- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cái bóng

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 40660)

tranmongtu_112
 Trần Mộng Tú

Hương leo lên một con dốc nhỏ, con dốc không dài lắm, gió thổi nhè nhẹ và mùa hè hình như vừa đi qua, hoa dã quỳ đã nở ngập ngừng hai bên lối đi, báo hiệu mùa thu đang bước vào thành phố. Con dốc này thân quen với cô lắm, cả một tuổi thơ của cô giấu trong những lùm cây, bụi cỏ, luống hoa và bay lang thang cùng những bông cỏ may nơi đây. Thanh và cô với những mơ mộng của tuổi mới lớn, với những mối tình “Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu”,với những tiếng cười vỡ tan chùm hoa nắng, với những hạt lệ chỉ bé và mơ hồ như những hạt sương. Ôi sao mà đẹp thế!
Khi cô bị cuốn đi theo cơn lốc cùng với gia đình, thì Thanh ở lại, mắt đầm đìa lệ nhìn cái bóng của bạn mình lăn xa, lăn xa.
Hương đã trở lại, đã thăm người bạn cũ, để thấy cái khoảng thời gian hai mươi năm nó tàn phá trong nhau thế nào. Hai người bỡ ngỡ nhìn nhau, òa khóc. Thanh đã có chồng, một thầy giáo cũ của cả hai người, họ có hai cô con gái. Hương cũng có chồng, một người bạn đồng học với Hương ở Mỹ, Hương mong mãi, vẫn không có con. Sau những vòng ôm, những giọt lệ, họ hứa sẽ không bao giờ để lạc nhau nữa. Từ đó, mỗi lần về Việt Nam, Hương tìm gặp lại Thanh, gặp lại Đà Lạt của mình.
 Lần về Việt Nam cách đây hai năm cô với chồng bận đi những nơi khác với đám bạn trẻ vừa Mỹ, vừa Việt mới đến Việt Nam lần đầu nên quá bận bịu với họ, cô không về đây thăm người bạn học thời thơ dại được. Lần này về một mình, cô phải thu xếp gặp Thanh trước tiên, những nơi khác sẽ tính sau.
Thanh rạng rỡ, cuống quít đón bạn ngay ở đầu con dốc, đỡ cái va li trong tay bạn, vừa đi vừa nói.
-Ồ, Hương về có một mình, thì phải ở thật lâu với Thanh đấy.
Hương thân mật quàng tay sang ôm lấy cái vai gầy của Thanh, nói:
-Hương chỉ ở được hai ngày thôi, Hương phải về lại Sài Gòn vì đã có hẹn rồi.
Thanh ngửa mặt cười:
-Hẹn ai? Mấy thằng bồ cũ của Hương bây giờ sứt tai, gẫy gọng cả rồi.
 Hương hạ giọng:
-Hẹn với mấy bà Sơ, ở Viện Mồ Côi, Hương đi xin con về Mỹ.
Thanh khựng lại, biết vợ chồng bạn đã cố gắng cả năm sáu năm nay, tìm mọi cách để có con mà vẫn không được, có lẽ vì Hương lập gia đình trễ quá. Cô nhỏ nhẹ:
-Ừ, giải pháp đó cũng hay đấy, mấy Sơ sẽ tìm cho mình những bé thuộc con nhà tử tế, mà người mẹ trẻ, lỡ dại, không dám nuôi con, cho mình.
Rồi Thanh đổi giọng: “Nhưng khoan nói chuyện đó đã, mâm cơm có cá kho tương đang đợi cô nương đấy.”

Hương ăn xong bữa cơm chiều với thầy cũ, bạn cũ, trong một niềm thân mật đến ứa nước mắt. Không cho bạn dọn dẹp, Thanh đưa tách trà vào tay Hương bảo, đi ngắm trăng non đi, Hương nghe bạn, mang tách nước trà ra sân, vừa nhìn trăng, vừa ngắm cái sân sau nhà bạn. Ngôi nhà này của cha mẹ Thanh để lại cho con gái, sau khi hai người qua đời, Thanh là con một, nên việc thừa kế không có vấn đề. Vợ chồng Thanh chẳng có tiền sửa đổi nên ngôi nhà vẫn y nguyên như thời thơ dại Hương hay sang chơi, từng viên gạch,từng gốc cây, Hương nhớ hết; nó chỉ cũ kỹ và nhiều chỗ đã hư hỏng, vá víu qua loa.
 Trời chập choạng tối, mảnh vườn to, nhưng vợ chồng Thanh chỉ trồng tỉa vào một góc; những luống rau nhỏ dưới ánh trăng mười bốn trông như những vệt mầu vàng nhàn nhạt kéo dài trên một vuông vải nâu đen, cái chuồng gà có vài con nhỏ bên trong với con gà mẹ, con gà bố thì đứng trên nóc chuồng, chân co, chân duỗi. Hương thấy có hai con vịt khá to lông trắng toát nằm gác đầu vào nhau bên dưới chuồng gà. Tất cả trông như cái phần đời ngoài kia thu nhỏ lại.
Dưới mắt Hương, cả ngôi nhà, mảnh sân, trông đẹp và buồn.
Con à, mẹ nghĩ kỹ rồi, con cứ kiên nhẫn một thời gian, thế nào chúng ta cũng được trở về nhà cũ. Con không nhớ là trong lịch sử đã có lúc người ta phải rời bỏ những ngôi nhà tốt đẹp êm ấm, chuyển đến một vùng hoang địa xa xôi, nhưng rồi người ta cũng từ từ tìm cách trở về.
 Mẹ ơi, đợi đến lúc tìm được đường trở về nhà cũ thì chắc con già hơn mẹ rồi. Mà mẹ có chắc khi trở về mẹ vẫn được ở lại chỗ cũ không? Nhà của mẹ con mình đã hoàn toàn thuộc về người khác rồi, mình không còn nơi chốn nào để trở về nữa. Không, mẹ cứ cho con đi theo người ta, con không muốn ở cái “Vùng kinh tế mới” này của mẹ đâu. Người ta đang cần con, ở đó con sẽ có cho nguyên mình cả một lâu đài.
Hai mẹ con ôm nhau. Người mẹ biết, thế nào rồi mình cũng mất con, không mất cách này, cũng cách khác, nước mắt người mẹ chẩy thấm ướt cổ áo con, len vào tận da thịt nó. Bà nhớ nơi chốn cũ, nơi chốn bình an từ đời nọ đến đời kia, cả một dòng tộc bà cư ngụ ở đó. Nơi có gió mát, trăng thanh, nước chẩy êm đềm, hoa trôi lờ lững. Nơi hẹn hò của tình nhân với tình nhân, nơi tiếng cười thủy tinh của những đứa trẻ nhỏ, nơi nắng và gió cũng biết hẹn hò.

Hương uống hết cụm trà cuối cùng, Thanh đã đứng ngay sau lưng bạn, cô tì cằm mình vào vai bạn, nói khẽ:
-Thanh biết thế nào Hương cũng được mang về Mỹ một em bé xinh đẹp, tin đi.
-Mình cũng hy vọng như thế. Hương đã làm đầy đủ giấy tờ, bây giờ đóng nốt khoản tiền cuối xong là mang bé đi. Em bé thì đã được xem hình, và có gặp, bế lần trước rồi. Bé lên ba tuổi.
Thanh nói như reo:
-Sướng nhỉ, “Thỏ thẻ như trẻ lên ba”. Nhớ nói tiếng Việt với con nghe, mai mốt mang nó về chơi, nó còn phải nói chuyện với dì Thanh đấy.

 Bóng trăng vừa chìm vào trong một đám mây, cả khoảng sân tối sầm lại, cái chuồng gà cũng mờ đi, nhòa vào đêm, con gà trống bây giờ chỉ nhìn thấy thấp thoáng cái mào. Hai con vịt trắng to tướng bên dưới bây giờ trông như hai trái banh mầu trắng nằm lăn vào nhau. Hai người bạn đứng im, hai bàn tay họ đan những ngón gầy vào nhau như một đường len trong chiếc chăn đêm.
Bữa cơm trưa tiễn bạn hôm sau rất thịnh soạn, có cả tiết canh vịt, canh vịt xáo măng, thịt vịt chặt đầy hai đĩa, và vẫn thêm một món cá kho tương đặt biệt của Hương. Nhìn mâm cơm, nghĩ đến số tiền chợ của bạn, Hương thấy e ngại, cô biết là bạn chẳng sung túc gì, nhưng muốn tặng bạn tiền cũng không phải dễ.Thanh luôn luôn sợ lòng mình quý bạn bị hiểu nhầm, nhất định không nhận của bạn một đồng. Vì là ngày cuối tuần, nên đông đủ cả nhà Thanh cùng ngồi vào ăn với Hương.
 Cô con gái lớn của Thanh, đã mười hai tuổi, gắp một miếng thịt vịt vào bát Hương nói:
-Con mời dì, thịt vịt này còn non, nên ngon lắm.
 Chồng Thanh, cũng là thầy cũ của Hương, nên gọi Hương là em như thời dậy học và Hương vẫn gọi lại là thầy.
Thầy cầm đôi đũa lên, vừa gắp cho mình một miếng to nhất trong đĩa, vừa nói:
-Em ăn đi, thịt này là thịt thiên nga, không phải thịt vịt đâu.
Hương tròn mắt:
-Thầy không nói đùa chứ, ở đâu có thiên nga cho Thanh làm thịt vậy?
 Thanh ngửa mặt cười, theo thói quen của cô, cứ cười là ngửa mặt:
-Cô nương ơi, cả đĩa cá kho tương đặc biệt cho cô và thịt thiên nga xáo măng này là ở hồ Xuân Hương cả đấy. Tuần trước, tháo nước hồ, dân chúng ùa nhau ra bắt cá, cả nhà mình cùng đi theo, bốn người cũng được đến mươi con, vừa ăn vừa để dành, vì biết cô nương sắp về. Hai con thiên nga này là của một người trước đây trông coi hồ nên biết chỗ chúng làm tổ, bắt bán lại cho nhà mình. Hôm nay tôi đãi cô nương con nhỏ, còn con lớn để cho nó đẻ trứng.
Hương lưỡng lự chưa dám cho miếng thịt thiên nga vào miệng, cô len lén nhìn người thầy cũ của mình. Ông thầy hồi đó chỉ hơn học trò năm, sáu tuổi, thầy đẹp trai, giảng Việt Văn như nước chẩy hoa trôi, các nữ sinh vừa nghe giảng, vừa nhìn thầy, những quả tim trong những bộ ngực thanh tân đập sai cả nhịp. Hương nhìn những sợi tóc đã bắt đầu điểm hoa râm của thầy, vầng trán đã hằn những vết thời gian. Thầy đang cho miếng thịt vào miệng, thầy nhai vội vã, thưởng thức một miếng ăn ngon, hai mắt thành sáng lên như đang hạnh phúc, một chút mỡ mỏng bóng bên khóe môi, thầy như đang để cả tâm trí vào mâm cơm, Hương băn khoăn không biết hình ảnh Hương và Thanh, hai cô nữ sinh ngày trước cùng ngồi trước mặt thầy có nhắc cho thầy nhớ lại trường, lớp ngày xưa không? Bất giác Hương nhớ lại câu thơ cổ Trung Hoa thầy đọc năm nào cho cả lớp nghe:
 Nga nga lưỡng nga nga
 Lưỡng diện hướng thiên nha
 Bạch mao phô hồng trạo
 Hồng trạo vỡn thanh ba (*)
Câu thơ làm cổ họng Hương nghẹn lại, cô cầm ly nước lên uống vội một ngụm, thấy cay cay trong mắt, Hương đưa tay che miệng, giả vờ ho mấy tiếng. Hương biết mình phải hòa vào cái vui của cả nhà, khi mọi người cùng ăn uống vui vẻ, hai đứa nhỏ chắc cũng lâu lắm mới được một bữa với món ăn lạ miệng. Hương gắp miếng thịt ở trong bát, nhìn xuống một giây do dự, đưa lên miệng. Miếng thịt mềm, thơm ngon, cho Hương cái cảm giác gần gũi với mọi người, cô không còn muốn xét nét nhìn thầy, nhìn bạn nữa. Hương thấy đầu óc mình bỗng nhẹ tênh, cô khẽ chặc lưỡi, hòa chung vào niềm vui của mọi người.
Bữa cơm nhanh chóng kết thúc, ai cũng hài lòng. Lúc uống trà Hương kín đáo đặt tay lên bụng xoa nhè nhẹ, cô nghĩ, con thiên nga nhỏ đang bơi trong bụng mình.
 Thầy nói:
-Cái hồ Xuân Hương đã được vét, sẽ đào cho rộng thêm, sâu thêm và sẽ trở thành một cái hồ đẹp hơn hồ cũ gấp nhiều lần.
Hương hỏi:
-Bao giờ xong hả thầy?
-Sẽ làm kịp cho dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Thầy ngưng lại một giây, nói tiếp. “Mà không xong ngay cũng chẳng sao, bao giờ xong mà chẳng được. Còn thiếu gì những dự án khác.”
Người mẹ đứng nhìn con bà ra đi, như thế nó đã đạt được giấc mơ to tát của nó. Bà mong cho nơi nó đến là một thiên đường khác với thiên đường trước đây của mẹ con bà đã bị người ta phá bỏ. Sáng nay khi người ta đến mang nó đi, bà đã định giữ lại, nhưng nó đã hăng hái lăn vào tay người ta, bà không nghe thấy một tiếng khóc nào của nó, ngay cả quay đầu lại nhìn bà nó cũng không làm nữa. Nó đi, đi thật rồi!Bà cố giữ nó lại, cố thuyết phục cho nó hiểu là mẹ con mình sẽ được trở về chốn cũ, nhưng nó không tin vào những lời nói hoang mang của bà, vì chính bà cũng không biết được nơi cũ bao giờ mới được bắt đầu hồi sinh lại. Đã có bao nhiêu cái cũ bị phá đi từ lâu đang còn trong chu kỳ chờ đợi. Nó đi, đi thật rồi!
Hương cúi chào thầy, ôm hai đứa nhỏ từ giã, kéo cái va li theo Thanh ra cổng. Cô bước xuống sân, trước khi đi về phía cổng, cô đưa mắt nhìn ngôi nhà thân yêu của bạn, nơi cô đã gửi một phần đời ở đó. Cô đi qua vườn rau, chái bếp, chuồng gà, dừng lại mỗi chỗ vài giây. Đàn gà đã rủ nhau đi kiếm ăn trong bãi vườn trống, chỉ còn lại con vịt to trắng toát ngày hôm qua, bây giờ cô mới biết là con thiên nga, nó đang đứng thẳng lên, nó có cái cổ thật dài, hai con mắt đen láy nhìn theo cô. Nó muốn đi theo cô, hay muốn kéo cô lại. Hương thản nhiên đi qua, cái bóng Hương đổ xuống mặt đất, con thiên nga chạy vụt ra đuổi theo cái bóng.

 Cánh cổng gỗ đã khép, không để lại cái bóng nào.

Trần Mộng Tú
Viết cho Hồ Xuân Hương-Đà Lạt

(*) Lược dịch
 Một nga, một nga, làm thành đôi
 cả hai ngước mặt tới cổng trời
 dưới đám lông trắng khoe móng hồng
 móng hồng sóng biếc cùng dỡn chơi
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14706)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14788)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14637)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15018)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17233)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19107)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13735)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16357)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15250)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15453)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.