- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Một Câu Chuyện Ngắn Trong Truyện Dài

05 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 79297)

Họ ngừng trò chuyện nơi đây vì xe đậu lại ngay trước khu chung cư năm tầng lầu. Đến nhà ông bà Mi-Sơ-Vanh rồi. Cả bọn lục tục ra khỏi xe. Lại nghe vang to rầm rầm tiếng cửa xe đóng mạnh. Ai đó đã giải thích cho Mai phải dùng sức mạnh cho cửa vào khớp nếu không đang chạy cửa bung ra thì nguy to, nhất là xe đã cũ rồi. Bọn sinh viên lại là chúa xài xe không mới nên Mai đã từng nhiều phen lãnh đủ tiếng động điếc óc này. Tuy nhiên, tế bào tai rách te tua tự may vá, hàn gắn lại sau một thời gian bị thương tích. Nếu đi nghe nhạc trẻ đứng gần mấy chiếc loa khổng lồ phát đề-xi-ben cực đại (đơn vị sức mạnh âm thanh) cả buổi một cách dại dột thì tai sẽ bị điếc luôn vô phương cứu chữa ! 

Ông Vanh chờ cả đám ra khỏi xe rồi chạy vòng ra sau đậu vào chỗ dành riêng cho ông. Ông trở lại với 4 người đang đứng chờ trước cửa vào. Bà Vanh mở bóp đầm lấy chìa khóa ra cho vào ổ vặn hai tua. Họ đã ở bên trong tầng trệt sạch sẽ, không mùi vị, có một dãy thùng thư sắp lớp đều đặn thành hàng dọc ngang với tên gia chủ. Hai chậu cây xanh mướt cao hơn đầu người đứng chầu bên khung cửa ra vào. Một chiếc bảng con đính trên tường đối diện với các thùng thư xếp sát vách tường bên đó có ghim một tờ giấy thông tin cùng vài hàng chữ viết tay nét lớn bằng loại bút phớt (feutre) mực đen. Ánh sáng vàng nhạt phát ra từ trên trần nhà có cẩn từng chùm khuôn chữ nhật giữ lấy mấy bóng đèn con con soi lối vào dù là ban ngày. Khung cảnh trang nhã như nhiều cao ốc khác trong thành phố này tuy khoảng không gian quả nhiên là bé tí chỉ dùng làm chỗ tiếp đón tạm thời.

Bà Vanh mở thùng thư lấy hết giấy tờ trong đó ra rồi nhóm 5 đến bên lồng thang máy. Ông Vanh bấm nút có mũi tên chỉ xuống bên cạnh nút chỉ lên. Nó liền bật sáng ngay. Có tiếng rột rẹt của thang đang va chạm khuôn lắp để đi xuống thật rõ trong không gian yên tịnh khi mọi người đều im lặng. Thang bị gọi lên cao rồi nằm yên đấy, nếu không nó có thể thường hay nằm ở tầng trệt và đèn hiệu bật lên ngay cho khách vào trong. Bà Vanh nhìn đống giấy tờ cầm trên tay. Nó vừa có thư riêng vừa chứa những tờ giấy quảng cáo sặc sỡ màu mè đa số của các siêu thị. Mai đã quen mắt với loại "truyền đơn" này. Phòng xi-tê cũng nhận đều đều nhưng tương đối ít hơn so với các chung cư nhiều người tiêu thụ. Hình ảnh thức ăn xuất hiện nhiều nhất : những tảng giăm-bông đỏ hồng trông rất ngon lành với nhiều nhãn hiệu khác nhau, càng đắt tiền thì càng ngon khi là hãng sản xuất trứ danh như nhà Aorste ; những món đã làm sẵn rồi đem đông lạnh, những loại da-ua lên men từ sữa để chua không đường hoặc pha vào nhiều mảnh vụn trái cây ngon lành như quả dâu tây, táo, đào béo thơm đắt đỏ của hãng Đa-Non (Danone). Từ khi qua Tây đến giờ, điều này đã trở thành một thói quen cá nhân đặc biệt : Mai thích nhận được thêm ngoài thư từ những tờ giấy quảng cáo thức ăn, quần áo, tạp hóa - đơn lẻ - hay cả chùm đóng lại thành tập khá dày do siêu thị giàu in ra. Như người lớn, trẻ con uống thứ nước Coca Cola mãi thì đâm ghiền. Đây là một trong những thành quả "văn minh" gây điều kiện cần thiết cho sự tiêu thụ dây chuyền. Không quảng cáo đồng nghĩa với sự xập tiệm.

Thấy Mai quan sát đống giấy tờ trong tay mình, bà Vanh vừa lật lật sơ coi vài tấm, vừa nói với Mai :

- Tôi thích coi quảng cáo để biết chợ nào bán giá hời. Thiếu nó thì buồn lắm ! Hơn nữa, nó in đủ màu coi vui mắt làm sao.

Rồi bà giải thích tiếp theo như nới rộng hơn chủ đề :

- Nhưng có mấy vị khó tính trong chung cư cấm phắc-tưa và người ngoài bỏ giấy quảng cáo vào thùng thư họ, các cháu liếc sơ về phía mấy thùng thư sẽ thấy họ dán bố cáo ngay trên đó ! Chẳng hạn ở dãy thấp nhất, bên tay mặt tôi nè ...

Tất cả nhìn hướng về phía tay chỉ của bà Vanh. Tuy đứng hơi xa nhưng họ đều thấy quả nhiên trên nắp thùng thư có dán một băng chữ chất dẻo đủ ghi hàng chữ in không đọc được. Ông Vanh ghi nhận đến đây liền cất tiếng ồm ồm hơi khó nghe của người lớn tuổi lại nói nhanh như phát âm nuốt chữ không rõ ràng, Mai phải lóng tai tập trung nhiều mới hiểu lỏm bỏm đại khái :

- Hàng chữ ghi "Không nhận giấy quảng cáo, cám ơn".

Liên đưa ra một nhận xét :

- Thì ra không bắt buộc phải chịu đựng một điều kiện như chung cho tất cả mọi người. Chỉ cần ghi rõ là được tôn trọng !

Ông Vanh cười :

- Ậy ! Có lúc ông bà này cũng bị giấy quảng cáo chui đại vào, họ tức lắm phàn nàn với tôi cho hã giận.

Sau câu nói này thì thang máy từ tốn xuống đến tầng trệt. Cửa mở, nhả ra đôi ông bà già cỡ tuổi hai vị tên Vanh và con chó trắng nhỏ xíu trên tay người vợ. Họ nhận ra ông bà Vanh và đôi bên chào nhau tíu tít với mấy câu thăm hỏi xã giao sức khỏe rồi thang máy lên cao đem họ rời xa mặt đất bằng. Ông Vanh lại nói :

- Lạ thật, đó là hai ông bà tôi vừa nhắc tới ! Họ chúa ghét giấy quảng cáo chợ búa. Con cái đã lớn ra riêng, họ nuôi chó và cưng nó lắm.

Liên hỏi :

- Còn ông bà có nuôi chó không ?

Bà Vanh trả lời :

- Không. Chúng tôi thích cá cảnh hơn nên có bồn nuôi. Thường khi ở trong loại chung cư thế này mà nuôi chó mắc công lên xuống dẫn chúng đi dạo để làm vệ sinh.

Thang máy ngừng ở tầng bốn. Họ ra hết và chờ cửa mở. Căn phòng khách rộng lớn và sáng sủa vô cùng nhờ quay về hướng Đông sau khi họ đi qua một hành lang nhỏ đưa đến đây từ lối vào có trụ móc áo, nón gắn thêm gương soi kề bên trên tường và chiếc tủ cây thấp dính với băng ghế để ngồi gọi điện thoại. Giấy dán tường còn mới màu vàng nhạt điểm hoa hồng lá xanh, trần nhà cao ráo quét sơn trắng, đồ đạc thông thường. Ông Vanh mời bọn trẻ đến ngồi quanh bàn ăn ngay tức khắc. Thấy thái độ rụt rè, ngại ngùng của 3 thư sinh ; ông nhíu mày dặn dò thêm :

- Đừng sợ nhé các em ! Cứ tự nhiên xem nào, coi như là nhà của các em mà ...

Bọn trẻ cười ngỏn ngoẻn, tự động chọn chỗ ngồi tuy hơi thiếu phần tự nhiên dù chủ nhà đã cho phép. Thế là họ ngồi cùng phía bên ghế dựa lưng vào tường, hai vị gia trưởng được nhường chỗ bên ngoài dễ di chuyển, dọn dẹp, tới lui. Có 6 chiếc ghế lớn, bọc nhung nhiều màu, có phần hơi cũ kỹ như chiếc bàn gỗ giống loại gụ (ébène) lên nước đen bóng trông rất vững chãi. Ông Vanh mở búp-phê cũng màu đen kế bên bàn ăn lấy ly tách chén bát dao nĩa, khăn giấy chuyển cho bọn thanh niên bày ra cho 5 người quanh bàn tiệc dư một ghế. Bên trên búp-phê là một bồn kiếng thủy tinh trong veo khá lớn (chiếm hơn nửa chiều dài tủ bát đĩa) nuôi cá cảnh như bà Vanh đã bảo. Cá khá đông dân, nhỏ có, lớn có, đủ màu sắc vui mắt bơi lội qua lại nhởn nhơ trong mấy nhánh rong xanh lửng lơ trên đầu chùm san hô nằm lót đáy bồn. Bà Vanh biến mất từ lúc nào không ai hay. Mùi thức ăn thơm lựng bỗng từ từ len vào phòng khách. Mai đoán biết đây là hương vị của món thịt heo quay lừng danh xứ Việt tuy nhà bếp ở khuất đâu đó không hề thông thương với phòng khách dùng làm phòng ăn khi có đông người được mời. Đang lúc đói bụng, mùi hương này có tác dụng đôi khủng khiếp là làm bao tử Mai thầm thì đòi ăn cho phần xác và phần hồn lại ngược dòng thời gian trở về chốn cũ. Ngày đó, trước khi Mai lên đường đi du học, cha mẹ đưa đến Chợ Lớn - khu người Trung Hoa ở đông đúc nhất trong nước Việt - một lần duy nhất trong đời ăn thịt quay phá lấu. Loại (xôi) nếp này nấu chín nhừ trộn thêm chút dầu mỡ óng ánh để tự nhiên nhạt nhẽo ăn kèm với miếng thịt heo quay da đỏ dòn rụm ướp ngũ vị hương chấm nước sốt đặc biệt màu nâu đen. Huyền thoại kể rằng xưa kia, tổ tiên con người nuôi heo nhưng không biết làm thịt quay cho đến ngày ấy : cháy nhà ! Heo nuôi không được cấp cứu kịp thời bị chôn vùi trong đống lửa than đỏ rực. Tàn cuộc, người chủ mất toi căn nhà nhưng khám phá ra thịt heo nướng than lửa thơm ngon kinh khủng ! Từ đó, thế là thịt heo quay ra đời. So với thời thượng, thời hạ hơn xa vì biết thêm vào ngũ vị hương, mật ong, hành tỏi, gia vị nói chung rất văn minh khiến mùi thịt heo quay thơm ngon gấp bội. Đặc biệt dường như chỉ có loài heo cho thịt thơm ngon nhất hạng tuy cũng có gà vịt quay theo nhưng kém hẳn tính chất.

Ông Vanh vừa rót rượu khai vị vào những chiếc ly nhỏ xíu nửa xanh nửa trắng rất dễ thương vừa giải thích :

- Nhà tôi gặp dịp siêu thị bán thịt heo con nên mua về cả lô ướp ngũ vị hương để dành trong tủ lạnh và ngăn đông lạnh cất thêm nữa. Bà ấy rất mê ăn thịt heo quay ! Nếu siêu thị không bán thì bà chờ đến khi mở chợ Phiên ở công trường Tăng Gô có quán ăn chuyên bán heo con quay mua về ăn tại nhà rẻ hơn và tránh được nạn khói thuốc lá làm nhức đầu. Hôm nay, nhờ đã làm sẵn thịt quay nên bà chỉ cần đốt lò nóng hâm lại thôi.

Mai thốt lên, có vẻ hài lòng vì gặp đồng minh :

- Bà Vanh sợ khói thuốc lá giống Mai ! Chắc ông cũng không bao giờ cầm điếu thuốc ?

- Cầm chứ !

Ông Vanh phá lên cười trêu chọc Mai, rồi ông nghiêm mặt lại ngay :

- Tôi hút thuốc lá hơn 20 năm cho đến khi được khám phá ra bắt đầu bị ung thư phổi thì xì-tốp !

- Ủa ! Bà Vanh làm sao ...

Đến phiên Liên ngạc nhiên đặt câu hỏi lửng lơ được ông chủ tiếp lời

- ... sống chung với tôi bởi bà không hút thuốc lá chứ gì ?

Ông đưa chiếc ly con lên mời mọi người uống mừng rượu khai vị, chai Martini chưa được đậy nút lại tỏa mùi thơm phức hương dâu dìu dịu bay ra khắp căn phòng nhỏ. Bà Vanh từ phía nhà bếp đi ra. Ông bèn trao ly dành riêng cho bà uống nhấm nháp tí chút. Họ chuyển quanh bàn chiếc khay bạc bốn ngăn đựng vài loại bánh khai vị và đậu phọng rang. Có thêm một dĩa nhỏ có xúc xích tí hon ghim sẵn tăm tre tiện lợi dùng bốc ăn thẳng không dơ tay. Ông Vanh bắt lại câu chuyện :

- Tôi ngừng hút đã hơn 10 năm rồi nhưng vẫn phải đi khám bệnh thường xuyên sợ ung thư lan tràn. Bà vợ tôi không sao cả vì mỗi lần hút thuốc là tôi ra ngoài đường. Tôi cưng bà ấy ghê lắm, hơn nữa bà dọa ly dị nếu tôi hút trong nhà !

Mấy kẻ trẻ tuổi nhìn nhau không nói. Hầu như trong đám thư sinh khi tụ họp lại không ai hút thuốc lá, nhưng biết đâu được trong hoàn cảnh riêng ? Bà Vanh ngồi cạnh ông chồng, thò tay lấy ghim xúc xích miệng nói :

- Tôi chống đối mãi và cứ bắt ông đi khám phổi hoài nên kịp thời ngừng hút. Bác sĩ bảo nếu đợi thêm vài tháng nữa thì có trời cứu ! Họ cắt bớt gần nửa lá phổi bên nào đó tôi không rõ ; nghe nói là lá nhỏ hơn lá kia và chỉ có hai ngăn ?

Liên mạnh dạn xác định :

- Lá bên trái bà ạ, lá phải có 3 ngăn. Cháu học Y năm nay nên biết.

- A ! Giỏi quá ! Bác sĩ !

Ông Vanh khen ngợi và tâng bốc Liên bằng danh từ Đốc-tưa làm cô bé cười trừ vì biết mình chưa tới đâu. Thì ra ông Vanh trông vậy mà chỉ còn nửa lá phổi ? Bảo khôn khéo đánh trống lãng :

- Ông bà nuôi cá lâu chưa ? Thấy chúng nó lội trông thoải mái gớm !

Ông Vanh nhìn hồ cá :

- Được hơn 10 năm nay, cùng lúc với khi tôi ngừng hút thuốc lá. Nhà tôi mua cá về nuôi ăn mừng tôi thoát chết đấy !

Bà Vanh cười cười :

- Tại tôi xem chiêm tinh gia trong báo chí bảo số ông này nên có cá trong nhà hợp tuổi Ngư Nữ của ổng.

Mọi người cùng cười vì biết bà Vanh nói đùa. Ông Vanh khoát tay :

- Cá chết lai rai hoài mà tôi vẫn sống nhăn ! Tốn tiền mua cá cũng bộn đâu thua gì để mua ... thuốc lá lúc xưa !

Mọi người lại cười vui lần nữa. Bà Vanh trở vào bếp rồi đem ra giỏ bánh mì đồng quê màu sậm nâu cắt khoanh sẵn sàng để giữa bàn. Bà lại vào ra lần nữa, tay cầm một thố cơm trắng bốc hơi nghi ngút và nói :

- Ông nhà tôi hay dùng bánh mì, tôi thì ưa cơm nên luôn luôn có 2 thứ này mời khách.

Bà lại biến mất sau đó và tái xuất hiện với một thứ nồi sành nho nhỏ sắp đầy thịt heo quay ngăn nắp bốc mùi thơm cực kỳ bưng trên tay có mang găng bếp dầy che chở. Mọi người cùng "ồ" lên thán phục ! Bà Vanh đặt nồi sành lên tấm lót làm bằng thân tre vàng có in một chữ Hán màu đen không hiểu là nghĩa gì. Ông Vanh liền lấy đĩa của Liên xẹt-via cho vì Liên ngồi đối diện với ông rồi tới Bảo chính giữa và Mai chót hết. Bà Vanh tiếp tục vào ra vài lần nữa rồi an vị cùng ăn với mọi người, khi đó họ có đủ rau thơm, nước mắm pha, kể cả cơm nếp không giống phá lấu vì quá trắng tinh thiếu dầu mỡ pha trộn thêm và một vung sành khác đựng đầy thập cẩm cải bẹ xanh, măng tây, cà-rốt. Những cuốn chả giò nhỏ xíu bằng ngón tay vàng lườm còn nóng hổi hơi tươm dầu nằm gọn trong hai cái thố sứ trắng cạn lòng in hình cành tre với chùm lá thon dài xanh tươi trang nhã. Ông Vanh lại nói :

- Bà nhà tôi làm bếp số một nên tôi khỏi vào phá rối. Bù lại tất cả chuyện cực nhọc như lái xe, lau chùi nó, chăm sóc điện, nước v.v... toàn do tôi lo.

Bà Vanh trìu mến ngó ông, gắp cho thêm mấy cuốn chả giò con, mắt nhấp nháy :

- Tôi thích làm bếp vì có đầy đủ thì giờ, con cháu không có nên thay bằng ... lũ cá vàng.

Rồi bà ngó bọn trẻ và cất cao giọng hỏi :

- Các em có biết cá thông minh vô cùng không ?

- Dạ không ! Sao thế bà ?

Liên trả lời cho cả đám. Bà Vanh đưa ly nước táo lên uống một ngụm rồi nói tiếp với giọng hào hứng :

- Nuôi cá mới biết cá ! Chúng nó có tính tình riêng như người !

- A ! Lạ nhỉ ! Hay quá, bà kể nghe nhé ...

Bảo có vẻ bị thu hút bởi câu chuyện và vừa lên tiếng. Mai thầm nghĩ bụng "lần này không có cá 2 chân cho Bảo ngắm". Bà Vanh liền thao thao bất tuyệt trong khi mọi người - kẻ quấn chả giò trong lá xà-lách chấm nước mắm nhai dòn tan, kẻ lấy thịt heo quay ăn với cơm nếp - vừa nghe vừa nhai nhóp nhép:

- Lúc đầu chưa quen nên chúng tôi mua có 2 con cá vàng về nuôi trong 1 cái chậu thủy tinh tròn như quả banh pha-lê nhỏ xíu của mấy bà phù thủy xem bói ấy !

Trong đầu mọi người liền hiện ra một hình ảnh thông thường hay thấy : 2 con cá Tàu màu vàng pha cam điểm vài đốm đen nổi bật đuôi ngoe nguẩy lội qua lội lại nhởn nhơ trong quả cầu thủy tinh quanh vài cọng rong xanh làm cảnh. Bà Vanh tiếp tục câu chuyện dài dòng sau khi nhai hết và nuốt thật nhanh một cuốn chả giò quá nhỏ gọn :

- Rồi 2 đứa nó uýnh nhau u đầu sứt trán, vi vẩy te tua. Chúng tôi đến gặp chủ tiệm cá hỏi thăm thì ông ta bảo rằng đó là 2 con cá ... mái ! Nếu là một cặp trống-mái thì không sao cả. Tụi tôi liền nghe lời khuyên, đổi lấy con trống đem về...

Bà ngừng lại, đưa ly lên uống. Ông Vanh liền đỡ lời cho vợ đang gắp thêm chả giò, hình như bà Vanh thích nó hơn thịt quay :

- ... nuôi tiếp tục vì chăm sóc chúng bắt đầu quen và thấy vui vui ! Mỗi khi tới giờ ăn cá như mừng ra mặt, lượn mấy vòng rồi nổi lên há miệng ra ! Con cá bị đổi là con dữ, nó tranh dành từng mảnh vụn với con kia rồi cắn, táp, cạp ... đuổi chạy ra xa. Con cá hiền cố chống lại mà vẫn bị ăn hiếp. Thấy tội quá nên tụi tôi can thiệp.

Liên thốt lên :

- Ô ! Cá hiền và cá dữ y như người. Thế rồi con cá trống mới ra sao ông nhỉ ? Làm sao phân biệt giống cá ?

Bà Vanh lại kể tiếp :

- Cá mái nhỏ và nhát, cá trống to con, dạn dĩ. Nhưng tụi nó vẫn lục đục với nhau. Chúng tôi bèn nghiên cứu sách vở thì họ giúp ý kiến rằng nên nuôi nhiều thứ cá mà lại có hòa bình ! Thế là chúng tôi bèn mua cái bồn hiện giờ và thả bốn năm loại cá cảnh khác nhau dễ nuôi.

Mai hồ hởi hỏi ngay :

- Vậy là xong chuyện hả bà ?

- Trơn tuốt ! Thật lạ lùng, bọn cá sống chung nhau lặng lẽ như không có gì chia rẻ chúng nó ra thành riêng tư. Chúng tôi rất ngạc nhiên nên quan sát cả ngày cả buổi ...

Bảo thích thú :

- Ông bà tìm ra chuyện gì ?

- Cá có thỏa ước khoanh "vùng nước" như con người chia đất đai dù bị nhốt !

Mọi người cùng cười vui. Ông Vanh chỉ tay về phía bồn cá. Những đôi mắt lóng lánh niềm hạnh phúc nhỏ nhặt nhìn theo đàn cá tung tăng bơi lội trong "vùng nước" có biên giới vô hình mà chủ chúng vừa tiết lộ. Liên nói lên cảm tưởng riêng :

- Thật không ngờ, một cái bồn cá tầm thường vậy mà cũng lắm chuyện !

- Ôi trời ! Không nuôi thú trong nhà thì thôi chứ, còn đa mang lãnh nợ phải chịu trách nhiệm cô ạ. Dù sao đi nữa chúng tôi thành ra thương cá vô cùng và cá hình như cũng ...thương trả lại chúng tôi !

- Làm sao bà biết được ?

Mai nghi ngờ đặt câu hỏi do chủ nhà gợi ra.

- Lâu ngày mới biết. Ngoài chuyện tụ họp ăn thứ bột đạm chất dành riêng cho cá, mỗi khi thấy dáng chúng tôi đến gần thì cá lượn ra khỏi chỗ núp để chào mừng !

Thấy bọn trẻ như chưa bị thuyết phục ngay, ông Vanh bảo vợ :

- Tí nữa bà làm thử cho các em coi nghe. Khi nào uống trà hay cà phê xong xả cái đã.

- Đắc-co.

Bà Vanh gật đầu. Họ lại ăn uống trong vài giây yên tĩnh không ai nói gì nhưng câu chuyện cá biết ra khỏi "nhà" chào chủ nuôi thì quả thật hơi khó tin. Trước mặt năm người, hình ảnh phụ thuộc lung linh nơi một góc nhỏ trong mắt nhìn là cá bơi lội có vẻ hoàn toàn vô tư - đúng nghĩa làm cảnh - nhưng ai biết, ai hiểu được ... tâm tư cá như quý chủ nhân của chúng ? Có hay không có, thế giới tâm tình của loài cá ; và nó rắc rối hay đơn giản ? Nhiều câu hỏi tình cờ giống nhau thi nhau lướt nhanh qua trong đầu bọn sinh viên trẻ rồi lụi tàn như hoa đốm hư không. Còn nhiều chuyện quan trọng, thiết thực phải lo hơn là chuyện đàn cá thu hút hết thời gian nhàn tản của người về hưu cho ba kẻ trẻ tuổi.

Lúc họ uống trà, ăn bánh ngọt tráng miệng, ông Vanh rời chỗ ngồi đến mở cửa chiếc tủ lớn chưng bày sách vở lấy ra một cuốn an-bom lớn bìa nâu rồi trở về an tọa. Bà Vanh liếc xuống bàn nhìn nó :

- A phải rồi. Ông cho bọn trẻ coi hình ngày xưa ông đi lính bên Việt Nam hén ...

Mai, Liên, Bảo liền đứng lên tựu tập quanh ông Vanh để nhìn thấy rõ chi tiết hình ảnh. Ông Vanh từ tốn đợi vài giây. Trên bìa an-bom có ghi chữ in nắn nót viết tay cái tựa như sau "Souvenirs de 1954 au Viet-Nam" (Kỷ niệm năm 1954 tại Việt Nam) màu trắng tô đậm bóng xanh dương. Ông lật qua trang kế tiếp. Một tờ giấy bóng mờ long trọng phủ che trang trong. Ông Vanh mở nó qua để lộ một khung tròn màu đen khá rộng ở ngay chính giữa trang giấy trắng cứng. Trong khung có hình chụp một người lính Pháp còn khá trẻ trung với quân phục bộ binh. Bọn sinh viên nhìn kỹ. Bảo nói trước tiên :

- Đây là ông Vanh năm 1954 !

- Đúng rồi.

Ông Vanh tỏ ý, Mai liền hòa theo :

- Ông hiện giờ trông còn rất giống người lính trẻ này dù đã hơn 20 năm rồi !

Liên chắc chắc lưỡi thán phục :

- Không thay đổi mấy !

Bà Vanh bỗng bị xúc động, đưa tay vuốt tóc chồng thật âu yếm. Ông Vanh tỉnh bơ nói :

- Lúc đó tôi đã hơi già rồi đấy chứ ! Quãng 40 tuổi hơn...

- Tại sao ông đi lính trễ quá vậy ?

Mai tò mò hỏi ngay. Ông Vanh nhíu cao đôi chân mày, mắt mở to như nhớ lại ngày xưa :

- Ồ không phải thế đâu ! Tôi thích đời lính chiến giang hồ nay đây mai đó nên vào lính sớm lắm chứ. Khi qua Việt Nam tôi đã có tuổi nghề 20 năm rồi. Cấp bậc hạ sĩ quan, Trung Sĩ, vì tôi ít học. Lên lon do thâm niên mà ra.

- Quao ! Chu choa ! Không ngờ ông lại vào lính sớm quá ...

Bảo thán phục

- Tôi lại e sợ chiến trường lắm nên rán học gạo thi đậu Tú tài cho bằng được. Bố mẹ tôi cũng biết nên lo cho tôi ra nước ngoài khỏi đi lính.

Ông Vanh hỏi lại :

- Bên Việt Nam là vậy sao ? Có bằng cấp Tú tài thì khỏi nhập ngũ ?

- Gọi là tạm thời cho phép học lên Đại học, nhưng nếu thi rớt thì cũng bị đi lính như thường. Đang thời chiến tranh gay gắt khủng khiếp nên quân đội rất cần nhân sự ...

Bảo trả lời ông Vanh, gương mặt bỗng hơi tối tăm nhuốm màu tang tóc rất khác xa Bảo thường ngày mà Mai cứ tưởng chỉ biết ngắm nhìn mèo mỹ nhân hai chân :

- ... bạn học tôi đi lính tử trận mấy người. Buồn lắm ông ơi !

...

Vài giây im lặng theo sau gieo vào không khí yên tĩnh nỗi u uất bất ngờ.

Ông Vanh lại cất tiếng trầm trầm :

- Rất tiếc làm em buồn vì chuyện cũ. Tôi đã già nhiều nên dù có nhắc lại chuyện đồng đội tử trận chung quanh tôi trong hố hầm Điện Biên Phủ tôi cũng không còn nước mắt để khóc nữa. Tuyến lệ cạn khô rồi !

- A ! Điện Biên Phủ ngoài Bắc !

Đến phiên Liên thốt lên.

- Một chiến trường nổi tiếng quốc tế rồi đấy ông ạ ! Ai cũng biết cái lòng chảo trứ danh này đã vùi chôn thanh thế nước Pháp !

- Đành rồi. Chúng tôi thua cuộc nhục nhã, tôi là cựu tù binh sống sót trong đám quy hàng. Nếu không chẳng còn ông Vanh nào ngồi đây tiếp đãi các em !

Họ gượng cười trước câu nói khôi hài đen của vị cựu chiến binh tù nhân nước Việt. Không khí nghiêng xuống một mặt phẳng là là như bản nhạc vào cung rê thứ buồn ảm đạm. Dĩ vãng liền chiếm ngay không gian và thời gian trong vòng vài giây vĩnh cửu trong đầu óc ông Vanh với hình ảnh cuộc chiến ghê rợn kinh hoàng còn ghi mãi chưa nhạt phai hết hiện giờ với riêng ông. Mỗi năm đều mỗi có lễ kỷ niệm vào tháng Ba nhắc lại bài học lịch sử này cho riêng nước Pháp và cho thế giới không quên. Anh hùng, bại tướng, huy chương, gương sáng, thiết bị thả dù, thức ăn, chết chóc, kỷ niệm tối tăm, sống sót, hận thù, tình bạn cao quý, đất người đã bị chinh phục nhưng là đất linh thiêng bất trị v.v... ; những tình cảm đủ loại đại khái như trên lần lượt xuyên qua tâm tư ông Vanh. Trong khi đó, những người trẻ ngồi quanh ông ngần ngừ vô cùng lúc nghĩ đến người Mỹ đã bất cần bài học Pháp để tiếp tục từ từ thay thế họ trong cuộc chiến đô hộ đã gần như hoàn toàn lỗi thời. Phải chi nước Việt không bị chia đôi thì nó đã là con rồng nhỏ Châu Á sẽ còn lớn lên nữa giữa bầy rồng khổng lồ Hoa, Ấn, Nhật, Hàn...? Nếu trò chuyện nữa thì sao ?

Bà Vanh liền cứu vớt tình hình xám ngắt chiều mưa bằng cách chuyển qua đàn cá cảnh :

- Mấy em ngồi đây quan sát cá ra chào tôi nhé ! Như vậy cá không sợ đông người trốn tiệt. Hôm nọ tụi tôi tưởng bở, nào dè lúc có nhiều bà bạn bu quanh để xem thì cá đâm ra hãi hùng chui vào hang chẳng còn một mống !

Vô tình, bà Vanh làm Mai bật cười ngây thơ trước hình ảnh trớ trêu do mấy câu nói tả tình tả cảnh vừa được nghe qua tai. Liên và Bảo cũng mỉm cười theo. Không khí bỗng bị lật ngược lại một góc tù 180 độ. Người ta đến là mau quên thật ! Những đôi mắt tò mò sáng lên tia nhìn vui tươi, háo hức, kể cả ông Vanh đã từng chứng kiến màn biểu diễn của cá mà vẫn còn thích xem lại. Có lẽ vì khách mời khác, vì dĩ vãng đượm màu tang tóc cần được thay thế ngay để an ủi ông.

Bà Vanh liền đứng lên, rời ghế ngồi và bàn tiệc. Bà chậm rãi đi đến bồn cá, dáng vẻ vừa tự nhiên vừa như đóng kịch trước mắt cử tọa đang nín thở theo dõi tình huống sẽ diễn ra như thế nào. Ánh sáng đầy phòng, bồn cá nằm trong chỗ không hề làm chói mắt ; cá vẫn nhởn nhơ bơi lội quẩn quanh. Bà Vanh đến gần hơn, rồi gần hơn nữa. Cuối cùng, bà đứng sát thành kiếng và để hai bàn tay tựa lên mép bồn. Rồi bà nói nho nhỏ nhưng tất cả mọi người đều nghe và hiểu được :

- Chào các con thân yêu !

Thế rồi phép lạ diễn ra liền tức khắc. Cá như đã quen với vai trò dễ ợt trong màn trình diễn này liền đóng trót lọt. Từng con, từng con đến lượn vòng quanh bà. Chúng cá sắp hàng theo thứ tự - không chen đua, không loạn đả - mà làm thành một vòng tròn vô hình diễu hành qua chỗ bà Vanh đứng. Thật quá lạ lùng ! Cá lớn, cá bé ; con đen, con trắng, con vàng, con màu sắc cầu vồng, thi nhau uốn lượn thong thả hoài hoài trong cuộc chào mừng bà chủ thương yêu. Ba thư sinh lé mắt nhìn tưởng như đang ngủ nằm mơ chứng kiến một cảnh tượng chưa bao giờ thấy trong đời người : cá diễn hành chào chủ ! Bà Vanh bỗng dùng ngón trỏ của bàn tay mặt gõ "tóc tóc tóc" ba bốn cú nhè nhẹ lên thành kiếng. Đoạn bà quay mặt về phía khán giả ra hiệu cho họ theo dõi kỹ hơn. Thấy họ đã hiểu ý rồi, bà chỉ ngón tay trỏ xuống đáy bồn cá gõ nhẹ thêm vài lần. Linh cảm có chuyện lạ, những đôi mắt người long lanh sáng in ngược hình ảnh chung quanh dương lên để theo dõi. Trong đám rong xanh nằm là là sát đáy bồn cá hình như có một vệt đen sậm vừa ló ra. Dần dần, những tua vòi dài dài quăn queo quấn quít quanh ngón tay của bà Vanh xuất hiện rõ rệt. Rồi một thân con vật biển hay gặp trong phim ảnh, sách vở, báo chí trườn tới thật chậm, thật nhẹ quanh ngón tay bà Vanh như âu yếm nó qua lớp kiếng trong ngăn cách. Đôi mắt con vật quen thuộc này ánh lên màu huỳnh quang.

- A ! Con mực ma !

Mai thốt lên với mối tình cảm bị ngạc nhiên bất ngờ in đậm trong chữ "A" của câu nói nho nhỏ vì sợ làm kinh động cá. Bảo nói tiếp, xác nhận :

- Đúng rồi. Một loại mực biển rằn ri đen trắng nhỏ con. Làm sao nó sống trong nước hồ nuôi cá được, lạ quá !

Ông Vanh giải thích ngay :

- Không khó gì. Có thiết bị lọc nước và thay đổi thành phần cấu tạo của chất lỏng này cho giống hệt môi sinh nơi biển cả. Tức nhiên là lượng muối không thiếu cho con mực này mà cũng chẳng quá mặn làm chết cá nước ngọt.

Liên hỏi :

- Sao con mực nấp đâu hay quá, khi bà Vanh gọi nó mới ra ?

- Chỗ nó ở là bụi rong ấy. Mình mực dẹp lép nên khó thấy khi nó nằm yên tại chỗ.

Ông Vanh nói. Bọn trẻ đã hiểu cách kêu mực ra làm khách ngạc nhiên thật thú vị. Hình ảnh của bà Vanh và âm thanh do ngón tay bà gõ kiếng gây ra có hiệu lực điều khiển một đàn ... gia súc, à không, gia ngư ! Trong lúc ấy, cá vẫn quay tròn và con mực ma đen trắng rằn ri giống loại ngựa vằn trên cạn cũng còn dán mình trên thành kiếng theo ngón tay chủ nhân. Dường như có một thứ tình keo sơn gắn dính người và gia ngư nuôi nấng lâu năm với nhau. Sau cùng, bà Vanh từ từ rời xa bồn cá. Con mực đắn đo một lúc rồi thu mình lại, rút hết các vòi tua về và biến mất trong đám rong. Cá cũng dần dần lãng xao hàng ngũ, tản ra hết rồi lại nhởn nhơ bơi lội thảnh thơi như đã không hề có chuyện gì xảy ra. Bà Vanh về ghế ngồi trong những ánh mắt chiêm ngưỡng kính phục của bọn sinh viên trẻ. Nụ cười nhẹ hẫng của bà vào buổi trưa hôm đó vô tình đã in sâu vào bộ nhớ của họ. Có thêm đàn gia ngư với con mực ma rằn ri ngựa vằn ra chào khách rất bất ngờ. Pha lẫn trên nền màu sống động rong rêu xanh tươi nơi đáy biển hay sông hồ giả tạo là gương mặt ông Vanh đỏ hồng nước da Tây phương. Bọn trẻ thầm hứa với nhau nếu có dịp thuận tiện (như đến mùa nghỉ hè lớn kéo dài 3 tháng trời) sẽ kéo nhau đến đem quà tặng cho ông bà Mi-Sơ-Vanh và đàn gia ngư dễ thương. Tàn cuộc thăm viếng công trường Stanislas cùng với câu chuyện lạ bốn phương.

7.6.2004 (Trích từ truyện dài Nơi thành phố là quê hương, khởi viết từ năm 2003)

Nguyễn Thị Ngọc Diễm

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 88120)
Phụ Chú: 1. Thuật ngữ Việt Nam hoá [Vietnamization] được dùng để mô tả những diễn biến thu nhập và thực thi những biến đổi xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị do chế độ bảo hộ Pháp cưỡng bách áp đặt từ 1861 tới 1945, sau khi chế độ thực dân Pháp bị soi mòn dần từ năm 1940-1941 rồi cuối cùng bị xóa bỏ từ tháng 3/1945. Dù trong Anh ngữ, từ này còn một hàm ý khác — như chính sách Việt nam hóa cuộc chiến tranh Việt Nam của Liên bang Mỹ (1964-1973) — chúng tôi nghĩ thuật ngữ Việt Nam hoá chính xác hơn Việt hóa [Vietism hay Vietnamism].
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 87359)
III. ĐOẠN KẾT KHỦNG HOẢNG Trong tháng 8, Việt Nam trải qua một giai đoạn đầy biến động, trên bối cảnh chính trị quốc tế. Một mặt, phe Đồng Minh bắt đầu thực thi các kế hoạch hậu chiến đối với Việt Nam, từ giải giới quân Nhật tới chia chác vùng ảnh hưởng; mặt khác, ngay tại Đông Dương, người Nhật bị tê liệt không những chỉ vì lệnh đầu hàng đột ngột vô điều kiện mà còn vì viễn ảnh bị Đồng Minh trừng phạt. Với người Việt, các quan tướng Nhật bị phân chia theo yếu tố tâm lý và ý thức hệ.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 79767)
II. CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM (17/4 - 25/8/1945) Mặc dù chính phủ Trần Trọng Kim chỉ là một thứ “tai nạn lịch sử,” được khai sinh do nhu cầu quân sự của Nhật, chính phủ được Nhật bảo trợ này soi sáng mặt trái của đồng tiền cách mạng 1945 tại Việt Nam, mà cho tới năm 2010 còn bị che phủ bởi đủ loại tài liệu tuyên truyền.
04 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 84315)
(*).LTG: Bài này rút ra từ Phần II, “The End of An Era” [Đoạn Kết của Một Thời Đại], của Luận án Tiến sĩ [Ph.D.] sử học “Political and Social Change in Viet Nam between 1940 and 1946” đệ trình tại Đại học Wisconsin-Madison vào tháng 12/1984, dưới sự hướng dẫn của cố Giảng sư John R. W. Smail; và đã in trên Journal of Asian Studies [Tạp chí Nghiên Cứu Á Châu] vào tháng 2/1986, XLV: 2, pp. 293-328, với cùng tựa “The Other Side of the 1945 Vietnamese Revolution: The Empire of Viet-Nam (March-August 1945).” Phần tư thế kỷ sau, nhân dịp sinh nhật thứ 68, và kỷ niệm 65 năm cách mạng 1945, hiệu đính lại lần chót hầu phổ biến rộng rãi hơn trong giới người trẻ Việt muốn đi tìm sự thực lịch sử.
28 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 89564)
Con tàu đã trở nên ọp ẹp, mấy mươi năm còn gì. Người ta nói đây là chuyến tàu tốt nhất hiện nay. Hành khách bực dọc phàn nàn tốt gì mà tốt, như đống sắt vụn, làm như họ là kẻ trên trời rơi xuống không bằng.
23 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 92092)
Tình yêu, cũng như chiến tranh, là hai đề tài muôn thuở của con người. Văn chương ngoại quốc nói về chiến tranh, viết về những trận chiến gần, xa trong lịch sử, chúng ta vẫn thích đọc. Vậy thì tại sao, người Việt Nam viết về chiến tranh Việt Nam lại nhàm chán?
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 95675)
... Tôi đã từng ăn thịt chuột. Tôi ăn vụng của em tôi. Bố cấm tôi nói cho ai biết. Bố đã cho thằng em tôi ăn bao nhiêu con chuột tôi cũng không nhớ nổi. Chỉ có điều bố thích như vậy. Bố nướng con chuột lên, thế thôi. Thằng em tôi cười hềnh hệch, nước dãi chảy dài, cầm con chuột gặm như một bắp ngô nướng. Những tảng máu chưa đông rịn đỏ hai mép. Tôi thấy đầu mình ung ung. Những hình ảnh như những mảnh vỡ lộn xộn va đập vào nhau liên hồi ...
20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 93424)
Không ai biết cuộc sống của ai đang xáo trộn. Không ai biết ai đang nghĩ gì. Người chồng không bao giờ biết người vợ vừa gối đầu lên tay mình vừa dâm hoan với sếp của ả trong giấc mơ. Gã sếp đô con, bụng cuộn lên những bó cơ và làm tình thì miễn bàn. Người chồng không bao giờ biết âm hộ của ả nóng bừng như muốn nổ tung ra. Mà biết cũng chẳng thể chết ai vì ả là vợ của anh ta.
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 116082)
(Gởi anh Huy & chị Minh) Câu thơ còn trong trí nhớ Như mùa thu mỗi năm lại về Theo tuần hoàn trời đất Như đôi mắt em buồn giấu kín Chịu đựng An phận Cuộc đời mình mùa xuân đi qua Rất xa, rất xa...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 95255)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .