- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Journey

28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 91063)


 journey2-content

Tôi vẫn mê những cuộc hành trình. Có những hành trình thoáng qua trong tôi như cơn gió thoảng. Có những hành trình để lại trong tôi nhiều xúc động. Có những hành trình, dù xa xưa, vẫn đeo theo tôi như một bóng ma để nhiều năm sau này, bất ngờ hiển hiện khi tôi ngỡ đã quên. 

 

Chúng tôi đậu xe. Bãi mênh mông, từng vạt bụi tung mù theo bánh xe lăn. P nắm tay tôi theo dòng người tiến về phía sân khấu. Mùa thu tháng chín lơ lửng trên cao, man mát, dịu dàng như tách biệt hẳn với khung cảnh nhộn nhịp bên dưới. Người đi bộ tràn ra từ các lối đi, nhập vào con đường chính. Tiếng nhạc bập bùng vọng lại từ xa.

“Thấy dân Phi đi đông không?”

Tôi nhìn quanh, và nhận ra điều lạ lùng ấy. Từng tốp người Á đông, tóc đen, da sậm, nói cười rôm rả. Càng vào gần, không khí càng náo nhiệt. Mùi thức ăn luồn vào khứu giác. Khói bốc lên từ những bếp thịt nướng. P chen vào quầy thịt nướng. Tôi đứng chờ bên ngoài, lơ đãng nhìn dải nắng úa tàn trên ngọn cây. Mặt trời ngả xuống bên đồi. Màu nắng yếu ớt xuyên qua kẽ lá khiến tôi nhớ lại những lần đi nghe nhạc ngoài trời. Cũng màu nắng vàng hửng của mặt trời hấp hối. Cũng khung cảnh náo nhiệt. Cũng người qua kẻ lại tấp nập. Từng tốp người Phi Luật Tân đủ mọi lứa tuổi đổ về sân khấu. Tôi cũng chưa hiểu vì sao dân Phi Luật Tân lại mê ban Journey, mê loại nhạc Rock ồn ào. Journey là một ban nhạc Rock của Mỹ, thành lập vào năm 1973 ở thành phố San Francisco. Ban nhạc Journey nổi danh vào những năm đầu thập niên 80 với những bài hát trữ tình Faithfully, Send Her My Love, Wheel in the Sky, When You Love a Woman.

 

Không khí keo lại nơi cổng vào. Những đôi chân bước chậm, sát theo nhau. Trời tối dần. Tôi nhìn lên cao. Màu trời tím nhạt điểm vài vì sao nhấp nháy. Không gian đượm mùi thức ăn nồng nàn. Người đi nhộn nhịp. Chúng tôi đi theo những đốm đèn vàng dưới chân. Nhân viên soát vé chiếu đèn bấm soi đường. Chúng tôi tìm được số ghế của mình ở gần lối đi. Tôi ngồi xuống bên P, co ro vì lạnh. Nhạc thùng thùng điếc tai. Sân khấu nhóa đèn nhức mắt. Ban nhạc chính Journey chưa xuất hiện. Mọi người ồn ào ăn uống, không ai chú tâm vào đám ca sĩ phụ đang gân cổ hò hét. Ánh đèn đổ tràn lên người họ những lượn sóng màu rực rỡ. P mở túi thức ăn, đưa tôi cái hot dog cuốn trong giấy bạc. Ly beer P cầm trên tay sủi bọt trắng ngời. Tôi cầm cuốn giấy bạc còn ấm trong tay, không thấy đói. Tôi đang mải nghe những âm hưởng từ ký ức. Trừ cặp trai gái người Mỹ phía bên phải, quanh chúng tôi là những người Phi Luật Tân. Cặp trung niên bên phía trái. Đôi vợ chồng trước mặt. Đám thanh niên trai gái ngồi phía sau. Họ nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu nhưng đã thuộc lòng trong trí nhớ.

Ang lamig naman.

Kailan siya darating?

Gutom na ako.

 

Nhưng hai mươi tám năm trước ở Freedom Plaza của trại tỵ nạn Bataan, tôi không nghe những câu nói đó. Chung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng. Ca sĩ Nguyệt Ánh trong chiếc áo dài vàng in ba sọc đỏ uốn lượn. Cả thân người cô nhịp nhàng theo tiếng nhạc. Tóc cô xõa dài. Ca sĩ Việt Dzũng ôm guitar đứng bên, mồ hôi lấp lánh trên vầng trán rộng. Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... Guitar dồn dập. Giọng Nguyệt Ánh cao vút. Giọng Việt Dzũng trầm hùng. Hai tiếng hát phóng vút lên cao, mất hút vào vùng núi Bataan huyền bí. Tôi như nhìn thấy mình, nhỏ bé trong khuôn viên trại, lọt thỏm giữa khu rừng nhiệt đới lạ lùng. Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.

Ban nhạc Journey vừa lên sân khấu. Dàn nhạc náo động. Đàn trống khua vang. Rừng người la hét, vỗ tay, huýt sáo. Giờ thì tôi biết tại sao dân Phi đến đây. Ca sĩ mới của ban nhạc Journey là người Phi Luật Tân. Màn ảnh lớn trên đầu sân khấu tập trung vào anh ca sĩ tóc dài ngang vai, quần jeans bụi, áo da đen lủng lẳng dây xích. Hello Pinoy. Arnel Pineda chào riêng khán giả Phi Luật Tân.

“Thằng này được tụi Journey tìm trên youtube.” P hét vào tai tôi.

Trên sàn diễn, kèn trống khua rộn. Cặp trung niên người Phi cũng đứng nhổm dậy. Bà vợ bụm tay lên miệng huýt sáo. Ông chồng nhìn tôi đang lúng túng ngồi trên ghế. P kéo áo tôi.

 

Tôi đứng lên. Sân khấu rộn ràng âm thanh. Ca sĩ Nguyệt Ánh vừa hát vừa khuyến khích mọi người cùng hát theo. Một cánh tay đưa lên. Hàng ngàn cánh tay đưa lên. Hàng vạn cánh tay đưa lên. Quyết đấu tranh cho một nền hòa bình công chính. Đập nát tan mưu toan. Đầu hàng cái quân xâm lăng. Hòa bình phải trong vinh quang. Đền công lao bao máu xương hùng anh... Tôi đứng bên Linh và Phúc, tim đập thình thịch bởi tiếng hát, tiếng vỗ tay, tiếng reo hò. Sau lưng tôi, Dũng và Thanh lẩm bẩm hát theo. Chúng tôi còn lạ lẫm với những lời ca dũng mãnh đang nghe. Chúng tôi vừa bỏ lại sau lưng Dáng Đứng Bến Tre, Vàm Cỏ Đông, Trị An Âm Vang Mùa Xuân.

 

 Trời đêm lấp lánh sao. Chúng tôi đi bộ từ Freedom Plaza về Vùng 8 sau buổi văn nghệ. Dũng cũng đến từ trại tỵ nạn Palawan. Dũng ở Sài gòn, vượt biên được tàu Mỹ vớt đem vào Palawan tạm trú cùng khoảng thời gian tôi ở đó. Thanh, Đạt, Phúc đến từ trại tỵ nạn Mã Lai. Linh được chuyển qua từ trại tỵ nạn Thái Lan. Chúng tôi quen nhau trong lớp học Anh văn dành cho minors. Đêm mát và trong. Chúng tôi đi bộ qua khu hành chánh của trại. Khác với Palawan chỉ toàn thuyền nhân Việt Nam. Bataan là trung tâm chuyển tiếp của người tỵ nạn Đông Nam Á. Những người ở Bataan đã được thanh lọc và chờ đi định cư ở đệ tam quốc gia. Gia đình tôi được chuyển đến đây từ đảo Palawan. Thành phố Bataan thuộc quận Morong, cách thủ đô Manila độ ba giờ xe. Chu vi trại rộng khoảng 3600 mẫu, chia làm mười vùng. Có những vùng dành riêng cho người tỵ nạn Lào và Cam Bốt. Dũng và Thanh ở Vùng 9. Gia đình tôi ở dãy nhà cuối Vùng 8, cạnh con đường ra suối và nghĩa địa của người tỵ nạn. Buổi sáng tôi vừa chứng kiến đám tang thuyền nhân chết bệnh trong trại. Một mảnh gỗ đơn sơ khắc tên người xấu số cắm ở đầu mộ. Người Việt đã để lại nhiều dấu vết trên con đường đi tìm tự do. Có những người đã chết ngay trên đất nước mình khi chưa kịp ra đi. Chết vì bị công an biên phòng bắn. Có những người chết trên biển vì bị hải tặc giết. Có những người chết trên hoang đảo vì đói. Có những người chết trong trại tỵ nạn, nơi tạm dừng chân. Có những người chết nơi xứ người, như sau này sẽ xảy ra ở Mỹ, ở Canada, ở Úc.

Thuyền nhân Việt Nam ở Bataan không còn ra biển ngóng về quê cũ mỗi chiều. Đã qua hết những ngày lênh đênh trên biển. Đã xa rồi những tên cướp biển đầu trâu mặt ngựa. Bataan là một trại tỵ nạn ai cũng muốn đến. Dân tỵ nạn ở Bataan buổi sáng đi học Anh văn, trưa lãnh thức ăn về nấu, chiều xếp hàng hứng nước tắm giặt, tối ngồi quán café nghe Phi Khanh hát Thu Vàng trong máy cassette. Buổi sáng tôi học Anh văn với đám bạn diện minor. Tôi ghi danh một lớp học đàn. Những ngón tay lần đầu lóng ngóng đặt lên phím đàn. Mỗi bấm tay là một mất mát. Mỗi nhịp điệu là tiếng thở dài. Tôi đàn Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Linh rơi nước mắt và giận tôi. Tôi hiểu. Lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình. Lòng mẹ nhân từ hơn biển Thái Bình. Biển đã cướp đi mạng sống của bao nhiêu người vượt biển. Chúng tôi phải đóng thuế cho biển để đổi lấy tự do. Bao nhiêu người phải tế biển để chúng tôi được sống. Chúng tôi nợ họ. Chúng tôi vừa vượt đại dương. Trí nhớ còn mới nguyên những kinh hãi chưa nhòa. Tôi đặt tay lên phím đàn. Năm cánh sao run rẩy. Sao biển đang thay hình đổi dạng, như mái tóc tôi cũng đã nhạt dần hơi muối. Tôi nhìn Linh, Phúc, Dũng, Thanh mắt ngấn nước. Tôi sẽ không bao giờ đàn Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào nữa. 

Chuyến xe đò đến Bataan khác hẳn chuyến xe đầu tiên đưa chúng tôi đến Manila. Mọi người nô nức, hồ hởi. Chúng tôi đang đi đến tương lai. Bataan là trạm nghỉ êm đềm. Xe đỗ bến ở đầu trại, mọi người được đưa vào khám sức khoẻ tổng quát. Nắng Bataan gay gắt như nắng Sàigòn. Đất đỏ tung mù sân trạm xá. Tôi nhớ gió biển Palawan mát rượi, nhớ bãi cát trắng mịn gót chân. Trong đầu vẫn còn rù rì tiếng sóng reo. Tôi thấy buồn cười với nỗi nhớ của mình. Palawan hay Bataan, đâu rồi cũng chỉ là những mảnh đất tạm dung trong cuộc hành trình. Trong trạm xá của trại, chúng tôi khai báo tên tuổi. Đám người tỵ nạn bị đẩy qua khu khám bệnh. Đàn ông một bên. Đàn bà một bên. Trong phòng khám che bằng vải màn, chúng tôi giật mình bối rối. Theo lệnh của nhân viên y tế người Phi, chúng tôi phải cởi hết áo quần. Từng đám đàn bà, con gái trần truồng bị lùa vào phòng khám. Tôi không hiểu họ định được bệnh gì qua mắt nhìn. Những người đàn bà Việt Nam luống cuống. Những cô thiếu nữ thanh tân đỏ mặt cúi gằm. Bầy người trần trụi diễu hành. Những đôi mắt đàn ông Phi sỗ sàng không che dấu. Tôi ngượng ngùng nhìn xuống thân thể mình khẳng khiu chờ thành thiếu nữ. Tôi nhìn các chị thịt da co rúm, tay lóng ngóng che đậy. Hai mươi lăm năm sau, khi xem cảnh chụp phụ nữ Việt Nam ở trần cho đàn ông Đại Hàn, Mã Lai, Đài Loan, Trung Cộng lựa mua, cảm giác rờn rợn pha lẫn tủi nhục của buổi chiều trạm xá lại trở về đầy ắp trong tôi. Hình ảnh bà Trưng bà Triệu cỡi voi uy nghi còn sáng ngời trong trí óc tôi. Những bài học lịch sử đất nước từ năm lớp sáu tôi vẫn còn nhớ như in. Cô Mỹ Dung dạy môn Lịch Sử có tài kể chuyện thu hút mê hồn. Bà Triệu ngang tàng chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, nhất định không khom lưng chịu làm tì thiếp người ta! Hai bà Trưng anh dũng, thu nạp binh lính, dựng cờ chống quân Hán xâm lược, hy sinh hạnh phúc riêng tư. Lịch sử đất nước tuôn ra từ đôi môi duyên dáng của cô làm chúng tôi mê mẩn.

Đất nước tôi oai hùng là thế! Anh thư nước tôi khí phách là thế!

 

Linh nắm chặt tay tôi khi đi qua trạm xá. Con cháu hai Bà vật vã đớn đau trên sàn tàu cướp biển. Hẳn Linh chưa thể nào quên những ngày dằng dặc bị giam hãm trên tàu đánh cá Thái Lan. Hẳn Linh chưa quên những tên cướp biển tìm kiếm thú vui trên thân xác Linh còi cọc.

“Kể đi, chúng làm gì Linh?”

Ngày đó chúng tôi ngây thơ hỏi về hành trình của nhau. Hành trình của những đứa trẻ mơ làm thủy thủ mà trôi dạt đói khát trên biển. Hành trình của những đứa trẻ mơ làm nàng tiên cá nhưng lọt vào tay cướp biển. Tôi nhìn vầng trán Linh lơ thơ tóc vàng cháy nắng. Nét hồn nhiên chưa trở lại trên khuôn mặt Linh. Bầu ngực con gái dậy thì luôn luôn khép chặt. Tôi như còn nghe tiếng Linh kêu to xé buốt. Bọn cướp Thái Lan giam Linh trên tàu một tháng. Cho ăn và giầy vò. Chúng quăng Linh xuống biển cùng hai can dầu để tự bơi vào bờ. Đôi mắt Linh còn in hằn nét bàng hoàng sợ hãi. Làm sao trả cho Linh nụ cười thơ trẻ. Làm sao trả cho Linh màu mắt trong chưa biết tủi nhục. Làm sao trả cho Linh thân thể con gái tinh khôi chưa vấy.

Linh bạn tôi. Năm ấy Linh mười lăm tuổi. 

 

Ban nhạc Journey vừa lên sân khấu đã thu hút hết tâm trí khán giả. Sau màn chào mở đầu, ban nhạc chơi liên tiếp không ngừng. Rừng người nhún nhảy theo tiếng nhạc. Cặp vợ chồng trung niên người Phi vỗ tay hào hứng. Bà vợ nhìn tôi nháy mắt cười. Không còn những âm thanh xa vắng vọng về từ quá khứ. Sân khấu loang loáng đèn màu. Tiếng guitar solo lúc dìu dặt tha thiết lúc gầm gào như thác đổ. Tôi nhìn lên bầu trời cao thẳm. Nền trời như vật vô tri giác, vẫn cao, vẫn lồng lộng, vẫn nhấp nháy sao. Chỉ có con người xao xuyến, chỉ có trái tim tôi rung động với ký ức. Những ngọn cây viền quanh rạp hát khẽ lay. Mắt tôi dừng lại trên những chiếc lá mang màu đêm quyến rũ. Đêm nhộn nhịp âm thanh như ngày tôi mười bốn.

 

Dũng, Thanh, Đạt, Linh cùng đứng bên tôi. Bataan. Freedom Plaza. Đêm đặc người. Đêm âm nhạc. Sân khấu ghép bằng gỗ mộc vừa đủ chỗ cho đôi song ca và anh nhạc sĩ. Đàn dạo tình tang. Đôi song ca giọng nhịp nhàng quyện quanh. Người đàn bà đứng đằng trước la lên. Trời, ca giống y chang Nhật Trường-Thanh Lan. Tôi nhìn Dũng thắc mắc. Thanh Lan, Nhật Trường là ai tôi chưa hề nghe. Tôi chỉ biết Ái Vân, Nhã Phương, Bảo Yến. Trên đường về Dũng kể tôi nghe chuyện Dũng đi bụi đời được nghe nhạc vàng Nhật Trường-Thanh Lan, Chế Linh-Thanh Tuyền. Tôi nhìn mặt Dũng nhỏ nhít. Dũng mười bảy. Dũng bụi đời mang biệt hiệu Đakao. Tôi nhìn Dũng da cháy nắng Palawan. Dũng Đakao bụi đời Mơ Thành Người Quang Trung. Dũng Palawan mơ gì?

Khi chúng tôi về âm nhạc vẫn còn rộn ràng ở Freedom Plaza. Qua khu hành chính, đến khu chợ trời Vùng 5. Qua dẫy trường học, đến con đường đưa về Vùng 8. Tôi khát khô cổ. Dũng moi tiền trong túi ra đếm. Mấy đồng pesos reo leng keng, vừa đủ mua một chai Mellow-Yellow ướp lạnh. Dũng rót một nửa cho tôi. Dòng nước óng chảy tựa mảnh lụa cong vòng. Bàn tay tôi bất chợt run rẩy. Rõ ràng là dòng nước chanh ngọt lịm tôi ao ước khi nằm trong lòng ghe, thân thể khô, cổ cháy khát. Đêm vụt trôi lơ lửng. Khoảng trời đen sao đêm nhấp nháy như những chuyến hành trình xa xưa của tôi và đám bạn minor mãi còn ẩn hiện.

 

Trên sân khấu, giọng Arnel Pineda vươn cao, ngân dài. Chuỗi âm thanh lồng lộng vút vào vùng đêm bình lặng. Ban nhạc dạo bản cuối cùng. Hành trình ban Journey kết thúc. Tôi nhìn bầu trời đêm, bắt đầu đếm những cuộc hành trình của dân tộc mình.

 

 

Nguyễn Xuân Tường Vy

San Jose

28 tháng tư, 2011 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 25700)
Đôi khi người ta nói niềm tin và ước mơ chỉ là một. Có những niềm tin không bao giờ tắt trong đời sống mà ước mơ lớn nhất của di dân vẫn là giấc mơ hồi hương. Trong số những người ấy có nhiều phụ nữ đã sống gần trọn một thế kỷ với cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Họ đã rời Hà nội ra đi khi Việt nam bị chia đôi hai bờ vỹ tuyến và phải bỏ quê hương thêm một lần nữa khi biến cố 1975 ập đến. Một trong những phụ nữ can đảm ấy là mẹ tôi.
17 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 27078)
Sống giữa thời đại văn minh cơ khí, thời gian ngựa chạy, xe xua ồn ỉ, con người phóng dật... tự nhiên ở cái lứa tuổi thập lục nhàn tôi thèm nhớ về, thèm sống lại cái thời xa lơ xa lắc ở bên nhà.
10 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 93161)
Không biết những người dân ngồi chờ đã bao lâu. 7giờ 58 phút trưởng Công an xã mới lù mặt tới. Hắn bước vào bàn và kéo chiếc ghế nhích ra ngoài, hắn lấy tờ “nhật trình” để trên bàn phất vài cái vào mặt ghế, hắn ngồi xuống. Tay trưởng Công an xã liếc qua chồng chứng từ, hắn không cần phải ngẩng mặt lên nhìn ai (có thể là một thói quen?), sau khi nghiền ngẫm xong từng tờ đơn xin hay khiếu kiện gì đó. Hắn lấy cây viết cài trên túi áo rồi hắn ký chậm rãi dưới những tờ đơn.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 23851)
Bao giờ cũng thế, mùa xuân cho tất cả chúng ta sự háo hức, thách thức, bận rộn, hy vọng. Quy luật thiên nhiên quen thuộc ấy trao niềm vui, những lo toan cho mọi người, có lẽ đó là phép chia/giao bình đẳng nhất, dù mỗi số phận khác nhau. Tết, từ ấy cất lên như điểm hẹn, lời thúc giục, tiếng reo, dấu mốc...
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 26814)
Sau 30 năm lạc nhau, ở nhiều nghĩa, tôi gặp lại bạn cũ - bây giờ là một người Việt Nam không buồn không vui. Một người Việt Nam mà từ đầu đến chân toát ra sự man mác ở mọi lĩnh vực.
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 25560)
Mỗi lần về quê ngoại, gia đình tôi thường dùng ga phụ nhỏ hơn là ga Đầu Cầu, tên gọi như vậy vì nhà ga nằm ngay đầu cầu Long biên băng qua sông Hồng đến cảng Hải phòng cách đó đúng 105 km
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 24470)
Dưới chân núi Tam-Đảo có xã Đạo-Trù, huyện Lập-Thạch, tỉnh Vĩnh-Yên. Nơi đây còn có trại giam Vĩnh-Quang, một trong hàng trăm trại ở Bắc Việt đã giam cầm những người, trước 30/4/1975, phục vụ trong chính quyền Việt-Nam Cộng Hoà ở miền Nam. Trong số phạm nhân ấy có những người được gọi là "Sĩ Quan Ngụy đi tù cải tạo".
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 89447)
Hắn miên man thêm. Tình dục qua internet nè, tình dục qua e-mail nè, tình dục qua điện thoại nè, tình dục trong các công sở nè ... Có người không thích bóng gió thì cũng có người đậm mầu lãng mạn.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 28403)
Tôi bắt đầu viết bài này với nhiều đắn đo. Không, đắn đo có nghĩa tính toán hơn thiệt. Ngần ngại. Đúng. Tôi khởi viết bài này với nhiều ngần ngại.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 25993)
Thoạt nhìn, Nguyễn Huy Tưởng không gây được nhiều thiện cảm. Anh người to, thô, mặt hơi nặng, mấp mé lạnh lùng. Cử chỉ chậm chạp, nhiều lúc vụng về, hơi công chức – anh là "thủ trưởng" cơ quan hội Văn nghệ Trung Ương suốt thời gian kháng chiến chống Pháp.