- Thư Tòa Soạn
- Như Hạnh : Đọc Một Cách Phê Phán “luận Ngữ Trích Lục Dẫn Giải” Của Phan Bội Châu
- Thơ: Mặt Và Gương - Không Ngộ Nhận
- Chính Đạo: Mậu Thân 1968: Thắng Hay Bại?
- Mậu Thân 1968: Thắng Hay Bại? - Phụ Chú & Phụ Bản
- Thơ: Một Góc Tầng 3
- Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương
- Thơ: Đợi
- Bài Thơ: Đang Bước Vào Ngưỡng Cửa
- Nguyễn Nam Trân: Vượt Qua Thời Hậu Chiến Kinh Nghiệm Nhà Văn Nhật Bản Thế Hệ (1945 - 1965) - Phần 1
- Nguyễn Nam Trân: Vượt Qua Thời Hậu Chiến Kinh Nghiệm Nhà Văn Nhật Bản Thế Hệ (1945 - 1965) - Phần 2
- Xóm Bờ Mương
- Phụ Trang
Những nhà văn mới xuất hiện trên văn đàn khoảng 1952 - 55 viết không giống như hai thế hệ đàn anh phái hậu chiến (Sengoha). Họ mượn hình thức tiểu thuyết tự thuật theo kiểu cũ nhưng để nói về cái trống rỗng của cuộc sống hiện tại. Họ được mệnh danh là lớp nhà văn mới thứ ba (The Third Wave).Yasuoka Shôtarô (An Cương, Chương Thái Lang, 1920 - ?) trong “Bạn bè xấu” (Warui Nakama, 1953), trình bày tư thế bám chặt của ông vào bản ngã của mình.
Ông còn viết “Phong cảnh bên bờ biển” (Umibe no Kôkei, 1959) và “Truyện đời nổi trôi” (Ryuuritan, 1981.Yoshiyuki Junnosuke (Cát Hành, Thuần Chi Giới, 1924-1994) viết “Mưa Rào” (Shuu-u, 1953) vẽ ra những hình ảnh tươi tắn mới mẻ. Yoshiyuki còn được biết đến với “Căn buồng tối” (Anshitsu, 1970) và “Bên trong chiếc cặp” (Kaban no Nakami, 1974). Kojima Nobuo (Tiểu Đảo, Tín Phu, 1917-?) viết “Trường học Mỹ”(American Sukuuru, 1954), “Vòng tay gia đình” (Hôyô Kazoku, 1965), “Lý do chia tay” (Wakareru Riyuu, 1982). Shôno Junzô (Trang Dã, Nhuận Tam, 1921-?) có “Một cảnh bên bể bơi” (Puuru saido no shôkei, 1974). Endô Shuusaku (Viễn Đằng, Chu Tác, 1923 - 1996) có “Người tập việc” (Shiroi Hito 1955), “Biển và thuốc độc” (Umi to dokuyaku, 1958), “Lặng thinh” (Chinmoku, 1966), “Bên bờ Biển Chết” (Shikai no hotori, 1973).
Họ đã bắt đầu bằng những tác phẩm độc đáo so với lớp người trước. Trong đám “Người Mới Thứ Ba” này còn phải kể đến Agawa Hiroyuki (A Xuyên, Hoằng Chi, 1920-?) với “Thành trong mùa xuân” (Haru no Shiro, 1952) và Sono Ayako (Tăng Dã, Lăng Tử, 1931) tác giả của “Những người khách phương xa” (Enrai no okyaku tachi, 1954) , “Truyện về chàng Tarô” (Tarô Monogatari, 1973) và tập tùy bút “Yêu vì ai đây?” (Dareno tame ni aisuru ka, 1970). Những nhà văn gọi là “Người Mới” (Shinjin) nầy thường là những cây bút trong khoảng 1952-1955 từng có vinh dự đoạt Akutagawa-shô, giải thưởng văn học đặt theo tên văn hào từ năm 1935. Giải nầy do tạp chí Văn Nghệ Xuân Thu (Bungei Shunjuu) và do nhà văn Kikuchi Kan, bạn của Akutagawa, khởi xướng chủ trì, được xem như là cửa Vũ Môn để những nhà văn trẻ phải vượt qua. Giải nầy mỗi năm phát hai lần (xuân và thu), chỉ bị gián đoạn trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1949. Cho đến nay, giải nầy vẫn được coi như một thước đo tài năng các cây bút trẻ.
1) Mishima Yukio (Tam Đảo, Du Kỷ Phu, 1925-70) và tiểu thuyết thần bí:
Mishima Yukio đã bắt đầu viết từ 1941 nghĩa là trong chiến tranh nên người viết văn học sử khó xếp ông hoàn toàn vào phái hậu chiến, nếu không nói phong cách văn chương ông còn là “phản hậu-chiến” nữa. Nhưng đó cũng có thể là điểm son của ông. Ông độc lập, không theo thời, một phần cũng vì có sự tự tin ở tài nghệ của mình.
Ông gây được sự chú ý với ịáLời thú nhận của chiếc mặt nạáỂ (Kamen no Kokuhaku,1949),ị Tiếng Sóng XaoáỂ (Shiosai, 1954),ịáChùa Kim CácáỂ (Kinkakuji, 1961). Ngoài những tác phẩm kể trên, Mishima còn viết tuồng Nô theo lối hiện đại trong ịáTập tuồng NôáỂ (Nôraku-shuu, 1956), tứ bộ tác ịáBiển Phì NhiêuáỂ (Hôjô no Umi), lấy tên một địa danh trên mặt trăng (Sea of Fertility) (in từ1965 đến 1971). Ông mổ bụng tự sát theo phong cách samurai năm 1970.
Chùa Kim Các (Kinkakuji, 1956)
“Chùa Kim Các” của Mishima cũng như “Khỏang Chân Không” của Noma Hiroshi là hai quyển truyện nổi tiếng của hai nhà văn lớn cùng thời. Chúng đối chọi với nhau về văn thể, phong cách lẫn đề tài.
Kinkakuji là một tiểu thuyết dài, lấy cảm hứng từ một sự thực: vụ phóng hỏa xảy ra năm Shôwa 25 (1950) thiêu hủy ngôi chùa vàng Kinkakuji. Chùa nầy vốn tên là Lộc Uyển Tự của phái thiền Rinzai (Lâm Tế) do sứ quân Ashikaga Yoshimichi (1358-1408) xây lên ở Kyôto. Tuy nhiên, truyện kể biến chuyển tâm lý đã đưa thủ phạm, chú tiểu có tật nói lắp Mizoguchi, đến việc đốt chùa và qui cho việc anh ta đã bị vẻ đẹp của ngôi chùa thu hút, làm mình không còn là mình nữa. Đối với anh ta, chỉ có việc phóng hỏa thiêu rụi ngôi chùa mới giúp anh ta sống lại một cuộc đời mới. Nội dung thiên về phân tích tâm lý. Văn thể trong sáng và tinh tế của Mishima trong Kinkakuji làm cho quyển truyện có một chỗ đứng độc lập đối với Shinkuu Chitai nhưng cả hai đều đáng gọi là tác phẩm tiêu biểu của văn học hậu chiến.
"Cho dù nó chỉ đến bất chợt trong đầu tôi nhưng cái ý nghĩ đốt chùa Kinkaku sao mà tôi cảm thấy nó vừa khít với tôi như một bộ quần áo thợ may đúng ni tấc. Làm như thể từ hồi mới sinh ra đời, tôi đã nuôi chí thực hiện chuyện đó rồi. Ít nhất là từ ngày đầu tiên đi theo cha tôi ngắm Kinkaku, ý tưởng đó thành hình dần dần để đợi ngày sinh hoa kết trái trong tôi. Kinkaku đã hiện ra trong cặp mắt trẻ thơ như một cái đẹp không thể nào tồn tại vĩnh viễn và điều đó là nguồn gốc của muôn ngàn lý do xui khiến tôi trở thành người phóng hỏa." (trích “Chùa Kim Các”, chương 8)
Câu truyện nói trên bắt đầu từ một sự kiện có thực nhưng ba mươi năm sau Kinkakuji, Minakami Tsutomu đã viết một cuốn truyện khác nhan đề “Kinkakuji trong biển lửa” thu thập rất nhiều tài liệu thực, đã đưa ra một cái nhìn khác hẳn với lối nhìn lãng mạn của Mishima
Ưu Tư Vận Nước (Yuukoku, 1961)
Không có một chữ tương đương trong Anh hoặc Pháp ngữ để dịch Yuukoku “Ưu tư vận nước”. Từ Patriotism chỉ có thể dùng để dịch chữ Ái Quốc.May thay, với vốn liếng Hán Việt ta có thể hiểu Yuukoku là “lo lắng và hiến thân cho đất nước”. Như thế, ý nghĩa của Yuukoku trịnh trọng và u ẩn hơn là ái quốc. Tác phẩm nầy quan trọng trong sự nghiệp và cuộc đời Mishima vì nó kết tinh tư tưởng quốc gia cực đoan lãng mạn và cực kỳ nguy hiểm và đã dẫn đến hành động chiếm đóng doanh trại lực lượng quân đội phòng thủ của Nhật (Jieitai) và sự tự sát bằng mổ bụng của ông ngày 25/11/1970 cùng với các đồng chí trong Tate no Kai “Hội Cái Thuẩn”, một “đạo quân” vài chục người phần lớn là sinh viên. Ông đã làm rập khuôn như nhân vật trong truyện của ông, trung úy Takeyama Shinji trong đội cận vệ thiên hoàng, sau khi cuộc nổi loạn của các bạn ông ta ngày 26/02/1936 bất thành. Chính biến nầy gọi là Ni-niroku (tức ngày 2/26) nhằm phục hồi lại uy quyền thiên hoàng và vinh quang Nhật Bản do một số sĩ quan trẻ gọi là “phái hành động”24 (Kôdôha) chủ trương. Nhóm người này đã tấn công các công thự và giết một số nhân vật trong chính quyền mà họ xem là “gian thần” trong ngày đầu nhưng đến ngày thứ tư, chính thiên hoàng Hirohito đã ra lệnh bắt họ về doanh trại. Với tội danh phiến loạn, các sĩ quan cầm đầu bị hành quyết giữa Tôkyô và viên trung úy Takeyama vì tình liên đới đã mổ bụng chết theo sau một đêm ân ái tuyệt vời với người vợ mới cưới. Câu truyện tiểu thuyết hóa để tán dương tinh thần vũ sĩ đạo của những quân nhân nổi loạn lồng khung trong một bối cảnh có tính mỹ thuật và đam mê. Năm 1965, Yuukoku đã được dựng thành một cuốn phim ngắn do Mishima sản xuất, đạo diễn, viết kịch bản và thủ cả vai chính.
Bản thân không theo đảng phái nào, không có hoạt động chính trị nhất quán và lý luận vững vàng25, từ ngày viết Yuukoku, hình như Mishima (có lúc ký tên Mishima là Mỵ Tử Ma = Kẻ Mê Cái Chết) không còn phân biệt tiểu thuyết và đời thường nữa. Cái chết của Mishima thật ra gây ấn tượng cho người ngoại quốc hơn là cho người Nhật và từ đó, Tây Phương không ngừng phân tích tâm lý ông, viện cớ một tuổi trẻ ốm yếu, một giáo dục gia đình quí tộc hà khắc, khuynh hướng đồng tính luyến ái để giải thích hành động bất thường của ông. Có lẽ vì quá yêu mến văn tài mà họ đã trở nên quá dễ dãi và dung thứ với ông.
Mishima theo học ở Gakushuuin (Học Tập Viện), một trường có truyền thống dạy học cho con nhà quyền quí và đã có thiên khiếu văn chương từ nhỏ. Sau ông vào học Luật Đại Học Đế Quốc Đông Kinh với một tương lai quan trường đầy hứa hẹn. Thế nhưng ông đã chọn văn chương, đã từ chức ở Bộ Tài Chánh sau khi nhận việc mới có một năm. Ông có tài thơ nên văn ông viết như thơ, khởi đầu năm 19 tuổi bằng tập “Khu rừng kết hoa”(Hanazakari no Mori, hè 1941) là một kho tàng về tu từ học vì đầy những ẩn dụ, so sánh và thể hiện phong cách văn học lãng mạn của ông về sau. Về các tác giả Tây Phương, ông đặc biệt thích Oscar Wilde, sau đó đến các tác phẩm cổ điển Hi-Lạp, Raymond Radiguet, Francois Mauriac, Thomas Mann, Hofmanthal, Stringberg, Yeats và Baudelaire. Ông rất rành về cổ điển Nhật Bản và khác với văn nhân đương thời muốn chủ trương đoạn tuyệt với văn chương tiền-Meiji, ông tìm nguồn cảm hứng từ các tác phẩm cổ điển. Tứ bộ tác (tetralogy) mà ông để lại như di chúc chịu ảnh hưởng các tác phẩm thời Heian.
Truyện “Mối tình của vị cao tăng chùa Shiga” Shigadera Shônin no Koi cũng mượn bối cảnh thời ấy, trong đó một vị lão tăng đã dám hy sinh cả nghìn kiếp sau để sống cho trọn vẹn mối tình của một kiếp này vói nàng công nương. “Trung cổ” (Chuusei, 1945) nói về nỗi buồn mất con của tướng quân Ashikaga Yoshimasa lồng trong không khí thời Muromachi (1333-1568). Những tác phẩm cổ điển như tập thần thọai Kojiki, tập thơ Kokinshuu, nhật ký của Izumi Shikibu, tuồng Nô, Hagakure (tức “Diệp Ẩn”, tác phẩm về giáo lý vũ sĩ đạo viết hồi thế kỷ thứ 18), truyện kinh dị thời Edo của Ueda Akinarià đều là nguồn cội của văn chương Mishima.
Cái tên Mishima do các người đỡ đầu (thầy học và nhà xuất bản) đặt cho khi họ họp với nhau trong một cái quán ở Mishima, một tỉnh nghỉ mát vùng biển, để bàn về việc cho ra mắt một tác phẩm viết năm 1941 của cậu sinh viên có cái tên Hiraoka Kimitake (Bình Cương, Công Uy). Trong chiến tranh vì đau ốm, ông khỏi bị trưng binh. Trung đoàn đáng lẽ ông tham dự đã bị tiêu diệt ở chiến trường Phi-luật-tân. Sau chiến tranh, ông cho ra mắtịáTruyện ở đầu mũi đất” (Misaki nite no Monogatari, 1945) và tiểu thuyết dài “Bọn Trộm Cướp” (Tôzoku, 1946-48). Hai truyện đều nói về cái chết. Nhân vật trong truyện đầu bị cuốn hút bởi một mũi đất ven biển Kobe, coi cái chết như một giải thoát. Cặp vợ chồng trong truyện thứ hai mỗi bên đều có lần tự tử hụt, đã cùng nhau tự tử ngay trong ngày cưới.
“Lời tự thú của một chiếc mặt nạ” (Kamen no kokuhaku, 1949), tập tự truyện (giả dối) của một tác giả mang mặt nạ và “Tình kiểu cấm” (Kinjiki,1952) nói về thế giới những người kê-gian (sodomite) trong các quán rượu giữa Tôkyô, cả hai đều đề cập đến đồng tính luyến ái. Trong chương cuối của “Mặt Nạ”, người kể truyện tên Yuuichi (mang nhiều yếu tố có tính cách tự truyện của tác giả) nói đến một xung động không cưỡng nổi đã kéo mình ra khỏi ảnh hưởng của Sonoko, người con gái anh ta tôn thờ về phía “người đàn ông thô lỗ và mình mẫy ướt đẫm mồ hôi”. Ở một đoạn khác, người ấy cho biết đã bị kích tình đến cực điểm (orgasm) lần đầu trong đời khi xem bức tranh “Thánh Sebastien thụ nạn” (với nét mặt u buồn nhưng hạnh phúc khi bị tên đâm đầy người) của Guido Reni. Ta nhớ rằng lúc cuối đời, Mishima cũng làm mẫu cho người ta chụp ảnh trong tư thế của thánh Sebastien và đã chọn cái chết bằng mổ bụng, một cái chết rất đau đớn.
“Khát tình” (Ai no Kawaki,1950) với bối cảnh vùng Osaka, kể truyện một góa phụ, Etsuko, tình nhân của cha người chồng quá cố nhưng yêu thầm anh làm vườn trẻ tuổi Saburô. Cô mê Saburô nhưng khi anh ta biết và tìm đến để đáp lại thì cô lại cự tuyệt, hô hoán lên và giết anh ta. Đó là một thứ tình-yêu-cho-mà-không-chịu-nhận của “người đàn ông” nấp trong thân xác phụ nữ của Estsuko. Tác phẩm nầy có lẽ đã mô phỏng Thésrèse Desqueyroux của Francois Mauriac.
Các tác phẩm quan trọng khác, ngoài “Chùa Kim Các” (Kinkakuji, 1956) đã trình bày ở trên, còn có: “Sau bữa tiệc” Utage no ato nói về đời tư của các chính trị gia, đã làm Mishima bị cựu tổng trưởng Narita Hachirô đưa ra tòa vì tội xâm phạm đời tư (1960), “Tiếng Sóng Xao” (Shiosai, 1954) lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cổ Hi-Lạp Daphnis và Chloe, lồng nó trong bối cảnh Nhật Bản bằng cách biến hai đứa bé chăn cừu thành hai đứa con làng chài Shiji và Hatsue, yêu nhau trong trắng và vượt nghịch cảnh, “Lỡ chuyến tàu chiều” (Gogo no eikô, 1963) nói về nỗi thất vọng của mấy gã trai trẻ không được người thuyền trưởng già cho ra khơi như đã hứa, đã quay lại giết con người sau khi đã dụ dỗ họ bằng những lời đẹp đẽ về biển cả mà lại bỏ rơi họ để trở về sống trên đất liền.
Tứ bộ tác “Biển phì nhiêu” (Hôjô no Umi), “Tuyết Mùa Xuân” (Haru no Yuki), “Ngựa Bon” (Honba), “Ngôi đền trong bình minh” (Akatsuki no Tera) được đăng từ tháng 9/1965 cho đến lúc ông chết (1970) trên tạp chí Tân Trào (Shinchô).Nguồn cảm hứng chính của bốn tập truyện nầy là luân hồi chuyển sinh (transmigration) và mộng. Đó là cuộc hành trình của những nhân vật thuộc gia đình công tước Matsugae, một người có công mở nước thời Meiji qua nhiều kiếp không những trên đất Nhật mà còn ở nhiều nơi trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan. Họ còn nhận được ra nhau nhờ cái dấu (ba nốt ruồi) còn in trên thân thể và tái diễn lại cái nghiệp của những kiếp trước.
Mishima có mối tình sư đệ đặc biệt với Kawabata Yasunari, người đã giới thiệu tác phẩm “Thuốc lá” (Tabako, 1946) trong tạp chí “Con Người” (Ningen) và tự sát bằng hơi ngạt ít lâu sau (1972) ngày giỗ của ông (1970). Kawabata đã theo dõi văn nghiệp, đỡ đầu đám cưới cũng như chủ tang cho Mishima. Tuy tính tình hai người hầu như đối lập (Kawabata kín đáo, điềm đạm trong khi Mishima sôi nổi, gây hấn) nhưng văn chương lãng mạn của họ có rất nhiều điểm chung. Do đó, nhiều nhà bình luận xếp họ vào cùng một khuynh hướng với Izumi Kyôka, Tanizaki Jun-ichirô và Satô Haruo. Những người nầy tượng trưng cho một khuynh hướng độc lập và có tính liên tục xuyên thời đại.
Ngược với lập luận trên, Nishikawa26 cho rằng dù muốn dù không, Mishima là một sản phẩm của thời hậu chiến. Chính Mishima tự thú đã ịáăn nằm với thời đạiáỂ trong tập văn nghị luận ịáCuộc nghỉ hè của một tiểu thuyết gia (1955). Trong một tác phẩm ít được biết tới nhan đề ịáNgôi nhà của KyôkoáỂ (1954-56), có đả động tới một nơi mà 5 nhân vật ịánuôi những vết thương của cảnh điêu tàn thời hậu chiến trong timáỂ và lui tới ngôi nhà vì đó là nơi họ dùng để ịátiếp xúc với ý tưởng của thời đạiáỂ. Hơn nữa, nhiều nhân vật của Mishima là con người thời đại: họ là giám đốc hãng buôn, sinh viên, võ sĩ quyền Anh, họa sĩ , diễn viên... ( như thấy trong “Ngôi nhà của Kyôko” hay, “Thời đại màu thiên thanh” (Ao no jidai,1950). Ngoài ra, ông lấy cả tài liệu viết truyện từ thời sự báo chí (Kinkakuji, Ai no Kawaki chẳng hạn).
Mishima làm thơ, viết luận thuyết, viết văn, dịch tuồng Nô, làm phim, dựng kịch, ông là một người đa tài. Tài năng của ông chỉ là những cái “hoa ác” cho nên dù được đề nghị giải Nobel văn chương nhiều lần, tư tưởng quốc gia cực đoan đi ngược với tinh thần của Alfred Nobel của ông đã là một cản trở không thể vượt nổi cho ban giám khảo.
2) Yasuoka Shôtarô (An Cương, Chương Thái Lang, sinh năm 1920)
Ông sinh ở Kôchi (đảo Shikoku) và tiêu biểu cho lớp nhà văn mới đợt ba. Cha hành nghề thú y di chuyển nhiều nơi làm việc học hành của ông gặp khó khăn nhưng sau 3 năm lông bông rốt cục cũng vào được Đại Học Keiô là trường nổi tiếng. Ông lắm bệnh, hết ho lao rồi bệnh tủy sống. Nằm bệnh vẫn cố viết lách, cho ra mắt “Giày thủy tinh” (Garasu no kutsu, 1951) đem đến cho văn đàn một luồng gió mới, đoạt giải Akutagawa với hai tác phẩm “Bạn bè xấu” (Warui nakama) và “Niềm vui ảm đạm” (Inkina tanoshimi, 1953). Thế đứng trong văn chương của ông là về phía những kẻ yếu.
Trong số các tác phẩm về sau của Yasuoka, phải kể đến “Phong cảnh bên biển” (Kaihen no kôkei, 1967) nói về anh chàng Shintarô, trong lúc thăm nuôi người mẹ trong bệnh viện thần kinh có cơ hội suy ngẫm một cách thấu đáo về vấn đề của gia đình mình. Ngoài ra còn có “Ý kiến riêng về Shiga Naoya” (Shiga Naoya Shiron, 1968) và “Truyện đời nổi trôi” (Ryuuritan, 1981).
3) Yoshiyuki Junnosuke (Cát Hành, Thuần Chi Giới, 1924-1994)
Ông người tỉnh Okayama, cha là nhà văn Yoshiyuki Eisuke, đã yêu thích văn chương từ lúc ngồi trên ghế trường trung học.Bỏ dở nửa chừng khoa Anh văn ở Đại Học Đế Quốc Đông Kinh, ông bị bắt nhập ngũ nhưng phải về quê vì chứng suyễn. Vì cảm thấy chính trị thời chiến và hậu chiến chẳng có gì khác nhau, ông xa lánh lãnh vực nầy và để tâm vào việc nghiên cứu tâm lý con người qua những tác phẩm nói về tình dục, những mong đi tìm được một ý nghĩa nào đó. Tác phẩm “Mưa rào” (Shuu-u, 1954) mang lại cho ông giải Akutagawa. Ông được xem như là nhà văn thuộc thế hệ hậu chiến thứ ba, đã để lại những tác phẩm như “Phố phường với màu gốc” (Genshoku no Machi, 1956), “Căn phòng của con điếm” (Shôfu no heya, 1959), “Đám thực vật mọc trên cát” (Sunano ue no shokubutsugun, 1963) “Trăng và sao là lỗ hổng của bầu trời” (Hoshi to tsuki wa ten no ana 1970), “Bên trong chiếc cặp” (Kaban no nakami, 1974) và “Cho đến chiều tối” (Yuugure made, 1978).
4) Endô Shuusaku (Viễn Đằng, Chu Tác, 1923-1996)
Sinh ra ở Tôkyô nhưng theo cha sang Đại Liên thuộc Mãn Châu, Endô Shuusaku chỉ về nước sống với mẹ ở Kobe năm 1933, chịu phép rửa tội theo Công Giáo. Từ đó, tôn giáo trở thành một ám ảnh suốt đời ông, thường làm cho ông bị xâu xé bởi con người Nhật Bản truyền thống và con chiên ngoan đạo cùng ngụ trong bản thân. Năm 1945, ông vào học văn chương Pháp ở Đại Học Keiô và cho đăng nhiều bài nghị luận trên tờ Mita Bungaku, tạp chí văn học của nhà trường ở Mita. Ông có sang Pháp du học ở Lyon (về sau ông đề cập quãng đời nầy trong “Du học”, Ryuugaku). Ông đoạt giải Akutagawa với ịáNgười tập việcáỂ (Shiroi Hito 1955). Sau đó ông viết ịáBiển và rong độcáỂ (Umi to dokusô, 1958) nói về những thí nghiệm sinh vật trên lính Mỹ bị Nhật bắt trong chiến tranh. Liên quan đến tín ngưỡng thì có ịáLặng thinháỂ (Chinmoku, 1966),ịáBên bờ Biển ChếtáỂ (Shikai no hotori, 1973),ịáĐời chúa Giê-suáỂ (Yesu no shôgai, 1973). ịáLặng thinháỂ nói về thái độ của một tín hữu trong thời cấm đạo, không biết phải tử đạo hay bội đạo để sống còn. Ông còn viết kiểu hài hước như trong tập tùy bút Korian (Hồ Ly Am), tựa đề là một biệt hiệu khác của ông. Cuối đời, ông còn viết ịáSông Sâu” (Fukai Kawa hay ịáDeep RiveráỂ), trầm tư có tính tôn giáo về sự chết.
5) Kojima Nobuo (Tiểu Đảo, Tín Phu, 1915- ?)
Phải đợi đến năm 1952 Tức là năm hiệp ước bình thường hóa San Francisco chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh giữa hai nước, các nhà văn Nhật mới có thể nói những điều họ nghĩ thật sự về chính quyền chiếm đóng. Tình cảm đó được biểu lộ trong truyện ngắn: “Trường học Mỹ” (American Sukuuru, 1974) của Kojima Nobuo, “Bầy cừu người” (Ningen no hitsuji) của Ôe Kenzaburô và “Rong Mỹ” (American Hijiki) của Nosaka Ariyuki.
Kojima Nobuo sinh tại Gifu, miền trung đảo Honshuu, con một người buôn đồ thờ Phật, mặc bệnh nói lắp, phải vào học ở một trường chuyên môn để chữa. Có lẽ tật nói lắp đã tạo cho ông một lối viết trặc trẹo đặc biệt, không mấy suông sẻ. Sau khi học xong khoa Anh ở đại học Tôkyô, ông đi dạy học rồi bị động viên năm 1942 và được gửi sang Bắc Kinh trong một đơn vị tình báo và ở lại đó đến hết chiến tranh. Kinh nghiệm sống ở Trung Quốc giúp ông tài liệu để viết “Ngôi sao” (1954) trong đó, một anh lính Mỹ lai Nhật thủ vai chính, đứng giữa hai dòng nước, bị kỳ thị bởi lính Nhật lẫn đồng đội Mỹ. Người Mỹ đã lột ngôi sao biểu tượng cho quân đội thiên hoàng trên cổ áo tù binh Nhật và sau chiến tranh, cái khác nhau là ngôi sao Mỹ đã thế vào ngôi sao Nhật. Chủ đề nầy sẽ được đào sâu trong “Vòng tay gia đình” (Hôyô Kazoku, 1965) và “Trường học Mỹ” (American Sukuru, 1954), giải Akutagawa năm ấy .
Tác phẩm vừa nhắc đến tả cảnh một nhóm giáo sư Nhật dạy Anh văn được mời đi xem một trường học kiểu Mỹ vào năm 1947. Họ đói bụng vì thời ấy còn thiếu lương thực và phải lội bộ 6 cây số để đến nơi. Một ông giáo, Isa, sợ phải bị bắt nói tiếng Anh vì ông ta nhút nhát. Trong lúc đó, ông giáo Yamada chỉ đợi dịp là biểu diễn khả năng để mong Mỹ gửi mình đi du học. Cô giáo Michiko, người mà trình độ văn hóa Mỹ còn cao hơn cả những người trong trường, xa lánh Yamada nhưng tìm thấy nơi sự nhút nhát của Isa cái gì giống người chồng tử trận của mình và bị anh ta cuốn hút.
“Trường học Mỹ” là hình ảnh thiên đàng, một hoa viên rực rỡ đối với người Nhật bại trận, xây bằng tiền thuế dân Nhật đóng, đã để lại những hình ảnh phức tạp trong lòng những người Nhật đến thăm hôm đó. Kojima Nobuo còn muốn nói lên nỗi nhục nhã của người Nhật trên đất nước mình, sự thiếu cảm thông giữa người với người, sự chênh lệch trong cảm nghĩ giữa đàn ông và đàn bà.
Trong Hôyô Kazoku “Vòng tay gia đình” (1965), Kojima cho ta thấy gia đình Nhật Bản đã thay đổi đến mức độ nào. Dưới thời Meiji, hiến pháp đã qui định thiên hoàng là người cha duy nhất của thần dân và gia đình thiên hoàng là mẫu mực cho cả nước27. Kojima đã tả cảnh gia đình của Miwa Shunsuke. Khi người chồng sang Mỹ du học, vợ anh ta ở nhà cảm thấy bị bỏ bê và rước anh GI George về và ăn nằm với hắn ngay trên giường của đứa con trai hai người. Shunsuke nghe học lại chỉ biết tìm cáchà hòa giải với vợ vì qua hành động ngoại tình của vợ, anh ta cảm thấy lần đầu tiên vợ anh là một người đàn bà độc lập và trưởng thành về mọi mặt. Anh ta tiếp tục sống trong căn nhà “giống như một cái khách sạn và mỗi phòng đều được ngăn ra và khép kín” sau khi vợ anh bị bệnh chết.
D) Những nhà văn thế hệ Shôwa 30 (1955 trở đi):
Họ vẫn là những nhà văn từng đoạt giải Akutagawa như Ishihara Shintarô (Thạch Nguyên, Thận Thái Lang, 1932- ), giải Akutagawa mùa thu 1955 với “Mùa mặt trời” (Taiyô no Kisetsu). Ngược lại, Fukasawa Shichirô (Thâm Trạch, Thất Lang, 1914-87) có chiều hướng tả khuynh, coi nhẹ vai trò của hoàng tộc. Ông thu thập tài liệu từ phong tục dân gian để viết và đi ngược lại đường hướng viết văn đã có từ trước đến đấy. Tác phẩm của ông có “Biên khảo về dân ca vùng Narayama” (Narayama Bushikô, 1956), “Những chàng ế vợ ở Tôhoku” (Tôhoku no Jimmutachi, 1972) đều lạ lùng và đặc sắc.
Những nhà văn có khuynh hướng đi tìm một thủ pháp mới tìm cách bắt gặp con người toàn thể như một sinh vật có tính xã hội và chính trị là các ông Abe Kôbô (An Bộ, Công Phòng, 1924-1993), Kaikô Takeshi (Khai Cao, Kiện, 1930-1989) và Ôe Kenzaburô (Đại Giang, Kiện Tam Lang, 1935- ). Cùng với Inoue Mitsuharu (Tỉnh Thượng, Quang Tình, 1926-92) người đã viết “Đoàn lũ trên mặt đất” (Tsuchi no Mure, 1963), nhà văn thế hệ nầy đều muốn tìm hiểu đâu là lối sống thích hợp của con người trong những điều kiện của xã hội hiện tại.
1) Abe Kôbô (An Bộ, Công Phòng, 1924-1993). Không khí sa hãm và ngột ngạt
Abe Kôbô, trên giấy tờ gọi là Kimifusa theo cách đọc âm Nhật của hai chữ Hán Kôbô. Cha ông làm việc Mãn Châu nên ông lớn lên ở Phụng Thiên. Ông tốt nghiệp y khoa Đại học Đế Quốc Đông Kinh. Sau khi Nhật bại trận và cha chết, ông sống cuộc đời nghèo túng nhưng vẫn cố gắng bỏ tiền túi in thơ (1947) và tiểu thuyết (1948). Ông không hành nghề y mà theo nghiệp văn, với lối viết siêu thực đi trước thời đại. “Cái Kén Đỏ” (Akai Mayu, 1950) giúp ông đoạt giải thưởng văn học hậu chiến, “Bức Tường. Tội của S. Karuma” (Kabe- S. Karuma no hanzai, 1951) đem giải Akutagawa về tay ông lúc ông mới 27 tuổi. Sau đó là một loạt tác phẩm như “Thời kỳ băng hà thứ tư” (Daishikan Hyôki, 1959), “Người đàn bà trong động cát” (Suna no Onna, 1962), “Gương mặt kẻ khác” (Ta.nin no kao, 1964) đều là những tác phẩm đưa đến tranh luận. Ông còn viết kịch, diễn kịch, làm điện ảnh, làm truyền hình. Ngoài các vở kịch như “Săn nô lệ” (Doreigari, 1955), “Đây có ma” (Yuurei wa koko ni iru, 1958), sau nầy ông còn viết “Người sống trong hộp” (Hako-otoko, 1973) “Chiếc thuyền tránh lụt tên gọi Anh Đào” (Hakobune sakuramaru, 1984).
Người đàn bà trong động cát (Suna no onna, 1962)
“Người đàn bà trong động cát” là cuốn tiểu thuyết Nhật Bản được biết đến nhiều nhất trên thế giới nhờ các bản dịch và cuốn phim của đạo diễn Teshigahara. Truyện từng được Pháp tặng “Giải Thưởng Tiểu Thuyết Ngoại Quốc Ưu Tú Nhất”. Được công bố năm1962, cuốn tiểu thuyết giả tưởng với phong cách Kafka nầy có lẽ đã được độc giả đánh giá cao vì nó mô tả được bầu không khí ngột ngạt của một xã hội mà họ cảm thấy đang bị giam hãm trong đó.
Cốt truyện thực ra đơn giản:
Một ông giáo trung học đi kiếm mấy con côn trùng lạ mắt trong động cát bất ngờ bị lọt xuống một hố cát, chỗ ở của lũ kiến khổng lồ. Cát có mặt khắp nơi trong đó, xen vào bất cứ một đường kẽ nào, gạt đi không hết. Nạn nhân không thể thoát thân khỏi vùng cát nầy như tất cả các cư dân ở đó, ông ta đành phải sống chung với một người đàn bà trong ngôi nhà ở một làng nấp sau những đụn cát. Người đàn bà nầy tính rất dấm dẳng, vừa như bà chủ, vừa như người ở. Mỗi ngày, hai người chống đỡ với cát và sự nô lệ đối với cát trở thành lẽ sống của họ. Sau nhiều lần đi trốn bất thành, ông giáo đành ở lại vĩnh viễn trong động cát sau khi đã chế ra cái máy lấy được nước ra từ vùng cát.
Trong cuốn tiểu thuyết nầy, vai chính không phải là người mà là cát. Cái mơ hồ là đặc điểm của cuốn truyện và người ta tha hồ giải thích cát ở đây là cái gì. Có phải cát là quần chúng đông đảo nhưng cô đơn của những năm 1960 và đời sống trong hố cát là cuộc sống của con người đô thị hay của nông thôn trong xã hội Nhật Bản? Nhà giáo kia muốn trốn khỏi thành thị sao lại chạy về nông thôn để bị giam trong một cộng đồng sơ khai như thế? Abe muốn nói bóng gió về một xã hội độc tài, toàn trị nào đó hay đế chế kiểu thiên hoàng chăng? Những nhà văn Nga thời ấy có dịp đọc văn ông, khi bàn về cuốn tiểu thuyết nầy với Nishikawa28 , lại đánh giá cách khác. Họ không bàn về cát mà ca ngợi nỗ lực của ông giáo chống chọi đêm ngày với cát.
Suna no onna (1962) có nhiều điểm giống với Kabe. S. Karuma no hanzai “Bức tường. Tội của S. Karuma” (1951), tác phẩm đã đem đến cho Abe giải thưởng Akutagawa. Trong Bức Tường, một buổi sáng thức dậy, nhân vật Karuma đã bị chính tấm danh thiếp của mình sang đoạt mất cái tên và phải ra tòa tranh tụng nhưng rốt cuộc bại tố. Người ta nhớ tới chi tiết về những đụn cát ở sa mạc bên Tây Ban Nha in lại trong tim nhân vật chính Karuma của “những bức tường”. Có phải hố cát và bức tường chỉ là một, đồng nghĩa với xã hội tập đoàn Nhật Bản của những năm 1960 đã giam hãm con người và làm họ mất cá tính?
“Hắn nhìn mọi phía trong phòng. Rồi bằng một xúc động mãnh liệt bất ngờ “Có bức tường đây!”. Hắn chợt rớm lệ, đây cũng là điều bất ngờ. “ Có bức tường đây!”. Hắn nhỏ giọng lập lại một lần nữa, bức tường trước mắt giống như sương mù mờ mịt lan rộng ra trong ngực hắn. Hắn chăm chăm nhìn bức tường.
Hắn tiếp tục chăm chăm nhìn bức tường không chán. Trong công việc, chuyên môn của hắn là nhìn tường, nhưng đây là lần đầu tiên hắn nhìn bức tường như thế nầy. Bức tường đứng trước mặt hắn như để an ủi hắn bằng bề rộng vô hạn của mình.
Tường, hắn nghĩ đó là công trình của những người xưa. Hắn lại nghĩ “tường” là bào thai của tinh thần thực chứng và tinh thần hoài nghi. Nghĩ thế, hắn dùng mắt và môi hát ra bài hát như sau.
Bức tường ơi,
Ta sẽ khen công trình ngươi vĩ đại
Để sinh người, mi đã được người sinh
Để được sinh, mi cũng đã phải sinh
Mi giải phóng con người từ tạo vật
Ta gọi mi
Giả thuyết của chúng sinh.
Đột nhiên bức tường biến mất. Từ vật chất nó mất đi để thành vật biến chất. Hắn nháy mắt mấy lần mong bức tường trở lại. Bức tường đã trở lại. Nhưng nó đã biến ra dáng âm u. Bức tường coi như phình ra ẩm ướt. Một gương mặt khác, gương mặt giống như giấy chậm, thấm hút đời sống của những người đã sống thời trước. Đột nhiên hắn thấy có một con tinh ủ rủ đứng ngăn giữa hắn và bức tường. Bức tường không còn là vật an ủi nữa mà là một áp lực nặng nề không chịu nổi. Nó không còn là bức tường để bảo vệ tự do cho con người, nhưng là một bức tường để áp bức, được cất dài ra từ nhà tù.
Bức tường nói.
- Tao là nhà tù, là thành quách. Việc tao được phát triển mạnh nhất, là trách nhiệm của mầy.
Dẫu thế hắn vẫn không thể lệch mắt ra khỏi bức tường. Ngược lại như bị sự âm u của bức tường làm say mê, hắn cứ nhìn chăm chăm sâu hơn. Giống như kẻ lãng du càng đi càng thấy say mê chân trời. Như đường chân trời cứ liên tục len lỏi vô mắt kẻ lãng du, cuối cùng chân trời như mọc lên trong mắt, không biết lúc nào bức tường bắt đầu bị hút vô thân hắn.
- Tao sẽ hồi sinh trong thân mầy, để thành sỏi đá không bị một ai gọi đến.
Vừa nói thế, bức tường lần lần trở nên trong suốt ra, rồi biến mất.
Hắn vẫn tiếp tục theo dấu bức tường à hắn nhìn đường chân trời xa thẳm. Chung quanh tối dần ra, mặt trăng xanh trắng đã rớt vô chỗ lõm của thiên đỉnh. Hắn ôm đầu gối ngồi trên đồi cát.
Hắn xuống đồi cát đi về hướng chân trời, vừa đi vừa cảm thấy khoan khoái với sức chống đối của cát ẩm. Chẳng bao lâu, không còn thấy đồi cát nữa. Hắn đã không dừng chân, đi thêm một chút nữa, hắn thấy có một vật gì đó lay động lớn lên lần lần trong ánh trăng.
Lại gần thì ra có một vật đang vỡ đất ngóc đầu lên. Hắn nghĩ chắc đây là cây đậu đang nở mầm nên ngồi xuống bên cạnh. Chẳng bao lâu mầm nở, vật nở mầm không phải là thực vật mà là một cái hộp to hình chữ nhật. Nhưng nhìn kĩ lại thì đó không phải là cái hộp mà là một bức tường. Như bị đẩy lên bằng áp lực của mặt đất, hoặc bị hút lên vì xung quanh là hư không, bức tường trưởng thành đợt đợt. Chẳng bao lâu, bức tường là một trục tung duy nhất, cao ngất trời như một cái tháp trong đồng hoang bao la”. (trích Kabe, S. K Karuma no hanzai, Lê Ngọc Thảo dịch)
2) Inoue Yasushi (Tỉnh Thượng, Tịnh, 1907-1991)
Trong nhóm các nhà văn phái hậu chiến, có Inoue Yasushi là một cây bút có phong cách đặc biệt, thường mượn tư liệu Trung Quốc để viết tiểu thuyết lịch sử. Ông viết “Lâu Lan” (Rôran, 1958), lịch sử một quốc gia trên Con Đường Lụa nay đã biến mất, “Con Lang Xanh” (Aoki Ôkami, 1959) nói về thời trẻ của Thành Cát Tư Hãn. Cũng trong chiều hướng đó,ịáViên ngói năm Tenpyô Tenpyô no Iraka, Đôn Hoàng (Tonkô 1954), Khổng Tử, (Kôshi, 1987)à đều là những tác phẩm có tham khảo văn kiện rất kỹ lưỡng. Ông còn để lại Chọi Trâu (Tôgyuu, 1949) được giải Akutagawa, Vách Băng (Hyôheki, , 1956-57).
Ông người Hokkaido, miền bắc nước Nhật. Thuở nhỏ vì cha là quân y rày đi mai đó nên được gửi cho bà nuôi. Ông hết học khoa học, nhảy qua Luật ở Đại Học Đế Quốc Kyuushuu (miền nam) rồi lại chuyển về học Triết ở Kyôto. Chán học, không đến trường, bỏ đi làm báo, viết văn. Chọi Trâu (Tôgyuu, 1949) viết lúc ông đã 42 tuổi, nói về hành động của Tsuugami một thanh niên chịu ảnh hưởng chủ nghĩa hư vô (nihilism). Là chủ bút một tờ báo, anh ta muốn cứu nó khỏi phá sản nên tổ chức một cuộc đấu bò lấy tiền nhưng rốt cục thất bại. “Vách Băng” (Hyôheki, 1956) viết về nỗi thống khổ của Uozu khi người bạn cùng leo lên núi bị tai nạn ngã xuống vực chết. Bị nghi ngờ đã giết bạn, Uozu quá khổ tâm nên trở lại chỗ cũ chết theo bạn. Sau khi băng tan, người ta mới khám phá ra Kosaka, người bạn của Uozu chỉ chết vì tai nạn. ịáViên ngói năm Tenpyô (Tenpyô no iraka, 1957) là cuốn tiểu thuyết lịch sử nói về chuyến đi của 4 sứ giả Nhật sang nhà Đường thời hòa thượng Trung Quốc Giám Chân (Ganjin) qua Nhật bố giáo, ca tụng nhiệt tình vô vụ lợi của con người.
3) Fukasawa Shichirô (Thâm Trạch, Thất Lang, 1914-1987)
Fukasawa Shichirô sinh ra ở vùng núi non Yamanashi gần Tôkyô, trong một gia đình làm nghề in. Ông tính tình dân dã, từ ngày trẻ đã có tinh thần chống báng người đời. Mười bảy tuổi tốt nghiệp trung học lên Tôkyô kiếm ăn, hết làm công ở tiệm thuốc tây lại qua tiệm bánh mì. Vì sức khoẻ kém, ông khỏi đi quân dịch. Có một thời bán bánh ngọt nhân đậu đỏ, có thời làm nghề nông chuyên trồng cúc, có thời lại đi trình diễn đàn ghi-ta. Ông viết (Biên khảo về dân ca vùng Narayama”, (Narayama Bushikô, 1956) năm 42 tuổi và được ngay giải “Nhà văn mới” của báo Chuuô Kôron. Các giám khảo như Takeda Taijun, Mishima Yukio và Itô Sei đồng thanh nhất trí bầu cho ông. Văn chương ông mộc mạc, đậm mùi đất đai đồng ruộng. Ông còn viết “Sông Fuefuki” (Fuefukigawa), tên dòng sông chảy qua quê hương ông ở gần núi Fuji, “Mấy chàng ế vợ vùng Tôhoku” (Tôhoku no jimmu tachi) và “Giấc mộng phong lưu” (Fuuryuu Muudan). Không như cái tên đẹp đẽ hiền lành của nó, tác phẩm nêu ra sau cùng nầy đã chấn động xã hội Nhật đương thời và suýt làm ông mất mạng.
Đề tài của ông rất lạ và bút pháp cũng thế. Trong Narayama bushikô, ông đề cập đến tập tục Nhật Bản ngày xưa, vì để đỡ bớt miệng ăn, người ta phải cõng các cụ ông cụ bà đem vứt trên núi. Loại truyền thuyết bỏ bớt người để dành lương thực cho cộng đồng cũng có trong truyện dân gian Pháp (Le Petit Poucet = Thằng Bé Tí Hon) hay nơi các dân tộc vùng Bắc Cực (Esquimaux). Ngoài ra, cả nước Nhật đều biết sự tích Obasuteyama (Núi quẳng bà già), ngọn núi cao 1252m vùng Nagano, thế nhưng câu chuyện nói trên khó được người bình thường tán thưởng. Fukasawa đã viết lại sự tích đó cách khác. Lần nầy ông cho Orin, một bà cụ già, không chờ ai vứt mình, đã “xung phong” bắt con trai cõng lên núi. Nhà phê bình Itô Sei đã xem đó như một hành động xả thân, nó “giống như việc Chúa Ki-Tô chịu bị đóng đinh để cứu đời và các phi công thần phong đâm đầu vào máy bay Mỹ” (nhưng e rằng đây không phải là bản ý của tác giả Fukasawa, người luôn luôn bị cực hữu dọa giết).
Đề tài của ông rất “khó đọc” như khi ông viết về tập tục giết trẻ em ở vùng Michinoku tức Đông Bắc Nhật Bản vì dân chúng ở đó quá nghèo (xem “Những hình nhân trẻ em ở Michinoku”, Michinoku no ningyôtachi, giải Tanizaki Jun-ichirô 1979) và nhất là khi ông tưởng tượng ra quang cảnh cuộc nổi loạn tàn sát gia đình thiên hoàng, chặt đầu Thiên Hoàng và Hoàng Hậu trong một bầu không khí lễ hội có à chơi nhạc Nam Mỹ và bắn pháo bông (Fuuryuu Muudan, 12/1960). Không tiệm sách nào dám bán sách ông và ông phải trốn chui trốn lủi mấy năm liền ở miền Bắc vì sợ các nhóm chính trị cực hữu đòi nợ máu. Giám đốc nhà xuất bản Chuuôkôron phải viết thư tạ lỗi trước công chúng sau khi ông nầy cũng bị ám sát hụt bởi các thành phần cực hữu, và từ đấy, không ai còn thấy tác phẩm đó đâu nữa29.
4) Kaikô Takeshi (Khai Cao, Kiện, 1930-85)
Kaikô Takeshi mất bố đột ngột năm 13 tuổi nên việc học bị gián đoạn. Ông phải vừa làm vừa học nhưng rồi cũng tốt nghiệp Đại Học tỉnh Osaka, xong ra làm quảng cáo cho một hãng rượu mạnh. Kaikô viết tác phẩm đầu tay “Hoảng Hốt” (Panikku, 1957) gây được tiếng vang. Ông mượn hình thức ngụ ngôn qua câu chuyện một công sở kia náo loạn tìm cách đối phó hiểm họa lũ chuột sinh sôi nẩy nở quá nhiều để phúng thích xã hội hiện đại. “Ông vua trần truồng”(Hadaka no Osama, 1957) được tặng giải Akutagawa, giúp ông xác định được chỗ ngồi trên chiếu làng văn. Sau đó ông viết “Ký Sự Lưu Vong” (Ryuubôki, 1959), “Ô-pê-ra ba xu kiểu Nhật” (Nihon Opera Sanmon, 1959), “Dòng dõi Lỗ Bình Sơn (Robinson no matsuei, 1960).
Tính hiếu kỳ đã đưa đẩy ông đến những vùng đất xa xôi như Trung Quốc, Đông Âu và nhất là Việt Nam. Kinh nghiệm chiến trường Việt Nam giúp ông soạn thiên phóng sự “Việt Nam Chiến Ký” (Betonamu Senki) năm 1965. Sau đó, ngoài tác phẩm quan trọng “Khoảng tối cháy lên” (Yakeru Yami 1968), ông còn để lại nhiều ký sự và tùy bút với chủ đề đa dạng từ chuyện ăn uống đến câu cá vvà
5) Ôe Kenzaburô (Đại Giang, Kiện Tam Lang, sinh năm 1935)
Ôe Kenzaburô ra đời ở tỉnh Ehime trong một gia đình khá giả nhưng cha mất sớm và sau cuộc cải cách đất đai thời hậu chiến, đã sa sút. Ông vào khoa văn (ban văn chương Pháp) Đại Học Đông Kinh năm 1954. Đang học đã cho đăng tiểu thuyết “Công việc lạ lùng” (Kimyôna shigoto, 1957) trên báo nhà trường. Cùng năm, Ôe Kenzaburô viết “Niềm tự hào của kẻ chết” (Shisha no ogori 1957). Ngoài ra, ông còn viết “ Nuôi Thú” (Shiiku, 1958) tác phẩm đoạt giải Akutagawa, “Nước lụt ngập tận hồn tôi” (Kôzui ga waga tamashi ni oyobu, 1973) ), “Trò chơi giữa người cùng thời” (Dôjidai gêmu, 1979). Ông lãnh giải Nobel Văn Học năm 1994.
Xin đơn cử hai tác phẩm có thể gọi là quan trọng để tìm hiểu về Ôe. Trước tiên là "Tuổi Mười Bảy" (Seventeen) và "Nuôi Thú” (Shiiku).
Tuổi Mười Bảy (Seventeen, 1961)
Tác phẩm nầy cùng với Yuukoku của Mishima là ba tác phẩm nói về những lối suy nghĩ cực đoan đối lập với nhau trong chính trị và ra đời giữa khi kinh tế Nhật Bản đang trên đường hưng thịnh và lúc đối kháng chính trị sắp bước vào một giai đoạn trung hòa để lần hồi phai nhạt trong tâm thức của người dân trên quần đảo. Nói đúng ra, những bạo động có tính cách chính trị hãy còn tồn tại cuối thập niên 1960 với các cuộc biểu tình rầm rộ của sinh viên, dư ba của ịáMai 1968áỂ (bên Pháp) xảy ra ở Pháp, liên quan đến việc đòi Mỹ trả lại quần đảo Okinawa, cũng như hoạt động có tính cách khủng bố của nhóm Vệ Binh Đỏ (Sekigun) như việc các không tặc đoạt máy bay mang tên Yodo (1970) của hàng không Nhật Bản sang Bắc Hàn xin tị nạn chính trị. Nhưng dù sao đó chỉ là những đợt pháo bông cuối cùng được bắn lên trước khi Nhật Bản bước vào thời kỳ thờ ơ với chính trị.
Nếu "Giấc mộng phong lưu" của Fukasawa được viết dưới hình thức một giấc mơ, cả "Ưu tư vận nước" của Mishimaávà "Tuổi Mười Bảy" của Ôe trình bày sự kiện trong một bối cảnh hiện thực hơn. Tác phẩm của Ôe đã dựa trên tin thời sự làácuộc ám sát Tổng Bí Thư Đảng Xã Hội Nhật Asanuma Inejirô ngày 12/10/1960 bởi một thanh niên cực hữu 17 tuổi tên Yamaguchi Otoya trong khi ông ta đang diễn thuyết trước công chúng và máy thu hình. Trước đó không lâu, một nhà lãnh đạo khác của đảng, Kawakami Jôtarô, bị đâm vào vai ngày 17/06/1960 và chính thủ tướng Nhật Kishi Nobusuke cũng bị tấn công ngày 14/07. Khi viết truyện nầy, Ôe hình như muốn trả lời câu hỏi ịáTại sao một người trẻ mới 17 tuổi đầu mang một ý thức hệ cực hữu như thế có thể xuất hiện trên đất Nhật giữa năm 1960 - ?. Nhà phê bình Nishikawa Nagao30 xem truyện ngắn nầy là một phân tích có giá trị về sự vùng dậy của chủ nghĩa phát xít, giống như việc mà Jean-Paul Sartre đã làm khi viết "Naissance d’un chef - Một thủ lãnh ra đời".
"Tuổi Mười Bảy" trình bày dưới dạng độc thoại nội tâm của một nhân vật trong ngôi thứ nhất. Câu truyện mở đầu bằng ngày sinh nhật của cậu ta, một ngày mà người trong gia đình ai cũng thờ ơ. Có mỗi một bà chị còn nhớ đến sinh nhật của em thì đã gây gổ vì trong khi xem truyền hình, đứa em đã phỉ báng đông cung thái tử và quân đội là những tên ăn cắp của công. Anh ta hoàn toàn cô độc, cả chú mèo, người bạn cuối cùng, sau khi cào anh xong cũng bỏ đi. Anh ta chỉ còn biết đắm mình trong sự thủ dâm để có được đôi giây phút hạnh phúc. Một ngày kia, anh ta đã bị thuyết phục bởi Sakakihara, một gã trung niên, tự cho mình mang một sứ mệnh ịáđưa tất cả bọn chúng xuống địa ngục. Hắn khéo ăn khéo nói, tâng bốc anh ta và dẫn đi theo con đường của hắn.
Tuy Ôe, một người cấp tiến, có chủ đích tìm cách phân tích tâm lý của người khủng bố trẻ khuynh hướng cực hữu nầy trong tác phẩm của mình nhưng ông lại bị phái tả thời đó lên án vì theo họ, trong cung cách trình bày sự kiện, ông có khi đã tỏ ra một sự đồng tình nào đó với thủ phạm.
Nuôi Thú (Shiiku, 1958)
Shiiku là một tiểu thuyết không dài không ngắn, nói về sự giao cảm giữa đám trẻ một làng quê với một phi công Mỹ da đen bị bắn hạ trong chiến tranh và so sánh phản ứng của những đứa trẻ với đám người lớn, cha anh chúng. Người lính Mỹ da đen trở thành con vật được bọn trẻ con “chăn nuôi”. Qua cuốn truyện, Ôe muốn “chấm dứt” thời hậu chiến và “giã từ” tuổi thanh niên của mình. Nó cũng có nghĩa bài hát đưa ma thế hệ của mình bởi vì trong truyện, khi mối quan hệ hận thù đã chuyển sang quan hệ giữa người với người thì viên phi công kia rốt cuộc đã bị dân làng bắn chết. Ôe nhỏ hơn Kojima Nobuo 20 tuổi, cái nhìn của thế hệ ông cũng khác với cái nhìn của Kojima dù Shiiku chỉ viết 3 năm sau American Sukuru (1955).
Ông còn viết về chủ đề sự tha hóa (alienation) của tuổi trẻ đương thời bằng bút pháp phân tích nội tâm trong Warera no jidai “Thời đại chúng ta”(1959). Yo yo yuruyakani ayume ịáĐêm ơi, xin chậm bước!”( 1959) nói về lối sống của một thế hệ sống trong bế tắc đã tìm lại bản chất con người của mình như thế nào.
“Khoái cảm và mệt mỏi dây dưa ru Yoriko lim dim ngủ, thân thể cô dán chặt vào Yasuo như một con mẹ già. Yasuo muốn gỡ người khỏi khỏi cái bụng mềm ửng đỏ và trơn mồ hôi của cô để lau chất dịch hắn tiết ra nay đã bắt đầu quánh lại. Thế nhưng cô nàng vẫn không động đậy, cứ đeo lấy hắn. Lớp trẻ Nhật đứa nào cũng vậy, hắn nghĩ, cứ như bị cầm tù, thân thể trần truồng của chúng bất động không xê dịch nổi. Một động tác mạnh bạo có thể giúp chúng nó tự giải thoát nhưng chúng như trây ra, chỉ muốn nằm lì trên giường và vã mồ hôi. Liên tưởng như thế kể cũng lạ! Hắn nghĩ, nhưng không sao cười được. Hắn vẫn nằm không động đậy trong vòng tay Yoriko, không đủ sức cười mà cũng không gỡ nổi người ra”. (Trích đoạn Warera no jidai,”Thời đại chúng ta”, 7/1959)
Nhân vật Yoriko trong truyện dự tính lấy Wilson, một người đàn ông Mỹ lịch sự trong cuộc tình tay ba có cả cô và Yasuo bởi vì anh chàng Yasuo nầy đã quyết định rời Nhật để đi đến nước Pháp có chính trị khai phóng hay xứ Ai Cập của Nasser. Rốt cuộc Yasuo chẳng đi đâu cả vì đã mất hết niềm tin trong một thế giới Mỹ hầu như cai quản hết. Yasuo ở lại Nhật để nhìn cái bóng của nước Mỹ đè lên thế giới hắn ta đang sống.
Sau khi tốt nghiệp, Ôe tham gia vận động chống hiệp ước phòng thủ hỗ tương Nhật-Mỹ, viếng thăm nhiều nơi (Trung Quốc, Á Châu, Phi Châu) để tìm hiểu tình hình xã hội trên thế giới. Đó là thời kỳ trước tácịáTuổi thanh niên đến trễ” (Okurete kita seinen 1962), “Con người của sinh lý” (Sei teki ningen, 1963), “Sổ tay Hiroshima” (Hiroshima Nôto, 1965).
Năm 1964, ông ghi lại kinh nghiệm làm cha của một đứa con trai mang khuyết tật nặng trong “Một kinh nghiệm cá nhân” (Kojinteki taiken), trong đó nhân vật Bâdo (Bird), người cha khổ tâm, sau khi quyết định giữ đứa con không để nó chết, đã chấp nhận sống quãng đời địa ngục với con mình. Sau đó, ông còn miêu tả thêm cuộc sống chung đụng với đứa con trong “Con người mới ơi, hãy thức giấc đi!” (Atarashii hito yo, mezame yo 1983), “Cây xanh vươn cao” (Moeagaru midori no ki, 1994), miêu tả được một thế giới rất đặc thù. “Túc cầu kiểu Mỹ vào năm Man-en nguyên niên” (Man-en gannen no Futtobôru, 1967) cũng nói về nhân vật tên Mitsusaburô, một người cha có đứa con mắc bệnh tâm thần nặng, sống trong khổ não vì bạn thân ông tự sát và thất vọng với hiệp ước phòng thủ Nhật Mỹ, đã cùng đứa em trai từ Mỹ về, trở lại cố hương, một làng quê trong núi trên đảo Shikoku. Ở đây, họ soi bóng mình trong hình ảnh hai anh em tổ phụ của họ, một trăm năm trước, đã đứng dậy cầm đầu cuộc nổi loạn nông dân vào niên hiệu Man-en (1860).
Ông từng đồng hành với Jean-Paul Sartre và Norman Mailer. Theo Níhikawa Nagao, mỗi lần cần giải quyết một vấn đề tư tưởng, ông luôn luôn có bạn đồng hành. Họ có thể là những nhà văn hậu chiến Nhật Bản hay các nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn Âu Tây như Yves-Marie Bercé, Le Roy Ladurie, Malcolm Lowry, William Blake..., nhưng từ những năm 1970, Ôe càng lúc càng nằm trong thế kẹt vì ông không thông cảm được với lớp trẻ “hậu kỹ nghệ” thụ động, không quan tâm đến bất cứ điều gì, hoàn toàn bị ngăn cách với thế hệ hậu chiến.
6) Nosaka Akiyuki (Dã Phản, Chiêu Như, sinh năm 1930)
Lớn hơn Ôe Kenzaburô 5 tuổi, Nosaka Akiyuki đã 15 vào năm 1945, tức là ngồi trên ghế trường trung học lúc Nhật Bản sắp bại trận để có thể hiểu thế nào là chiến tranh. Sau khi trở thành cô nhi dưới những trận mưa bom, ông đã sinh sống bằng đủ thứ nghề nên hiểu được những cảnh đời thời hậu chiến. Ông viết American Hijiki “Rong Mỹ” để chỉ loại trà nâu (hình thù giống lọai rong Nhật tên hijiki sấy khô) đựng trong những hộp lương thực thả dù xuống có lẽ cho tù binh Mỹ lúc chiến tranh vừa chấm dứt.
“Nước Mỹ đối với Toshio là cái gì? Đó là ịárong Mỹ, thứ tuyết mùa hè trên rơi những đống gạch vụn, là những cái mông của lính Mỹ bọc trong làn vải ga-bác-đin láng coóng. Là cái chìa tay và cái siết thật gọn, kẹo cao su nhai thay khẩu phần cơm hàng tuần, lời chúc tụng “have a good time”, tấm hình đại tướng Mc Arthur đứng với thiên hoàng chỉ cao tới nách ông ta, mấy tiếng “Kyou, kyou” để đánh dấu tình hữu nghị Mỹ Nhật, là gói đựng phần tư ký lô cà phê MJB, là bột DDT mà lính Mỹ đen tưới lên đầu chúng tôi ngoài ga, là xe ủi đất một mình san những ngôi nhà đổ nát, là (dây ăng ten gắn như) cần câu trên xe Jeep, là những cây Noel có bóng đèn chớp nháy trong khu cư xá Mỹ”.
Truyện nói về cuộc gặp gỡ giữa cặp vợ chồng nhà kinh doanh Nhật Toshio và hai ông bà khách người Mỹ tên Higgins để nói lên cái mặc cảm tự ti của người Nhật thời đó : “Nầy nhé! Chiều cao trung bình của người Mỹ là thước tám. Người mình chỉ có thước sáu. Cách nhau 20 phân. Khác nhau ở chỗ đó! Tôi thấy mình có đánh thua Mỹ là tại vấn đề sức vóc thể hiện ở mức độ quốc gia”.
7) Ishihara Shintarô (Thạch Xuyên, Thận Thái Lang, sinh năm 1932)
Ông đến với làng văn bằng “Mùa mặt trời” (Taiyô no Kisetsu, 1955). Tác phẩm nầy được giải Akutagawa 1955 (giải được phát lại từ 1949 sau 4 năm gián đoạn). Truyện rất ăn khách trong giới trẻ và tạo ra từ ngữ “taiyôzoku” (thái dương tộc)31, cách gọi một lớp người sống tự do bôn phóng, nổi loạn. Họ chịu ảnh hưởng của lối sống Mỹ, coi thường đạo đức cũ, ca tụng tự do cá nhân và khoái lạc và có khi bạo động một cách mù quáng. Hành động của bọn osorubeki kodomo-tachi 32(bầy con nít đáng sợ) với lối cắt tóc “móng lừa” như Shintarô (thuở ấy) phản ánh sự chuyển biến trong tâm thức của con người thời đại. Điển hình cho lối sống thách đố xã hội nầy là cảnh nhân vật nam trong Taiyô no Kisetsu đã chọc thủng lớp giấy hồ dán trên cánh cửa xê dịch được của căn nhà Nhật truyền thống, bằng dương vật của anh ta hứng tình căng cứng sau khi mới đi tắm ra. Shintarô còn viết “Rừng hóa thạch “ (Kaseki no Mori, 1970) và sau đó, bỏ đi hoạt động chính trị phái hữu, làm tổng trưởng rồi thị trưởng Tôkyô.
TẠM KẾT:
PHỤC HƯNG KINH TẾ VÀ CƠ MAY VƯỢT THÓAT HẬU CHIẾN:
Có thể xem năm 1960 như cái mốc chấm dứt thời hậu chiến về mặt chính trị và giai đoạn 1955 ố1974 tương ứng với sự hưng thịnh thần tốc của kinh tế Nhật Bản. Có nhiều lý do để giải thích hiện tượng nầy: trình độ tri thức, kỹ thuật cao, chủ nghĩa tập đoàn và sức sống mãnh liệt của người Nhật, lợi lộc đến từ nền kinh tế đặc nhu của trận chiến Triều Tiên và mối liên minh quân sự có tính cách địa lý chính trị (geopolitics) với Mỹ để khống chế Liên Xô rồi Hoa Lục. Người ta có thể xem năm 1960 như điểm xuất phát của một xã hội mới mà đặc điểm là chủ nghĩa hòa bình, ý thức về quyền lợi cá nhân và sự hưởng thụ tự do.
Về xã hội mới nầy ta thấy có ba đặc điểm.
Điểm thứ nhất là sự trung hòa về mặt chính trị. Cho đến 1960, sự khác nhau giữa tả và hữu, bảo thủ và tiến bộ trông thấy rất rõ nhưng từ thời điểm nói trên, không có sự chống đối rõ ràng giữa hai phái nữa khi kinh tế đã phồn vinh và cuộc sống đã quốc tế hóa, văn học đã rời xa những chủ đề chỉ đặt trọng tâm vào chính trị, nhất là theo khuynh hướng cực đoan. Vào buổi đầu thời hậu chiến, phái tả hãy còn mạnh và cần thiết (cho cả người Mỹ ) như một thế lực đối kháng với tàn tích quân phiệt nay cũng thụt lùi. Sau cuộc đối địch cuối cùng chống hiệp ước Anpo Nhật-Mỹ năm 1960, các nhà văn cánh tả như Noma Hiroshi, Abe Kôbô, Hanada Kiyoteru, Sugiura Minpei, Onishi Kyojin, Nakano Shigeharu, Sata Inekoà không còn đứng chung trong một tổ chức là Đảng Cộng Sản tuy ảnh hưởng của họ vẫn rộng lớn trong quần chúng ngay cả bên ngoài cánh tả. Có thể nói sự phồn vinh mới đến mà hầu như ai cũng có phần đã làm người dân Nhật quên ngay những năm tháng khó khăn trong thời chiến. Chính quyền phái hữu của Đảng Jimintô (Tự Do Dân Chủ, đảng đang cầm quyền) nhờ đó được củng cố và đã cầm quyền hầu như liên tục từ 50 năm nay.
Điểm thứ hai là có những biến chuyển rõ nét về giá trị trong xã hội. Người Nhật từ những năm 1950 đã có ý thức về quyền lợi và tự do cá nhân. Tuy nhiên “cái tôi” của họ không phải là “cái tôi” Tây Phương mà là “cái tôi “ tập đoàn, khác với quan niệm Âu Mỹ. Người Nhật vẫn sống trong một xã hội mà gia đình là đơn vị cơ bản. Dĩ nhiên mẫu mực gia đình họ tìm về không phải là cái gia đình phong kiến thời Meiji (đại gia đình) mà gia đình hạt nhân gọi là kaku.kazoku (nuclear family, tiểu gia đình) chỉ có vợ chồng và các con còn độc thân. Những năm 1940, người Nhật còn lo cái ăn, những năm 1950 mối lo của họ là nhà ở nhưng bước qua thập niên 1960, với sự đô thị hóa và những giấc mơ vật chất của xã hội tiêu dùng, “an ninh và tiện nghi cá nhân” mới chính là những cái thiết thân của con người thời buổi ấy. Những người đoàn lũ đáp xe lửa lên Tôkyô để nhận việc của những năm 1950 nay đã có đồng lương hằng tháng. Xã hội bắt họ phải tiêu trả góp những đồ vật chính tay họ sản xuất để lấy lại đồng lương đó. Sau giấc mộng “my home, my wife” (nhà ở, bà nội trợ), “giấc mộng 3 C” (car, color, cooler) tức xe hơi, truyền hình màu và máy điều hòa không khí đã chi phối cuộc sống người tư chức ăn lương tháng mà thế giới biết qua cái tên salaryman.
Một số khác thấy hạnh phúc vật chất như thế không thỏa mãn tất cả nên tìm cách tìm về nguồn gốc văn hóa của mình. Các nhà văn nhân đó có khuynh hướng trở về với chủ đề Nhật Bản để tìm đặc sắc của văn hóa nội địa như một phản ứng chống lại Âu Mỹ. Người Nhật lúc đó có nhu cầu ngược dòng lịch sử để hiểu về những anh hùng hào kiệt xa xưa, tái khám phá đất nước qua du lịch, qua thực phẩm, qua áo xống cổ truyền. Họ có thể đồng hành với Tanizaki và Kawabata để ca ngợi vẻ đẹp muôn thủa Nhật Bản nhưng có đôi khi đi quá xa như Mishima mà đụng vào cái mốc mà đông đảo quần chúng ngày nay nhất định không cho phép vượt qua tức là việc hô hào cho chủ nghĩa quốc túy (ultra-nationalism).
Nhận xét thứ ba là sự phát triển của các phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh, truyền thanh và truyền hình cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học vì đã thấy mầm mống của chuyển hướng từ văn hóa văn tự qua văn hóa ảnh tượng. Hơn nữa, truyền thông là công cụ chuyên chở một nền văn học đại chúng rất hữu hiệu. Văn học thuần túy (jun.bungaku) đã gặp phải một đối thủ đáng ngại là các loại văn học đại chúng (taishuu.bungaku) như truyện trinh thám, khoa học giả tưởng, truyện xuân tìnhà nếu không kể cả các loại băng truyện (manga) cho những người lớn “không chịu lớn” .
Từ những đặc tính trên, theo nhà phê bình Honda Shuugo, văn học giai đoạn 1960 có 4 đặc điểm:
1. Văn học được giải tỏa ra khỏi vòng đảng phái nhưng còn giữ tính cách chính trị chủ yếu trong sinh hoạt thường nhật;
2. Có màu sắc hiện sinh, không còn đặt trọng tâm vào những kinh nghiệm thảm khốc thời chiến và khó khăn kinh tế sau ngày bại trận;
3. Sự mong muốn thoát khỏi chủ nghĩa hiện thực truyền thống và tiểu thuyết nói về cái tôi (shi.shôsetsu) đã tỏ ra quá hạn hẹp.
4. Mở rộng tầm quan sát ra 4 hướng: chính trị, tính dục, giao lưu với nước ngoài cũng như đặt vấn đề quân bị và về sự cần thiết hay không của chế độ thiên hoàng. Hai điểm cuối là điều cấm kỵ không thể đề cập tới trong chiến tranh. Sự nới rộng tầm quan sát nầy có liên quan tới đặc điểm thứ 3 là sự mong muốn thoát những hình thức diễn tả cũ để có thể thực hiện một thứ “tiểu thuyết toàn thể” (roman total) như Balzac và Sartre đã quan niệm.
Kể từ thời điểm này, văn học vừa phải tiếp tục xử lý những vấn đề còn dây dưa của văn học hậu chiến vừa giải quyết những vấn đề mới do hoàn cảnh xã hội ngày càng phức tạp không ngừng sinh sôi nẩy nở của một xã hội tòan cầu hóa. Nhà văn hiện đại sống trong một môi trường thông tin đại chúng (mass communication) nên văn học của họ dù muốn dù không cũng trở thành văn học đại chúng. Điều đó cũng làm người ta phải đặt lại vấn đề bản chất của văn học. Văn học hiện kim bắt buộc trở thành đa dạng để trả lời cho những câu hỏi ngày càng đa dạng được đặt ra trước người viết văn và người phê bình.
NGUYỄN NAM TRÂN
(Trích “Phác Thảo Văn Học Sử Nhật Bản”,(chưa xuất bản))
Phụ chú:
1 Chính quyền Mỹ đã để cho phái tả được tự do họat động để làm thế lực đối trọng với tàn dư cực hữu trong những năm đầu của thời chiếm đóng. Khuynh hướng này cũng đã thấy ở các quốc gia Âu Châu như Anh, Pháp, Đức khi thời hậu chiến mới bắt đầu.
2 Tân Hí Tác (Shin-gesaku) là tiểu thuyết thông tục (đại chúng) víết theo kiểu Gesaku từ giữa thời Edo (1604-1868) trở đi, mục đích giúp người đọc tiêu khiển
3 Shin Nihon Bungaku là tạp chí văn nghệ do các nhà văn cộng sản như Nakano Shigeharu, Miyamoto Yurikoàsáng lập từ 1946. Đã đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển một tư trào quan trọng của văn học Nhật Bản hậu chiến.
4 Kindai Bungaku là tạp chí phê bình văn nghệ ra đời giữa năm 1946-1964, có khuynh hướng phê bình các luồng văn học đi trước lẫn văn học vô sản, nhằm ịálấy con người làm gốcáỂ. Do bọn 7 người các ông Arai Masahito, Hirano Kenà chủ trương.
5 Người viết chỉ chua thêm cách đọc tên theo Hán văn và năm sinh năm mất của các người viết thật quan trọng.
6 Katô Shuuichi, bác sĩ y khoa kiêm bình luận gia, giáo sư nhiều đại học trên thế giới. Chủ trương văn hóa Nhật là văn hóa lai giống (hybrid). Tác phẩm chủ yếu có ịáNhập môn Văn Học Sử Nhật BảnáỂ (Nihon Bungakushi Josetsu, 1975) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
7 Còn viết “Kể chuyện văn học sử hậu chiến”(Monogatari Sengo Bungakushi, 1960-65) vv..
8 Rokumeikan là một dinh thự dùng để tiếp tân, xây cất kiểu Tây Phương, tượng trưng cho sự theo mới thời Duy Tân.
9 Nguyên là ịáCải TạoáỂ nhưng không có nghĩa chính trị như trong tiếng Việt bây giờ.
10 Leimotiv ịáđi tìm hình bóngáquá khứỂ quen thuộc của Truyện Genji.
11 Nishikawa, Nagao, sách đã dẫn, tr. 243
12 Burai có hai nghĩaá: kẻ không coi pháp tắc vào đâu hay kẻ cầu bơ cầu bất, không nơi nương tựa. Có thể hiểu như ịákẻ bất cần đờiáỂ thì hợp hơn.
13 Nishikawa, Nagao, Le roman japonais depuis 1945, PUF Ecriture, Paris, 1988.
14 Xem Fujino sensei ịáThầy Fujino” tạp văn của Lỗ Tấn, hồi còn là sinh viên trường thuốc tỉnh Sendai, phía Bắc nước Nhật, trước khi ông bỏ học Y khoa để theo đường văn chương vì cảm thấy ịácứu linh hồn con người còn hơn cứu thân xácáỂ.
15 Chữ Baudelaire dùng làm tựa một thi tập của ông ịáLes Fleurs du MaláỂ.
16 Thời ấy, gái điếm có hai loại. Loại sống chung thường xuyên với lính Mỹ và loại đi khách từng bữa. Loại thứ hai gọi là Panpan, một cái tên không rõ xuất xứ.
17 Chữ fuuzoku của Nhật có khi trung tính, có khi hàm nghĩa xấu chứ không đứng ngoài qui phạm đạo đức như trong tiếng Việt.
18 Sakai, Cécile, Histoire de la littérature populaire japonaise contemporaine (1900-1980), tr.125.
19 Tiểu Lâm, Đa Hỉ Nhị , 1908-1933.
20 Nguyên tác Shaku (Chước) có dung tích 0,018 lít.
21 Bức tranh của Bruguel vẽ hình chúa Ki-Tô (với khuôn mặt một nông dân ) bị đóng đinh tượng trưng cho sự đàn áp của hoàng đế Philip II đối với nông dân Hòa Lan và gần hơn nữa, sự đàn áp của chính quyền quân phiệt lên dân chúng Nhật bị áp bức.
22 Xem Nishigawwa, Nagao, sđd, tr. 198-99.
23 Nishikawa Nagao, Le roman japonais depuis 1945, PUF Ecriture, 1988.
24 Những sĩ quan nầy có một người lãnh đạo tinh thần là Kita Ikki (Bắc, Nhất Huy, 1883-1937), một nhà lý luận theo chủ nghĩa quốc gia cực đoan, bị tử hình vì dính líu vào cuộc nổi loạn Ni-niroku.
25 Ý kiến của John Nathan, người viết truyện ký về Mishima, theo Nishikawa, sđd, tr.258. Ngoài ra, theo Donald Keene, có lúc ông ca tụng các nhà văn phái tả và cho biết sẵn sàng tán đồng các sinh viên biểu tình chống hiệp ước Nhật Mỹ với điều kiện là họ chấp nhận chế độ thiên hoàng với ông.
26 Nishikawa , Nagao (sđd, tr.253)
27 Xa hơn thế, năm 1937, Bộ Giáo Dục Nhật Bản đã ban hành Kokutai no Hongi (Quốc Thể Bản Nghĩa) dạy dân chúng phải tuyệt đối tin tưởng vào thần thoại lập quốc ghi trong Ký Kỷ, hai tập cổ thư, tôn kính thiên hoàng và hoàng tộc, bài trừ các loại tư tưởng xã hội, cộng sản, cá nhân hay dân chủ.
28 Nishikawa, Nagao, sđd, tr.206.
29 Vài tiểu đoạn đã được dịch ra trong Nishikawa, Nagao, sđd.
30 Nishikawa Nagao, sđd, tr.222.
31 Đối chiếu với Shayôzoku của thời Dazai Osamu. ịáZokuáỂ (tộc) ám chỉ một nhóm người, một thế hệ có một phong cách sống giống nhau. Trong những năm cuối thập niên 1960, vùng Harajuku (trung tâm Tôkyô) có Harajukuốzoku, lớp người trẻ sống vô trách nhiệm, bất cần đời.
32 Les Enfants Terribles chăng ?