- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỌC LẠI ĐÔI BẠN CỦA NHẤT LINH

07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 20062)

 

 DOI BAN - nhatlinh- NgCongKhanh 

   

 

Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu.  Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh.  Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.

 

Anh thích đọc truyện của Nhất Linh, vì theo nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh, trong cuốn “Chân Dung Nhất Linh”, ông thường nói tới "Những con người bị dìm sâu xuống, muốn vươn lên, và những khúc mắc của tâm hồn mỗi con người". Nhất là quyển "Đôi Bạn", anh đã đọc đi, đọc lại nhiều lần, có hình ảnh Dũng và Loan trong đó. Họ cùng hiểu nhau, cùng yêu nhau, tình yêu của họ lúc xa, lúc gần dù cho tới một buổi chiều cuối cùng chia tay trên đồi cỏ may, hai người vẫn thấy tình yêu của họ sao mà nghiêm trọng đến nổi không ai dám nói cho nhau biết. Dù Dũng biết rằng đây có thể là lần cuối, chàng có thể ngồi cạnh Loan bên bờ giếng khơi, có thể ngửi được mùi quê hương nồng ấm trong cơn gió đưa thoảng lên từ dưới cánh đồng lúa chín xa, có thể nhìn thấy những con châu chấu xanh, những con cào cào cánh xanh đỏ của thời thơ ấu bay qua trước mặt rồi lẫn vào đám cỏ xanh. Ngay cả đến Loan, nàng cũng biết rằng sắp phải xa Dũng, dù biết rằng Dũng ra đi chắc gì đã thoát được như một số bạn của chàng. Dù biết rằng, chắc gì đã có ngày gặp nhau, và ngày mai thì Dũng đã ở một nơi nào đó mà nàng chỉ có thể tưởng tượng nghe tiếng vó ngựa mơ hồ và hình ảnh Dũng bạt vào cảnh núi rừng biên giới mịt mù xa xăm...

 

Anh nhớ lại một buổi sáng, tuần trước. Anh lái xe thẳng đến một quán cà phê ở phố chợ, tìm một chổ sát khung cửa, ngồi nhìn xuống cả một vũng biển bao la. Sáng sớm quán còn vắng người. Trong cái yên lặng của mặt biển mùa thu, anh nhấm một chút cà phê và giở đoạn cuối cuốn truyện ra đọc. Anh có thói quen khi đọc những cuốn mà anh thích, anh thường đọc từng chữ và từ từ để từng ý thấm vào hồn. Trong tất cả những truyện thời đó, "Đôi Bạn" đã cho anh thấy một cái gì khác biệt hơn các tiểu thuyết thường tình. Có lẻ là một cái gì rất mơ hồ về sự áp bức và cách mạng, về sự ra đi và hành động.

Anh đọc hết trang cuối, từ từ gấp sách lại. Đầu óc anh vẫn còn theo dõi hình ảnh của Dũng và Trúc đang ngồi trong một bản thổ heo hút chờ người đến đón để hôm sau cùng vượt biên giới Hoa Việt trốn sang Tàu.

 

Anh nhìn ra ngoài trời, màn sương lạnh vẫn chưa tan trên vùng biển, rặng núi xám phía xa vẫn còn mờ ảo và chiếc phà đưa người sang đảo chỉ còn là một cái bóng nhỏ mờ lẫn trong sương . Anh nhớ đến nổi vui vô vọng của Dũng trước giờ lao vào cuộc đời gió bụi. "Có lẻ Dũng nghỉ đến cái vui sướng một ngày kia, một ngày xa xôi lắm và không chắc có còn không, lại gặp được Loan, người của quê hương cũ, người của tuổi thơ mà chàng biết không bao giờ có thể quên". Anh nghĩ đến những người thanh niên yêu nước như Dũng, như các bạn Dũng hồi đó đã phải ẩn nấp tìm đường ra hải ngoại hoạt động để mong có một ngày về lật đổ được ách gông cùm của thực dân Pháp và phong kiến. Đã bao nhiêu người đã bị bắt lại trên chặng đường biên giới đó và chắc gì Dũng đã dễ dàng thoát được...

 

Anh lại nhớ đến bộ truyện dài cuối cùng của ông "Dòng Sông Thanh Thủy", có "Ba Người Bộ Hành", có "Chi Bộ Hai Người" và có tấm lòng "Vọng Quốc" mà Nhất Linh đã viết 24 năm sau quyễn "Đôi Bạn". Ông viết về những cảnh tàn sát lẫn nhau giữa Việt Minh và Việt Quốc, họ cùng làm cách mạng lưu vong trên đất Tầu.  Có bao nhiêu chiến sỉ hải ngoại ao ước như lời Thanh nói với Ngọc: "Chúng mình về biên giới. Anh ạ, xa nước bao lâu tôi chỉ mơ ước về được tới biên giới. Nếu về nước nguy hiểm thì tôi chỉ cốt đưa bàn chân sang bên kia mốc, hoặc cúi xuống lấy tay sờ bãi cỏ của nước nhà. Chắc là bãi cỏ nước nhà sờ vào mát tay lắm và mát cả hồn nữa..."

 

Đã có bao nhiêu thanh niên đã trở về được qua cái lằn ranh đó, đến với quê hương yêu dấu mà họ đã vượt qua những năm xa trước. Hay trải qua bao nhiêu năm, nằm phục tại đất Tàu, những người thanh niên "Việt Quốc", "Việt Cách" đó trên đường về đã bị người anh em thù nghịch "Việt Minh" sát hại không nương tay. Cũng như Ngọc và Thanh đã bị họ bắn gục bên dòng sông Thanh Thủy, vùng Ma-li-pố bên Tàu, khi về tới sát quê hương. Cuộc tương tàn đó vẫn tiếp diễn không biết ngày nào mới chấm dứt.

Anh nhớ đến những người đã trở về được, trong đó có người cậu của anh, Ngô Kim Cương, một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tưởng rằng ách thực dân sụp đổ, sẽ có ngày thênh thang ra sức tô điểm sơn hà. Nhưng họ đã bị gạt ra ngoài, bắt bớ, cô lập, thủ tiêu và sau bị dồn về cố thủ tại Yên Bái. Cuối cùng họ bị vây hãm, bị sát hại tan hoang, tại chính cái chiến khu mà mấy chục năm trước, những chiến sĩ đàn anh đã khởi nghĩa lần đầu chống Pháp. Cũng chính tại nơi đó, những đàn anh của họ đã hô lên một lần cuối "Việt Nam Vạn Tuế" trước khi hồn họ, thân thể họ, vĩnh viễn hòa lẫn vào khí thiêng của sông núi.

 

Thương nhất là những người mẹ già như bà ngoại của anh, bà mong nhớ người con trai duy nhất từng ngày , từ khi con lẩn lút ra đi, đến lúc vừa được tin con trở về, thì lại có tin con bị bắt trong ngày Tổng Khởi Nghĩa Tháng Tám của Việt Minh. Anh nhớ đến bà ngoại anh, sau ngày Yên Bái thất thủ lần cuối, vẫn hy vọng con mình còn sống. Suốt mấy chục năm sau, mỗi lần gặp được các người bạn của con, đều đưa ra tấm hình cậu Cương hồi còn đi học trường Bưởi chụp chung với cả lớp để họ nhận diện. Họ đều chỉ đúng, nhưng sống chết thì họ không thể biết. Nếu cậu không bị sát hại trong chiến khu, thì cũng khó thoát khỏi cái màn lưới bao la hiểm nghèo của rừng núi Bắc Việt, và nếu có thoát được cùng với một số anh em thì chắc chỉ còn cách trốn lại sang Tàu. Không hiểu sao, chính anh cũng tin tưởng cậu anh vẫn còn sống. Ngay cả đến khi đã trưởng thành, đôi lần có dịp đi công cán tại Đài Bắc, anh đều cố dò hỏi, tìm đến những người "Việt Quốc "cuối cùng . Họ cũng đều trả lời như trên.  Anh nhìn những người chiến sĩ già đó; họ lặng lẽ, âm thầm sống một cuộc đời lưu vong. Tự nhiên anh nhớ lại nỗi vui được trở về của họ ngày trước, chắc cũng chẳng khác gì nổi vui của Dũng trước giờ ra đi, lao vào cách mạng: "Một ngày kia, một ngày xa xôi lắm và không chắc có còn không, lại gặp được Loan, người của quê hương cũ, người của tuổi thơ mà chàng biết không bao giờ có thể quên", thì ngày đó chắc chẳng bao giờ còn nữa...

 

Cho dù cậu anh có còn sống, như một số người khác, trong cái tuổi già thấm mệt, chắc thế nào cũng có lúc nhìn lại quãng đời của mình, quãng đời của các đồng chí mình trong cuộc tương tàn Quốc Cộng. Họ chắc cũng chẳng khỏi ngậm ngùi vì những thất bại chua cay: 1945, mất dịp cầm quyền. 1954, mất nửa đất nước. 1975, lại thấy những người em của mình, những người con của mình đã làm mất nửa phần đất cuối cùng, lại bắt đầu một cuộc ra đi vượt biên khác, không biết đến ngày nào mới có dịp trở về...         

Anh có dịp đọc được nhiều bản phản tỉnh của người quốc gia phân tích những thất bại, không phải chỉ thất bại với những kẻ thù nghịch mà thất bại ngay chính cả với những người anh em cùng chiến tuyến.

 

Trong cuốn "Chân Dung Nhất Linh", Nhật Thịnh đã viết về con người lý tưởng của anh, viết về một lãnh tụ Việt Quốc nòng cốt và cái chết của ông: "Ông hoạt động chính trị nhưng lập trường vẫn không "rõ rệt". Hoàng Đạo chết, ông ngưng làm chính trị, đang chơi lan, viết sách ở Đà Lạt lại nhẩy về Saigon làm đảo chính, thất bại bị xử án, lại uống thuốc độc tự tử. Ông làm chính trị mà không xóa hẳn được cái bản chất lãng mạn của một nhà văn. Ông nhiều lúc đã để cho tình cảm chi phối lý trí. Bởi vậy, dù đứng ở địa vị lảnh tụ nhưng ông đã thiếu những đức tính của một nhà lảnh tụ và vai trò chính trị của ông đã làm rắc rối cuộc đời văn chương của ông . Sự thật, ông chọn sự siêu thoát là ông đã chọn cái thái độ của người quân tử: Làm điều phải, thủ tiết. Gặp lúc phải chết thì chết. Chết sao cho đúng lúc. Có thể nói, ông đã thành công trong cái chết. Nếu ông sống, ông không tiếp tục tranh đấu, chỉ giữ một thái độ tiêu cực, ông sẽ chết già, cái chết đó sẽ không ai nói tới. Đằng nầy ông chết lúc mọi người còn đặt vào ông ở nhiều tin tưởng, cái chết của ông đã không khác nào một giò lan rụng xuống mà hương thơm còn phảng phất, làm mọi người phải nuối tiếc."

 

Anh lại nhớ đến bộ truyện dài "Dòng Sông Thanh Thủy",  trong đó có Ngọc, người liên lạc viên Việt quốc, sau khi kể lại đời lưu lạc của mình cho Thanh, người mình yêu đã bị Thanh phê bình: "Anh thì làm cách mạng theo lối tài tử, như một nghệ sĩ...". Không hiểu lúc viết ra câu đó, ông có nghĩ đã dùng Thanh để nói ra câu đó cốt ám chỉ cho tất cả các đảng viên của ông hay cho cả chính ông, một nhà văn lãng mạn làm chính trị nữa hay không. Lúc Ngọc và Thanh đều bị thương, lần này, ông không nỡ để tình yêu của họ xa xa gần gần như những truyện ông viết ngày xưa nữa, trong giây phút đó ông đã để họ bộc lộ và nói những lời yêu thương thắm thiết.

 

Tự nhiên anh muốn ngừng suy nghĩ, muốn mình ngừng lại, không muốn bị quá khứ ám ảnh. Anh châm thuốc hút, nhìn những sợi khói dài dần dần tan loãng trong phòng. Tự nhiên anh thấy lại bao nhiêu cuộc đời đã hy sinh, bao nhiêu "nội lực", bao nhiêu "vũ khí" mình có trong đầu, mình có trong tay đã bị tiêu hao dần lúc nào không hay! Bao nhiêu thanh niên yêu nước bị sát hại vì cảnh tương tàn trong thời kỳ cách mạng còn trong bóng tối.  Bao nhiêu công lao trong mười năm dài kháng chiến chống Pháp đã chuyễn sang tay người Cộng sản. Một triệu tấm lòng của người dân Bắc Việt di cư khi đất  chia đôi, cộng với nhiệt tình yêu nước của dân miền Nam cũng đã không giúp nổi nền Đệ Nhất Cộng Hòa kéo dài được tới mười năm. Những lảnh tụ quốc gia vẫn bị giam hãm, tù đầy vì nạn độc quyền lãnh đạo và đã đưa đất nước vào cảnh rối bù cho đến khi sụp đổ.

 

Nhìn ra cả thế giới, sau thế chiến thứ hai một số quốc gia bị chia đôi cho Quốc và Cộng: Đức, Đại Hàn và cả Việt Nam, tất cả cả các phần đất phía Tự Do đều cường thịnh và phát triễn vượt hẳn các phần đất trong tay Cộng Sản, thì  Việt Nam lại mất vào tay Cộng Sản trước nhất. Bây giờ với triệu người rời nước ra đi ai cũng mang một mẫu số chung lớn trong lòng: mong một ngày có dịp trở về khi thấy đất nước được tự do, bình đẳng  và đồng thời làm rạng danh Việt Nam trên miền đất mới.

 

                                                                                   *

 

Riêng anh, sau này khi nghĩ đến Nhất Linh, đã  tiếc là  không có dịp đọc tiếp bộ trường thiên “Xóm Cầu Mới”. Bộ này, ông dự định viết hai ngàn trang, mà ông mới hoàn thành chưa được một nửa. Không hiểu các mối tình của Mùi và Siêu, của Bé  và Đỗi,  mà ông vẫn để tình yêu của họ xa xa gần gần như thuở nào, không hiểu sau này sẽ ra sao? Những nhân vật như ông Năm Bụng bán rượu, ông Giáo Đông bắt ruồi, Bác Hòa hàng cơm, cậu ấm Hải  đi bắn vịt trời,  nhà Mẹ Lê nghèo đói.... ở cái xóm đó có còn cái cảnh Bèo Giạt nữa hay không?

 

 

NGUYỄN CÔNG KHANH

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Hai 20209:35 CH(Xem: 11883)
Mùa gió! gió nhiều hơn bình thường, thậm chí nếu nàng không đứng vững, gió có thể làm nàng ngã, giờ thì một cơn gió cũng có thể làm nàng ngã… / Buổi sáng! Nàng nghe thấy tiếng gió tạt vào khung cửa, thi thoảng có tiếng rít của lá cây rừng, tuyệt nhiên không có một tiếng chim, nàng nghĩ “giá mà có một tiếng chim, nàng sẽ đáp lời nó”. Cuối cùng thì không có tiếng chim nào ngoài tiếng rít của gió… nàng co hai chân sát tận ngực, chắc giờ này anh đang bắt đầu chuyến hành trình của mình!
23 Tháng Mười Hai 20201:49 SA(Xem: 11966)
Tôi yêu cây Khế, yêu từ thuở ấu thời cho đến bây giờ vẫn mãi còn yêu. Chiều hôm qua ngang qua nhà xưa của ba mẹ ở đường Phan bội Châu trời bỗng đổ mưa to; tôi đứng đụt mưa trước hiên nhà cũ, lòng chợt chùng xuống nhớ nhung kỷ niệm của một thời xa xôi và tôi nhớ cây Khế. Đó là kỷ niệm của tôi.
13 Tháng Tám 20203:03 CH(Xem: 15223)
Mãi tới năm 2010, hơn 45 năm sau, chúng tôi mới có dịp quay lại Phú Quốc. / Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều. Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn bạc trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang. Ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa.
02 Tháng Sáu 20209:59 CH(Xem: 15001)
Ve, loài côn trùng quen thuộc với tôi từ tấm bé, nhưng vì sao lại gọi là ve sầu thì tôi không rõ lắm. Mãi sau này biết sầu, mới dần dà nhận ra (!) Ngày xưa rất xưa, thời dân làng chỉ nhận tin qua giọng loa vang vang sau tiếng cốc cốc của mỏ làng vào rạng sáng hay lúc chiều sập tối, thủa tôi còn loăng quăng bám chéo áo ngoại ra vườn, tiếng ve đã in vào trí óc non nớt của tôi rồi.
17 Tháng Năm 20208:17 CH(Xem: 6650)
Những cơn mưa chiều hiu hiu nhẹ giăng ngang qua thành phố, hàng cây Anh Đào trụi lá khẳng khiu, chúng tôi như thường ngày đội mưa xuống phố. Nhuần lúp xúp chạy…Được mấy ly cà phê…Hiệp cười trong bụi mưa… Bốn thằng ba ly, tốt chán… Bửu vỗ bình bịch vào ngực…Một bịch thuốc rê đây này…Tôi lặng lẽ đi theo các bạn mình và vu vơ thầm đếm bước chân… Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em… Ở đây buồn quá, thành phố hiền hòa và nhỏ nhắn như bàn tay, chúng tôi thường rủ nhau lang thang qua các nẻo đường trước khi đến quán cà phê.
25 Tháng Ba 20209:25 CH(Xem: 16433)
Đêm đêm, nhất là những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng có những “sinh hoạt” gì đó tôi cũng chẳng biết. Và thỉnh thoảng, có những đoàn quân rất đông người với bao nhiêu là súng ống đạn dược, kéo về trong một đêm, rồi sáng sớm hôm sau họ lại lên đường. Chắc là đánh nhau ở đâu đó. Tôi nghe loáng thoáng cha mẹ tôi nói là bộ đội chủ lực gì gì đó.
23 Tháng Giêng 20201:14 SA(Xem: 17103)
Mấy hôm rày tôi không hát " ầu ơ ví dầu..." để ru cháu ngủ mà hát thật "mùi" cái bài "Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa". Cái thằng cu Ben em cu Tèo nghe êm tai nó "phê" một giấc. Bởi vì "ruột gan" của quại nó có gởi qua đó để hát mà lỵ Bây giờ già già thiệt rồi nên cứ hay nhắc câu: " Nhớ hồi xưa!!...". Mà nhớ gì nhất nào!? Chắc ai cũng như tôi. "Nhớ Tết nhất!". Đó là nỗi nhớ nồng nàn nhất trong muôn nỗi nhớ của cuộc đời.
13 Tháng Mười Hai 20198:55 CH(Xem: 15307)
Ba giờ sáng…tôi bước ra đường, những ngọn gió cuối tháng chạp như con ngựa hoang lồng lộng chạy qua các nẻo phố. Tôi lặng lẽ đi dưới hàng cây Phượng vĩ già trong rét mướt yên tĩnh đêm sâu. Có tiếng rao…Ai bánh nậm, bánh dày đây… cất lên trong khoắc khoải, một vài chiếc xe ba gác chở hàng sớm xình xịch chạy qua lầm lũi.
31 Tháng Mười 20191:28 SA(Xem: 17469)
Khi tôi đi gần hết cuộc đời tôi mới nhận ra được điều kỳ diệu nhất trên đời này là tôi có Mẹ. Mẹ là ánh sao, tỏa ánh sáng dịu dàng mang cho tôi đến thế gian này. Khi tôi đi đến cuối con đường tôi chợt nhận ra rằng mẹ là người sống cạnh tôi nhiều nhất hơn hẵn tất cả những người mà tôi đã gặp ở thế gian này. Chín tháng mười ngày mẹ mang tôi tận ở trong lòng, tôi ăn ngủ, buồn vui từ mẹ chở che và chia sẻ cho tôi. Cho đến lúc chào đời, tôi cũng được nằm sát bên mẹ, mẹ lại chuyền hơi ấm, chuyền dòng sữa ngọt ngào món ăn đầu đời cho tôi đủ sức chào đón thế giới bên ngoài.
24 Tháng Mười 201912:51 SA(Xem: 16547)
Lúc đó vào khoảng 22giờ45 tối ngày 08-10-2019 tôi bỗng nghe chuông điện thoại reo.Sau đó là giọng Ngô nguyên Nghiễm.Anh báo tin nhà thơ Trần tuấn Kiệt đã mất mất lúc 5 giờ sáng. Tháng 9-2018 gia đình chuyển từ Cao lãnh về Sai gon tôi có đến thăm . Anh gầy lắm lại ho nhiều., cứ mỗi lần nói vài tiếng lại ngừng để và ho.gặp lại anh em cũ anh như khỏe hẳn lên, nói rất nhiều và cũng ho rất nhiều.Anh ở nhà thui thủi một mình. Suốt ngày ngồi trên cái ghế đồng thờicũng là "giường ngủ"...Mùng hai tết Kỉ hợi tôi lại ghé thăm . Anh rất vui. Dù sức khỏe suy giảm rất nhiều nhưng vẫn đem mấy bài thơ (khoảng bảy bài thơ dài) anh mới sáng tác đọc cho tôi nghe, vừa đọc vừa ngừng đế thở và ho. Tôi nói anh nghỉ cho đỡ mệt, nhưng anh vẫn đọc tiếp, đọc một hơi cho đến bài cuối cùng tưởng như không còn dịp để đọc nữa. Sợ anh quá mệt , tôi tìm cách giã từ anh ra về dù muốn ở lại nghe anh đọc nữa.Tôi dịnh bụng mai mốt sẽ tới thăm anh không ngờ... Sáng ngày 9-10 2019 tôi tới vĩnh biệt a