Ban Mai
KÝ SỰ MIỀN ĐÔNG BẮC (2)
4.Phố cổ Đồng Văn
Chiều buông, từ cột cờ Lũng Cú chúng tôi phải quay lại ngã ba gần dinh vua Mèo để kịp đến cao nguyên đá Đồng Văn trước khi trời tối hẳn, đoạn đường khúc khuỷu, nguy hiểm vì đang thi công, người ta cho nổ mìn phá núi để mở rộng đường đèo. Trên núi cao chỉ cần mặt trời lặn thì bóng tối bao trùm, chỉ có đèn pha của xe chiếu vào vách núi, phía ngoài sương mù giăng phủ, một bên là núi một bên là vực sâu hun hút.
Trong xe mà tôi lạnh buốt, tôi cố gắng nhìn chăm chăm xuyên qua màn đêm tìm chút sự sống của con người qua ánh đèn loang loáng, nơi này chỉ có đá và đá, đá ngàn đời trãi dài trên cao nguyên Đồng văn những khối đá khổng lồ đen tuyền, lớp lớp vụt qua.
Gió rít qua cửa kính, bên ngoài rừng núi những hình thú quái dị, tôi như lạc vào chuyện đường rừng của Thế Lữ, của Lan Khai kể về những chuyện kinh dị của dân mạn ngược trong những năm đầu thế kỷ 20 mà tôi từng đọc khi còn niên thiếu.
Xe ngừng lại giữa phố cổ Đồng Văn, không khí náo nhiệt tưng bừng làm tôi ngạc nhiên. Một tuần qua tôi trôi từ ngọn núi này đến ngọn núi khác giữa lưng chừng tầng mây, qua các thành phố cao nguyên buồn hiu hắt, chợt trở về với ồn ào phố thị với nền văn minh con người mà cứ tưởng như mơ. Tôi sững sờ, làm sao trên ngọn núi đá cao chót vót sát biên giới Trung Hoa này lại còn lưu giữ một phố cổ cách đây hàng trăm năm như vậy.
Khách sạn tôi lưu trú nằm lọt thỏm giữa khu sầm uất của dân du lịch, tây balo, phố cổ Đồng Văn ban đêm nhìn như Hội An thu nhỏ, cũng kiểu nhà cột gỗ có hai tầng (tầng gác và tầng trệt), tường đắp bằng đất, hay bằng gạch, lợp mái ngói âm dương, lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của cư dân bản địa và dân cư vùng Hoa Nam (Trung Quốc). Trước nhà cũng treo đèn lồng. Con phố chính hình chữ L này nằm bao bọc khu chợ do Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20.
Nằm sâu vào bên trong trên đồi bên tay trái mới là nơi lưu giữ những ngôi nhà cổ trên dưới 100 năm tuổi, còn khoảng 20 căn. Đến Đồng Văn trễ, nên các bạn tôi ăn tối rồi vào quán cà phê bên chợ xem cuộc sống về đêm của người vùng núi, tôi lang thang đi tìm những căn nhà cổ vì sợ sáng hôm sau đi sớm sẽ không có thời gian, anh chị Tiết Hùng Thái chỉ cho tôi lối vào những khu nhà cổ, nơi này hoàn toàn tĩnh lặng, không gian mờ ảo tôi như lạc vào chốn xưa. Những ngôi nhà cổ đắp bằng đất, với những cánh cửa gỗ mục ruỗng, trước nhà dán giấy trừ tà ma như những ngôi nhà Trung Hoa cũ, lối đi hẹp quanh co, dốc đồi, thoạt nhìn giống như những ngôi làng cổ xây bằng đá trên núi cao tôi đã từng di du lịch qua đảo Palma Tây Ban Nha hay ngôi làng cổ Cordes-sur-Ciel ở thành phố Albi, Pháp đẹp như trong truyện tranh ngày xưa tôi thường đọc về Chú Gà Trống Goloa, hay trong truyện Xitrum.
Nhưng so sánh như vậy là quá khập khiễng vì ở Phương Tây họ lưu giữ bảo tồn những ngôi làng rộng lớn trên núi cao từ thời Trung cổ gần như nguyên vẹn, và biết cách khai thác du lịch hoàn hảo.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có, nhưng không biết giữ gìn giá trị cổ xưa, tôi e rằng với đà du lịch tự phát thì vài chục ngôi nhà, vài con đường còn ghi dấu này có thể bị phá hủy hoàn toàn do sự ngu muội của con người gây ra.
Đêm Đồng Văn se lạnh, cái lạnh không buốt nhưng thấm từ từ, bạn sẽ thích thú khi ngồi bên thềm gạch cắn từng hạt dẻ rang còn bốc khói, ngắm các nam thanh nữ tú vùng đô thị, dân tây balo, dân phượt tò mò sà vào những hàng quán ven đường, ăn thử món thắng cố, nhấm chén rượu ngô, hay chìm đắm vào tiếng khèn của các đôi trai gái người Mông, người Mèo trong trang phục rực rỡ. Tôi cũng vậy, tôi cũng choàng khăn, ngồi trên bậc đá cũ của khu chợ xưa, tận hưởng khoảnh khắc đêm phố cổ Đồng Văn và biết rằng mình sẽ không bao giờ trở lại chốn này.
5. Những người bạn
Khi mùa Đông đến, không gì phải lo lắng khi lần đầu tiên bước chân lên vùng cao, bạn hãy tận hưởng cảm giác sảng khoái hít đầy lồng ngực mùi hương của núi rừng, của hoa cỏ. Những ngọn núi trùng điệp cứ trãi dài trước mắt bạn với những hình thù kỳ quái, chỉ toàn đá và đá mờ ảo trong làn sương. Tôi tự nghĩ đến mùa giá lạnh, mưa bão không biết người ta sẽ ăn gì khi xung quanh không có đất để canh tác. Với địa hình khô cằn như vậy, dân nơi này đói rét là chuyện thường tình. Thỉnh thoảng trên các tảng đá đen bóng nảy lên một ngọn cỏ, vụt lên một đóa hoa đỏ rực như những giọt máu.
Không có lúa để làm ra gạo, người vùng núi trồng các loại cây ra hoa, ra hạt để làm thực phẩm. Những cánh đồng ngô, những ruộng hoa tam giác mạch với những đóa hoa màu trắng nhỏ li ti, nó chính là thực phẩm quý của nơi này. Người ta lấy hạt của hoa tam giác mạch đem giã, xay thanh bột làm bánh. Chúng tôi dừng xe trên lưng chừng núi tạt vào một láng chợ ven đường, thích thú ngồi bên bếp than ăn chiếc bánh bò còn bốc khói, cô gái người Dao cho tôi biết, bánh bò này họ làm bằng hoa tam giác mạch, người ta hấp thành từng miếng dẹp to bằng cái dĩa nhỏ, rồi đem nướng trên bếp than. Bánh dẻo thơm lừng có vị ngon ngót, ngon hơn bánh bò ở miền xuôi. Tôi thấy họ còn làm bánh cốm bằng hạt hoa dền nữa.
Từ giã cao nguyên đá Đồng Văn, từ giã ngôi làng có “nhà của Pao” chúng tôi xuôi về Cao Bằng thành phố mà chúng tôi mong đợi, háo hức với địa danh thác Bản Giốc, nơi địa đầu của tổ quốc, cột mốc biên giới của đất nước, mà mỗi lần nghĩ đến chúng tôi đều cảm thấy đau.
Ngừng đây soi bóng bên giòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên giòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa
( Bên cầu biên giới – Phạm Duy)
Tiếng hát trầm ấm và những câu chuyện vui dọc đường của các anh chị làm chúng tôi bớt mệt suốt chuyến đi. Thật tình tôi cũng thấy mắc cỡ, nói là người trẻ trên xe nhưng sức chịu đựng của tôi thua xa các anh chị. Hàng ghế trước là vợ chồng anh chị họa sĩ Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh hơn tôi gần 2 thập kỷ mà đến Lũng Cú là phăng phăng chạy xe honda ôm lên tận cột cờ để chụp pô hình kỷ niệm, cột mốc biên giới giữa hai nước Việt - Trung. Họa sĩ Lê Triều Điển được mệnh danh là họa sĩ của miền châu thổ, tranh của anh là những sắc màu phù sa của miệt sông nước miền Tây Nam Bộ.
Hàng thứ hai là anh chị Nguyễn Minh Nữu – Kim Mai từ Washinton DC về đến Sài Gòn là tháp tùng ra Bắc ngay, vậy mà suốt dọc đường anh chị kể chuyện dí dỏm với những pha gay cấn cười đau bụng, bên ngoài anh khác xa với tác giả “Thương quá Sài Gòn” suy tư, nhiều trăn trở: “Đi là tìm một cái gì mới, khung cảnh mới, đời sống mới, xã hội mới và rung cảm mới. Còn Về là được sống lại chính mình của một thời đã qua. Về là hồi sinh…”. Có lẽ khi trở về là “được thở và được vui buồn một lần nữa cái tuổi thanh xuân đã qua của mình” nên anh chị vui đến vậy. (1)
Đi cùng xe có bạn nối khố với anh Nữu là anh chị Đoàn Văn Khánh – Carol Kim cặp tài tử của đoàn lúc nào cũng có những pô hình độc đáo, selfie mọi lúc mọi nơi.
Năm mười, mười lăm hai mươi
Tôi che mắt kiếm em cười rất trong
Con trăng sớm biết mặn nồng
Bay ngang một sợi mây hồng như mơ ơ ơ...
Thương em xé vở học trò
Đêm khuya cắn bút làm thơ tỏ tình
Trên giòng lục bát mông mênh
Gọi mưa về lá hồn nhiên ngủ vùi
Năm mười, mười lăm hai mươi...
Có người xanh tóc yêu người tóc xanh (2)
Tôi không ngờ bài hát hồi nhỏ thế hệ tôi thường ê a hát lại là thơ của anh Đoàn Văn Khánh, cây MC của tạp chí Quán Văn.
Ngồi phía dưới tôi là ông anh Lương Minh hiền lành, tốt bụng đúng chất miền tây Nam Bộ, chuyên gia viết về các ngôi chợ Việt Nam. Nhìn anh bệ vệ như vậy nhưng xuống xe là xách máy đi tác chiếc cho các cô em, nhanh nhẹn còn hơn tôi nữa. Nếu không kể đến cô chị Diệu Nữ thiệt thà và cô em Kim Hoàng “người mẫu thời trang” của cả đoàn là một thiếu sót. Cả hai từng là cô giáo, là bạn đọc thân thiết của Quán Văn.
Dọc con đường Đông Bắc hiểm trở nếu không có những anh chị cùng chuyến xe vui như trẩy hội như trên chắc tôi đã không chịu nổi. (3)
BAN MAI
(Còn tiếp)
-----------
(1) Bút ký “Thương quá Sài Gòn” Nguyễn Minh Nữu
(2) Bài hát “Những Tối Hoa Xưa” thơ Đoàn Văn Khánh, nhạc Nguyễn Quyết Thắng.
(3) Đoàn đi Đông Bắc gồm có 4 xe, 39 người; đoàn tôi đi xe số 2 gồm 10 người.
- Từ khóa :
- BAN MAI