi mang xuống cho nhà tôi dọi lại mái, thỉnh thoảng có người mang đồ ăn xuống cho nhà tôi.

 

Sau khi lính Nhật bị tước khí giới chỉ còn lại các đồn Pháp đóng rải rác trên đồng bằng bắc bộ, ranh giới phân chia giữa quân đội Pháp và Việt Minh là những chiêc lô cốt bê tông vững chắc dọc theo vị trí trọng yếu, có lần lúc nửa đêm cậu Tư (Em mẹ tôi) về thăm mẹ con tôi, tuy tôi buồn ngủ nhưng nghe tiếng cậu thì thào cũng mở mắt dậy vui như chim sáo. Cậu tư sống cách xa mẹ con tôi mấy chục ngọn núi, chẳng làm sao mà giúp đỡ hai mẹ con tôi cho người ta khỏi chửi mắng. Cậu bế tôi hỏi, cháu lên núi chơi với ai? Cháu thử kể cho cậu nghe cái lô cốt như thế nào? Có cả súng đại bác to đùng nữa á? Giữa đêm cậu về mà mắt tôi cứ díp lại buồn ngủ, biết mẹ có nói chuyện gì với cậu lâu nữa không? Sáng mai tỉnh dậy thì cậu đã đi tự lúc nào? Câu chuyện này tôi vẫn giữ mãi trong lòng. Mẹ bảo tôi, nếu Coocder biết cậu Tư ở nhà mình sẽ cho đại bác bắn đấy. Vì tôi thích cậu Tư nên chẳng nói chuyện này với ai, ngay cả đến bây giờ vẫn giữ canh cánh trong lòng.

 

Tôi là kẻ mang nhiều khát vọng. Chính vì tôi chẳng có gì, đói ăn thì thèm một bữa cỗ no nê, thiếu thốn thì phải lao vào cuộc tìm kiếm cái mình không có nên mới nảy sinh ý nghĩ đó. Năm tôi mười bốn tuổi thì bà cụ mất. Tôi không có cha, không mẹ, không họ hàng thân thích, chẳng ai biết tôi là ai, con cái nhà nào? Bà cụ già để lại tài sản duy nhất cho tôi là căn nhà, tiền trợ cấp cũng bị người ta cắt, tôi như con chim non vừa mới chớm đôi cánh đã bị đẩy ra khỏi tổ, tôi đi lang thang bằng đôi chân yếu ớt, run rẩy. Ngoài đường phố tôi không biết nhiều, lân la đến các quán ăn để mong tìm kiếm đồ thừa thì bị người ta xua đuổi, đôi lần có một quý bà thương tình cho tôi vài tờ giấy bạc lẻ, tôi cứ sống thế hết ngày này sang tháng khác, có những lúc tôi phải đánh nhau để tranh dành những thứ đồ thừa với bọn trẻ ngoại quốc, hình như chúng cũng không có mẹ và nhà cửa như tôi, chúng muốn giết chết tôi thì tôi phải chống cự, đấy là lí do khiến tôi tồn tại được, dù có van nài bọn chúng cũng không thương tiếc, tôi không biết ngày mai rồi cuộc sống sẽ ra sao khi không có một miếng đổ vào miệng. Đói quá tôi phải mò mẫm đi kiếm ăn.

 

Tôi chưa bao giờ thấy hình bóng của mình, chẳng có chiếc gương nào để cho tôi soi vào đấy, những ngày sống lang thang không ai chú ý đến tôi, thậm chí cái tên của tôi người ta cũng không cần biết, mạng sống của tôi không có ý nghĩa gì với người khác, tôi hiện diện như một cây cỏ dại. Đấy là mọi người nghĩ về tôi như vậy, nhưng tôi lại có những dòng ấp ủ, tôi được gọi là người mới đủ thành tố cấu thành lên xã hội, không có những người như tôi thì đất đai vô nghĩa, không có ai để mà gọi tên làng, tên nước. Một điều tôi tin chắc con người này không thể sống chung với bất cứ loài nào? Ít nhiều tôi vẫn còn chút giá trị. Tôi phải sống và vươn lên như bao con người khác, nhưng làm cách nào để sống tôi chưa thể biết? Lang thang ngoài phố tôi phải dành dật với đồng loại từng miếng ăn, tôi luôn lo sợ trong từng bước đi lẫn giấc ngủ. Cùng những ngày nằm đói dã họng ở nhà, đôi chân bắt buộc khiến tôi phải hoạt động, mục đích duy nhất của tôi lúc ấy chỉ theo bản năng kiếm ăn như động vật. Tôi là kẻ vô giáo dục, trong tay tôi cũng chẳng có một nghề ngỗng nào, ngôn ngữ cũng chỉ biết vài câu tiếng Pháp, tôi muốn làm một công việc chân chính mà không kiếm được. Pari là thành phố chứa chấp đủ hạng người tị nạn từ các nước thuộc địa về, họ đi theo từng bè phái và làm đủ mọi việc, tất cả hòa vào dòng người lam lũ kiếm ăn khắp các ngõ ngách của thành phố, họ làm đủ mọi thứ nghề kiếm sống. Tôi đến nước Pháp cùng với những người lính Lê Dương, tôi đã đi trong đoàn quân thất trận trở về.

 

Đấy là câu chuyện tôi vẫn giữ canh cánh trong lòng không muốn kể ra. Cậu Tư nghe lời cụ ngoại theo Việt Minh trốn lên chiến khu Việt Bắc, lúc đó tôi còn nhỏ cũng chẳng biết đấy là đâu, tối hôm cậu về là lần duy nhất tôi được gặp. Tôi biết bề ngoài người ta nói thế thôi, từ trong sâu thẳm cậu xem tôi như giọt máu của mình, tôi đã ngủ thiếp đi trên đôi bàn tay của cậu. Cho đến một ngày mẹ tôi đi vắng, nhà chẳng còn ai nên tôi đành lẽo đẽo lên núi chơi với Coocder, tối hôm đấy mẹ cũng không về, tôi ngủ lại trên núi. Trong giấc mơ tôi thấy cậu Tư dắt về làng, hai cậu cháu chạy trên con đường đất đỏ, từng lớp bụi tung lên phủ kín gót chân, những khóm cỏ mần trầu mọc kín hai bên đường đưa ngón tay bé xíu vẫy gọi. Đến gốc đa đầu làng cậu đứng lại chỉ cho tôi xem, cây đa này có thần linh trú ngụ trên ngọn đấy, các thần không cho ai trong làng làm điều ác đâu, cũng vì bố cháu theo Tây nên các thần mới khiến người ta giết. Tôi toát mồ hôi tỉnh dậy thì nghe tiếng súng nổ dưới chân núi, lính Pháp bên trên nháo nhác báo động chạy vào lô cốt:

- Việt Minh tấn công. Một viên lính nói.

- Tất cả vào vị trí chiến đấu. Coocder lệnh.

Đại bác trên núi bắt đầu nổ, từng quầng lửa bốc cháy dưới chân núi, trong ánh sáng tôi thấy ngôi nhà tranh thấp thoáng, bước chân người đang chạy rầm rập. Kìa! có cả có cả một người con gái đang xõa tóc chạy theo con đường mòn lên núi. Giữa những tiếng nổ xé gan xé ruột tôi gào to gọi: "Mẹ! Mẹ ơi!" Một viên lính Pháp dương súng lên về phía ấy, tôi sợ họ bắn liền lao ra ôm ghì súng xuống đất: "Đừng! Đừng bắn mẹ cháu". Một tay Coocder vẫn lăm lăm cầm khẩu súng ngắn, ông lao đến bế tôi lên đứng ngây người nhìn, rất nhiều bóng người đổ rập xuông đất, lính Pháp dưới công sự đòi mang tôi ra bắn nhưng Coocder nhất quyết bảo vệ. Đứa nào động đến thằng bé tao bắn vỡ sọ. Đến bây giờ tôi mới biết, vì sao tôi không bị bắn chết vào cái đêm hôm ấy, nếu tôi chết rồi chắc những viên lính Pháp trên núi chẳng còn cơ hội rút về nước, người chỉ huy trận đánh đấy chính là cậu Tư.

 

Lòng dạ tôi cảm thấy dằn vặt, tôi đang đi trong những dòng suy nghĩ ngổn ngang, đã quá nửa đời người tôi không có gia đình, không có quê hương. Tôi là kẻ vô gia cư, cuộc đời là chuỗi ngày dài sống trong những căn phòng tối đen như mực, tôi có cảm nhận những thành phố này như những chiếc quan tài, những mảng tường kín mít ngăn cách con người với cộng đồng, nó cũng như cái tổ kiến được xây bằng cứt trâu mỗi ngày thêm một lớp vỏ bao bọc, những ngóc ngách ở bên trong là một thế giới bí ẩn. Đôi khi băng qua những tòa nhà kiến trúc đồ xộ, những cánh đồng trải dài, nhưng chẳng bao giờ được thong thả dạo bước vì nếu nhìn thấy khuôn mặt tôi cảnh sát sẽ bắt ngay vào đồn, và thỉnh thoảng tôi lại sa đọa vào cuộc vui bất tận, trong những cơn say tôi bị hành hạ, tôi cứ úp mặt vào ngực cô gái điếm mà khóc, giá như tôi có một mái nhà để trú ngụ, những chuỗi ngày dài lẩn trốn tôi không có lấy một tình thương nào cả. Dĩ nhiên tôi không phải một tên sát thủ tàn bạo, một hôm tôi đang nằm vật vạ ở góc phố có một gã người Đức đi ngang nói, "Mày không bao giờ chết ở nơi đất khách quê người, cứ sống mạnh mẽ vào". Tôi không thể ngờ, sau những năm tháng lang bạt tôi đã vô tình lọt vào băng nhóm người Algeria, công việc của tôi là thanh toán các đảng phái đối nghịch quyền lợi, mạng sống của tôi bất cứ lúc nào họ có thể kết liễu bằng một động tác nhẹ nhàng nào đó, tôi phải nghe theo lệnh để được bảo toàn. Tôi muốn được hồi tưởng về những dòng ký ức của mình, thấy mẹ cùng những người ở làng Phú Hộ, tôi luôn hi vọng sẽ có ngày được trở về nơi ấy, mỗi lần được giao nhiệm vụ thanh toán kẻ khác tôi cứ rê súng ngang sườn mà bắn, những nhát đạn găm lỗ chỗ cùng mảnh vụn tung tóe đã làm cho đối thủ đủ khiếp sợ. Tôi không cần biết họ là ai? Suy nghĩ gì? Nhiệm vụ của tôi là nhả đạn vào những đám người như vậy. Kết quả là tôi chẳng nhìn vào ai mà bóp cò cả, vì linh tính mách bảo tôi đừng gây đau khổ cho người khác, chiến tranh đã làm tôi mất hết, nếu không có những cuộc bắn ghiết đó thì tôi không đến nông nỗi này, mãi mãi tôi được sống trong tình thương yêu của mảnh đất sinh ra, không có thù hận, không có sự ruồng bỏ, nhiều lúc tôi đã nghĩ như vậy đó. Cái đêm cuối cùng trên đỉnh núi Coocder đã giữ tôi trong lô cốt, tiếng súng ngớt dần rồi im bặt, mùi khét lẹt của thuốc súng và ám khí tử trận bao trùm khắp nơi. Sáng sớm hôm sau đoàn quân rút về Hải Phòng, tôi mệt lử và thiếp đi trong nỗi sợ hãi, khi tỉnh dậy đã thấy mình lênh đênh trên con tàu cùng những người lính Lê Dương.

 

Ngay dưới chân núi này thôi, những mùi vị cũ năm xưa vẫn ám ảnh, những mũi súng của lính Pháp đang ở đâu đó bất thình lình bắn nát óc tôi, đây chính là nơi dấu chân tôi đã in đậm xuống nền đất, từng viên sỏi nhỏ, từng hạt bụi phù sa đã bám chặt lấy da thịt, chẳng lẽ tôi lại sợ khi cơ thể mình hòa quyện với những thứ quen thuộc. Đất đai là tình yêu vĩnh cửu, mọi sinh vật đều vô tình, chỉ có những ý nghĩ làm đảo lộn cuộc sống của muôn loài, cuộc đời trớ trêu đã mang tôi ném đi xa khỏi nơi chôn rau cắt rốn, số phận lại vùi dập tôi vào góc khuất của những thành phố xa lạ, sự tồn tại của tôi không ai biết đấy là đâu, tôi sống để tin lời của gã người Đức.

Nhờ có tình mẫu tử mà tôi đã tìm đường về đến quê hương, giờ đây tôi đang đứng trên cánh đồng, như tôi đã tìm thấy sự sinh tồn cho chính mình, làng quê tôi sau bao thăng trầm của cuộc chiến tranh tàn phá vẫn trơ trọi với thời gian, những người dân đi làm đồng nhìn tôi bằng ánh mắt xa lạ, tôi không biết họ là ai? Trông người nào cũng có cái dáng nhang nhác như mẹ tôi, tôi cố tìm nhưng không thấy ai là mẹ cả. Những ngọn cỏ, khóm lúa thi nhau hòa ca cùng tiếng hát quan họ của cô gái đang khom lưng trên đồng, tôi không bao giờ có thể phai nhòa cái hình bóng đó, trong tâm trí của tôi những hình ảnh cũ mới cứ chập chờn, bàn chân tôi đã lún chìm trong bùn đất lúc nào mà không hay. Mặc kệ nó, tôi đi trong dòng suy nghĩ miên man. Dưới nắng hè mẹ tôi đội nón lá ra cánh đồng, trên những mảnh ruộng đã cắt trơ gốc rạ, nước nóng như nấu trong nồi cua cá rủ nhau rúc vào hang, mỗi lần như vậy mẹ bắt được đầy cả giỏ cua. Ở trong nhà tôi hay nằm trên chiếc trõng tre chơi cùng với con chó mực, tôi chỉ có người bạn thân thiết nhất là nó, có lúc mải chơi nằm ngủ quên nó liếm láp vào hai má của tôi, có khi nó còn dùng hai hàm răng trắng ởn căn cắn lên mái tóc vàng hoe như thể đuổi rận cho đồng loại. Cảm giác này khiến suốt những năm tháng về sau đôi lúc tôi vẫn mơ như vừa mới diễn ra ngày hôm qua.

Nếu hai mẹ con tôi không bị đuổi khỏi làng chắc chắn mẹ tôi chẳng phải lam lũ như vậy đâu, mẹ vốn là cô gái đẹp có giọng hát hay, nhưng vì lấy bố tôi nên phải chịu sự khinh miệt của dân làng, nhất là những gia đình có người thân bị lũ tay sai làm hại. Bên mái nhà tranh dưới chân núi hàng ngày mẹ vỡ hoang cấy lúa nuôi con, cũng bởi cái chết của bố tôi vì công cuộc cai trị của người Pháp trên quê hương mình nên hai mẹ con mới được binh lính trên núi thân thiện, những người khác trong làng đừng có bén mảng đến gần, họ sợ du kích len lỏi vào thám báo.

 

Con đường mòn từ đỉnh núi dẫn tôi về đến gốc đa đầu làng, gần hết một đời người tôi mới về được tới đích. Gốc đa xù xì vương vấn biết bao sự tích lên thân thể, nó chẳng tội tình gì nhưng vẫn phải mang đầy vết sẹo của thời gian, bà cụ già ngồi bán nước chè xanh bên dưới kể cho tôi nghe nhiều điều diễn ra nơi này, khi nói đến thân phận tôi bà hỏi khí không phải.

- Ông có ý định đầu tư vào vùng đất này phải không?

Tôi lặng chìm trong những dòng suy tư chưa kịp trả lời thì bà cụ nói một thôi một hồi, bà kể chuyện những người trong làng này sống thất đức đều phải chịu cảnh ác giả ác báo, ngọn núi và cây đa của làng này linh thiêng lắm đấy, ông đừng động chạm đến mà bị báo oán với thổ công thổ địa, làng quê này đang thanh bình vốn dĩ để yên cho nó trường tồn vĩnh cửu.

- Dạ! Thưa cụ, tôi về đây để tìm người thân.

- Thế ông là con cái nhà ai ở cái làng này?

Tôi bắt đầu đem câu chuyện của gia đình mình kể cho bà cụ nghe, chắc bà cụ cũng trạc tuổi như mẹ tôi. Những dòng tình cảm dồn nén trong lòng tôi bấy lâu bắt đầu được dải tỏa, nó cứ thế lan ra đến từng gốc cây ngọn cỏ, quyện lẫn bầu không khí khắp nơi đây.

- Sao mãi giờ này ông mới tìm về? Con gái ông giáo chết khi dẫn đường cho du kích đánh lên núi, tấm gương của bà ấy như một truyền thuyết của cái làng này ấy chứ, mộ còn đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ đằng kia kìa.

Bà cụ được đà tiếp tục kể cho tôi nghe chuyện về ông giáo. Cả gia đình ông đã chết gần hết trong trận chiến đấu ấy. Tôi không thể ngờ mẹ tôi làm gián điệp theo dõi các hoạt động của lính Pháp trên núi, phải chăng khi lấy bố tôi mẹ đã len lỏi chiếm được tình cảm của đối phương. Nước mắt tôi tự dưng trào ra. Suốt một ngày lang thang khắp cánh đồng, mặt trời đã ngả bóng ngang ngọn núi, chẳng hiểu ai dẫn đường đưa tôi đến nghĩa trang, trong ánh hoàng hôn tôi nhận ra ngôi mộ mẹ tôi nằm ngay sát chân tượng đài tổ quốc ghi công, những ngày tôi đi vắng người ta vẫn thắp hương cho mẹ. Tôi nhớ như in dòng chữ mẹ dạy ngày nào, cứ nhìn vào đấy cùng với bức ảnh khắc trên bia đá là nước mắt tôi không tài nào cầm nổi, giờ này tôi mới tìm thấy mẹ, thế mà suốt bao nhiêu năm tôi luôn mang nỗi lo canh cánh trong lòng, tôi có phải là một đứa con mang dòng máu của một tên phản quốc không? Mẹ đã sinh ra tôi và chiến tranh đã mang tôi đi đến một nơi xa lạ. Tôi đang chìm đắm trong những dòng suy tư của cuộc đời, đến lúc này tôi đã có thể nhận biết được mình là ai, thế mà gần hết một đời người rồi đấy. Tôi quá khiếp sợ chiến tranh, dù có thắng hay thất bại nhưng nó vô hình dung gieo rắc nỗi bất hạnh cho con người. Tôi không phải kẻ ham sống sợ chết nhưng cứ nghĩ đến cảnh tang tóc lại rợn cả sống lưng. Ông trời đã che chở cho tôi để có ngày được nhìn thấy quê hương, nhờ có niềm tin mãnh liệt mà tôi tìm thấy đường về, tôi tin vào số phận. Vì tôi cứ úp mặt lên ngôi mộ mẹ khóc mà không nhận thấy một ông lão đứng sau lưng từ khi nào.

- Xin hỏi, đây có phải con của cô Lành (Mẹ tôi) ở làng Phú Hộ phải không?

Tôi ngẩng mặt lau nước mắt, quay về phía ông lão nhìn trân trân. Bất ngờ ông lão lao trầm vào tôi òa khóc nức nở. "Sao giờ này mới tìm về với bác hả cháu?" Nước mắt tôi cùng nước mắt ông lão hòa chung thành một dòng rơi xuống đất. Mặt trời đã khuất sau ngọn đa, ánh đèn từ trong những ngôi nhà tỏa sáng, những cái bóng người lom khom vác cuốc chìm khuất dần trong khói lam chiều.

 

Trần Đức Tĩnh

Hà Nội tháng 4-2009

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 13000)
(Xem: 14485)
(Xem: 15827)
(Xem: 15226)
(Xem: 15235)
(Xem: 16066)
(Xem: 14671)
(Xem: 14427)
(Xem: 14420)
(Xem: 15389)