- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

" Marguerite Duras Đã Cư Ngụ Nơi Đây..."

20 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 28390)

the-lover-duras_0_195x300_1Trên đường dẫn tôi đi thăm Honfleur, một thành phố hải cảng trong vùng Normandy còn giữ được nhiều kiến trúc từ thời Trung cổ vô cùng bắt mắt đối với một người yêu kiến trúc và ham chụp hình như tôi, cô bạn Thế Dung đã dành cho tôi một ngạc nhiên thú vị khi dừng xe lại trước một toà nhà năm tầng bằng gạch ngó ra biển Đại Tây Dương, trong vùng Trouville-sur-Mer, giục tôi xuống xem.

Toà nhà trông cũng giống như nhiều ngôi nhà tôi đã thấy quanh đó -- kiến trúc kiên cố song vẫn giữ được nét duyên dáng, bảo trì kỹ lưỡng. Chỉ khác một điều: trên cái cột bên phải nơi cổng ra vào khép kín có một tấm biển bằng đá mầu hồng với những chấm đen, trên ghi:

Ancien Hôtel des Roches Noires
Marguerite Duras a résidé ici
de longues periodes entre 1963 et 1996
"Regarder la mer c’est regarder le tout"

 

Bên tay mặt của toà nhà là những nấc thang dẫn xuống bãi biển, với một tấm biển đề, "Escalier Marguerite Dugas 1914-1996". Tôi không khỏi bồi hồi.

Marguerite Duras là một trong những tác giả mà tôi yêu thích. Yêu vì tài văn chương, khả năng điện ảnh và sức sáng tác vô cùng phong phú của bà. Song, một cách thiên vị, tôi cũng còn mến bà ở chỗ bà đã tạo nên ba tác phẩm đặt bối cảnh là Nam Việt Nam, tức Nam Kỳ thời còn là thuộc địa Pháp, và là ba tác phẩm quan trọng nhất vì chúng là nền tảng của thân thế và sự nghiệp của bà.

 Đó là cuốn tiểu thuyết "Un barrage contre le Pacific" (1950), bản dịch Anh ngữ là "The Sea Wall"; cuốn "L’Amant" (1984), bản dịch Anh ngữ là "The Lover"; và cuốn "L’Amant de la Chine du Nord" (1991), bản dịch Anh ngữ là "The North China Lover". Hai cuốn đầu, "Un barrage contre la Pacific" và "L’Amant", đã được dựng thành phim. Riêng cuốn "Un barrage" được dựng thành phim tới hai lần, lần đầu vào năm 1957, tựa là "This Angry Age", do Rene Clement đạo diễn và tài tử Anthony Perkins đóng một trong các vai chính; và mới năm ngoái, 2008, "Un barrage" được dàn dựng lại dưới tựa cùng tên với sách, do nhà làm phim tài liệu người Pháp gốc Miên Rithy Panh đạo diễn, quay tại Prey Nup, Cambodia.

Marguerite Duras ra đời ngày 4 tháng 4, 1914, dưới tên Marguerite Donnadieu, tại Gia Định, Sàigòn, là con gái duy nhất và út trong ba người con. Duras, mà bà chọn làm bút hiệu, là tên một làng nhỏ ở miền nam nước Pháp, nơi cha bà làm chủ một ngôi nhà. Cha mẹ của bà, Henri và Marie Donnadieu, là giáo sư toán và Pháp văn, sang Đông Dương dậy học cho chính quyền thuộc địa. Năm cô bé Marguerite lên 4 tuổi, ông bị bệnh nặng, phải đưa về Pháp điều trị, và chết tại đó. Bốn mẹ con bà Donnadieu sau đó trở lại Việt Nam sống và lâm vào cảnh nghèo khó vì bao nhiều tiền để dành bà giáo Marie đã đổ vào miếng đất ven Vịnh Thái Lan thuê lại của chính quyền thuộc địa, một phần để xây bức tường (nhiều lần) ngăn nước biển tràn vào đất trồng trọt, phần khác để kiện tụng các viên chức thuộc địa đã lừa gạt bà.

Những chi tiết của quãng đời này đã được Duras mô tả cùng với các nhân vật được xây dựng tài tình trong cuốn tiểu thuyết "Un barrage contre le Pacific" (Sea Wall), cuốn tiểu thuyết đã chính thức đưa tên tuổi bà lên tại Pháp và tại những quốc gia cựu thuộc địa của Pháp, trong đó có Việt Nam, và mở đầu cho một chuỗi những sáng tác quan trọng khác, nổi bất nhất là "Hiroshima Mon Amour" (1959). "Hiroshima", về mối tình giữa một phụ nữ Pháp và một người đàn ông Nhật, do bà viết truyện phim và Alain Renais đạo diễn, đã đưa tên tuổi bà lên văn đàn quốc tế.

Sau vụ khẩn hoang thất bại, bà Donnadieu đem các con về Sadec sống bằng nghề dậy học. Trường là một ngôi biệt thự kiểu thuộc địa hiện vẫn tồn tại, vẫn được dùng làm trường học, đứng cũ kỹ ở góc đường Hồ Xuân Hương và Hùng Vương, do một số ký gỉả Tây phương tìm ra trước sự vô tình thờ ơ của người địa phương, cũng như họ không hiểu tại sao mấy ông bà ngoại quốc này lại để ý tới tòa nhà chả có gì đặc biệt đó. Gia đình bà giáo Marie sống ở ngôi nhà nhỏ nằm phía sau ngôi biệt thự được dùng làm trường học. Cô bé Marguerite lớn lên tại đây, nói thông thạo tiếng Việt, và là một cô gái da trắng duy nhất sống trà trộn, nhưng không hòa đồng, với người Việt bản xứ, chung đụng vớí họ trên các chuyến phà và xe buýt, cho đến khi xong trung học thì được mẹ gửi về Pháp theo học đại học bằng tiền dành giụm của bà.

Cũng trong thời kỳ này, cô thiếu nữ Marguerite, trong những chuyến từ Sàigòn, nơi cô học nội trú, về Sadec thăm nhà, quen với một thanh niên người Tầu hơn cô trên 10 tuổi, con của một điền chủ giầu có trong vùng. Họ trở thành tình nhân, tạo nên một sì-căng-đan hồi ấy ở cả Sàigòn lẫn Sadec. Cô thiếu nữ Marguerite được mẹ khuyến khích quyến rũ anh chàng người Tầu giầu có để moi của, làm người đã đọc hay xem phim "Un barrage contre le Pacific" liên tưởng đến cũng một bà mẹ, cay đắng vì thất bại, cũng đã từng thúc đẩy con gái quyến rũ một người đàn ông giầu có để moi của. Cuộc tình đầy đam mê, sôi nổi và không dẫn tới đâu này giữa Marguerite và người thanh niên Tầu là nền tảng của cuốn tiểu thuyết L’Amant (The Lover), xuất bản năm 1984, đã đem về cho Duras giải Goncourt, được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ, được quay thành phim năm 1992, do Jean-Jaques Anneaud đạo diễn với nhiều cảnh quay ngay tại Sadec, và đã được đón tiếp nồng nhiệt.

Người mẹ trong cả hai cuốn tiểu thuyết "Un barrage contre le Pacific" và "L’Amant" đã được Duras mô tả như một người nhiều bất mãn, cay đắng, chua chát trước số phận không may của mình -- một người đàn bà da trắng, có học song đời sống vật chất còn thua xa cả nhiều người dân thuộc địa --, song cũng là một người đầy nghị lực, ngoan cố, không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, kể cả thiên tai. Trong "Un barrage", bà không những chỉ xây bức tường để ngăn nước biển tràn vào ruộng một lần, mà nhiều lần, tới khi kiệt quệ tiền bạc. Cũng chính cá tính ấy, đặc biệt là sự bất khuất và thái độ thách thức, đã ảnh hưởng sâu xa tới con người và đời sống của Duras sau này.

Điển hình hơn cả là vào đầu thập niên 1980, khi bà đã xấp xỉ 70 tuổi, gan thận đã nát bấy vì bệnh nghiện rượu, trong khi mọi người nghĩ bà đã hết, thì bà trỗi dậy, như người gần chết sống lại, cho ra đời cuốn tiểu thuyểt "L’Amant", một thứ tiểu thuyết hồi ký về tuổi mới lớn của bà ở vùng đồng bằng song Cửu Long, được giải Goncourt, trở thành best-seller và đã được dịch ra trên 40 thứ tiếng với số bán cả triệu ấn bản.

Chưa hết, khi cuốn truyện được dựng thành phim vào năm 1992 và cũng thành công không kém, nhưng Duras không hài lòng với cuốn phim. Bà bèn ngồi xuống, ở tuổi gần 80, viết một cuốn truyện khác để "nói lại cho rõ", kể cả việc dùng những trích đọan của cuốn "L’Amant" trong cuốn sau này. Đúng ra thì bà không tự tay viết, mà là đọc cho người bạn đường Yann Andréa, trẻ hơn bà tới cả 40 tuổi, ghi và đánh máy lại vì bà bị hư cánh tay mặt, tại Ancien Hotel des Roches Noires ở Trouville, nơi tôi đã có dịp ghé qua chụp hình. Cuốn tiểu thuyết mang tựa đề "L’Amant de la Chine du Nord" ("The North China Love") cũng đã được đón nhận nồng nhiệt, mặc dù những bình phẩm bất lợi, cho là bà đã lợi dụng sự thành công của cuốn phim. Đến cả chủ bút Jérôme Lindon của nhà xuất bản Minuit, là nhà xuất bản đã in cuốn "L’Amant", cho rằng bà đã sai lầm khi viết một ấn bản khác của cùng một câu chuyện.

Duras không quan tâm tới những bình phẩm. Bà là một mẫu người cực đoan, tự tin tới độ ngoan cố, nhiều định kiến, bất chấp dư luận và nguyên tắc, kể cả những nguyên tắc của một nghề nghiệp, song hùng biện và quyến rũ. Bà thích nghe người ta tán thưởng bà, theo nhà phê bình Edmund White (1940-), người đã từng tiếp xúc với bà ở Paris. Edmund đã mô tả bà như "một người tự kỷ ám thị và thường xuyên nói về mình", rằng bà "yêu bà, trích dẫn chính mình, bà hồ hởi, như một đứa trẻ, đọc những gì bà viết và xem những phim cũ của bà, những cuốn phim mà bà cho tất cả đều tuyệt vời." (*)

Như thể cô bé Marguerite ương ngạnh, phục sức lố lăng, bất cần đời trên những chuyến phà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dạo nào vẫn không chịu lớn, mặc dù cái thân xác chứa đựng cô đang héo úa, tàn tạ. Có lẽ vì thế mà bà đã không ngần ngại bước sang những lãnh vực khác, như viết kịch, truyện phim và đạo diễn điện ảnh, với cùng một niềm tự tin như với văn chương, và gặt hái phần nào thành công. Bà cũng đã thử nghiệm với vài thể văn chương mới, như trong "L’Amant", với lối viết rất đơn giản, như loại tranh thủy mạc đơn sơ, ít chi tiết, hoặc như một sơ lược chi tiết của một truyện phim (scenario), khác hẳn với thể loại truyền thống của "Un barrage contre le Pacific". Cũng có một dạo bà nhúng tay vào tường thuật báo chí, nhưng vì đầy định kiến, bị nhiều người không tán thành. 

Rồi ở tuổi 66, Duras gặp Yann Andréa Steiner, lúc ấy là một thanh niên mới chớm 20, thuộc giới đồng tính luyến ái và là người mến mộ bà (fan), và nhận anh ta làm người bạn đường suốt quãng đời còn lại. Cũng chính nhờ Andréa, đặc biệt là tình yêu và sự tận tụy của anh ta, mà mặc dù đã bị liệt cánh tay mặt và đi lại khó khăn, Duras vẫn sáng tác bằng cách đọc cho Andréa chép rồi đánh máy lại. Đã hẳn Andréa, vì lòng mến mộ văn chương bà, có lẽ đã khích lệ bà rất nhiều. Chính Duras nhìn nhận cuốn "M.D." (1983) Andréa viết về bà đã gợi hứng cho bà viết "L’Amant".

Cuộc hành trình 16 năm của Andréa với Duras đã được đạo diễn Josée Dayan dựng lại trong phim "Cet amour-là" (2001), nói tiếng Pháp với phụ đề Anh ngữ, với Andréa đóng góp phần đối thoại. Phim do nữ tài tử Jeanne Moreau thủ vai Marguerite Duras và Aymeric Demarigny, một diễn viên mới vào nghề, đóng vai Andréa. Sự "hợp tác văn chương" khá đặc biệt này đã được James S. Williams khai thác trong bài "A Beast of a Closet: The Sexual Differences of Literary Collaboration in the Work of Marguerite Duras and Yann Andréa". (**)

Dù Duras lập đi lập lại cùng một câu chuyện, với bấy nhiêu nhân vật -- người mẹ cay đắng nhưng bất khuất/ngoan cố, người anh trai vô dụng, người tình đầu đời khác chủng tộc lúc xấu xí (khi người mẹ bắt con gái quyến rũ để moi của), khi đẹp trai, sang trọng và ngoài tầm tay với (khi Duras về già nhìn lại mối tình đầu) -- qua hết cuốn này này tới cuốn khác, kể cả hồi ký, tùy bút, độc giả hình như vẫn chưa thấy đủ. Họ vẫn yêu và tìm đọc bà, vì họ đã "phải lòng" bà, như tựa bài biên khảo rất sâu sắc về con người và sự nghiệp của Marguerite Duras của Edmund White, "In Love with Duras". (*)

Trước sau, Duras đã để lại cho nền văn học Pháp và những nguời yêu mến bà, dù có thể chỉ qua vài tác phẩm quan trọng của bà, một sư nghiệp đồ sộ: Trên 40 tác phẩm vừa tiểu thuyết vừa kịch bản, truyện phim, hồi ký, và khoảng 20 cuốn phim ngắn và dài do chính bà đạo diễn. (***) 

Tên tuổi và sự nghiệp đồ sộ như vậy, khi chết, được chôn ở Nghĩa Trang Montparnass, Quận 14, Paris, mộ bia của Duras chỉ khắc vỏn vẹn hai chữ "M.D."

Ghi chú:

(*) Edmund White, "In Love with Duras", The New York Review, June 26, 2008, http://www.nybooks.com/articles/21556.

(**) James S. Williams, "A Beast of a Closet: The Sexual Differences of Literary Collaboration in the Work of Marguerite Duras and Yann Andréa", Vol. 87, No. 3 (Jul., 1992), pp. 576-584, (article consists of 9 pages), The Modern Language Review, published by: Modern Humanities Research Association, http://www.jstor.org/stable/3732921

(***) Thư mục của Marguerite Duras, http://en.wikipedia.org/wiki/Marguerite_Duras.

Hình ảnh và chú thích:

blank

Hình cực trái, cô thiểu nữ Marguerite Donnadieu, chụp tại Đông Dương. Hình giữa, với mẹ, Marie Donnieu, tại Pháp, 1932. Hình cực phải, không rõ năm. (Ảnh Internet)

blank

 

Hình cực trái, Ancien Hôtel des Roches Noires mặt hướng ra biển Đại Tây Duưong, được xây cất vào năm 1866, nay là di sản văn hóa quốc gia Pháp. Toà nhà từ năm 1959 không còn là khách sạn nữa mà được bán cho dân, như condominium, để ở. Marguerite Duras đã mua một căn vào năm 1963 và cư ngụ tại đây tới khi bà mất vào năm 1996. Hình giữa là phòng làm việc của Duras. Hình phải, ngôi mộ của Marguerite Duras, với chữ "M.D." đơn giản, tại Nghĩa trang Montparnasse, Quận 14, Paris. (Ảnh Internet)

blank

Hinh bên trái, một góc của toà nhà Ancien Hôtel des Roches Noires, 89 rue de General-Leclerc, Trouville-sur-Mer. Được xây cất vào năm 1886, tòa nhà này nay là một di sản văn hóa quốc gia Pháp. Marguerite Duras đã lui tới nơi đây thường xuyên để sáng tác, từ năm 1963 tới khi bà mất vào năm 1996, và đã dùng nơi đây làm bối cảnh cho ba cuốn phim của bà. Phía tay mặt trong hình là một tấm bảng dựng bên cạnh cầu thang dẫn xuống bãi biển, trên đề "Escalier Marguerite Duras 1914-1996". Hình bên phải, tấm biển bằng đá gắn trên một cái cột bên cổng ra vào, trên có hàng chữ, "Khách sạn cổ kính Roches Noires / Marguerite Duras đã cư ngụ ở đây trong nhiều thời kỳ dài giữa 1963 và 1996 / ‘Thấy biển là thấy tất cả’." (Ảnh Trùng Dương, 06/2009)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Hai 20209:35 CH(Xem: 11883)
Mùa gió! gió nhiều hơn bình thường, thậm chí nếu nàng không đứng vững, gió có thể làm nàng ngã, giờ thì một cơn gió cũng có thể làm nàng ngã… / Buổi sáng! Nàng nghe thấy tiếng gió tạt vào khung cửa, thi thoảng có tiếng rít của lá cây rừng, tuyệt nhiên không có một tiếng chim, nàng nghĩ “giá mà có một tiếng chim, nàng sẽ đáp lời nó”. Cuối cùng thì không có tiếng chim nào ngoài tiếng rít của gió… nàng co hai chân sát tận ngực, chắc giờ này anh đang bắt đầu chuyến hành trình của mình!
23 Tháng Mười Hai 20201:49 SA(Xem: 11966)
Tôi yêu cây Khế, yêu từ thuở ấu thời cho đến bây giờ vẫn mãi còn yêu. Chiều hôm qua ngang qua nhà xưa của ba mẹ ở đường Phan bội Châu trời bỗng đổ mưa to; tôi đứng đụt mưa trước hiên nhà cũ, lòng chợt chùng xuống nhớ nhung kỷ niệm của một thời xa xôi và tôi nhớ cây Khế. Đó là kỷ niệm của tôi.
13 Tháng Tám 20203:03 CH(Xem: 15223)
Mãi tới năm 2010, hơn 45 năm sau, chúng tôi mới có dịp quay lại Phú Quốc. / Chuyến bay hôm đó, ngồi trong một máy bay cánh quạt của Nga, gần giống như máy bay DC3 thời xưa của Air Vietnam, nhưng xập xệ hơn nhiều. Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn rực rỡ, những đám mây vẫn bạc trắng tinh. Phía dưới những thị trấn nhỏ mới mọc lên bên các nhánh Cửu Long Giang. Ruộng đồng xanh mát không còn những hố bom đạn loang lổ như ngày xưa.
02 Tháng Sáu 20209:59 CH(Xem: 15001)
Ve, loài côn trùng quen thuộc với tôi từ tấm bé, nhưng vì sao lại gọi là ve sầu thì tôi không rõ lắm. Mãi sau này biết sầu, mới dần dà nhận ra (!) Ngày xưa rất xưa, thời dân làng chỉ nhận tin qua giọng loa vang vang sau tiếng cốc cốc của mỏ làng vào rạng sáng hay lúc chiều sập tối, thủa tôi còn loăng quăng bám chéo áo ngoại ra vườn, tiếng ve đã in vào trí óc non nớt của tôi rồi.
17 Tháng Năm 20208:17 CH(Xem: 6650)
Những cơn mưa chiều hiu hiu nhẹ giăng ngang qua thành phố, hàng cây Anh Đào trụi lá khẳng khiu, chúng tôi như thường ngày đội mưa xuống phố. Nhuần lúp xúp chạy…Được mấy ly cà phê…Hiệp cười trong bụi mưa… Bốn thằng ba ly, tốt chán… Bửu vỗ bình bịch vào ngực…Một bịch thuốc rê đây này…Tôi lặng lẽ đi theo các bạn mình và vu vơ thầm đếm bước chân… Chiều một mình qua phố. Âm thầm nhớ nhớ tên em… Ở đây buồn quá, thành phố hiền hòa và nhỏ nhắn như bàn tay, chúng tôi thường rủ nhau lang thang qua các nẻo đường trước khi đến quán cà phê.
25 Tháng Ba 20209:25 CH(Xem: 16433)
Đêm đêm, nhất là những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng có những “sinh hoạt” gì đó tôi cũng chẳng biết. Và thỉnh thoảng, có những đoàn quân rất đông người với bao nhiêu là súng ống đạn dược, kéo về trong một đêm, rồi sáng sớm hôm sau họ lại lên đường. Chắc là đánh nhau ở đâu đó. Tôi nghe loáng thoáng cha mẹ tôi nói là bộ đội chủ lực gì gì đó.
23 Tháng Giêng 20201:14 SA(Xem: 17103)
Mấy hôm rày tôi không hát " ầu ơ ví dầu..." để ru cháu ngủ mà hát thật "mùi" cái bài "Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa". Cái thằng cu Ben em cu Tèo nghe êm tai nó "phê" một giấc. Bởi vì "ruột gan" của quại nó có gởi qua đó để hát mà lỵ Bây giờ già già thiệt rồi nên cứ hay nhắc câu: " Nhớ hồi xưa!!...". Mà nhớ gì nhất nào!? Chắc ai cũng như tôi. "Nhớ Tết nhất!". Đó là nỗi nhớ nồng nàn nhất trong muôn nỗi nhớ của cuộc đời.
13 Tháng Mười Hai 20198:55 CH(Xem: 15305)
Ba giờ sáng…tôi bước ra đường, những ngọn gió cuối tháng chạp như con ngựa hoang lồng lộng chạy qua các nẻo phố. Tôi lặng lẽ đi dưới hàng cây Phượng vĩ già trong rét mướt yên tĩnh đêm sâu. Có tiếng rao…Ai bánh nậm, bánh dày đây… cất lên trong khoắc khoải, một vài chiếc xe ba gác chở hàng sớm xình xịch chạy qua lầm lũi.
07 Tháng Mười Một 20198:36 CH(Xem: 20062)
Trong thời niên thiếu, anh cũng như một số bạn đều mê đọc tiểu thuyết, đọc thơ của các văn thi sĩ tiền chiến. Trong các nhóm nhà văn đó thì nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất. Văn của họ nhẹ nhàng, trong sáng, với những truyện tình lãng mạn lồng trong khung cảnh quê hương đơn sơ và lúc nào cũng man mác tình yêu. Truyện của họ, không lúc nào thiếu trong tủ sách gia đình của anh. Trong nhóm đó, Nhất Linh được anh coi như một mẫu người lý tưởng, một nhà văn, một chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhân vật trong truyện đã in sâu vào ký ức anh. Họ không những đã trở thành một phần đời sống của anh mà đôi khi lại là những giấc mộng không thành. Trong những năm cuối cuộc đời, ông xa lánh cảnh trần tục, như một tiên ông quy ẩn bên dòng suối Đa Mê của rừng lan Đà Lạt.
31 Tháng Mười 20191:28 SA(Xem: 17469)
Khi tôi đi gần hết cuộc đời tôi mới nhận ra được điều kỳ diệu nhất trên đời này là tôi có Mẹ. Mẹ là ánh sao, tỏa ánh sáng dịu dàng mang cho tôi đến thế gian này. Khi tôi đi đến cuối con đường tôi chợt nhận ra rằng mẹ là người sống cạnh tôi nhiều nhất hơn hẵn tất cả những người mà tôi đã gặp ở thế gian này. Chín tháng mười ngày mẹ mang tôi tận ở trong lòng, tôi ăn ngủ, buồn vui từ mẹ chở che và chia sẻ cho tôi. Cho đến lúc chào đời, tôi cũng được nằm sát bên mẹ, mẹ lại chuyền hơi ấm, chuyền dòng sữa ngọt ngào món ăn đầu đời cho tôi đủ sức chào đón thế giới bên ngoài.