- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BA TÔI

14 Tháng Sáu 202411:10 SA(Xem: 3659)


cha-1

Thái Thanh

BA TÔI

 

 

 

Sáng nay dạo chợ Sài Gòn thấy bánh tro người ta bày bán thật nhiều mới nhớ ra mai nay là ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Lại nhớ quê xa, nhớ nhất là ba, ông Ngoại của mấy đứa nhỏ con mình.

 

Ngày xưa, muốn ăn bánh tro phải đợi đến ngày mùng 5/5 âm lịch, thì các cô các bác ở quê mới gánh xuống Qui Nhơn, ngồi trước nhà ba má tôi mà bán. Bánh tro được gói tựa như bánh Ú nhưng bé hơn. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi.

 

Ba tôi thích ăn bánh tro chấm với đường cát. Món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương mà người lớn thường thích. Cũng như ba, đến tuổi này tôi mới thích bánh tro như ba ngày ấy... Nhớ hồi xưa, em trai kề tôi lấy vợ, nó ít nói mà ý nhị hơn tôi, nó bảo vợ nó mua bánh tro về cho ba. Lúc cô em dâu tôi cầm xâu bánh tro dọn ra dĩa cho ba ăn bánh uống trà tôi ngẩn ra vì mình vô tình không nghĩ ra được điều này.

 

Sáu mươi năm rồi từ thuở mẹ sinh ra đời, mãi đến hôm nay tôi mới biết có "Ngày của Cha". Ba mất đã mấy mươi năm qua và khi người còn sống tôi chưa trọn thành chữ hiếu dâng ba...

 

Có ai đó bảo rằng: Nếu bạn yêu một người nào đó, bất kể bạn che giấu như thế nào ánh mắt và lời nói của bạn cũng sẽ lộ ra. Đó chính là tình yêu, bất luận là tình yêu nào trong đó có tình yêu sâu thẳm nhất của ba và con gái và con gái đối với ba. Ba con tôi là như thế.

 

Tôi ít nói, ít viết về ba nhưng tôi yêu ba nhất trên đời. Ba là bầu trời, là núi cao sông rộng, là bóng râm, là biển cả, là bình minh nắng ấm là ánh trăng che chở dịu dàng. Ba luôn lặng thầm nhưng ba gánh tất cả những nặng nhọc nhất để có thể mang lại cho gia đình cho các con sự no ấm trong đời.

 

Tôi nhớ thuở ấu thời, sau một ngày làm việc vất vả, dù trời mùa đông lạnh, bằng chiếc xe đạp ba chở hai chị em tôi đi phố sắm đồ Tết, nhớ nhất là bộ đồ " Cao bồi" ưng ý nhất hồi ấy. Chị tôi luôn là màu xanh và tôi màu đỏ, luôn là ba để cho chị được chọn màu trước. Hồi ấy bé tí nhưng tôi cảm nhận được rằng ba thương chị tôi hơn tôi. Sau này tôi hiểu ra rằng vì chị giúng má như khuôn đúc từ mặt mũi cho đến tính tình. Ba yêu má cơ mà!

 

Hồi còn bé tôi thường hay bi đau bụng, tôi đau quá khóc la om sòm, ba dắt tôi đi khám bệnh còn cõng tôi trên lưng suốt cả ngày vì tôi thích được như thế. Tôi thích được ngồi trên tấm Phản ở nhà xem ba nấu xôi rồi làm rượu nếp để dành cho má ăn sau khi sinh. Tôi thích được nghe ba hát " Tôi yêu quê tôi yêu mãi bây giờ còn yêu..." hoặc là bài " Một chiếc khăn màu trắng tinh. Một chiếc vòng sáng long lanh với nụ cười em quá xinh..." Tôi thích được nghe cải lương trong đài radio để mình được đệm tiếng "từng" khi đào kép xuống câu vọng cổ để nhìn thấy nụ cười của ba...

 

Tôi nhớ cả những ngày thơ ấu bé xíu, ba dẫn anh, chị và tôi về quê ngoại đi trên con đường làng nhỏ hai bên là đồng lúa xanh xanh đến tận chân trời. Ngoại tôi mất sớm chỉ còn bà cố ngoại, bà khuấy bột mì nhứt cho anh em tôi chấm nước mắm tỏi ớt ăn hít hà. 

 

Sau này má sinh thêm cho tôi bốn đứa em trai nữa. Ngày đầu xuân ba chở cả nhà đi chùa Nguyên thiều chơi... Mấy mươi năm sau tôi ra chợ trời buôn bán, có những người chạy xe hơi vô ý đậu xe trước hàng làm che mất cả hàng buôn bán của tôi. Tôi lại nhớ ba, khi lái xe hơi, ba luôn ý tứ khi đậu xe, ba tránh không đậu trước hàng người ta. Ba bảo " Ba đậu xa một chút mình chịu khó đi bộ để cho người ta bán được hàng".

 

Khi tôi bắt đầu đi học, ba là người đầu tiên dạy tôi cầm bút, ba cầm tay tôi cho tôi xổ chữ i tờ. Sau này tôi được nhiều người khen là mình viết chữ đẹp, tôi biết điều đó chính là nhờ ở ba đã giúp cho tôi.

 

Tôi chỉ có hai chị em gái nhưng có đến năm anh em trai. Các anh em trai của tôi đều là những người cha rất tuyệt vời yêu vợ và thương con hết mực giúng như ba. 

Tôi có chồng và sinh con sớm nên các con của tôi được ông bà ngoại yêu thương... Con gái tôi còn nhớ mãi hình ảnh lúc ông ngoại dẫn cả một bầy cháu theo xe đi Sài gòn. Nhớ lúc ông ngoại đứng phía sau âu yếm nhìn con cháu gái quỳ lạy ông thần Tài xin cho mẹ nó buôn bán được đắt hàng. Nhớ đôi tay run run của ông ngoại khi bẻ bánh bò mà chia đều cho các cháu nội ngoại... (thời bao cấp muốn ăn bánh bò cũng ít có).

 

Ba lại luôn là người hàn gắn và dạy tôi tha thứ cho chồng mỗi khi anh lầm lỡ làm cho con gái ba khổ. Đến khi ba mất, chúng tôi chẳng giữ được nhau, tôi là người quyết định phải chia tay... Nhưng học được cái tính vị tha của ba nên sau này tôi đã tha thứ tất cả những lỗi lầm của chồng mình, nhờ đó tôi giúp anh về sau thể hiện được lòng yêu con của mình.

Nhờ có ba, trong mắt tôi những người đã làm cha đều là những người cha dễ thương và đàn ông cũng vậy họ đều rất dễ thương.

 

Tôi lớn lên, con đường đi luôn có ba nhắc nhở và dìu dắt, tôi tựa vào gia đình, tựa vào ba được che chở trong sự thương yêu nhân hậu của ba mình. Nhưng cuộc đời tôi đi không suôn sẻ nên để buồn trên mắt của ba, tôi chưa mang lại hạnh phúc cho người thì ba đã xa tôi, lúc mà tôi còn mải mê với cuộc sống riêng tư cho cái gia đình nhỏ của mình. Tôi mất ba, các con tôi mất đi ông ngoại từ dạo ấy đến nghẹn lòng. Lúc ấy tôi chỉ tròn 31 tuổi bên đời.

 

Ngày tiễn ba về nơi cuối trời . Cô Bốn tôi đến ôm quan tài của ba mà khóc "Sao không để chị đi trước mà em lại đi trước Chín ơi!". Hai Bác trai cũng ứa nước mắt, cả một dòng họ con cháu bà con ai cũng tiếc thương. Bà hàng xóm hung dữ nhất xóm, có ai ngờ tất tả chạy qua thả đôi dép xuống bậc thềm, quỳ gối ôm lấy quan tài ba lần cuối. Cả đến ông hàng xóm sát bên nhà đã từng ganh ghét đố kỵ với ba cũng quỳ xuống thắp cây hương mà nói lời xin lỗi.

 

Bà con xa, bà con gần cả những người từng giúp việc cho nhà tôi trước 1975 ở xa ở gần nghe tin ba mất đều quay về mà ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa. Nhưng có lẽ người đau đớn nhất là má, má lặng lẽ không khóc nhưng mãi đến khi ba mất sau 49 ngày. Sư thầy bảo rằng ba đã được siêu sanh, má lẩn thẩn "Không biết ba mầy đầu thai ở đâu mình tới xin ổng dìa nuôi". Tội cho má, má vẫn chưa chịu tin rằng má đã mất ba. Tình yêu má dành cho ba luôn trọn vẹn.

 

Tôi đi dần đến cuối đường đời, luôn được có sự chở che vô hình như một sự nhiệm mầu. Tôi luôn được nghe mọi người nhắc nhở đến ba với một lòng thương tiếc nhớ ơn người. Lòng từ của Ba đã để lại điều lành cho mấy anh em tôi.

Không cần có " Ngày của ba" mỗi ngày trong sâu thẳm tim tôi, tôi vẫn nhớ và thương ba, một tình thương lớn nhất trong đời. Giá như cho tôi một điều ước, tôi ước gì ba má được sống khỏe mạnh, an lành hạnh phúc bên con cháu.

 

Tôi cho rằng, nếu sự sống của ông bà, ba má kéo dài thêm được cho đến đủ tròn trăm thì tuyệt vời biết bao. Con cháu đủ lớn, đủ điều kiện, đủ hiểu và thương mà phụng dưỡng vẹn tròn...

 cha-con


Hôm nay chạnh lòng nhớ ba , tôi chia sẻ một mạch cho cảm xúc này, chỉ ghi được những điều bình thường trong cuộc sống, ba tuyệt vời hơn rất nhiều mà bao nhiêu văn từ của tôi không đủ nói lên hết được người ba thương kính của mình... 

 

Tôi nghĩ rằng trong chúng ta những người cha người mẹ đã dành hết phần đời mình cho cháu cho con. 

Đừng nghĩ rằng: Khi mình già không có ích gì nữa mà buồn bã muốn ra đi. Những người già như chúng ta, cả đời đã trải qua tất cả những cay đắng ngọt bùi được có kinh nghiệm tích lũy và bằng yêu thương ta dành trao cho người thương của mình chính là con và cháu. Ta sẽ là cây cao bóng cả che mát mang bình yên giúp cho đời sống được tốt đẹp hơn. 

Hãy để cho con cháu được hạnh phúc khi được chăm sóc ông bà, ba mẹ cho đến lúc tiễn đưa mà vẫn an lòng. Ta xứng đáng để được như thế và đó chính là một cái kết có hậu cho cuộc đời này.

 

Tôi chúc cho tất cả nhà nhà, tất cả mọi người được duyên lành như thế lúc ra đi...

 

TháiThanh

  

*Ảnh Minh họa: Hoe-ryong Kim & Hồ Huy

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Bảy 202410:17 CH(Xem: 3618)
Năm tới 2025, người Việt gốc Mỹ sẽ kỷ niệm 50 năm định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng sẽ có thêm một kỷ niệm định cư tại Seattle đươc nửa thế kỷ. Thời gian không còn nhiều sao tôi cứ băn khoăn không hiểu mọi người sẽ chuẩn bị tổ chức ra sao?
05 Tháng Bảy 202410:12 CH(Xem: 3253)
Hắn đắm mình cả giờ trong khung cảnh tịch mịch và thiêng liêng của ngôi chùa giữa mưa bụi đầu xuân miền châu thổ sông Hồng… Đó là chùa Hương Hải Thiền, xã Lệ Chi, Huyện Đông Anh Hà Nội, ngôi chùa lần đầu tiên hắn tới trong dịp về thắp hương tưởng niệm 10 năm Hòa thượng Thích Thông Lạc viên tịch.
05 Tháng Bảy 202410:07 CH(Xem: 2957)
Nếu không được xem cái clip mà tôi tin là chẳng thể bịa đặt nọ, thì tôi không thể tin nổi, không thể hiểu nổi, một giảng viên tự nhận có 30 năm dạy luật mà tán tụng luận án TS. của học viên TCQ như thế này: “Tôi cảm thấy người viết luận án không chỉ trí tuệ mà vô cùng tâm huyết, nếu dành lời khen thì có rất nhiều lời khen vượt ra khỏi ngôn ngữ…”
05 Tháng Bảy 20249:12 CH(Xem: 3334)
Tháng 6. Sài Gòn buổi chiều thường mưa. Mưa to lắm, mây đen kịt kéo nhanh làm tối cả bầu trời, nhìn xa xa sau màn nước mưa mù trời những đoàn xe trên đường cao tốc xuôi ngược nối dài nhau trên con đường quốc lộ xa tắp mịt mù.
05 Tháng Bảy 20241:14 SA(Xem: 3307)
Nhận được tin buồn Cụ Bà Sui Gia: Cụ Bà quả phụ HỒ ĐẮC TÁNH, Nhũ danh NGUYỄN THỊ THANH TÙNG Pháp danh NHUẬN DIỆU BÁCH , Sinh Ngày 10 Tháng 3 Năm 1934, tại Huế, Việt Nam Mất Ngày 1 Tháng 7 Năm 2024, tại Orange County, California Hưỡng Thọ 90 tuổi
26 Tháng Sáu 202412:46 CH(Xem: 4252)
Thoại vẫn luôn luôn nghĩ là không thể để Ba tiếp tục sống một mình trong căn nhà ấy, nhất là từ ngày Mẹ Yến mất (27.04.2024). Từ 2015, khi Mẹ không thể tiếp tục sống với Ba nơi căn nhà thân yêu trên đường Coolidge, do bác sĩ gia đình bảo phải đưa Mẹ vào Ashbrook Nursing Home vì nhu cầu cần được chăm sóc 24 giờ/ ngày và 7 ngày/ tuần. Thoại đã phải lắp cameras khắp nhà: từ phòng khách tới phòng ngủ, từ nhà bếp tới phòng tắm, và cả dưới basement nơi Ba Thoại nhiều khi mất ngủ, xuống đó loay hoay in ấn mấy cuốn sách suốt đêm cho tới sáng.
17 Tháng Sáu 20248:53 CH(Xem: 4253)
Thiên sứ tốn công xuống / để dạy đừng hiểu sai / những thông điệp thiện lành / và làm gì cho đúng
15 Tháng Sáu 20244:38 SA(Xem: 3578)
Trước hết, tôi cần nhắc lại với bạn câu nói: “Sự thật cũng là một thứ Nhân đức” của nhà triết học cổ Hy Lạp Aristotle. Ngắn gọn thôi nhưng chân lý đó đủ sức vượt bao thế kỷ để trở thành bài học quan trọng nhất đối với một kẻ cầm bút, cầm máy quay, và vĩnh viễn không bao giờ cùn mòn, mất tính thời sự!
15 Tháng Sáu 20244:23 SA(Xem: 3452)
Sau một tháng ròng rã ngoài khơi. Bành gọi điện thoại di động về nhà cho cô vợ yêu rằng con tàu anh đang ở hải phận Quy Nhơn. Bành nắm vô lăng từ suốt đêm qua sau khi rời khỏi hải phận ngư trường quen thuộc Trường Sa một vài hải lý. Đang trên đường trở về và hẳn sẽ có một chuyền bội thu. Gần bảy mươi con cá bò gù (cá ngừ đại dương), dự kiến khỏan trên ba tấn cá.
15 Tháng Sáu 20243:48 SA(Xem: 3304)
Những đổi thay khốc liệt sau cuộc chiến 75 đã đưa đẩy một nhóm bạn bè chúng tôi gần gũi, siêng năng gặp gỡ nhau hơn những ngày tháng trước đó. Một ngày của mùa hè 1978, đi với anh Nguyễn Đình Toàn đến nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa là Trần Quang Lộc trạc tuổi hai mươi tám, ba mươi, với cây guitar trên vai. Nghiêu Đề và tôi luôn vồn vã, thân thiện rất nhanh với bạn mới gặp, nhất là lại có thêm cây đàn. Ham vui như chúng tôi, sự thân thiện sau đó đã tăng lên gấp bội.