- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

30 tháng 4 của Lý Ký Kiệt

20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10977)


Dinh Linh-thang 4 Ly Ky Kiet
Nhà văn Đinh Linh

 

ĐINH LINH

 

30 tháng 4 của Lý Ký Kiệt

 

 

Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”

Trên nguyên tắc, cha tôi làm luật sư, nhưng tôi chỉ thấy ông chơi mạt chược cả ngày trên gác có máy lạnh. Những phiến mạt chược lạch cạch liên miên trên mặt bàn. Ông chơi với người Hoa vì rất mến người Hoa. “Người Trung Hoa rất giỏi,” ông nói. “Họ như cỏ, ở đâu cũng có.” Ông bắt tôi và em tôi, 5 tuổi, học tiếng Hoa, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Chén đáo nị hằng cáo xinh.

Hao a dua?

Mẹc xi bố cua.

Riêng ông thì không nói được tiếng gì. “Bố đã 43 tuổi,” ông giải thích. “Óc bố không còn là giấy trắng, nên không viết chữ lên được.” Khi chán chơi mạt chược, ông lái xe xuống câu lạc bộ để chơi tennít. Da ông ngâm đen vì chơi tennít. Tôi và em tôi còn học piano nữa, nhưng chỉ biết gõ lung tung, không ra giai điệu. Săn đuổi nhạc, những ngón tay của tôi luôn vấp vào nhau. Lúc đó tôi chỉ thích vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Những thứ chưa thấy rõ, khó mà vẽ được. Đứng trên bao lơn lầu 3 ngó qua chợ, cha tôi bỗng thốt lên, “Chẳng lẽ Mỹ bỏ Việt Nam?!”

Ở Sài Gòn lúc đó, chẳng còn bao nhiêu Mỹ. Nam Hàn thì đi hết rồi. Lớn lên ở Sài Gòn, tôi đã không chứng kiến chiến tranh, chỉ những phụ tùng của chiến tranh thôi: xe tăng, xe jeep, phản lực và trực thăng. Trước 1975, chiến tranh chỉ đến Sài Gòn vào Tết Mậu Thân, nhưng kỷ niệm duy nhất của tôi về Mậu Thân chỉ là những hình ảnh trên TV về những nạn nhân chôn sống được đào lên ở Huế. Chiến tranh chỉ đến với tôi qua TV, radio và báo chí. Cứ mở báo ra thì thấy xác Việt Cộng nằm ngổn ngang. Cứ vặn radio lên thì được nghe tin tức rao là phe ta đang thắng. Trong thời chiến, những rạp xinê Sài Gòn còn chiếu những phim chiến tranh của Mỹ về Đệ Nhị Thế Chiến. Dân Sài Gòn có thể ngồi trong phòng lạnh để thưởng thức những dàn cảnh công phu, tốn kém, nhiều tài tử, về chiến tranh. Nào là máy banh oanh tạc, bom nổ, khói mịt mù. Nào là nhà cháy, phố xập, cầu xập. Nào là cả trăm xác người nằm ngổn ngan, cụt tay, cụt chân, bê bết máu. Trên màn ảnh rộng, dân Sài Gòn có thể tham quan chiến tranh dõm, trong khi chỉ cách rạp khoảng 50 cây số, chiến tranh thật đang xảy ra.

Ở Sài Gòn thì khó thấy được Việt Cộng. Chỉ có một lần, ở Phú Lâm, tôi thấy bốn thanh niên bị bịt mắt đứng trên một xe cam nhông nhà binh. Có lẽ họ là Việt Cộng. Thật sự thì Việt Cộng chỉ là một tin đồn, một huyền thoại, lànhững ông kẹ để ta dọa con nít, là một ác mộng. Ai không ăn ảnh thì ta gọi là Việt Cộng. “Hình căn cước mày xấu đau. Nhìn mày như Việt Cộng!” Chỉ sau 30 tháng 4, dân Sài Gòn mới biết là ở Sài Gòn cũng có khá nhiều Việt Cộng. Không đáng khiếp bằng Việt Cộng, nhưng cũng đáng mỉa mai, là bọn nhà quê, là những chú mười, thím mười. “Mày thật là nhà quê, chẳng mô đen tí nào.” Người Sài Gòn, người Việt Nam nói chung, vừa luyến tiếc vừa cải lương hóa đồng quê, vừa muốn hủy diệt nó. Người Sài Gòn cũng khi rẻ người lính. Chỉ ai không đút lót mới phải vào lính. Thà giả gái, chặt tay chứ ai lại đi lính?

“Tam vô của Cộng Sản,” cha tôi giảng, “là vô gia đình! vô tổ quốc! vô tôn giáo!” Thỉnh thoảng ông dẫn tôi đi xem đá banh ở Sân Cộng Hòa. Sân nhỏ, người đông, mỗi lần đi xem đá banh là mỗi lần phải chen lấn đến nghẹt thở, mất cả dép. Đi xem phim Lý Tiểu Long cũng vậy. Lý Tiểu Long người nhỏ, tài cao, cu ngắn, chỉ tiếc là chết sớm. Tôi cũng hâm mộ Hiệp Sĩ Mù với cái gươm cụt như chiếc dao phay. Đầu năm 1975, tôi đọc trên báo về một hoàng đế Phi Châu, Jean-Bédel Bokassa, trở về Sài Gòn tìm con. Đi lính Pháp thời thực dân, ông lấy vợ Việt Nam năm 1953, nhưng bỏ bà này khi hồi hương. Phát hiện ra con mình đang làm công ở nhà máy xi măng Hà Tiên, Bokassa lãnh cô này về nước Cộng Hòa Trung Phi. Mãi sau này tôi mới biết Bokassa là nổi tiếng độc tài, tàn ác, thậm chí bị tố cáo ăn thịt người. Nhưng cũng nhờ Bokassa, cô con gái mới có cơ hội chuồn khỏi Việt Nam trước ngày “giải phóng.” 

Cha tôi dàn xếp cho tôi, em tôi và cô thư ký sơ tán theo một gia đình người Hoa có con làm cho Mỹ. Họ không muốn di tản cả gia đình vì còn tiếc của, nên bán cho cha tôi 3 chỗ. Tên giả của tôi là Lý Ký Kiệt. Em tôi là Lý Ký Vinh. Tên giả của cô thư ký thì tôi không nhớ nhưng tên thiệt của cô là Diệp Thể Hà. Cha tôi mướn cô đi theo để lo cho hai anh em tôi. Cô này 22 tuổi, người Hoa, tính rất cọc cằn, có khuôn mặt bầu bĩnh như cái bánh bao, lác đác mụt ruồi thịt. Sau này, chị Hà trở thành mẹ ghẻ của tôi. Lúc đó Huế, Đà Nẵng và Đà Lạt đã vào tay Bắc Việt. Gia đình tôi cũng Bắc Kỳ, nhưng là Bắc Kỳ 54, người công giáo, quê Bùi Chu.

Ở miền Nam, nhiều dân Bùi Chu sống ở Tân Mai, gần Biên Hòa. Chú Bảo, em cha tôi, làm quân y trong Thủy Quân Lục Chiến, chết năm 1972, chôn ở Tân Mai. Chú Bảo đẹp trai nhất trong gia đình tôi, cả nội lẫn ngoại. Chú chết độc thân. Đi đám ma chú Bảo, tôi thấy một ông lính xâm trên cánh tay ngâm đen hai chữ “Sát Cộng,” rất là ấn tượng. Gần như lần nào lên Tân Mai, tôi cũng được ăn thịt chó và tiết canh. Cho đến 9 tuổi, tôi rất sùng đạo. Tôi rất sợ xuống hỏa ngục và muốn trở thành linh mục. Tôi cũng muốn đi lính. Nhưng dần dần tôi chán đi nhà thờ. Mỗi lần vào nhà thờ, tôi chỉ muốn về nhà.

Lúc đó ông nội tôi sống ở Thị Nghè. Cửa sau của nhà ông đi thẳng vào sở thú, khỏi cần mua vé. Tuổi thơ của tôi không có gì vui bằng những giờ lang thang ở sở thú.  Tôi nhớ mãi một con khỉ mặt xanh, đít đỏ. Lông hắn hơi dơ nhưng bộ mặt hắn rất trầm tư, trí thức. Tôi cũng thích vào viện bảo tàng để xem tượng và trống đồng. Ông nội tôi gầy gòm, cao ráo. Ông không biết tôi sắp sửa chạy. Đặt tôi lên đùi, ông nói: “Ai đi thì đi, con ở đây với ông.”

Ngày 8 tháng 4, Nguyễn Thành Trung thả bom vào Dinh Độc Lập. Một quả trúng xân thượng, một quả vào vườn. Có mặt ở Quận 1, tôi thấy mọi người xôn xao. Vì tình trạng an ninh, tôi phải nghỉ học lớp judo buổi tối ở trường Lasan Taberd. Lúc đó tôi đai cam. Tôi mê tất cả các môn võ và đánh lộn, nói chung. Tôi đặc biệt thích tập dượt với con gái để được quật, rồi đè chúng. Tôi cũng thích tắm với con gái nhưng không được phép. Ngồi trong lớp, tôi cứ thơ thẩn vẽ những sơ đồ tương đối chính xác về cơ thể nam nữ. Ngày 21 tháng 4, ông Thiệu lên TV để chưởi Mỹ trước khi từ chức. Trên TV đen trắng, tôi thấy ông Thiệu gạt nước mắt.

Trước khi đi, cha tôi cho tôi 2,000 Mỹ Kim. Ông nói: “2,000 đồng này sẽ xài được một năm.” Tiền Mỹ, tôi nhận xét, ít màu hơn tiền Việt Nam Cộng Hòa, nhưng dài và cứng hơn.  Bà tôi khâu số tiền vào lưng quần xà lỏn màu xanh, vải ni lông, rất nóng. Bà nói: “Làm gì thì làm, đừng cởi quần này ra.” Hồi xưa, thời tiền sử, một con kiến bò vào tai bà nội tôi. Ngứa quá, bà dùng que để khều. Vì vậy, bà điếc một tai. Mỗi ngày, bà nội tôi đi nhà thờ 2 lần. Sáng nào bà cũng là người đầu tiên đứng trước cổng nhà thờ, chờ cha mở cửa. Ở nhà, bà đọc kinh liên miên. Chỉ hình Chúa Giê-Su trên tường, một ông da trắng có râu quai nón, mắt bà rực lên, “Chúa đẹp lắm.”

Trước khi lên máy bay, tôi ngủ ở căn cứ Mỹ 4 ngày. Lúc đó Sài Gòn đã rất xa vời. Chiều 27 tháng 4 tôi lên một chiếc C-130 để bay qua Guam. Trước đó, tôi đã đuợc lên máy bay một lần, lúc 6 tuổi, để đi Đà Lạt. Là một loại máy bay chở hàng, chiếc C-130 rất to, bít bùng, chỉ một cửa sổ, không ghế. Mọi người la liệt trên xàn. Ngồi bên cạnh chị Hà, tôi dòm một thằng con nít ăn mì gói sống. Khi máy bay đáp, trời đã tối mù. Chẳng biết gì về Guam, mọi người chỉ biết đây không còn là lãnh thổ của Việt Nam. Tới đây rồi đi đâu, làm gì, cũng không ai biết. Lúc đó tôi không nghĩ đến cha tôi, Sài Gòn hay Việt Nam. Tôi chỉ thấy phấn khởi vì lần đầu tiên trên đời tôi được đi xa.

 

ĐINH LINH

tháng 1-2005

 

(Nguồn: HỢP LƯU 82)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Sáu 20216:03 CH(Xem: 10479)
Tôi nhớ xa xôi có người đã từng ví von bên tai tôi " Dù cho sông cạn đá mòn tình cảm này không hề thay đổi". Ngày ấy, tôi cứ nghĩ sông khó mà cạn lắm chứ, nhưng không, dòng sông nơi tôi ở cứ cạn rồi đầy liên tục trong ngày. Lòng người cũng vậy không có gì là mãi mãi với thời gian. Cái mà dễ thay đổi nhất trên đời này nghiệm ra rằng đó chính là tình cảm; những lời yêu xưa chỉ là ví von trong lúc cảm xúc còn đong đầy nên chả trách gì nhau khi người dễ quên nhau...
19 Tháng Năm 202110:35 CH(Xem: 11007)
Tôi thuộc thơ của thi sĩ Hoàng Cầm từ nhiều năm trước khi biết đến Hoàng Kỳ - người con trai đầu của cụ. Qua nhà thơ Thanh Kim, phóng viên báo Bắc Giang, tôi được gặp anh lần đầu tại thư viện của thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ). Mới gặp, anh có vẻ lịch sự xã giao, thậm chí như hơi đề phòng- thói quen hình thành trong một hoàn cảnh gia đình đầy sóng gió đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời anh... Nhưng dần dà, cái vỏ ngoài ấy đã biến mất hẳn sau nửa giờ trò chuyện, khi anh hiểu rõ rằng: trước mặt anh là một "con mọt sách", đang muốn tìm hiểu về văn hóa vùng Kinh Bắc...
07 Tháng Năm 20214:48 CH(Xem: 10914)
Tiếng nói đầu tiên của một em bé khi bắt đầu học nói là Me, Mẹ, Mạ, Má, Mommy, Maman, và nhiều nữa với những ngôn ngữ hay tiếng địa phương khác, đặc biệt hầu như đều bắt đầu bằng chữ “M”. Có lẽ đó là mẫu tự thiêng liêng chung của nhân lọai khi gọi người đã cưu mang, yêu thương và đùm bọc mình suốt cả cuộc đời. MẸ ở kinh thành hay MẸ ở nơi thôn dã, MẸ ở trên núi hay MẸ ở dưới biển, MẸ là lá ngọc cành vàng hay MẸ gặt lúa trồng rau….. MẸ cũng mang nặng con chín tháng mười ngày, MẸ banh da xẻ thịt đưa con vào đời, và khi con khóc tiếng khóc đầu đời, MẸ đã vừa khóc vừa cười ôm con vào lòng mà quên đi hết những nhọc nhằn mang nặng đẻ đau. Khỏang thời gian còn lại của MẸ là ôm ấp, bảo bọc, hy sinh, dạy dỗ….. và nhiều lắm của tình mẫu tử MẸ dành cho đàn con của MẸ, và cứ thế mà nhân lọai tồn tại và phát triển.
07 Tháng Năm 20211:54 SA(Xem: 10555)
Tôi gặp anh Nguyên Minh lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè đường Phan Xích Long. Hơn mười năm trước tôi thường viết bài trên trang vanchuongviet, ngày ấy chủ biên Nguyễn Hòa chưa ngã bệnh anh còn xông xáo chuyện chữ nghĩa. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau khi tôi vào Sài Gòn, hôm ấy có tôi, vợ chồng anh chị Trương Văn Dân _ Elena, anh Nguyễn Hòa hẹn gặp Sâm Thương và Nguyên Minh. Các anh đều là những bậc tiền bối tôi ngồi nghe các anh bàn luận và dự tính ra mắt một tập san văn học nghệ thuật riêng của mình, từ đó anh em quen nhau.
20 Tháng Tư 20215:10 CH(Xem: 10736)
Mỗi lần nghĩ đến chiến tranh, giải phóng đất nước, cách mạng dân tộc, tự do nhân quyền, xuống đường biểu tình... đầu óc tôi lơ mơ liên tưởng đến vụ Thiên An Môn năm nào. Hình ảnh người đàn ông hiên ngang tiến ra giang rộng hai tay đòi hỏi tự do, chận đứng xe tăng, chống lại quyền lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản Trung Quốc. Hình ảnh anh hùng, xem cái chết tựa lông hồng, với lòng đầy thách thức, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho xứ sở. Hình ảnh đó đã đánh mạnh vào tâm não toàn thể người dân trên toàn thế giới. Riêng tôi, vẫn âm thầm nghĩ tới người lính lái chiếc xe tăng khổng lồ đầy răng sắt. Hẳn ông phải là một người rất đỗi từ bi, nhân hậu? Thương người như thể thương thân. Ông từ chối giet người, dù trong tay nắm toàn quyền nghiền nát người đàn ông hiên ngang hùng dũng kia. Hành động nghiền nát đó, sẽ được coi như một chiến công hiển hách đối với đảng và nhà nước.
20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 11080)
Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 11161)
Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.
15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4366)
Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến? Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm
15 Tháng Tư 202112:27 SA(Xem: 11229)
Chiếc xe gài số lui ra khỏi sân nhà, ngang mấy hàng lan Hoa Hậu và gốc nhãn đang đậu trái nhỏ li ti, thành chùm. Tôi hỏi: Xe nhà mình lúc đó là xe gì? Ba nói Con không nhớ sao? Tôi gấp lại dãi khăn tang trắng. Hôm mãn tang Ba, ở chùa về, tôi đã định đốt dãi khăn trong lò sưỡi. Tháng này trời Cali chưa chiều đã nhá nhem. Tôi để cuộn khăn trở lại bàn nhỏ cạnh đầu giường. Ba không còn ngồi trên ghế gần cửa ra vào. Trong phòng còn có mình tôi.
15 Tháng Tư 202112:10 SA(Xem: 11769)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.