- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM CHƯA ĐƯỢC NGẬM CƯỜI NƠI CHÍN SUỐI

21 Tháng Bảy 202211:32 SA(Xem: 7826)



Mai An Nguyễn Anh Tuấn     

NHỮNG ĐẠO DIỄN ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM
CHƯA ĐƯỢC NGẬM CƯỜI NƠI CHÍN SUỐI 
 
 

(Tâm sự với một thí sinh thi trượt năng khiếu Điện ảnh)   

 


I. “BỘ PHIM LÀ MỘT BÀI THƠ ĐƯỢC VIẾT BẰNG ÁNH SÁNG”

Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…

Nửa năm trước, thấy em mê điện ảnh, lân la hỏi han về những gì liên quan tới điện ảnh, tôi nói chơi: “Thế thì em thử thi vào ĐẢ đi!” Không ngờ, điều đó thổi bùng lên trong em ngọn lửa khát vọng vốn âm ỉ bao lâu nay; em dẹp bỏ ước vọng tiếng Nhật, tiếng Hàn cùng hàng đống sách ngoại ngữ để tìm xem các phim kinh điển thế giới - trước hết là 100 tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất mọi thời đại do chính những người đang làm việc tại Hollywood lựa chọn, rồi sau đó là các phim do tôi đề xuất cho em xem với tư cách là người tự phát hiện ra năng khiếu của mình trước khi đi tham dự năng khiếu của trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội…

Dù tôi đã báo trước nhiều nỗi gian truân khốn khổ của người làm ĐẢ, nhất là làm ĐẢ ở nước ta, với trải nghiệm của riêng tôi và một số đồng nghiệp- những kẻ vẫn tự trào là “sinh ra nhầm địa lý” với nghề nghiệp này, dù đã báo trước là nền ĐẢ nước nhà như ngôi đền hoang phế từng bị những người có trách nhiệm như Liên hiệp Điện ảnh phá nát, còn hiện giờ bị phim “mỳ ăn liền” và phim “móc túi khán giả” bằng mọi giá lấn át; song tất cả những điều đó lại tựa “lửa đổ thêm dầu” đối với em…

Nếu vậy thì sự thất bại vừa qua của em - nếu như muốn nói là “thất bại”, chẳng có chút nghĩa lý gì ư? Nghề nghiệp mà em mơ ước thực ra vẫn ở trong tầm tay em - trước hết là trong chính đáy sâu tâm hồn em đã bắt đầu nóng bỏng thứ ngôn ngữ của Nàng Tiên thứ Bảy. Đừng làm như một số bạn viết trên Phây đòi Ban GK phải công bố số điểm thi, thậm chí đòi phúc khảo… Tôi không trong Ban GK và cũng chẳng hề biết ai làm GK kỳ này, có thể đoan chắc với em rằng: các thầy GK cũng như tôi, hết sức trân trọng lòng đam mê ĐẢ của các em song cũng rất công bằng, phải nói là rất sòng phẳng trước năng khiếu buổi đầu của các em. Và cuộc thi này cũng là một cuộc “thử thách” nho nhỏ nhưng khá quan trọng ở chỗ: xem cái khát vọng kia của em có phải là “lửa rơm” chốc lát hay là một cái gì thật sự âm ỉ, dữ dội, để có khả năng theo đuổi sự nghiệp gian nan suốt một đời…

Cái gian nan, thậm chí khốn khổ khốn nạn, cả những sự bất công tồi tệ trong ngành cùng bao nỗi cay đắng tôi phải chịu đựng, tôi sẽ tiếp tục kể cho em nghe - nếu em không bị lụi tắt ước vọng… Khi đó, nếu em vẫn không nhụt chí, tôi có thể vui mừng mà giang tay đón chào em như một đồng nghiệp tương lai! Còn bây giờ, xin chép tặng em mấy câu sau đây làm hành trang đầu đời - đầu nghề:

BỘ PHIM LÀ MỘT BÀI THƠ ĐƯỢC VIẾT BẰNG ÁNH SÁNG (René Clair, đạo diễn điện ảnh Pháp).

TÔI LÀ MỘT NHÀ THƠ SỬ DỤNG MÁY QUAY NHƯ MỘT PHƯƠNG TIỆN ĐỂ ĐI ĐẾN NHỮNG ƯỚC MƠ (Jean Cocteau, đạo diễn điện ảnh Pháp).

 

II. THÂN PHẬN LONG ĐONG BI THẢM CỦA ĐẠO DIỄN HUY VÂN

Đạo diễn Huy Vân và đạo diễn Roman Karmen
Đạo diễn Huy Vân và đạo diễn Roman Karmen

 

Nhiều năm qua, tôi lặng lẽ tìm hiểu về cuộc đời của những nhà điện ảnh VN thế hệ đầu tiên, trong đó, bi thảm nhất có lẽ là đạo diễn Huy Vân. Tôi có ý định sẽ làm một phim chân dung về đạo diễn này, khi có điều kiện; nhưng vì nỗi thất vọng của em, hôm nay tôi xin kể sơ sơ mấy điều mà tôi biết – qua các thông tin của đạo diễn Tự Huy, nhà văn Đoàn Lê, nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Tô Hoàng, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nhà báo Xuân Đài…

Ông Huy Vân vốn là một ngòi bút đã có tiếng tăm trong cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp. Ông là dịch giả tiếng Việt sớm nhất và đầu tiên cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Xô Viết N. Ostrovsky. Rồi ông trở thành một cộng sự đắc lực cho R. Karmen, tác giả bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam” trong suốt 7 tháng làm phim ở núi rừng Việt Bắc và trung du, Đồng bằng Bắc bộ với 40.000 mét phim đã được quay. R. Karmen rất thích nghe Huy Vân kể chuyện, bởi ông kể thực hay về đất nước mình, dân tộc mình với bao nhiêu truyền thuyết, phong tục, tập quán. Và ông còn biết nhiều câu tục ngữ Nga… Ông là một người mà R. Karmen liên tục nhắc đến trong hai cuốn hồi ký “Ánh sáng trong rừng thẳm” và “Việt Nam chiến đấu”, giữa họ có sự đồng cảm đến nỗi Karmen phải thốt lên: “Vắng anh ấy một ngày là tôi cảm thấy buồn”.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của nữ nghệ sỹ Tuệ Minh là với đạo diễn điện ảnh Huy Vân. Sau 1954, khi nước ta chuẩn bị bắt tay làm phim truyện điện ảnh, bà Tuệ Minh theo học lớp diễn viên, còn ông Huy Vân theo học lớp đạo diễn do các giảng viên Liên Xô hướng dẫn. Tốt nghiệp khóa học, ông Huy Vân tự viết kịch bản, thực hiện một bộ phim truyện nhựa hơn 100 phút: “Một ngày đầu thu”, kể về lớp thanh niên Việt Nam theo cách mạng và bước vào kháng chiến. Diễn viên Tuệ Minh đóng vai chính trong phim này. Một số đạo diễn, như Nông Ích Đạt khen Huy Vân rất nhiều, khen nhất là Huy Vân rất chịu khó tìm tòi trong công tác đạo diễn và rất yêu nghề. Đạo diễn Huy Thành minh họa lòng yêu nghề đó: Huy Vân là đạo diễn, vợ đóng vai chính đến cận cảnh vợ với bạn diễn nam là người tình của nhau trong phim, ôm nhau thắm thiết, Huy Vân hét rất lớn: ôm chặt vào…

Nhưng “Một ngày đẩu thu” vừa được khen trên báo chí, bỗng có lệnh “cấm chiếu”,nghe đâu là “Ăn phải “bả” diễn biến hòa bình của bọn xét lại Liên Xô”! Cho tới hôm nay, không một văn bản, không một lời lẽ nào giải thích cụ thể. Có điều, kể từ ngày ấy bộ phim “ Một ngày đầu” chưa bao giờ được ra rạp chiếu lại để gỡ tiếng oan. Ngay bản gốc Négatif phim “Một ngày đầu thu” cũng đã bị hủy hoại bởi ẩm mốc trong kho tư liệu phim. Còn “vụ án” về  đạo diễn Huy Vân và cái chết đầy bi thảm của ông, cho đến tận hôm nay cũng không một cơ quan công quyền nào làm sáng tỏ đúng, sai.

Huy Vân đi tù không án gần sáu năm, có lẽ bởi ông đã đôi lần gặp gỡ trao đổi chính kiến với những người có tên trong “sổ đen có vấn đề” trước Nghị quyết 9 và hiện tình đất nước. Hồi học Nghị quyết, thấy cấp trên nói cho bảo lưu ý kiến, nên ông phát biểu thẳng thừng: Nghị quyết Trung ương Đại hội 3 đã ghi rõ: xây dựng miền Bắc vững mạnh, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước, Nghị quyết 3 chưa ráo mực thì Nghị quyết 9 đã chống lại! Ông ngây thơ không biết là những lần ông gặp gỡ các bạn cùng quan điểm như Hoàng Minh Chính, Lưu Động, Trần Đĩnh, v.v, ở công viên Thống Nhất đều bị công an theo dõi… Rồi ông bị tống vào Hỏa Lò, sau đó cũng như các bạn “xét lại”, ông bị đày đi các trại trên núi rừng Việt Bắc.

Huy Vân được ra tù, về Ninh Bình làm ở một hợp tác xã gì đó, ít lâu sau thì về Hà Nội với vợ con. Nhưng ông bị vợ đuổi ra khỏi nhà, đêm đêm ra ngủ ở vườn hoa Hàng Đậu, nhớ con thì tìm đến nhà nhìn qua khe cửa, ngắm con ngủ một lúc thì bỏ đi... Đạo diễn Tự Huy có lần trong cuộc rượu kể tôi nghe chuyện Huy Vân ăn cắp xe đạp, cố tình cho người mất xe bắt tại trận để được đưa ra tòa, có dịp kêu oan cho bà con thiên hạ biết về việc mình bị đi tù không án là trái pháp luật, để được đưa công khai ra xử toàn thể anh em dính vào vụ án xét lại.

Huy Vân về Hà Nội không ở một chỗ nào nhất định, nay ngủ nhà này mai ngủ nhà khác, gần chục nhà của bạn bè ở suốt từ Bạch Mai cho đến Bưởi, còn tiện đâu ăn đấy, lúc nhà bạn lúc cơm đầu ghế, có khi ngủ ngoài ga Hàng Cỏ hoặc ghế đá vườn hoa… Khi cán bộ chấp pháp hỏi lệnh tha tù, ông nói như khóc: Bắt tôi không có lệnh, thả khỏi tù thì có lệnh tạm tha nhưng lệnh này khi nhập hộ khẩu ở Ninh Bình, công an giữ lại làm hồ sơ...

Rồi ông phiêu bạt vào Sài Gòn tìm việc làm. Có bạn thân gợi ý ông thử đến Xưởng phim TP. Hồ Chí Minh xin làm đạo diễn, hợp đồng từng phim một, hoặc viết kịch bản phim truyện, phim tài liệu, nơi nhà văn nhà biên kịch Vũ Thư Hiên cũng rời biên chế Hãng phim truyện VN vào viết kịch bản cho họ. Sau đó ít lâu có tin Huy Vân đã cùng một người con gái lên Sơn La, định vượt biên sang Trung Quốc và bị bắn chết... Mới đây, theo nhà văn Thái Kế Toại, ông Huy Vân dịch "Thép đã tôi thế đấy" một mình chứ không dịch cùng ai như một số người đã kể; ông từng làm phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Liên Xô vào năm 1955, 56 gì đó. Rồi ông bị bắt ở Quảng Ninh. Lần sau bị bắt ở HN giam ở Sơn La, chết trong tù vì bị lao năm 1982. Nhà văn Thái Kế Toại đã làm thủ tục giúp gia đình bốc mộ ôngnăm 1989...

 



III. CÁI CHẾT ĐAU ĐỚN CỦA ĐẠO DIỄN NGUYỄN ĐỖ NGỌC

đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc
Chân dung đạo diễn Nguyễn Đỗ Ngọc năm 1988



Cái chết đau đớn giữa thời bình của người đạo diễn điện ảnh này đã được nhà biên kịch Đoàn Tuấn bạn tôi miêu tả là: “mang tinh thần võ sĩ đạo”(có lẽ phải thế mới được duyệt in), trong một bài viết chí tình chí nghĩa của anh, và cũng là duy nhất của giới báo chí chính thống lẫn ngoài luồng viết về ông: “Nguyễn Đỗ Ngọc: Người nghệ sĩ mang tinh thần võ sĩ đạo” (CAND oline).

Khi tôi mới về Hãng phim nhận việc, dáng vẻ phong thái của ông đã chinh phục tôi: vóc người tầm thước, đôi mắt mơ màng có chút riễu cợt sau cặp kính trắng, mái tóc bồng bềnh đầy chất lãng tử cùng chòm râu như nhân vật hoàng thân Mưskin trong tiểu thuyết “Thằng ngốc” của ông già Đốt người Nga (Dostoievsky)…

Chàng trai Hà Nội Nguyễn Đỗ Ngọc, anh bộ đội cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp sau khi tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp HN đã tìm đến nghệ thuật thứ bảy, rồi chàng cựu chiến binh ấy được gửi sang Bungari học nghề đạo diễn điện ảnh. Khi tôi bắt đầu hành nghề trên cương vị phó đạo diễn vào cuối những năm 80, ông đã nổi danh là đạo diễn sung sức với các bộ phim do ông đạo diễn và viết kịch bản: Một chiến công (1968); Dòng sông âm vang (1974); Cách sống của tôi (1978); Đường suối cạn (1984); Vụ án viên đạn lạc (1987)… Ông còn là tác giả một số tác phẩm văn xuôi gây tiếng vang, đặc biệt truyện ngắn “Tứ tử trình làng”, là dịch giả cuốn tiểu thuyết trinh thám Bungari: “Chỉ chết khi không còn sống”.

Viết và làm phim đối với Nguyễn Đỗ Ngọc đã là cách duy nhất, tốt nhất để ông và gia đình nhỏ của ông vượt qua những đoạn trường khổ ải của cả đất nước một thời ngăn sông cấm chợ, Giá -Lương -Tiền chao đảo, khi mà dường như có rất ít cách để mưu sinh... Nhưng với người nghệ sỹ nhiều trăn trở như Nguyễn Đỗ Ngọc, lý tưởng và khát vọng tinh thần bị sứt mẻ, đổ vỡ trước hiện thực đã khiến ông nhiều khi phải cảm thấy bất lực, tuyệt vọng đến ê chề...

Ông tỏ ra đặc biệt quý tôi - thằng em “lính mới tò te” vào nghề đạo diễn còn nặng đuôi văn chương, ham tìm học hỏi các đàn anh trong nghề… Ông đã mời tôi về nhà ông, căn nhà đối diện vườn hoa Hàng Đậu, được trò chuyện với người vợ tần tảo của ông - một nghệ sĩ chơi Flut, và cô con gái nhỏ yêu văn của ông. Có thể thấy rõ, ông là một người sống chết vì nghệ thuật điện ảnh, lúc nào cũng bứt rứt, khát vọng làm được những bộ phim đúng theo ý mình; đi đâu, gặp ai, ông cũng đều say sưa kể về những ý tưởng các bộ phim mình sẽ làm… Có lần, tôi đã “chịu trận” ngồi nghe ông xi-nê mồm phim về Thánh Thơ Cao Bá Quát từ chập tối tới khuya, để cùng ông thấm thía cay đắng rằng: ý tưởng này cùng nhiều ý tưởng nào khác có liên quan tới sự “thao thức”, “quẫy đạp”, “phá vỡ”, “tìm tòi” đều là sự “cấm kỵ” tuyệt đối trong lòng nền nghệ thuật hiện thực XHCN! Không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông…

Sống trong Xưởng phim như một kẻ cô đơn, vàhình như cũng có tên trong sổ đen nhóm “xét lại chống Đảng” từ nhiều năm trước, nên khi lãnh đạo Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội gợi ý ông sang trường thì ông rất phấn khởi, vì ông sẽ thực hiện được ý định mang những kiến thức và kinh nghiệm làm phim truyền lại cho các thế hệ sinh viên… Nhưng ông đã mang cái án “nguy hiểm với chế độ” chuyển từXưởng phim sang Trường; lại vốn là con người khí khái, trung thực, yêu lẽ phải, dị ứng với tất cả những gì khuất tất không lương thiện, nên đã vô tình bị rơi vào một “cái bẫy” đối với một tâm hồn chính trực như ông! Kết cục, giữa thời cả nước đói, túiông thì rỗng, ông đã bị trường cắt lương, chỉ được hưởng “trợ cấp xã hội” như một kẻ ăn mày mà với một người có lòng tự trọng cao mang bao khát vọng sáng tạo sôi sục như ông, khác gì một đòn giáng chí tử! Mấy năm sau gặp lại chị Thắng vợ ông ở Sài Gòn, chị kể trong nước mắt: “Anh ấy tập tễnh (sau lần bị tai nạn ô tô gẫy chân) bước về nhà, ôm mặt khóc nức và kêu lên với con gái: “Chúng nó cắt nốt cái dạ dày của bố rồi!”…

“Một đêm mùa hè năm 1989, ông đã quyết định từ giã cuộc đời theo đúng phong cách của những võ sỹ đạo”. Bạn tôi đã thận trọng và kìm nén đau xót viết như thế; và tôi có lẽ cũng sẽ viết như vậy, trong những ngày ấy, và cho báo chí, để đỡ “chướng tai gai mắt” đối với lãnh đạo văn nghệ, và cũng để làm giảm bớt nỗi bi thương trong cái chết của ông, giảm đi nỗi đau lòng của người thân ông trước một sự kiện khủng khiếp:

Trong gian bếp lạnh ngắt, ông đã dùng con dao trầu cau rạch bụng, tự kéo ruột mình ra và cắt chúng thành mấy đoạn để khỏi bị cứu sống… Cái chết tiêu cực này, để lại sự bàng hoàng xót thương nhiều năm trong lòng đồng nghiệp, dù sao cũng là một sự phản kháng có ý nghĩa đối với sự đểu cáng, sự “tử tế” giả vờ, thói đạo đức giả che đậy lòng tham lam ích kỷ giờ đây đã bắt đầu tràn ngập, thống trị xã hội…

 

Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 20215:10 CH(Xem: 10214)
Mỗi lần nghĩ đến chiến tranh, giải phóng đất nước, cách mạng dân tộc, tự do nhân quyền, xuống đường biểu tình... đầu óc tôi lơ mơ liên tưởng đến vụ Thiên An Môn năm nào. Hình ảnh người đàn ông hiên ngang tiến ra giang rộng hai tay đòi hỏi tự do, chận đứng xe tăng, chống lại quyền lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản Trung Quốc. Hình ảnh anh hùng, xem cái chết tựa lông hồng, với lòng đầy thách thức, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho xứ sở. Hình ảnh đó đã đánh mạnh vào tâm não toàn thể người dân trên toàn thế giới. Riêng tôi, vẫn âm thầm nghĩ tới người lính lái chiếc xe tăng khổng lồ đầy răng sắt. Hẳn ông phải là một người rất đỗi từ bi, nhân hậu? Thương người như thể thương thân. Ông từ chối giet người, dù trong tay nắm toàn quyền nghiền nát người đàn ông hiên ngang hùng dũng kia. Hành động nghiền nát đó, sẽ được coi như một chiến công hiển hách đối với đảng và nhà nước.
20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 10766)
Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 10695)
Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.
20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10391)
Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”
15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4262)
Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến? Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm
15 Tháng Tư 202112:27 SA(Xem: 10694)
Chiếc xe gài số lui ra khỏi sân nhà, ngang mấy hàng lan Hoa Hậu và gốc nhãn đang đậu trái nhỏ li ti, thành chùm. Tôi hỏi: Xe nhà mình lúc đó là xe gì? Ba nói Con không nhớ sao? Tôi gấp lại dãi khăn tang trắng. Hôm mãn tang Ba, ở chùa về, tôi đã định đốt dãi khăn trong lò sưỡi. Tháng này trời Cali chưa chiều đã nhá nhem. Tôi để cuộn khăn trở lại bàn nhỏ cạnh đầu giường. Ba không còn ngồi trên ghế gần cửa ra vào. Trong phòng còn có mình tôi.
15 Tháng Tư 202112:10 SA(Xem: 11248)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.
01 Tháng Tư 20214:31 CH(Xem: 12184)
Vào một ngày đầu hè năm 2019, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của một người lạ, bạn ấy nói muốn gặp tôi trò chuyện vì đang làm ký sự Trịnh Công Sơn của Đài truyền hình Việt Nam. Chúng tôi hẹn gặp ở quán cà phê Trịnh Công Sơn trên đường Xuân Diệu để nghe nhạc và trao đổi cùng vài người bạn. Lúc ấy tôi mới biết bạn là Nguyễn Đức Đệ đạo diễn đang làm phim ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” gồm 5 tập, kịch bản và cố vấn phim do nhà báo Trần Ngọc Trác ở Đà Lạt một người đam mê nhạc Trịnh đảm nhận. Anh Trác đề nghị cho anh photo tất cả tài liệu mà tôi sưu tầm được khi làm luận văn thạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tư liệu, ngày mai sẽ vào trường Đại học Quy Nhơn quay ngoại cảnh, tìm lại dấu vết cũ nơi Trịnh Công Sơn đã từng học thời gian 1962-1964. Phỏng vấn tôi xoay quanh luận văn thạc sĩ mà tôi đã làm về đề tại Trịnh Công Sơn.
25 Tháng Ba 202111:55 CH(Xem: 11483)
Đó là vào những ngày cả Hãng phim truyện VN như sôi sục lên trong giai đoạn tổ chức sản xuất bộ phim nhựa đen trắng “Tướng về hưu” dựa theo truyện ngắn cùng tên đang rầm rĩ dư luận xã hội của NHT. Sáng hôm ấy, đang ngồi họp xưởng đầu tuần theo thông lệ của Hãng, đồng chí bảo vệ ngó đầu vào nhắn: “Có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gặp đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn”.
25 Tháng Ba 202110:39 CH(Xem: 12653)
Đã 43 năm trôi qua, sự khe khắt về lý lịch, về người của chế độ cũ dần rồi cũng nguôi ngoai. Nhờ đó mà tôi mới được viết lên những dòng này cho chị họ tôi. Chị Bảy Long, vợ một sỹ quan VNCH, người phụ nữ thầm lặng gánh chịu những đau thương mất mát của chiến tranh của nghiệp đời. Chị đã già, tuổi xuân đã qua đi, chị còn bất hạnh hơn cả bà quả phụ đại úy Đương vì không ai biết đến chị. Hết một đời đến khi nhắm mắt, chị sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hốt một nắm đất nơi anh đã hy sinh để về chùa cúi lạy. Chị chẳng còn một đứa con nào để nương tựa tuổi già heo hắt bên song. Ôi đất mẹ Việt nam còn có bao người như thế... Thương biết bao!