- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trụ Đồng Mã Viện: Sự Đàn Hồi Của Biên Giới Đế Quốc Trung Hoa (phần 2 / 2)

17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 10159)

B. KHÔNG CÒN DẤU TÍCH:

 

1. Hiện nay, không còn dấu tích trụ đồng.

Một sự thực không thể chối cãi là chưa ai tìm được dấu vết trụ đồng. Lối giải thích có vẻ hợp lý là theo thời gian, trụ đồng đã bị mai một. Du Ích Kỳ, từng đến Nhật Nam, cho rằng sau khi dựng hai cột đồng, Mã Viện lưu lại 10 gia đình người Hán, gọi là “Mã Lưu” [người họ Mã bị lưu đầy] ở bờ phía nam Thọ Linh, đối diện trụ đồng, sau này tăng lên đến 200 hộ. Trụ đồng đã chìm trong biển, chỉ dựa vào những người này mới biết vị trí trụ đồng. (39)

Lâm Ấp Ký, không rõ tác giả và đã tuyệt bản, ghi người bản địa gọi những người lưu lại ở trụ đồng ranh giới nhà Hán với nước Tây Đồ là Mã lưu. Cựu Đường chí [Cựu Đường thư] cũng ghi truyện Mã Lưu. Tân Đường thư cho rằng người Mã Lưu và núi Trụ đồng ở châu Bôn Đà Lăng, phía nam Lâm Ấp hai nghìn [2,000] lí. Sơ học ký, 6, dẫn Ngô Lục của Trương Bột, ghi trụ đồng và người Mã lưu ở Tây Đồ, trên một bãi nhỏ dài 30 dặm, của một đảo phía nam Tượng Lâm. Đời Tùy lên tới 300 hộ. (40) Thoạt nghe có vẻ khả tín, nhưng xét lại, chẳng ai biết chứng nhân “Mã Lưu” ở đâu, còn hay mất. Trụ đồng không thấy, nhân chứng không biết ở đâu. Sự khả tín của thông tin trụ đồng đành phải dựa trên thư tịch hoặc truyền thuyết.

 

C. KHÔNG RÕ MỤC ĐÍCH HAY VỊ TRÍ:

Những người nghiên cứu về trụ đồng hầu như nhất trí rằng Mã Viện đã dựng trụ đồng để đánh dấu biên giới phía nam đế quốc Hán, nhưng chỉ có thế. Định nghĩa hay cách diễn giải biên giới phía nam, tức vị trí của cái gọi là trụ đồng trái ngược, thay đổi theo thời điểm và hoàn cảnh, hoặc do sở kiến mỗi cá nhân.

1. Một số người cho rằng Mã Viện dựng trụ đồng để phân định biên giới đế quốc Hán và cổ Việt .

Những người theo thuyết này đi tìm trụ đồng ở vùng Lạng Sơn hay Quảng Yên.

a. Chu Khứ Phi, tác giả Lĩnh Ngoại Đại Đáp, từng làm thông phán ở Quế Lâm (Quảng Tây) đời Tống (960-1279), cho rằng trụ đồng ở khu động Cổ Sâm, Khâm Châu, phía tây châu Khâm khoảng ba [3] lí. (41)

b. Minh Nhất Thống Chí, theo Nhất Thống Chí nhà Nguyên, và Thanh Nhất Thống Chí, theo Chu Khứ Phi, chép trụ đồng Mã Viện ở “Đèo Phân Mao,” động Cổ Sâm, châu Khâm. Ghi thêm sau khi dựng trụ đồng, Viện có lời thề: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt.” (42)

c. Nguyễn Thiên Túng, khi chú thích Dư Địa Chí (hay An Nam Vũ Cống) của Nguyễn Trãi, nói Kim Tiêu là Trụ Đồng, Phân Mao [tại Yên Bang] là “núi Phân Mao.” (43)

d. Lê Quí Đôn ghi trong Văn [Vân] Đài Luận Ngữ Mã Viện dựng hai “kim tiêu” ở Quỉ Môn Quan. Quỉ Môn Quan có lẽ là huyện Bắc Lưu, gần châu Tân An [Tiên Yên], trấn Quảng Yên. Tại Phân Mao Lĩnh, cách Khâm Châu 300 lí về phiá nam, có một đồng trụ lớn hơn 2 thước. Có lẽ do Mã Tổng [Đổng] dựng lên trong niên hiệu Nguyên Hòa (806-820). (44)

Như thế, nhà Thanh, giống như nhà Minh, có vẻ tạm thời chấp nhận biên giới hiện hữu giữa hai nước.

2. Một số người khác cho rằng trụ đồng là biên giới Giao Chỉ bộ và Lâm Ấp.

a. Du Ích Kỳ cả quyết Mã Viện dựng hai cột đồng phía bắc Lâm Ấp. (45)

b. Tùy Thư [Sui shu] ghi trụ đồng cách phía bắc kinh đô Lâm Ấp tám [8] ngày đường. Tư Mã Quang, trong Tư trị Thông giám [đời Tống, 294 quyển], dẫn lại chi tiết trên. (46)

Vị trí trụ đồng, như thế, nằm vào khoảng ranh giới Nghệ An và Quảng Bình, tức đèo Ngang trên Hoành Sơn. (đạo Hà Tĩnh thời Tự Đức)

c. Các tác giả Đại Nam Nhất Thống Chí và Đào Duy Anh ghi ở núi Hùng Sơn, Nghệ An. (47)

d. [Thái Bình] Ngự Lãm 74 dẫn Giao Châu Ký của Lưu Hân Kỳ: Mã Viện chất đá làm bờ tới ngách sông Tượng Phố, dựng cột kim tiêu làm biên giới. (48)

Những người diễn giải trụ đồng dựng lên ở cực nam Giao Chỉ bộ thời Mã Viện–tức quận Nhật Nam–khó thể xác định lãnh thổ Nhật Nam, hay nước Lâm Ấp. Thế kỷ I Tây lịch, hơn một thế kỷ sau khi sử sách TH đặt “quận Nhật Nam” [hay Tượng Lâm] vào bản đồ, nhân ngày Tết, Lưu Trang (Hán Minh đế, 58-75) hỏi Trương Trọng, một tiểu quan từng ở Nhật Nam, là phải chăng nhà ở Nhật Nam đều mở cửa về phía Bắc để ngóng ánh mặt trời [Nhật Nam quận bắc hướng thị nhật da?] (49)

Khó xác định Lưu Trang có hàm ý gì. Nhưng đọc kỹ chú giải của văn gia đời sau, rõ ràng vua quan Hán tin mặt trời mọc ở phương Bắc của xứ “hoang phục.” Nhan Sư Cổ (581-645), làm việc dưới triều Lý Uyên (Đường Cao Tổ, 618-626) và Lý Thế Dân (Thái Tông, 627-647) thường chú giải ngũ kinh và Hán Thư của Ban Cố, nói “Nhật Nam là nói về phía nam mặt trời; là bảo mở cửa phía bắc để hướng về [đón ánh] mặt trời.” Khi nói về việc Đàn Hòa Chi đánh cướp Lâm Ấp, năm 436 hoặc 447, Vương Sung chép trong Luận Hành: “Quận Nhật Nam cách Lạc Dương ngót muôn dặm, vậy ở phía nam mặt trời.” Như dựng cây nêu tại thành Khu Túc, lị sở huyện Tượng Lâm (Nhật Nam), cây nêu 8 thước bóng của nó ở phía Nam là 8 tấc; dựng nêu ngày 5/5 âm lịch [mùa Hè] cũng thấy bóng ở phía nam cây nêu! (50) Khoảng ba thế kỷ sau, đời Lý Long Cơ [Đường Huyền Tông, 713-755], khi Dương Tư Húc và Nguyên Sở Khách đi đánh Mai Thúc Loan, cũng đo bóng mặt trời ngày Hạ Chí ở Giao Châu, thì khám phá ra bóng của cây nêu ở phía nam ba tấc, ba phân–chẳng khác biệt gì với cuộc đo của Đàn Hòa Chi. (51) Đến đời nhà Minh (1368-1644), Ngũ Sùng Diệu [Âu Đại Nhâm?] tác giả Lĩnh Nam di thư, còn nhắc lại sự cố “Nhật Nam nằm về phía nam mặt trời”. (52)

3. Trụ đồng được dựng lên ở phía nam Lâm Ấp, giáp ranh với nước Tây Đồ.

Vài tác giả dời trụ đồng xa hơn nữa về phía nam.

a. Lưu Hân Kỳ, tác giả Giao Châu Ký, đã tuyệt bản, là một trong các tác giả được trích dẫn nhiều nhất. Lịch Đạo Nguyên có vẻ đồng ý khi dẫn Lưu Hân Kỳ: Mã Văn Uyên [Mã Viện] lập dấu mốc phía nam đất Hán. (53)

b. Lâm Ấp Ký, một tựa sách không rõ tác giả và cũng đã tuyệt bản, chép năm 43, Mã Viện trồng hai trụ đồng ở phía nam Tượng Lâm, làm ranh giới nhà Hán với nước Tây Đồ. Lịch Đạo Nguyên cũng dẫn sách này. (54)

c. Trương Bột, tác giả Ngô Lục, nói trụ đồng ở Tượng Lâm, đánh dấu biên giới cực nam của nhà Hán. (55)

d. Trong mục Nam Hải (ch 54) của Lương Thư, Yao Ssu lien (d. 637) cho Mã Viện từ Nhật Nam đi về hướng nam bốn trăm [400] lí mới đến Lâm Ấp; đi thêm về hướng nam hai trăm [200] lí nữa rồi dựng trụ đồng ở biên giới Tượng Lâm và Tây Đồ. (56)

e. Văn gia Đường và Tống có vẻ tán thưởng sự khai sinh thực thể “Tây Đồ” này. Đỗ Hữu ghi trụ đồng nằm 2,000 lí phía nam Lâm Ấp. Nhạc Sử (990-1007) đời Tống, nói đi từ Nhật Nam bốn trăm [400] lí tới Lâm Ấp, đi hơn hai mươi [20] lí nữa tới nước Tây Đồ Di. (57) Tân Đường thư của Âu Dương Tu 1007-1072) và Tống Kỳ (998-1061) cho rằng Lương Thư viết sai, tự động đưa trụ đồng xa hơn về phía Nam: Núi Trụ đồng nằm ở châu Bôn Đà Lăng; từ Nhật Nam Mã Viện đi bốn trăm [400] lí đến Lâm Ấp; từ Lâm Ấp đi thêm hai nghìn [2,000] lí nữa về hướng Nam mới dựng trụ đồng. Cựu Đường Chí thêm: Đường thủy, từ phủ An Nam tới Lâm Ấp 3,000 lí. Từ quận Giao Chỉ tới trụ đồng là 5,000 lí. (58)

Như thế trụ đồng nằm ở khoảng núi Đá Bia, phía Bắc Đèo Cả (Phú Yên).

g. Từ phía nam Giao Chỉ theo đường thủy 3,000 lí tới Lâm Ấp. Từ quận Giao Chỉ tới cột đồng 5,000 lí. (59)

 

4. Lại có tác giả nói Nhật Nam bao gồm Phù Nam.

Vậy trụ đồng Mã Viện có thể ở gần Cà Mau hiện nay.

Cố Tổ Vũ, tác giả Độc sử phương dư kỷ yếu (đời Thanh), ghi: Phù Nam là một hòn đảo lớn nằm về phía tây Nam Hải, thuộc quận Nhật Nam, bắc cách Nhật Nam 7,000 lí, nằm về hướng tây nam của Lâm Ấp khoảng 3,000 lí; rộng 3,000 lí. (60) Theo Việt Nam Tạp Yếu: Trụ đồng của Mã Viện ở phía nam Quảng Hòa. Nước Tây Đồ Di là nước Mãn Thích Gia, sau đổi là Ca la phú sa; rồi bị Chiêm Thành diệt. Trải dài tới Vĩnh Long. (61)

Điều đáng ghi nhận là trong nỗ lực xác định vị trí của trụ đồng, văn gia TH không ngớt mở rộng biên giới Hoa Hạ khiến vị trí trụ đồng Mã Viện ngày một Nam tiến.

 

D. SỐ TRỤ ĐỒNG THAY ĐỔI:

Số trụ đồng do Mã Viện dựng lên trong các truyền thuyết cũng thay đổi, từ một tới năm “kim tiêu.”

1. Văn gia đời Tùy nói có một hay hai trụ đồng [Tùy thư chép Lâm Ấp ở phía nam trụ đồng].

Đỗ Hữu ghi trong Thông Điển phía nam Lâm Ấp 2,000 lí có hai trụ đồng sát biên giới Tây Đồ Di (núi Đồng Trụ chu vi 10 lí).

2. Tống Bạch suy đoán có ba [3] cột đồng ở biên giới Tây Đồ Di và Tượng Lâm, 200 lí phía nam Lâm Ấp. Từ Giao Châu tới trụ đồng là 5,000 lí. (62)

3. Hồ Tam Tỉnh đời Tống đưa lên năm (5) trụ đồng hình như cái lọng ở Đại Phố, phía nam Lãng Đà (Lâm Ấp). (63)

 

Việc tự do hiệu đính hay sửa chữa trên có thể do từ đời Tống, Nguyên, Minh, hay Thanh kiến thức địa lý về phương nam đã khá hơn. Nhưng không thể không nghĩ đến thói quen ghi vào sử sách những biên giới hoang tưởng, chờ ngày “thôn tính” [cướp đoạt]–hay “khôi phục,” nếu muốn. Khi sử dụng sử liệu TH, nếu không cân nhắc kỹ lưỡng yếu tố này, rất dễ bị lạc đường. Và, khó thể tách “trụ đồng Mã Viện” khỏi tham vọng bành trướng–như một cái cớ để đòi trả lại những đất đai hoang tưởng đã mất. Miệng kẻ “sang” [mạnh] có gang có thép, dù cái lưỡi uốn lượn trăm chiều. Nhưng “Quốc sử” đời Hậu Lê và nhà Nguyễn vẫn sao chép huyền thoại trụ đồng, theo kiểu “dĩ nghi, truyền nghi,” sa vào lưới nhện tham vọng bành trướng của Hán tộc.( 64)

Từ đầu thế kỷ XX, những nghiên cứu của Tây phương, đặc biệt là học giả Pháp–áp dụng những phương pháp làm việc khoa học hơn, khảo sát khá kỹ các di vật còn sót trên mặt đất –để tái dựng lại lịch sử nghệ thuật [arts history] của Champa và Kambojas. Được chính phủ Bảo hộ Pháp trợ cấp, những người như Louis Finot, Georges Coedès, Partmentier, v.. v.. đã làm việc trên 250 di chỉ khảo cổ–đặc biệt là các tháp chứa linh vật như Linga, tượng Phật, những tấm bia có khắc chữ Sanskrit hay một loại chữ Chàm biến thái từ Sanskrit, cùng những “hoa văn” điêu khắc (như voi, sư tử đều nhảy múa). Nhiều cổ vật đã bị thời gian, thiên tai, chiến tranh, và những hành vi mọi rợ văn hóa–như tàn phá dấu tích nước bại trận hay trộm cắp (Hán, Việt cũng như Tây phương)–khiến chứng tích sự hiện hữu của một quốc gia hưng vượng trong nhiều thế kỷ ngày một hiếm hoi. Dù còn thiếu sót, những công trình trên giúp đặt xuống những viên đá lót đường đầu tiên cho việc tìm hiểu về dân Chàm nói riêng, và lịch sử Việt Nam nói chung. Dựa trên những mẩu thông tin trái ngược nhau và mức khả tín vô cùng giới hạn trên, người phỏng đoán trụ đồng nằm ở “Phân Mao Lĩnh,” Cổ Sâm, Khâm Châu (theo Lĩnh Ngoại Đại Đáp [của Chu Khứ Phi] đời Tống, dẫn trong ANCL, và Nhất Thống Chí nhà Minh, nhà Thanh). Người suy đoán ở đèo Ngang, tức Hoành Sơn, ranh giới tự nhiên của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay (theo Lịch Đạo Nguyên, trong Thủy Kinh Chú; Lưu Hân Kỳ, trong Giao Châu Ký). Có tác giả nghĩ nó ở vùng Huế. (Aurousseau, Claeys) Lại có người cho Mã Viện xuống tới tận núi Đá Bia (Đèo Cả), Phú Yên (theo Tân Đường Thư). Tự điển Từ Hải cũng theo thuyết này, có lẽ do mục tiêu chính trị hơn sự thực sử học. (65) Và khó thể không đồng ý với Maspéro rằng đây chỉ là một huyền thoại. (66)

 

Kết Từ:

Cho tới đầu thế kỷ XXI vẫn chưa thể hình dung ra hình dáng, kích thước, vị trí hay số lượng trụ đồng. Không hề có vết tích trụ đồng trên thực địa. Trong khi đó sách sử đương thời im lặng. Cũng không ai có thể khẳng định trụ đồng là biên giới Hán-Cổ Việt, biên giới Cổ Việt-Cổ Chàm (Lâm Ấp)–hay phía Nam cổ Chàm. Những nỗ lực truy tìm trụ đồng cho thấy tính chất đàn hồi của biên giới và cuộc Nam tiến không ngừng–từ Cổ Sâm (Quảng Yên cũ, sau là Khâm Châu) xuống tận Núi Đá Bia (Phú Yên), dù mãi tới khoảng năm 1,000 vua Champa mới dời đô vào Vijaya (Chà Bàn, Bình Định).

Huyền thoại Mã Viện mà văn gia Hán hoang tưởng và hiệu đính gần hai nghìn năm qua–có khả năng thuyết phục mạnh những người chỉ có vốn liếng kiến thức sơ đẳng hay lịch sử nhân dân, lịch sử nhiều người viết như Mao Nhuận Chi–là một trong những bằng chứng về thủ thuật sử dụng sách, sử làm vũ khí tuyên truyền, huyền thoại hóa sự thống trị cùng tham vọng thôn tính lân bang của Trung Nam Hải.

Lưu động tính của các vị trí dựng trụ đồng không chỉ giúp bài bác huyền thoại trụ đồng, nhưng cũng cho thấy lô-gích của nó nằm trong một âm mưu truyền kiếp “quay mặt về hướng nam” của Hán tộc. Việc Hà Lý Quang (năm 751), Trương Chu (809), hay Mã Tổng bắt chước “Mã Viện” dựng cột đồng “ở chỗ cũ” không chỉ để lưu danh. Chúng ta cũng từng ôn lại những sứ đoàn Trung Hoa được gửi sang “An Nam di” để tìm dấu tích trụ đồng. Mỗi lần vấn đề trụ đồng được nêu lên là có hiểm họa binh đao–từ Hốt Tất Liệt tới Chu Lệ.

Nhưng không thể không tự hỏi tại sao văn gia Hán đã hăng say tham dự vào cuộc ngụy tạo lịch sử này? Từ nhiều thế kỷ, văn gia TH thường rất tự hào về tính chất trung thực của thư tịch cổ thời TH. Một số học giả Tây Phương cũng đánh giá cao các sử liệu trên. Tuy nhiên, sự khả tín của thư tịch TH–ít nhất về cổ Việt và Champa–có nhiều dấu hỏi lớn.

Thứ nhất, là sử quan, những người chép sử không dám phạm thượng. Đa số đều muốn dùng văn tài mình để tô hồng hay cung văn chế độ cho một mục đích nào đó. Thứ hai, sử quan và Nho gia định hướng Khổng Giáo không dám vượt qua những khuôn khổ như Thiên mệnh, “thánh giáo” do Khổng Khâu và các đệ tử nêu ra. Thứ ba là hiện tượng mọi rợ văn hóa: Được làm vua, thua làm giặc. Tiêu hủy di sản văn hóa các nước nhỏ hay các tộc dân bị cướp nước, ngụy tạo sử kiện, địa danh, nhân danh để biện minh cho tham vọng “thôn tính thiên hạ,” “đặt vào vòng lễ giáo,” v.. v Dư luận dân chúng thì được hâm nóng bằng hệ thống tuyên truyền tham vọng thực dân, và sự ưu việt Hán tộc [Han supremacy].

Việt Nam là bằng chứng hùng hồn nhất về hành động mọi rợ văn hóa Hán tộc–bên cạnh chủ trương “tằm ăn dâu” hay “vết dầu loang”: Lấn đất, di dân, rồi công khai xâm lăng, giết lãnh đạo, đồng hóa một thiểu số thổ dân làm giai tầng trung gian. Nếu chưa thành công, lại khởi đầu trở lại chu trình “thông hiếu” hay “cống lễ” [tributory networks] định kỳ. Ban mũ áo, đặt tên, dạy học chữ để đồng hóa. Chờ một cơ hội khác. Thời gian thường nằm về phía kẻ mạnh. Dân tộc Việt thường trực bị đe dọa bởi hiểm họa xâm lăng, đồng hóa của những người cầm quyền Bắc Kinh, bất kể màu sắc ý thức hệ, từ chuyên chính quân chủ, phong kiến tới quân phiệt “Tam Dân,” rồi dân chủ tập trung “định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Lễ Nghĩa hay những nguyên tắc cao thượng, lý tưởng được nêu ra trong tứ thư, ngũ kinh hay sách vở của bách gia và tư tưởng Mao hay lý luận Đặng Tiểu Bình chỉ là những trò chơi của trí tuệ–được trưng dẫn khi cần thiết. Doanh [Lã] Chính chôn nho sinh. Hạng Vũ hỏa thiêu Hàm Dương. Chu Lệ tịch thu hết sách vở Đại Việt mang về Kim Lăng, thay bằng sách sử nhà Tống. 320,000 Hồng quân đột ngột tràn qua biên giới Hoa-Việt mờ sáng ngày 17/2/1979, san thành bình địa hàng chục thị xã và thị trấn, hung hãn mở cuộc tàn sát thường dân để dạy cho tập đoàn Lê Duẩn một bài học. Chủ yếu luôn là thứ luật kẻ mạnh kiểu trung cổ và “nguyên thủy”: luật pháp và chính nghĩa nằm trong tay những kẻ mạnh nhất, và đủ nhẫn tâm giết người, cướp đoạt đất đai, tài sản người khác.

Từ hạ bán thế kỷ XX–tạm thời nghỉ ngơi để tiêu hóa cho xong những vùng lãnh thổ khổng lồ của Manchuria, Tibet, Mongol–cơ quan tuyên truyền Bắc Kinh đưa ra thuyết “tổ hợp” [to incorporate] những đất đai và dân chúng mới chiếm đoạt để đồng hóa các nạn nhân. Những việc làm biểu kiến như xóa tên Yue Fei (Nhạc Phi, 1103-42) khỏi danh sách những anh hùng dân tộc [minzu yingxiong] trong sách giáo khoa lịch sử bậc tiểu và trung học (Beijing Youth Daily, Dec 2002)–cùng những khẩu hiệu như đoàn kết dân tộc [minzu tuanjie], hay đa dân tộc quốc gia [duominzu guojia], ngũ tộc cộng hòa [wuzu gonghe], đại Trung Hoa dân tộc [Da Zhonghua minzu]–chỉ là những lớp bọc đường cho liều thuốc độc tiêu diệt bản sắc những sắc dân đã và đang bị thôn tính, đồng hóa. (67)

Song song với chiêu bài đạo đức giả trên–sẽ bị vứt bỏ khi cần thiết–là những chiêu bài quen thuộc khác khi muốn cướp bóc hay thôn tính lân bang, thứ chính nghĩa tự nhận “chinh thảo” [trừng phạt hay “dạy cho một bài học”]. Với vua quan Hán, như Lưu An đã nhắc nhở Lưu Triệt: không hề có chiến tranh, mà chỉ có trừng phạt những dân tộc không thờ kính thiên tử như con với cha theo lẽ trời [thiên mệnh] “sự đại” [thờ nước lớn]. Bài Chiếu đánh Đại Việt của Triệu Quang Nghĩa (976-997) vào tháng 9-10/980 [tháng 8 Canh Thìn] là một trong những văn kiện tiêu biểu:

Thanh giáo và oai linh của nước nhà vang dội khắp nơi [Quốc gia thanh giáo sở đàm, oai linh hàm kị.]

Gần đây, đất Diên Chỉ chưa [chịu] nhập vào bản đồ, tự đứng một phương, gần Ngũ Lĩnh. [Cố nãi Diên Chỉ chi cảnh, vị qui dư địa chi đồ, thẩn tư nhất phương, cận tiếp Ngũ Lĩnh]

Cuối đời Đường loạn lạc, đất đai bị chia xẻ, chúng tiếm xưng làm một nước [bang], tách xa phong giáo, khiến phong hóa như của kẻ mù, đứa điếc [Đường mạt li loạn, khu nội phẫu phân, toại vi tiếm ngụy chi bang, tư thành lung cổ chi tục.]

Từ khi bình định Phiên Ngung, ban cho lịch sách mà tuân hành, tuy nhận làm phiên thuộc, mà vẫn lo việc binh bị, có ý tự cường [Cập Phiên Ngung đề định, chính sóc thủy ban, tuy khế thủ dĩ xưng phiên, phả thiện binh nhi tự cố.]

Phép thờ nước lớn, lẽ nào như thế? [Sự đại chi lễ, đương như thị hồ?]

Để cứu dân, chẳng đặng đừng ta phải đưa quân chinh phạt để thay đổi xứ mọi rợ; nay sai bọn Tôn Toàn Hưng qua đánh [Điếu dân chi hành, cái bất đắc dĩ, nghi cung hành ư thiên thảo, dụng phi biến ư man trâu, nghị dĩ Tôn Toàn Hưng đẳng xuất như tấn thảo.”]. (68)

 

Hạ bán thế kỷ XVIII, năm 1788-1789, Hoằng Lịch [Qian Long] định phò Lê đánh Tây Sơn để khôi phục một số quận huyện. Qua thế kỷ XIX, năm 1882-1885, Từ Hi Thái hậu cũng muốn “phò Nguyễn” chống di địch Pháp, để chiếm đoạt vùng phía bắc sông Hồng; nhưng cuối cùng bị thảm bại, phải ký thêm hiệp ước cắt đất và bồi thường chiến phí cho Pháp, khiến Đường Đình Canh chịu chết trong ngục.

Hiện tình thế giới–sau bao thập niên bị cường quốc Tây phương và Nhật lăng nhục–khiến Bắc Kinh bớt kiêu ngạo, chấp nhận một thứ quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” trong “thế giới thứ ba.” Nhưng tham vọng cầm đầu khối những nước nghèo, bành trướng đất đai hầu chiếm đoạt tài nguyên thô, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nhái và rẻ tiền, nhiễm độc, đồng thời chiếm đất di dân–thành lập những đạo quân thứ năm khắp thế giới–hầu tránh nạn nhân mãn, và “thôn tính thiên hạ” vẫn nguyên vẹn nếu không phải ngày thêm thôi thúc.

Hạ bán thế kỷ XX, Trung Cộng gây chiến với Burma [Myanmar], MongoliaIndia về biên giới. Bắc Kinh còn đòi Liên Sô Nga phải trả lại hơn 1.5 triệu cây số vuông lãnh thổ mà Nga Hoàng chiếm đoạt trong thế kỷ XIX. Mao Nhuận Chi cho lệnh Vệ Binh Đỏ trình diễn một màn “thanh giáo Mao” bằng cách xếp hàng dài theo biên giới, rồi tụt quần chổng mông về phía Nga. Cơ quan tuyên truyền Nga đối phó bằng cách trương hình Mao chủ tịch vĩ đại mỗi khi có màn trình diễn “lễ giáo chổng mông” trong kinh điển tư tưởng Mao. (69)

Mao Nhuận Chi, người tự xưng là lãnh tụ CS vĩ đại của “Thế Giới thứ ba,” năm 1936 than thở với Edgar Snow về việc bị thực dân Tây phương chiếm đoạt chư hầu, trong đó có Đông Dương; và từ năm 1949, “cống hiến vô tư” cho Hồ Chí Minh cùng Đảng CSVN. Nếu tin được Luo Guibo [La Quí Ba], mùa Hè năm 1950, khi tiếp đại diện phái đoàn cố vấn quân sự Trung Cộng trên đường qua Cao Bằng, Nhuận Chi căn dặn thuộc hạ đừng nên có tinh thần tự tôn nước lớn [big-state chauvinism]. Rồi, nhấn mạnh Hồ và Đảng CSVN đã mời họ qua giúp, không giống như Ma Yuan [Mã Viện] ngày nào. Mao chỉ không tiết lộ rõ âm mưu của mình: dùng xương máu người Việt để bảo vệ cửa ngõ chiến lược Đông Nam, trước sự vây hãm của Liên bang Mỹ và Đồng Minh. Năm 1979, những tác giả lừng danh Việt Nam như Trường Chinh, Nguyễn Ngọc Minh, v.. v .. sau nhiều năm nung nấu, đã một lần được tự do thoá mạ tư tưởng Mao Trạch Đông phản động, thâm độc cùng cách sử dụng viện trợ theo kiểu “cà rốt và cây gậy,” trong chủ trương bành trướng, bá quyền nước lớn, “tọa sơn quan hổ đấu,” chống Mỹ đến “người Việt Nam cuối cùng.” (70)

 

 

Từ năm 1947, chính phủ Tưởng Giới Thạch rồi chế độ Mao Nhuận Chi đòi sửa lại các hoà ước bất bình đẳng ký với Pháp năm 1885 và 1887 bằng những hòa ước bất bình đẳng Hoa-Việt khác. Sách giáo khoa sử địa vẽ bản đồ lãnh hải TH chạy xa về phía biển Nam. Ngày 4/9/1958, Bắc Kinh công bố một bản đồ có lãnh hải phía Nam gồm những gạch đứt đoạn. Ngày 19-20/1/1974, để trở lại với thế giới văn minh, Nhuận Chi và Chu Ân Lai cho lệnh xâm chiếm Hoàng Sa bằng võ lực, trước sự quay mặt làm ngơ của Cố vấn ANQG Henry A. Kissinger. (71) Ngày 17/2/1979, Deng Xiao-ping [Đặng Tiểu Bình] mượn chiêu bài biên giới để dạy Lê Duẩn và Đảng CSVN “một bài học” luật kẻ mạnh, sử dụng hơn 320,000 Quân Giải Phóng [QGP] cùng tăng pháo tàn phá sáu [6] tỉnh biên giới suốt 30 ngày Xuân Kỷ Mùi [1979]. Rồi chiếm cứ một số cao điểm chiến lược ở biên giới. (72) Sau đó, bắt Hà Nôi cắt đất, cắt biển năm 1999 và 2000, hiêu lực từ năm 2004. Qua năm 2009, lại áp lực ký hiệp ước “tay đôi” về Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 7/5/2009, Bắc Kinh nộp cho LHQ một bản đồ lãnh hải, tự nhận chủ quyền 80% biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và lãnh hải chia làm 9 điểm đứt quãng, sát với VN, Malaysia, Brunei, và Philippines. Ngày 8/5/2009, Việt Nam gửi công hàm số 86/HC-2009 lên Tổng thư ký LHQ bác bỏ nó “không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.” (73)

Mới đây, tờ Tuổi Trẻ ở Sài Gòn đi tin Đại sứ Nguyễn Văn Thơ họp báo ở Bắc Kinh ngày 8/1/2010, tuyên bố quan hệ 16 chữ vàng–láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, tiến tới tương lai–nhưng cũng xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thông tấn xã và báo chí Trung Cộng chỉ nói đến phần hữu nghị, hoàn toàn im lặng về lãnh hải. Báo Tuổi Trẻ in thêm vào, hay báo chí Trung Cộng cắt bỏ?

Một trong những nguyên nhân của chính sách bành trướng-xâm lược của Trung Nam Hải là sự tăng trưởng dân số. Đảng CSTH hay bất cứ giới cầm quyền nào cũng phải lo tìm chỗ cư trú và sản xuất lương thực cho khối lượng 1.3 tỉ đầu người có sổ hộ khẩu này. Bởi thế, Bộ Chính Trị Đảng CSTH từng ra nghị quyết coi Đông Nam Á là “vùng trời chiến lược sinh tồn” của Hán tộc. Di dân, cướp đoạt đất đai, trộm cướp tài nguyên thiên nhiên ở rừng núi và thềm lục địa, là điều đã, đang và sẽ xảy ra. Lãnh đạo Trung Hoa thường tuyên bố chiến tranh là điều khó tránh, dù có thể trì hoãn được. Nhưng với ý thức hệ tận dụng “bạo lực cách mạng” kiểu Maoist, cộng với tinh thần thôn tính, làm cỏ thiên hạ truyền thống, Bắc Kinh sẽ duy trì hòa bình được bao lâu?

Không thể không rùng mình ớn lạnh. Vì thật khó để thuyết phục những đệ tử tự nhận của thứ học thuyết “cách mạng là tấn công, không tấn công là thất bại” tự kềm chế tham vọng bành trướng xã hội chủ nghĩa kiểu Maoist [Maoist hegemonism]. Nếu lịch sử có thể giúp rút ra một bài học hữu ích, Cộng đồng yêu chuộng hòa bình thế giới–và đặc biệt hơn 1.3 tỉ dân Trung Hoa–nên có thái độ và hành động cần thiết để ngăn cản viễn ảnh Trung Hoa sẽ là nguồn gốc của Thế Chiến thứ Ba–cuộc chiến mang sức hủy diệt cả nhân loại và địa cầu.

“Justice for all”–Công lý cho mọi và mỗi người. Đó là tâm niệm và hoài bão của những người mong muốn một thế giới hòa bình, tiến bộ, đáng sống hơn của nhân loại. Nhưng ngày ấy còn xa vời. Thế hệ chúng ta đang còn bị đe dọa, khủng bố bằng những tên tội phạm chiến tranh trong các dinh thự. Trong số đó, có những kẻ đang sống huy hoàng tại Trung Nam Hải như Hồ Diệu Bang và Ôn Gia Bảo–kẻ từng vu cáo một nhà sư đạo hạnh như Đạt Lai Lạt Ma của Tibet là “khủng bố.” Ai sẽ đưa chúng ra trước những tòa án quốc tế hình sự, cũng như lương tâm nhân loại?

 

Chính Đạo

Houston, 1/2-10/4/2010

©2010, Copyright by Van Hoa Publishing Co.

All Rights Reserved.

Những chữ viết tắt:

ANCL : An Nam Chí Lược, Lê Tắc, bản dịch Trần Kính Hòa et al. (Huế: Đại Học Huế, 1961)

CM, TB: Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB], bản dịch Trương Bửu Lâm et al., (Sài Gòn: 1965); bản dịch viện Sử học (Hà Nội: NXB Giáo Dục, 1998);

ĐNNTC: Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch Phạm Trọng Điềm và Đào Duy Anh, 5 tập (Huế: Thuận Hóa, 1997),

ĐVSKTB: Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, bản dịch Dương Thị The et al. (Hà Nội: 1997), Ngoại Kỷ;

ĐVSKTT: Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ, q. III, bản dịch Nhượng Tống (Hà Nội: Tân Việt, [1944?]) [sẽ dẫn Nhượng Tống (1944)]; bản dịch Cao Huy Giu (Hà Nội: 1967), [sẽ dẫn Giu (1967)]; bản dịch Ngô Đức Thọ et al (Hà Nội: 2009) [sẽ dẫn Thọ (2009)];

LTHCLC: Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Phan Huy Chú, bản dịch Viện Sử học, 3 tập (Hà Nội: 1992)

NCLS: Tập san Nghiên Cứu Lịch Sử (Hà Nội)

TKCS: Thủy Kinh Chú Sớ, Lịch Đạo Nguyên, et al., bản dịch Nguyễn Bá Mão (Hà Nội: 2004).

VĐLN: Vân [Văn] Đài Luận Ngữ, Lê Quí Đôn, bản dịch Phạm Vũ và Lê Hiền (Sài Gòn: 1973?).

 

Chú:

1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], Tiền Biên [TB], q.II:9b-10a, [II 9b-15b] bản dịch Trương Bửu Lâm et al., (Sài Gòn: 1965, 1967), II:176-77 [176-201]; bản dịch Viện sử học (Hà Nội: 1998), I:114. Xem thêm Ngô Sĩ Liên et al., Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ, [ĐVSK, NKTT], q. III:1b-4a, bản dịch Nhượng Tống (Hà Nội: Tân Việt, [1944?]) tr. 129-30 [sẽ dẫn Nhượng Tống (1944)]; bản dịch Cao Huy Giu et al. (Hà Nội: 1967), I:90-2 [ghi là năm Kỷ Hợi (13/2/39-1/2/40) [sẽ dẫn Giu (1967)]; bản dịch Ngô Đức Thọ et al (Hà Nội: 2009), I:183-86 [sẽ dẫn Thọ (2009)]; Đại Việt Sử Ký Tiền Biên [ĐVSKTB], bản dịch Dương Thị The et al. (Hà Nội: 1997), Ngoại Kỷ, III:4, tr. 72-3;

2. Lê Tắc, An Nam Chí Lược [ANCL], q. 4, “Tiền triều chinh thảo,” bản dịch Trần Kính Hòa et al. (Huế: Đại Học Huế, 1961), tr. 92-3 [phần chữ Việt]. Sẽ dẫn: ANCL. Giáo sư Hòa và ban thông dịch Đại học Huế dịch thành: “người đàn bà Giao Chỉ là Trưng Trắc làm phản, quận Cửu Chân và quận Nhật Nam đều hưởng ứng theo, đánh các quận ấp, cướp được 60 thành, rồi tự lập làm vua]. Ibid. Có người cho rằng “công duyên” có lẽ là “công trị,” vì hai chữ “duyên” và “trị” bộ Thủy [âm đọc chính là “trì”] giống nhau (Phụ Bản chữ Hán của dịch giả ANCL).

A. Công: bộ Phộc, Thiều Chửu 255: đánh, vây đánh [một thành]; Việt-Hán tự điển; Huỳnh Minh Xuân [HMX], tr. 122-24.

B. “Duyên”: bộ thủy=nước], Thiều Chửu, 338; HMX, tr. 221; nghĩa là lân cận, ven, như duyên biên, duyên giang, duyên hải, [e.g., duyên thủy nhi hạ = ven nước mà xuống]

C. “Công duyên:” Khó hiểu, và có thể chép sai.

Từ điển Thiều Chửu và Huỳnh Minh Xuân chỉ có Công hãm [bộ phụ; TC 737], hay thành hãm; không có chữ “công duyên.” Có thể suy đoán rằng đây là thói quen đời Tống và Nguyên, gọi Giao Chỉ thành Diên Chỉ, hay Duyên Hải.

Nếu hiểu chữ duyên chép sai từ “trì,” hay “trị” [bộ Thủy, Thiều Chửu 337, nghĩa là sửa, trừng phạt, cai trị], có thể hiểu gần với “cai trị,” thường dùng để chỉ “trị sở”], có lẽ hợp lý hơn [Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ III:2a, Thọ (2009), I:183-84 và Đại Việt Sử Ký Tiền Biên của Ngô Thì Sĩ viết theo ý này: đánh hãm trị sở ở châu]. Hơn nữa, theo văn mạch, nếu hiểu thành “đánh phá trừng trị quận ấp” vô nghĩa và lủng củng.

Chúng tôi đồng ý rằng chữ “duyên” trong ANCL có thể đã bị sao chép sai, nên bỏ, không dịch, chuyển ngữ thành “tấn công,” và dịch chữ “lược” [Thiều Chửu 239, bộ thủ; hay TC 406, bộ điền , như mưu lược, kinh lược, cướp, lấy] thành “chiếm” thay vì “cướp.” [lược, TC 242 cũng bộ thủ: khoèo lấy, gạt ra]. Trên đại thể, tấn công hay đánh chẳng khác gì nhau. Lời dịch của chúng tôi còn dựa theo nguồn thông tin chính của Lê Tắc là đoạn nói về Hai Bà Trưng trong “Mã Viện truyện” của Hậu Hán Thư, dẫn từ Quảng Châu Ký (III-IV), và Giao Châu Ký của Diêu Văn Hàm; [xem infra], tức có thể hiểu “công duyên quận ấp” cùng nghĩa với “công phá châu quận” của Hậu Hán Thư [3 infra], hay “công hãm thành ấp, biên quận khổ chi” theo sử quan Nguyễn. [CMTB, II:9b-10a, (Sài Gòn: 1967), II:176-79, chú 1. supra]. Chúng tôi không đồng ý thói quen tự động thêm hay sửa chữa chữ khi dịch các văn bản ngoại ngữ cổ, để hiểu theo ý mình, giống như các văn gia trong Thủy Kinh Chú Sớ (bản dịch Nguyễn Bá Mão, Hà Nội: 2004).

3. Li Dao-yuan et al., Shui-ching chu [Thủy Kinh Chú, TKC], q. 37, Diệp Du Hà, tờ 62; Idem., Thủy Kinh Chú Sớ [TKCS] bản dịch Nguyễn Bá Mão (Hà Nội: 2004), ch 37, “Diệp Du Hà,” tr. 424-25; CM, TB II:9, (Sài Gòn: 1965), II:179; (Hà Nội: 1998), I:114; ĐVSK, NKTT, III:2a, Nhượng Tống (1944):129; Giu (1967), I:91; Thọ (2009), I:183; ĐVSKTB, Ngoại Kỷ, III:4, 1997:72.

4. CM, TB II:9, (Hà Nội: 1998), I:114chú 1; Nguyễn Linh, “Bàn về nước Thục của Thục Phán.” NCLS, 124 (7/1969). tr. 48col 1; Henri Maspéro, Etudes d’histoire d’Annam. “Le Royaume de Van Lang;” Bulletin de l’Ecole francaise d’Extrême-Orient [BEFEO], XVIII, 3:4. Sẽ dẫn Maspéro, “Royaume.”

5. ĐVSK, NKTT, III:3a, Nhượng Tống (1944):131; Giu (1967), I:92; Thọ (2009), I:184; ĐVSKTB, Ngoại Kỷ, III:4b-5b, 1997:73-4.

6. Lê Quí Đôn, Vân [Văn] Đài Luận Ngữ [VĐLN], bản dịch Phạm Vũ và Lê Hiền (Sài Gòn: 1973?), III: Khu Vũ Loại, số 85, tr. 168-69.

7. ANCL, q. 4, 1961:92 [chữ Việt]; ĐVSKTB, Ngoại Kỷ, III:4b-5b, 1997:73-4; Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí [LTHCLC], bản dịch Viện Sử học, 3 tập (Hà Nội: NXB KHXH, 1992), q. 6, “Nhân Vật Chí,” 1992, 1:167.

8. TKCS, ch 37, “Diệp Du Hà,” Mão, 2004:425; Nguyễn Linh, NCLS, 124 (7/1969). tr. 48n1 [33-5]; TKCS, Mão, 2004:500, chú VI.

9. CMTB, III:10a, (Sài Gòn: 1970), tr. 178-79; ĐVSKTB, Ngoại Kỷ, III:4b-5a, 1997:73.

10. Tiền Hán Thư, q. 7, 4b; dẫn trong Maspéro, Etudes d’histoire d’Annam. III. La commanderie de Siang; BEFEO, XVI (1916-1917), p. 52 [49-55]. Sẽ dẫn Maspéro, “Siang.” Từ Hải cũng chép Tượng Quận lập nên năm 214 TTL, bỏ năm 76 TTL; TKCS, Mão, 2004:366n1.

11. CM, TB III:5b-6a; (Sài Gòn 1970), III:22-5; (Hà Nội:1998), I:139; ĐVSKTB, Bản Kỷ [BK], IV:4b-5a, 1997:86-7; ĐVSK, NKTT, IV:2b, Thọ (2009), I:198;

12. “[1b] Thương Ngô vương Triệu Quang dữ Việt đồng tính, văn Hán binh chí [2a] hàng. Việt Quế Lâm giám Cư Ông dụ cáo Âu Lạc giai hàng. . . . Thị thì Việt trung nhị sứ tế ngưu bách đầu, tửu thiên chung, trí Giao Chỉ, Cửu Chân nhị quận [quân] hộ tịch nghinh hàng; Bác Đức nhân bái [bài] nhị sứ vi Giao Chỉ, Cửu Chân thái thú, trị dân như cố. Ư thị toại thuộc Hán;” CMTB, II:1b-2a, 2b-4b, (Sài Gòn, 1967), II:146-47; (Hà Nội: 1998), I:106, 106n1. Sử Ký, q. 113, tờ 1b-2a; Maspéro, “Siang,” XVI, 1:53-4 [49-55]; Idem., “Van Lang;” XVIII, 3:2. TKCS, ch. 36, “Uất Thủy,” Mão, 2004: 342-43, 346-349chú 1.

13. Tiền Hán Thư, q. 7, 4b; Đỗ Hữu (735-812), Thông điển (Shanghai: 1935), q. 184, tờ 4b; Maspéro, “Siang,” 1916, 1:51, 52.

14. ANCL, q. 4, 1961:92; CM, TB, II:2a-4b, (Sài Gòn, 1967), II:146-57; (Hà Nội: 1998), I:106-7; ĐVSKTB, 1997:67-9. Nhóm phiên dịch CM viện sử học (Hà Nội: 1998) chú thích rằng có lẽ sử quan Nguyễn dùng một bản TKC khác nên có dị biệt: (1) Dẫn Giao Chỉ Thành Ký thay vì Giao Châu Ngoại Vực Ký; và (2) chép “cập nhị quân dân hộ bạ hàng Lộ tướng quân,” thay vì “cập nhị quân dân hộ khẩu bạ nghệ Lộ tướng quân.” (Hà Nội: 1998), I:107n1. Theo Hậu Hán Thư, dân số Giao Chỉ, 92,440 hộ; 746,237 nhân khẩu; Cửu Chân, 35,784/166,013; Nhật Nam, 15,460/60,485; Ai Lao: 51,890/553,711 [năm 69]; Nguyễn Linh, “Thục Phán.” NCLS, 124 (7/1969), tr. 46-7, 48col 1 [33-5].

..........

65. ĐVSK, NKTT, III:3b, Thọ (2009), I:185; Giu (1967), I:93; CM, TB II:12a-12b; (Sài Gòn, 1967), II:186-89; (Hà Nội: 1998), I:116; ĐNNTC, q.V: “Nghệ An” [núi Hùng Sơn], XVIII, “Quảng Yên,”1997, 2:158; 4:8 [Nguyễn Thiên Túng]).

66. Jean Yves Claeys, “Introduction à l’étude de l’Annam et Champa.” BAVH, XXI, 1-2 (Jan-Juin 1934), p. 27 [1-144] [ở Nham Biều, bờ Nam sông Hương, Huế]; H. Le Breton, “Le Vieux An Tịnh;” (suite) BAVH, XXII, No. 2 (4-6/1935), pp. 195, 204 [191-235].; Cadière, 1931: 93.

67. Maspéro, “L’expédition de Ma Vien;” BEFEO, XVIII, 3 (1918), pp. 25-6.

68. Xem, Nimrod Baranovitch, “Others No More: The Changing Representation of Non-Han Peoples in Chinese History Textbooks, 1951-2003;” Journal of Asian Studies, Vol 69, No. 1 (Feb 2010), pp. 85-112.

69. ANCL, q. II, 1961:64.

70. Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 1950-1975 [Trung Hoa và những cuộc chiến Việt Nam, 1950-1975] (Chapel Hill: North Carolina Press, 2000). Xem thêm, La Chine et le Monde [Trung Hoa và Thế Giới] (Beijing: Beijing Information, 1982), No. 1, tr. 51-4, 63 [49-78], 115-19 [102-41];

71. CHXHCNVN, Bộ Ngoại Giao, Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua (Hà Nội: Sự Thật, 4/10/1979), tr. 24; [Sách Trắng]; S. Yurkov, Asia in Peking’s Plans (Moscow: Politizdat Publishers, 1981) [X. G. Iu-Rơ-Côp, Châu Á trong các kế hoạch của Bắc Kinh (Hà Nội: NXB Sự Thật, 1984)], trong Tủ sách “Chủ Nghĩa Mao–Một Nguy Cơ Với Loài Người];

72. Vũ Ngự Chiêu, “Nhìn Lại Hoàng Sa;” Hợp Lưu Magazine (Fountain Valley, CA), No. 108 (tháng 1-2/2010), tr. 5-25; LTHCLC, q. 49, “Bang Giao Chí: Việc Biên Cương;” 1992, 3:275-95.

73. Trường Chinh, “Nhân Dân Việt Nam kiên quyết đánh bại mọi mưu mô xâm lược của chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc;” “Xã luận” Tạp chí Cộng Sản [TCCS], 3/1982, trích đăng trong Chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc (Hà Nội: 1982), tr. 33-55; UBKHXHVN [nhiều tác giả], Phê phán chủ nghĩa bành trướng và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh (Hà Nội: KHXH, 1979); Xiaoming Zhang [Trương Tiểu Minh], “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment;” The China Quarterly, Volume 184, Dec 2005, pp 851-74.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12259)
(Xem: 13795)
(Xem: 15070)
(Xem: 14650)
(Xem: 14641)
(Xem: 15243)
(Xem: 14080)
(Xem: 13835)
(Xem: 13863)
(Xem: 14756)