- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cái bóng

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 40657)

tranmongtu_112
 Trần Mộng Tú

Hương leo lên một con dốc nhỏ, con dốc không dài lắm, gió thổi nhè nhẹ và mùa hè hình như vừa đi qua, hoa dã quỳ đã nở ngập ngừng hai bên lối đi, báo hiệu mùa thu đang bước vào thành phố. Con dốc này thân quen với cô lắm, cả một tuổi thơ của cô giấu trong những lùm cây, bụi cỏ, luống hoa và bay lang thang cùng những bông cỏ may nơi đây. Thanh và cô với những mơ mộng của tuổi mới lớn, với những mối tình “Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu”,với những tiếng cười vỡ tan chùm hoa nắng, với những hạt lệ chỉ bé và mơ hồ như những hạt sương. Ôi sao mà đẹp thế!
Khi cô bị cuốn đi theo cơn lốc cùng với gia đình, thì Thanh ở lại, mắt đầm đìa lệ nhìn cái bóng của bạn mình lăn xa, lăn xa.
Hương đã trở lại, đã thăm người bạn cũ, để thấy cái khoảng thời gian hai mươi năm nó tàn phá trong nhau thế nào. Hai người bỡ ngỡ nhìn nhau, òa khóc. Thanh đã có chồng, một thầy giáo cũ của cả hai người, họ có hai cô con gái. Hương cũng có chồng, một người bạn đồng học với Hương ở Mỹ, Hương mong mãi, vẫn không có con. Sau những vòng ôm, những giọt lệ, họ hứa sẽ không bao giờ để lạc nhau nữa. Từ đó, mỗi lần về Việt Nam, Hương tìm gặp lại Thanh, gặp lại Đà Lạt của mình.
 Lần về Việt Nam cách đây hai năm cô với chồng bận đi những nơi khác với đám bạn trẻ vừa Mỹ, vừa Việt mới đến Việt Nam lần đầu nên quá bận bịu với họ, cô không về đây thăm người bạn học thời thơ dại được. Lần này về một mình, cô phải thu xếp gặp Thanh trước tiên, những nơi khác sẽ tính sau.
Thanh rạng rỡ, cuống quít đón bạn ngay ở đầu con dốc, đỡ cái va li trong tay bạn, vừa đi vừa nói.
-Ồ, Hương về có một mình, thì phải ở thật lâu với Thanh đấy.
Hương thân mật quàng tay sang ôm lấy cái vai gầy của Thanh, nói:
-Hương chỉ ở được hai ngày thôi, Hương phải về lại Sài Gòn vì đã có hẹn rồi.
Thanh ngửa mặt cười:
-Hẹn ai? Mấy thằng bồ cũ của Hương bây giờ sứt tai, gẫy gọng cả rồi.
 Hương hạ giọng:
-Hẹn với mấy bà Sơ, ở Viện Mồ Côi, Hương đi xin con về Mỹ.
Thanh khựng lại, biết vợ chồng bạn đã cố gắng cả năm sáu năm nay, tìm mọi cách để có con mà vẫn không được, có lẽ vì Hương lập gia đình trễ quá. Cô nhỏ nhẹ:
-Ừ, giải pháp đó cũng hay đấy, mấy Sơ sẽ tìm cho mình những bé thuộc con nhà tử tế, mà người mẹ trẻ, lỡ dại, không dám nuôi con, cho mình.
Rồi Thanh đổi giọng: “Nhưng khoan nói chuyện đó đã, mâm cơm có cá kho tương đang đợi cô nương đấy.”

Hương ăn xong bữa cơm chiều với thầy cũ, bạn cũ, trong một niềm thân mật đến ứa nước mắt. Không cho bạn dọn dẹp, Thanh đưa tách trà vào tay Hương bảo, đi ngắm trăng non đi, Hương nghe bạn, mang tách nước trà ra sân, vừa nhìn trăng, vừa ngắm cái sân sau nhà bạn. Ngôi nhà này của cha mẹ Thanh để lại cho con gái, sau khi hai người qua đời, Thanh là con một, nên việc thừa kế không có vấn đề. Vợ chồng Thanh chẳng có tiền sửa đổi nên ngôi nhà vẫn y nguyên như thời thơ dại Hương hay sang chơi, từng viên gạch,từng gốc cây, Hương nhớ hết; nó chỉ cũ kỹ và nhiều chỗ đã hư hỏng, vá víu qua loa.
 Trời chập choạng tối, mảnh vườn to, nhưng vợ chồng Thanh chỉ trồng tỉa vào một góc; những luống rau nhỏ dưới ánh trăng mười bốn trông như những vệt mầu vàng nhàn nhạt kéo dài trên một vuông vải nâu đen, cái chuồng gà có vài con nhỏ bên trong với con gà mẹ, con gà bố thì đứng trên nóc chuồng, chân co, chân duỗi. Hương thấy có hai con vịt khá to lông trắng toát nằm gác đầu vào nhau bên dưới chuồng gà. Tất cả trông như cái phần đời ngoài kia thu nhỏ lại.
Dưới mắt Hương, cả ngôi nhà, mảnh sân, trông đẹp và buồn.
Con à, mẹ nghĩ kỹ rồi, con cứ kiên nhẫn một thời gian, thế nào chúng ta cũng được trở về nhà cũ. Con không nhớ là trong lịch sử đã có lúc người ta phải rời bỏ những ngôi nhà tốt đẹp êm ấm, chuyển đến một vùng hoang địa xa xôi, nhưng rồi người ta cũng từ từ tìm cách trở về.
 Mẹ ơi, đợi đến lúc tìm được đường trở về nhà cũ thì chắc con già hơn mẹ rồi. Mà mẹ có chắc khi trở về mẹ vẫn được ở lại chỗ cũ không? Nhà của mẹ con mình đã hoàn toàn thuộc về người khác rồi, mình không còn nơi chốn nào để trở về nữa. Không, mẹ cứ cho con đi theo người ta, con không muốn ở cái “Vùng kinh tế mới” này của mẹ đâu. Người ta đang cần con, ở đó con sẽ có cho nguyên mình cả một lâu đài.
Hai mẹ con ôm nhau. Người mẹ biết, thế nào rồi mình cũng mất con, không mất cách này, cũng cách khác, nước mắt người mẹ chẩy thấm ướt cổ áo con, len vào tận da thịt nó. Bà nhớ nơi chốn cũ, nơi chốn bình an từ đời nọ đến đời kia, cả một dòng tộc bà cư ngụ ở đó. Nơi có gió mát, trăng thanh, nước chẩy êm đềm, hoa trôi lờ lững. Nơi hẹn hò của tình nhân với tình nhân, nơi tiếng cười thủy tinh của những đứa trẻ nhỏ, nơi nắng và gió cũng biết hẹn hò.

Hương uống hết cụm trà cuối cùng, Thanh đã đứng ngay sau lưng bạn, cô tì cằm mình vào vai bạn, nói khẽ:
-Thanh biết thế nào Hương cũng được mang về Mỹ một em bé xinh đẹp, tin đi.
-Mình cũng hy vọng như thế. Hương đã làm đầy đủ giấy tờ, bây giờ đóng nốt khoản tiền cuối xong là mang bé đi. Em bé thì đã được xem hình, và có gặp, bế lần trước rồi. Bé lên ba tuổi.
Thanh nói như reo:
-Sướng nhỉ, “Thỏ thẻ như trẻ lên ba”. Nhớ nói tiếng Việt với con nghe, mai mốt mang nó về chơi, nó còn phải nói chuyện với dì Thanh đấy.

 Bóng trăng vừa chìm vào trong một đám mây, cả khoảng sân tối sầm lại, cái chuồng gà cũng mờ đi, nhòa vào đêm, con gà trống bây giờ chỉ nhìn thấy thấp thoáng cái mào. Hai con vịt trắng to tướng bên dưới bây giờ trông như hai trái banh mầu trắng nằm lăn vào nhau. Hai người bạn đứng im, hai bàn tay họ đan những ngón gầy vào nhau như một đường len trong chiếc chăn đêm.
Bữa cơm trưa tiễn bạn hôm sau rất thịnh soạn, có cả tiết canh vịt, canh vịt xáo măng, thịt vịt chặt đầy hai đĩa, và vẫn thêm một món cá kho tương đặt biệt của Hương. Nhìn mâm cơm, nghĩ đến số tiền chợ của bạn, Hương thấy e ngại, cô biết là bạn chẳng sung túc gì, nhưng muốn tặng bạn tiền cũng không phải dễ.Thanh luôn luôn sợ lòng mình quý bạn bị hiểu nhầm, nhất định không nhận của bạn một đồng. Vì là ngày cuối tuần, nên đông đủ cả nhà Thanh cùng ngồi vào ăn với Hương.
 Cô con gái lớn của Thanh, đã mười hai tuổi, gắp một miếng thịt vịt vào bát Hương nói:
-Con mời dì, thịt vịt này còn non, nên ngon lắm.
 Chồng Thanh, cũng là thầy cũ của Hương, nên gọi Hương là em như thời dậy học và Hương vẫn gọi lại là thầy.
Thầy cầm đôi đũa lên, vừa gắp cho mình một miếng to nhất trong đĩa, vừa nói:
-Em ăn đi, thịt này là thịt thiên nga, không phải thịt vịt đâu.
Hương tròn mắt:
-Thầy không nói đùa chứ, ở đâu có thiên nga cho Thanh làm thịt vậy?
 Thanh ngửa mặt cười, theo thói quen của cô, cứ cười là ngửa mặt:
-Cô nương ơi, cả đĩa cá kho tương đặc biệt cho cô và thịt thiên nga xáo măng này là ở hồ Xuân Hương cả đấy. Tuần trước, tháo nước hồ, dân chúng ùa nhau ra bắt cá, cả nhà mình cùng đi theo, bốn người cũng được đến mươi con, vừa ăn vừa để dành, vì biết cô nương sắp về. Hai con thiên nga này là của một người trước đây trông coi hồ nên biết chỗ chúng làm tổ, bắt bán lại cho nhà mình. Hôm nay tôi đãi cô nương con nhỏ, còn con lớn để cho nó đẻ trứng.
Hương lưỡng lự chưa dám cho miếng thịt thiên nga vào miệng, cô len lén nhìn người thầy cũ của mình. Ông thầy hồi đó chỉ hơn học trò năm, sáu tuổi, thầy đẹp trai, giảng Việt Văn như nước chẩy hoa trôi, các nữ sinh vừa nghe giảng, vừa nhìn thầy, những quả tim trong những bộ ngực thanh tân đập sai cả nhịp. Hương nhìn những sợi tóc đã bắt đầu điểm hoa râm của thầy, vầng trán đã hằn những vết thời gian. Thầy đang cho miếng thịt vào miệng, thầy nhai vội vã, thưởng thức một miếng ăn ngon, hai mắt thành sáng lên như đang hạnh phúc, một chút mỡ mỏng bóng bên khóe môi, thầy như đang để cả tâm trí vào mâm cơm, Hương băn khoăn không biết hình ảnh Hương và Thanh, hai cô nữ sinh ngày trước cùng ngồi trước mặt thầy có nhắc cho thầy nhớ lại trường, lớp ngày xưa không? Bất giác Hương nhớ lại câu thơ cổ Trung Hoa thầy đọc năm nào cho cả lớp nghe:
 Nga nga lưỡng nga nga
 Lưỡng diện hướng thiên nha
 Bạch mao phô hồng trạo
 Hồng trạo vỡn thanh ba (*)
Câu thơ làm cổ họng Hương nghẹn lại, cô cầm ly nước lên uống vội một ngụm, thấy cay cay trong mắt, Hương đưa tay che miệng, giả vờ ho mấy tiếng. Hương biết mình phải hòa vào cái vui của cả nhà, khi mọi người cùng ăn uống vui vẻ, hai đứa nhỏ chắc cũng lâu lắm mới được một bữa với món ăn lạ miệng. Hương gắp miếng thịt ở trong bát, nhìn xuống một giây do dự, đưa lên miệng. Miếng thịt mềm, thơm ngon, cho Hương cái cảm giác gần gũi với mọi người, cô không còn muốn xét nét nhìn thầy, nhìn bạn nữa. Hương thấy đầu óc mình bỗng nhẹ tênh, cô khẽ chặc lưỡi, hòa chung vào niềm vui của mọi người.
Bữa cơm nhanh chóng kết thúc, ai cũng hài lòng. Lúc uống trà Hương kín đáo đặt tay lên bụng xoa nhè nhẹ, cô nghĩ, con thiên nga nhỏ đang bơi trong bụng mình.
 Thầy nói:
-Cái hồ Xuân Hương đã được vét, sẽ đào cho rộng thêm, sâu thêm và sẽ trở thành một cái hồ đẹp hơn hồ cũ gấp nhiều lần.
Hương hỏi:
-Bao giờ xong hả thầy?
-Sẽ làm kịp cho dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Thầy ngưng lại một giây, nói tiếp. “Mà không xong ngay cũng chẳng sao, bao giờ xong mà chẳng được. Còn thiếu gì những dự án khác.”
Người mẹ đứng nhìn con bà ra đi, như thế nó đã đạt được giấc mơ to tát của nó. Bà mong cho nơi nó đến là một thiên đường khác với thiên đường trước đây của mẹ con bà đã bị người ta phá bỏ. Sáng nay khi người ta đến mang nó đi, bà đã định giữ lại, nhưng nó đã hăng hái lăn vào tay người ta, bà không nghe thấy một tiếng khóc nào của nó, ngay cả quay đầu lại nhìn bà nó cũng không làm nữa. Nó đi, đi thật rồi!Bà cố giữ nó lại, cố thuyết phục cho nó hiểu là mẹ con mình sẽ được trở về chốn cũ, nhưng nó không tin vào những lời nói hoang mang của bà, vì chính bà cũng không biết được nơi cũ bao giờ mới được bắt đầu hồi sinh lại. Đã có bao nhiêu cái cũ bị phá đi từ lâu đang còn trong chu kỳ chờ đợi. Nó đi, đi thật rồi!
Hương cúi chào thầy, ôm hai đứa nhỏ từ giã, kéo cái va li theo Thanh ra cổng. Cô bước xuống sân, trước khi đi về phía cổng, cô đưa mắt nhìn ngôi nhà thân yêu của bạn, nơi cô đã gửi một phần đời ở đó. Cô đi qua vườn rau, chái bếp, chuồng gà, dừng lại mỗi chỗ vài giây. Đàn gà đã rủ nhau đi kiếm ăn trong bãi vườn trống, chỉ còn lại con vịt to trắng toát ngày hôm qua, bây giờ cô mới biết là con thiên nga, nó đang đứng thẳng lên, nó có cái cổ thật dài, hai con mắt đen láy nhìn theo cô. Nó muốn đi theo cô, hay muốn kéo cô lại. Hương thản nhiên đi qua, cái bóng Hương đổ xuống mặt đất, con thiên nga chạy vụt ra đuổi theo cái bóng.

 Cánh cổng gỗ đã khép, không để lại cái bóng nào.

Trần Mộng Tú
Viết cho Hồ Xuân Hương-Đà Lạt

(*) Lược dịch
 Một nga, một nga, làm thành đôi
 cả hai ngước mặt tới cổng trời
 dưới đám lông trắng khoe móng hồng
 móng hồng sóng biếc cùng dỡn chơi
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Năm 20211:47 SA(Xem: 11476)
Nguyễn Vinh. Con trai lớn của Ông Nguyên Vĩnh và bà Trần Thị Dung. Bà Dung đưa con gái út là Vân đi học bằng xe đạp điện. Một chiếc mô tô 125 phân khối tông một phát. Vậy là, cả mẹ cả con ra người thiên cổ. Kẻ gây án vù một hơi mất dạng. Đoạn đường nơi xẩy ra tai nạn không có camera hành trình nên bó tay cái vụ truy thủ phạm. Nhưng...
22 Tháng Tư 202112:08 SA(Xem: 13082)
"Chiến thích được vuốt ve, âu yếm. Tôi cũng thích được vuốt ve, âu yếm. Nhưng tôi không thích làm cái chuyện đó với chàng. Chiến thích hôn môi, nhưng tôi cố tránh, vì không thích mùi thuốc lá quá nặng. Răng của thằng chả cũng không được đẹp, đôi lúc dính thịt gà, thịt vịt… thật khủng khiếp. Cho nên tôi luôn xoay mặt tránh chỗ khác. Chàng có hơi bực với thái độ hờ hững này…" (Nguyễn Thạch Giang)
21 Tháng Tư 202110:34 CH(Xem: 12269)
Sáng ngày 22, toàn bộ các lãnh đạo, y bác sỹ, y tá, hộ lý , kể cả nhân viên xét nghiệm, điều dưỡng v.v… đều được huy động xuống phòng họp của bệnh viện phụ sản, theo lệnh Ban giám đốc, chỉ trừ ê-kíp trực đang chờ các cuộc lâm bồn mới. “Đề nghị báo cáo số trẻ sinh ngày 22 đến giờ này và tôi cần một vài bé sinh đúng 0h00 giờ”, ông Giám đốc bệnh viện phụ sản nói. / “Dạ, báo cáo đồng chí, rất tiếc là tới giờ, không hiểu sao vẫn chỉ có một trẻ thôi, không có nhiều hơn, và không có trẻ nào sinh vào giờ đồng chí cần ạ,” bà Phó Giám đốc nói. “Thế à, khỉ thật! Đúng lúc mình cần thì các bà không đẻ cho. Bình thường thì đẻ như gà!”, Giám đốc bực và có vẻ hơi lo. / Đâu đó có tiếng cười khúc khích, hình như trong đám cán bộ, y tá, điều dưỡng trẻ.
14 Tháng Tư 20216:58 CH(Xem: 11984)
Từ trung tâm Luân Đôn, hãng tuyển dụng do tòa báo X thuê gọi cho một nhà báo là tài năng của hãng BBS (Bờ bờ Sông) có trụ sở quốc gia đặt tại xứ Tô Cách Lan: “Này, bọn keo đó trả cô cậu bao nhiêu một năm?” “Dạ ngần này ạ”, tài năng đáp. “Cái gì? Thật chó chết! À, chỉ định nói là chết tiệt thôi, gấp rưỡi nhé?”, nhà tư vấn tuyển dụng bảo. “Ôi tuyệt vời ạ! Em đang trên mặt Trăng ư?,” tài năng đáp, ngất ngây.
14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 11305)
Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau.
12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 11523)
Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 13049)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 12786)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
31 Tháng Giêng 202112:30 SA(Xem: 13254)
Hắn ở một tỉnh xa, mới chuyển về thủ đô chưa lâu. Do công việc. Nhưng cũng đã kịp hòa nhập ngay với vài nếp sống kinh kỳ. Người kinh kỳ thanh lịch, tết đến không chỉ là ăn, mà chủ yếu là chơi tết. Tết đến xuân về là phải đi chợ hoa. Ngắm và mua một vài thức gì đó mang về bày ngắm chơi, nghênh xuân.
23 Tháng Mười Hai 202012:01 SA(Xem: 12434)
Một vụ án mạng cực kỳ nghiêm trọng xảy ra hồi tối hôm qua ở bưu điện y. Nạn nhân là hai cô gái độ khoản 23 tuổi, là nhân viên bưu điện. Hai nạn nhân bị giết bởi một dụng cụ đặc biệt, hung thủ đã cao bay xa chạy. Cơ quan chức năng đang điều tra để làm rõ sự việc vụ án.