- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MIỀN SƯƠNG TRẮNG

17 Tháng Năm 20208:17 CH(Xem: 6620)

Tranh Minh Phong Le -nhin
Nhìn- tranh Lê Minh Phong

TRẦN QUANG PHONG

(Tản văn)

 MIỀN SƯƠNG TRẮNG

 Tặng tôi và những ngày thân ái      

 

 

 

           Những cơn mưa chiều hiu hiu nhẹ giăng ngang qua thành phố, hàng cây Anh Đào trụi lá khẳng khiu, chúng tôi như thường ngày đội mưa xuống phố. Nhuần lúp xúp chạy…Được mấy ly cà phê…Hiệp cười trong bụi mưa… Bốn thằng ba ly, tốt chán… Bửu vỗ bình bịch vào ngực…Một bịch thuốc rê đây này…Tôi lặng lẽ đi theo các bạn mình và vu vơ thầm đếm bước chân… Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em… Ở đây buồn quá, thành phố hiền hòa và nhỏ nhắn như bàn tay, chúng tôi thường rủ nhau lang thang qua các nẻo đường trước khi đến quán cà phê.

 

           Liễu trong bộ quần áo mậu dịch viên mỉm cười xinh xắn…Các anh uống gì?... Đôi mắt của Nhuần chợt sáng lên trong khi chúng tôi đều mỉm cười, Liễu xé ba phiếu và Nhuần là người đến quầy chế biến bưng cà phê trở về bàn với sự trợ giúp của Liễu (một đặc ân). Chúng tôi tay run run quấn điếu thuốc rê, nhả từng làn khói thuốc, nhấp dè sẻn từng giọt cà phê và thân thể ấm dần trở lại. Những giai điệu mượt mà tình cảm vang lên trong chiều mưa tha hương hiu hắt…Love story, Romance, Romance De Amour… chúng tôi chìm vào không gian lãng mạn. Quán vắng khách, Liễu se sẽ nép vào bên Nhuần…

 

          Tôi ngậm ngùi nhớ lại những quán cà phê thuở ấy, những đêm trăng chúng tôi ngồi ở Thủy Tạ nhìn trăng ngân sương trắng mặt hồ. Ngồi ở Thanh Thủy ngắm nắng ban mai long lanh những ngọn cổ tùng. Thèm tiếng hát Khánh Ly chúng tôi ghé vào cà phê Tùng uống cà phê trong những tách sứ sang trọng và ấm … Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu. Để cuộc tình chìm mau. Như bóng chim cuối đèo… Mối tình của Nhuần và Liễu là một mối tình buồn, yêu nhau ba năm chỉ là những cuộc hẹn hò dìu nhau qua phố, cuối cùng rồi cũng chia xa. Đêm ấy tôi thức trắng với Nhuần, đôi mắt một mí ngân ngấn nước mắt, hai đứa hút hết mấy gói Mai và có lẽ là đêm dài nhất của cuộc đời Nhuần?

 

            Chúng tôi đói và rét, bữa ăn là cơm hẩm độn nhiều mì hay bắp, nước chấm chủ yếu là muối pha với nước, canh củ cải già váng lên một lớp mỡ nổi lều bều vài tép mỡ. Có khi chỉ là một ổ bánh mì khiêm tốn và một chén canh cà rốt. Được uống một ly sữa đậu nành nóng béo ngậy ở quán chị Hồng, đối diện với trường cấp III Bùi thị Xuân trong tiết trời buốt giá là một hạnh phúc, càng tuyệt vời hơn nữa khi được ăn một cái bánh cam nóng, dòn, ngọt, béo và một điếu Samit thơm lừng. Những lúc hết nhẵn cả tiền mua thuốc lá, chúng tôi bắt dế nghĩa là nhặt những tàn thuốc lá vương vãi trong phòng, đôi ba tàn là có một điếu thuốc rê hút hết sức phê.

 

               Những phong thư gửi cho các bạn khắp bốn phương trời. Ôi! Những bức thư giấy trắng, mực xanh mang những buồn vui xa xứ, ước mơ của tuổi thanh xuân. Những dòng chữ nắn nót màu tím viết trên giấy pơluya hồng mang theo tình yêu cháy bỏng đầu đời, được ép vào những cánh hồng thơm ngát. Ôi! Cái thuở lần đầu chia tay với bạn gái ngỡ như thế giới này sụp đổ và mình sắp chết đến nơi. Tan trường chúng tôi đứng trước cổng Trường Bùi Thị Xuân chọc ghẹo các em nữ sinh ngây thơ và nhận lại những dẩu môi, nguýt mắt nũng nịu thật là đáng yêu. Chiều chủ nhật theo chân các cô gái xóm đạo duyên dáng trong tà áo dài thướt tha, cúi mặt thẹn thùng bước vào giáo đường Con Gà cổ kính.

 

            Con dốc Trương Định nối liền nhà hát Hòa Bình và đường Phan Đình Phùng, có một ngách hẹp khoảng hai mét chuyên bán sách cũ. Chủ nhà là một thầy giáo trung niên cao, gầy có mái tóc chớm bạc, có lẽ vì túng quẩn phải bán đi những quyển sách yêu quí của mình. Ở đây, tôi gặp những ấn phẩm cũ còn mới tinh như Tạp chí Văn, Bách Khoa, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng, Nỗi Buồn Con Gái của Nhã Ca, Vang Bóng Một Thời được in trên giấy trắng khổ lớn của Nguyễn Tuân, Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư…Tôi đọc say mê dù chẳng hiểu gì, và chẳng hiểu gì tôi lại càng say mê đọc, như một miền đất hoang vu và tôi bước đầu đặt dấu chân khám phá.

 

             Những cơn mưa rủ nhau trốn biệt, trời nắng vàng và mây trắng trôi lang thang trên bầu trời xanh biếc. Thời tiết ngày càng trở lạnh, buổi trưa chúng tôi thường nằm nghỉ dưới tán thông xanh trên đồi Cù đối diện với Trường Đại Học, cỏ non xanh mơn mởn, không gian yên tĩnh ru chúng tôi vào giấc ngủ hiền hòa. Những cành cây Anh Đào tưởng như chết khô đã ánh lên màu hồng, đã toát lên sức sống. Trời càng ngày càng lạnh, nắng long lanh tỏa, sương mù mỗi sáng mỗi chiều trắng rừng thông, trắng mặt hồ, phố vốn trầm mặc giờ lại càng mơ hồ trầm mặc dốc thấp dốc cao.

 

             Đã tàn Thu rồi, vàng… vàng dốc phố, vàng con đường, vàng lưng đồi, vàng lũng vắng. Lữ khách đang ngoằn ngoèo trên con đường yên ả, ngây ngất  hương thông tinh khiết chợt dừng lại bàng hoàng. Một màu vàng rực rỡ của dã quì lẩn khuất trong sương khoác lên thành phố. Một màu vàng quyến rũ man dại, hừng hực sức sống. Tôi nằm giữa đồi dã quì gối đầu lên những trang sách Lý Thuyết Bất Nhị Trong Thiền Tông Phật Giáo của Phạm Công Thiện nhìn lên áng mây trắng lang thang trên bầu trời xanh biếc. Một mái tóc xanh ngang vai, một đôi môi chu đỏ cúi xuống. Tôi chìm vào cơn mê dại hổn hển nồng nàn, cả hai như hòa vào nhau và hóa thành cánh bướm bay lượn khắp núi đồi lãng đãng sương trắng, vàng rực rỡ cánh dã quì.

 

             Thành phố buồn, nhớ không em, ngày chủ nhật, ngày của riêng mình… Người ta đến nơi này thường là có đôi có cặp, nhưng tôi nghĩ chỉ một mình mới cảm hết vẻ đẹp nơi này, là nét trầm mặc hoang liêu, là rưng rưng buốt giá, là miền sương trắng lung linh. Ôi! Miền sương trắng lung linh, tôi đi trong mơ hồ ven các con đường những cây Anh Đào đã hồi sinh nở hoa đỏ thắm, những cánh đào rơi lả tả xuống thảm cỏ mịn màng. Có tiếng cười trong veo bên khung cửa sổ, tiếng vó ngựa thoảng qua cuối đồi thông xanh biếc. Tôi đi trong tuyệt vời cô độc của những giấc mơ mang tiếng cười dòn dã ở ngã năm Phù Đổng Thiên Vương, của tiếng thở dài u hoài của của gã lang thang trên con đường Đinh Tiên Hoàng nên thơ nằm dưới chân đồi Cù lặng lẽ.

 

             Là giấc mơ của bạn tôi, Nhuần… mỗi chiều cài lại chiếc khuy cổ áo lính bạc phếch chỉnh tề ( thay cho áo khoác), đút quyển truyện kiếm hiệp cũ mèm vào túi nheo đôi mắt một mí mỉm cười và bước vào chiều sương rét mướt. Tôi biết Nhuần sẽ đi bộ mấy cây số, dừng chân bên cột đèn đường vàng vọt đọc truyện trong khi đợi chờ người yêu. Là tiếng cười sảng khoái khi chui vào gầm cầu thang chợ Hòa Bình cởi chiếc áo khoác mới tinh bán lấy tiền chia cho bạn bè uống rượu vơi bớt nỗi tha hương trong đêm Giáng Sinh rực rỡ.

 

             Là giấc mơ của que cà rem ngọt lịm tan chảy óng ánh dưới ánh mặt trời mùa hạ…Trống trường ra chơi vang lên, những thằng học trò nghịch ngợm ùa xúm quanh chiếc xe đạp có chiếc chuông reo leng keng trên cổ lái, phía sau yên xe là chiếc thùng xốp. Có khi hai ba thằng chia nhau một que… Lan, người con gái tóc ngang vai, mặc áo thun tím như que cà rem trong giấc mơ tôi. Tôi nhớ bãi cát trắng thoai thoải, những lùm dứa lúp xúp, bóng em bước lên chiếc thúng chai tan dần vào ánh trăng nhợt nhạt thượng tuần trên biển, bỏ lại trên ngực áo tôi đầm đìa nước mắt.

 

               Đó là những tháng ngày ly tán. Đó là những tháng ngày bất an. Những bạn bè thuở ấy có đứa còn ở lại gác trọ trần gian, có người đã ra đi… Như Lan, như Nhuần… Tất cả như những cánh Dã Qùi vàng rực buổi tàn Thu, như những cánh Anh Đào lả tả rơi hồng trong sương sớm chớm xuân. Mỗi khi trở lại nơi này, như ngày xưa, tôi lại ngồi dưới chân Linh Sơn Tự mỗi chiều. Để nghe tiếng chuông tan vào hư không, để nghe đôi vai khe khẽ buốt lạnh, bóng tối lan dần trên hàng thông cổ thụ… Ôi! Miền sương trắng… Đêm xưa ra phố với người, giờ đây xuống phố với ngày vô vi…

 

Trần Quang Phong

Cam Ranh  4/ 2020

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Hai 20201:49 SA(Xem: 11886)
Tôi yêu cây Khế, yêu từ thuở ấu thời cho đến bây giờ vẫn mãi còn yêu. Chiều hôm qua ngang qua nhà xưa của ba mẹ ở đường Phan bội Châu trời bỗng đổ mưa to; tôi đứng đụt mưa trước hiên nhà cũ, lòng chợt chùng xuống nhớ nhung kỷ niệm của một thời xa xôi và tôi nhớ cây Khế. Đó là kỷ niệm của tôi.
13 Tháng Tám 20203:03 CH(Xem: 14975)
Mãi tới năm 2010, hơn 45 năm sau, chúng tôi mới có dịp quay lại Phú Quốc. / Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều. Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn bạc trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang. Ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa.
02 Tháng Sáu 20209:59 CH(Xem: 14906)
Ve, loài côn trùng quen thuộc với tôi từ tấm bé, nhưng vì sao lại gọi là ve sầu thì tôi không rõ lắm. Mãi sau này biết sầu, mới dần dà nhận ra (!) Ngày xưa rất xưa, thời dân làng chỉ nhận tin qua giọng loa vang vang sau tiếng cốc cốc của mỏ làng vào rạng sáng hay lúc chiều sập tối, thủa tôi còn loăng quăng bám chéo áo ngoại ra vườn, tiếng ve đã in vào trí óc non nớt của tôi rồi.
25 Tháng Ba 20209:25 CH(Xem: 16206)
Đêm đêm, nhất là những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng có những “sinh hoạt” gì đó tôi cũng chẳng biết. Và thỉnh thoảng, có những đoàn quân rất đông người với bao nhiêu là súng ống đạn dược, kéo về trong một đêm, rồi sáng sớm hôm sau họ lại lên đường. Chắc là đánh nhau ở đâu đó. Tôi nghe loáng thoáng cha mẹ tôi nói là bộ đội chủ lực gì gì đó.
23 Tháng Giêng 20201:14 SA(Xem: 17008)
Mấy hôm rày tôi không hát " ầu ơ ví dầu..." để ru cháu ngủ mà hát thật "mùi" cái bài "Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa". Cái thằng cu Ben em cu Tèo nghe êm tai nó "phê" một giấc. Bởi vì "ruột gan" của quại nó có gởi qua đó để hát mà lỵ Bây giờ già già thiệt rồi nên cứ hay nhắc câu: " Nhớ hồi xưa!!...". Mà nhớ gì nhất nào!? Chắc ai cũng như tôi. "Nhớ Tết nhất!". Đó là nỗi nhớ nồng nàn nhất trong muôn nỗi nhớ của cuộc đời.
13 Tháng Mười Hai 20198:55 CH(Xem: 15149)
Ba giờ sáng…tôi bước ra đường, những ngọn gió cuối tháng chạp như con ngựa hoang lồng lộng chạy qua các nẻo phố. Tôi lặng lẽ đi dưới hàng cây Phượng vĩ già trong rét mướt yên tĩnh đêm sâu. Có tiếng rao…Ai bánh nậm, bánh dày đây… cất lên trong khoắc khoải, một vài chiếc xe ba gác chở hàng sớm xình xịch chạy qua lầm lũi.
07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 19972)
Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.
31 Tháng Mười 20191:28 SA(Xem: 17385)
Khi tôi đi gần hết cuộc đời tôi mới nhận ra được điều kỳ diệu nhất trên đời này là tôi có Mẹ. Mẹ là ánh sao, tỏa ánh sáng dịu dàng mang cho tôi đến thế gian này. Khi tôi đi đến cuối con đường tôi chợt nhận ra rằng mẹ là người sống cạnh tôi nhiều nhất hơn hẵn tất cả những người mà tôi đã gặp ở thế gian này. Chín tháng mười ngày mẹ mang tôi tận ở trong lòng, tôi ăn ngủ, buồn vui từ mẹ chở che và chia sẻ cho tôi. Cho đến lúc chào đời, tôi cũng được nằm sát bên mẹ, mẹ lại chuyền hơi ấm, chuyền dòng sữa ngọt ngào món ăn đầu đời cho tôi đủ sức chào đón thế giới bên ngoài.
24 Tháng Mười 201912:51 SA(Xem: 16466)
Lúc đó vào khoảng 22giờ45 tối ngày 08-10-2019 tôi bỗng nghe chuông điện thoại reo.Sau đó là giọng Ngô nguyên Nghiễm.Anh báo tin nhà thơ Trần tuấn Kiệt đã mất mất lúc 5 giờ sáng. Tháng 9-2018 gia đình chuyển từ Cao lãnh về Sai gon tôi có đến thăm . Anh gầy lắm lại ho nhiều., cứ mỗi lần nói vài tiếng lại ngừng để và ho.gặp lại anh em cũ anh như khỏe hẳn lên, nói rất nhiều và cũng ho rất nhiều.Anh ở nhà thui thủi một mình. Suốt ngày ngồi trên cái ghế đồng thờicũng là "giường ngủ"...Mùng hai tết Kỉ hợi tôi lại ghé thăm . Anh rất vui. Dù sức khỏe suy giảm rất nhiều nhưng vẫn đem mấy bài thơ (khoảng bảy bài thơ dài) anh mới sáng tác đọc cho tôi nghe, vừa đọc vừa ngừng đế thở và ho. Tôi nói anh nghỉ cho đỡ mệt, nhưng anh vẫn đọc tiếp, đọc một hơi cho đến bài cuối cùng tưởng như không còn dịp để đọc nữa. Sợ anh quá mệt , tôi tìm cách giã từ anh ra về dù muốn ở lại nghe anh đọc nữa.Tôi dịnh bụng mai mốt sẽ tới thăm anh không ngờ... Sáng ngày 9-10 2019 tôi tới vĩnh biệt a
23 Tháng Tám 20198:25 CH(Xem: 16240)
Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại quyết định hôn anh khi ngồi cạnh nhau bên bờ hồ Gươm vào một đêm thu mát mẻ, ngọt ngào và lãng mạn tháng 9. Tôi sẽ không thi vị hóa nó bằng cụm từ ẩn ngữ quen thuộc của Phan An “mấy sợi tóc em bay bay, má em gần kề”, không phải vì cụm từ đó không đẹp hay vì tôi không biết nói một cách văn vẻ và mượt mà, mà vì tôi thích gọi sự việc bằng đúng tên của nó.