- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngó Vô Từ Ngoài

08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 26924)

w-hopluu97-t106_0_300x106_1Sau 30 năm lạc nhau, ở nhiều nghĩa, tôi gặp lại bạn cũ - bây giờ là một người Việt Nam không buồn không vui. Một người Việt Nam mà từ đầu đến chân toát ra sự man mác ở mọi lĩnh vực.

Đón tôi ở phi trường Sacramento, bà bạn đã ghi hình trong máy kỹ thuật số cái lúc tôi lơ ngơ bước xuống cầu thang, đang ngó quanh quất tìm băng tải hành lý và người mà tôi sẽ gặp. Đó là một người đàn bà nhỏ thó mang kính cận thị có tròng đổi màu, tóc cắt tém hơi hoe thuốc nhuộm, đội casquette không có nắp đậy hộp sọ, lái xe hybrid màu trắng. 62 tuổi, gọn nhanh vừa, ít biểu cảm. Chỉ hỏi: mệt không?

Hành khách và hành lý được chở đi một vòng tham quan thủ phủ của Cali. Đây là lần thứ nhì tôi ghé Sacramento. Mấy năm trước đã từng ngồi với Vi Tấn bên bờ Folsom Lake, lúc mùa đông vẫn còn rớt lạnh trên mặt hồ mênh mông. Lần này cỏ xanh hơn và cây cành đã lác đác lá, lấp ló những tổ chim đã có chủ. Chúng tôi ăn trưa vào lúc 2 giờ chiều ở một tiệm Tàu trên đường đi, rồi bà bạn quyết định ngoặt xe hướng thung lũng Coloma thay vì đưa tôi về nhà nghỉ ngơi sau chuyến bay dài từ San Antonio lộn ngược lên Denver trước khi tạt qua Stockton. Chỉ có 48 tiếng đồng hồ để nối lại 30 năm thất lạc, tôi không có lý do gì để nói: mệt.

Tại sao Coloma? Chắc không phải hành hương khu đào vàng của hai thế kỷ trước, nay đã biến thành nơi trưng bày và tưởng niệm. Xe hybrid bon bon từ đỉnh Citrus cua qua lũng Coloma. Dừng xe trên bờ đường cao, bà bạn chỉ tay xuống dưới thấp nơi có một ngôi nhà xoay mặt phía dốc xoãi.

Hai chục năm trước, qua trung gian một người quen của cả hai, tôi nhận được vài tấm ảnh màu của bà bạn chụp hai đứa con gái nhỏ đang cưỡi ngựa trên một nền nâu đất có rừng cây sau lưng, tấm kia - một ngôi nhà tuyết phủ trắng khung gỗ chưa lợp mái. Đó là thông tin duy nhất tôi có được về bạn kể từ tháng tư 1975. Trong thời gian mất liên lạc sau đó, tôi đâu biết không lâu sau khi định cư ở Mỹ gia đình họ đã quyết định bỏ phố chợ về sinh sống vùng hẻo lánh không điện nước, đơn giản chỉ để thực hiện lý tưởng nuôi con không TV, đồng thời để tự cởi bỏ những ràng buộc của chủ nghĩa tiêu dùng, và nhiều thứ khác nữa. Lúc nhận mấy tấm ảnh, tôi không biết gì hơn ngoài những cái nhìn thấy trong ảnh. Hoá ra họ đã trụ lại được Coloma Valley hơn hai thập niên, nuôi con theo kiểu bà mẹ của thầy Mạnh Tử, xài đèn dầu, tắm nước giếng, nuôi gia súc, thư giãn cuối tuần giữa thiên nhiên phơi phới - hoàn toàn tránh xa mọi bon chen vật chất của xã hội Mỹ. Trong khi ở Việt Nam người ta đi kinh tế mới với bộ mặt nhăn nhó vì khổ cực và bộ dạng quắt queo vì thiếu ăn, ngay giữa lòng nước Mỹ, người Việt Nam nhỏ thó là bạn tôi đã làm một chuyện tréo cẳng ngỗng. Vậy đó mà ba đứa con, một đứa trở thành kiến trúc sư - chắc do ám ảnh và kinh nghiệm xây nhà ở tuổi thiếu niên, một đứa là nhà văn - nhờ không xem TV nên có nhiều thì giờ cho việc đọc sách, và cô út, nhà sinh vật học - kết quả từ một tuổi thơ giữa hoa đồng cỏ nội.

Những đứa trẻ nay đã trưởng thành với chí hướng riêng và gia đình riêng, ngôi nhà dưới thung lũng đã được bán cho chủ khác và bạn tôi cũng đã mò về chỗ thị tứ sống trong một căn hộ nhỏ gần chỗ làm việc. Đưa tôi về chốn cũ, bà bạn muốn tôi xâu chuỗi những sự kiện đã bị đứt khúc trong 30 năm, và bản thân chắc cũng thích thỉnh thoảng có dịp ngó ngoái lại chặng đường đã đi. Dĩ nhiên tôi cũng thổ lộ về phía mình, về những năm nuôi con bằng sổ mua hàng, về cái gia đình sau ngày hòa bình có đến ba loại Việt - Việt kiều, Việt cộng, Việt ngụy, cùng những xung khắc huyết thống mang nhiều chất sĩ và không sĩ, về mẹ tôi - người có lần đòi đốt các cuống rốn của 11 đứa con, mà bà đã phơi khô để dành - hòa với nước lã cho cả lũ uống để có thể thương nhau.

Căn nhà dưới lũng đeo tôi suốt buổi chiều lang thang với bạn trọn con đường mòn 2 dặm rưỡi ở Coloma. Chúng tôi leo dốc, chụp ảnh những bờ rào xiêu vẹo, những tảng đá đầy rêu xanh, những dây chùm gửi. Vừa hào hển một cách dễ chịu trong không khí mát lạnh cuối đông, vừa bình luận lan man một vạt nắng rớt, một cụm cỏ lạc.

Tôi đánh một giấc mỏi nhừ nhưng đã đời trên cái ghế dài trong phòng khách, thỉnh thoảng có chập chờn nghe nhịp ngắt của tủ lạnh xen kẽ tiếng xe chạy xoẹt ngoài con lộ chỉ cách căn hộ vài thước. Buổi sáng thức dậy ở một chỗ lạ hoắc, bỗng ngửi thấy mùi vinacafé. Đảo mắt một vòng. Tối đêm trước về đến chỗ ở của bạn, chỉ muốn sập, không nhìn thấy gì ngoài cái bồn tắm và chỗ nằm. Tôi nhắm bớt một con mắt để định hướng, rồi ngồi bật dậy để ngó vô gian trong. Bếp. Tủ lạnh có dán ảnh cháu nội cháu ngoại, nồi cơm điện, lò vi-ba, lò nướng, các chai lọ trên kệ. Phòng ngủ. Giường cá nhân. Tất cả đều có kích cỡ nhỏ nhất. Lạng quạng nghĩ hay là trong lúc ngủ li bì có đứa nào đã khuân mình về nhà mình ở Phú Nhuận? Cũng sống đơn chiếc, tôi ngạc nhiên bắt gặp ở bạn những vật dụng, thói quen, sinh hoạt hằng ngày của chính tôi. Tập thể dục 20 phút trong khi nghe tin tức từ radio, café hiệu Vina tan nhanh, đồ ăn dư cất trong hộp nhựa bỏ tủ lạnh để hôm sau mang theo đi làm, dĩa trái cây thường trực trên bàn ăn, check mail sau 9 giờ tối và chỏng cẳng đọc linh tinh trong giường trước giờ ngủ. Con cái ở xa thỉnh thoảng í ới cho có lệ.

Như vậy có gì khác nhau giữa một người mẹ độc thân Việt Nam trong nước và một người mẹ độc thân Việt Nam đã sống ở Mỹ hơn 30 năm? Bạn tôi khen, rất vui thấy người cũ sau ngần ấy năm vẫn tồn tại, vững vàng. Bạn ơi, chẳng qua là bản năng sống còn nó níu mình lại không để cho rơi tự do. Cũng có những lúc vắt vẻo tòn teng trên một cành khô de ra từ vách đá cheo leo trên đường bay xuống vực, nhưng mà cái chết nó đẩy mình lên. Sao có nhiều người Việt Nam vẫn chảy nước giãi khao khát nhìn nước Mỹ? Tại vì xe tốt và nhà to. Tại vì làm nail cũng giàu. Tại vì tự do. Tự do để làm gì? Có người hung hãn kêu gào tự do, nhưng thử cho hắn một cục bự, hắn sẽ làm gì? Thì liếm nó như ăn cà-rem. Có tự do rồi đâu còn gì để tranh đấu hay hô hào. Không phải vậy đâu! Chứ sao nữa? Ăn thua là mình cảm thấy tự do. Á à, vậy ra tự do là một ý niệm? Ừ, đại khái là như thế. Tỉ dụ bạn đã không ra đi vào thời điểm đó, ở lại nuôi con trong vùng kinh tế mới, đúng lý tưởng giảm thiểu hóa nhu cầu vật chất? Tôi sẽ không biết làm thế nào để nuôi sống chúng nó. Hai vùng kinh tế khác nhau.

Tất nhiên chúng tôi không muốn đi xa hơn trong cuộc tranh luận, vì còn nhiều ngóc ngách phải moi móc ra. Nhưng rõ ràng bạn tôi, rốt cuộc, không buồn không vui với một kiểu sống như hiện nay, ở tuổi 62. Tôi cũng vậy, tuy trẻ hơn nửa chục. Chúng tôi đã an nhiên, dù ở nước văn minh hay chậm phát triển.

48 giờ thật quí báu và ý nghĩa. Ngày cuối, giữa bạt ngàn mưa bụi và tuyết trắng ở rừng Redwood cách thế gian 4000 feet, trông bạn tôi nhỏ xíu nhìn từ xa. Tôi đã sải hai bước chập một để đến ôm vai bạn từ sau lưng: ôi sao người rất bé mà làm việc rất to. Cười khẩy, chứ còn phía ấy thì sao? Nhỏ thôi, mọi thứ đều nhỏ. Chỉ có tự do là bự, mà thứ này thì tìm ở đâu cũng được.

Trần thị NgH.
03.2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Hai 20209:35 CH(Xem: 11879)
Mùa gió! gió nhiều hơn bình thường, thậm chí nếu nàng không đứng vững, gió có thể làm nàng ngã, giờ thì một cơn gió cũng có thể làm nàng ngã… / Buổi sáng! Nàng nghe thấy tiếng gió tạt vào khung cửa, thi thoảng có tiếng rít của lá cây rừng, tuyệt nhiên không có một tiếng chim, nàng nghĩ “giá mà có một tiếng chim, nàng sẽ đáp lời nó”. Cuối cùng thì không có tiếng chim nào ngoài tiếng rít của gió… nàng co hai chân sát tận ngực, chắc giờ này anh đang bắt đầu chuyến hành trình của mình!
23 Tháng Mười Hai 20201:49 SA(Xem: 11962)
Tôi yêu cây Khế, yêu từ thuở ấu thời cho đến bây giờ vẫn mãi còn yêu. Chiều hôm qua ngang qua nhà xưa của ba mẹ ở đường Phan bội Châu trời bỗng đổ mưa to; tôi đứng đụt mưa trước hiên nhà cũ, lòng chợt chùng xuống nhớ nhung kỷ niệm của một thời xa xôi và tôi nhớ cây Khế. Đó là kỷ niệm của tôi.
13 Tháng Tám 20203:03 CH(Xem: 15212)
Mãi tới năm 2010, hơn 45 năm sau, chúng tôi mới có dịp quay lại Phú Quốc. / Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều. Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn bạc trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang. Ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa.
02 Tháng Sáu 20209:59 CH(Xem: 14983)
Ve, loài côn trùng quen thuộc với tôi từ tấm bé, nhưng vì sao lại gọi là ve sầu thì tôi không rõ lắm. Mãi sau này biết sầu, mới dần dà nhận ra (!) Ngày xưa rất xưa, thời dân làng chỉ nhận tin qua giọng loa vang vang sau tiếng cốc cốc của mỏ làng vào rạng sáng hay lúc chiều sập tối, thủa tôi còn loăng quăng bám chéo áo ngoại ra vườn, tiếng ve đã in vào trí óc non nớt của tôi rồi.
17 Tháng Năm 20208:17 CH(Xem: 6646)
Những cơn mưa chiều hiu hiu nhẹ giăng ngang qua thành phố, hàng cây Anh Đào trụi lá khẳng khiu, chúng tôi như thường ngày đội mưa xuống phố. Nhuần lúp xúp chạy…Được mấy ly cà phê…Hiệp cười trong bụi mưa… Bốn thằng ba ly, tốt chán… Bửu vỗ bình bịch vào ngực…Một bịch thuốc rê đây này…Tôi lặng lẽ đi theo các bạn mình và vu vơ thầm đếm bước chân… Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em… Ở đây buồn quá, thành phố hiền hòa và nhỏ nhắn như bàn tay, chúng tôi thường rủ nhau lang thang qua các nẻo đường trước khi đến quán cà phê.
25 Tháng Ba 20209:25 CH(Xem: 16426)
Đêm đêm, nhất là những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng có những “sinh hoạt” gì đó tôi cũng chẳng biết. Và thỉnh thoảng, có những đoàn quân rất đông người với bao nhiêu là súng ống đạn dược, kéo về trong một đêm, rồi sáng sớm hôm sau họ lại lên đường. Chắc là đánh nhau ở đâu đó. Tôi nghe loáng thoáng cha mẹ tôi nói là bộ đội chủ lực gì gì đó.
23 Tháng Giêng 20201:14 SA(Xem: 17092)
Mấy hôm rày tôi không hát " ầu ơ ví dầu..." để ru cháu ngủ mà hát thật "mùi" cái bài "Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa". Cái thằng cu Ben em cu Tèo nghe êm tai nó "phê" một giấc. Bởi vì "ruột gan" của quại nó có gởi qua đó để hát mà lỵ Bây giờ già già thiệt rồi nên cứ hay nhắc câu: " Nhớ hồi xưa!!...". Mà nhớ gì nhất nào!? Chắc ai cũng như tôi. "Nhớ Tết nhất!". Đó là nỗi nhớ nồng nàn nhất trong muôn nỗi nhớ của cuộc đời.
13 Tháng Mười Hai 20198:55 CH(Xem: 15298)
Ba giờ sáng…tôi bước ra đường, những ngọn gió cuối tháng chạp như con ngựa hoang lồng lộng chạy qua các nẻo phố. Tôi lặng lẽ đi dưới hàng cây Phượng vĩ già trong rét mướt yên tĩnh đêm sâu. Có tiếng rao…Ai bánh nậm, bánh dày đây… cất lên trong khoắc khoải, một vài chiếc xe ba gác chở hàng sớm xình xịch chạy qua lầm lũi.
07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 20050)
Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.
31 Tháng Mười 20191:28 SA(Xem: 17459)
Khi tôi đi gần hết cuộc đời tôi mới nhận ra được điều kỳ diệu nhất trên đời này là tôi có Mẹ. Mẹ là ánh sao, tỏa ánh sáng dịu dàng mang cho tôi đến thế gian này. Khi tôi đi đến cuối con đường tôi chợt nhận ra rằng mẹ là người sống cạnh tôi nhiều nhất hơn hẵn tất cả những người mà tôi đã gặp ở thế gian này. Chín tháng mười ngày mẹ mang tôi tận ở trong lòng, tôi ăn ngủ, buồn vui từ mẹ chở che và chia sẻ cho tôi. Cho đến lúc chào đời, tôi cũng được nằm sát bên mẹ, mẹ lại chuyền hơi ấm, chuyền dòng sữa ngọt ngào món ăn đầu đời cho tôi đủ sức chào đón thế giới bên ngoài.