- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Ngó Vô Từ Ngoài

08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 26917)

w-hopluu97-t106_0_300x106_1Sau 30 năm lạc nhau, ở nhiều nghĩa, tôi gặp lại bạn cũ - bây giờ là một người Việt Nam không buồn không vui. Một người Việt Nam mà từ đầu đến chân toát ra sự man mác ở mọi lĩnh vực.

Đón tôi ở phi trường Sacramento, bà bạn đã ghi hình trong máy kỹ thuật số cái lúc tôi lơ ngơ bước xuống cầu thang, đang ngó quanh quất tìm băng tải hành lý và người mà tôi sẽ gặp. Đó là một người đàn bà nhỏ thó mang kính cận thị có tròng đổi màu, tóc cắt tém hơi hoe thuốc nhuộm, đội casquette không có nắp đậy hộp sọ, lái xe hybrid màu trắng. 62 tuổi, gọn nhanh vừa, ít biểu cảm. Chỉ hỏi: mệt không?

Hành khách và hành lý được chở đi một vòng tham quan thủ phủ của Cali. Đây là lần thứ nhì tôi ghé Sacramento. Mấy năm trước đã từng ngồi với Vi Tấn bên bờ Folsom Lake, lúc mùa đông vẫn còn rớt lạnh trên mặt hồ mênh mông. Lần này cỏ xanh hơn và cây cành đã lác đác lá, lấp ló những tổ chim đã có chủ. Chúng tôi ăn trưa vào lúc 2 giờ chiều ở một tiệm Tàu trên đường đi, rồi bà bạn quyết định ngoặt xe hướng thung lũng Coloma thay vì đưa tôi về nhà nghỉ ngơi sau chuyến bay dài từ San Antonio lộn ngược lên Denver trước khi tạt qua Stockton. Chỉ có 48 tiếng đồng hồ để nối lại 30 năm thất lạc, tôi không có lý do gì để nói: mệt.

Tại sao Coloma? Chắc không phải hành hương khu đào vàng của hai thế kỷ trước, nay đã biến thành nơi trưng bày và tưởng niệm. Xe hybrid bon bon từ đỉnh Citrus cua qua lũng Coloma. Dừng xe trên bờ đường cao, bà bạn chỉ tay xuống dưới thấp nơi có một ngôi nhà xoay mặt phía dốc xoãi.

Hai chục năm trước, qua trung gian một người quen của cả hai, tôi nhận được vài tấm ảnh màu của bà bạn chụp hai đứa con gái nhỏ đang cưỡi ngựa trên một nền nâu đất có rừng cây sau lưng, tấm kia - một ngôi nhà tuyết phủ trắng khung gỗ chưa lợp mái. Đó là thông tin duy nhất tôi có được về bạn kể từ tháng tư 1975. Trong thời gian mất liên lạc sau đó, tôi đâu biết không lâu sau khi định cư ở Mỹ gia đình họ đã quyết định bỏ phố chợ về sinh sống vùng hẻo lánh không điện nước, đơn giản chỉ để thực hiện lý tưởng nuôi con không TV, đồng thời để tự cởi bỏ những ràng buộc của chủ nghĩa tiêu dùng, và nhiều thứ khác nữa. Lúc nhận mấy tấm ảnh, tôi không biết gì hơn ngoài những cái nhìn thấy trong ảnh. Hoá ra họ đã trụ lại được Coloma Valley hơn hai thập niên, nuôi con theo kiểu bà mẹ của thầy Mạnh Tử, xài đèn dầu, tắm nước giếng, nuôi gia súc, thư giãn cuối tuần giữa thiên nhiên phơi phới - hoàn toàn tránh xa mọi bon chen vật chất của xã hội Mỹ. Trong khi ở Việt Nam người ta đi kinh tế mới với bộ mặt nhăn nhó vì khổ cực và bộ dạng quắt queo vì thiếu ăn, ngay giữa lòng nước Mỹ, người Việt Nam nhỏ thó là bạn tôi đã làm một chuyện tréo cẳng ngỗng. Vậy đó mà ba đứa con, một đứa trở thành kiến trúc sư - chắc do ám ảnh và kinh nghiệm xây nhà ở tuổi thiếu niên, một đứa là nhà văn - nhờ không xem TV nên có nhiều thì giờ cho việc đọc sách, và cô út, nhà sinh vật học - kết quả từ một tuổi thơ giữa hoa đồng cỏ nội.

Những đứa trẻ nay đã trưởng thành với chí hướng riêng và gia đình riêng, ngôi nhà dưới thung lũng đã được bán cho chủ khác và bạn tôi cũng đã mò về chỗ thị tứ sống trong một căn hộ nhỏ gần chỗ làm việc. Đưa tôi về chốn cũ, bà bạn muốn tôi xâu chuỗi những sự kiện đã bị đứt khúc trong 30 năm, và bản thân chắc cũng thích thỉnh thoảng có dịp ngó ngoái lại chặng đường đã đi. Dĩ nhiên tôi cũng thổ lộ về phía mình, về những năm nuôi con bằng sổ mua hàng, về cái gia đình sau ngày hòa bình có đến ba loại Việt - Việt kiều, Việt cộng, Việt ngụy, cùng những xung khắc huyết thống mang nhiều chất sĩ và không sĩ, về mẹ tôi - người có lần đòi đốt các cuống rốn của 11 đứa con, mà bà đã phơi khô để dành - hòa với nước lã cho cả lũ uống để có thể thương nhau.

Căn nhà dưới lũng đeo tôi suốt buổi chiều lang thang với bạn trọn con đường mòn 2 dặm rưỡi ở Coloma. Chúng tôi leo dốc, chụp ảnh những bờ rào xiêu vẹo, những tảng đá đầy rêu xanh, những dây chùm gửi. Vừa hào hển một cách dễ chịu trong không khí mát lạnh cuối đông, vừa bình luận lan man một vạt nắng rớt, một cụm cỏ lạc.

Tôi đánh một giấc mỏi nhừ nhưng đã đời trên cái ghế dài trong phòng khách, thỉnh thoảng có chập chờn nghe nhịp ngắt của tủ lạnh xen kẽ tiếng xe chạy xoẹt ngoài con lộ chỉ cách căn hộ vài thước. Buổi sáng thức dậy ở một chỗ lạ hoắc, bỗng ngửi thấy mùi vinacafé. Đảo mắt một vòng. Tối đêm trước về đến chỗ ở của bạn, chỉ muốn sập, không nhìn thấy gì ngoài cái bồn tắm và chỗ nằm. Tôi nhắm bớt một con mắt để định hướng, rồi ngồi bật dậy để ngó vô gian trong. Bếp. Tủ lạnh có dán ảnh cháu nội cháu ngoại, nồi cơm điện, lò vi-ba, lò nướng, các chai lọ trên kệ. Phòng ngủ. Giường cá nhân. Tất cả đều có kích cỡ nhỏ nhất. Lạng quạng nghĩ hay là trong lúc ngủ li bì có đứa nào đã khuân mình về nhà mình ở Phú Nhuận? Cũng sống đơn chiếc, tôi ngạc nhiên bắt gặp ở bạn những vật dụng, thói quen, sinh hoạt hằng ngày của chính tôi. Tập thể dục 20 phút trong khi nghe tin tức từ radio, café hiệu Vina tan nhanh, đồ ăn dư cất trong hộp nhựa bỏ tủ lạnh để hôm sau mang theo đi làm, dĩa trái cây thường trực trên bàn ăn, check mail sau 9 giờ tối và chỏng cẳng đọc linh tinh trong giường trước giờ ngủ. Con cái ở xa thỉnh thoảng í ới cho có lệ.

Như vậy có gì khác nhau giữa một người mẹ độc thân Việt Nam trong nước và một người mẹ độc thân Việt Nam đã sống ở Mỹ hơn 30 năm? Bạn tôi khen, rất vui thấy người cũ sau ngần ấy năm vẫn tồn tại, vững vàng. Bạn ơi, chẳng qua là bản năng sống còn nó níu mình lại không để cho rơi tự do. Cũng có những lúc vắt vẻo tòn teng trên một cành khô de ra từ vách đá cheo leo trên đường bay xuống vực, nhưng mà cái chết nó đẩy mình lên. Sao có nhiều người Việt Nam vẫn chảy nước giãi khao khát nhìn nước Mỹ? Tại vì xe tốt và nhà to. Tại vì làm nail cũng giàu. Tại vì tự do. Tự do để làm gì? Có người hung hãn kêu gào tự do, nhưng thử cho hắn một cục bự, hắn sẽ làm gì? Thì liếm nó như ăn cà-rem. Có tự do rồi đâu còn gì để tranh đấu hay hô hào. Không phải vậy đâu! Chứ sao nữa? Ăn thua là mình cảm thấy tự do. Á à, vậy ra tự do là một ý niệm? Ừ, đại khái là như thế. Tỉ dụ bạn đã không ra đi vào thời điểm đó, ở lại nuôi con trong vùng kinh tế mới, đúng lý tưởng giảm thiểu hóa nhu cầu vật chất? Tôi sẽ không biết làm thế nào để nuôi sống chúng nó. Hai vùng kinh tế khác nhau.

Tất nhiên chúng tôi không muốn đi xa hơn trong cuộc tranh luận, vì còn nhiều ngóc ngách phải moi móc ra. Nhưng rõ ràng bạn tôi, rốt cuộc, không buồn không vui với một kiểu sống như hiện nay, ở tuổi 62. Tôi cũng vậy, tuy trẻ hơn nửa chục. Chúng tôi đã an nhiên, dù ở nước văn minh hay chậm phát triển.

48 giờ thật quí báu và ý nghĩa. Ngày cuối, giữa bạt ngàn mưa bụi và tuyết trắng ở rừng Redwood cách thế gian 4000 feet, trông bạn tôi nhỏ xíu nhìn từ xa. Tôi đã sải hai bước chập một để đến ôm vai bạn từ sau lưng: ôi sao người rất bé mà làm việc rất to. Cười khẩy, chứ còn phía ấy thì sao? Nhỏ thôi, mọi thứ đều nhỏ. Chỉ có tự do là bự, mà thứ này thì tìm ở đâu cũng được.

Trần thị NgH.
03.2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Mười 20216:46 CH(Xem: 10431)
Bài thơ tựa một khúc du ca trong trẻo, cất lên giữa chiều thu yên bình, giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của một miền quê Bắc Mỹ, xuyên qua một con đường quanh co rợp bóng cây mang tên “Con đường tình ta đi”- cái tên như một thứ “định mệnh” ngọt ngào đối với hai người…
05 Tháng Mười 202110:18 CH(Xem: 10405)
Cuối cùng rồi tôi cũng đã già. Cái già cũng thật thú vị. Hồi nhỏ người lớn bảo rằng tôi có tướng đi lầm lũi, đó là tướng khổ và cái tướng đó theo cả đường đời tôi đi. Tôi đi suốt từ thời thơ bé cho mãi đến tuổi 50 có lẽ thấm mệt nên tôi dần chậm bước. Tôi cho rằng đó là lúc tôi không còn trẻ nữa mà đến lúc tuổi đã thu rồi.
12 Tháng Chín 20219:32 CH(Xem: 9907)
Buổi sáng thức dậy thật sớm, tôi có những phút bình yên ngồi bên song cửa sổ lặng nhìn thành phố còn trong màn đêm yên tĩnh. Từ ngày thành phố có lệnh cách ly, khoảng trời của tôi được thu nhỏ chỉ trong khung cửa sổ này. Nhìn từ nơi xa xa tít ngoài xa là con đường cao tốc, cửa ngõ cho người đi người về lại Sài gòn, ngày trước xe lúc nào cũng nối đuôi còn bây giờ thưa thớt một vài xe trên đường. Những ngày dịch bệnh nơi ấy bớt hẵn bóng người, không còn những chuyến xe đi sớm về muộn trên đường xuôi ngược.
09 Tháng Chín 20219:44 CH(Xem: 10244)
Những ngày giãn cách này, tôi khám phá ra mình có một khả năng mới; đọc được tiếng ho! Giữa tháng 8, bẳng đi một tuần, đột nhiên tất cả âm thanh quanh tôi cùng một lúc biến mất! Không có tiếng hát karaoke, không có tiếng bước chân ngoài cửa, không có tiếng người cãi nhau lao xao dưới sân, không có cả tiếng con nít khóc cười rượt đuổi nhau ngoài hành lang… tôi như rơi vào khoảng không im lặng lạ lùng. Đó là lúc tiếng ho bắt đầu trỗi lên. Đầu tiên là tiếng ho của bác hàng xóm sát vách bên trái, âm thanh đùng đục quặn sâu từ trong phổi, rồi bục ra khỏi cuống họng từng chùm tắt nghẽn. Tiếng ho luồn từ cuối dãy hành lang, theo chiều gió lan dài, mới đầu chỉ là khúc khắc, càng về cuối càng dồn dập, khản đặc.
25 Tháng Tám 20219:16 CH(Xem: 10569)
Một năm trôi qua, nỗi sợ hãi càng thấm đẫm hơn. Sợ bệnh dịch hoàng hoành, con virus –cúm Vũ Hán thực quái ác, nó gây nỗi sợ hãi cho cả thế giới. Loài người như điêu đứng vì nó, nó gây bao tang tóc, đau thương không có bút mực nào tả xiết. Thần quyền, sợ chết. Cường quyền, sợ phạt tiền, sợ tù đày, rờ đâu cũng sợ.
17 Tháng Tám 202110:42 CH(Xem: 10373)
Tôi nhỏ xíu, tôi bé xíu. / Cũng chẳng có nghĩa những bóng lớn của Hội Họa Sĩ Trẻ đó đã che hết dáng tôi, cô học trò xinh xinh, chen chân, nhón gót xem tranh trong những chiều trốn lễ, bỏ nhà thờ… / Tôi mượt mà, tóc bay và mắt ướt, tôi thơ mộng như những thiếu nữ trong tranh. Tôi nhìn thấp thoáng chút yêu kiều, thời của những Chagall, Pissarro, Cezanne, Matisse… Và ngay cả rất xa xưa, Rembrandt.
28 Tháng Bảy 20219:48 CH(Xem: 10681)
Một buổi chiều ảm đạm, đầy sương. Hai chúng tôi ngồi nhìn biển, một màu xanh tít tắp gợi lên một nỗi niềm thăm thẳm, xa xăm. Vài chiếc lá me phai rơi đậu trên mái tóc em. Gương mặt em chiều nay buồn ảm đạm như chiều nay, đầy mây và gió lạnh. Em thẩn thờ nhìn vào góc vắng và buồn . Buồn trong đôi mắt và buồn trong cái nhìn của em. Em bảo em lạnh, anh đưa em về.
22 Tháng Bảy 20216:09 CH(Xem: 10184)
Sài gòn cách ly. Tôi chẳng được ra khỏi nhà hơn hai tháng nay từ khi cháu ngoại nghỉ học chứ không phải tới cái " Giờ thứ 25" Sài gòn đã điểm như lúc này. Nếu tôi được rong ruổi ngoài đường mà tận mắt chứng kiến Sài gòn xôn xao, lo toan, thắt thỏm mỗi ngày cho đến lúc hốt hoảng mà chạy trốn dịch như thế nào tôi sẽ viết sống động hơn, nhưng tôi chỉ ở nhà và chỉ biết tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng khi thấy các con tôi.
13 Tháng Bảy 20214:16 CH(Xem: 11197)
Saigon không chỉ của những người hàng giờ lên Facebook khoe đẹp, khoe thân, khoe của, khoe tình ái, khoe giàu… Saigon là của những người không có Facebook để khoe, chạy ăn từng bữa, sấp mặt kiếm cơm. Saigon là của công nhân nhập cư chen nhau trong dãy nhà trọ 10m vuông, là của người đẩy xe đi bán rau cải 2000 đồng 1 bó, bán kẹo kéo nhân đậu phộng, tàu hủ nước đường gừng, bán dừa xiêm 15,000 đồng 2 trái, bán bánh su kem, bán thạch dừa nhà làm…
02 Tháng Bảy 20216:21 CH(Xem: 10944)
Tuổi trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngay từ tuổi thiếu niên – tuổi học sinh trung học, lẫn lộn giữa tiếng đạn bom, chúng tôi đã nghe những bài hát, hoà cùng cuộc chiến có, chống lại cuộc chiến có. Trong những bài hát phản đối chiến cuộc, có những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.