- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Trụ Đồng Mã Viện: Sự Đàn Hồi Của Biên Giới Đế Quốc Trung Hoa (phần 1 / 2)

17 Tháng Bảy 201012:00 SA(Xem: 10405)

Cuộc dấy binh của Hai Bà Trưng năm 40 được coi như trang đầu bi hùng của Việt sử dài theo cuộc chiến vệ quốc trường kỳ, liên lũy suốt hai thiên kỷ. Hàng năm, giỗ hai Bà cử hành ngày 6/2 âm lịch [hiện thay thế bằng ngày 8/3 TL, tức ngày Phụ nữ]. Trong khi đó, Phục ba tướng quân Mã Viện trở thành biểu tượng của chính sách thực dân Đại Hán [Ta Han hegemonism hay Hanism], mối đe dọa thường trực của các lân bang nói riêng, và nền hòa bình thế giới nói chung. Huyền thoại chị em hoặc vợ chồng Trưng Vương nổi dạy chống Hán cùng chiến công tái chiếm cổ Việt của Mã Viện, vẫn được lưu truyền với nhiều xúc động. Những bài học sử đồng ấu và tiểu học tại hai nước láng giềng hoàn toàn đối nghịch. Sử quan Trung Hoa, bất kể màu sắc ý thức hệ, khoác lên Trụ đồng Mã Viện–với lời thề “đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt”–lớp son phấn khai hóa và thiên mệnh thôn tính thiên hạ. Sử quan Việt chép hai bà Trưng làm một kỉ riêng, như bước diễn tập cho nền tự chủ. Thành ngữ “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh” trở thành biểu tượng của tinh thần kháng Hán, vệ quốc.

Bài viết này duyệt lại huyền thoại trụ đồng Mã Viện xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IV-V, nhưng không hề có dấu vết trên thực địa hay trong quốc sử Hán. Những dã sử về số lượng và vị trí trụ đồng chẳng những thiếu cơ sở, mà còn di động, từ châu Khâm tới Hà Tiên-An Giang–không ngừng nam tiến, giống như tấm bản đồ biển Đông Bắc Kinh mới công bố năm 2009, ấn chứng của “thực dân xã hội chủ nghĩa” [social colonialism], vò đựng mới cho tinh thần Đại Hán phong kiến.

Làm việc theo phương pháp tỉ đối nhiều nguồn tư liệu, chúng tôi tạm thời kết luận rằng–cho đến khi có tài liệu chứng minh ngược lại–huyền thoại trụ đồng đã được ngụy tạo và sử dụng trong những cuộc tranh chấp biên giới, thực hay giả, nhằm phục vụ mục tiêu nhất thời nào đó.

Sơ thảo năm 1979, khi tác giả khởi đầu chương trình thế giới sử tại Đại học Wisconsin-Madison, dưới sự hướng dẫn của cố Giáo sư John R. W. Smail, và sự giúp đỡ nhiệt thành của Giáo sư địa lý học Đông Nam Á Daniel F. Doeppers–khi chính sách không công nhận ngoại giao và cấm vận kinh tế của Liên Bang Mỹ khiến thông tin về Việt Nam cực kỳ hiếm hoi–tác giả đã cố gắng tổng hợp và so sánh nhiều tư liệu cổ sử, địa lý cổ thời, khảo cổ học và nhân chủng học. Ba chục năm sau, nguồn thông tin phong phú hơn, nhờ sự cải thiện bang giao hai nước, cùng những chuyến du khảo sau ngày tốt nghiệp. Đặc biệt hữu ích là bộ Lịch Vạn Niên của Lý Quí Ngưu giúp chuyển từ ngày âm lịch qua tây lịch do Giáo sư Mai Quốc Liên tặng, và bản dịch mới nhất ĐVSKTT của Ngô Sĩ Liên et al, do bào huynh Vũ Ngự Triệu mua tặng trong chuyến về quê tu sửa từ đường và phần mộ tiền nhân.

Chính Đạo

 

 

I. CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA HAI BÀ TRƯNG (40-43):

 

A. DIỄN BIẾN:

Tháng 3/40, đời Lưu Tú hay Văn Thúc (Hán Quang Vũ, 25-55), hai Bà Trưng dấy binh ở quận Giao Chỉ. Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng. Thái thú Tô Định (34-40) chạy về Nam Hải (Quảng Đông ngày nay). Bà Trưng Trắc tự lập làm vua. Đóng đô ở Mê Linh.

Vì cổ Việt không có chữ viết riêng, và/hoặc hủ tục mà thế giới lên án là mọi rợ văn hóa [cultural barbarism] đã hủy diệt mọi di tích cổ Việt, sử quan đời sau đành dựa theo truyền thuyết và thư tịch Trung Hoa để tái dựng Kỷ Trưng Nữ Vương, được vỏn vẹn mươi trang giấy. Và, giống như bất cứ cuộc kháng Hán nào của người Việt, sử sách Trung Hoa chỉ chép trong mục “làm loạn” hay “chinh thảo,” giọng điệu khinh bạc. Trong khi đó, sử quan Việt đánh giá như bước diễn tập cho cuộc khai phục quốc thống, giành tự chủ–theo công thức Việt tự chủ/ bá quyền Hán.

Sử quan Việt ghi:

Canh Tí, niên hiệu Kiến Vũ thứ 16. Mùa Xuân, tháng Hai. Người nữ Giao Chỉ là Trưng Trắc dấy binh chống thái thú Tô Định, đuổi hắn, tự xưng vua [Canh Tí. Hán Kiến Vũ thập lục niên. Xuân nhị nguyệt. Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc khởi binh công thái thú Tô Định, trục chi, tự lập vi vương]. (1)

 

Lê Tắc, tác giả An Nam Chí Lược [ANCL], thế kỷ XIV, chép theo quan điểm Hán:

Người nữ Giao Chỉ là Trưng Trắc làm loạn, Cửu Chân, Nhật Nam hưởng ứng, tấn công các quận ấp, chiếm được 60 thành, tự xưng làm vua [Giao Chỉ nữ tử Trưng Trắc phản, Cửu Chân Nhật Nam giai ứng chi, công duyên quận ấp, lược lục thập thành, tự lập vi vương.] (2)

 

Nguyên văn diễn âm đoạn Quảng Châu Ký về Bà Trưng, trong Mã Viện truyện của Hậu Hán Thư, như sau:

“Hậu Chu Diên lạc tướng danh thi sách mê linh, Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê Trắc vi nhân hữu đảm dũng tướng thi khởi tặc công phá châu quận phục chư lạc tướng giai thuộc Trưng Trắc vi vương trị Mê Linh huyện phục Giao Chỉ Cửu Chân nhị quận dân nhị tuế điệu phú.

Hậu Hán khiển Phục Ba tướng quân Mã Viện tương bình thảo Trắc Thi tẩu nhập Kim Khê cứu tam tuế nãi đắc.

Nhĩ thì Tây Thục tịnh khiển binh cộng thảo Trắc đảng tất định quận huyện vi lệnh trưởng dã”

[Quảng Châu Ký (III-IV); Tư Mã Trinh, Sử Ký sách ẩn (VII-VIII), dẫn Giao Châu Ký của Diêu Văn Hàm]

 

Lối viết ngắn gọn, không dấu chia câu hay kết đoạn, không phân biệt tên người, tên đất trong sách cổ khiến văn gia Việt và Hoa đi đến những diễn giải khác nhau.

1. Về thân thế Hai Bà Trưng, Cương Mục Tập Lãm Thủy Kinh Chú–do nhóm Li Dao-yuan [Lịch hay Lệ Đạo Nguyên, (ca 466 [472]-527) diễn giải sách cổ Thủy Kinh của Tang Khâm [?], nhưng cũng nguồn tư liệu chính của sử quan Việt và Hoa–giải thích Trưng vương nguyên họ Lạc, con gái Lạc tướng huyện Mi [Mê] Linh. Sau khi lên ngôi đổi sang họ Trưng. Ngô Sĩ Liên đặt nghi vấn chi tiết họ Lạc, trong khi sử quan Nguyễn chép “Vương vốn họ Lạc, lại có họ riêng là Trưng” (dựa theo Cương Mục tập lãm). Sử quan Tây Sơn (Ngô Thì Sĩ et al) chỉ ghi họ Trưng.(3) Thực ra, Lạc hay Trưng cũng không đúng hoàn toàn. Đó chỉ là cách người Việt xướng âm hai chữ Hán “Lạc” và “Trưng.” Tên họ hai bà vẫn chưa ai biết.

2. Bà Trưng đã lập gia đình với con trai Lạc tướng Chu Diên là Thi Sách (theo sử Việt) hay Thi (dã sử Trung Hoa). Trong đoạn “Hậu Chu Diên lạc tướng danh thi sách mê linh lạc tướng nữ danh trưng trắc vi thê,” sử quan Việt đọc hai chữ thi sách thành Thi Sách (họ Thi, tên Sách), nhưng văn gia Hán hiểu chữ “sách”lấy, không phải tên: Như thế, “con trai Lạc tướng Chu Diên tên Thi lấy con gái Lạc tướng Mê Linh tên Trưng Trắc làm vợ.” (4)

3. Sử Việt còn ghi bà Trưng đã dấy binh báo thù chồng bị Tô Định giết, trong khi dã sử Trung Hoa ghi cả hai vợ chồng cùng nổi lên kháng Hán [Trắc vi nhân hữu đảm dũng tướng Thi khởi tặc công phá châu quận phục chư lạc tướng giai thuộc].

4. Đa số sử quan Việt ghi Bà Trưng thu phục được 65 thành ở Lĩnh Nam (phía nam núi Ngũ Lĩnh), tự xưng làm vua. Bảng nhãn Lê Văn Hưu, soạn giả bộ quốc sử đời Trần (1226-1400), nhận định: hai bà Trưng “hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay.” (5) Bảng Nhãn Lê Quí Đôn, ghi 65 thành, nhưng chỉ liệt kê được 56 thành theo Đông Hán Chí [địa dư chí của Hậu Hán thư], với phụ chú: “Đời xa, sự tích mai một; các thành huyện xưa nay không biết ở những xứ sở nào, dấu cũ không còn mấy;” chỉ còn lại Long Biên và Phong Khê (Yên Lãng).” (6) Lê Tắc ghi 60 thành. Ngô Thì Sĩ ghi 56 thành; có lẽ dựa theo Hậu Hán Thư, rằng thuộc địa Giao Chỉ bộ gồm bảy [7] quận, 56 thành–Nam Hải (7 thành), Thương Ngô (11), Uất Lâm (11), Hợp Phố (5), Giao Chỉ (12), Cửu Chân (5), Nhật Nam (5). Nhóm sử quan Tây Sơn và Phan Huy Chú ghi là hơn 50 thành. (7) Nhưng Hai bà Trưng có thể chỉ chiếm được 27 thành ở Giao Chỉ, Cửu Chân và Hợp Phố. Thủy Kinh Chú ghi Trưng Vương thu thuế, hay miễn thuế hai quận Cửu Chân và Giao Chỉ hai năm, tức thực sự cai trị chỉ có 22 thành. (8)

Chúng ta chỉ biết hai bà đã lên ngôi vua, nhưng không rõ tổ chức chính quyền, hay quân đội. Truyền thuyết về các nữ tướng, hay anh hùng dân gian tham dự cuộc dấy binh quá sơ lược. Ngay đến vị tướng bị Mã Viện đả bại ở Cửu Chân và 5,000 người bị thảm sát cũng chịu cảnh liệt sĩ vô danh.

Những chi tiết ngắn ngủi dị biệt về Hai Bà Trưng–cùng nhiều tác nhân lịch sử khác–là điều khó tránh. Thứ nhất, văn sử về Bà Trưng chủ yếu dựa trên tài liệu tuyên truyền Bắc sử, theo đó cuộc khởi nghĩa được tóm lược như phản loạn, phụ chú bên lề [anecdotes] chính sách tham ô, bạo ngược của Tô Định (34-39), cùng chiến công của Mã Viện. Thứ hai, truyền khẩu sử khó tránh khỏi yếu tố thần thoại đương thời, rồi thêm thắt chi tiết theo thời gian. Thông tin khả tín, đáng ghi nhớ, là Trưng Vương phất cờ tiên phong khởi nghĩa chống lại ách đô hộ Hán từ năm 40 tới 43. Hai bà là những người đầu tiên, nhưng không phải cuối cùng, đã viết nên lịch sử dân tộc Việt suốt hai nghìn năm luôn luôn bị đe dọa tận diệt hoặc đồng hóa. Tư liệu Trung Hoa khẳng định điều này, và cũng xác nhận Bà Trưng đã xưng vương.

Vì lý do nào đó–có thể vì hủ tục trọng nam, khinh nữ–sử quan Việt chưa dành cho Hai Bà Trưng vị trí xứng đáng hơn trong quốc sử. Ngọn đuốc kháng Hán đã thắp lên từ hai Bà Trưng–không phải thái thú Sĩ Nhiếp, Giám quân Lý Bôn tự Bí, hay Bố Cái Đại Vương. Và cũng có thể từ đời Lưu Tú, nhà Hán mới trực trị, khởi sự đồng hóa dân cổ Việt qua giáo dục, tập quán (cưới hỏi) và khai thác kinh tế. Vì thế, sau cuộc khởi nghĩa của hai Bà, suốt thời Đông Hán, loạn lạc khắp nơi, khác hẳn với sự im lặng khó hiểu và khá dài từ 207 TTL tới đầu thiên kỷ thứ nhất Tây lịch.

5. Vấn đề lãnh thổ vương quốc thời hai Bà Trưng cần những nghiên cứu nghiêm túc mới. Sử sách Trung Hoa hàm ý hai Bà chỉ cai trị được Giao Chỉ và Cửu Chân. Tại những quận huyện khác, Thứ sử và các thái thú chỉ lo tự bảo toàn. [Giao Chỉ thứ sử cập chư thái thú cẩn đắc tự bảo]. (9) Theo Quận Quốc Chí trong Hậu Hán Thư, khoảng năm 110-106 TTL, Lưu Triệt đã chia vương quốc Nam Việt cũ thành chín [9] quận, thuộc Giao Chỉ Bộ, dưới quyền Thạch Đái. Ngoài hai quận Chu Nhai, Đam Nhĩ ngoài biển, bảy quận còn lại nằm về góc đông nam Hoa lục. Cho tới năm 264, phần Giao Chỉ Bộ trên đất liền vẫn giữ nguyên tên bảy quận Nam Hải, Hợp Phố, Uất Lâm, Thương Ngô, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Những thay đổi lãnh thổ không được ghi chép. Có thể sử quan Hán tộc kiến thức hời hợt về cõi ngoài hoang vực–gọi chung là xứ mọi rợ, man di–nhưng không thể không nghĩ đến dụng tâm chính trị của vua quan Hán.

Hai vấn đề nổi bật lên trên lãnh vực địa lý. Thứ nhất, không rõ số phận của quận Tượng đời Tần ra sao. Theo Tiền Hán Thư, Lưu Phất Lãng (Hán Chiêu đế, 86-74 TTL) bỏ quận này năm 76 TTL, ghép đất vào Uất Lâm [Yu lin, đông nam Quảng Tây] và Thương Ngô [Tsang ko, tây Quí Châu]. (10) Nhưng khoảng hơn 30 năm trước, tại sao Tượng Quận bỗng biến dạng, hoặc bị bỏ quên trong giai đoạn 110-76 TTL? Nếu Lưu Triệt đã chia Tượng Quận làm Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam sau khi diệt Nam Việt, tại sao năm 76 TTL còn mất công xoá tên, và Lưu Phất Lãng lấy đất nào để chia cho Uất Lâm và Thương Ngô? Ngắn và gọn, văn gia đời sau đã tái dựng những việc Tượng Quận, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam hay Lâm Ấp, và mức khả tín là những dấu hỏi lớn. Không chỉ về sử liệu (như gán ghép “Thương Ngô” vào cái chết của cha con Điêu Trùng Hoa (Thuấn, 2255-2208 TTL) mà còn dụng tâm chính trị của thời họ. (11)

Thứ hai, từ năm 135 TTL, Lưu Triệt đã xâm lược Dạ Lang (dân Miêu) lập ra quận Tường Kha, và Điền (Tiên, Lạc, tây Vân Nam), tách khỏi Nam Việt. Cũng có tin Thương Ngô tách ra từ Dạ Lang cũ, lệ thuộc vào Nam Việt trước ngày Lộ Bác Đức “giết Lã Gia, mở 9 quận.” Thương Ngô vương Triệu Quang (thông gia của Tể tướng Lã Gia và cùng họ với vua Nam Việt) xin hàng ngay khi nghe tin Bác Đức đến. Trong khi đó, Giám quận Quế Lâm là Cư Ông khuyên dụ Âu, Lạc hàng. (12)

Cách nào đi nữa, Henri Maspéro đã đi quá xa khi qui trách lỗi lầm của Tiền Hán Thư cho sự dốt nát về địa lý của Vi Chiêu, Vương Ẩn, Chu Khứ Phi v.. v.. Họ có lý do riêng khi cung cấp những chi tiết hỗn độn trên. Trong thời gian 675-680, Hoàng Thái tử/Giám quốc Lý Hiền (654-684), con thứ 6 Đường Cao Tông và Võ Hậu, chẳng hạn, sai Trương Đại Yên và Lưu Nạp Nguyên chú giải Hậu Hán Thư của Phạm Việp (398-446). Đỗ Hữu (735-812) là cựu kinh lược Lĩnh Nam, và hoàn tất Thông Điển trước khi về triều làm tể tướng năm 803. Hữu liên hệ đến cuộc tấn công Hoàn Vương (Lâm Ấp) vào đầu thế kỷ IX (809), khi tình hình Giao Châu hỗn loạn [nổi dạy của Bố Cái Đại Vương (791), và rồi cuộc nổi loạn của binh sĩ chống Bùi Thái]. Cũng thời gian này, truyền thuyết Mã Viện phục sinh. Phong trào “kim tiêu”–dựng trụ đồng làm biên giới theo gương Mã Viện–được phát động. Ở kinh đô, Đỗ Hữu rao giảng thuyết Nhật Nam là Tượng Quận nhà Tần, trong khi tại thực địa vài đô hộ dựng trụ đồng mới “tại chỗ cũ.” (13)

Như một hệ luận, không thể không tự hỏi đâu là thời điểm chính xác Nhật Nam được đặt “vào bản đồ” đế quốc Hán? Có tin đời Triệu lập ra Nhật Nam–bởi thế có sách chép ba đại diện ở cổ Việt, tương ứng với Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam đón đường Bác Đức ở Hợp Phố xin nộp trâu, rượu và sổ bạ dân quận xin hàng. Nhưng sử quan Tây Sơn và Nguyễn bác thuyết này. Lý do đưa ra là trước đó, năm 198 TTL, Triệu Đà chỉ gửi hai sứ giả qua cai trị Âu Lạc cũ. Từ năm này tới năm 111 TTL, không có tin nào về sự thay đổi quận huyện ở Âu Lạc cũ. Mãi tới năm 110 TTL hay 106 TTL, Lưu Triệt mới tách năm [5] huyện ở phía nam Cửu Chân ra, đặt quận Nhật Nam.

Ngay thời điểm 110-106 TTL cũng cần nghiên cứu thêm. Khoảng hơn một thế kỷ sau, Lưu Trang (Hán Minh đế, 58-75) còn rất mù mờ về Nhật Nam. Mặc dù Hậu Hán Thư ghi tên năm [5] thành Tây Quyển, Chu Ngô [dọc bãi biển], Lư Dung [có bến tìm vàng], Tượng Lâm [sau là Lâm Ấp], Tị Ảnh, với 15,460 hộ và 60,485 nhân khẩu–nhưng Phạm Việp hoàn tất sách vào thế kỷ thứ V, khi “Nhật Nam” đang do Lâm Ấp quản trị (trễ nhất từ năm 242) và quan lại Hán đặt một hành lị sở ở Cửu Chân để chờ ngày tái chiếm. (14) Rất có thể Nhật Nam chỉ tách ra thời Lưu Phất Lãng hay Vương Mãng (8-23), hoặc sau cuộc viễn chinh của Mã Viện. Bởi thế không thể không tra cứu thêm thời điểm cổ Champa tách khỏi đế quốc Hán (năm 100, 137 hay 192?), hoặc–rất có thể–chưa hề dưới quyền trực trị của nhà Hán, mà chỉ bị nhà Ngô [Wu], Tấn [Jin], Tống [Liu Song], Tề [Wei], Lương [Liang], Tùy [Sui] liên tục đánh cướp, chiếm đoạt đất đai?

Về thực địa, kinh đô Mê Linh vẫn còn là một ẩn số. Đại Nam Nhất Thống Chí [ĐNNTC] triều Nguyễn cho rằng Mê Linh thuộc Phong Châu, kinh đô triều đại huyền sử Hồng Bàng. Địa danh Phong Châu chỉ xuất hiện từ đời Tùy-Đường, nhưng sử Việt chép nó thuộc Văn Lang (khoảng Bạch Hạc-Sơn Tây), một trong 15 bộ của nhà Hồng Bàng. Chúng ta cũng được biết còn dấu “thành cổ Mê Linh” ở huyện Phúc Thọ, Sơn Tây, nay là xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, Vĩnh Phú. Dấu tích ra sao? Có giống một vòng tròn xếp bằng đá đánh dấu chỗ họp triều đình để chống giặc Bắc trên đền Hùng? (15)

Tài liệu Hán còn lên án hai bà Trưng mang quân quấy nhiễu biên giới, khiến dân tình khổ sở. Lối cáo buộc “xâm phạm biên giới”–phần nào nhằm biện minh cho cuộc viễn chinh của Mã Viện–là chiêu bài quen thuộc khi vua quan Hán muốn cướp bóc, thôn tính lân bang, hay tạo áp lực, dưới thứ chính nghĩa tự nhận là “chinh thảo”. Trước thế kỷ XIX, với vua quan Hán không hề có chiến tranh, mà chỉ có trừng phạt lân bang không thờ kính thiên tử như con với cha theo “sự đại chi lễ” [phép thờ nước lớn], hợp với thiên mệnh [số trời]. (16)

 

B. CUỘC TÁI XÂM LĂNG CỦA MÃ VIỆN:

Tháng 1-2/42 [tháng 12 Tân Sửu], Lưu Tú cho lệnh Hợp Phố, Trường Sa chuẩn bị xe thuyền, sửa sang cầu đường, chứa thóc lương chuẩn bị tái chiếm cổ Việt. Phong Mã Viện làm Phục ba Tướng quân, Lưu Long làm phó tướng, Đoàn Chi giữ lâu thuyền, chia hai đạo thủy bộ tiến quân. Gặp núi làm đường, vượt qua hơn 1,000 lí [dặm TH].

Theo sử quan Nguyễn, sách Khâm Châu Chí của Chu Xuân Niên ghi Mã Viện đi từ núi Ô Lôi ra biển lớn, rồi tiến về hướng tây, tới phủ Hải Đông của Giao Chỉ. [Ở đây có đền thờ Viện]. Cố Viêm Vũ đời Minh ghi trong Quận quốc lợi bịnh thư, Mã Viện đi từ nam Khâm Châu ra biển lớn, giương buồm một ngày thì tới Giao Châu [trấn Triều Dương]. Tuy nhiên, đây chỉ là sự phỏng đoán của đời sau. Theo truyền thuyết, quân Mã Viện đi qua Quỉ Môn Quan–nơi mười người qua, chín người không trở lại–đưa đến nghi án địa lý về vị trí của cửa ải phân chia Nam-Bắc này. (16 bis)

Tháng 4-5/42, Viện đánh bại Trưng Vương ở Lãng Bạc. Trong chiến dịch này, Viện tâm sự cùng thuộc hạ rằng, dưới đất khí độc bốc lên ngùn ngụt, ngẩng lên trời thấy diều hâu đang bay rơi xuống nước, khiến trạnh lòng muốn bắt chước người em họ Thiếu Du sống thanh thản, an nhàn mà không được.

Cổ sử ghi Lãng Bạc tức Dâm Đàm, tức Hồ Tây, Hà Nội. Vài tác giả Pháp, như Henri Maspéro và Claude Madrolle, dựa theo Thủy Kinh Chú (đoạn nói về ba nhánh sông bắc Hà Nội) và Hậu Hán Thư (địa lí chí) cho rằng Lãng Bạc thuộc vùng Tiên Du. Một số tác giả Việt nghiêng về lập luận này. Có tác giả cho rằng Lãng Bạc là vùng Phả Lại, trong khoảng năm huyện Yên Dũng, Lục Nam, Quế Võ, Gia Lương và Chí Linh, ngày nay. (17) Việc tìm hiểu về Lãng Bạc vẫn chưa và có thể chẳng bao giờ kết thúc. Lãng Bạc là một tên Hán Việt, do quan tướng Hán đặt ra, khó thể truy tìm nguồn gốc. Đất đai, sông biển đổi dời không ngừng, phù sa sông Hồng liên tục bồi đắp đất mới. Những truyền thuyết nhân gian về sự tích các thần hoàng hay đền miếu–nguồn gốc hai bộ Lĩnh Nam Chích Quái và Việt Điện U Linh tập–khiến vấn đề phức tạp hơn. Thông tin khả tín duy nhất có thể rút ra là Hai bà Trưng đã thua to ở phía đông Mê Linh, phải rút về chiến khu Cẩm Khê hay Kim Khê–một địa danh gây nhức đầu khác.

Ngô Sĩ Liên và sử quan Lê ghi theo Hậu Hán Thư, nhưng ước đoán Cẩm Khê ở huyện Chân Lộc, Nghệ An. Tự Đức và sử quan Nguyễn dựa theo Thủy Kinh Chú bác thuyết này, cho rằng Cẩm Khê (Kim Khê) nằm vào địa phận phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây. (18) Lê Tắc ghi tên Kim Khê theo Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn. Thủy Kinh Chú dẫn Việt Chí, cho rằng Cẩm Khê hay Kim Khê nằm về phía tây nam Mê Linh. Chi tiết này giúp một tác giả Việt đi tìm Cấm Khê ở hữu ngạn sông Hồng, và đề nghị nhìn nhận thung lũng suối Vàng [Kim khê cứu], chân núi Bà (cao 525 mét) ở góc đông nam dãy núi Tản Viên. Tại đây, có làng Hạ Lôi, huyện Thạch Thất (Sơn Tây), cách Hà Nội 35 km về phía tây nam, 28 km hướng tây Hà Đông, 20 km nam Sơn Tây. Làng này cổ hơn làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng (Tây Vu cũ). (19)

Tháng 1-2/43, Mã Viện tiến vào Cẩm Khê hay Kim Khê, đả bại Trưng Vương. Truyền thuyết nói ngày 6 tháng 2 Quí Mão [5/3/43], hai chị em nhảy xuống sông Hát tự tử. Dân chúng bí mật lập đền thờ trên bờ sông Hát–tức một nhánh hạ lưu sông Bạch Hạc, ranh giới phủ Quốc Oai, Sơn Tây và huyện Từ Liêm, Hà Nội (đời Nguyễn)–nay là xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Tây. (20)

Dã sử Trung Hoa ghi cả hai bà bị bắt. Theo Giao Châu Ngoại Vực ký–một trong bốn tài liệu cơ bản về thời kỳ này, nhưng đã tuyệt bản–Mã Viện tiến đánh vợ chồng Trưng Trắc và Thi Sách ở Kim Khê cứu, ba năm mới thắng [khiển Mã Viện tương binh thảo Trắc Thi, tẩu nhập Kim khê cứu, tam tuế nãi đắc]. Nhiều tác giả, kể cả sử quan Nguyễn, ghi theo Nam Việt Chí là bà Trưng giữ được hang Kim Khê hai năm mới bị bắt [Trưng Trắc tẩu nhập Kinh Khê huyệt trung, nhị tuế nãi đắc chi]. Lê Tắc chép theo Hậu Hán Thư rằng năm 43, Mã Viện giết chết Trưng Nhị [Thập cửu niên, Mã Viện trảm Trưng Nhị yêu tặc (Nhị, tặc muội giả)], (21)

Tháng 11-12/43, Viện mang 8,000 tinh binh, hợp cùng hơn một vạn quân Giao Chỉ, 2,000 lâu thuyền truy đuổi tàn quân của Đô Dương đến Cửu Chân. Theo Giao Châu ký, Viện phá đá ngầm, sửa chữa và đắp 500 lí đường bộ. Chiếm huyện Võ Công, Dư Phát, chia binh vào Võ Biên, rồi kéo tới huyện Cư Phong. Theo Đào Duy Anh, Cư Phong sau đổi làm Di Phong tức Diễn Châu, Thanh Hoa (năm 1943). Thủ lĩnh nghĩa quân Việt ở Cư Phong không hàng, Viện chém vài ngàn (có tin hơn 5,000) thủ cấp. (22) Sau đó lập nên huyện Tượng Lâm ở phía nam Nhật Nam, tức nước Lâm Ấp sau này. Rồi sử dụng người Việt theo chính sách cai trị cũ–như Lệnh, cai trị một vạn hộ trở lên; trưởng, một vạn hộ trở xuống. Thấy huyện Tây Vu (33,000 hộ) quá đông, Viện chia làm Phong Khê và Vọng Hải, có lẽ cũng để tăng cường sự kiểm soát và phân tán lực lượng kháng Hán. Tại Phong Khê, Viện xây thành Kiển Giang. Thành tròn như cái kén nên gọi là “Kiển.” Theo truyền thuyết đây là Loa Thành của An Dương Vương.

Viện còn thu trống đồng đúc thành ngựa dâng lên Lưu Tú. Việc tịch thu trống đồng có thể được nhìn dưới khía cạnh tiêu diệt nền văn hóa cổ truyền–có lẽ theo mẫu hệ–để áp đặt thứ lễ giáo Hoa hạ. Sự việc quân dân hơn 50 thành–hoặc từ 60 tới 65 thành–ngả theo Trưng Vương liên hệ đến chính sách Hán hóa trên. Nhưng nho gia nặng tinh thần “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô,” và tam cương ngũ thường chỉ ghi lại “công ơn” Tích Quang, Nhâm Diên, im lặng về chế độ mẫu hệ thời tiền Hán thuộc, không “cẩn án” hay “phê” trong “quốc sử”. Rất tiếc, không còn lại tư liệu nào để tìm hiểu thêm vấn đề này. Nhưng nên lưu tâm đến sự kiện hai lãnh tụ kháng Hán đầu tiên là bà Trưng và Triệu Ẩu hay Triệu Thị Trinh. Và cho tới thế kỷ XI, người Việt từng lập đền thờ hoàng hậu Dương Thị Nga cùng hai chồng là Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn. Hay truyền thuyết hai ông một bà thần bếp. (23)

Theo Thẩm Hoài Viễn, quân Tây Thục [Xi Shu] cũng kéo sang, giúp đánh hai bà Trưng [Nhĩ thì Tây Thục tịnh khiển binh cộng thảo Trắc đảng, tất định quận huyện vi lệnh trưởng dã]. Tuy dẫn Nam Việt Chí về Kim Khê, sử quan Nguyễn bỏ chi tiết Tây Thục. ĐVSKTT và ĐVSKTB đều không ghi. (24)

Năm 44 [Giáp Thìn], Mã Viện về nước. Bảy quận ở Giao Chỉ [bộ] khi đi cống đều phải do đường biển tới huyện Đông Dã (Phúc Châu) mà nạp lễ vật. (25) Phan Huy Chú ghi trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí là còn dấu tích đền thờ Mã Viện ở Quỉ Môn Quan, Chi Lăng (Lạng Sơn). Nhưng sử quan Nguyễn phủ nhận, vì pho tượng ở đây giống đàn bà–không giống một lão tướng. (26)

 

II. TRỤ ĐỒNG MÃ VIỆN: SỰ THỰC LỊCH SỬ HAY HUYỀN THOẠI?

 

Cuộc tái xâm lăng cổ Việt năm 42-44 để lại nhiều huyền thoại. Sách sử Trung Hoa chép võ công của Mã Viện như một cuộc chinh thảo, tuân theo mệnh trời, dẹp nội loạn do vợ chồng hoặc chị em bà Trưng khởi xướng–đặt Giao Chỉ trở lại bờ cõi Hán. Trong Trung Quốc thông sử giản biên, Phạm Văn Lan nhận xét rằng xâm lược là sứ mệnh khai hóa của Hán tộc, và Trưng Vương chỉ vì tư thù Tô Định giết chồng mà dấy binh, không chống sự cướp nước của nhà Hán, giành độc lập. Một tác giả Đài Loan cũng đưa ra lập luận tương tự. (27) Sử sách Việt, ngược lại, đánh giá cuộc dấy binh của hai bà Trưng như sự tiếp nối quốc thống từ nhà Hồng Bàng–một diễn tập cho phong trào đòi độc lập, tự chủ. (28)

Trọng tâm bài viết này vượt trên khuynh hướng cung văn và đào mộ nói trên, chỉ xét lại truyền thuyết Mã Viện dựng trụ đồng trong sử văn cũng như thực địa, hy vọng tìm hiểu thêm về biên thùy phía Nam của đế quốc Hán.

 

A. KHÔNG GHI TRONG HÁN THƯ:

Hậu Hán thư hoàn toàn im lặng (trong “Mã Viện truyện”). Trụ đồng của “Mã Văn Uyên” [Mã Viện] chỉ được nhắc đến từ thế kỷ IV-VI, trong các dã sử đã tuyệt bản như Quảng Châu Ký, Lâm Ấp Ký, Giao Châu Ký của Lưu Hân Kỳ, rồi dẫn lại và bình luận trong Thủy Kinh Chú, Thái Bình Ngự Lãm đời Đường, v.. v... (29)

Chứng từ của các quan cai trị Hán đương thời–kể cả Lý Cố, sau Mã Viện 100 năm, tác giả thuyết “dĩ man trị Man,” hay Tiết Tông (Kính Văn), phục vụ Sĩ Nhiếp vào cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III–không nhắc đến trụ đồng. Trong những thông tin về cuộc cướp phá Champa của Nguyễn Phu năm 353, hay Đàn Hòa Chi năm 436 hoặc 446 đều im lặng, chỉ nói “ấn vua đã ban xuống mà vàng chưa dâng lên;” cách phá tượng trận do Tông Xác phát minh, hay, công bố kết quả thí nghiệm đo bóng mặt trời. (30)

Truyền thuyết trụ đồng được nhắc đến lần đầu trong Tùy thư, đoạn nói về Lưu Phương đi đánh Champa tháng 1-2/605, vì “nước Lâm Ấp có nhiều của báu, nhưng lâu đời không đến chầu.” Tháng 3-4/605, sau khi đả bại Sambhuverman Chumnik [Phạm Chi, 595-629, có mộ bia tên nước Champa], giết hàng vạn người, Phương tiến quân qua trụ đồng của Mã Viện. 8 ngày sau, tới kinh đô Champa, cướp đoạt 18 [12] bài vị bằng vàng, ghi công vào bia đá rồi về. Tuy thắng trận nhưng quân lính chết 3, 4 phần 10, và Phương cũng ốm chết dọc đường. (31)

Thoạt nghe, tưởng chừng thông tin khá đầy đủ. Thực ra, khoảng cách “tám ngày đường” quá mơ hồ. Đạo quân viễn chinh di chuyển bằng đường bộ được khoảng 20-30 lí mỗi ngày; như thế trụ đồng ở phía bắc kinh đô Champa từ 160 tới 240 lí, hay khoảng trên dưới 100 cây số. Quái ác là không rõ kinh đô Champa ở đâu. Có thuyết nói 8 đời vua Champa cai trị ở Singapura hay Simhapura [Sư tử thành], tại Trà Kiệu [Quảng Nam] đến năm 750. Nhưng không một bia đá nào cho phép khẳng định vị trí Sư Tử Thành, ngoài di tích một thành bị đốt cháy. Trong thập niên 1830, người Bri-tên mua được của tiểu vương Malay một hòn đảo có tên Singapura [Sư Tử Thành], hay đảo hải tặc, nằm trên xích đạo, tức Singapore hiện nay. Tuy nhiên, hai vạn quân viễn chinh của Mã Viện khó có khả năng di chuyển trên 2,000 cây số hay 4,000 lí trong vòng một năm (43-44). Kinh đô Champa có thể là Quảng Bình, Thừa Thiên, hay Quảng Nam, nơi còn dấu tích công trình xây cất của dân Chàm. Thành Vijaya [Đồ Bàn hay Chà Bàn] ở Bình Định chỉ trở thành kinh đô Champa từ thế kỷ thứ X.

Dù chẳng biết trụ đồng ở đâu–vì ngay cả kinh đô Champa cũng chỉ suy đoán vu vơ–văn gia Hán đời sau vẫn sao đi chép lại sự tích trụ đồng. Khoảng đời Đường, trụ đồng trở thành ấn chứng hùng hồn của ranh giới phía nam đế quốc Hán. Vài quan lại thực dân “bắt chước Mã Viện.” Trong số này có Hà Lý Quang (năm 751) khi đi đánh Nam Chiếu (Vân Nam); và, Mã Tổng, “khoảng đời” Lý Thuần (Hiến Tông, 806-820), [không rõ cai trị bao lâu ở An Nam], dựng cột đồng “ở chỗ cũ.” Khoảng đầu thế kỷ thứ IX, Liễu Tông Nguyên nhắc đến trụ đồng trong bia mộ Trương Chu, đánh giá võ công Chu to lớn hơn cả Viện. (32)

Qua thế kỷ X, sau khi cổ Việt giành được độc lập, trụ đồng được lịch sử hóa. Tháng 9-10/980, trong chiến thư gửi Lê Hoàn của Triệu Quang Nghĩa (Tống Thái Tông, 977-997) Vương Vũ Xương chính thức nhắc đến cột đồng. Nó được viện dẫn như một cái cớ [pretext] về việc tranh giành đất đai và “khôi phục” lãnh thổ cũ đời Hán–hầu khai thác cái chết đột ngột của cha con Đinh Tiên Hoàng, xâm lăng “Đại Cồ Việt” theo kiểu “sét đánh không kịp bịt tai” theo đề nghị của Hầu Nhân Bảo và Lư Đa Tốn:

Ngày xưa về thời Thành Chu [nước ngươi] đã đem dâng chim trĩ trắng. Đến thời Viêm Hán dựng cột đồng. Đến đời Lý Đường từng là đất của TQ. Ngươi không nên nấp vào xó tối [úp mặt vào góc nhà] để ta khó chịu, khiến ta dùng đến kế chặt xác bằm xương, làm cỏ nước người, lúc ấy hối cũng không kịp.

Cho dù biển của ngươi có ngọc ta cũng ném xuống suối. Núi của ngươi có vàng ta cũng quẳng vào bụi. Không phải ta tham của báu của ngươi. Nếu theo thì tha tội, nghịch lại thì ta đánh [hướng hóa ngã kỳ xá, nghịch mạng ngã kỳ phạt]. (33)

 

Từ đó, trụ đồng biến thành vũ khí ngoại giao mỗi khi Trung Hoa muốn xâm lấn hay xách nhiễu. Năm 1272, sau khi lập nên nhà Nguyên, Qublai Khan [Hốt Tất Liệt] sai người sang hỏi về trụ đồng để xác định biên giới. Nhưng sau nhiều chuyến khảo sát thực địa, không thấy dấu vết nào–dù theo truyền thuyết, vì sợ lời đe dọa của Mã Viện, dân Việt không ngừng ném đá, đất vào chân trụ đồng để nó không bị đổ. Việc này xảy ra sau khi sứ đoàn Hốt Lăng Hải Nha và Trương Đình Trăn (Trương Lập Đạo) đã sang Đông Kinh cuối năm 1271, đòi Trần Thánh Tông (1258-1278) qua chầu, nhưng vua nêu lý do bị bệnh, từ chối, và cũng không chịu lạy sứ lúc nhận chiếu–vì theo tục lệ Việt Nam chỉ nhận chiếu ở điện chính, sau đó lui về nhà riêng. Qublai Khan đồng ý cho giữ tục lệ, nhưng vẫn đòi phải qua chầu. Vua Trần cả quyết không qua chầu, chấp nhận hai cuộc đại chiến năm 1278 và 1287-1288, và chuẩn bị trận chiến vệ quốc thứ ba vào thập niên 1290–nhưng cái chết của Qublai Khan khiến cả hai nước tránh được cảnh binh đao. Dã sử Trung Hoa cho rằng nhà Trần cuối cùng chấp nhận cống tượng người vàng để đổi hòa bình, nhưng chính sử Hoa và Việt đều im lặng. Thực tế vua Trần còn cho đục thuyền giết chết Ô Mã Nhi khi trao trả tù binh, vì Ô Mã Nhi đã tàn phá lăng tẩm ở Long Hưng (Hải Dương).(34) Tháng 8-9/1345, Thoát Hoan Thiếp Mộc Nhĩ (Nguyên Thuận Đế, 1333-1368) lại sai Vương Sĩ Hành sang khảo sát vị trí trụ đồng. Trần Dụ Tông (1341-1369) sai Phạm Sư Mạnh đi biện bạch, nhưng không rõ kết quả. (35)

Qua đời nhà Minh, năm 1396, thổ tri phủ Tư Minh (Quảng Tây) là Hoàng Quảng Thành tâu lên Chu Nguyên Chương (Thái Tổ, 1368-1398) rằng Đồng Đăng (phía bắc Lạng Sơn 14 cây số) là đất Đồng trụ. Khi Mông Cổ đánh Tống, An Nam–quốc hiệu này được chính thức ban cho Lý Anh Tông năm 1164 hay 1175–cung cấp quân lương tới trại Vĩnh Bình, cách đồng trụ 100 lí. Cuối đời Nguyên, Giao Chỉ đánh chiếm trại Vĩnh Bình [có lẽ là đầu nguồn sông Kỳ Cùng], vượt qua Đồng Trụ hơn 200 lí, lấn cướp năm [5] huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên và Thoát. Xin sức cho An Nam trả lại đất ấy. Nguyên Chương sai Trần Thành qua bàn thảo, không xong. Năm 1405 Chu Lệ (Thành Tổ, 1403-1424) khai thác việc Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần, sử dụng bọn thái giám đã cống cho Kim Lăng theo đòi hỏi năm 1370 để chuẩn bị cho một cuộc chinh phạt. Nhân cơ hội, Quảng Tây lại đòi trả sáu [6] động đã mất. Tháng 3/1405, “Cát địa sứ” Hoàng Hối Khanh hăng say cắt đất đổi hòa bình đến độ “trả lại” 59 thôn ở Cổ Lâu. Quí Ly phải đầu độc các tân thổ quan do nhà Minh bổ nhiệm. (36)

Sau đó, năm 1407, Chu Lệ lại sai Trương Phụ và Mộc Thạnh đánh chiếm cả Đại Việt dưới danh nghĩa phù Trần diệt Hồ, bắt gia đình Quí Ly mang về Kim Lăng. Thay vì đưa con cháu nhà Trần lên ngôi, Trương Phụ cho bọn Mạc Thúy (dòng giõi Mạc Đĩnh Chi) làm tờ biểu xin vào lại bản đồ đế quốc Minh. Năm 1416, Kim Lăng còn tập trung gần 10,000 quan lại bản xứ, phân phát bằng sắc do triều đình Minh bổ nhiệm, với lời khuyên dụ bọn tả Bố chính sứ Nguyễn Huân, Tham chính Lương Nhữ Hốt, Đỗ Duy Trung v.. v.. nên cố gắng trung thành, đánh dẹp các nhóm kháng Minh, để con cháu ngàn đời hưởng lộc, danh thơm sử xanh muôn đời. Nhưng đại đa số người Việt khó chấp nhận. Suốt 20 năm Minh xâm chiếm, khoảng 60 cuộc dấy binh nổi lên khắp nơi. Đế Ngỗi và Lê Lợi chỉ là hai nhân vật kiệt hiệt hơn cả. Sau khi Chu Lệ bị giết tại sông Du Mộc, cháu nội là Chiêm Cơ (Tuyên Tông, 1426-1435), đành gác mộng đặt Đại Việt vào bản đồ, chấp nhận bãi binh, thu tiền mãi lộ qua hình thức “cống lễ” tượng người vàng, cùng sản vật địa phương để đổi hòa bình. (37)

Suốt triều Lê Lợi (1428-1433), Chiêm Cơ chỉ cho tạm giữ quyền việc nước. Một trong những lý do là Lê Lợi lập Trần Cảo làm vua, rồi nhân danh Cảo xin hòa và cầu phong. Dù Cảo chỉ mạo danh họ Trần, nhưng đủ để gỡ sĩ diện là vẫn trung thành với nguyên tắc diệt Hồ, phù Trần, Chiêm Cơ cho Cảo [Cao] làm An Nam Quốc Vương. Ngày 23/3/1428, sai bọn Lý Kỳ tới Đông Kinh phong vương, nhưng hai tháng trước, Lê Lợi bắt Cảo [Cao] uống thuốc độc chết. Trong ba năm 1428-1430, Chiêm Cơ cương quyết đòi tìm con cháu nhà Trần. Lê Lợi dùng vàng bạc sính cống, đồng thời ràng buộc việc sắc phong với vấn đề trao trả tù binh. Có lẽ vì khó áp lực quá đáng, sau khi Lê Lợi hoàn trả hơn 86,000 dân quân, mỗi năm biếu xén khoảng 50,000 lạng vàng/bạc, cùng quà tặng cho cả mẹ, vợ, hay Hoàng tử của Chiêm Cơ, ngày 5/12/1431 Chiêm Cơ phong Lê Lợi làm “Quyền thự An Nam Quốc Sự.” Ngày 19/3/1437, Chu Kỳ Trấn (Anh Tông, 1435-49, 1457-63) mới cho “Lê Lân” [Lê Thái Tông] chức quốc Vương, bình thường hóa quan hệ, dựa theo điều lệ năm 1370 của Nguyên Chương. (38)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
(Xem: 12294)
(Xem: 13836)
(Xem: 15107)
(Xem: 14678)
(Xem: 14671)
(Xem: 15273)
(Xem: 14115)
(Xem: 13867)
(Xem: 13901)
(Xem: 14791)