- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NÉN TÂM HƯƠNG CẢM THI SĨ HOÀNG NHUẬN CẦM SAU BA NĂM ÔNG RỜI CÕI TẠM

05 Tháng Bảy 202410:27 CH(Xem: 4262)
HoangNhuanCam
Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm (1952-2021)

NÉN TÂM HƯƠNG CẢM THI SĨ HOÀNG NHUẬN CẦM

SAU BA NĂM ÔNG RỜI CÕI TẠM

 

Hoàng Thị Bích Hà

 

 

Nhắc đến Ông trước hết là tác giả của những bài thơ nổi tiếng đã đi vào lòng người như: Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu, Chiếc lá cuối cùng…trong những tập thơ đã xuất bản.


Thơ Hoàng Nhuận Cầm phần lớn là thơ tình, những tình thơ đã làm say lòng lòng độc giả. Tiếng lòng ông đã chạm đến trái tim của công chúng yêu thơ đặc biệt là bởi chất thơ say đắm, trẻ trung yêu đời và yêu cuộc sống. Hoàng Nhuận Cầm là một con người tài hoa ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: Thơ, kịch bản phim, diễn xuất. Ông đã hóa thân vào vai diễn rất tự nhiên với phong cách hóm hỉnh, hài hước và trí tuệ bằng tài năng thiêm bẩm khiến khán giả màn ảnh một thời không thể quên. Sau này người ta thường gọi ông bằng cái tên “Bác sĩ Hoa súng” một cách đầy mến mộ. Với những bài thơ nổi tiếng như thế có lẽ cũng đã có nhiều bài viết về ông và tác phẩm của ông. Nhưng mỗi người có một góc nhìn riêng. Tôi chỉ là kẻ hậu sinh với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ thi tài, xin gửi đến quý bạn đọc những dòng cảm nhận về một bài thơ rất hay của ông: “Hò Hẹn Mãi Cuối Cùng Em Cũng Đến”.


Những hẹn hò, dang dở, chia ly hay dỗi hờn trách cứ…đều là những cung bậc của tình yêu. Đó là cái cớ để dệt nên những vần thơ tình buồn đẹp và da diết? Nếu cố thi sĩ Hồ Dzếnh bảo rằng: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!" vì theo ông “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Bởi trong tình yêu đi đến vẹn toàn, hạnh phúc là điều không hề dễ. Có khi tưởng chạm đến hạnh phúc rồi lại phải chia xa. Nên thôi, cứ hẹn mà đừng đến để người đợi chờ cứ hi vọng như thế biết đâu sẽ thú vị hơn! Còn Xuân Diệu từng chua chát mà rằng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Mấy khi yêu mà chắc được yêu” mặc dù ông vẫn quan niệm sống là phải yêu như câu thơ sau: "Kiếp sống không yêu kiếp sống thừa”.
 

Nhưng đối với Hoàng Nhuận Cầm sự hẹn hò ấy ra sao? Chúng ta hãy đọc lại thơ ông lần nữa để thưởng lãm một giọng thơ tình hoàn toàn khác, với một âm điệu rất riêng:


“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi”


Vậy là sau những hò hẹn, đợi chờ thì cuối cùng em cũng đã đến. Và tưởng chừng sắp chạm đến hạnh phúc. Nhưng không thể, vì đã muộn mất rồi! Khi em đến! Anh vẫn còn đợi em nhưng mùa thu thì đã đi rồi! Thời gian không chờ đợi. Có một sự lỡ làng mất mát xót xa, nuối tiếc ở nơi đây. Bởi lẽ đôi khi cơ hội trong đời chỉ đến một lần thôi! Tất cả đã xa tầm tay với bởi vì người đến trễ, mọi thứ đều đã khác:


Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Ba cánh tàn, bốn cánh sắp sửa rơi


Xuân sắc không còn nữa, hoa tàn, nhụy rã. Thời điểm em đến với anh sau những hẹn hò hoài mãi giờ không còn “thiên thời địa lợi nhân hòa” nữa. Em đến muộn mất rồi. Tiệc tàn, hoa rụng, cả anh và em giờ đã qua thời hoa mộng. Cũng có nghĩa Tuổi Thanh Xuân- thời điểm đẹp nhất của đời người đã qua. Thời gian không chờ đợi chúng ta.


Khổ thơ tiếp theo, thi nhân dùng điệp ngữ, điệp cú để nhấn mạnh, khẳng định lần nữa: Em đã đến thật rồi! Em đang đứng đây là điều có thật. Dẫu bây giờ em như cánh chim bay đã mỏi trong ánh mắt bao dung độ lượng của chân trời. Nhưng không thể không nói cho em biết sự thật là ta đang nghĩ gì? Em ạ: Lời giả dối nghe mãi cũng chán rồi! Ta sẽ nói thẳng, nói thật cho em biết dù chỉ một lần thôi. Dẫu có đau thì cũng đau một lần này nữa thôi:


Ta đã chán lời vu vơ giả dối
Hót lên! Dù đau xót một lần thôi!


Trước những cay nghiệt của tình đời, của nhân tình thế thái ta có còn đủ thơ ngây để tin vào những cuộc tình đẹp nữa hay không? Sau những chiêm nghiệm cuộc đời! Tình yêu ư? Luôn có hai mặt ngọt ngào và man trá! Khi em đến, dẫu ngập ngừng, em cũng sẽ thốt ra những lời âu yếm và khẳng định tình yêu sẽ vững bền như chuyện bồ câu không chết trẻ. Thì em ơi! Anh cũng đang rất sợ. Sợ tình yêu hay sợ em? Bởi vì em hay là cơn bão tự ngàn xa? Em đã từng là nguyên cớ tạo nên những cơn bão lòng trong tâm tư anh. Trước tình yêu này, anh liệu có tìm được bến bờ bình yên không?


Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi, bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa


Yêu là đau khổ, thế nhưng anh vẫn yêu với một tâm hồn bao dung độ lượng. Tôi còn nhớ lời một bài hát có câu: “Nếu biết rằng yêu là đau khổ, thà dương gian đừng có chúng mình”. Em đã đến, dù muộn và anh cũng không chắc là tình em sẽ đậu lại bao lâu. Thế nên:


Trái tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào- Nếu chán, gió lại ra


Lòng ta chùng lại bởi các từ: “Gió, nếu, chán, gió, lại”. Nếu năm thanh trắc làm cho thanh điệu của câu thơ trĩu xuống thì các thanh bằng: vào, ra đan xen nâng giọng thơ lên thanh thoát nhẹ nhàng, chan chứa bao dung.


Trái tim anh vẫn dành chỗ cho em đó- nơi ấm áp yên bình. Em như ngọn gió thích thì trú ngụ, nếu chán có thể bay đi. Còn gì chua chát hơn! Anh thì trước sau vẫn tôn thờ tình yêu nhưng em có lẽ khác. Anh khó lòng lưu giữ được tình em. Tất cả rồi cũng phôi pha. Nỗi niềm chờ đợi kéo dài tưởng như vô vọng nhưng cuối cùng em đã đến. Nhưng có với tới hạnh phúc không? Một nghịch lý ngang trái không kém phần cay đắng. Em đến sau những chờ đợi hẹn hò tưởng sẽ chạm đến ngọt ngào nồng cháy nhưng muộn mất rồi! Một sự mất mát dang dở đã được dự báo.
 

Dẫu em đã đến, hiển hiện bằng xương, bằng thịt trước mắt anh. Em là có thật đi chăng nữa nhưng tiếc rằng Mùa thu (biểu tượng của thời gian), Hoa cúc (biểu tượng cho xuân sắc) đã cướp anh rồi. Thời gian đã gặm nhấm tuổi xuân. À không! thời gian đã “cướp” anh rồi! Thi nhân dùng từ “cướp” rất đắt và biểu cảm, nghe đầy chất lính của một thời vừa mạnh mẽ, nhanh chóng, dứt khoát. Anh bây giờ không còn là anh của ngày xưa nữa!


Bài thơ khép lại với sự ngỡ ngàng nuối tiếc dẫu vẫn biết dang dở cuộc tình là điều có thể xảy ra. Trong cuộc đời, cơ hội không phải lúc nào cũng có. Và tình yêu không thể là vĩnh cửu cũng như: con người không thể bất diệt với thời gian!


Qua hình thái ngôn ngữ nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ấn tượng và có giá trị biểu đạt cao. Giọng thơ nhẹ nhàng, đầy sắc điệu thẩm mỹ lại có ít nhiều tính triết luận. Tâm tình của chủ thể trữ tình lan tỏa vào trong sâu thẳm tâm tư người đọc nỗi buồn của dang dở chia lìa, mang ý nghĩa phổ quát của những chuyện tình buồn.


Bằng cảm hứng trữ tình tự sự, với thi ảnh bình dị, ngôn ngữ trong sáng dễ hiểu được kết hợp các biện pháp tu từ biểu cảm. Câu chữ hàm súc thể hiện bởi bút pháp điêu luyện, đã tạo nên những vần thơ có vẻ đẹp trang nhã mà se sắt lòng người.


Ông đã đem đến cho người đọc những vần thơ tài hoa, giàu sắc thái trữ tình, lãng mạn làm rung động lòng người.


Nay tay thi nhân đã mỏi, thi nhân rũ áo đi vào cõi vĩnh hằng đã ba năm nhưng những vần thơ, kịch bản phim và những vai diễn để đời của ông sẽ ở lại với chúng ta, với các thế hệ người yêu thơ và hâm mộ một tài năng nghệ thuật ưu tú của nước nhà.

Saigon, ngày 28/6/2024

 
Hoàng Thị Bích Hà

 

 


Kính mời độc giả thưởng thức trọn vẹn văn bản bài thơ:

 

HÒ HẸN MÃI CUỐI CÙNG EM CŨNG ĐẾN



Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi

Hò hẹn mãi cuối cùng em đã tới
Như cánh chim trong mắt của chân trời
Ta đã chán lời vu vơ, giả dối
Hót lên! dù đau xót một lần thôi.

Chần chừ mãi cuối cùng em cũng nói
Rằng bồ câu không chết trẻ bao giờ
Anh sợ hãi bây giờ anh mới nhớ
Em hay là cơn bão tự ngàn xa.

Quả tim anh như căn nhà bé nhỏ
Gió em vào - nếu chán - gió lại ra
Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu, hoa cúc cướp anh rồi...


Hoàng Nhuận Cầm

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tám 20243:26 SA(Xem: 2356)
Lần đầu đôi ta hò hẹn …/ Anh hái đoá hồng dành tặng em / Bồi hồi… / Thời gian như ngừng trôi / Em lỗi hẹn, không tới / Những cánh hồng tả tơi
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 2566)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 2701)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
10 Tháng Tám 20241:22 SA(Xem: 3311)
Sẽ thổi tắt ngọn nến / Của những ngày tháng Tư / Cửa mùa Xuân vừa khép / Mây rồi bay thật xa
09 Tháng Tám 202410:22 CH(Xem: 1522)
Xuân hồng, có chàng tới hỏi: – em thơ, chị đẹp em đâu? – chị tôi tóc xõa ngang đầu đi bắt bướm vàng ngoài nội.
09 Tháng Tám 20245:10 CH(Xem: 2897)
TÌNH SẦU là bài thơ nổi tiếng nhất và hay nhất của nhà thơ Huyền Kiêu. Ông tên thật là Bùi Lão Kiều (Có lẽ bút danh Huyền Kiêu xuất phát từ tên của ông là Kiều: Kiêu huyền thành Huyền Kiêu), sinh năm 1915, nguyên quán ở tỉnh Hà Đông (cũ). Ngoài viết văn, làm thơ ông còn cộng tác với nhiều báo ở Hà Nội. Ông công tác ở tạp chí Văn Nghệ (HNV), nhà xuất bản Văn học (HLHVHNTVN). Những tác phẩm của Huyền Kiêu: Sang xuân (1960), Mùa cây (1965), Bầu trời (1976). Sau 30 Tháng Tư năm 1975 ông vào Sài Gòn sinh sống. Ông mất ngày 8 tháng 1 năm 1995 (Ất Hợi), hưởng thọ 80 tuổi.
09 Tháng Tám 20244:31 CH(Xem: 3133)
hỏi đang ở giữa ban ngày / hay sắp đêm tối phủ đầy nơi nơi? / dường như điềm báo tới trời / dân kia thêm khổ vài đời nữa chăng?
05 Tháng Tám 202412:31 SA(Xem: 3587)
Ông Võ Phiến gọi Nguyễn Mộng Giác là một người “thàng”(hậu). Ông Nguyễn Mộng Giác cũng gọi Võ Phiến là “thàng”. Và, hai ông định nghĩa thàng như sau: Nguyễn Mộng Giác: "Thàng" không phải là hiền. "Thàng" là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hoà khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc.” (Đặc san Tây sơn –Bình Định,1999) Và Võ Phiến: “Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghiã gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tình, một nết hay; thàng hậu còn là một...
04 Tháng Tám 20241:26 SA(Xem: 2645)
Nhận được tin buồn / Người bạn đời của nhà văn Võ Phiến / Bà Võ Thị Viễn Phố / Pháp danh Nhật Trân / Đã mệnh chung ngày 24 tháng 7 năm 2024 (nhằm ngày 19 tháng 6 năm Giáp Thìn) Hưởng thọ 94 tuổi.
22 Tháng Bảy 202412:02 SA(Xem: 4958)
Bạt Xứ là bút hiệu của Tiết Hồ, khi viết truyện ngắn ký tên Triêu Ca. Tiết Hồ còn là một nhiếp ảnh gia với nhiều cuộc triển lãm cá nhân và nhóm tại Úc. Có tác phẩm đăng trên Tập Họp, Da Màu, và trong bộ sách "Twenty years of Vietnamese Arts and Literature" (1995 - Dainam). Định cư tại Úc. Hiện sống ở Cam Bốt.