- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Richard Millet: ‘‘ Chúng Ta Đã Giết Chết Pháp Văn!”

08 Tháng Tư 200912:00 SA(Xem: 98964)

Tuần san Le Nouvel Observateur số 2113 

Trần Vũ dịch thuật 

Richard Millet: ‘‘Chúng ta đã giết chết Pháp văn!” 

Giới thiệu của người dịch: Richard Millet sinh năm 1953 tại thành phố Viam, tỉnh Corrèze. Kể từ 1983 với tập truyện “L’invention du corps de Saint Marc”, ông được công nhận như một trong những nhà văn đương đại tại Pháp. Sau 25 đầu sách đã xuất bản, gồm nhiều tiểu thuyết “Ma vie parmi les ombres”, “La Gloire des Pythre”, “L’Amour des trois soeurs Piale”, “Le Chant des adolescentes”, “Le Dernier écrivain”, nhiều truyện ngắn “Sept passions singulières”, “Un balcon à Beyrouth”, “L’Anglélus”, và ký “L’Amour mendiant”, kịch “L’Accent impur”, rồi tiểu luận “Accompagnement”, “Le Sentiment de la langue” (đoạt giải thưởng tiểu luận 1994 của Hàn lâm viện), v.v.. nhà văn còn được biết đến như một gương mặt sôi nổi của sinh hoạt văn học hay bàn về nhân quyền. Tháng 5-2005 Richard Millet cho xuất bản “Harcèlement littéraire”, một tập phỏng vấn, qua đó tác giả giải thích vì sao ông tuyệt vọng với văn học Pháp và không ngần ngại khiển trách giới phê bình, ngành xuất bản, cùng văn giới đồng nghiệp. Phỏng vấn dưới đây do tuần san cánh tả Le Nouvel Observateur thực hiện.

 

*

 

Le Nouvel Observateur: Mọi người biết quan điểm về văn học và ngôn ngữ của Richard Millet. Các quan điểm này dường như càng triệt để hơn nữa trong tập “Harcèlement littéraire” vừa xuất bản. Vì sao?

 

Richard Millet: Vì nỗi tuyệt vọng của tôi gia tăng. Chúng ta đang sống thời hậu nhân bản posthumanisme, hậu văn chương postlittéraire: Không phải trong văn hóa, mà trong con người văn hóa. Giận dữ của tôi là một hình thức để tang. Tôi sửng sốt trước sự vô văn hóa của các nhà văn trẻ bây giờ. Họ không đọc sách và thiếu kiến thức ngôn ngữ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn học mà những gì được viết ra trước đó không còn được quan tâm. Mà nếu làm nhà văn ở thời hiện tại, thì chúng ta, là những kẻ kế thừa 1000 năm văn học và ngôn ngữ. Tôi không tìm thấy ở Pháp một tương đương nào với Antonio Lobo Antunes của Bồ Đào Nha, một Antonio Munoz Molina hay một Javier Marias của Tây Ban Nha, hoặc Thomas Bernhard bên Áo.

 

N.O: Vậy hôm nay, ông chê trách văn học Pháp điều gì?

 

R.M: Đang trở thành một kỹ nghệ văn chương, nhất là tiểu thuyết. Tất cả những thể loại không phải tiểu thuyết đều bị sa thải, đặc biệt thi ca bị xua đuổi, vất bỏ. Thi ca tại Pháp, hầu như đã chết, đã trút hơi thở. Còn vài tiếng thơ lớn, Bonnefoy, Jaccottet. Nhưng ai sẽ tiếp nối họ? Tiểu thuyết đã biến thành một thể loại bá chủ, vừa là một công cụ thăng tiến danh vọng xã hội: Tất cả mọi người đều tin phải viết tiểu thuyết như người ta phải thực hiện các chức năng tiêu hóa của ruột già. Nước Pháp, xuất bản 600 cuốn tiểu thuyết sau mỗi mùa hè. Làm sao không phản ứng trước tình trạng lạm phát này đi kèm với việc đánh mất khả năng phê phán và khiếu thưởng ngoạn. Đã hết những nhà phê bình lớn, đa số tránh né câu hỏi "bút pháp." Lấy ví dụ Philip Roth: nhà văn lớn, hiển nhiên, nhưng là một nhà văn không có văn phong. Philip Roth dùng một loại văn đúng ngữ pháp, khá nhạt nhẽo, nhằm phục vụ một cấu trúc truyện cực kỳ thông minh.

 

N.O: Ông đã chỉ trích Editions de Minuit, và đặc biệt Echenoz.

 

R.M: Trong tất cả những gì mà tôi đã đọc của Editions de Minuit, tôi không cảm thấy những cá tánh mạnh, những tay "Stylistes". Còn Echenoz thì trưng bày một loại văn thiếu vóc dáng. Tôi không nói: Đã không có những nhà văn lớn do Minuit xuất bản. Trong quá khứ, phong trào Tiểu Thuyết Mới sản sinh những tên tuổi Butor, Pinget, Claude Simon đều từ Minuit.

 

N.O: Ông khiển trách các nhà văn hiện nay không biết vận dụng ngôn ngữ. Văn chương, như thế chỉ là một công việc sửa chữa cú pháp?

 

R.M: Làm sao không bị ma ám bởi ngôn ngữ? Vấn đề không phải là viết một cách hàn lâm, nhưng viết để chống lại chủ nghĩa hàn lâm. Và đạt đến điều mà Proust đã nói: Những tác phẩm lớn tạo ra ấn tượng được viết bằng một ngôn ngữ lạ. Văn chương hiện diện khi cách khoảng được với chuẩn mực, nhất là với ngôn ngữ đời thường. Điều làm tôi bực hôm nay, chính vì tôi không cảm thấy có đủ khoảng cách này lẫn tính vượt thời đại, những yếu tố định nghĩa một nhà văn.

 

N.O: Ông không nghĩ đang làm một kẻ phản động đi ngược lại trào lưu văn chương khi viện dẫn sự tinh túy của ngôn ngữ?

 

R.M: Sự tinh túy của ngôn ngữ, trước hết là một thao tác cú pháp. Văn chương là một sự phức tạp cú pháp cộng thêm một nhịp điệu cá nhân riêng. Tôi không phải là kẻ phản động. Chính những nhà văn tồi, khi tái sản xuất triền miên một loại hàng mẩu nhằm thỏa mãn công chúng, mới phản động. Chúng ta đang sống thời kỳ sao chép những bản sao của bản sao. Tiểu thuyết truyền thống đã chết. Các nhà văn hôm nay chưa biết sử dụng nguồn vốn ở các bậc thầy vận dụng ngôn ngữ như Proust, Joyce, Kafka, Faulkner…

 

N.O: Văn chương, theo ông, nên là một viện bảo quản ngôn ngữ?

 

R.M: Tôi đã luôn chống lại việc bảo vệ tiếng Pháp. Một ngôn ngữ không tự phòng thủ, nhưng cần vang danh. Một nhà văn, không có nhiệm vụ nào ngoài làm chậm cơn hấp hối của những văn bản đã cách điệu ngôn ngữ đến một mức tuyệt kỹ. Sự thâu hẹp, đơn giản hóa, dẫn đến bần cùng ngôn ngữ, rất nguy hiểm trên mặt chính trị. Các chế độ độc tài toàn trị đều canh phòng cẩn mật ngôn ngữ. Mỗi một ngôn ngữ đều đề xuất một ý niệm thế giới. Càng giản lược hóa ngôn ngữ, tầm nhìn nhân loại càng thu hẹp: thành những bầy trừu không biết nói…

 

N.O: Tiếng Pháp cổ điển, vậy là hết?

 

R.M: Đúng, bị trường lớp, radio, truyền hình, chủ nghĩa tư bản giết chết. Trong chương trình học, chẳng hạn: văn học không còn những giá trị tiêu chuẩn. Trẻ em, không đọc sách nữa, hay rất ít. Người ta nói với tôi là giới trẻ vẫn đọc "Harry Potter". Có thể, nhưng rồi chúng còn đọc cái gì khác? "Harry Potter" là một phó sản, không phải một tác phẩm. Tôi đã hy vọng nhiều vào các quốc gia dùng Pháp văn, nhưng ở các nước này, Pháp văn cũng đang tiêu vong. Bốn mươi năm nữa, Phi châu Pháp ngữ sẽ nói tiếng Anh. Các dấu hiệu chuyển biến đã xuất hiện. Tôi không thấy vì đâu dân Phi châu sẽ tiếp tục dùng Pháp văn. Và tôi cũng sẽ không ngạc nhiên, trong mười hay hai mươi năm nữa, khi chứng kiến các nhà văn Pháp chuyển sang Anh ngữ: Khi mà hiện nay lớp nhà văn viết best-sellers, như Grangé, bắt chước rập khuôn best-seller Hoa Kỳ. Những cuốn sách thuộc loại này không cần phải viết bằng tiếng Pháp. Sau cùng, tôi lo ngại hiện tượng thành công của tiểu thuyết trinh thám. Vì đây có thể sẽ là tương lai của văn học: Một nền Tân Tiểu thuyết Trinh thám phổ quát. 

trích Richard Millet se fâche "On a tué la langue française." 

Le Nouvel Observateur số 2113 

Trần Vũ dịch thuật

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Mười Một 201510:46 SA(Xem: 38098)
Dự án “Phục nguyên văn bản Truyện Kiều được đồng thuận cao” của Hội Kiều học Việt Nam đã đề ra nhằm hướng tới Kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại Thi hào nguyễn du (1765 - 2015) và vinh danh đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du . Bài viết này sẽ lược thuật quá trình tầm nguyên văn bản Truyện Kiều từ xưa đến nay và chúng tôi cũng xin gợi ý, phác thảo một phương pháp phục cổ văn bản Truyện Kiều với hy vọng có khả năng gần với nguyên tác.
01 Tháng Mười Một 201512:16 SA(Xem: 28030)
Tháng mười ở Sài Gòn Mưa không nhiều như mọi năm Nhưng lại ngập lụt và tắc đường triền miên Đi làm cũng mệt Người về hưu cững không biết đi đâu mỗi buổi chiều vắng vẻ
18 Tháng Mười 201511:15 CH(Xem: 34708)
Sài Gòn quả thật vẫn đẹp mà nó vẫn đẹp theo cái cách mà tôi nhìn ngắm nó, nó vẫn đẹp như mơ, cực kỳ hoàn hảo và trác tuyệt. Vì đâu mà tôi có thể thấy như vậy nhỉ? Có lẽ nó xuất phát từ cái chủ quan riêng biệt của tôi mà tôi thấy như vậy.
18 Tháng Mười 201510:41 CH(Xem: 33803)
Tôi thích những định nghĩa về tự do của John Adams và yêu thơ Tagore. Cả hai đều khơi dậy cái sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người. Điều lạ lùng là dù ở hai vị trí rất khác nhau, một chính khách và một nhà thơ; song họ lại gặp nhau ở một điểm rất chung. Tôi có thể mượn cái quan niệm của John Adam để nói về Tagore. Cả hai đều cho rằng không có sự ưu việt nào bằng sự ưu việt của linh hồn và không có sự giàu có nào bằng sự giàu có của con tim.
18 Tháng Mười 20154:41 CH(Xem: 31043)
Ngồi giữa buổi chiều mênh mông hắn chờ một cuộc điện thoại, bầu trời mở rộng trước mắt hắn, một dãy nhà cao thấp lô nhô trải dài làm cho đường chân trời trở nên răng cưa, gấp khúc. Xa hơn nữa, ở một góc nhỏ xíu lóe lên những tia sét lẫn trong những đám mây xám, những tiếng sét không âm thanh chớp lên rồi tắt ngúm một cách vô thưởng vô phạt.
18 Tháng Mười 20151:23 CH(Xem: 33235)
Lạc Long Quân được viết chữ Hán là 貉龍 君, trong đó, chữ 貉 (bộ trĩ) mà người Việt, theo truyền thống từ ngàn xưa đến nay vẫn đọc là “lạc”. Tiền nhân Việt dường như đã cố tình dùng chữ 貉 dành cho Lạc Long Quân và không đọc theo đúng phiên thiết từ thư Hán là hạc (thú giống như con cầy), mạch (tộc ở phương bắc Trung Quốc) nhưng nhất định là “lạc” chắc hẳn phải có một dụng ý sâu kín nào đó và cho đến nay vẫn còn là bí ẩn văn tự...
18 Tháng Mười 20151:00 CH(Xem: 34881)
Ngôi nhà của anh không hoàn toàn im lặng, hoang vắng mà là một nơi chốn dừng chân của khách thập phương. Nó như là một thứ “trại tỵ nạn thứ hai” mà hầu hết những người lui tới gặp anh đều có mục đích khác nhau. Có người đến để nhờ anh “hợp tác” làm một công việc gì đó; có người đến vì cần một nơi chốn ở tạm; có người đến chỉ để bày ra những cuộc rượu say bí tử, ca hát, ngâm thơ, bày tỏ những tàn tích quá khứ, họ là những người lính đã từng tham dự chiến tranh kể về những trận đánh, trong đó có người đã từng cầm súng ở bên kia chiến tuyến. Họ là những “linh hồn” vất vưởng, thất lạc giữa một khoảng trống mênh mông trong tâm thức bám vào cái hào quang quá khứ hào hùng, đau thương đầy căm phẫn tủi nhục của lịch sử. Có người rũ bỏ quá khứ, lột xác hội nhập vào đời sống mới của xứ sở tự do. Họ bước vào cuộc thử thách trong thương trường, khởi nghiệp bằng đôi bằng tay trắng.
16 Tháng Mười 201510:35 CH(Xem: 37290)
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với "mùa nước nổi" và "mùa nước giựt". Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
16 Tháng Mười 201510:03 CH(Xem: 32329)
Em không thể đi hết còn đường còn lại của mưa, anh biết không, có thể chúng dài hơn điều em nghĩ, có thể chúng đang ghen tuông với điều tự do của gió
12 Tháng Mười 201512:25 SA(Xem: 29906)
không phải thơ đâu em chỉ là lời nguyện đêm tha thiết không phải sáng mai nào cũng trong veo như sáng nay gió về vẩn đục lời kinh rớt xuống lũng oan cừu