- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BẢN QUYỀN

07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 27861)

DongDuyHoangKiemNam
Đông Duy Hoàng Kiếm Nam - ành ĐH 2015



 

“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .

Ngay khi tác phẩm của họ được “định vị” trên môt phương tiện ghi chép cụ thể (physical medium) thí dụ như viết trên giấy, vẽ trên vải là tác giả đã tự động được hưởng toàn bộ chủ quyền trên tác phẩm hoặc những sản phẩm phát xuất (biến đổi) từ tác phẩm chính (derivative work). 

Sáng tạo, tim óc cũng là chuyện có thể thuê mướn được. Đó là trường hợp mà luật pháp Hoa Kỳ gọi là Work for hire . Định nghĩa căn bản là khi tác giả được thuê để hoàn thành tác phẩm và sáng tác được thực hiện trong khuôn khổ, điều kiện nơi được mướn làm việc (within the scope of employment) hoặc có giao kèo.

 

                                               Đông Duy Hoàng Kiếm Nam

 

 
Hơn bốn chục năm  trên mảnh  đất tạm dung đã trở thành vĩnh viễn, giới văn nghệ sĩ Việt Nam lưu vong đã phải đối đầu với đủ loại khó khăn, từ mưu sinh cơm áo, hội nhập mệt mỏi vào xã hội xa lạ ở tuổi  không còn trẻ nữa cho tới sự khô héo của môi trường sinh hoạt văn học Hải ngoại.

 

Ngoài những khó khăn này còn một vấn đề tuy liên quan mật thiết  đến sinh mạng của một tác phẩm và dấu ấn văn học của một tác giả thường bị lãng quên, coi nhẹ hoặc hiểu lầm đó là vấn đề bản quyền.

Những cuộc thăm hỏi trong giới sáng tác nghệ thuật Việt Nam cho thấy phần lớn những trước tác gia đều nhận định sai lầm hoặc thiếu sót về luật bản quyền được thiết lập trong công ước Berne từ năm 1886 tại Thuỵ sỹ và có sự ra nhập và thừa nhận của HK từ tháng 3 năm 1989.

 

 Định nghĩa về bản quyền theo công ước Brene.

 

Theo định nghĩa về bản quyền phát xuất từ công ước Brene thì bản quyền là một yếu tố bẩm sinh có ngay từ lúc khởi đầu sáng tác xuyên qua bất cứ giai đoạn nào trong quy trình thực hiện. Người ta cũng quy định “cụ thể”  hơn một chút khi cho rằng :

 “ Tác quyền là một quyền pháp định nhằm bảo vệ những công trình, sản phẩm trí tuệ của một tác giả một khi “đã được định vị trên một phương tiện cụ thể ” nhằm thể hiện sáng tạo của tác giả.

Bản quyền này bao gồm cả những tác phẩm đã xuất bản hoặc chưa xuất bản.

Định nghĩa về tác quyền từ lâu đã bị hiểu sai lầm hoặc thiếu sót khi  cho rằng “một tài sản trí tuệ  chỉ có bản quyền nếu đã được chính thức đăng ký tại quốc gia sở tại.”

 

Đòi hỏi đăng ký này được hủy bỏ qua công ước Berne và đã áp dụng như một luật định tại những quốc gia hội viên trong đó có Hoa Kỳ.

Theo quy định mới, được minh xác trên văn bản chính thức của sở đăng ký bản quyền Hoa kỳ (coyright office) thì:

 

“ Bản quyền cho những công trình sáng tạo tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .

Ngay khi tác phẩm của họ được “định vị” trên một phương tiện ghi chép cụ thể (physical medium) thí dụ như viết trên giấy, vẽ trên vải là tác giả đã tự động được hưởng toàn bộ chủ quyền trên tác phẩm hoặc những sản phẩm phát xuất (biến đổi) từ tác phẩm chính (derivative work). Thi dụ như một tiểu thuyết được viết thành kịch bản hay quay phim.

 

Cụm từ  “ được ghi lại, được thể hiện trên một phương tiện cố định.” sẽ rất quan trọng trong việc xác nhận tác quyền

 

Thí dụ cụ thể, một cốt truyện nẩy sinh trong đầu một nhà văn  chỉ là một ý kiến, sáng kiến nên không có tác quyền. Nhưng khi ý kiến này được viết xuống trên giấy, đánh máy trên computer, vẽ hình, thu thanh, quay video  thì  sẽ được kể là một tác phẩm có bản quyền ngay từ nét chữ đầu tiên.

 Một hoạ sĩ, ngay từ nét cọ đầu tiên trên khung vải đương nhiên đã sở hữu tác phẩm này mà không cần tới bất cứ một sự ghi nhận pháp lý nào.

 

Từ lâu rồi, những ngộ nhận đã đưa tới nhiều lạm dụng khi người ta cho rằng bắt buộc  phải mang đăng ký tại văn khố thư viện quốc hội Hoa Kỳ để có biên lai và số đăng ký thì tác giả mới có chủ quyền.

Điều này hoàn toàn sai lầm vì sáng tạo trí tuệ là một “sở hữu bẩm sinh” của tác giả, không đỏi hỏi phải đăng ký trong giai đoạn thực hiện hay khi đã hoàn tất để ra mắt công chúng hay khai thác thương mại.

Thời trước, một nhà văn chỉ có bút giấy để thực hiện một bản thảo nhưng hiện nay điều được gọi là “phương tiện cụ thể ” để ghi chép một sáng tạo đã mở rộng rất nhiều .

Computer, thu thanh, hình chụp CD video, trạm, khắc nắn tượng vân vân đều là những phương tiện cụ thể và cố định (fixed, tangible  media) để ghi chép tác phẩm và xác định bản quyền.

Việc đăng ký bản quyền là hoàn toàn do chủ quan của tác giả,  chỉ đóng góp rất nhỏ trong phần chứng minh quyền sở hữu, đặc biệt là khi cần phải tranh tụng vi phạm bản quyền.

 

Cho tới 2014 đã có 218 quốc gia chuẩn y công ước Berne và những quốc gia trong WTO cũng hầu như phải tuân thủ luật bản quyền vì một trong những điều kiện gia nhập tổ chức này là một thoả ước thương mại liên quan tới quyền sở hữu tài sản trí tuệ (intellectual property right)

Hoa kỳ chấp nhận công ước Berne nhưng có một điểm hơi khác với công ước chung là luật pháp Hoa Kỳ chỉ  chấp nhận việc bồi thường thiệt hại (statutory dammage) và án phí thù lao luật sư đối với nhửng tác phẩm đã có đăng ký bản quyền.

Nói khác đi là ở Hoa Kỳ, nếu muốn kiện và đòi bồi thường một người đạo văn thì trước hết phải có đăng ký copy right tại quốc gia sở tại.

Luật bản quyền đuợc thừa nhận trên toàn thế giới do đó điều luật đặc thù của Hoa Kỳ chỉ là để ngăn ngừa những vụ thưa kiện vô lối khi mà bất cứ ai cũng có thể tự nhận là tác giả để tranh tụng bản quyền

 

Prima facie?

 

Còn  một điều khác cần  lưu ý đặc biệt trong giới nhà văn VN đó là khoản trong luật định được gọi là “prima facie” liên quan tới việc đăng ký bản quyền

Prima có nghĩa là đầu facie có nghĩa là có mặt hoặc sự đánh dấu xuất hiện.

Đơn giản là việc đăng ký bản quyền với thư viện quốc hội Hoa Kỳ. Người khiếu kiện vi phạm bản quyền có thể đưa ra số biên lai đăng ký Copy right như một bằng chứng tiên khởi để xin toà  án tiếp tục thụ lý vụ án nhưng không có nghĩa là bản quyền (copy right)  đã được thừa nhận hợp pháp cho người mang đăng ký

 

Trong điều kiện sinh hoạt khó khăn tại hải ngoại, rất nhiều nhà văn, thi sỹ, nhạc sĩ, hoạ sỹ  di tản trong nhiều năm qua vẫn nỗ lực sáng tạo trong âm thầm nhưng chưa chính thức xuất bản vì thiếu tài chánh, chưa vừa ý, còn tiếp tục sửa chữa hoặc đã xuất bản nhưng không biết hoặc không lưu tâm tới việc đăng ký.

Ở thời đại điện tử, một số tác phẩm còn được phát tán cho nhiều người dưới dạng phổ biến hạn chế qua E mai, CD hoặc copy vì chưa có tiền xuất bản.

Nếu chẳng may trong số những thân hữu được đọc những tài liệu trong vòng thai nghén này lại có những tên đạo tặc chữ nghĩa, những con buôn, những gã háo danh thì việc bảo vệ bản quyền có phần nào ảnh hưởng vì điều luật prima facie.

Theo điều luật prima facie thì nếu việc đăng ký tác quyền xảy ra trong vòng năm năm thì đương đơn có thể dùng làm một bằng chứng sơ khởi để toà “cho phép tiến hành vụ án”  trong vòng sơ thẩm (preliminary hearing)  .

Nhiều người không hiểu rõ chuyện này nên vẫn cho rằng biên nhận và danh số copy right  là bằng chứng có giá trị tuyệt đối về tác quyền.

Nói khác đi, ai đăng ký trước thì có tác quyền

Thật ra,  prima facie không phải là một bằng chứng về tác quyền vì nó đi ngược lại với văn bản nền móng của luật tác quyền theo đó “ một tác phẩm là sở hữu bẩm sinh của tác giả ngay từ phút đầu sáng tạo.”

Bọn đạo văn, bọn hiếu danh, con buôn có thể ăn cắp bản thảo rồi âm thầm đăng ký copy right và tưởng rằng ra tay trước như vậy là ăn chắc.

Người ta có thể đăng ký bất kỳ bản thảo nào mà không hề bị cật vấn và sẽ có ngay biên lai ghi nhận ngay cả làm giấy nhận bản quyền Truyện Kiều là của mình.

Nói dung tục thì đăng ký copyright cũng tương tự như việc có dấu đóng ghi ngày sản xuất trên một gói thịt heo mua ở chợ

Trong định nghĩa luật pháp, prima facie chỉ coi việc  đăng ký copy right như là một bằng chứng “sơ khởi” để người khiếu kiện (đương đơn) không bị toà huỷ bỏ việc cứu xét ngay từ bước đầu sơ vấn .

Có đăng ký bản quyền tức là có Prima facie thì đương đơn tức là người đi kiện có ưu điểm là ngay ở mức sơ thẩm sẽ không bị bên  “ bị đơn”  xin toà cho miễn tố, chấm dứt, hủy bỏ từ trứng nuớc những vụ kiện vớ vẩn, không đủ yếu tố tiến hành vụ án.

Sau prima facie, giai đoạn kế tiếp “ burden of proofs, burden of evidence” mới là đòi hỏi quan trọng để chứng tỏ ai gian ai ngay

Nói đơn giản, nguyên đơn phải trưng ra đủ loại bằng chứng liên quan tới vụ kiện đủ để thuyết phục chánh án hay bồi thẩm đoàn nhưng nếu thất bại trong việc chứng minh này thì  “bị đơn” sẽ xin toà hủy bỏ ngay vụ án mà mình không cần đưa bằng chứng phản biện.

Thí dụ trong một nghi án giết người, ở vòng sơ thẩm luận tội xem có đủ yếu tố không,  nếu công tố viện có bằng chứng là nghi can từng hăm doạ “tao giết mày “ thì câu nói này là một Prima facie để phiên toà tiếp tục.

 

Một số tác giả tuy chưa đăng ký nhưng vẫn để đấu hiệu copy right by và all rights reserved để làm cảnh vì nghĩ rằng như vậy là đủ bảo đảm tác quyền .

Mặt khác, nhưng gã đạo văn lại nghĩ rằng một khi đã có  ghi nhận đăng ký là đã cướp cạn được tác phẩm của người khác . Cả hai điều này đều không đúng.

 

Việc đăng ký copyright với sở đăng ký thư viện quốc hội chỉ là chuyện “cần làm ” khi “tác giả thực sự” của một tác phẩm muốn có  một bằng chứng tiên khởi để không bị bồi thẩm đoàn bác bỏ (dismiss) những tranh tụng vi phạm bản quyền ngay từ đầu.

Nói khác đi là khi muốn thưa người khác ăn cắp sáng tác của mình hay ngược lại, khi bị bọn đạo văn ăn cắp tác phẩm rồi dùng tiền bạc thưa ngược tác giả thì đó là lúc nên copy right để thêm yếu tố phản tố (counter sue) hay phản cung tự vệ.

Việc làm copyright này có thể tùy nghi làm bất cứ lúc nào củng được.

Thủ tục toà án rất phức tạp, phiền nhiễu, tốn kém.  Người khởi tố một vụ vi phạm bản quyền phải đưa ra đủ bằng chứng về chủ quyền tác phẩm của mình, với nhân chứng, tài liệu, quá trình làm việc vân vân.  Phía người bị truy tố vi phạm cũng phải hành động tương tự để biện minh.

Trong thực tế, bọn con buôn, bọn đạo tặc văn nghệ thường vô lương tâm và có tiền của. Phía văn nghệ sĩ di tản vốn nghèo nên thường phải cay đắng bỏ cuộc vì không có thời giờ và phương tiện để theo đuổi vụ kiện.

Nhạc sĩ Phạm Vinh, Phượng Vũ, nhà văn Lâm Tường Dũ, nhà thơ phê bình gia Nguyễn Mạnh Trinh từng đã trải nghiệm những vụ vi phạm hay cướp cạn bản quyền

 

Mua tranh không mua được tác quyền

 

Trong ngành hội hoạ cũng có những vi phạm không ngờ tới .

Giới hoạ  sĩ và ngành tạo hình Việt Nam thường không biết rõ những quyền lợi của mình sau khi đã bán một tác phẩm.

Một bức tranh được bán đi, người hoạ sĩ vẫn giữ tác quyền đối với sản phẩm trí tuệ của mình. Người mua tranh chỉ sở hữu quyền thưởng ngoạn bức tranh và những sản phẩm vật chất như khung ảnh vải bố mà thôi .

Nếu bức tranh sau khi bán được sao chụp lại, được in ra nhiều bản hoặc mang bán kiếm lời, dùng làm phương tiện quảng cáo, mạo nhận tác quyền bằng cách tẩy xoa tên tác giả viết tên mình vào vân vân là đã vi phạm tài sản tinh thần của tác giả (ngoại trừ có giao kèo thoả thuận trước)

Hiện nay việc in lại, chụp hình digital, sửa chữa ngụy tạo trên photo shop quá dễ dàng.

Việc in lại hình ảnh trên canvas tạo được những tác phẩm copy “tương tự ” và hẫp dẫn như nguyên bản khiến việc bán tranh hoặc sự chuyển nhượng bản quyền trên quan điểm luật pháp của giới tạo hình cần được nghiên cứu lại nghiêm chỉnh.

 Trong phạm vi hội hoạ, vì là một tranh vẽ nên người mua cũng có quyền đòi hỏi sự “độc nhất vô nhị”  của của tác phẩm. Có nghĩa là tuy hoạ sĩ giữ bản quyền nhưng chính hoạ sỹ cũng không được quyền sao chụp, phát tán dưới mọi hình thức (nhất là cho mục tiêu thương mại).  Phía người mua tranh cũng bị cấm đoán tương tự.

 

Chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản trí tuệ : exclusive và non exclusive.

 

Tóm lại, chính yếu là những quy định luật pháp về sự chuyển nhượng quyền sở hữu.  Một sản phẩm trí tuệ có thể cho thuê, cho mướn đuợc.

Sự chuyển nhượng này theo luật Hoa Kỳ phải được ghi nhận trên văn bản. Văn bản có thể đơn giản hay phức tạp nhưng “chính yếu phải có chữ ký của tác giả”.

Sự chuyển nhượng có thể là độc quyền (exclusive) hay không độc quyền (non-exclusive).  Nếu là non- exclusive thì sự sang nhượng dễ dàng hơn, tác quyền có thể bán cho nhiều người nhưng cốt yếu vẫn là phải có những thoả thuận trên văn bản để tránh những lạm dụng.

Trong giới hội hoạ một vài người còn cẩn thận đòi người mua phải làm một văn kiện về giá trị của sản phẩm “Statement of value” hoặc certificate of authenticity trong đó có ghi ngày bán, giá bán vân vân và những điều kiện được hai bên ký kết liên quan tới việc xử dụng khai thác sản phẩm.  Bình thường thì không có vấn đề nhưng “chẳng may” một bức tranh đột nhiên có giá, một tác phẩm được quay thành phim hay bestseller lúc đó những vấn đề quyền lợi sẽ nẩy sinh.

Không những quyền lợi vật chất mà còn vấn đề mỹ học, nghĩa vụ luận, danh dự nghề nghiệp nữa.

Giả sử một tác phẩm ưng ý của hoa sỹ Khánh Trường vẽ theo chủ đề mà ông gọi là “Cõi Tịnh độ của nước Phật” lại được một tên trọc phú mua về chụp hình và cho in như một hình trang trí trên giấy napkin hay bao rác, giấy vệ sinh thì dù không liên quan tới tiền bạc nhưng hoạ sỹ vẫn có thể kiện đòi bồi thường được.  Vì thế, nếu có tiêu chuẩn soạn sẵn một giao kèo (bill of sale) thì sẽ tránh được nhiều chuyện nhức đầu như nói trên.

Trên nguyên tắc, những ca sĩ khi trình diễn một tác phẩm trong một môi trường thương mại như hãng thu băng, đại nhạc hội vv là phải được sự đồng ý của tác giả.

Phạm Duy từng cấm ca sỹ Tuấn Anh hát nhạc của mình và nhạc sỹ Nguyễn Ánh Chín nhẹ nhàng hơn còn khuyên anh ca sỹ Mr. Dàm khong nên hát nhạc của ông.

Trong phạm vi âm nhạc việc vi phạm tràn đầy trên Internet, Youtube nhưng những nghiên cứu khoa học lại cho thấy vi phạm kiểu này thuờng làm tăng thương vụ vì nó như một hình thức quảng cáo.

Trong thực tế điều kiện xin phép trực tiếp khó thực hiện vì một mặt người nhạc sĩ cũng cần có ca sĩ để phổ biến tác phẩm của mình tuy nhiên với những tác giả quá nổi tiếng như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Văn Cao thì quyền lợi vật chất lại nổi rõ lên nhất là đối với những hậu duệ không mấy khá giả như trong trường hợp Văn Cao khi tác phẩm của ông đã được đem ra cho việc khai thác thương mại.

 

Bóp chết hay phát triển văn học, trí tuệ.

 

Một câu hỏi được đặt ra là nới rộng luật bản quyền, không đòi hỏi tác giả phải đăng ký có cản trở sự phổ biến văn hoá sâu rộng hay không?

Tiên khởi luật mới đặt nặng và tôn vinh vai trò sáng tạo của con người, trả lại sự tự do tuyệt đối cho sáng tạo.  Công việc của trí tuệ là sáng tạo vì thế không thể bị ràng buộc hay chi phối bởi những ảnh hưởng bên ngoài.

Nói như thế có vẻ mơ hồ nhưng hãy tưởng tượng, một nhà thơ sáng tạo một vần thơ trên giấy thì bài thơ đó bẩm sinh là đứa con tinh thần của tác giả, không cần phải trình báo gì cả.  Mọi người phải tôn trọng vì nó là sở hữu máu thịt của tác giả.

Một thi sĩ vô danh từ 200 năm trước làm một bài thơ không ai biết đến, 200 năm sau có người tìm ra được thì bài thơ đó vẫn là của thi sĩ đó.  Sẽ là ăn căp nếu lấy bài thơ đó đăng ký copyright tên mình.

Trên mặt báo hàng ngày, trên mạng xã hội có hàng ngàn thi sỹ văn sỹ vô danh với những bài thơ xuất sắc đột xuất mà không hề có copyright mà trên nguyên lý là sản phẩm trí tuệ của họ dù trong thực tế vẫn có người đi ăn cắp sáng tạo của người khác nên đã nẩy sinh luật bản quyền.

Tôi ngẫu hứng phổ nhạc hai bài thơ của hai người bạn thân là ký giả Nguyễn Khắc Nhân và Đặng Tường Vi.  Yêu quý nhau thì phổ nhạc thơ của nhau nhưng nếu bài nhạc này trở thành nổi tiếng làm ra tiền và ông bạn tôi thay lòng trở thành tham lam thì ông Nguyễn Khắc Nhân có thể kiện tôi vi phạm bản quyền và thưa ra toà đòi thiệt hại.

Với thời gian, chính luật bản quyền này lại bị vi phạm trầm trọng vì những thế lực hoặc kẻ gian dùng sự ràng buộc của luật lệ và mánh khoé để cướp cạn tim óc kẻ yếu thế.

 Ông Khai Trí là người được mô tả rất tử tế với giới văn nghệ sỹ nghèo, rộng rãi và sòng phẳng, sẵn sàng mua bản quyền của nhiều tác giả vô danh và nghèo nhưng sau đó để những tác phẩm này héo hon đóng bụi trong kho nhà xuất bản.

Bãi bỏ đòi hỏi phải copyright cũng tạo khó khăn mới là bất cứ ai cũng có thể thành tác giả, thành thi sĩ, văn sĩ và bất cứ ai cũng có thể đâm đơn kiện vi phạm bản quyền nếu người đó thuộc loại “chí phèo” và có tiền nuôi luật sư.

Việc phổ biến văn hoá do đó cũng bị hạn chế vì một mặt đòi hỏi phải liên lạc được với tác giả và phải có những thoả thuận phiền toái để xin phép tác giả.

Một người khác lấy cốt truyện của hoạ sỹ Rừng quay thành phim cũng đã phải viết thơ xin lỗi.

Tương tự cũng có người in lại không xin phép bản dịch một truyện ngoại quốc mang tựa đề "người vợ cô đơn" của nhà văn Mặc Đỗ nên sau khi được luật sư thông báo đã xin lỗi việc vi phạm.

Trong vụ này người ta thấy có thể đã có hai vi phạm vì trước đây tại Việt Nam trong nhu cầu phổ biến văn hóa quốc tế, rất nhiều tác phẩm ngoại quốc đã được phiên dịch hay phóng tác  ra tiếng Việt mà không hề có phép của tác giả.

Trong thực tế chuyện xin phép này này rất khó thực hiện trong bình diện quốc tế, nhất là đối với những tác phẩm nhỏ như truyện ngắn, thơ , đoản văn được chuyển ngữ ra tiếng Việt vân vân.  Tuy nhiên  muốn sử dụng tác phẩm của người khác mà không liên lạc được cũng nên lịch sự tối thiểu bằng cách ghi xuất xứ hoặc có lời xin lỗi khi có sự than phiền.

Dù vậy, vẫn có những nhà văn hoá có lương tâm chức nghiệp cao như trường hợp nhà văn Minh Thu của tuần báo Văn Nghệ ở Việt Nam đã viết thơ xin phép nhà văn Viên Linh được đăng lại tiểu thuyết “Nơi tôi đã ở” của ông.

Đây là một tờ báo chính thức của hội nhà văn Việt Nam nên trên Manchette có hàng chữ “ vì xã hội chủ nghĩa”.  Ông Viên Linh trả lời là chỉ đồng ý nếu những số báo có đăng bài của ông  bỏ đi hàng chử “vì chủ nghĩa xã hội” nói trên.  Đây là một khước từ khéo léo.

 

The poor man’s copy right”.

 

Ngược lại, với sự nới rộng định nghĩa về tác quyền (copy right) tác giả cũng phải có những biện pháp đề phòng bọn đạo tặc văn nghệ bằng cách duy trì, kiến tạo những bằng chứng bán chính thức về  quá trình sáng tạo để tự bảo vệ nếu có kẻ muốn cướp dựt tim óc của mình.

Vì thế, có chuyện buồn cười nhưng từng được áp dụng đó là việc đăng ký copyright theo điệu con nhà nghèo” the poor man’s copy right”.

Tác giả bỏ bản thảo vào một phong bì dán kín, mang ra bưu điện gửi bảo đảm cho chính mình và dùng dấu bưu điện làm bằng chứng.

Nói chung là làm nhiều cách để có tang chứng đứa con tinh thần là của mình không phải  đi nhặt ngoài đường . Thí dụ khác là gửi copy bản thảo cho bạn bè coi, mang khoe với mọi người vân vân.

 

Những người ủng hộ quan điểm bỏ đăng ký copyright thì cho rằng vì sáng tạo là làm nẩy sinh cái mới dựa trên những cái cũ.  Luật chỉ cấm ăn cắp nguyên con thôi nhưng nếu dùng ý kiến của người khác để tạo cái mới, dưới một thình thức mới hoặc trích dẫn  thì được.

Thí dụ đọc tập thơ “Thủy Mộ Quan” của nhà thơ Viên Linh tôi có thể lấy sáng kiến này làm thành một bài thơ nhan đề “ Đường vào Mộ Biển”.  Cùng ý nhưng sáng tạo mới.  Ông Hoàng Khởi Phong năm 1975 là bài thơ “ khi tôi chết xin hãy làm thuỷ táng”.  Sau này có bài thơ của Du tử Lê  “ Khi tôi chết xin mang tôi ra biển”, tôi tiếp ý này làm bài thơ “ khi tôi chết xin hãy làm không táng”.

Theo luật định, một bài thơ, một cuốn truyện là những sáng kiến, những sáng tạo được định hình bởi tác giả qua tác phẩm ghi trên giấy.  Tác giả chỉ có thể copyright tác phẩm nhưng không thể copyright những tư tưởng, ký kiến, quan niệm ghi trong tác phẩm vân vân.

Một người khác có thể khởi từ những tư tưởng này tạo nên những sáng tạo mới, đặc thù hơn nhờ đó những sản phẩm trí tuệ ngày càng phong phú hơn mà không bị ràng buộc quá chặt chẽ bởi copyright.

 

Làm thuê viết muớn  (work for hire).

 

Sáng tạo, tim óc cũng là chuyện có thể thuê mướn được.  Đó là trường hợp mà luật pháp Hoa Kỳ gọi là Work for hire.  Định nghĩa căn bản là khi tác giả được thuê để hoàn thành tác phẩm và sáng tác được thực hiện trong khuôn khổ, điều kiện nơi được mướn làm việc (within the scope of employment) hoặc có giao kèo.

 

Trong trường hợp Làm thuê Viết muớn này người chủ mới có bản quyền và người làm công (thí dụ nhà văn, hoạ sỹ) chỉ có thể xử dụng tác phẩm của mình nếu có sự thoả thuận với chủ nhân.

Chủ nhân có thể là tổ chức hay cá nhân. Nếu là một tác phẩm hoàn thành tập thể thì phải có văn bản đồng ý của các thành phần tham dự.

 

Cụm từ căn bản và quan trọng trong trường hợp viết mướn là :

“Thực hiện công trình trong khuôn khổ, điều kiện nơi được mướn làm việc (within the scope of employment) .”

Thí dụ một ký giả ăn lương của tờ báo, ngồi tại toà soạn, dùng các phương tiện của  tòa báo như computer, điện thoại, bàn ghế  để viết một bài phóng sự thì đó là tài sản của tờ báo.  Thù lao trích dịch bài báo này sẽ trả cho tờ báo.

Điều chính yếu là bằng chứng trong quá trình làm thuê viết mướn phải thể hiện qua một “hợp đồng thuê mướn” có chữ ký của những phe liên hệ.

Không có hợp đồng tương thuận này giữa những đối tác thì không thể chứng minh một công trình là Work for hire . Làm việc có sổ lương là một thứ hợp đồng làm thuê.

Gửi một bài báo đến cho toà báo, nhận tiền nhuận bút, sau đó xuất bản những gì đã viết không là vi phạm bản quyền vì bài viết thực hiện ngoài toà soạn, không dùng phương tiện của toà báo. Tác giả chỉ chuyển nhượng bản quyền hạn chế (non exclusive) cho toà báo.

 

Hội Văn Bút, Hội Ký Giả, Hiệp Hội Truyền thông.

 

Đã 49 năm qua, thân phận những người nặn tim óc của mình ra để sáng tạo đi từ chỗ hoang mang đói rách, tới tuyệt vọng. Không một ai tung cầm bút hay đang cầm bút có thể sống trọn vẹn như một nghề nghiệp.

Trong 49 năm đó, đã có rất nhiều hội đoàn liên quan hoặc nhân danh giới cầm bút và văn nghệ sỹ nhưng những hội đoàn này chưa có một hoạt động nhằm yểm trợ, phục vụ hay bảo vệ quyền lợi thực tế của giới văn nghệ

Chỉ riêng quận Cam ở Cali cũng có hàng chục hội đoàn liện quan tới sinh hoạt văn học nghệ thuật của người Việt Hải ngoại.  Kể không thể hết được nếu xét trên toàn nước Mỹ.

Khởi đầu là những hội thuộc loại “chính quy” của giới cầm bút  thí dụ như những chi nhánh những hội văn bút thuộc tổ chức văn bút quốc tế Pen International, hội nhà văn không biên cương, và ở Nam Cali cũng có ba hội như hội văn bút Tây Nam Hoa Kỳ, Hội Văn Bút thế giới, Hội Ký giả, Hiệp Hội Báo Chí và Truyền Thông Hoa Kỳ và rất nhiều hội tương tự như hội Vaala ( Vietnamese American Arts and Letters Association), Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thông Việt Nam  vân vân.

Một vài hội đoàn còn may mắn được tài trợ của chính phủ dưới chương trình quốc gia tài trợ nghệ thuật (National Endowment for the Arts).

Những hội đòan này, trong giai đoạn đầu tỵ nạn chỉ chú ý vào những mục tiêu lớn lao mang tính đấu tranh chính trị nói chung cho quyền tự do tư tưởng và sáng tác, thí dụ tranh đấu cho những văn nghệ sỹ bị cầm tù ở quê nhà.

Những nỗ lực này dần đần nhạt nhoè đi, các hội đoàn cũng tàn úa theo vì không có thực lực, chính yếu là giới cầm bút và báo chí chia năm sẻ bẩy theo quyền lợi cá nhân, tổ chức hay cứu cánh thương mại.  Quận cam có ba tờ nhật báo lớn và vài chục tờ tuần báo lẻ tẻ nhưng không ai nói ai nghe.  Trong nhiều năm, giới cầm bút chuyên nghiệp trở thành những con mồi để bọn con buôn chữ nghĩa hút máu.  Những tác phẩm cũ được ào ạt tái bản mà không cần thoả thuận hay trả nhuận bút dù tượng trưng cho tác giả du nhiều người đang sống trong cơ hàn ở quê nhà.  Nhiều nhà xuất bản, những tiệm sách không những làm giầu trong những năm đầu sau 1975 nhờ tái bản sách cũ.

Nắm trong tay phương tiện phát hành, một vài nhà sách, nhà xuất bản còn bóc lột, thao túng thị trường chữ nghĩa, đàn áp, coi rẻ những nhà văn nhà thơ vẫn cố gắng sáng tác ở hải ngoại.  Đám con buôn chữ nghĩa này vẫn vênh váo, hỗn sược, cưỡng đoạt tài sản trí tuệ của giới sáng tác.  Ngoài khoản hoa hồng nhiều khi lên đến 60%, nhà văn mang sách đến gửi bán coi như được ban ân, khi đến thu tiền bán sách bị chủ tiệm coi như ăn mày, chủ tiệm sách ăn nói hỗn hào hoặc quỵt tiền.  Những báo lớn thì phe đảng, dành đất đăng cáo phó hơn là giúp giới thiệu hoặc phát huy những sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Kết quả ra sao đã quá rõ. Không có sự hỗ trợ của các nhà xuất bản, tiệm sách, ấn phí quá cao, không rõ thủ tục đăng ký, không thể kiếm sống tối thiểu bằng nghề sáng tác, hầu hết những văn nghệ sỹ nhà nghề đều bỏ cuộc hoặc một số người đành mang tác phẩm mà mình thai nghén trong nhiều năm ra tặng không cho những nhà xuất bản với an ủi là đứa con tin thần của mình, ít nhất đã ra đời và có được vài cuốn để tăng bạn bè.

Điển hình như nhà văn nhà báo Huỳnh Văn Lang, nguyên chủ nhiệm sáng lập tạp chí Bách Khoa với những tác phẩm đồ sộ đầy chi tiết chính xác và sống động liên quan tới thời đệ nhất Cộng Hoà trong đó ông là một thành viên thân cận với tổng thống Diệm ngay từ ngày đầu trứng nước, đã phải thân tặng công trình của mình cho nhà xuất bản, chỉ mong đứa con tinh thần được ra đời.  Nhà văn Mai Kim Ngọc và rất nhiều tác giả mới cũng hành động tương tự.

 

Digital out put và Internet

 

Trong những năm gần đây, những tiến bộ lớn lao, mau chóng trong ngành điện toán và kỹ thuật digial ouput đã tạo một sinh khí mới cho giới văn nghệ sỹ nhưng đồng thời cũng nẩy sinh  những khó khăn mới trong đó vai trò của những hội đoàn đại diện giới văn học nghệ thuật cần phải đặt lại vai trò và nghĩa vụ của mình đối với với đồng nghiệp.

Trước hết với computer và những chương trình đánh máy tiếng Việt khởi đầu với công ty VNI đã giải quyết được 50% khó khăn trong việc ấn hành tác phẩm (vốn là một gánh nặng hầu như không thể vượt qua được trong giai đoạn 1975).

Phần sắp chữ đã giải quyết nhưng cách đây 10 năm ấn phí còn quá cao. In một cuốn sách 300 trang với bìa mầu offset có thể tốn vài ngàn mỹ kim nên rất ít tác giả có khả năng cho đứa con tinh thần ra chào đời trừ những sản phẩm nhắm vào thị hiếu như sách bói toán, chyện ma quỷ, truyện khiêu dâm.

Thêm một bước tiến quan trọng khác trong vài năm gần đây là kỹ thuật digital output bằng laser copier, một tác phậm có thể in với số lượng cực ít, từ một cuốn tới vài trăm cuốn, bìa mầu tuyệt đẹp, chuyên nghiệp mà giá cả chỉ vài đồng.

Ngoài digital ouput, nếu tác giả không cần tiền, hay chưa có tiền in, có thể phổ biến tác phẩm của mình trên mạng Internet hay nhờ Amazon bán tác phẩm dưới dạng e book hay sách in theo cung cầu.  Ai đặt mua thì amazon mới in từng cuốn một.

Những phương tiện tân tiến này đột nhiên đẩy mạnh số người gia nhập làng sáng tác, hay, dở, giá trị, điên khùng, mua danh, có đủ mặt.

Việc phát tán quá đễ dàng những phương tiện ghi chép và ấn loát điện tử này tạo ra một số vấn đề liên quan tới bản quyền.

Ngày trước một tác giả thường chỉ có một bản thảo viết tay duy nhất hay đánh máy chữ sao ra một hai bản nên việc ăn cắp bản thảo, nguỵ tạo tác quyền khó xẩy ra.

Hiện nay, rất nhiều tác giả trong quá trình biên soạn thường E Mail cho thân hữu để thông tin, lấy ý kiến hay phổ biến hạn chế trên face book, trên những tạp chí điện tử khiến việc đánh cắp bản thảo hay copy điện tử, xâm phạm bản quyền (plagiarism) rất đễ xảy ra.

Ngay cả cũng có những người háo danh hay những kẻ gian tham ăn cắp tác phẩm của người khác, sửa sang láo lếu rồi đăng ký với tên mình hay biến đổi sơ sịa để khai thác thương mại hay chỉ in ra vài bản mang khoe để tự nhận là nhà văn.

Tất nhiên cần lưu ý là việc mang đăng ký, hoặc in ra vài ấn  bản hard copy như nói ở trên tuy hoàn toàn vô giá trị trong việc thừa nhận tác quyền nhưng không vì thế không gây phiền toái cho tác giả thực sự của tác phẩm.

Có những trường hợp mà sự mạo nhận hay vi phạm đi quá đà hoặc liên quan tới quyền lợi nặng nề, kẻ đánh cắp lại có nhiều tiền bạc đã kiện ngược tác giả thì lúc đó có hai vấn đề nẩy sinh đó là việc chứng minh tác quyền thực sự và những tốn phi liên quan tới tranh tụng.

Thường thì những nhà văn, nghệ sỹ Việt nam di tản không kham nổi nên đành chịu thua.

Đây là lúc mà vai trò của những hội văn hoá có thể đóng một vai trò tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của những người cầm bút chân chính.

 

Làm sao bảo vệ

 

Việc đăng ký tuy không bắt buộc và khá đơn giản và có thể làm bất cứ lúc nào nhưng cũng ít nhiều tốn phí khiến nhiều tác giả Việt Nam phần nào ngại ngùng.

Hơn nữa những tác giả có uy tín và thận trọng thường sửa chữa nhiều lần tác phẩm của mình trước khi chính thức trình làng vì thế họ không muốn đăng ký ngay.

Đây là lúc mà những hội nhà văn, hội văn bút có thể đóng góp khá hiệu quả trong việc bảo vệ bản quyền cho đồng nghiệp của mình để họ không cần chính thức đăng ký ngay mà vẫn bảo vệ được tác quyền.

Những hội có uy tín quốc tế, hoặc những hội có license có thể tạo một bộ phận ghi nhận bản thảo của nhà văn toàn phần hay từng phần trong quy trình thực hiện tác phẩm.

Sự ghi nhận này không có giá trị tuyệt đối nhưng là một phần quan trọng trong trách nhiệm trưng ra bằng chứng "burden of evidence".  Đây chính là những dữ kiện giúp đễ dàng trong việc bảo vệ bản quyền.

Kế đó những hội văn hoá có thể đứng ra  làm trọng tài hay phân xử sơ bộ những vi phạm bản quyền vô tình hay cố ý, đôi khi xảy ra ngay trong giới sáng tác như mới đây có vụ nhà văn Hà Thúc Như Hỉ và bà Nhã Ca đồng thời xác nhận là tác giả truyện phim “Đất Khổ” đã được quay thành phim.  Giữa hai đồng nghiệp, bạn văn, kiện cáo có lẽ không xảy ra nhưng một nghi án văn học vẫn là điều cần được làm sáng tỏ.

Vai trò trung gian, trọng tài của những hội nhà văn sẽ giúp giải tỏa êm đẹp trong trường hợp này.

Sau cùng là khi có sự vi phạm xét ra quá rõ ràng và môt nhà văn không đủ phương tiện để trang trải phí tổn tranh tụng để tự vệ thì hội sẽ yểm trợ, bảo trợ việc tranh tụng nếu xét có đủ bằng chứng.  Đây có thể coi là những toà án bán chính thức trong giới sáng tác, không có giá trị luật pháp nhưng có giá trị về mỹ học và nghĩa vụ luận trong giới sáng tác.

Trong thực tế, việc vi phạm bản quyền đôi khi quá rõ ràng nhưng đôi khi cũng rất phức tạp vì thế những ý kiến mang tính chuyên môn “expertise” của những nhà văn, nghệ sỹ có thành tích, có chiều dài sinh hoạt nghề nghiệp trong hội nhà văn sẽ có giá trị cao trước luật pháp.

Thí dụ khi một tác phẩm, một bài văn bị đánh cắp và sửa chữa, đạo văn, đạo nội dung, nếu được một hội đồng chuyên viên đánh giá gồm những nhà văn, phê bình gia văn học chuyên nghiệp mang so sánh dưới kính chiếu yêu tất nhiên sẽ thấy ngay được sự vụng về hay chắp vá và những dữ kiện phát hiện này sẽ được sự dụng như những bằng chứng để soi sáng sự thật trước pháp luật.  Nên nhớ những ý kiến chuyên môn này thương được đánh giá cao trong các vụ án.

Người Hoa Kỳ họ rất tinh tế trong vấn đề này thí dụ nhà bình luận gia nổi tiếng của tờ Newsweek là Fareed Zakaria trích đẫn nguyên con một đoạn văn trong bài viết của người khác, đã bị tổ chức   Anonymous Media Watchdogs (Tổ chức Ẩn danh Giám sát Truyền thông) phát hiện và bị tờ báo treo giò như một vết nhơ nghề nghiệp.  Tỷ phú Donald Trump hiện ra ứng cử tổng thống Mỹ đang bị chỉ trích vì xử dụng bài hát Rockin’ in the free world của nhạc sỹ Neil Young để làm nhạc đề tranh cử mà không có phép của nhạc sỹ này.  Mọi người đều có thể hát bản nhạc này nhưng sử dụng nó cho một mục tiêu mang tính thương mại lại là một vi phạm bản quyền.

Những hội đoàn Việt Nam tại hải ngọai có hoạt động liên quan tới giới sáng tác cũng có thể có những hoạt động tương tự như tổ chức Media Watchdogs nói trên để phát hiện, phân xử khi có những vi phạm bản quyền.

Khoản về Fair Use của luật bản quyền cho phép trích dẫn hay dùng những dữ kiện của một tác phẩm xuất bản trước nhưng sự sử dụng ý kiến, sáng kiến này không thể là sự ăn cắp toàn bộ một tác phẩm mà phải là sự xử dụng những dữ kiện cũ để tạo thành một sáng tác hoàn toàn khác lạ, đưa tới những nhận định, ý kiến những khai phá mới.

 

Một vài văn nghệ sỹ Việt Nam ở hải ngoại từng bị bọn con buôn, bọn háo danh cướp cơm chim trắng trợn. Cốt truyện của họ bị mang quay phim, truyện của họ, nhạc của họ bị  cướp bản quyền vì không có tiền thưa kiện hay không hiểu biết về luật pháp.

     

 

Phần trình bầy nói trên chỉ là sự đúc kết, suy diễn từ những tài liệu và tham khảo với các luật sư nhưng không thể coi là một lý giải đúng tiêu chuẩn luật định.  Sự tham khảo trực tiếp với luật sư đại diện mới được kể là chính thức.

Tham khảo : Văn bản chính thức về luật bản quyền của Sở Đăng ký Copyright Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ.  Copy right & left . Công ước Berne và luật bản quyền.  WTO và tài sản trí tuệ.  Luật sư Nguyễn Văn Thinh, luật sư Daniel Hoang.

 

Đông Duy Hoàng Kiếm Nam

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Năm 20211:54 SA(Xem: 9813)
Tôi gặp anh Nguyên Minh lần đầu tại một quán cà phê vỉa hè đường Phan Xích Long. Hơn mười năm trước tôi thường viết bài trên trang vanchuongviet, ngày ấy chủ biên Nguyễn Hòa chưa ngã bệnh anh còn xông xáo chuyện chữ nghĩa. Anh em thỉnh thoảng gặp nhau khi tôi vào Sài Gòn, hôm ấy có tôi, vợ chồng anh chị Trương Văn Dân _ Elena, anh Nguyễn Hòa hẹn gặp Sâm Thương và Nguyên Minh. Các anh đều là những bậc tiền bối tôi ngồi nghe các anh bàn luận và dự tính ra mắt một tập san văn học nghệ thuật riêng của mình, từ đó anh em quen nhau.
20 Tháng Tư 20215:10 CH(Xem: 10108)
Mỗi lần nghĩ đến chiến tranh, giải phóng đất nước, cách mạng dân tộc, tự do nhân quyền, xuống đường biểu tình... đầu óc tôi lơ mơ liên tưởng đến vụ Thiên An Môn năm nào. Hình ảnh người đàn ông hiên ngang tiến ra giang rộng hai tay đòi hỏi tự do, chận đứng xe tăng, chống lại quyền lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản Trung Quốc. Hình ảnh anh hùng, xem cái chết tựa lông hồng, với lòng đầy thách thức, đòi hỏi tự do dân chủ nhân quyền cho xứ sở. Hình ảnh đó đã đánh mạnh vào tâm não toàn thể người dân trên toàn thế giới. Riêng tôi, vẫn âm thầm nghĩ tới người lính lái chiếc xe tăng khổng lồ đầy răng sắt. Hẳn ông phải là một người rất đỗi từ bi, nhân hậu? Thương người như thể thương thân. Ông từ chối giet người, dù trong tay nắm toàn quyền nghiền nát người đàn ông hiên ngang hùng dũng kia. Hành động nghiền nát đó, sẽ được coi như một chiến công hiển hách đối với đảng và nhà nước.
20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 10651)
Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 10593)
Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.
20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 10261)
Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”
15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4183)
Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến? Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm
15 Tháng Tư 202112:27 SA(Xem: 10329)
Chiếc xe gài số lui ra khỏi sân nhà, ngang mấy hàng lan Hoa Hậu và gốc nhãn đang đậu trái nhỏ li ti, thành chùm. Tôi hỏi: Xe nhà mình lúc đó là xe gì? Ba nói Con không nhớ sao? Tôi gấp lại dãi khăn tang trắng. Hôm mãn tang Ba, ở chùa về, tôi đã định đốt dãi khăn trong lò sưỡi. Tháng này trời Cali chưa chiều đã nhá nhem. Tôi để cuộn khăn trở lại bàn nhỏ cạnh đầu giường. Ba không còn ngồi trên ghế gần cửa ra vào. Trong phòng còn có mình tôi.
15 Tháng Tư 202112:10 SA(Xem: 10823)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.
01 Tháng Tư 20214:31 CH(Xem: 11948)
Vào một ngày đầu hè năm 2019, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của một người lạ, bạn ấy nói muốn gặp tôi trò chuyện vì đang làm ký sự Trịnh Công Sơn của Đài truyền hình Việt Nam. Chúng tôi hẹn gặp ở quán cà phê Trịnh Công Sơn trên đường Xuân Diệu để nghe nhạc và trao đổi cùng vài người bạn. Lúc ấy tôi mới biết bạn là Nguyễn Đức Đệ đạo diễn đang làm phim ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” gồm 5 tập, kịch bản và cố vấn phim do nhà báo Trần Ngọc Trác ở Đà Lạt một người đam mê nhạc Trịnh đảm nhận. Anh Trác đề nghị cho anh photo tất cả tài liệu mà tôi sưu tầm được khi làm luận văn thạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tư liệu, ngày mai sẽ vào trường Đại học Quy Nhơn quay ngoại cảnh, tìm lại dấu vết cũ nơi Trịnh Công Sơn đã từng học thời gian 1962-1964. Phỏng vấn tôi xoay quanh luận văn thạc sĩ mà tôi đã làm về đề tại Trịnh Công Sơn.
25 Tháng Ba 202111:55 CH(Xem: 11096)
Đó là vào những ngày cả Hãng phim truyện VN như sôi sục lên trong giai đoạn tổ chức sản xuất bộ phim nhựa đen trắng “Tướng về hưu” dựa theo truyện ngắn cùng tên đang rầm rĩ dư luận xã hội của NHT. Sáng hôm ấy, đang ngồi họp xưởng đầu tuần theo thông lệ của Hãng, đồng chí bảo vệ ngó đầu vào nhắn: “Có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gặp đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn”.