- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Về “cái Gia Gia” Trong Bài Thơ “qua Đèo Ngang” Của Bà Huyện Thanh Quan

10 Tháng Mười 20141:45 SA(Xem: 43401)

                                                                                             

 

DEO NGANG-BW
Đèo Ngang



         Trong số mấy bài thơ chữ Nôm còn lại của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ “Qua Đèo Ngang” là bài thơ gần đây được tranh luận nhiều nhất về chữ nghĩa, đặc biệt là về từ ngữ “cái gia gia”[1]. Sự tranh luận này có chiều hướng phủ nhận quan điểm cũ của các tiền bối cũng như những người tin theo họ để bảo vệ cho cách đọc “cái đa đa”. Thế nhưng, theo chúng tôi, tranh luận đã không đi đến tiến bộ và sự thật với  các bằng chứng có giá trị thuyết phục mà ngược lại đã gây ra nhiễu loạn về học thuật, làm mất cảm hứng cho người yêu thơ và  gây hoang mang cho sự học tập, giảng dạy của thầy và trò.

          Bài viết này là một cố gắng tìm hiểu lại vấn đề một cách khách quan trên tinh thần khoa học với các chứng cứ xác đáng. Hy vọng có thể trả lại giá trị nghệ thuật và ý nghĩa vốn có của những vần thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan .

 

I.“gia gia” và văn bản chữ quốc ngữ

 

          “cái gia gia” trong câu thơ thứ 6 ở bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan được phiên âm và  viết chữ quốc ngữ sớm nhất có lẽ là từ tác giả Phạm Quỳnh, 1917[2] và sau đó đến các nhà nghiên cứu văn học khác như Tuyết Trang Trần Văn Ngoạn, 1918[3]; Trần Trung Viên, 1925 - 1930[4]; Ôn như Nguyễn Văn Ngọc, 1927[5]; Georges  Cordier, 1933[6]; Ngô Tất Tố, 1941[7]; Dương Quảng Hàm, 1941[8]; Hạo Nhiên Nghiêm Toản, 1949[9]; Trần Trọng Kim, 1946[10]; Nguyễn Tường Phượng, 1953[11] và các nhà khác cho đến nay cũng vẫn là “cái gia gia”.

         Về ý nghĩa “cái  gia gia”, cụ Nguyễn Văn Ngọc, lần đầu tiên đã chú giải tường tận:Gia gia = đáng lẽ cũng viết da da, hay đa đa; chỉ một giống chim thuộc về loài gà, loài công, lông đỏ, trắng, xám, hay đen, ở những nơì quang đãng, không đậu trên cành cây bao giờ và người ta hay săn bắn, mới đúng, nhưng cũng vì đây tuy mượn đến con da da mà thực ý lại nói đến gia ăn với chữ quốc ở  trên và nghĩa là nhà”. Như vậy, theo đó “gia gia” chính là “da da” , một biến âm dân gian của  “đa đa” nhưng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan,  “da da” phải đọc là “gia gia” (nhà) để ứng đối với “quốc quốc” ở câu trên vì cụ Ôn Như cũng đã giảng về “quốc quốc” ở câu thơ thứ 5: “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” như sau: “Đáng lẽ viết cuốc cuốc, nhưng vì đây tuy mượn đến con cuốc mà thực ý lại nói đến quốc nghĩa là nước. Ngô Tất Tố còn trích thơ của di thần đời Lê là Trần Danh Án: 鷓 鴣 鳴 家 家, 杜 鵑 鳴 國 國, 微 禽 尚 有 國 家 聲, 孤 臣 對 此 情 難 極 , Giá cô minh “gia gia”,  Đỗ Quyên minh “quốc quốc”, Vi cầm thượng hữu” quốc” “gia”, thanh. Cô thần đối thử tình nan cực”(Gà gô kêu gia gia, con cuốc kêu quốc quốc, loài chim nhỏ còn có tiếng kêu “quốc” “gia”, kẻ bề tôi chơ vơ đối với những tiếng ấy đau lòng khôn xiết” và cho là có thể Bà Huyện Thanh Quan đã chịu ảnh hưởng “minh quốc quốc”, “minh gia gia”  để viết thành “ con quốc quốc” và “cái gia gia”. Các nhà khác về sau, nói chung đều cũng hiểu ngay “gia gia” là nói đến loài  chim đa đa hay gà gô, tên chữ Hán là giá cô 鷓鴣.

           Tóm lại, 2 chữ cuối của câu thơ thứ 6 trong bài thơ  Qua Đèo Ngang,  từ trước đến nay đều được đa số các nhà nghiên cứu đọc hiểu là “gia gia” ám chỉ con chim đa đa và cũng liên  tưởng đến ý niệm “nhà” như một thủ  pháp “chơi chữ” trong thơ ca. Nhưng một số nghi vấn có thể nảy sinh từ đó: Tại sao chỉ là “gia gia” mà không phải là “da da” hay “đa đa”? Liệu có một dị bản nào khác thay cho “gia gia”?

II. “gia gia” và văn bản chữ Nôm

          Trong tất cả các sách báo viết về bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (kể các các bài tranh luận gần đây), điều đáng tiếc là thiếu vắng bản Nôm gốc (dù là truyền bản) để làm bằng chứng khi luận giải,  nguyên nhân có thể là do trở ngại về việc in chữ Nôm hay thói quen xem thường bản gốc và cũng vì việc tìm đọc các văn bản Hán Nôm quý hiếm (lại không được sao chụp, in ra để phổ biến) rất khó khăn. Dù vậy, thông qua các tài liệu quốc ngữ xưa nay do các nhà nghiên cứu uy tín về văn học Hán Nôm biên soạn, ta nhận thấy không một tác giả nào đã đưa ra một dị bản nào khác ngoài “gia gia”. Tuy nhiên Thanh Nghị, 1967[12] có thể là người đầu tiên đọc là “đa đa” thay vì “gia gia”:“Thương nhà mỏi miệng cái đa đa nhưng lại không cho biết nguồn trích dẫn, có thể là ông tự suy đoán theo tri thức riêng mình. Rồi mới gần đây An Chi cũng tin tưởng và quả quyết  cách đọc “đa đa”[13] là đúng nhưng lại cũng không đưa ra được bằng chứng về chữ Nôm, một thiếu sót quan trọng khi nghiên cứu, bàn luận. Nhưng cách đọc “đa đa” liệu có đúng theo văn bản chữ Nôm nào đó không? Theo PGS. TS Đỗ Thị Hảo[14], những bài thơ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan có chép rải rác trong 5 văn bản: 1. Liệt truyện thi ngâm, AB.147; 2. Quốc âm thi tập, AB.649; Thi ca quốc âm tạp lục, VHv.266; Quốc văn tùng thư, VHv.2248; Quốc văn tùng ký, AB.383,  Đỗ Thị Hảo cho biết trong 5 văn bản này, chỉ có bản AB.383 là đáng tin cậy còn các bản khác đều chép tùy tiện, chữ có nhiều dị biệt. Bản Quốc văn tùng ký do Nguyễn Văn San tự là Vân Sơn tên hiệu là Hải Châu Tử biên soạn, ông là người sống cùng thời với Bà Huyện Thanh Quan. Các bài thơ này được Đỗ Thị Hảo khảo cứu với phương pháp: “...mỗi bài thơ chúng tôi sẽ so sánh, đối chiếu những dị biệt ở từng câu chữ với những bài thơ đã từng được công bố trước đây” và  bài Qua đèo Ngang đã được Đỗ Thị Hảo phiên âm và chú thích cẩn thận, đáng chú ý là có kèm theo chữ Nôm, tuy nhiên,  đây không phải chữ Nôm gốc nhưng  lại là fonts vi tính nên không biết có thật chính xác?  Câu thứ 6 như  sau: “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”, hai  chữ  “gia gia” được ghi là 家家. Chúng tôi đã tìm thấy bản chép tay văn bản Quốc văn tùng ký 國文 叢 記 AB.383 từ thư viện gia đình của Maurice Durand[15], phần Phụ Nhàn Khanh thi tập 附 嫻 卿 詩 集  có chép bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan và  2 chữ cuối câu thứ sáu  được chép chữ Nôm là [家鳥], (xem hình) người chép tay đã phiên Nôm là “gia gia”. Chữ Nôm có phần biểu âm là  gia 家 và phần biểu ý là điểu 鳥. Chữ Nôm trong sách của Đỗ Thị Hảo và của Maurice Durand tuy khác nhau nhưng dù sao phần thanh phù vẫn chỉ là  gia 家 và từ âm gia chỉ có thể đọc là da hay gia mà thôi, không thể đọc ra “đa” được. Cụ Trần Văn Kiệm[16] cũng đã từng dẫn ra chữ 2 chữ Nôm [家鳥] và [加鳥] (thanh phù gia) và đọc là “gia” (mỏi miệng cái gia gia). Chúng tôi đã tra cứu trong các bộ tự điển chữ Nôm loại lớn như Đại tự điển chữ Nôm (Vũ Văn Kính)[17], Tự điển chữ Nôm [18](Nguyễn Quang Hồng), DEO NGANG- anh pcTự điển chữ Nôm trích dẫn[19] (Viện Việt Học) thì thấy âm  “gia” được viết bằng chữ Nôm như 家, 加, 耶, 茄, 嘉, 傢, 痂, 椰, 跏, 葭, 瘕, 爺 (thanh phù gia, già, da)…và âm “đa” được ký âm bằng đa 多,爹, 栘, [它] (thanh phù đa, đà). Riêng chữ 枷, tự điển Nguyễn Quang Hồng cho là có âm đa (trong cây đa) nhưng theo chúng tôi thanh phù gia phải đọc là “da” mới đúng âm xưa. Thật ra xưa là cây “da” (=cây đa) như tự vị của P. Béhaine (1772-73)[20], Huỳnh Tịnh Của[21] (1895-96) đã ghi nhận và viết Nôm là 椰 (da), đến tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức[22] (1931) mới ghi nhận cây da = cây đa. Như thế, cách đọc “đa đa” của Thanh Nghị và An Chi không xác đáng vì thiếu chứng cứ văn bản cũng như về phép đọc chữ Nôm, cho đến nay chưa phát hiện ra  một dị bản nào chép chữ Nôm là 多 hay [鳥多] và dĩ nhiên như trên đã nói, [家鳥], 家 trong bản AB.383 (và các bản khác) không thể đọc ra “đa đa”.

 

III. “gia gia” và tiếng kêu của chim giá cô (đa đa)

          

         Tên gọi tiếng Việt của loài chim  giá cô 鷓鴣 xuất hiện sớm nhất trong tự điển Việt – Bồ - La (1651)[23] của Đắc Lộ với tên gọi là chim “đa đa” và từ đó về sau hầu hết các tự điển, tự vị quốc ngữ đều chỉ ghi nhận “đa đa”. Về chữ Nôm của tên gọi loài chim  “đa đa”, trong các văn bản Nôm như Tam thiên tự [24], Ngũ thiên tự [25], Tự Đức Thánh chế tự học giải nghĩa ca[26], Đại Nam quốc ngữ[27] và các tự vị, tự điển của P. Béhaine, Huỳnh Tịnh Của, J.F.M. Génibrel[28] … đều ký âm là 多多,  không có tự dạng nào khác nữa. Hiện vẫn chưa tìm ra tài liệu nào ghi nhận chim đa đa còn gọi là da da hay gia gia nhưng vì các tự vị, tự điển xưa không thể thâu thập hết tiếng Việt nên không biết đến và rất có thể  trong dân gian (ở địa phương nào đó) đã từng gọi tên như vậy? Tiếng Việt (hay trong phương ngữ miền Trung) từng có sự biến đổi qua lại giữa D và Đ như đao/dao; đĩa/ dĩa; da/đa…vậy khả năng đa đa có thể được nói là da da như cụ Nguyễn Văn Ngọc đã giảng? Nguyễn Ngọc San[29] giải thích về “gia gia”: “Đây là cách chơi chữ của tác giả. GIA GIA là đa đa, giống gà nhỏ sống ở ven rừng (…)Đa đa có thể biến âm thành DA DA, giống như các trường hợp sau: 

Đình→Dừng
Đao→Dao
Đốc(tâm)→Dốc(lòng)
Đẩy→Dẩy...
Giữa DA DA và GIA GIA không có gì khác nhau vì lúc này đã có sự xoá nhãn giữa đối lập D > < GI. Phiên là DA DA hay GIA GIA là do người phiên âm, và cũng để phô tài chơi chữ của tác giả”

         Nếu dân gian gọi tên “đa đa” theo tiếng kêu của loài chim giá cô như: “Tiếc rổ tép đa đa! Tiếc rổ tép đa đa!” thì cũng có thể còn các tên gọi khác dựa vào những âm nhại dân gian từ tiếng kêu chim đa đa như “Bát cát quả cà”, “ hành bất đắc dã ca cađể gọi là “gô”, gà hoặc có thể hiểu “gô” biến âm từ “cô” trong “giá cô” (phụ âm c thành g như can/gan, cận/gần, cấp/gấp và nguyên âm a thành ô như nam/nôm, hạt/hột), “gô” gọi tắt từ “giá cô” như chim “quyên” gọi tắt từ “đỗ quyên”. Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San lại nhìn nhận, giá – cô (là từ gốc phương Nam) của gà [30]. vậy lẽ nào tiếng kêu “gia gia” như trong thơ Trần Danh Án đã từng viết Giá cô minh gia gia lại không được dùng để gọi tên: chim gia gia? Cụ Quách Tấn[31] đã cho biết thơ Tàu cũng có “gia gia”: “Đỗ vũ than đầu minh quốc quốc, Giá cô giang thượng khiếu gia gia”(Cuốc cuốc đầu gềnh kêu quốc quốc, Đa đa bờ nước gọi gia gia),“Dạ thính đỗ quyên minh quốc quốc, Nhật văn cô điểu hoán gia gia”(Cuốc kêu quốc quốc canh dài, Gia gia ngày những sụt sùi tiếng đa). Theo Nguyễn Đổng Chi[32] và Đỗ Đức Hiểu thì “gia gia” là tiếng kêu của chim giá cô như sau: “Bất thực túc Chu gia”, dựa theo điển tích Bá Di, Thúc Tề không chịu ăn cơm gạo nhà Chu, rồi bỏ lên núi và hai ông nhịn ăn rồi  chết đói, lòng mãi u uất,  “Oan hồn hai ông biến thành một con chim kêu ra rả: “Bất thực túc Chu gia... Bất thực túc Chu gia... Chu gia...gia, gia...”có nghĩa là “Không ăn lúa nhà Chu... Không ăn lúa nhà Chu...” và tiếng cuối cùng “gia gia”âm vang trong núi. Mọi người bảo đó là con chim đa đa còn đầy uất hận” [33]. Chắc tiếng kêu này chỉ là theo khẩu ngữ tục truyền từ dân  gian Trung Quốc thôi chứ trong thành ngữ Hán chỉ có:“Bất thực Chu túc 不食周粟[34] liên quan đến điển tích này. Thông thường chim giá cô trong thư tịch Hán tục truyền có tiếng kêu là “hành bất đắc dã ca ca ” (xíng bù dé yě gē gē) nhưng ít ai biết rằng vẫn còn có tiếng  kêu khác nữa đó là: “Áo não trạch gia 懊惱澤家” (ào nǎo zé jiā), trong bài thơ Giá cô 鷓鴣 của Vi Trang 韋莊 (đời Đường) có câu: “Áo não trạch gia phi hữu hận 懊惱澤家非有恨” và “Áo não trạch gia” theo bộ Từ Nguyên[35] chính là  tiếng kêu của chim giá cô. Nguyễn Văn San trong Đại Nam quốc ngữ[36] đã chú giải về chim đa đa (giá cô) như sau: “Chim đa đa , vua Nghệ Tông gọi nó là Hoài Nam, lại có tên Việt trĩ, nó thường kêu “áo não trạch gia,“câu chu cách trách”, hành bất đắc dã ca ca”.  Như thế, các âm “jiā”, “gia” và “gia gia” cũng là một cách tượng thanh của tiếng kêu của chim đa đa chứ không nhất định chỉ là “gē gē”, “ca ca” hay “đa đa”. Nếu chưa tìm thấy tài liệu chữ quốc ngữ nào ghi nhận chim da da/gia gia cũng không thể khẳng định là không có vì chính tiếng kêu “jiā”, “gia” và “gia gia” và quan trọng hơn, đó là cách viết 家, [家鳥] trong văn bản chữ Nôm AB.383 đã là những bằng chứng chắc chắn cho tên gọi  chim da da/gia gia. Trừ phi tìm ra được một văn bản chữ Nôm có niên đại sớm nhất, trước bản Nôm AB.383 khắc hay viết là 多 hay [鳥多] mới có thể quả quyết Bà Huyện Thanh Quan  dùng “cái đa đa” chứ không phải là da da/gia gia. Đây cũng là sự phủ định đối với ý kiến vô căn cứ của An Chi khi ông viết một cách võ đoán, trịch thượng:“Gia gia” cũng đâu có phải là tiếng kêu của con đa đa! Đúng như thế và đây là một căn cứ tối quan trọng: Con đa đa đâu có kêu “gia gia”(…) Thế mà người ta đã chấp nhận nó một cách thụ động hàng trăm năm nay và còn hân hoan khen lấy khen để, hoàn toàn không biết rằng “cái gia gia” chỉ là một cấu trúc rỗng tuếch về ngữ nghĩa và sai bét về ngữ pháp. Khôi hài nhất là hàng trăm năm nay, từ cái cấu trúc dỏm đó, các “nhà có uy tín” kia đã suy ra được những cái ý dễ làm rung động lòng người về gia đình, đất nước”[37].

 IV. “gia gia” và nghệ thuật dùng chữ của Bà Huyện Thanh Quan

         Với tình hình văn bản hiện nay như chúng tôi đã dẫn ra, cho phép ta tin rằng Bà Huyện Thanh Quan thực sự viết [家鳥], 家 (thanh phù gia) và sẽ có thể đọc là:

1/ DA DA: “Thương nhà mỏi miệng cái  da da. “da da” có thể  hiểu là biến âm của “đa đa” và câu trên “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc” (cuốc chứ không phải là quốc). Nhưng nếu chỉ có thế (da da chẳng qua chỉ là đa đa), 2 câu thơ sẽ trở nên rất bình thường và không có gì đáng tranh luận. Cho nên, ta có thể suy luận hợp lý: nhà thơ cố ý một cách khác thường để nhất định dùng “da da” mà không dùng “đa đa” như muốn người đọc phải liên tưởng đến một âm khác đó là:

2/ GIA GIA: “Thương nhà mỏi miệng cái  gia gia”. Tại sao là “gia gia”? Đây chính là một vấn đề lý thú. Nhưng trước hết cần phải đặt dấu hỏi: Tại sao nhà thơ không dùng ĐA ĐA, một tên gọi quá quen thuộc, phổ biến toàn quốc ít nhất từ thế kỷ 17 cho đến ngày nay mà lại như cố ý dùng GIA GIA?  Sao không có một bản Nôm nào truyền lại viết là 多多 hay [鳥多] [鳥多] để đọc thành 2 câu thơ rất bình thường, dễ hiểu như: “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc. Thương nhà mỏi miệng cái  đa đa”? và sẽ chẳng có gì đáng phải tranh cãi hay khen chê cho mất thời gian, tốn giấy mực cả. Đây là một phản đề rất quan trọng để đi đến khẳng định về từ ngữ “gia gia” là một cách chọn lọc chữ nghĩa rất tinh tế của nhà thơ. Bà Huyện Thanh Quan nếu viết [家鳥], 家 là có dụng tâm, dụng ý về tu từ, theo chúng tôi cảm nhận, nhà thơ đã chọn âm “gia gia”, vừa  giống với “da da” – chim đa đa – (thật ra trong tiếng Việt  ngày xưa, các phụ âm D và GI hòa lẫn, không phân biệt rõ như ngày nay) vừa liên tưởng đến tiếng kêu “gia gia” như văn, thơ chữ Hán (Việt – Hoa) đã từng dùng và  gợi đến ý niệm gia/nhà theo ý “thương nhà: mỏi miệng”. Không chỉ có thế, GIA GIA sẽ ứng đối với QUỐC QUỐC ở câu trên. “cuốc cuốc là tên chim cuốc, nhưng ở đây dùng điệp tự cho ứng với  con da da/gia gia như một bài thơ trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập từng viết: “Đậu lá võ vàng con bướm bướm. Ấp cây gầy guộc cái ve ve”[38], con bướm/ bướm bướm , con ve/ve ve là bình thường trong tiếng Việt xưa nay. “cuốc” đồng âm “quốc” nên sẽ là QUỐC vì QUỐC vừa  giống với “cuốc” (chim)  vừa liên tưởng đến tiếng kêu “cuốc cuốc/quốc quốc” như thơ chữ Hán (Việt – Hoa)[39] và  sẽ gợi ý niệm quốc/nước theo ý “nhớ nước: đau lòng” ở đầu câu.

         Đây chính là tài năng làm thơ độc đáo của Bà Huyện Thanh Quan. Khi đọc ngâm 2 câu thơ 5 và 6, tiếng Việt sẽ như sau:

 “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

Thương nhà mỏi miệng cái  da da

Nhưng ngẫm ra mới thấy thủ pháp chơi chữ tài tình: cuốc/quốcda /gia và như vậy khi viết chữ Việt cần phải viết QUỐC và GIA nhằm thể hiện rõ phép tu từ của tác giả.

“Nhớ nước đau lòng con QUỐC QUỐC.

Thương nhà mỏi miệng cái  GIA GIA

V. Thay lời Kết

        Qua những tìm hiểu và luận chứng ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng cách đọc “gia gia” từ các bậc tiền bối là hoàn toàn hợp tình hợp lý vì văn bản chữ Hán, Nôm truyền lại cũng như các bằng chứng về ngữ âm lẫn tiếng kêu của chim đa đa đã chứng minh một cách xác đáng. Sự cảm thụ cũng như nhận thức thấu đáo của tiền nhân về nghệ thuật dùng chữ của Bà Huyện Thanh Quan là đáng trân trọng. Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm một vài ý quan trọng như tái khẳng định quan điểm của các tiền bối: Nhà thơ nhất định không viết chữ Nôm là 多多 hay [鳥多] [鳥多] (không hề có dị bản viết 多 hay [鳥多]) nghĩa là từ  chối âm đọc “đa đa” rất phổ biến trong tiếng Việt trước và ngay trong thời đại của mình nhưng đã chọn lựa tinh tế âm đọc “da da/giagia” và viết chữ Nôm là [家鳥], 家 như muốn gợi ý cho người đọc liên tưởng ngay đến tiếng kêu “gia gia” của chim đa đa, hơn nữa , “gia” còn gợi ý niệm nhà và thể hiện sự ứng đối với “cuốc cuốc/quốc quốc” ở câu trên. Cho nên, cuối cùng, vẫn là CÁI GIA GIA, hiểu như một tên gọi khác của chim da da/ đa đa.  Bằng chứng cho cách đọc GIA GIA   chính là tiếng kêu “jiā”, “gia” và “gia gia” của chim giá cô trong thư tịch Hoa – Việt và cách viết 家, [家鳥] trong văn bản chữ Nôm AB.383. Vậy thì, 2 câu thơ đặc sắc trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan xưa nay vẫn là:

“Nhớ nước đau lòng con QUỐC QUỐC.

Thương nhà mỏi miệng cái  GIA GIA

         Rất mong rằng,  bài viết này sẽ đem lại sự yên tâm và vẻ đẹp của thi ca đến với các bạn yêu thích thơ, văn học Việt Nam và các thầy cô cùng các sinh viên, học sinh.   

ĐINH VĂN TUẤN    
Biên hòa ngày 26 tháng 02 năm 2014     

    

(Đã đăng lần đầu trên Tạp chí Sông Hương số 302 (T.04-14)



Chú thích chung:

 

[1] Xin xem:

1- An Chi:

Cái “gia gia” chẳng là… cái gì cả!

http://vienngonnguhoc.gov.vn/?act=News&do=Detail&nid=101

Vẫn cứ là cái đa đa (Tạp chí Đương Thời số 11-2009)

http://tunguyenhoc.blogspot.com/2013/08/van-cu-la-cai-a-chi-tap-chi-uong-thoi.html

Không thể không là cái đa đa

http://www.vanhoahoc.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2376%3Aan-chi-khong-the-khong-la-cai-da-da-&Itemid=71&catid=21%3A

Không nên lẫn lộn các giống chim  

http://nhavantphcm.com.vn/doc-duong-van-hoc/giao-luu/an-chi-khong-nen-lan-lon-cac-giong-chim.html

2- Nguyễn Quảng Tuân, Cuốc cuốc – da da” hay “Quốc quốc - gia gia”

http://www.honvietquochoc.com.vn/bai-viet/3152-cuoc-cuoc-da-da-hay-quoc-quoc-gia-gia.aspx

3 - Vương Trung Hiếu.

Cái gia gia là … cái nhà!

http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-viet-nam/van-hoa-co-trung-dai-o-viet-nam/2364-vuong-trung-hieu-cai-gia-gia-la-cai-nha-.html

Trao đổi về giống chim

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=17495

Lại bàn về giống chim

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18003

[2] Nam phong Tạp Chí số 5, 1917

[3] Nam Phong Tạp Chí số 7, 1918

[4] Trần Trung Viên, Văn đàn bảo giám,  Nhà xuất bản  Văn Học 2004

[5] Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Nam thi hợp tuyển, Vĩnh Hưng Long Thư Quán, 1927, Xuất Bản  Bốn Phương (Tái bản), 1952

[6] Georges Cordier, Etude sur la littérature annamite, Saigon 1933

[7] Ngô Tất Tố, Thi văn bình chú,  Nxb Văn Học, Trung tâm Văn hóa Đông tây (tái bản theo bản in lần đầu 1941). 2010

[8] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử yếu, 1941, Chương thứ IV, Trung tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục (in lần thứ 10), Sàigòn, 1968.

[9] Hạo Nhiên Nghiêm Toản, Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (tập 1). Nhà Sách Vĩnh Bảo Sài Gòn 1949

[10] Lệ Thần Trần Trọng Kim, Việt Thi, Nxb Tân Việt . 1949

[11] Nguyễn Tường Phượng – Phan Văn Sách - Bùi Hữu Sung, Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX,. Tài Liệu Giáo Khoa,  Hà Nội.1953

[12] Thanh Nghị, Việt Nam tân từ điển minh họa, nhà sách Khai Trí. 1967

[13] Xem chú thích 1, An Chi

[14] Đỗ Thị Hảo (chủ biên), Các nữ tác gia Hán Nôm Việt Nam, Nxb KHXH. 2010

[15] Maurice Durand, Quốc văn tùng ký, AB.383 nguồn http://findit.library.yale.edu/catalog/digcoll:34770

[16] L.m An-tôn Trần Văn Kiệm, Giúp đọc Nôm và Hán Việt, Nxb Đà Nẵng & Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ, Đà Nẵng. 2004

[17] Vũ Văn Kính, Đại tự điển chữ Nôm, NXB Văn Nghệ TPHCM 1999

[18] Nguyễn Quang Hồng (chủ biên), Tự Điển Chữ Nô,  NXB Giáo Dục 2006

[19] Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Đặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi, Tự điển chữ Nôm trích dẫn, Viện Việt Học ấn hành, 2009.

[20] P.J. Pigneaux, Dictionarium Anamitico - Latinum, (bản thảo viết tay) (1772-1773). Nguồn: bản pdf của NNT trong  Diễn đàn VVH (viethoc.com)

[21] Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc âm tự vị, Tom I-II Sài Gòn 1895-1896, Nxb Trẻ, tái bản 1998.

[22] Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt Nam tự điển, Hà Nội, 1931, Mặc Lâm tái bản, 1968.

[23] Alexandro de Rhodes (1651), Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm et Latinvm, bản dịch  tiếng Việt của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Nxb Khoa học Xã hội, 1991

[24] Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ (ký hiệu R.1667), Liễu Văn Đường Tàng Bản, khắc in năm 1915, (Nomfoundation.org)

[25] Nguyễn Bỉnh, Ngũ thiên tự dịch Quốc ngữ, bản khắc in năm 1909, ký hiệu R.1554 (Nomfoundation.org).

[26] Phan Đăng (dịch), Thơ văn Tự Đức  (tập 3), Nxb Thuận Hóa , Huế. 1996

[27] Lã Minh Hằng ( khảo, phiên, dịch chú), Khảo sát  từ điển song ngữ Hán -Việt, Đại Nam quốc ngữ (Nguyên bản Nguyễn Văn san), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 2013

[28] J.F.M Génibrel, Dictionnaire Annamite – Français, Deuxième édition, Tân Định, Saigon 1898, nguồn sách phổ biến từ books.google.com

[29] Nguyễn Ngọc San, Thử bàn về vấn đề phiên Nôm, Hội nghị Quốc tế về chữ Nôm .2004, Thư viện Quốc gia Việt Nam – Hà Nội

[30] Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Ngữ văn Hán Nôm, tập 2, Nxb Giáo Dục, 1988

[31] Quách Tấn,  Nét bút giai nhân, NXB Phụ Nữ 1998

[32] Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Sự tích chim đa đa, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 2000

[33] Đỗ Đức Hiểu, Mai Thục, Nguyễn Văn Khỏa, Điển tích văn học: 100 truyện hay Đông Tây kim cổ, NXB Khoa Học Xã Hội – Mũi Cà Mau, 1990

[34] Hán Điển, nguồn http://www.zdic.net/c/d/13e/308171.htm

[35] Từ nguyên (tu đính bản) Thương Vụ Ấn Thư Quán, Bắc Kinh 1998

[36] Lã Minh Hằng ( khảo, phiên, dịch chú), Khảo sát  từ điển song ngữ Hán -Việt, Đại Nam quốc ngữ (Nguyên bản Nguyễn Văn san), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 2013

[37] An Chi, Không thể không là cái đa đa, nguồn:http://www.vanhoahoc.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=2376%3Aan-chi-khong-the-khong-la-cai-da-da-&Itemid=71&catid=21%3A

[38] Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên,  Hồng Đức quốc âm thi tập, (in lần  thứ hai có sửa chữa) Nxb Văn học, Hà Nội., 1982.

[39] Tiếng chim cuốc kêu “cuốc cuốc” đã xuất hiện trong bài thơ “Lại vịnh nắng mùa hè” trong Hồng Đức quốc âm thi tập (sđd), ở câu: “Cuốc cuốc, cuốc hằng khua mõ cuốc”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Mười Một 20213:43 CH(Xem: 10943)
Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]
01 Tháng Mười Một 202111:05 CH(Xem: 9792)
Tôi xin tạm mượn nhận định của một nhà văn học sử Nga viết về văn hào F. Dostoyevsky để nghĩ về phim AIKA (sản xuất năm 2017) - bộ phim đã đoạt một số giải thưởng Quốc tế mà tôi vừa được xem, vì thấy rõ một điều: truyền thống hiện thực chói sáng của văn học Nga cổ điển - tiêu biểu là F. Dostoyevsky hóa ra vẫn được tiếp tục một cách xứng đáng trong văn học nghệ thuật Nga hiện đại (ở đây tôi chỉ xin nói tới một dòng của điện ảnh Nga tạm gọi là “Hiện thực tàn nhẫn không thương xót”) - có nghĩa là đã vượt qua vòng “Kim cô” Hiện thực xã hội chủ nghĩa từng thống trị tinh thần xã hội Xô Viết một thời gian dài dẫn đến những tác phẩm nghệ thuật nặng tuyên truyền phục vụ kịp thời và đã rơi vào lãng quên…
26 Tháng Mười 202112:17 SA(Xem: 9864)
“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] Nguyễn Văn Trung
10 Tháng Mười 202111:31 CH(Xem: 9871)
Sau khi đưa một cảm ngôn về bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long & ý kiến của nhà văn Trần Thùy Linh như một lời kêu gọi các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ hôm nay: “DỰNG TƯỢNG ĐÀI NÀY ĐI: CUỘC “THIÊN DI” CỦA NHỮNG ĐỨA TRẺ VÀ BÀ MẸ CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ…”, nhằm góp phần miêu tả “nhân vật chính của Thời Đại, biểu tượng cho cả một dân tộc vượt lên cảnh ngộ bi kịch tìm lối thoát cho quyền sống của mình”, rất nhiều người đã ủng hộ. Nhưng cũng có không ít người lồng lên phản đối như bị “chạm nọc”, thậm chí chửi bới rất tục tĩu (xin lỗi không viết ra vì xấu hổ thay cho họ). Để trả lời họ, với tư cách là một người làm phim, tôi xin có vài suy ngẫm về NHÂN VẬT THỜI ĐẠI giúp họ tham khảo.
08 Tháng Mười 20219:37 CH(Xem: 9082)
Trong toàn bộ thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của Đại thi hào Nguyễn Du, có một kiểu/ loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt được ông thể hiện với cảm hứng thi ca và nghiệm sinh sâu sắc - đó là những người phụ nữ Tài - Sắc mà số phận bất hạnh, những “má hồng phận mỏng”, những giai nhân bạc mệnh, “hồng nhan đa truân”, phải chịu số phận “Tài Mệnh tương đố” với lời nguyền ác nghiệt: “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”… Cần khẳng định ngay một điều là, cái vẻ đẹp bí ẩn, quyến rũ, cuốn hút, thấm đẫm hồn cốt phương Đông kèm theo tài hoa hiếm có của họ, với Nguyễn Du là “chất ngọc quý” của đời, như một giá trị mang tính nhân bản - dù họ ở tầng lớp con hầu, kỹ nữ dưới đáy xã hội, hay ở bậc nữ hoàng, phi tử cao vời…
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 10689)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9415)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10156)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.
14 Tháng Bảy 20215:36 CH(Xem: 10704)
Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!
02 Tháng Bảy 20216:30 CH(Xem: 9858)
Giữa những ngày nóng nực tháng 6 này, giữa cơn "địa chấn" của lòng người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn từ nhiều năm nay, tôi đã bỗng nhớ đến một bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách đây gần ba chục năm, trong căn buồng của nhà văn đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám.