- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trên Phiến Mòn Ký Ức

08 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7371)
Năm tôi lên mười tuổi, thì cường độ chiến cuộc thực sự bước vào giai đoạn gay go và quyết liệt nhất. Mặt trận Điện Biên Phủ đột nhiên bộc phát dữ dội, khốc liệt. Ba chữ Điện Biên Phủ bỗng chốc trở thành địa danh nổi tiếng, quen thuộc. Bao nhiêu nỗ lực của người Pháp đểu đổ dồn vào khu lòng chảo tử thần, hiểm hóc này. Đâu đâu người ta cũng thấy bàn tán xôn xao về số phận hẩm hiu của vị trí trọng yếu ấy. Các thành phố lên cơn sốt tột cùng, nằm trong tình trạng căng thẳng, ngột ngạt trước các vụ bắt lính táo bạo để bổ sung cho tiền tuyến. Rốt cuộc, Điện Biên Phủ được mô tả bằng sự thoi thóp, khó thở rồi bị thất thủ sau năm mươi lăm ngày đêm chống cự với lực lượng Việt Minh lúc bấy giờ. Sự thất bại của cứ điểm Điện Biên Phủ đã khiến cho người ta phải bàng hoàng, sửng sốt trước một viễn ảnh đen tối đang thập thò, ám ảnh, đe dọa ở phía trước.

Sau khi quân đội Pháp bị thua trận một cách nhục nhã, thì số phận của con bệnh Việt Nam được đặt lên bàn giải phẫu của hiệp định Genève, khiến cho ai nấy đều phải nín thở, hồi hộp, lo âu về nỗi bất hạnh, u ám sẽ đến với đất nước, cũng giống như tên tội phạm đương cúi đầu, chờ đợi sự phán quyết tối hậu của tòa án. Người Pháp buộc phải ký tên vào hiệp định Genève, chia đôi hai miền Nam Bắc, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, phân chia thành hai thể chế chính trị rõ rệt. Lệnh đình chiến được ban hành, cuốn theo biết bao nỗi ngậm ngùi, băn khoăn cùng những nét hân hoan, khó hiểu nơi tâm tư người Việt Nam lúc bấy giờ, trước các mâu thuẫn, trái chiều, nghịch lưu về quan điểm, lẫn hình thái cùng màu sắc chính thể và sự lựa chọn về hai chữ tự do.

Tiếng súng đã ngưng bặt trả lại sự im lặng bình dị cho đất nước, nhưng bên trong vẫn còn ngấm ngầm nở ra một cuộc chiến đấu gay go, dằng co về tư tưởng. Giữa lúc ấy, về phía Việt Minh lẫn Pháp đều ra lệnh phóng thích tù binh. Trong số những người trở về có cả bố tôi cũng được thả ra từ trại tù Lý Bá Sơ, tận miền rừng núi heo hút Liên Khu Tư chướng khí, ẩm thấp. Người ta thường mô tả cho đó là của tử, là địa ngục tăm tối của trần gian. Chính bố tôi đã từng bị giam cầm ở nơi đấy, bị cùm cả hai tay lẫn hai chân, bị đánh đập tàn nhẫn và cuối cùng thì trở về từ cõi chết.

Trước đấy, bố tôi đương phục vụ trong đơn vị công binh của quân đội Pháp. Một đơn vị chỉ biết có nhiệm vụ bắc cầu, làm đường hoặc xây đồn cho các lực lượng trú phòng. Dạo ấy gia đình tôi đang sinh sống ở Thái Bình. Cuộc sống chỉ biết trông chờ vào đồng lương hàng tháng của bố tôi. Có thể nói, đấy là khoảng thời gian bằng phẳng, êm đềm và hạnh phúc nhất. Rồi, đột nhiên bố tôi có lệnh thuyên chuyển lên Hà Nội. Tôi không hiểu vì nguyên nhân hoặc động lực nào đã dẫn tới các biến cố dồn dập, thê thảm đến với gia đình tôi. Mãi cho đến sau này, khi tôi lớn lên, có trí khôn, tôi mới hiểu được nguyên nhân chính, cũng chỉ vì bố tôi dám cãi lại ông quan Tây, để bênh vực cho một người lính thuộc hạ. Dọc đường, trên chuyến xe nhà binh chở bố tôi cùng vài người lính khác, thình lình bị phục kích và tất cả đều bị bắt. Ngày bố tôi lâm nạn thì cũng chính là ngày mà ba anh em chúng tôi đều bị lên sởi đồng loạt. Mẹ tôi khóc sướt mướt, thu vén chữa chạy cho anh em chúng tôi, rồi bồng bế nhau lên ô tô hàng, vượt qua bến phà Tân Đệ để về quê.

Biện pháp đầu tiên là hai anh em chúng tôi đều phải nghỉ học. Riêng phần em tôi thì lúc ấy còn nhỏ dại, mới vừa lên bốn, nên chưa tới tuổi cắp sách đến trường. Vả lại, trường làng lúc bấy giờ chỉ có tới lớp ba mà năm đó thì tôi đang học lớp nhì, còn anh tôi thì đang ngồi ở lớp nhất.

Trong suốt khoảng thời gian này, gia đình tôi phải trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn và thê thảm nhất. Mẹ tôi phải lặn lội đi cấy mướn, gặt thuê. Tảng sáng, trời lạnh như cắt, bà phải dậy sớm, nhịn đói, tất tưởi ra đồng. Chung qui cũng chỉ vì lo cho ba anh em chúng tôi. Thân hình bà trở nên tiều tụy, gầy đét hẳn đi. Lắm khi tôi bắt gặp mẹ tôi đứng tựa cửa, buông mắt nhìn vào tận cõi xa xăm với nỗi buồn vô hạn. Có lẽ bà đang hướng niềm suy tư về bố tôi, về phương trời ấy, về nhà tù cùng chuỗi ngày tháng lầm than, đầy ải đang bủa vây kín mít ở chung quanh. Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng hồi tưởng lại khoang trời ở dĩ vãng, tự nhiên tôi cảm thấy chua chát, thấm thía hơn lúc nào hết. Tôi mường tượng ra hình ảnh hai anh em chúng tôi vào những vụ gặt, với chiếc bị cói cũ mèm ở trên tay, bì bõm lội dọc theo cánh đồng chiêm chói chang, dưới sức nóng như thiêu như đốt của tháng năm, mót từng hạt lúa còn sót lại, vương vãi dưới gốc rạ.

Tôi không khi nào quên được chuỗi thời gian ảm đạm, thê lương đó. Chuỗi thời gian mà ở đấy đã ghi lại vết thương đậm nét, đau nhói, in hằn, đóng băng ở ký ức. Chưa bao giờ tôi quên mà cũng chẳng bao giờ dám quên nó. Đó là thứ kỷ niệm đau buồn của một thời thơ ấu. Một dấu tích hay nói khác đi, đó là ngọn hải đăng dẫn lối cho tôi phấn đấu, dò dẫm vươn lên trong đại dương của cuộc đời sau này. Rồi, thình lình có tin bố tôi trở về, khêu dạy niềm vui lớn, rạng ngời đến với gia đình tôi. Nó tắt lịm, nguội lạnh kể từ hai năm nay. Thời gian trải mòn bằng những đợi chờ, những vật vã, đắng cay, ê chề nơi cuộc sống. Người được mô tả là vui nhất, phải nói đến chính là mẹ tôi. Bà đả tỏ ra quá mệt mỏi, đuối sức trước những lượn sóng đời cuồn cuộn, hung bạo đương dồn dập, đổ xô kéo đến. Giữa giây phút tuyệt vọng ấy, bà cố ngoi lên, quơ tay tìm chiếc phao để bám níu làm điểm tựa. Chiếc phao ấy đến thật đúng lúc, thật bất ngờ. Chiếc phao ấy không ai khác hơn chính là bố tôi. Tôi thấy mắt mẹ tôi sáng lên, rồi trong thoáng giây sững sờ, hình như lúc ấy mẹ tôi đang trải qua cơn xúc động mạnh mẽ thì phải. Trên khóe mắt sâu hút, tôi đọc thấy được hai giọt nước mắt vui mừng, long lanh đọng lại ở trên đấy.

Từ khi nhận được tin bồ tôi về, bà cứ lăng xăng, cuống quit, hối thúc ba anh em chúng tôi tắm rửa sạch sẽ rồi thay quần áo tươm tất. Có tiếng cô tôi nói vọng vào:

Anh nhắn về, chị nhớ mang cho anh ấy bộ quần áo.”

“Mà tại sao không về thẳng nhà mà lại ghé làng Môi làm gì!” - Mẹ tôi nói một mình. Bà ngừng lại ngẫm nghĩ giây lát rồi lẩm bẩm:

“Chắc là quần áo rách rưới, ngượng chẳng dám về chứ gì.”

Bà vừa nói vừa dở tung đám quần áo cũ kỹ, lựa lấy một bộ lành lặn, ưng ý rồi tất tưởi ra đi. Tới cửa buồng, bà còn ngoái cổ lại, căn dặn anh tôi:

“Nhớ tắm rửa cho các em rồi thay quần áo khác. Mẹ đi đón bố về.”

Hôm ấy, gia đình tôi rộn ràng, sống động hẳn lên, chẳng bù với chuỗi ngày tháng đìu hiu, quạnh quẽ trước đây. Hàng xóm hai bên đều chạy sang tấp nập. Cả xóm trên lẫn xóm ngoài cũng đổ xuống. Công việc đồng áng ngày hôm ấy đều ngưng lại trước tin tức nóng hổi về sự trở về của bố tôi. Họ ngồi phệt xuống vỉa hè, cười nói uyên thuyên, thấp thỏm chờ đợi. Họ chuyền tay nhau từng chiếc điếu cầy, trao cho nhau từng bát chè tươi xanh ngắt còn bốc khói và khỏa lấp vào cái khoảng trống rộng thênh thang ấy bằng các câu chuyện về mùa màng, về khí hậu giao mùa, đồng thời so sánh mức thu hoạch của năm nay với năm ngoái. Trong khi ấy thì cô tôi bận rộn luôn tay ở dưới bếp. Khói rơm mịt mùng, cuồn cuộn tỏa ra kín mít cả góc sân. Thường ngày ngôi nhà vắng vẻ, lạnh tanh, nay bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên, đánh tan bầu không khí nặng nề, u uất như trước đây. Tôi thấy mọi người đều nhìn ba anh em chúng tôi bằng những ánh mắt dịu dàng, tràn đầy sự trìu mến, như ngầm san sẻ với chúng tôi về niềm vui lớn hôm nay.

“Anh em hôm nay vui nhé! Bố sắp về tới rồi.”

Ba anh em chúng tôi ngây dại, sững sờ đứng nhìn họ. Ánh nắng bắt đầu lên cao, chiếu xiên xuống vỉa hè, tạo thành bức tranh sống động và linh hoạt của đồng quê. Câu chuyện được chuyển qua đề tài về đường xá, về đê đập, về ngôi trường làng cũ kỹ, loang lỗ cần được quét vôi lại. Có tiếng nói bâng quơ phát ra trong đám đông: “Quái! Sao lâu nhỉ?” 

Tiếp đến có tiếng “Ồ” mừng rỡ nổi lên. Mọi người đều nhốn nháo, trố mắt hướng về phía cầu ao. Thì ra là bác cả Đĩnh. Bác ta đưa tay chỉ lên phía đê:

“Kia rồi! Đúng là cô chú ấy, chứ còn ai vào đấy nữa.”

Mọi người đều dáo dác nhìn ra xa. Thời gian nặng nề, chậm chạp đi qua. Im lặng. Ai nấy đều im lặng. Chẳng một tiếng động dấy lên. Sự yên lặng lắng xuống tột cùng, khiến cho người ta có thể nghe rõ được từng tiếng thở nhẹ nhàng cùng tiếng ruồi nhặng vo ve bay ở chung quanh. Người ta chăm chú, nhẫn nại chờ đợi. Cuối cùng rồi bố tôi cũng xuất hiện ở ngoài ngõ. Mọi người đều nhốn nháo chạy ùa ra, tạo thành cái hoạt cảnh ồn ào, náo động hẳn lên. Mẹ tôi le te đi ở sau lưng bố tôi. Xuyên qua rừng người thấp thoáng, tôi thấy bố tôi có phần ốm đi rất nhiều. Hai má ông hóp sâu xuống cùng những nếp nhăn đậu chằng chịt, hằn lên khuôn mặt khắc khổ, thiểu não. Chung quanh tôi có tiếng bàn tán, thì thào nổi lên:

“Bác ấy trông gầy và tiều tụy đi nhiều.”

Lại có giọng khác xen vào khôi hài: “Ở tù mọi thứ đều thiếu thốn thì làm sao mà béo được.”

Ai nấy đều cười rộ cả lên. Mọi người không ai bảo ai đều tự động dạt sang hai bên, nhường lối cho bố tôi tiến vào. Ông gắng gượng nở ra nụ cười thăm hỏi mọi người, rồi bước lại ôm ghì lấy ba anh em chúng tôi. Tôi muốn vòng tay ấy cứ xiết chặt mãi và đừng khi nào lỏng ra, rời xa chúng tôi như thời gian trước đây. Chuỗi thời gian ấy đã để lại nơi tâm khảm của chúng tôi cả một cõi buồn tẻ và tê tái. Cái vòng tay ấy phả ra thứ hơi ấm nồng nàn, chuyền qua thân thể khô héo của ba anh em chúng tôi một thứ nhựa sống, hồi sinh trở lại. Tôi sung sướng, ngước mắt nhìn lên bố tôi. Có lẽ, hình như ông cũng đang tận hưởng cái trạng thái tột cùng của sự cảm động. Ông âu yếm, cúi xuống nhìn ba anh em chúng tôi bằng đôi mắt tràn đầy niềm yêu thương, trìu mến. Đôi môi ông mấp máy như đương muốn nói với chúng tôi về một điều gì thật thầm kín, xuất phát từ nội tâm, từ hơi thở, từ mạch máu, cho đến từng lớp tế bào đang bừng lên nỗi sung sướng tột cùng, mà tôi khó có thể diễn đạt được đầy đủ mọi ý nghĩa trừu tượng của nó lên trang giấy trắng nhỏ bé này.

Suốt ngày hôm ấy, nhà tôi rộn ràng hẳn lên. Tiếng lợn bị chọc tiết, thét thất thanh. Tiếng dao thớt chạm nhau, hòa trộn với tiếng sàn sạt vọng lên từ phía cầu ao, tạo thành chuỗi âm thanh chát chúa hỗn độn. Tôi thích thú tận hưởng cái cảm giác sung sướng ấy và muốn nó đan đậm liên tục vào cuộc đời. Những chiếc nồi đồng cùng những ông đòn rau được bưng ra đặt ở ngoài sân, kèm theo những tàu lá chuối xanh dờn nằm tênh hênh, diễu cợt dưới mặt đất. Người ta phân công ra thành từng nhóm. Đàn ông, trai tráng thì có nhiệm vụ xẻ thịt, hãm tiết để đánh tiết canh. Riêng nhóm đàn bà, con gái thì có bổn phận nấu nướng hoặc thái rau…. Tôi yêu bức tranh ấy. Cái bức tranh thật sống động, thật chân thật. Nó được gói ghém bằng một thứ tình cảm sâu đậm, mộc mạc, gắn bó liên tục vào chuỗi năm tháng bất tận. Tôi ôm ấp cái kỷ niệm bóng bẩy ấy và đóng khung nó vào cái vị trí quan trọng ở tận chiều sâu của ký ức.

Mặt trời vừa đúng ngọ thì mọi việc đều xong xuôi, hoàn tất. Những tấm chiếu hoa cạp điều được trải ra thành hàng lối từ trong nhà đến ngoài sân. Từng bát sáo, bát su hào còn bốc khói nghi ngút, tỏa ra mùi thơm phức cho đến những đĩa tiết canh màu đỏ chót trông thật đẹp mắt, hấp dẫn. Bác tôi xoa hai tay vào nhau, lên tiếng mời mọi người tuần tự ngồi vào chỗ. Không khí đột nhiên trở nên yên tĩnh lạ thường. Bác tôi đảo mắt nhìn sang hai bên rồi cất giọng trịnh trọng, đại khái là thay mặt cho gia đình, có vài lời cảm ơn đến tất cả bà con xóm giềng. Sau đó, bác tôi mời mọi người đều nâng chén để chúc mừng ngày trở về của bố tôi.

Bác tôi lên tiếng: “Chú dùng thử miếng tiết canh này xem sao.”

Bố tôi trả lời : “Bác cứ để mặc em.”

Chú tôi xen vào: “Anh ăn thêm miếng dồi. Ở trong tù làm gì mà có thứ này.”

Bố tôi chép miệng, buồn buồn:

“Làm gì mà có. Trong ấy chỉ có cơm hẩm độn khoai. Chỉ có nước độc, muỗi, cùm cùng bệnh kiết lỵ. Chẳng ai có đến viên ký ninh để trị bịnh sốt rét rừng. Bao nhiêu người xuôi tay, nằm xuống rồi ra đi mà hành trang đem theo chỉ vỏn vẹn có manh chiếu rách.”

Bố tôi kể rất nhiều về hai lần vượt ngục, về các trận đòn độc ác, dã man sau khi bị bắt lại. Về mùa đông lạnh lẽo, âm u trong miền rừng núi khu tư. Thoáng chợt, có tiếng nói phát ra gần chum nước.

“Họ ác thật.”

“Thôi! Bây giờ chú về mọi sự được bình an đều do ơn bề trên cả. Chẳng bù cho thím ấy ở nhà lặn lội hết đền ông thánh này sang tới đền ông thánh khác.” Bác tôi an ủi.

Bất chợt chú tôi lên tiếng hỏi: “Anh về có tính gì không?”

Bố tôi ngần ngừ rồi trầm tĩnh trả lời:

“Trước hết tôi sẽ nghỉ ở nhà vài ba hôm, rôi sau đó sẽ trở lại trình diện đơn vị. Sau khi về đến đơn vị, công việc đầu tiên là tôi sẽ xin phép về đón gia đình ra Hà Nội và lần hồi thu xếp cho mấy cháu cùng nhà tôi vào trong Nam.”

Chú tôi trợn tròn đôi mắt:

“Anh tính lại đi chứ. Theo em thì đâu cũng chẳng bằng quê hương, làng nước mình. Hơn nữa, bây giờ nước nhà đã độc lập, anh nên ở lại thì hay hơn. Em nghe nói đời sống ở trong Nam cũng rất khó khăn và bọn Tây cai quản đồn điền cao su thì tỏ ra độc ác, tàn nhẫn vô cùng. Vả lại, nơi đất lạ quê người, nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng khó bề xoay sở.”

Bố tôi dơ tay chận lại:

“Chú đừng có khuyên tôi làm gì! Vô ích! Bởi vì tôi đã quyết định từ lâu lắm rồi. Mỗi người đều có hoàn cảnh riêng biệt cùng cái chí hướng và con đường để đi. Tôi cũng muốn ở lại lắm chứ! Bởi vì đây mới chính là quê cha đất tổ, là nơi chôn rau cắt rốn mà tôi được sinh ra. Nói dại, ngộ nhỡ đêm hôm có trái gió, trở trời thì cũng có các bác, các chú, có bà con thân thuộc, có hàng xóm, láng giềng! Nhưng vì tình thế bắt buộc, tôi đành phải bấm bụng đưa các cháu ra đi. Tôi đã suy nghĩ, đắn đo kỹ lắm rồi. Nếu tôi ở lại thì khó mà có thể sống với họ được. Tôi biết chắc chắn rằng: Họ sẽ chẳng bao giờ buông tha cho tôi đâu! Chi bằng giữa lúc này mình nên nhanh chân trước đi thì hay hơn. Vả lại, trong lúc này còn tranh tối, tranh sáng thì họ nói như vậy. Nhưng đến mai mốt xong xuôi đâu vào đấy, thì họ lại lật lọng, đổi ý nói sang nghĩa khác.”

Ai nấy đều lặng thinh không nói. Không khí ngột ngạt hầu như quyện lại, đặc quánh bao trùm kín mít ở chung quanh. Văng vẳng, có tiếng ai thở dài phát ra tận ở phía cuối sân. Bố tôi ngồi im lặng giây lát rồi cất giọng nhỏ nhẹ:

“Thôi! Chúng mình hãy bỏ chuyện này sang một bên. Biết đâu quả đất xoay tròn, rồi đến một ngày nào đó, chúng mình lại gặp nhau nữa không biết chừng.”

Mọi người đều uể oải nâng chén, kèm theo những lời chúc tụng mộc mạc và bình dị. Chủ đề câu chuyện được thu hẹp ở bên trong lũy tre xanh hiền lành cùng những mái rạ nghèo nàn, thầm lặng. Cuối cùng rồi bữa tiệc cũng phải tan. Ai nấy đều lục tục đứng dạy, cáo từ ra về. Trên đống bát chén nằm la liệt, ngổn ngang, bề bộn dưới mặt chiếu, chỉ còn lại có bố tôi với khuôn mặt đỏ gay, ngà ngà say. Ông chuếnh choáng, gượng gạo đứng dạy, bước xiêu vẹo tiến về phía buồng ngủ. Bên ngoài, chiều bắt đầu ngả màu hoàng hôn. Những sợi nắng yếu ớt, vàng vọt như còn muốn níu kéo, luyến tiếc một ngày dài mệt nhọc.

Thấp thoáng mà một tuần lễ trôi qua chẳng khác nào cơn gió thoảng. Với một tuần lễ thật ngắn ngủi đã biến đổi toàn diện lên thân thể của ba anh em chúng tôi. Mọi rách rưới, nhem nhuốc tuần tự biến mất và thay thế vào đấy bằng những bộ quần áo mới toanh lên ngôi cùng những cử chỉ vụng về, xúng xính, khiến cho chúng tôi cảm thấy sảng khoái, phơi phới, hãnh diện hẳn lên. Trước mắt tôi lúc bấy giờ là cả một chân trời ngọc ngà, tươi mát. Chân trời đó được mô tả, thêu dệt bằng các ngôn từ bóng bẩy, lồng lẫy, chói lọi bởi hào quang lấp lánh của niếm tin và hy vọng. Mới đấy mà đã đến ngày bố tôi lên đường ra Hà Nội để trình diện đơn vị. Trước khi chia tay, người dặn dò ba anh em chúng tôi, ở nhà phải ngoan ngoãn vâng lời mẹ và cố gắng chờ đợi, bởi vì người sẽ trở về đón chúng tôi ra Hà Thành. Đến lúc ấy, chúng tôi sẽ được đi học trở lại. Tôi yên tâm không còn phập phồng lo nghĩ vẩn vơ như trước đây. Bố tôi là cây cột chính trong gia đình. Ông chẳng khác nào sợi mưa đầu mùa tưới xuống thửa đất hạn hán lâu ngày cằn cỗi. Nhờ đấy, chúng tôi bắt đầu hồi sinh trở lại, rồi nẩy mầm tăng trưởng và đổi màu thành xanh ngắt.

Tôi miên man liên tưởng đến chuỗi ngày tháng ở Thái Bình. Đến bọn thằng Hùng, thằng Hậu, thằng Phú, thằng Hiệp. Đến cầu Bo. Đến con sông đào nhỏ bé cùng những lần tập trận giả vào các buổi chiều mùa Hạ. Những buổi chiều thật ngoạn mục, vang dậy cả khúc sông. Những buổi chiều đi vào tháp ngà, lụa là của kỷ niệm. Nó được cất giữ vào cái bảo tàng viện của ký ức mà tôi biết chắc chắn rằng: Nó sẽ chẳng khi nào tàn phai ở trong tôi. Tôi nhớ đến những lần tập xe đạp ở trường Nam tiểu học. Vui thật! Đến con đường Trưng Trắc xầm uất cùng các cây đèn kéo quân vào những mùa trung thu vằng vặc trăng sáng. Tới đền Mẫu mà bọn tôi thường lui tới vào những ngày rằm chờ phát oản. Tới sân vận động. Tới từng ly lục tàu xá ngọt lịm, xuýt xoa. Từng gói lạc rang còn nóng hổi vào những buổi chiều đông giá lạnh căm. Tôi nhớ tới con đường Hoàng Văn Thụ mà nhà tôi ở đấy hằng bao nhiêu năm trời. Tới trại lính tàu bò. Đến gánh phở vào những buổi sáng còn tinh sương, ngạt ngào tỏa ra mùi thơm phức. Tôi hình dung ra gương mặt dễ thương của thị xã. Đến con đường dẫn tới ngôi trường Trần Lãm ở quá khứ. Ngôi trường cô đọng biết bao nhiêu giọng nói ngộ nghĩnh, dễ thương cho đến những cử chỉ dịu dàng và âm thanh hiền từ, ấm áp của thầy giáo tôi. Nó chẳng khác nào những lọn sóng bạc nhẹ nhàng, êm đềm, vỗ về, ru tôi đều đặn ở dĩ vãng. Chân trời đó nay đã khép lại, chìm khuất vào hư vô. 

Tôi muốn níu kéo chuỗi thời gian vàng son ấy trở lại! Nhưng tôi biết chắc rằng, nó sẽ chẳng bao giờ mở ra, mà ngược lại, nó sẽ khoanh tròn ngủ say trong toa tàu ký ức ở trong tôi. Trước mắt tôi, đương chuẩn bị mở ra một chặng đường mới. Một chặng đường được gói ghém, tiêu biểu bằng những nhân vật mà hiện giờ tôi vẫn chưa được biết đến tên, trong một thành phố mới mẻ, rộng lớn, đồ sộ, nguy nga hơn Thái Bình. Tôi hy vọng sẽ xây ở trên đấy một tháp ngà lộng lẫy, tráng lệ cho tuổi thơ. Tôi muốn lấp đi cái khoảng trống vô nghĩa, dị biệt vừa qua, và lát ở trên đấy bằng những viên gạch son đỏ chót cho tuổi thơ tôi no tròn, cho tâm hồn tôi bay lượn trên cõi không gian vô tận, lướt qua những thửa rừng già ngút ngàn, xanh biếc. Tôi muốn được thảnh thơi, không còn bận bịu suy nghĩ, để từ đó thực hiện hoài bão ngà ngọc, xanh mướt cho tuổi thơ.

TRANG LUÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12945)
(Xem: 14380)
(Xem: 15761)
(Xem: 15171)
(Xem: 15191)
(Xem: 15995)
(Xem: 14619)
(Xem: 14370)
(Xem: 14371)
(Xem: 15331)