- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngó Vô Từ Ngoài

08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 26931)

w-hopluu97-t106_0_300x106_1Sau 30 năm lạc nhau, ở nhiều nghĩa, tôi gặp lại bạn cũ - bây giờ là một người Việt Nam không buồn không vui. Một người Việt Nam mà từ đầu đến chân toát ra sự man mác ở mọi lĩnh vực.

Đón tôi ở phi trường Sacramento, bà bạn đã ghi hình trong máy kỹ thuật số cái lúc tôi lơ ngơ bước xuống cầu thang, đang ngó quanh quất tìm băng tải hành lý và người mà tôi sẽ gặp. Đó là một người đàn bà nhỏ thó mang kính cận thị có tròng đổi màu, tóc cắt tém hơi hoe thuốc nhuộm, đội casquette không có nắp đậy hộp sọ, lái xe hybrid màu trắng. 62 tuổi, gọn nhanh vừa, ít biểu cảm. Chỉ hỏi: mệt không?

Hành khách và hành lý được chở đi một vòng tham quan thủ phủ của Cali. Đây là lần thứ nhì tôi ghé Sacramento. Mấy năm trước đã từng ngồi với Vi Tấn bên bờ Folsom Lake, lúc mùa đông vẫn còn rớt lạnh trên mặt hồ mênh mông. Lần này cỏ xanh hơn và cây cành đã lác đác lá, lấp ló những tổ chim đã có chủ. Chúng tôi ăn trưa vào lúc 2 giờ chiều ở một tiệm Tàu trên đường đi, rồi bà bạn quyết định ngoặt xe hướng thung lũng Coloma thay vì đưa tôi về nhà nghỉ ngơi sau chuyến bay dài từ San Antonio lộn ngược lên Denver trước khi tạt qua Stockton. Chỉ có 48 tiếng đồng hồ để nối lại 30 năm thất lạc, tôi không có lý do gì để nói: mệt.

Tại sao Coloma? Chắc không phải hành hương khu đào vàng của hai thế kỷ trước, nay đã biến thành nơi trưng bày và tưởng niệm. Xe hybrid bon bon từ đỉnh Citrus cua qua lũng Coloma. Dừng xe trên bờ đường cao, bà bạn chỉ tay xuống dưới thấp nơi có một ngôi nhà xoay mặt phía dốc xoãi.

Hai chục năm trước, qua trung gian một người quen của cả hai, tôi nhận được vài tấm ảnh màu của bà bạn chụp hai đứa con gái nhỏ đang cưỡi ngựa trên một nền nâu đất có rừng cây sau lưng, tấm kia - một ngôi nhà tuyết phủ trắng khung gỗ chưa lợp mái. Đó là thông tin duy nhất tôi có được về bạn kể từ tháng tư 1975. Trong thời gian mất liên lạc sau đó, tôi đâu biết không lâu sau khi định cư ở Mỹ gia đình họ đã quyết định bỏ phố chợ về sinh sống vùng hẻo lánh không điện nước, đơn giản chỉ để thực hiện lý tưởng nuôi con không TV, đồng thời để tự cởi bỏ những ràng buộc của chủ nghĩa tiêu dùng, và nhiều thứ khác nữa. Lúc nhận mấy tấm ảnh, tôi không biết gì hơn ngoài những cái nhìn thấy trong ảnh. Hoá ra họ đã trụ lại được Coloma Valley hơn hai thập niên, nuôi con theo kiểu bà mẹ của thầy Mạnh Tử, xài đèn dầu, tắm nước giếng, nuôi gia súc, thư giãn cuối tuần giữa thiên nhiên phơi phới - hoàn toàn tránh xa mọi bon chen vật chất của xã hội Mỹ. Trong khi ở Việt Nam người ta đi kinh tế mới với bộ mặt nhăn nhó vì khổ cực và bộ dạng quắt queo vì thiếu ăn, ngay giữa lòng nước Mỹ, người Việt Nam nhỏ thó là bạn tôi đã làm một chuyện tréo cẳng ngỗng. Vậy đó mà ba đứa con, một đứa trở thành kiến trúc sư - chắc do ám ảnh và kinh nghiệm xây nhà ở tuổi thiếu niên, một đứa là nhà văn - nhờ không xem TV nên có nhiều thì giờ cho việc đọc sách, và cô út, nhà sinh vật học - kết quả từ một tuổi thơ giữa hoa đồng cỏ nội.

Những đứa trẻ nay đã trưởng thành với chí hướng riêng và gia đình riêng, ngôi nhà dưới thung lũng đã được bán cho chủ khác và bạn tôi cũng đã mò về chỗ thị tứ sống trong một căn hộ nhỏ gần chỗ làm việc. Đưa tôi về chốn cũ, bà bạn muốn tôi xâu chuỗi những sự kiện đã bị đứt khúc trong 30 năm, và bản thân chắc cũng thích thỉnh thoảng có dịp ngó ngoái lại chặng đường đã đi. Dĩ nhiên tôi cũng thổ lộ về phía mình, về những năm nuôi con bằng sổ mua hàng, về cái gia đình sau ngày hòa bình có đến ba loại Việt - Việt kiều, Việt cộng, Việt ngụy, cùng những xung khắc huyết thống mang nhiều chất sĩ và không sĩ, về mẹ tôi - người có lần đòi đốt các cuống rốn của 11 đứa con, mà bà đã phơi khô để dành - hòa với nước lã cho cả lũ uống để có thể thương nhau.

Căn nhà dưới lũng đeo tôi suốt buổi chiều lang thang với bạn trọn con đường mòn 2 dặm rưỡi ở Coloma. Chúng tôi leo dốc, chụp ảnh những bờ rào xiêu vẹo, những tảng đá đầy rêu xanh, những dây chùm gửi. Vừa hào hển một cách dễ chịu trong không khí mát lạnh cuối đông, vừa bình luận lan man một vạt nắng rớt, một cụm cỏ lạc.

Tôi đánh một giấc mỏi nhừ nhưng đã đời trên cái ghế dài trong phòng khách, thỉnh thoảng có chập chờn nghe nhịp ngắt của tủ lạnh xen kẽ tiếng xe chạy xoẹt ngoài con lộ chỉ cách căn hộ vài thước. Buổi sáng thức dậy ở một chỗ lạ hoắc, bỗng ngửi thấy mùi vinacafé. Đảo mắt một vòng. Tối đêm trước về đến chỗ ở của bạn, chỉ muốn sập, không nhìn thấy gì ngoài cái bồn tắm và chỗ nằm. Tôi nhắm bớt một con mắt để định hướng, rồi ngồi bật dậy để ngó vô gian trong. Bếp. Tủ lạnh có dán ảnh cháu nội cháu ngoại, nồi cơm điện, lò vi-ba, lò nướng, các chai lọ trên kệ. Phòng ngủ. Giường cá nhân. Tất cả đều có kích cỡ nhỏ nhất. Lạng quạng nghĩ hay là trong lúc ngủ li bì có đứa nào đã khuân mình về nhà mình ở Phú Nhuận? Cũng sống đơn chiếc, tôi ngạc nhiên bắt gặp ở bạn những vật dụng, thói quen, sinh hoạt hằng ngày của chính tôi. Tập thể dục 20 phút trong khi nghe tin tức từ radio, café hiệu Vina tan nhanh, đồ ăn dư cất trong hộp nhựa bỏ tủ lạnh để hôm sau mang theo đi làm, dĩa trái cây thường trực trên bàn ăn, check mail sau 9 giờ tối và chỏng cẳng đọc linh tinh trong giường trước giờ ngủ. Con cái ở xa thỉnh thoảng í ới cho có lệ.

Như vậy có gì khác nhau giữa một người mẹ độc thân Việt Nam trong nước và một người mẹ độc thân Việt Nam đã sống ở Mỹ hơn 30 năm? Bạn tôi khen, rất vui thấy người cũ sau ngần ấy năm vẫn tồn tại, vững vàng. Bạn ơi, chẳng qua là bản năng sống còn nó níu mình lại không để cho rơi tự do. Cũng có những lúc vắt vẻo tòn teng trên một cành khô de ra từ vách đá cheo leo trên đường bay xuống vực, nhưng mà cái chết nó đẩy mình lên. Sao có nhiều người Việt Nam vẫn chảy nước giãi khao khát nhìn nước Mỹ? Tại vì xe tốt và nhà to. Tại vì làm nail cũng giàu. Tại vì tự do. Tự do để làm gì? Có người hung hãn kêu gào tự do, nhưng thử cho hắn một cục bự, hắn sẽ làm gì? Thì liếm nó như ăn cà-rem. Có tự do rồi đâu còn gì để tranh đấu hay hô hào. Không phải vậy đâu! Chứ sao nữa? Ăn thua là mình cảm thấy tự do. Á à, vậy ra tự do là một ý niệm? Ừ, đại khái là như thế. Tỉ dụ bạn đã không ra đi vào thời điểm đó, ở lại nuôi con trong vùng kinh tế mới, đúng lý tưởng giảm thiểu hóa nhu cầu vật chất? Tôi sẽ không biết làm thế nào để nuôi sống chúng nó. Hai vùng kinh tế khác nhau.

Tất nhiên chúng tôi không muốn đi xa hơn trong cuộc tranh luận, vì còn nhiều ngóc ngách phải moi móc ra. Nhưng rõ ràng bạn tôi, rốt cuộc, không buồn không vui với một kiểu sống như hiện nay, ở tuổi 62. Tôi cũng vậy, tuy trẻ hơn nửa chục. Chúng tôi đã an nhiên, dù ở nước văn minh hay chậm phát triển.

48 giờ thật quí báu và ý nghĩa. Ngày cuối, giữa bạt ngàn mưa bụi và tuyết trắng ở rừng Redwood cách thế gian 4000 feet, trông bạn tôi nhỏ xíu nhìn từ xa. Tôi đã sải hai bước chập một để đến ôm vai bạn từ sau lưng: ôi sao người rất bé mà làm việc rất to. Cười khẩy, chứ còn phía ấy thì sao? Nhỏ thôi, mọi thứ đều nhỏ. Chỉ có tự do là bự, mà thứ này thì tìm ở đâu cũng được.

Trần thị NgH.
03.2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Ba 201911:38 SA(Xem: 21024)
Mảnh giấy không đề tên người nhận, cũng chẳng ký tên người viết, song tôi thuộc tuồng chữ của Thiện, cái tuồng chữ với những phụ âm d, đ, t, th, k, kh, vân vân... đâm thẳng lên trời và cao hơn bình thường như muốn nổi loạn, và những nguyên âm thấp, cam phận, tự nén. Bên dưới hai câu thơ là dòng chữ vỏn vẹn: "Nếu không đoán được ai là tác giả của hai câu thơ trên thì sẽ không về nữa."
20 Tháng Hai 20198:42 CH(Xem: 23944)
Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách -- chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.
25 Tháng Giêng 20198:02 CH(Xem: 24925)
Từ Huế ra đến Quảng Trị mấy ngày đầu năm 2019 là những ngày ủ dột mưa. Sau bài viết: Đi tìm bức tượng Mẹ và Con, tác phẩm bị lãng quên của Mai Chửng ở Hải ngoại. VOA 07.06.2018, tôi có ước muốn trở lại thăm Nhà thờ Đức Mẹ La Vang Quận Hải Lăng Quảng Trị, nơi đã từng có một quần thể tượng nghệ thuật tôn giáo của Giáo sư điêu khắc Lê Ngọc Huệ cùng đám môn sinh trong đó có Mai Chửng với chủ đề Mười Lăm Sự Mầu Nhiệm Mân Côi. (3)
03 Tháng Giêng 201910:50 CH(Xem: 21052)
Đêm ấy, một đêm Giáng Sinh rất lạ, sau ngày giải phóng đất nước một năm.1976. Là đêm Giáng Sinh thứ ba, tính luôn cái năm tôi đi sư phạm xa nhà, tôi không còn cùng bát phố với lũ bạn ngoại đạo trong cái thành phố nhỏ nhoi yêu mến tôi đã sống; nhưng vẫn da diết nhớ Giáng Sinh với những chiếc xe hoa lấp lánh, diễn hành dưới màn mưa lạnh, quanh mấy con phố nhỏ; những cỗ xe luôn mang đến một không gian tượi mới và tràn trề hy vọng. Khi còn hy vọng, là người ta còn mơ ước. Khi còn mơ ước,là người ta còn tin yêu cuộc sống này.Và người ta luôn trông chờ điều đó.
04 Tháng Mười Hai 201811:05 CH(Xem: 22772)
Từ một vùng đất hoang vu của dân tộc thiểu số thuộc bộ tộc K'Ho hiện nay, sau khám phá của bác sĩ Yersin (tháng 6 năm 1893), người Pháp đã quy hoạch và xây dựng lên thành phố Đàlạt. Đàlạt trở thành một trung tâm du lịch và giáo dục của Đông Dương trong nửa đầu thế kỷ 20.
11 Tháng Mười 201811:48 CH(Xem: 23777)
Lễ Quốc Tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dù được tổ chức trọng thể tại cả ba nơi Sài Gòn, Hà Nội, Ninh Bình; và mặc dù nghĩa trang của ông rất lớn, nó chiếm một diện tích lên đến gần 30,000 m2, chúng ta vẫn thấy sự ra đi của ông rất mờ nhạt.
07 Tháng Mười 20189:13 SA(Xem: 23952)
Sinh ngày 6/10 Nhâm Ngọ, tức 13/11/1942, tại thôn “Me Vừng,” làng Phụng Viện thượng Hải Dương, Bình Giang, Hải Dương—nhưng trên khai sinh, đề ngày 6/0/1942—tôi có một lá tử vi khá kỳ lạ. Giáo sư Nguyễn Bỉnh Tuyên—một lãnh tụ Đại Việt Quốc Xã, thày dạy kèm chữ Pháp cho tôi trong hai năm Đệ Tam, Đệ Nhị (1957-1959)—nói tôi có số “ở tù;” nên “ở lính” có thể giải thích như ở tù. Mãi tới năm 1971, bác Phan Vọng Húc—bạn cha tôi ở Hải Dương, phụ thân nhà thơ Phan Lạc Giang Đông—mới đưa ra lời giải đoán khá chính xác: Tôi có số “Ngựa Trời,” sẽ xuất ngoại, đỗ đại khoa, và thọ tới hơn 70.
13 Tháng Chín 20189:07 CH(Xem: 23639)
Sáng nay vừa ra khỏi ngân hàng, tôi ghé vào siêu thị mua tấm thiệp sinh nhật cho ba chồng. Dòng chữ được giác bạc ngoài tấm thiệp đề "For a great Dad..." đầy yêu thương, trân trọng. Vừa lúc đó tôi nhận được điện thoại từ chị gái. Linh cảm bất ổn vì lúc đó đã 10 giờ tối ở VN. Giọng chị hớt hãi "Yến ơi, Ba đi rồi...". Trên tay tôi vẫn cầm tấm thiệp. Vài giây trước đó khi đứng chọn tấm thiệp vừa ý nhất, tôi chợt nghĩ "Vì sao mình chưa bao giờ có được may mắn tặng cho ba mình tấm thiệp nào có nội dung như vậy. Vì sao ba mình không là một người great Dad như bao nhiêu người vẫn tự hào tặng thiệp cho ba họ trong ngày sinh nhật như chồng mình vẫn làm mỗi năm?".
24 Tháng Tám 20187:38 CH(Xem: 25793)
Tôi khởi viết những trang Nhật Ký Cuối Đời này, từ đầu năm 2016, sau ngày mẹ tôi từ trần tại Los Angeles, CA, ngày 27/11 Ất Mùi, tức Thứ Tư, 6/1/2016. Mẹ sinh ngày 7/3 Mậu Ngọ [7/4/1918], tại Phụng Viện thượng, Bình Giang, Hải Dương, thọ 99 tuổi ta. Cha tôi, sinh ngày 27/3 Mậu Ngọ [27/4/1918], mất sớm, ngày 8/3 Kỷ Mùi [4/4/1979], khi mới 62 tuổi, ở Sài Gòn. Khi gia đình ly tán—tôi lưu vong ra hải ngoại, anh trai tôi bị đưa ra bắc “cải tạo”—thuật ngữ tuyên truyền xảo quyệt của những người tự nhận Cộng Sản, dù chẳng hiểu Cộng Sản là gì, và trên thực chẩt, chỉ vẹt nhái theo Trung Cộng, vì Karl Marx và Friedrich Engels không hề nói đến góp chung tài sản, mà chỉ hoang tưởng ngợi ca một xã hội nguyên thủy công hữu [communism].
17 Tháng Bảy 20182:02 CH(Xem: 22796)
Có thể nói Luật Đặc Khu và cuộc trấn áp ngày 17/6 đã biến những người dân VN bình thường trở thành những nhà hoạt động. Và đó là khởi đầu một “cuộc chiến” mới. Trong cuộc chiến này, nhà cầm quyền Hà Nội sẽ phải đương đầu với một sức mạnh mà họ thầm hiểu rằng với nó; quân đội, súng ống, xe tăng,… hỏa lực dù mạnh thế nào cũng chỉ là bùn đất!