- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HỒN CỐT HUẾ TRONG “TRUYỆN KHẢO…” CỦA MỘT NHÀ VĂN RẶT HUẾ

27 Tháng Năm 20249:48 SA(Xem: 7021)


bia Truyen khao ve hue


HỒN CỐT HUẾ TRONG “TRUYỆN KHẢO…”

CỦA MỘT NHÀ VĂN RẶT HUẾ.

Hoàng Thị Bích Hà

 

 

Sau hơn hai mươi năm, tác phẩm ra đời, tôi đọc lại cuốn sách và cảm xúc vẫn nguyên vẹn trong tôi như lần đầu tiếp cận với Truyện Khảo Về Huế của tác giả Trần Kiêm Đoàn (Nxb Trẻ tháng 3/ 2000).

 

1.Vài nét về tác giả:

 

Nhà văn Trần Kiêm Đoàn sinh năm 1946 tại Liễu Hạ, Hương Cần, Huế.

Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế năm 1970, Cử nhân Văn Khoa (1971)

Dạy học các trường Nguyễn Hoàng, Hải Lăng (Quảng Trị), Nguyễn Tri Phương, Đồng Khánh (Huế). Cosumnes River College (California), giảng viên thực hành tại Sac State Universty (California)

-Cao học Xã hội (Master in Social Works, đại học California State, Sacramento, 1988)

-Tiến sĩ Tâm lý học (Doctor of Clinical Psychology. đại học Southern California, 2000. Hiện đang sống và làm việc tại Mỹ.

* Các tác phẩm đã xuất bản:

- Hương Từ Bi (Huế, 1966)

-The Impact of Relocation on the Vietnamese Refugees in the United States.

(CSUS, 1988)

- Chuyện Khảo Về Huế (Cali., 1997)

- The Vietnam War and Its Psychological Aftermath (LA., 2000)

- Viết rải rác thơ, văn, bút ký, biên khảo, nhận định… trên các báo tiếng Việt và tiếng Anh trong và ngoài nước.

 

2. Ông là người vào y khoa mà ra sư phạm chỉ vì thời gian đào tạo và học phí phù hợp với cậu học trò nghèo vùng ven lên thành phố trọ học. Biến cố và đổi thay, ông cũng nổi trôi theo thời vận và cuộc đời cứ “xô đẩy” ông một cách ngoạn mục, “xô” ông từ quê lên tỉnh rồi “xô” một cú thật mạnh qua thấu bên kia bờ đại dương - xứ sở của văn minh hiện đại nhất nhì thế giới. Cuộc đời cũng công bằng đối với ông khi thương khó, khi nâng đỡ để bây giờ ông trở thành Giaó sư đứng trên giảng đường Đại Học của xứ sở Cờ Hoa. Ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều nơi, khắp năm châu, bốn biển trong những chuyến công cán hoặc du ngoạn cùng người thân, gia đình. Nhưng dù vậy tôi cũng dám cá rằng không thể nhìn thấu suốt ba ngàn thế giới như với Huế ông nhìn rõ Huế như chúng ta nhìn vào lòng bàn tay của chính mình. Cũng bởi vì ông nhìn Huế không chỉ bằng mắt mà bằng tâm. Qua cuốn sách Chuyện Khảo về Huế, Con yêu bánh nậm, Từ ngõ Huế xưa,v.v..Tôi dám quả quyết với bạn đọc và với cả chính tôi điều đó. Bởi vì ông thương Huế, yêu Huế. Huế đối với ông gần gũi và thiêng liêng, là ruột thịt. Huế của ông là người mẹ già tóc bạc ngồi bên bộ phản kê bên khung cửa sổ chờ con, là người cha lưng còng tóc bạc lưng còng mòn mỏi chờ con. Huế cũng thiết thực và quen thuộc như tô bún bò, cơm hến và chén chè Cồn của Huế. Truyện Khảo Về Huế là: “chuyện kể có đầu, có đuôi vừa sáng tạo vừa dựa trên những dữ kiện thực tế, giáo khoa và sử liệu thì gọi là “Chuyện khảo”. “Dù mang dưới cái tên nào đi nữa thì những trang viết”… của ông “cũng là những mảnh lòng gởi Huế qua chuyện Khảo lẫn chuyện khào về Huế” ( tr 11)

Mỗi lần nghĩ về Huế, tôi không biết mình đang về với Huế hay Huế đang về trong tôi. “Huế riêng tôi là quê mẹ đi để mà nhớ”, “nếu không có năm 1975 , có lẽ suốt đời tôi sẽ không biết rõ Huế đã về trong tôi tự bao giờ”

 

3. Hồi ức về tuổi thơ và nỗi xúc động lần đầu tiên trở về với Tổ quốc, với Huế.

 

Mẹ sắm cho đôi dẹp đầu đời giá trị “bằng hai vuông lúa của mạ”. “Đôi dép đầu đời mẹ tôi sắm bị lấy mất đi không bao giờ trả lại, nhưng lòng tôi lại mang đôi dép cũ mà đi cho hết một đời”.

Ông giới thiệu về hoàn cảnh ra đời ở thế hệ ông.

“Tôi thuộc về thế hệ chiến tranh Việt Nam: chào đời trên miệng hầm, lớn lên trong khói lửa chiến tranh, hát tình ca và đồng ca trong tiếng gào của bom đạn và bỏ Huế mà đi với nỗi ưu tư dằng dặc của những mơ ước chưa thành hiện thực” (trang 6)

Nhà văn nói về việc chọn nghề dạy học:

“ ở Huế mà vào trường Sư Phạm thì cũng như ở trên dòng đời xuôi ngược mà chọn nghề đưa khách đò ngang: An phận trong nếp cũ và yên thân giữa nhịp đời trầm lặng, nhẹ nhàng trôi.”

Tâm thức người con xa quê trong ông khi nghĩ về đất nước: “Đất nước tôi trước hết là mẹ già ngồi chờ con trên bộ phản kê bên khung cửa của căn nhà lá đơn sơ. Tổ quốc là người cha già lưng còng tóc bạc ngồi trông con mòn mỏi từng giờ.”( tr 18). Giản dị vậy thôi mà thiêng liêng cao cả không có gì sánh nổi.

Nơi xứ người, để thích nghi và sống tốt là điều không dễ dàng gì, buộc tác giả hay bất kỳ người sống tha phương phải bắt kịp, thích nghi với môi trường văn hóa xứ sở, nhưng đâu đó trong tim vẫn đầy ắp văn hóa cội nguồn và nỗi nhớ khôn nguôi.

“Tôi nói Tiếng Việt để thương và Tiếng Anh để sống. “có một cái không tìm mà vẫn có là nỗi nhớ quê nhà”, sau bức màn quá khứ là trùng trùng cảm xúc nhớ thương”

Trở về, khi ông đặt chân xuống sân bay, Tân Sơn Nhất là đất mẹ Việt Nam, lòng dâng trào niềm bồi hồi xúc động: “Quang cảnh phi trường Tân Sơn Nhất vẫn không có gì đổi khác so với 20 năm về trước, đi giữa đường Phố Sài Gòn …một cảm giác “thuộc về” làm tôi thoáng ngỡ ngàng và cảm thấy lòng mình ấm lại. Tôi thuộc về vùng đất này như cụm rau muống thuộc về cái ao và cái ao thuộc về cụm rau muống” …Nơi có tiếng thô thiển hay bóng bẩy đến cỡ nào tôi cũng hiểu được. Cho dù sống 10 năm hay vĩnh viễn một đời cũng khó mà thuộc về một đất nước nào khác trọn vẹn như đang ở trên chính quê hương đất nước của tôi” (tr 20)

Đi qua đường phố Sài Gòn ông có cảm giác thanh thản như đang đi vào khu vườn nhà hương hỏa của tổ tiên để lại. “Dù không nguy nga tráng lệ nhưng là của mình.”

 

Những kỷ niệm của người con xa quê lâu ngày trở về với mẹ. Tuổi ấu thơ trong vòng tay của mẹ. Tất cả hiện lên như một cuốn phim mà trong mỗi chúng ta cũng tìm thấy bóng hình mình trong đó. Bởi vì ai cũng từng có mẹ và được sống trong tình yêu và trái tim kỳ vỹ của người mẹ. Ông kể về mẹ thật cảm động, làm cho độc giả chúng tôi nước mắt lả chả rơi lúc nào không hay. Ân tình Huế, người mẹ Huế, tính cách Huế, thời tiết Huế, sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất nhiều nắng gió miền Trung- Nơi kinh đô một thời vàng son của các triều đại cuối cùng ở đất Cố Đô đã để lại cho Huế một nền ẩm thực ngon ở vị, thanh tao ở cách chế biến, khéo léo, tỉ mỉ trong cách bày biện tao nhã, đẹp mắt mang tính nghệ thuật cao. Ăn mà như thưởng thức là để tận hưởng bởi sự kỳ công, bắt mắt dưới những bàn tay tài hoa, cần mẫn của những người phụ nữ chốn Thần Kinh.

 

4.Về Mưa Huế”

 

Cứ sống thật với Huế dù chỉ một giờ và tĩnh tâm với Huế. “Ngôn ngữ tuyệt vời nhất dành cho Huế là im lặng và cảm nhận” (trang 227). Huế chuyển qua mùa mưa là khi nào? Và đây là những nhận xét của ông nhờ óc quan sát góc nhìn tinh tế:

“Nếu vào những buổi chiều đầu thu nào đó ở Huế, có những đàn chim bay xao xác từ phía biển lên rừng trên bầu trời đã lãng đãng có mây hồng pha sắc tím, đó là khi trời Huế đang chuyển sang mùa mưa”

“Mưa Huế là sự đối xử khắc nghiệt, vừa là sự cầm chân vỗ về của bà mẹ thiên nhiên dành cho Huế (…) cái mưa rây hạt triền miên của Huế là một cái gì vừa đáng yêu, vừa đáng ghét một cách rất…Huế. Nó vừa là sức hãm vừa là sức bật của đời sống tinh thần. Mưa không nhỏ, không to mà rây rây muôn ngàn sợi như từ tay của bà tiên hiền dịu mà lạnh lùng, những cơn mưa có thể vài ngày, hay kéo dài hàng tuần, có khi non cả tháng”.

Thực tế có năm chúng tôi chứng kiến mưa một đợt kéo dài hai tháng cận đến tết mới ngớt. “Mưa mọc rêu trên thành, mưa dầm dề úng đất, mưa se da, se thịt, mưa héo úa tâm hồn. Huế đã tự thể hiện vẻ “nên thơ” riêng từ trong cảnh trầm lắng dưới những cơn mưa dầm ngút mắt không hạn kỳ đó” (trang 230- 131)

Mưa đã góp phần vào sự hình thành nếp sống, phong thái sinh hoạt, cảm quan nghệ thuật và nét văn hóa đặc thù của Huế. Khách phương xa đến Huế thường đi từ cảm giác ngán ngẩm: “Trời mưa ở Huế sao buồn thế” và dần dần yêu cái “nên thơ” của mưa Huế lúc nào không hay.

“Huế có “Mặc Vân Thi Xã” ngâm ngợi thưởng nguyệt lúc thanh bình, có Thất Thủ Kinh Đô trong cơn binh lửa. Huế có Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương nức tiếng tài hoa vương giả cũng cần có Đoàn Trưng, Đoàn Trực dám nổi loạn chống lại triều đình Huế. Huế có nem tré, chả lụa (ăn chơi) bên cạnh bánh khô, bánh nở, bánh đúc (ăn thiệt). Huế có hò Nện, hò Hô, hò Giã Gạo mạnh bạo đổ mồ hôi bên cạnh những ca khúc Nam Ai, Nam Bình sầu thương đòi đoạn. Có nón bài thơ thanh tú và tà áo trắng thướt tha của cô nữ sinh thì cũng cần cái nón phong sương và vạt áo nâu lam lũ của mấy o bánh gánh dạo, chè khuya, cơm hến, bún bò,…mới đủ sắc màu và mùi vị cho hồn thơ của Huế. Chỉ nhìn thoáng qua, sẽ rất dễ thấy dáng thơ nhưng khó thấy cái hồn của Huế. Cũng thế, thoáng nhìn mưa Huế chỉ thấy nét trầm phai ủ rủ, nhưng đã thực sống với Huế qua những mùa đông, sẽ thấy từ những bụi nắng thinh không của mưa Huế có những nụ hồng và hơi ấm của tình yêu, không phải chỉ là tình yêu đôi lứa mà nhiều thứ tình cảm nồng nàn góp lại” (Trang 234-235). Thời tiết Huế cũng góp phần hun đúc nên tính cách Huế.

 

5.Tính Cách Huế, và những món ăn xứ Huế.

 

Huế hiếu học, thâm trầm trong cốt cách, lãng mạn nên thơ, khiêm cung mà cũng “mần đày” không “noái” ngạ “vui rộn rã mà vẫn man mác buồn”. Người Huế sống kín đáo, nhẹ nhàng mà sâu lắng, chan hòa và chung thủy, ít bộc lộ tình cảm nội tâm với người khác. Người Huế thường mang tiếng là hay “mần đày” và “ xét nét” vì cái bản chất nhạy cảm và nhiều mặc cảm không tên tuổi, chỉ có thể “cảm” mà không giải thích được.” ( tr.135)

“Huế đã dạy cho tôi rằng, hãy thương mến hay thương yêu, đừng thương hại” (Tr/16). Năm 1977 khi ông đang đứng lớp ở trường Đồng Khánh - Hai Bà Trưng bị gọi lên cho nghỉ dạy. Một vài đồng nghiệp nhìn ông với anh mắt thương hại, ám ảnh trong ông không thể nào nguôi.

“Huế bắt tôi phải ray rức vì không được làm thầy với đồng lương GS đệ nhị cấp 75 đồng mỗi tháng hơn là lái xe lam kiếm cả mấy trăm bạc mỗi ngày hay buôn bán ở chợ Trời kiếm bạc ngàn mỗi lần trúng mánh.” (trang 16)

Trong tâm hồn Huế đôi lúc cũng mâu thuẫn giữa thưởng thức cái đẹp của người, của đời mà nghiêm khắc với con cái, với gia đình và đôi khi với ngay cả chính mình.

“Huế ơi! Huế khó khăn như một bà già trầu. Huế thích nghe chuyện Đi Chùa Hương của thiên hạ, nhưng lại không thích con gái của mình mới 15 tuổi đã “Lưng đeo giải yếm đào/quần lĩnh áo the mới,..”. Huế cũng khó khăn như một ông già nệ cổ, thích con mình thà đậu tú tài mà về làm thuê còn hơn là lên hàng phú ông mà đánh vần xuôi chưa được, vần ngược chưa xong (tr 17). Huế thích cho con cái học hành đến nơi đến chốn, dẫu nghèo cũng vui. Huế lãng mạn bão liệt như sóng ngầm nước xoáy,…ông đã liệt kê nhiều nét biểu lộ tính cách Huế thật thú vị.

 Mỗi người Huế có sẵn hồn thơ, dịch lý, tử vi,…đều đủ chỉ là có thể hiện ra bên ngoài hay không mà thôi! Sau 1975, ông về Huế tìm gặp lại mấy người bạn từng gắn bó bên nhau, chào nhau, chửi yêu nhau bằng những câu nghe thân thương và rất Huế: “ Mụ cô mi,Thằng Đoàn! Mi là thằng gà chết. Hơn 10 năm mới vác xác về thăm”. Những người bạn ngày xưa không học văn mà giờ gặp lại cũng làm thơ, phổ nhạc ngâm tràn cung mây và đều là văn nghệ sĩ Huế cả. Bạn ông: “những thằng khánh kiệt mà khẩu khí vẫn hào sảng. Những đứa con ruột hay con tinh thần của xứ Huế…làm văn nghệ như làm thơ trên đá, suốt một đời chân thực với chính mình. Nói chuyện bạt mạng kỳ hồ. Sáng tác văn thơ làm rung rinh dư luận “ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ”.

 

Ông viết về mưa Huế, tâm huế, màu của Huế,… Ông kể những món ăn đặc trưng của Huế như cơm hến, bún bò, các loại bánh, các loại chè, các loại mắm, ruốc Huế,…“chắt chiu mà hào sảng, đơn giản mà thâm trầm như tình cảm của người con gái Huế”. Món ăn nào ông cũng tìm về tường tận cội nguồn, cách chế biến, thưởng thức và những kỷ niệm đẹp. Những món ăn xứ Huế cũng là hành trang người Huế mang theo trong tâm thức và đôi khi cũng là một cứu cánh mưu sinh nơi xứ người. Tuy nhiên những món Huế ra khỏi Huế cũng có phần khác đi ít nhiều để đáp ứng thực khách, phù hợp với khẩu vị của người địa phương nơi mình lập nghiệp, sinh sống.

 

Ông nhận ông là Huế làng ròn, lên Huế thi đậu Càng Cua (concours) là vào lớp đệ thất (lớp sáu bây giờ) trường Hàm Nghi với vị trí thứ nhì/ 1000 thí sinh dự thi và 200 trúng tuyển năm đó thì ông chỉ là một cậu bé 11-12 tuổi. Lên Huế học rồi suốt quảng thời niên thiếu cho đến khi thi đậu Y Khoa nhưng lại ra sư phạm.Và ông gắn bó với nghề giáo ở trong nước hay hơn nửa đời còn lại sống ở nước ngoài. Sống với Huế rồi xa Huế. Nếu ông không ra đi với “nỗi dằng dặc ưu tư” để xa Huế ngàn trùng thì Huế có hiện rõ trong tâm thức ông với tình cảm da diết nhớ mong để rồi ông viết về Huế quá đúng và hay như vậy không? Bản thân tôi cũng từng gắn bó với Huế hơn nửa đời người. Có lần tôi đi công tác với các đồng nghiệp, tạm xa Huế có 10 ngày thôi, chiều chiều ngồi chơi tán gẫu bên ly trà, tôi cũng nói với họ rằng: Lúc ở Huế cảm thấy Huế bình thường. Xa Huế mới thấy thương Huế, nhớ Huế và yêu Huế hơn! Mấy anh chị đồng nghiệp cũng gật đầu đồng ý! Rồi trầm tư lắng động nhìn xa xăm như thể đang thả hồn về với Huế.

 

6. Làng quê Liễu của nhà văn Trần Kiêm Đoàn cách Huế 10km- Nơi có đặc sản mang thương hiệu Quýt Hương Cần ai đã ăn một lần sẽ ghiền và nhớ mãi.

Ông học hành, trưởng thành và dạy học khá lâu ở Huế nên ông rành Huế lắm! Dù Huế chay, Huế rặt, Huế Lai,… hay khách tao nhân đến Huế nếu yêu Huế, sống sâu sắc với Huế, dành cho Huế thứ tình cảm thiết tha như máu thịt sẽ hiểu Huế, cảm nhận được hồn Huế. Tình cảm đó thể hiện rõ trong các tác phẩm. Hồn cốt Huế, nét Huế lúc rõ mồn một, lúc lãng đãng khói sương hay mờ mờ nhân ảnh. Bằng cả tấm lòng yêu Huế, hiểu Huế trong thi ca, âm nhạc, hội họa hay văn chương,…trở thành những tác phẩm đặc sắc dành cho Huế, có lẽ không người con dân, dâu rể Huế hay người yêu Huế nào mà không biết, không thuộc như: Tạm Biệt Huế (Thu Bồn) Dòng sông ai đã đăt tên (Trần Hữu Pháp). Trở lại Huế thương (An Thuyên),…

Cứ mỗi lần đi đâu đó xa Huế rồi trở về, ngồi trên tàu thống nhất sắp đến các ga thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, trên tàu vang lên bài hát: “Trở Lại Huế thương” thì lòng người xa Huế nào mà chẳng nao nao, rộn ràng như sắp được sà vào lòng mạ Huế.

 

7. Nhà văn Trần Kiêm Đoàn dành cho Huế những tác phẩm  đặc sắc:

 

Mỗi tác phẩm có những chủ đề riêng, viết vào những thời điểm khác nhau: Thơ hay văn xuôi người đọc chúng ta đều nhận ra trong đó chứa nhiều cảm xúc dành cho Huế và đầy ắp hồn Huế. Hay nói cách khác người đọc nhận ra hồn cốt Huế trong mỗi tác phẩm của nhà văn Trần Kiêm Đoàn. Ông là một “Huế rặt” từ chân tơ kẻ tóc, từ lời nói văn chương bóng bẩy hay câu đùa tưng tửng đều rất chi là Huế. Dù cho ông có sống nửa đời còn lại ở đất khách quê người hơn nửa vòng trái đất thì nét Huế trong ông vẫn không phôi pha chút nào. Bởi vì càng xa Huế, ông càng nhớ Huế. Huế càng trỗi dậy, mãnh liệt hơn, cồn cào hơn. Huế sống trong ông, ông mang tâm thức Huế trong hồn và bộc lộ ra trên từng câu nói, từng bài viết của ông! Ai đọc những tác phẩm của ông dù thoáng qua hay đọc kỹ cũng nhận ra điều đó.

 

Lần theo cảm xúc rất đỗi chân thành của tác giả với giọng văn giản dị nhưng dí dỏm và lôi cuốn. Nhà văn Trần Kiêm Đoàn đã cho người đọc trở về với Huế, cuốn sách chỉ trong chỉ trong 250 trang giấy của một ấn phẩm mà dường như ông đã gói cả khung trời Huế, mưa nắng Huế, ân tình Huế, nét duyên Huế và cả những dỗi hờn của Huế. Ai đã đọc qua rồi hãy đọc lại sẽ thấy mỗi lần đọc lại tác phẩm vẫn tràn đầy cảm xúc. Nhiều cảm xúc đan xen: khi xúc động rưng rưng ở những đoạn văn tác giả tả giây phút trở về với mẹ, khi tủm tỉm hay bật cười sảng khoái với những đoạn văn miêu tả nội tâm lẫn ngoại cảnh Huế đầy hài hước, tưng tửng, rất có duyên. Nếu không xa Huế, nhà văn Trần Kiêm Đoàn không thể nhớ Huế, thổn thức với Huế đến nao lòng! Để rồi ông viết với cả tấm lòng của người con xa Huế, chạm đến con tim người đọc như thế!

 

 

Hàng năm ông lại về với Sài Gòn, với quê hương Việt Nam, với Huế, với làng Liễu Hạ - nơi có căn nhà hương hỏa của ông để đắm mình trong không khí Huế, “nạp” thêm năng lượng Huế, món ăn Huế và lòng yêu Huế. “Về Huế được đi lại trên những con đường phố cũ, tôi nghe thân thương như bàn chân tôi và đất đá giữa đường vẫn còn nhớ nhau mà trò chuyện. Trên khuôn mặt của người cũ thêm nét phong trần và có chút già đi, nhưng với tình cảm thì sự đứt đoạn của thời gian chẳng làm phai đi cái giao tình của Huế” (tr. 35)

Kính chúc ông luôn an lành sức khỏe bên người thân gia đình để còn có nhiều lần trở về với Huế và nhiều cảm hứng sáng tác dành cho Huế.

 

Saigon, ngày 11/5/2024

Hoàng Thị Bích Hà

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Bảy 20241:14 SA(Xem: 5856)
Nhận được tin buồn Cụ Bà Sui Gia: Cụ Bà quả phụ HỒ ĐẮC TÁNH, Nhũ danh NGUYỄN THỊ THANH TÙNG Pháp danh NHUẬN DIỆU BÁCH , Sinh Ngày 10 Tháng 3 Năm 1934, tại Huế, Việt Nam Mất Ngày 1 Tháng 7 Năm 2024, tại Orange County, California Hưỡng Thọ 90 tuổi
26 Tháng Sáu 202412:46 CH(Xem: 7484)
Thoại vẫn luôn luôn nghĩ là không thể để Ba tiếp tục sống một mình trong căn nhà ấy, nhất là từ ngày Mẹ Yến mất (27.04.2024). Từ 2015, khi Mẹ không thể tiếp tục sống với Ba nơi căn nhà thân yêu trên đường Coolidge, do bác sĩ gia đình bảo phải đưa Mẹ vào Ashbrook Nursing Home vì nhu cầu cần được chăm sóc 24 giờ/ ngày và 7 ngày/ tuần. Thoại đã phải lắp cameras khắp nhà: từ phòng khách tới phòng ngủ, từ nhà bếp tới phòng tắm, và cả dưới basement nơi Ba Thoại nhiều khi mất ngủ, xuống đó loay hoay in ấn mấy cuốn sách suốt đêm cho tới sáng.
17 Tháng Sáu 20248:53 CH(Xem: 8120)
Thiên sứ tốn công xuống / để dạy đừng hiểu sai / những thông điệp thiện lành / và làm gì cho đúng
15 Tháng Sáu 20244:38 SA(Xem: 6827)
Trước hết, tôi cần nhắc lại với bạn câu nói: “Sự thật cũng là một thứ Nhân đức” của nhà triết học cổ Hy Lạp Aristotle. Ngắn gọn thôi nhưng chân lý đó đủ sức vượt bao thế kỷ để trở thành bài học quan trọng nhất đối với một kẻ cầm bút, cầm máy quay, và vĩnh viễn không bao giờ cùn mòn, mất tính thời sự!
15 Tháng Sáu 20244:23 SA(Xem: 7111)
Sau một tháng ròng rã ngoài khơi. Bành gọi điện thoại di động về nhà cho cô vợ yêu rằng con tàu anh đang ở hải phận Quy Nhơn. Bành nắm vô lăng từ suốt đêm qua sau khi rời khỏi hải phận ngư trường quen thuộc Trường Sa một vài hải lý. Đang trên đường trở về và hẳn sẽ có một chuyền bội thu. Gần bảy mươi con cá bò gù (cá ngừ đại dương), dự kiến khỏan trên ba tấn cá.
15 Tháng Sáu 20243:48 SA(Xem: 6442)
Những đổi thay khốc liệt sau cuộc chiến 75 đã đưa đẩy một nhóm bạn bè chúng tôi gần gũi, siêng năng gặp gỡ nhau hơn những ngày tháng trước đó. Một ngày của mùa hè 1978, đi với anh Nguyễn Đình Toàn đến nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa là Trần Quang Lộc trạc tuổi hai mươi tám, ba mươi, với cây guitar trên vai. Nghiêu Đề và tôi luôn vồn vã, thân thiện rất nhanh với bạn mới gặp, nhất là lại có thêm cây đàn. Ham vui như chúng tôi, sự thân thiện sau đó đã tăng lên gấp bội.
14 Tháng Sáu 202411:10 SA(Xem: 6439)
Ngày xưa, muốn ăn bánh tro phải đợi đến ngày mùng 5/5 âm lịch, thì các cô các bác ở quê mới gánh xuống Qui Nhơn, ngồi trước nhà ba má tôi mà bán. Bánh tro được gói tựa như bánh Ú nhưng bé hơn. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi. / Ba tôi thích ăn bánh tro chấm với đường cát. Món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương mà người lớn thường thích. Cũng như ba, đến tuổi này tôi mới thích bánh tro như ba ngày ấy...
14 Tháng Sáu 202410:50 SA(Xem: 7687)
Xin bố, tạm quên bao thuốc lá Xin bố, tạm quên chiếc hộp quẹt ga Màu nhiễu vàng như mùa hè năm ấy Và không nên quá vội Khi thời gian không còn nghĩa lý gì
05 Tháng Sáu 20242:23 SA(Xem: 8070)
Người đàn bà cầm cái chén trắng / Chờ hứng giọt yêu từ trời / Chẳng may giọt yêu đã thành mưa nặng hạt / Rơi thật xa biền biệt giữa rừng già
05 Tháng Sáu 20241:44 SA(Xem: 7809)
Toát mồ hôi, loạng choạng đứng dậy, nhìn cái túi thức ăn đầy sợ hãi. Tôi cầm lấy ném tất cả vào thùng rác, rồi lết trên vỉa hè gọi một chiếc taxi đưa đến khách sạn gần đấy. Tôi chỉ kịp gọi cho một ông bạn lính cũ, nói gọn lỏn “huỷ nhậu”, rồi vật ra giường. Nằm liệt. Tôi nhanh chóng chìm vào trong một cơn ác mộng. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của hai cô gái cùng chuyến tàu đêm năm nào. Họ đang bay ngay phía trên tôi, trong bầu trời mùa xuân đầy hoa thơm cỏ lạ chim hót ríu ran. Còn tôi đang nằm trong cái toa tàu đen sì nhìn lên.