- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Con mèo ngái ngủ

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 113460)


zzz_dinhcamly-content
 ZZZ_Photo by Dinh Cam Ly



Lần đầu tiên đến Hà Nội, hẳn bất kỳ ai, nhìn thấy điều gì cũng dễ dàng xúc động, cũng làm gợi nhớ đến những hình ảnh bàng bạc trong ký ức đã gặp gỡ ở tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng với tôi, đáng nhớ hơn cả, đó là những cô thiếu nữ Hà Nội. Trời ạ, cứ mười cô thì có đến chín cô rưỡi đẹp mê hồn. Nói mê hồn là chắc chưa chuẩn xác, phải nói rằng đẹp và sâu lắng tựa bước ra từ những trang sách Tự Lực văn đoàn (!).

Chẳng hạn, dễ hiểu nhất là cô gái đang ngồi trước mặt chúng tôi, với mái tóc xõa ngang lưng, gương mặt trái xoan, đôi mắt tròn xoe vời vợi... Cô ta là cô hàng cà phê - có thể con bà chủ, em bà chủ, hoặc chính cô là bà chủ. Nói chung, dù sao, thì mỗi lúc bước vào cái quán nhỏ nhắn, chỉ đủ vài ba bộ bàn ghế này, chúng tôi chỉ gặp mỗi mình cô chào hỏi, phục vụ, chuyện trò... À, quên mất, phải kể thêm, ngoài cô gái ra, còn có một con mèo... Con mèo lông trắng, đốm vàng đôi khi nằm trong vòng tay của cô, những lúc cô thảnh thơi; đôi khi nó lại ngồi trên kệ tủ gần chiếc đèn chụp, mơ màng ra chiều ngái ngủ.

Bởi vậy, mấy lần gặng hỏi tên, cô cứ chúm chím cười, tôi liền nói:
- Có thể tên cô là Bích, là Phượng, là Oanh, Yến, Loan, Quỳnh..., nhưng tôi xin phép gọi cô là Nga nhé!
- Sao gọi là Nga?
- Vì tôi cảm nhận tên cô như vậy là đúng nhất
Thực ra, ngay những buổi đầu đến hàng cà phê, vừa thấy hình ảnh con mèo ngái ngủ thường kề cận bên cô gái xinh đẹp tôi đã liên tưởng ngay đến mấy câu thơ của Nguyên Sa: “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trên tay anh...”. Song, tôi đâu dám nói toạc ra với cô ý này. Đã chắc gì tất cả những cô gái Hà Nội đều luôn thích thơ (?). Mà khi đã không thích thơ, cô nàng sẽ chê mình “sến” thì hỏng việc (!)
Thế nhưng, cô gái không bày tỏ ý kiến về cái tên Nga, mà sau vài giây ngẫm nghĩ cô lại hỏi:
- Mấy anh là nhà thơ, nhà văn ở trong Nam ra phải không?
Tôi giật mình, ngạc nhiên:
- Trời ơi, sao cô biết?
- Vì mỗi ngày thấy mấy anh uống cà phê xong lại đi bộ về đường Nguyễn Đình Chiểu, nơi cái trụ sở hội hè gì đó, em đoán mò thôi.
- Đúng quá rồi. Chúng tôi từ trong Nam, về đây tham dự Trại sáng tác... Còn về việc gọi tên Nga thì sao?
- Cứ cho là vậy. À, mấy anh sẽ ở đây bao lâu?
- Khoảng hai tuần. Nghĩa là còn chừng 10 ngày nữa.
- Như vậy, nghĩa là... ít nhất trong 10 ngày này em có tên là Nga.
Từ ấy, cả nhóm chúng tôi - những gã viết lách lăng nhăng từ miền Nam lần đầu ra đất Bắc mỗi sáng đến hàng cà phê đều gọi cô gái là Nga. Tuy nhiên, hầu như ai cũng hiểu rằng Nga dành cho tôi một cái gì đó rất riêng. Tôi có thể khẳng định điều này, vì cứ mỗi lần Nga đang bồng con mèo ngồi trên ghế mây, có khách hàng yêu cầu í ới thì cô chuyền hẳn nó vào tay tôi. Những lúc ấy, con mèo chỉ “meo” một tiếng nho nhỏ, rồi nằm yên thiêm thiếp. Ngược lại, có một ai khác nhoài người đến định ôm lấy mèo, thì nó đánh phóc một phát thật nhanh, chuồn mất.

Một buổi trưa, chỉ có mình tôi và Nga trong quán. May mà có con mèo ngồi một bên, tôi quàng tay lên bộ lông mịn màng của nó, nhanh chóng tìm được lý do mở đầu câu chuyện:
- Nga à, còn mấy ngày nữa về rồi, tự nhiên tôi không ngủ trưa được, thấy nhớ con mèo quá!
Nga bịt miệng cười khúc khích:
- Vậy à? Mấy người văn thơ này đa cảm quá! Thật khổ thân anh!
- Thì tôi bắt đền Nga đó!
- Em lấy gì đền anh giờ? Sao anh không đền con mèo?
- Vì Nga là người nuôi con mèo. Nga phải có trách nhiệm.
- Anh này... nói lý giỏi lắm. Thôi cứ cho là em phải trách nhiệm. Vậy phải đền anh sao đây?
Tôi thở phào nhẹ nhõm, cảm thấy chiến thuật của mình thắng lợi hết nửa phần, hoan hỉ nói:
- Thực ra, tôi chỉ muốn có một kỷ niệm với Hà Nội sau khi ra về. Do đó, có hai cách giải quyết. Thứ nhất, là Nga hãy tặng tôi con mèo đem về. Mỗi lần, nhìn thấy nó, tôi lại nhớ đến Hà Nội, nhớ đến Nga...
Vừa nghe đến đó, Nga bật ngồi dậy, giành lại con mèo ôm vào người giẫy nẫy: “không được, không được...”, cứ làm như cô vừa phát hiện ra tôi là một tên lang thang chuyên bắt trộm động vật. Một hồi, chừng nhận ra mình phản ứng hơi quá, Nga lại từ tốn nói:
- Dĩ nhiên em biết anh đùa. Nhưng anh thông cảm, con mèo là bạn thân nhất của em. Em không bao giờ cho nó bất kỳ ai. Do đó, cách giải quyết thứ nhất anh nêu ra là không nhắc đến nữa. Còn cách thứ hai là sao?
Tôi vờ làm vẻ ngoan cố, mặc cả:
- Vậy thì khó thật! Mai này về nhà, không thấy con mèo tôi nhớ chết mất!... Hay là cách thứ hai, Nga phải đền bù thỏa đáng cho tôi...
- Muốn đền gì thì em đền, nhưng đừng nhắc con mèo nữa!
Tôi nói:
- Lúc nãy tôi đã nói, tôi muốn có một kỷ niệm nào đó với Hà Nội. Nếu không được con mèo...
- Đã bảo, đừng nhắc con mèo nữa!
- Ừ... Thôi thì Nga dành thời gian giúp tôi một buổi dạo chơi cho biết Hà Nội, trước khi ra về...
Nga ngần ngừ một lúc rồi hỏi:
- Bao giờ anh về? Anh đã đi chơi những nơi đâu rồi?
- Còn khoảng năm ngày nữa. Chẳng còn lâu nữa Nga ơi! Nga đưa tôi đi đâu cũng được. Chỉ cần đi với Nga...
Nga không nhận lời, cũng không từ chối. Cô ta nâng bổng con mèo, nói với nó: “Tự vì mày mà người ta kiếm chuyện đấy! Cứ đợi hẵng hay...”.

Tôi hồi hộp đợi chờ... bởi quỹ thời gian đã cạn dần. Bất ngờ, sau lần trò chuyện đó chừng ba ngày, vào lúc trả tiền cà phê buổi sáng, tôi nhận được một mảnh giấy nhỏ Nga nhét vào lòng tay. Mảnh giấy ghi: “Bảy giờ tối nay, anh quay lại đây. Em đợi”.

Cả ngày hôm ấy tôi cứ bần thần, mê mẩn vì hạnh phúc. Mặc cho Trại sáng tác, các ông nhà văn vang bóng Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Nguyễn Kiên... đến trao đổi chuyện trò, tôi vẫn chẳng còn hồn vía để nghe, chỉ mong sao chóng hết ngày...
Thế nhưng, đúng vào giờ hẹn, khi tôi đến hàng cà phê, thì nơi đây cửa ngõ đóng chặt im lìm. Tôi hụt hẫng, ngẩn ngơ, hết đưa tay day ổ khóa, lại tựa lưng vào bờ tường nối thuốc điếu này sang điếu khác... Một chị phụ nữ chắc ở lối xóm đang dỗ dành đút cơm đứa trẻ nhỏ trên vỉa hè, đến gần nhìn tôi tò mò nói:
- Cậu muốn uống cà phê à? Đến phải cuối đường cũng có mấy quán. Ở quán này người ta đóng cửa, cô bán hàng phải về quê, vì nghe nói bố mẹ cô ấy bệnh nặng, sắp qua đời.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Vậy nhà cô bán quán là ở nơi khác, chứ không phải ở đây sao?
- Tôi cũng không rõ, nhưng nghe nói nhà bố mẹ cô ấy ở ngoại thành, cách đây chừng dăm bảy cây số. Nơi đây chỉ thấy mình cô ấy và một bà chị, đi làm đâu xa, thỉnh thoảng mới ghé.
Vậy là suốt khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại tại Hà Nội, tôi cứ thường xuyên nôn nóng lảng vảng qua lại trước hàng cà phê. Nhưng cánh cổng nơi ấy vẫn cứ khép chặt, không hé mở, đến mãi đêm tôi cùng bạn bè phải mang hành lý ra ga...

***
Tận mấy năm sau, có dịp trở lại Hà Nội, tôi lập tức quay đến dãy phố có hàng cà phê năm nào. Chốn cũ, giờ đã quá nhiều đổi thay. Hàng quán san sát kề nhau, người ta qua lại tấp nập. Cũng có vài quán cà phê, nhưng là những quán lớn rộng, bài trí khang trang. Tôi làm sao xác định được quán mình cần tìm?
Mãi hồi lâu, dựa vào ký ức và sự phỏng đoán linh cảm, tôi bước vào một ngôi nhà nhỏ nhắn và khá vắng vẻ hỏi thăm. Một phụ nữ trung niên mang kính trắng thận trọng chậm rãi đứng chặn ngay trước cửa nhìn tôi:
- Anh muốn tìm nhà ai?
- Tôi muốn tìm một cô gái tên... Nga. Mấy năm trước cô ấy bán quán cà phê ở ngay đây, hoặc có thể không xa lắm dãy nhà này.
- Quán cà phê ngay đây... thì nhiều lắm. Có quán bán rồi nghỉ, nghỉ rồi bán, làm sao nhớ hết... Còn ở quanh dãy phố này, hồi xưa đến giờ, chẳng hề có một ai tên Nga!
Tôi còn biết lý do gì để hỏi thêm đây? Bất chợt, khi người phụ nữ vừa quay lưng, tôi thoáng nghe một tiếng “meo” nho nhỏ và thấy trên chiếc ghế mây bên trong, dường như một con mèo ngái ngủ, đang lười nhác trở mình... Nó chẳng thèm đưa mắt nhìn tôi.

Trần Trung Sáng
Đà Nẵng 11- 2010
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 14866)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?
27 Tháng Mười 202012:02 SA(Xem: 14873)
Nàng vốn tính mơ mộng và lại sống khép kín nên không đi đâu ra khỏi nơi chốn mẹ sinh ra mình. Hồi nhỏ nàng hay chép thơ, chép nhạc và đọc những gì mà cho là hay hay thì chép vào tập giữ làm kỷ niệm. Hồi đó nàng khoái cái câu: " Sống là để nuối tiếc dĩ vãng, chán nãn hiện tại và mơ về tương lai". Bây giờ nhờ có gu gồ, có fb luôn nhắc nhở phương cách sống đúng là "phải luôn sống trọn vẹn trong hiện tại, quên đi quá khứ và đừng lo cho tương lai" ngồi ngẫm lại nàng thấy hồi xưa sao mình khờ đến vậy ...
07 Tháng Mười 202012:40 SA(Xem: 14810)
Phủ Tây Diêm Vương đèn xanh lét. Tổng ma đầu mặt trắng như bôi vôi. Toàn thân cũng trắng xóa. Trắng từ đầu đến chân. Ngồi trầm tư trước bàn. Trên bàn trống trơn nhẵn thín, không có một thứ gì. Tổng ma đầu cứ ngồi yên như thế rất lâu. Rất lâu… Đầu lĩnh ma lướt vào nhẹ như gió sông Nại Hà. Khác với Tổng ma đầu, Đầu lĩnh mặt đen như sắt nguội. Đầy nếp nhăn nhúm dọc ngang, mắt lập lòe đỏ đọc. Khúm núm...
24 Tháng Chín 202010:46 CH(Xem: 15314)
Trong khu dinh thự nguy nga và duy nhất có cổng mang tên “Ô Y Hạng”(1) của phường Bích Câu - Thăng Long, sáng nay có một không khí náo nhiệt khác lạ, qua những dáng người vội vã, những gương mặt tò mò, những lời thì thào háo hức… Mặc dù không có đèn treo hoa kết, người ngoài cũng có thể đoán được rằng nơi đây sắp diễn ra một nghi lễ quan trọng.
23 Tháng Chín 20202:10 SA(Xem: 17651)
Bà Phước đang nằm dài trên nền xi măng, la lối om sòm “Trả tiền cho tao, tao có mấy trăm tiền già mà tụi nó cũng lấy hết của tao!” Hai anh chàng nhân viên cứu thương ngỡ ngàng không hiểu bà Phước bị làm sao. Hương mở lời: -Tôi là y tá của bà, để tôi coi có chuyện gì.
15 Tháng Chín 20201:02 SA(Xem: 19425)
Truyện của Phan Nhật Bắc là bức tranh về “giao thời” ở miền Nam sau 1975, “Tôi Đi Tìm Trầm” gần như một “tự truyện” lời lẽ bộc trực không triết lý lừa mị. Với lối viết mộc mạc nhưng gần gũi và sâu sắc của tác giả đã đưa chúng ta qua từng câu chuyện, từ mạo hiểm tìm Trầm, đổi tiền, buôn thuốc Tây, đến vượt biên tìm tự do… đọc truyện của anh, như xem lại cuốn phim mà trong đó thấp thoáng bóng dáng một phần đời của chính mình trong quá khứ.
08 Tháng Chín 20209:23 CH(Xem: 13914)
Mẹ là người Mường thuộc vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi chủ yếu là cao nguyên. Làng quê của mẹ sát bên sông Đà, xa đường cái, xa thị trấn thị tứ, vào được tới đó phải vượt qua nhiều chặng sông hồ đường đất gian khổ - nhất là vào mùa mưa, mọi người kể thế... Vào thăm Bảo tàng tỉnh, thấy có ảnh mẹ. Hóa ra, mẹ là một trong bốn bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của tỉnh này từng được Nhà nước phong tặng...
03 Tháng Chín 20202:59 CH(Xem: 16522)
Ngày quen nhau, Nó và Muội cùng 19 tuổi. Nó là con trai cả trong một gia đình giàu có người Tàu Việt, ở nhà gọi nó là A Chảy. Còn tên Muội do từ nickname “Tiểu Muội” cả nhóm đặt cho vì Muội nhỏ tuổi nhất nhóm. Nhưng Nó toàn gọi Muội là A Muối, “em gái nhỏ” theo tiếng Hoa! Nó học trường Hoạ, Muội học trường Nhạc. Con gái trường Nhạc thường có nhiều anh đứng chờ trước cổng chờ sáng trưa chiều tối vì giờ học mỗi người mỗi khác nhau. Riêng Muội chả có anh nào vì Muội thuộc dạng “know-it-all girl”, hay sửa lưng bất kỳ ai nói gì không chính xác. Mà con trai thì thường thích các em hiền ngoan khờ dại! Muội chưa bao giờ tới trường Hoạ, nhưng Nó lại hay tới trường Nhạc chờ Muội.
20 Tháng Tám 20208:01 CH(Xem: 15634)
Dì Hương là vợ thứ hai của chú Thông. Vợ đầu của chú cũng tự tử ở kè đá, lúc cô ấy hai mươi ba tuổi, ở với chú Thông được năm năm. Ba năm sau, chú Thông nhờ người mang trầu cau đến hỏi dì Hương. Năm ấy dì mới hai mươi nhăm tuổi. Nhưng nhan sắc có phần khiêm tốn. Con gái làng tôi, ngày xưa, chỉ mười ba là cưới. Nay thời mới, nếu không đi ra ngoài, thì cũng chỉ mười tám là lấy chồng hết lượt. Bọn bạn ngoài trường đại học với tôi vẫn bảo, gái làng mày rặt đĩ non! Thế mà dì tôi năm ấy vẫn ở nhà cấy mấy sào lúa với ông bà ngoại tôi, coi như đã ế. Ông ngoại tôi cố dấu tiếng thở dài, gật đầu đồng ý gả dì tôi cho chú Thông. Bà ngoại tôi than: “Nhà ấy nặng đất lắm, về đấy rồi biết sống chết ra sao” Ông gắt: “Bà này hay nhỉ, nhà người ta cũng đàng hoàng, bề thế. Con Hương nhà mình vào cửa ấy tốt chứ sao”.
15 Tháng Tám 202010:08 CH(Xem: 15760)
Trong một chuyến xe ca Tây Bắc - Hà Nội chạy từ bến T, tôi ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Cạnh tôi là mấy cô giáo sinh của một trường sư phạm miền núi về xuôi nghỉ phép hè. Sở dĩ tôi biết ngay được “tung tích” của các cô là bởi vì các cô thường trao đổi chuyện trò với một người ở hàng ghế trên phía trái mà các cô gọi là “thầy Quý” – một người có những vẻ ngoài khá tiêu biểu cho hầu hết những giáo viên Tây Bắc lâu năm: điềm đạm, khắc khổ, ít nói cười và hay trầm tư. Thầy giáo Quý đi cùng cô vợ trẻ (dễ kém anh ta đến mười lăm tuổi) và một đứa con nhỏ khoảng một tuổi.