- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CUỘC TRANH ĐẤU CHO TỰ DO BÁO CHÍ: VỤ ÁN SÓNG THẦN NGÀY 31-10-1974

22 Tháng Tư 202412:07 SA(Xem: 6058)

TD -BIEU TINH 1


Cuộc tranh đấu cho tự do báo chí:

Vụ án Sóng Thần ngày 31-10-1974

Trùng Dương

 

[Trích “Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 - Kinh nghiệm Kiến quốc,” chương 12, tr. 252-279,
Vũ Tường và Sean Fear soạn, Văn Học xuất bản, 2022]

 

Trùng Dương, tên thật là Nguyễn Thị Thái, sinh tại Sơn Tây năm 1944 và di cư vào miền Nam Việt Nam năm 1954. Trong số các nhà nữ văn sĩ trẻ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, bà là tác giả của một số tập truyện ngắn về tình yêu và cuộc sống thành thị được xuất bản từ năm 1964 đến năm 1975, bao gồm các tác phẩm như Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn (1966) và Mưa Không Ướt Đất (1967). Bà đồng sáng lập nhật báo Sóng Thần xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1971 đến năm 1975, có tiếng những lời chỉ trích thẳng thừng đối với chính phủ. Cũng trong tư cách này, bà đã tham gia chiến dịch của tờ báo nhằm quyên tiền và thu lượm hàng ngàn xác nạn nhân chiến cuộc gây ra bởi pháo kích của cộng sản trên đường di tản khỏi Quảng trị trong cuộc tấn công vào mùa xuân/hè năm 1972. Sau năm 1975, Trùng Dương định cư ti Bắc California. Bà tốt nghiệp cử nhân báo chí và công quyền, và thạc sĩ về bang giao quốc tế tại California State University, Sacramento; và đã làm việc với tư cách phóng viên, biên tập viên, thủ thư tin tức, và nhà nghiên cứu cho một số tờ báo địa phương trước khi về hưu năm 2006.

 

Vào ngày 31 tháng 10 năm 1974, nhật báo Sóng Thần do tôi làm chủ nhiệm bị chính phủ kiện ra tòa với tội danh “phỉ báng mạ lỵ” Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Việc này xẩy ra sau khi số báo đề ngày 21 tháng 9, 1974 bị tịch thu vì đã đăng tải bản cáo trạng tham nhũng trong chính quyền do Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng và Kiến tạo Hòa bình phổ biến. Có hai tờ nhật báo khác cùng chung số phận với Sóng Thần, đó là Đại Dân TộcĐiện Tín. Phiên tòa cho hai tờ này được ấn định vào một ngày khác.

Phiên tòa được 205 luật sư, gồm cả một số nhân vật có tên tuổi trong ngành luật, tình nguyện tham gia biện hộ đoàn cho tờ báo. Vụ án Sóng Thần cũng đã dẫn tới các cuộc biểu tình rầm rộ đòi chính phủ phải giải quyết vấn đề tham nhũng có ảnh hưởng tai hại tới các nỗ lực chiến tranh chống cộng sản của Việt Nam Cộng Hòa. Phong trào đồng thời đòi nhà cầm quyền bãi bỏ một đạo luật báo chí mới ban hành làm nhiều tờ báo bị phá sản và đồng thời hạn chế quyền tự đó ngôn luận và quyền tiếp nhận thông tin của quần chúng. Nhiều nhóm khác đã lên tiếng yểm trợ, gồm các nhà văn, nhà báo và công nhân ngành xuất bản mà cuộc sống bị ảnh hưởng nặng bởi Sắc luật Báo chí 007/72 ban hành hai năm trước đó. Luật này là một phần của Luật ủy quyền số 005/72 do Quốc hội ban hành ngày 28 tháng 6 năm 1972 sau khi quân đội Bắc Việt vượt qua khu phi quân sự xâm chiếm Nam Việt Nam vào mùa xuân và kéo dài tới suốt mùa hè 1972. Luật nầy “[Ủ]y quyền cho Tổng-thống Việt-nam Cộng-hoà quyết định và ban hành bằng sắc-luật các biện pháp cần thiết để đối phó với tình hình đất nước.”

Chương này sẽ xem xét các biến cố dẫn đến những cuộc biểu tình đòi tự do ngôn luận của giới báo chí, kết thúc bằng phiên tòa xét xử báo Sóng Thần. Mục đích trước tiên là để cung cấp một nguồn tài liệu gốc cho các nghiên cứu trong tương lai về Việt Nam Cộng Hòa, đặt trọng tâm vào báo chí; và thứ hai, cho thấy rằng bất chấp những nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát truyền thông, các nhà báo Nam Việt Nam đã tranh đấu, một cách bột phát và không bị ảnh hưởng của cộng sản như nhiều người nghĩ, để bảo vệ quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp 1967 công nhận, và quyền hành nghề của họ cũng như quyền được thông tin của công chúng về các vấn đề quốc gia và tiến trình của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản.

Nguồn tài liệu chính cho bài này là tập hồ sơ nội bộ của tờ báo của chúng tôi do nhà báo Uyên Thao và Lê Thiệp soạn và phát hành hạn chế trong giới thân hữu vào cuối năm 1974.[1]

 

Hiến pháp năm 1967 và Luật Báo chí số 019/69

Sau năm năm đầy biến động chính trị và bất ổn xã hội sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, nền Cộng hòa thứ hai ra đời với việc ban hành Hiến pháp năm 1967.[2] Điều 12 của Hiến pháp công nhận quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí và xuất bản miễn là những quyền này không gây tổn hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia hay thuần phong mỹ tục. Điều luật này đồng thời bãi bỏ kiểm duyệt, ngoại trừ đối với phim ảnh và kịch nghệ.

Hai năm sau, trong khuôn khổ Hiến pháp đó, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký Luật Báo chí số 019/69 ngày 30 tháng 12 năm 1969.[3] Luật mới bắt đầu với Chương I tái khẳng định Điều 12 của Hiến pháp, “Quyền tự do báo chí là quyền tự do căn bản trong chính thể Cộng Hòa Việt Nam. Sự hành sử quyền tự do báo chí không dược phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia hay thuần phong mỹ tục. Báo chí không thể bị đóng cửa nếu không có quyết định của Cơ quan Tư pháp.” Và “Chế độ kiểm duyệt báo chí không được chấp nhận.”

Đối với việc xuất bản báo chí, Chương II của luật báo chí công nhận quyền ra báo của tư nhân hoặc pháp nhân. Họ chỉ cần thông báo cho Bộ Thông tin thông qua thủ tục đăng ký. Một người nước ngoài cũng có thể nhận được giấy phép xuất bản từ Bộ Thông tin theo khuyến nghị của Bộ Nội vụ.

          Chương III đặt ra các quyền hạn và trách nhiệm của báo chí: “Báo chí không thể bị đình bản có thời hạn hoặc vĩnh viễn, nếu không có quyết định của Cơ quan Tư pháp.” Tuy nhiên, nếu chính phủ cho rằng một tờ báo đã vi phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc thuần phong mỹ tục, chính phủ có thể tịch thu số báo đó và kiện chủ nhiệm trong vòng tám ngày. Nếu sai, chính phủ phải bồi thường cho bị cáo. Báo chí không được mạ lị phỉ báng các quan chức cấp cao, tư nhân và người quá cố. Báo chí có thể phê bình, chỉ trích chính phủ miễn là không nhằm mục đích tuyên truyền. Báo chí có thể sử dụng hệ thống phân phối của riêng họ, hoặc thuê một hãng tư nhân, không giống như dưới chế độ Ngô Đình Diệm chính phủ giữ độc quyền phân phối này.

Mặc dù kiểm duyệt đã bị cấm, song các báo phải nộp một số ấn bản của mỗi kỳ báo, gọi là “nạp bản,” cho Bộ Thông tin.[4] Theo quy định, việc nạp bản phải diễn ra ít nhất hai giờ trước khi báo bán ra ngoài, và Bộ có thể khuyến cáo các nhà báo xóa bỏ, hoặc “đục bỏ,” một số mục hoặc phần tin tức bị coi là vi phạm một quy định nào đó. Tôi sẽ trở lại để xem xét kỹ hơn vấn đề nạp bản khi thảo luận về sắc lệnh 007/72 thay thế luật báo chí cũ 019/69. Sắc luật 007/72 có hiệu lực sau cuộc tấn công của cộng quân vào mùa Phục sinh năm 1972.

Đã hẳn nền dân chủ còn non trẻ của Nam Việt Nam rất cần có một luật báo chí. Không những luật này đảm bảo nền pháp trị mà còn giúp ổn định các hoạt động báo chí và xuất bản khá hỗn loạn thời đó. Báo chí bây giờ đã có luật lệ riêng, không giống như trước đây khi báo chí được qui định bởi đủ các loại nghị định “vô cùng phức tạp và không đồng nhất,” như nhận xét của Thẩm phán Trần Thúc Linh.[5]

 

Báo Sóng Thần ra đời

Vào năm 1970, mối quan tâm của dân chúng miền Nam Việt Nam về nạn tham nhũng đặc biệt gia tăng với cái chết của Hà Thúc Nhơn, một đại úy y sĩ phục vụ tại một bệnh viện quân đội ở Nha trang. Ông bị giết trong khi cầm đầu một cuộc chống tham nhũng. Theo Giáo sư sử học Vân Nguyễn-Marshall thuộc Đại học Trent, Canada, người đã cất công tới Đại học Cornell lục sao các tài liệu liên hệ tới Sóng Thần cho một công trình biên khảo về các sinh hoạt dân sự tại niền Nam của bà, các biến cố xung quanh cái chết của Hà Thúc Nhơn đã gây nhiều tranh cãi và nhiều chi tiết vẫn còn mơ hồ.[6] Theo khảo cứu của Giáo sư Vân:

Đối với những người ủng hộ ông, Hà Thúc Nhơn là một bác sĩ làm việc theo đúng nguyên tắc, ông đã vạch trần sự tham nhũng của ban quản trị bệnh viện quân đội Nguyễn Huệ ở thành phố Nha trang. Khi căng thẳng leo thang giữa Hà Thúc Nhơn và ban quản trị bệnh viện, ông bị buộc tội giết một trong những quản trị viên. Vì bị kết tội này mà Hà Thúc Nhơn, cùng với một số thương binh hiện đang là bệnh nhân, chiếm đóng bệnh viện bằng võ lực.

Cuộc chiếm đóng kéo dài trong nhiều ngày, kết thúc bằng cái chết của Hà Thúc Nhơn cùng với một số người khác. Chính phủ tuyên bố rằng bác sĩ Hà Thúc Nhơn đã tự sát, nhưng những người khác tin rằng ông đã bị cảnh sát, hoặc ai đó liên quan đến các quan chức tham nhũng, hạ sát. Mặc dù những người ủng hộ ông không chấp nhận hành động cực đoan này của ông, họ tin rằng mức độ tham nhũng nghiêm trọng đã đẩy bác sĩ Hà Thúc Nhơn đến đường cùng. Cái chết của ông đã làm xúc động nhiều người ở thành phố Nha trang và các nơi. Được biết, có 5.000 người đã đến dự đám tang  của ông. Báo chí tường thuật và thảo luận về nhiều giả thuyết khác nhau quanh cái chết của ông.

 

Tuần báo Đời của nhà văn tên tuổi Chu Tử đã đăng tải một bài tường thuật chi tiết về vụ Hà Thúc Nhơn, do tổng thư ký Uyên Thao thực hiện sau nhiều ngày viếng Nha trang và tìm hiểu. Với sự ủng hộ và khuyến khích từ nhiều độc giả của Đời, vào tháng 11 năm 1970, hai ông cùng với một số nhân vật trí thức, chuyên gia và các viên chức dân cử đứng ra thành lập một nhóm chống tham nhũng lấy tên là Hà Thúc Nhơn, dùng tờ Đời làm cơ quan ngôn luận. Tuy nhiên, dần dà họ cảm thấy họ cần một tờ nhật báo nhưng không một thành viên nào trong nhóm, do vị thế đối lập với chính quyền của họ, có thể xin được giấy phép xuất bản. Một ngày nọ, tôi tình cờ ghé thăm tòa báo Đời, Uyên Thao bâng quơ hỏi, “Hay là chị nạp đơn xin giấy phép xuất bản một tờ nhật báo chăng?” Tôi trố mắt nhìn anh, nói: “Tôi ấy à? Anh nói giỡn chắc? Tôi là một người viết truyện, không phải nhà báo. Ngoài ra, phải cần có nhiều tiền để xuất bản một tờ báo.” Uyên Thao cho biết nhóm Hà Thúc Nhơn đã có kế hoạch.

Và quả vậy, họ đã có một kế hoạch gây quỹ, đó là gọi cổ phần, một việc chưa từng có trong sinh hoạt báo giới Việt Nam. Có thể nói nhật báo Sóng Thần là tờ báo sở hữu tập thể đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam, được tài trợ một phần bằng cổ phần bán cho những người quan tâm thuộc mọi tầng lớp xã hội cùng chung lý tưởng chống tham nhũng để tiến tới một xã hội tốt đẹp và công bằng hơn. Theo Giáo sư Vân:

Mọi người được khuyến khích đóng góp bằng cách mua cổ phần và từ đó trở thành sở hữu chủ tập thể của tờ báo. Nhóm Hà Thúc Nhơn ước tính cần 10 triệu đồng (25.000 Mỹ kim) để bắt đầu xuất bản, và muốn gây một nửa số tiền này với cổ phần bán cho công chúng, và nửa phần còn lại bằng các khoản vay mượn. Để mọi người thuộc mọi thành phần trong xã hội có thể tham gia, mỗi cổ phần được ấn định với giá thấp. Mỗi người có thể đóng góp ít nhất là 500 đồng (khoảng 1.30 Mỹ kim), và nhiều nhất là khoảng 500.000 đồng. Như đã giải thích trong một bài trong báo Đời, cứ sau sáu tháng, lời của cổ phần sẽ được tính và 60% tiền lời sẽ trả lại cho các cổ đông. Trong số 40% còn lại, 20% sẽ được trả cho nhân viên của tờ báo, 10% tái đầu tư vào tờ báo, và 10% dành để hỗ trợ công việc của nhóm. Ủy ban quản lý hợp tác sẽ được bầu tại một cuộc họp thường niên mà tất cả các cổ đông sẽ được mời.

Vẫn theo sưu tầm của Giáo sư Vân:

Danh sách cổ đông này và số tiền đóng góp của họ thể hiện sự đa dạng về địa lý và kinh tế của những người ủng hộ Sóng Thần. Trong khi nhiều người đóng góp trung bình từ 20.000 đến 50.000 đồng, có một số người chỉ đóng góp 500 hoặc 1.000 đồng, và một số ít có đủ khả năng mua cổ phiếu trị giá 50.000 đồng.

Một số người đóng góp viết thư hỗ trợ, và những lá thư này được xuất bản trong nhiều số báo của tuần báo Đời. Huỳnh Trung, một người ủng hộ từ vùng nông thôn thuộc Xuyên Mộc, giải thích rằng ông mua cổ phiếu không phải vì lợi ích tài chính, nhưng để được xếp vào hàng ngũ những người chống tham nhũng. Vĩnh Linh từ thành phố Qui Nhơn giải thích rằng anh sẽ bỏ bữa sáng và giảm hút thuốc để mua thêm cổ phiếu trong tương lai gần. Lê Kim Hiền, vợ của một hạ sĩ quan trong quân đội có sáu đứa con, đắn đo tự hỏi liệu thu nhập khiêm tốn của minh có đủ để mua cổ phiếu hay không. May mắn thay, con lợn của chị đã sinh ra mười con heo con và khi đem ra bán chúng đã cho phép chị trang trải tiền học phí và quần áo cho con mình, và mua hai cổ phần của Sóng Thần.

Đến ngày 20 tháng 8 năm 1971, tờ báo đã nhận được hơn 3.5 triệu đồng từ 209 người (trung bình 17.000 đồng hoặc 43 Mỹ kim mỗi người). Mặc dù thành quả này ít hơn những gì ban tổ chức của tờ báo đã hy vọng, nó vẫn là một số tiền đáng kể và gây ấn tượng tích cực trong việc gây quỹ.

          Chúng tôi đã đi vay tiền để thêm vào phần vốn cần thiết còn thiếu, nhờ một phần không nhỏ vào tiếng tăm sẵn có của ông Chu Tử, một tiểu thuyết gia nổi tiếng và là chủ nhiệm kiêm chủ bút thành công. Ông Chu Tử gốc người miền Bắc, sinh ra ở Sơn Tây, cùng nơi sinh với tôi, mặc dù chúng tôi không có liên hệ. Ông đã từng xuất bản nhật báo Sống rất được nhiều người hâm mộ vào giữa thập niên 1960. Tờ báo được lưu hành rộng rãi, sau đó bị đóng cửa bởi một trong những chính phủ trong giai đoạn hỗn độn giữa Đệ nhất Cộng Hòa (chấm dứt năm 1963) và Đệ nhị Cộng Hòa (bắt đầu vào năm 1967). Vào giữa năm 1966, trong thời gian làm tờ Sống, ông Chu Tử trở thành mục tiêu cần thanh toán của cộng sản cùng với nhà báo Từ Chung, tổng thư ký của nhật báo Chính Luận. Ông Từ Chung bị đặc công cộng sản Huỳnh Văn Long bắn chết trước cửa nhà khi ông về ăn và nghỉ trưa, chỉ vài tháng trước khi chính ông Chu Tử bị ám sát hụt, khiến ông bị thương nặng và trở nên tàn phế.[7]

            Nhờ đặc điểm là tổ hợp, Sóng Thần cũng là nhật báo đầu tiên duy trì một số văn phòng địa phương tại Huế, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Pleiku, Phan Rang và Cần Thơ. Sự hiện diện của Sóng Thần ở các tỉnh như thế không chỉ giúp phản ánh các vấn đề và quan điểm của địa phương, mà còn để theo dõi chính quyền địa phương thông qua các cuộc điều tra về những lời than phiền của người dân trong mục “Sóng Gào.”

Sóng Thần ra mắt vào thời kỳ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống kỳ thứ hai vào tháng 9 năm 1971 của nền Đệ nhị Cộng hòa với một liên danh duy nhất (sau khi các ứng cử viên khác rút lui để phản đối việc thao túng bầu cử của chính phủ). Ông Nguyễn Văn Thiệu đương nhiên tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai. Tờ Sóng Thần được đón nhận rộng rãi, với số phát hành lên tới cả 100.000 số, hiếm có trong làng báo thời đó. Chúng tôi nghĩ sở dĩ tờ báo được đón nhận một phần nhờ vào danh tiếng của ông Chu Tử, phần khác vì tính chất tập thể khiến nó trở thành như một tờ báo của quần chúng, thay vì là của một tổ chức hay đảng phái, mặc dù trên đầu trang nhất có ghi tờ báo là “Tiếng nói của Nhóm Hà Thúc Nhơn.” 

Nhờ sự hiện diện của tờ báo qua các văn phòng địa phương, Sóng Thần có thể thu lượm nhiều tin tức mau chóng và những mẩu chuyện độc đáo mà nhiều tờ báo khác ở Sài Gòn không có vì hầu hết phải dựa vào các cơ quan thông tấn như Việt Tấn Xã (tức Việt Nam Thông tấn xã của chính quyền) và các hãng thông tấn nước ngoài.

 

Mùa hè đỏ lửa, Luật uỷ quyền 005/72, và Quy chế Báo chí 007/72

Sự hiện diện ở các tỉnh của nhật báo Sóng Thần đã chứng tỏ là một điểm thuận lợi lớn lúc xảy ra cuộc tấn công mùa xuân kéo dài sang hè năm 1972, khi Hà Nội đưa xe tăng vượt Vùng Phi quân sự tấn công Quảng trị. Các phóng viên thuộc văn phòng Sóng Thần địa phương đã có thể cung cấp tin tức nhanh chóng với các bài tường thuật chi tiết, sống động từ chiến trường. Hai phóng viên trẻ của tờ báo là Ngy Thanh và Đoàn Kế Tường thuộc văn phòng Quảng trị và Đà nẵng là hai người đầu tiên đặt chân vào và báo cáo về cái gọi là “Đại lộ Kinh hoàng,” một quãng đường Quốc lộ số 1 dài chừng vài cây số nằm giữa Quảng trị và Huế, nơi có có khoảng 2.000 người, phần lớn là thường dân với nhiều phụ nữ và trẻ em, bị tan thây bởi pháo kích của cộng quân từ dãy Trường sơn về phía tây rót xuống vô tội vạ trên đường họ tản cư về Huế.

Báo Sóng Thần sau đó phát động một chiến dịch gây quỹ và giúp thu thập 1.841 hài cốt của những nạn nhân này để chôn cất. Nguyễn Kinh Châu của văn phòng Sóng Thần Huế đã đảm nhận công việc nhân đạo này với sự giúp đỡ của một số tình nguyện viên. Tôi cũng có dịp theo nhóm hốt xác và có bài tường thuật đăng nhiều kỳ trên báo Sóng Thần, từ ngày 1 tháng 7 tới ngày 8 tháng 8, 1972. Chiến dịch hốt xác này tiếp tục và kéo dài khoảng tám tháng trong khi các trận chiến vẫn đang hoành hành và thường dân bị cấm vào khu vực này để tìm kiếm người thân mất tích.

          Chiến tranh ngày càng khốc liệt. Chính phủ của ông Thiệu thấy cần phải thắt chặt kiểm soát báo chí thêm nữa. Ngày 28 tháng 6 năm 1972, Quốc hội đã thông qua Luật Ủy Quyền, trao toàn quyền cho Tổng thống Thiệu ban hành luật khi ông thấy có nhu cầu vì an ninh quốc gia. Luật này được ấn định tồn tại trong sáu tháng, có nghĩa là nó đã phải kết thúc vào ngày 28 tháng 12 cùng năm 1972, trừ phi Quốc hội gia hạn.[8] Song trên thực tế, cả hai điều đó không điều nào đã diễn ra.

Sắc lệnh 007/72 trở thành luật báo chí mới kể từ ngày 4 tháng 8, thắt chặt sự kiểm soát của chính phủ đối với báo chí. Mặc dù vẫn công nhận quyền tự do ngôn luận và xuất bản theo Hiến pháp, luật mới đưa ra những hạn chế mới, trong đó có hai điều khoản mà có người hồi ấy đã mệnh danh là “sát báo”: 1) Mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng (khoảng 50.000 Mỹ kim); và mỗi tờ báo định kỳ hay tạp chí phải nộp 10 triệu đồng; và 2) Mỗi tờ báo được yêu cầu phải “nạp bản” bốn tiếng (thay vì hai tiếng như theo luật năm 1969) trước khi phát hành, để nhân viên Bộ Thông tin duyệt xét, do đó trì hoãn việc phân phối báo trong một thị trường cạnh tranh dữ dội giữa các tờ nhật báo. Trong suốt bốn tiếng đồng hồ khắc khoải đối với một tờ báo đó, nhân viên Bộ Thông tin sẽ xem xét xem có chỗ nào vi phạm theo luật báo chí mới. Nếu một vi phạm nào đó được phát hiện, tờ báo sẽ được khuyến cáo phải đục bỏ nếu không sẽ bị tịch thu. Trong trường hợp được khuyến cáo đục bỏ, tờ báo phải viết vào khoảng đục bỏ đó cụm từ “Tự ý đục bỏ,” tức là tự nguyện xóa bỏ chứ không phải do bị kiểm duyệt.

Dù các báo đã phải miễn cưỡng “tự ý đục bỏ” tới độ nhiều khi các trang báo trở thành nham nhở đến tội nghiệp, việc tịch thu các số báo bị coi là vi phạm luật lệ phần lớn vì lý do an ninh vẫn xảy ra một cách đáng lo ngại. Đặc biệt khi chiến sự ngày càng khốc liệt, nhu cầu công chúng cần được thông tin nhanh chóng và đầy đủ do đấy cũng gia tăng; trong khi đó nhân viên Bộ Thông tin bị căng thẳng vì phải bới tìm những chi tiết cho là vi phạm; và kết quả là tờ báo không đủ thời giờ để “tự ý đục bỏ” rồi in ấn cho kịp thời để phân phối. Việc tịch thu đã gây tổn hại tài chính cho tờ báo vì nó gây ra thất thu từ hai nguồn quan trọng của một tờ báo, đó là độc giả mua báo và khách hàng quảng cáo. Do đó, để cho chắc ăn, ban quản lý do anh Nguyễn Đức Nhuận phụ trách và phát hành do anh Sáu Cao của tờ báo đã tự ý mướn một nhân viên phòng kiểm duyệt tới tòa soạn mỗi ngày từ lúc báo lên khuôn vào thành từng trang, khoảng 12 giờ trưa (giờ ăn và nghỉ trưa của nhân viên này), để đọc các bản vỗ (galley proof) xem có gì có thể vi luật thì gỡ bỏ, vì gỡ bỏ ở giai đoạn này thì dễ dàng hơn là khi đã làm bản kẽm mà phải cạo bỏ. Ban biên tập, dưới quyền tổng thư ký Uyên Thao và phụ tá Trương Cam Vĩnh, biết việc này, nhưng quay lưng làm ngơ.

Nếu các việc “nạp bản” và “đục bỏ” có thể dần dần bóp nghẹt một tờ báo, thì khoản 20 triệu đồng tiền ký quỹ đã khiến nhiều tờ báo bị bức tử tức thời, vì không phải báo nào cũng có thể kiếm ra tiền để ký quỹ. Nghị định 007/72 cho biết khoản tiền ký quỹ là để đảm bảo rằng một tờ báo có sẵn tiền để nộp phạt khi cần. Đối với các chủ nhiệm và ký giả, luật báo chí mới đặt ra vấn đề là làm thế nào họ có thể có một số tiền ký quỹ khổng lồ như vậy để tiếp tục xuất bản, chưa kể làm thế nào để nuôi sống gia đình họ nếu họ trở nên thất nghiệp? Khoản tiền ký quỹ 20 triệu đồng lớn gấp đôi số tiền dự tính để xuất bản Sóng Thần khi chúng tôi bắt đầu xuất bản hai năm trước đó.

Nhiều báo phải đóng cửa vì không thể kiếm đâu ra tiền ký quỹ. Riêng nhà báo kỳ cựu Trần Tấn Quốc đã đóng cửa tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam vốn rất được nể trọng của ông để phản đối luật báo chí mới, mặc dù ông có khả năng tài chính để đóng ký quỹ. Có khoảng 16 tờ nhật báo và 15 tờ báo định kỳ phải đóng cửa. Ban chủ biên Sóng Thần đắn đo quay quắt về việc có nên tiếp tục ra báo hay không. Sau nhiều bàn thảo, ban chủ biên quyết định đi vay tiền để đóng ký quỹ. 

Theo Việt Tấn Xã trong số ngày 16 tháng 9, 1972, thì có tổng cộng 29 tờ báo đã nạp tiền thế chân đúng theo kỳ hạn để tiếp tục xuất bản, gồm 17 nhật báo tiếng Việt, 11 nhật báo tiếng Trung Hoa, một nhật báo tiếng Anh, và năm tờ báo định kỳ. Trong số đó có hai tờ nhật báo được chính phủ tài trợ, và ít nhất hai tờ được giới báo chí biết có khuynh hướng thân cộng sản.

Có lập luận cho rằng Nghị định 007/72 nhằm ngăn chặn các rối loạn trong nội tình Miền Nam và sự xâm nhập của cộng sản vào ngành báo chí, theo tác giả Lược Sử Báo Chí Việt Nam, một cuốn sách được soạn để làm sách giáo khoa môn Việt văn cho học sinh lớp 12.[9] Tuy nhiên, những gì xảy ra trong hai năm kế tiếp đã cho thấy ngược lại.

 

Hai tháng đầy biến động dẫn tới vụ án Sóng Thần

Vào ngày 31 tháng 8 năm 1974, hai năm sau khi thi hành Sắc lệnh báo chí 007/72 và 20 tháng kể từ khi Luật uỷ quyền hết hạn nhưng Quốc hội chưa có biểu quyết nào, nhật báo Hòa Bình tuyên bố phải đình bản vì bị phá sản sau nhiều vụ báo bị tịch thu. Trong một bức thư ngỏ đầy xúc động, đề ngày 31 tháng 8 gửi Tổng thống và Thủ tướng, chủ nhiệm Linh mục Trần Du cáo buộc chính phủ vi phạm Hiến pháp và quyền tự do báo chí.

Dựa vào số phận bi đát của nhật báo Hòa bình, nhóm chủ biên Sóng Thần, vốn cũng đã phải chịu nhiều lần tịch thu, phát động một chiến dịch đòi tự do báo chí với một bài xã luận nhan đề “Quốc hội và Chính phủ phải chịu trách nhiệm về những khủng hoảng gây hại cho Đệ tứ quyền của Việt Nam,” xuất bản vào ngày 31 tháng 8. Trong bài viết này, nhóm chủ biên đã vạch ra hai nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng của ngành xuất bản nói chung và báo chí nói riêng: đó là luật báo chí 007/72 và đầu óc hẹp hòi của những người phụ trách áp dụng luật nầy tại Bộ Thông tin.

Hôm sau, ngày 1 tháng 9, Trung Tâm Văn Bút PEN Việt Nam, một thành viên của PEN International, dưới quyền chủ tịch của học giả Linh mục Thanh Lãng, tác giả của nhiều cuốn sách về văn học Việt Nam, triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề của báo Hoà Bình và chính sách xuất bản của chính phủ. Hơn 160 thành viên PEN Việt Nam hẳn là rất quan tâm đến vấn đề này. Một số nhà văn sinh sống bằng việc viết tiểu thuyết đăng từng kỳ mỗi ngày, tức feuilleton, cho các nhật báo; và đối với nhiều nhà văn, đó là nguồn thu nhập chính của họ. Do đó, với việc đóng cửa một số nhật báo và báo định kỳ vì điều khoản ký quỹ khắc nghiệt của Sắc lệnh 007/72, một số nhà văn, nhà báo và nhân viên xuất bản khác bị thất nghiệp hoặc thấy lợi tức của mình bị giảm sút. Ước tính tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 70% cho báo chí; không có ước tính tương tự cho các hoạt động xuất bản khác. PEN Việt Nam sau đó ra tuyên bố không chấp nhận chính sách báo chí hiện hành và ủng hộ chiến dịch đòi tự do báo chí.

        Hôm sau, ngày 2 tháng 9, Tổng truởng Thông tin Hoàng Đức Nhã giải thích rằng việc tịch thu báo Hoà Bình không phải là một việc làm sơ suất của cơ quan của ông. Bác bỏ mọi suy đoán hay giả thuyết liên quan đến việc đóng cửa báo Hòa Bình, kể cả giả thuyết về một sự áp bức tôn giáo (nhật báo này thuộc sở hữu của một linh mục Công giáo), ông Nhã cho biết ông muốn có một cuộc đối thoại. Ông cho biết đã gửi thư cho chủ tịch Hội Chủ báo Việt Nam đề nghị triệu tập một buổi họp để có thể đánh tan mọi hiểu lầm.

Bức thư mời của ông Tổng trưởng gửi chủ tịch của Hội Chủ báo, là Thượng nghị sĩ Tôn Thất Đính, đã được đăng trên các báo vào ngày 4 tháng 9. Ngày 10 tháng 9 đã được chọn cho cuộc họp. Tuy nhiên, trước đó, giới báo chí lại một lần nữa bị cuốn vào một việc xảy ra đáng kể khác, liên quan đến một trong những tờ nhật báo được nể trọng nhất, nhật báo Chính Luận. Tiếp theo là một chuỗi biến cố khác.

             Trong số ra ngày 3 tháng 9 năm 1974, Chính Luận – vốn có tiếng là tường thuật đứng đắn và ít bị tịch thu, và do đó có nguồn lợi tức vững vàng từ báo bán và quảng cáo, đặc biệt là mục rao vặt -- đã lên tiếng báo động sau khi tổng thư ký Thái Lân và phóng viên Ngô Đình Vận bị câu lưu vì đã đăng một bản tin về vụ buôn lậu 15.000 tấn đồng trị giá 7 tỷ đồng của một viên chức cấp cao tại văn phòng Thủ tướng, tên là Huỳnh Huy Dương, được cho biết là người đã giả mạo chữ ký của Thủ tướng. Phóng viên Ngô Đình Vận của báo Chính Luận đã nhặt được tin này trong cuộc họp báo hằng ngày tại Bộ Thông tin cùng với các phóng viên khác. Bài báo, đăng trên báo Chính Luận số ra ngày 4 tháng 7, khi nạp bản tại Bộ trước khi in đã không hề được khuyến cáo đục bỏ, “thậm chí không cả bắt bỏ một dấu phẩy,” có nghĩa là vô hại, như Chính Luận nói. Chính Luận cũng cho biết vào ngày hôm sau họ nhận được điện thoại từ Phủ Thủ tướng yêu cầu sửa một vài chi tiết có thể tạo ra sự hiểu lầm, và tờ báo đã đăng tải lời cải chính. Rồi một tuần sau đó, vào ngày 11 tháng 7, tổng thư ký Thái Lân được mời đến Tổng hành dinh Cảnh sát Quốc gia và thẩm vấn từ sáng đến 6 giờ chiều. Vào những ngày tiếp theo, Ngô Đình Vận, phóng viên đưa tin về vụ buôn lậu đồng, cũng đã được triệu tập nhiều lần đến Cảnh sát Quốc gia, và sau cùng đã bị giam giữ từ mấy tuần qua. Ông Thái Lân cũng được lệnh trở lại để trả lời thẩm vấn thêm. Và vào ngày 31 tháng 8, ông bị câu lưu cho đến trưa, phải nộp hết tất cả căn cước, giấy tờ cá nhân và lăn tay, sau đó được yêu cầu trở lại vào ngày thứ Hai ngày 2 tháng 9. Khi ông trở lại như đã dặn thì được biết mình sẽ phải ra hầu tòa.

        Trong khi đó, cũng vào ngày 4 tháng 9 khi Chính Luận gióng lên hồi chuông báo động, 11 dân biểu Quốc hội lập ra nhóm đối lập có tên Quốc Gia và tuyên bố ủng hộ chiến dịch đòi tự do báo chí và xóa bỏ Sắc lệnh 007/72. Đáp lại, phát ngôn viên chính phủ Nguyễn Quốc Cường cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày là các dân biểu này đã hấp tấp khi tuyên bố như vậy. Ông cũng chỉ trích bức thư phản đối ngày 1 tháng 9 của PEN Việt Nam gửi PEN International, cho đó là việc làm của một “cá nhân sai lầm và tham vọng,” người đã “tự bôi bùn lên áo của mình và sau đó yêu cầu người nước ngoài giúp giặt sạch” qua việc gửi thư cho các tổ chức quốc tế, trong khi từ chối lời mời của Tổng trưởng đến để thảo luận về sự bất bình của giới cầm bút. Nhận xét của phát ngôn viên này đã đổ thêm dầu vào lửa.

PEN Việt Nam ngay lập tức trả lời bằng một lá thư dài đề ngày 4 tháng 9 năm 1974, nói rằng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ lời mời nào như vậy trong khi thực tế đã yêu cầu nhiều lần để xin hội kiến Tổng trưởng nhưng không được hồi âm. Lần đầu là vào đầu năm 1973, hội xin gặp Tổng trưởng để thảo luận về sự bất mãn của các hội viên, và sau đó hội cũng đã liên tục gửi tổng cộng 28 văn thư được liệt kê đầy đủ trong thư PEN Việt Nam, yêu cầu sự giúp đỡ của Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, các Tổng trưởng khác, cùng các ủy ban liên quan đến văn hóa khác nhau trong cả hai Thượng và Hạ viện của Quốc hội. Tuy nhiên, hội không hề nhận được một đáp ứng nào từ phía các cơ quan chính quyền. Do đó, PEN Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi sự yểm trợ của PEN International về cuộc khủng hoảng của giới cầm bút và ngành xuất bản hiện tại.

Sau lá thư ngày 4 tháng 9 trình bày trường hợp của mình với quốc tế, PEN Việt Nam quyết định tổ chức một hội nghị tại trụ sở trên đường Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, khu vực này bị một số nhân viên cảnh sát và cả nhân viên Bộ Thông tin tới cô lập. Họ nói với những người tới dự buổi họp rằng cuộc họp bị bãi bỏ, khiến một số người phải quay về. Cuộc họp tuy vậy vẫn diễn ra với một số hội viên đã có mặt sẵn trong phòng hội. Và một lần nữa, PEN Việt Nam lại công bố một lá thư phản đối. Sóng Thần tường trình toàn bộ sự việc đã xảy ra trong số báo ra ngày 6 tháng 9 năm 1974.

Cũng vào ngày 4 tháng 9, hai biến cố khác xảy ra: Sóng Thần bị Phó Tổng thống Trần Văn Hương kiện vì đã “phỉ báng và mạ lị” ông. Và 25 dân biểu được gọi là khối Dân tộc Xã hội tại Hạ viện, do luật sư tên tuổi Trần Văn Tuyên đứng đầu, tuyên bố ủng hộ chiến dịch đòi tự do báo chí. Cùng với nhóm Quốc gia gồm 11 dân biểu được đề cập ở trên, họ đưa ra một tuyên ngôn ký ngày 6 tháng 9, hứa sẽ làm việc với các nhóm tiến bộ khác tại Quốc hội để đạt cho được các mục tiêu dân chủ trong đó có quyền tự do báo chí.

        Ngày hôm sau, 5 tháng 9, một Ủy ban tranh đấu đòi quyền tự do báo chí và xuất bản được thành lập với các thành viên từ nhiều tổ chức khác nhau bao gồm Hội Chủ báo, các nghiệp đoàn ký giả và nhà phát hành, PEN Việt Nam, các trí thức, chuyên gia, dân biểu và Hội Bảo vệ Nhân quyền và Dân quyền Việt Nam. Ngày hôm sau, Ủy ban đã ban hành một tuyên ngôn ký ngày 6 tháng 9 để yêu cầu chính phủ rút lại tất cả các sắc lệnh và chấm dứt chiến dịch nhằm ngăn chặn tự do ngôn luận gây ảnh hưởng tai hại đến sinh kế của các ký giả, nhà văn, và nhiều giới liên hệ khác. Vào ngày 7 tháng 9, Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam đã công bố nội dung của một bức điện tín khẩn cấp cho Liên đoàn Ký giả Quốc tế tại Brussels để thông báo và yêu cầu hỗ trợ cho cuộc đấu tranh của các nhà báo Việt Nam.

        Trong khi chiến dịch đòi tự do báo chí tập hợp lực lượng ở Sài Gòn, thì vào ngày 9 tháng 9 một điện tín đến từ thành phố Huế. Linh mục Trần Hữu Thanh, chủ tịch Phong trào Nhân dân Chống Tham nhũng và Kiến tạo Hòa bình với sự tham gia của 301 linh mục, phổ biến bản Cáo trạng số 1 với sáu điểm tố cáo đích danh Tổng thống Thiệu tham nhũng.[10] Vào ngày 10 tháng 9, ngày lẽ ra có cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Nhã và các chủ báo, Bộ Thông tin ban hành lệnh cấm các tờ báo xuất bản bản Cáo trạng này. Tuy nhiên, Sóng Thần đã đi trước và xuất bản một bản tóm tắt sáu điểm của bản cáo trạng trong số báo ra cùng ngày. Vào lúc 2:30 giờ trưa cùng ngày, khi nhận được nạp bản của tờ báo, Bộ Thông tin lặp lại lệnh cấm in và yêu cầu đục bỏ bản tóm lược đó, song Sóng Thần tuyên bố “không thể đăng báo theo lệnh của chính phủ.” Vào lúc 3 giờ chiều, cảnh sát đến vây quanh nhà in của tờ báo, ra lệnh nếu từ chối “tự ý đục bỏ” thì báo sẽ bị tịch thu. Phụ tá chủ nhiệm Sóng Thần là Hà Thế Ruyệt, một nghị viên Hội đồng thành phố Sài Gòn và là người sẽ đại diện tờ báo đi hội kiến với Tổng trưởng Nhã, tuyên bố ông sẽ không dự buổi hội kiến nếu báo bị tịch thu. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn bao vây nhà in để ngăn chặn việc phân phối báo. Vào lúc 4:30 chiều, Bộ xác nhận Sóng Thần sẽ không bị tịch thu và đại diện Sóng Thần sau đó đã đồng ý đi gặp Tổng trưởng.

Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó cho thấy ngược lại với những gì Bộ Thông tin đã hứa hẹn là không tịch thu số báo đăng tóm tắt bản cáo trạng. Do dấy mà chúng tôi biết thêm được một hình thức tịch thu khác được Bộ Thông tin áp dụng: đó là mặc dù đã có lệnh không tịch thu báo, nhưng Bộ đã ra lệnh cho nhiều nhân viên đi tới các sạp báo mua tất cả những số báo đăng tóm lược bản cáo trạng, còn để lại biên lai nói rằng số báo Sóng Thần liên hệ đã in hai ấn bản khác nhau. Theo Sắc lệnh 007/72, như thế là vi phạm luật cấm không được in nhiều ấn bản cho một số báo.

Thực ra không dễ gì mà tuân theo luật này với trò “tự ý đục bỏ” bởi lẽ: từ khi báo nạp bản để nhân viên bộ kiểm duyệt cho tới khi báo ra sạp bán là một thời gian dài bốn tiếng đồng hồ (so với luật cũ là hai tiếng). Và trong thời gian đó, không chỉ một mà nhiều yêu cầu “tự ý đục bỏ” của Bộ được tới tấp chuyển tới nhà in, nơi nhân viên phát hành của tờ báo đang nôn nóng cho máy in chạy, trong khi giới bán báo cũng nôn nóng không kém chờ bên ngoài để nhận báo đem ra sạp báo bán hay xe đò để chuyển đi các tỉnh, đặc biệt khi số báo có tin nóng. Do đấy, không thể tránh được hiện tượng cho máy in chạy, rồi ngưng vì một tin, đoạn hay cụm chữ nào đó cần “tự ý đục bỏ” theo khuyến cáo của Bộ, rồi cho máy chạy lại, và cứ thế có khi nhiều lần trong bốn tiếng đồng hồ của thời gian nạp bản. Thế cho nên một số báo khó có thể tránh được tình trạng in và phát hành hơn một ấn bản.

Sóng Thần cảm thấy mình đã bị lừa khi phụ tá chủ nhiệm Hà Thế Ruyệt sau khi nhận được lời hứa báo sẽ không bị tịch thu và đã bằng lòng đi dự cuộc tiếp xúc với Tổng trưởng cùng với các chủ nhiệm khác. Nhưng rút cục, nhiều số báo Sóng Thần đã bị tịch thu tại các sạp báo vì tội danh in hai ấn bản.

Toàn bộ sự việc đã được tường thuật trong số báo Sóng Thần số 973 ngày 13 tháng 9 dưới hình thức thư phản đối gửi Hội đồng Báo chí -- một cơ quan dân sự được thành lập bởi luật báo chí và bao gồm ít nhất hai thành viên của mỗi tờ báo, thường là chủ nhiệm và một phóng viên. “Chúng tôi minh định rằng sự sống hay chết của riêng một tờ báo không có gì là quan trọng,” Sóng Thần viết. “Thế nhưng sự sống hay chết của quyền tự do ngôn luận thì gắn liền vào chính số phận của chế độ. Trong cảnh huống hiện nay, sự vắng mặt của bất kỳ một tờ báo nào do các mưu toan ác ý […] đều là sự đe dọa nghiêm trọng đối với chính tính chất dân chủ tự do của chế độ.” 

Cùng lúc, một loạt các tuyên bố từ các tổ chức khác nhau, kể cả PEN Việt Nam và Tổ hợp Báo định kỳ, đòi hủy bỏ kiểm soát báo chí. Tổ hợp báo định kỳ cho biết Sắc lệnh 007/72 đã giết chết 150 tạp chí định kỳ chỉ còn sót lại có bốn tờ, vì điều kiện ký quỹ 10 triệu đồng cho báo định kỳ. Vào ngày 12 tháng 9, Hội Chủ báo Việt Nam gồm chủ nhiệm các báo Việt, Hoa, Anh và Pháp ngữ họp tại Sài Gòn và ban hành một danh sách gồm có năm yêu cầu gửi chính phủ đòi hủy bỏ các sắc luật 019/69 và sắc luật 007/72, và thay thế bằng một đạo luật dựa trên Điều 12 của Hiến Pháp; đòi hủy bỏ các vụ án báo chí đã hoặc đang chờ xét xử; chấm dứt những hành động đàn áp, sách nhiễu, cản trở giới ký giả hành nghề; và bãi bỏ ký quỹ và cho phép các báo đã bị đóng cửa vì không có tiền ký quỹ được mở cửa trở lại và tiếp tục hành nghề.

Vào lúc 7:30 chiều cùng ngày, một cử chỉ mang tính tượng trưng diễn ra tại hội trường Quốc hội khi đại diện Sóng Thần Hà Thế Ruyệt công khai đốt một ấn bản của sắc lệnh 007/72. Khoảng 200 người đã tham gia, bao gồm các dân biểu, chủ nhiệm báo, chủ bút, phóng viên, đại diện tôn giáo, luật sư, và nhiều nhân vật khác, tuyên bố đặt mình dưới sự bảo vệ của Điều 12 Hiến Pháp.

           Ngày 16 tháng 9, Giáo sư Nguyễn Liệu, một thành viên của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn kiêm hiệu trưởng trường trung học tư miễn phí Quảng ngãi Nghĩa thục, viết một bài đề nghị Tổng thống Thiệu từ chức để bảo vệ tư cách lãnh đạo của ông ta và tránh rối loạn cho miền Nam Việt Nam. Ngày hôm sau, trong số báo Sóng Thần ngày 20 tháng 9, bình luận gia Lý Đại Nguyên duyệt xét bảy năm cầm quyền của Tổng thống Thiệu, người đã tranh cử vào năm 1967 hứa hẹn chấm dứt chiến tranh, xây dựng dân chủ và cải thiện xã hội, nhưng chưa có một lời hứa nào được hoàn thành.

         Trong cùng một số báo, Sóng Thần tuyên bố sẽ đăng toàn bộ bản Cáo trạng gồm 4.000 chữ của nhóm Linh mục Thanh trong số báo ngày hôm sau, tức 21 tháng 9, nhưng số báo này đã bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu. Thay vì để cho cảnh sát vào hốt báo mang đi, ban chủ biên Sóng Thần quyết định đốt báo, trong lúc nhân viên tòa soạn và những người bán báo đứng nhìn trong ngậm ngùi. Trong số những người chứng kiến ​​tờ báo “tự thiêu” có cả đại diện các cơ quan truyền thông  quốc tế.

Nhật báo Chính Luận, trong số báo ngày hôm sau 21 tháng 9, tường thuật chi tiết toàn bộ sự việc về chiến dịch báo chí đòi quyền tự do ngôn luận kể từ sau vụ phá sản của báo Hoà Bình ba tuần trước đó, dưới tít lớn “Sóng Thần nổi lửa chống đàn áp tự do ngôn luận.” Nhật báo Trắng Đen cũng chạy một tít tám cột nơi trang nhất số báo 2226 ngày 21 tháng 9: “Phản đối Nhà nước tịch thu báo Sóng Thần.” Nhóm Dân Quyền, gồm 16 dân biểu Quốc hội từng phản đối Luật ủy quyền vào năm 1972, cũng đưa ra tuyên ngôn ủng hộ chiến dịch báo chí đòi quyền tự do ngôn luận.

          Nhằm biểu dương tinh thần đoàn kết và với sự hỗ trợ của Ủy ban tranh đấu đòi quyền tự do báo chí và xuất bản trong phiên họp kéo dài tới 10 giờ tối sau vụ đốt báo, năm tờ nhật báo khác cũng tuyên bố sẽ đăng toàn bộ bản cáo trạng tham nhũng. Tuy nhiên, vào phút chót, chỉ có hai tờ báo Đại Dân TộcĐiện Tín, là còn cam kết chia sẻ hành trình với Sóng Thần, để xuất bản toàn bộ tài liệu 4.000 chữ trong số ra ngày 21 tháng 9. Đoán trước các số báo này sẽ bị tịch thu, Ủy ban tranh đấu đã huy động những người ủng hộ đến để bảo vệ các nhà in của những nhật báo này. Trong khi đó thì những nơi này bị cảnh sát bao vây dày đặc từ trưa ngày 20 tháng 9, chờ lệnh của Bộ Thông tin. Khi lệnh này đến vào xế chiều, ba tờ nhật báo với sự trợ giúp của những người ủng hộ đã chọn ném các số mới in ra cho công chúng đang đứng đông đúc trên đường trước cửa nhà in, và đốt các tờ còn lại. Nhật báo Công Luận ngày 24 tháng 9 năm 1974 đã có tường trình chi tiết qua từng giờ các biến cố trong ngày.

        Tuần cuối cùng của tháng 9 cho thấy báo chí ở trong cơn sốt tịch thu và đốt báo. Như đổ thêm dầu vào lửa, Tổng trưởng Lê Công Chất của Bộ Nội vụ, cơ quan có trách nhiệm đưa đơn khởi kiện ba tờ nhật báo đã đăng bản cáo trạng tham nhũng, trong phiên điều trần tại Quốc hội, tuyên bố những người đã đốt báo sẽ bị truy tố vì can tội thủ tiêu bằng chứng.

Bất chấp đe dọa của chính phủ, vào ngày 28 tháng 9, Hội Chủ báo Việt Nam gồm 19 tờ nhật báo, kể cả báo tiếng Anh, Pháp và Trung Hoa, đã họp để cứu xét tình hình thê thảm của báo chí sau khi công bố sáu điểm phản đối hai tuần trước nhưng vô hiệu quả. Kết thúc cuộc họp, Hội ra Tuyên ngôn số 1 tái khẳng định lập trường của hội bằng cách đặt báo chí dưới sự bảo vệ của Điều 12 Hiến pháp, yêu cầu chính phủ chấm dứt mọi biện pháp chống lại báo chí và chịu trách nhiệm về mọi hậu quả, và kêu gọi tất cả các nhật báo và tạp chí định kỳ ngừng xuất bản cho đến khi nhu cầu của họ được đáp ứng.

            Vào ngày 30 tháng 9, 37 nghị sĩ của phe đối lập ký một lá thư phản đối gởi đến Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, cảnh báo nguy cơ cộng sản gia tăng khi chế độ đang trên đường tự hủy diệt do không tôn trọng quyền tự do căn bản, trở thành kẻ thù của người dân. Vào ngày 1 tháng 10, một ngày trước khi Tổng thống Thiệu nói chuyện trên đài truyền hình quốc gia, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn công bố một thông cáo do Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình ký, khẳng định quan điểm của Giáo hội cho lẽ phải và công bằng, và khuyến khích giáo dân tham gia đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn. Trong khi đó, Lực lượng luật sư tranh đấu gồm 85 thành viên đã đưa ra một tuyên ngôn khẳng định miền Nam Việt Nam không cộng sản như Hiến pháp quy định và đặt nền tảng trên pháp trị. Lực lượng đồng thời cam kết sát cánh cùng nhân dân trong cuộc đấu tranh cho tự do và một xã hội trong sạch.

            Vào ngày 2 tháng 10, toàn bộ dân chúng miền Nam Việt Nam dán mắt vào màn ảnh truyền hình để nghe cuộc nói chuyện bấy lâu mong đợi của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Theo một điện tín đã giải mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đề ngày 3 đến ngày 9 tháng 10 năm 1974, tổng hợp từ nhiều nguồn tin khác nhau trên khắp miền Nam Việt Nam về các phản ứng đối với bài diễn văn của Tổng thống, thì “bài diễn văn quá dài (2 giờ) và cách trình bầy lan man, thiếu chuẩn bị đã làm suy yếu tác động của bài diễn văn.” Theo Trần Quốc Bửu, chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông thất vọng vì ông Thiệu đã không trả lời những chỉ trích gần đây, đã không đưa ra đề nghị giải pháp nào cho các vấn đề của miền Nam Việt Nam, hoặc duyệt xét các việc làm của chính quyền, và thay vì thế đã đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, như tình trạng suy giảm viện trợ và cộng sản phá hoại.

Tóm tắt những phản ứng này đối với bài diễn văn, điện thư này tường trình là “Hầu hết các báo cùng chia sẻ quan điểm của một tờ báo độc lập, dù hơi quá khích, Sóng Thần, khi tờ báo này viết: ‘Trái ngược với mong đợi của người dân, Tổng thống Thiệu … đã không trả lời trực tiếp [Cha Trần Hữu Thanh] về bản Cáo trạng số 1 trong đó Phong trào chống tham nhũng buộc tội [ông Thiệu].’” Các bài tường thuật có tính cách tích cực về bài nói chuyện của ông Thiệu đến từ các báo thân chính, bản tin điện của Tòa Đại sứ Mỹ cho biết.[11]

Trong khi đó, đời sống của các ký giả và công nhân xuất bản bị mất việc vì báo đóng cửa đã đạt đến giai đoạn mà ba tổ chức Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam, Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, và Hội Ái hữu Ký giả Việt Nam cảm thấy họ phải làm một cái gì, dù chỉ có tính cách tượng trưng, để báo động về tình trạng kinh tế khốn đốn của họ. Họ quyết định chọn ngày 10 tháng 10 làm Ngày ký giả đi ăn mày.

 

Vào Ngày ký giả đi ăn mày, tại trụ sở Câu lạc bộ Báo chí ở số 15 đường Lê Lợi tại trung tâm thành phố Sài Gòn, trước khi đoàn biểu tình xuất phát, đại diện ba tổ chức ký giả trên đưa ra một tuyên ngôn liên quan đến bài diễn văn một tuần trước đó của Tổng thống Thiệu, và yêu cầu ông rút lại nhận xét tiêu cực về các ký giả khi cho họ là một lũ “chuyên làm tiền” và “báo chí là những ống loa của cộng sản.” Họ cũng đồng thời đòi hủy bỏ sắc lệnh 007/72 đang hủy hoại tự do báo chí và kế sinh nhai của ký giả. Ngày ký giả đi ăn mày đã diễn ra với sự tham dự của hàng trăm nhà báo, các dân biểu, các cựu chiến binh và các nhân vật tên tuổi, như các Linh mục Thanh Lãng và Nguyễn Quang Lãm, sát cánh với học giả Hồ Hữu Tường, mỗi người đội một chiếc nón lá cũ, tay cầm gậy, vai đeo bị. Các hình ảnh chụp trong ngày này cho thấy nhiều người già cả, phụ nữ và trẻ em nắm tay nhau tạo thành một hàng rào người giữa đoàn diễn hành và lực lượng cảnh sát.

Có thể nói đây là cuộc biểu tình tự phát lớn nhất chưa từng thấy ở Sài Gòn trong những năm qua. Nhiều người dân góp tiền mặt và gạo cho những người trong đoàn “ăn mày.” Có một vài xô đẩy giữa cảnh sát và vài thành phần tham gia cuộc diễn hành như để cố tình khuấy động, nhưng cảnh sát dường như đã tự kềm chế không sử dụng sức lực nào khác ngoài tay trần và dùi cui, theo tường thuật của giới báo chí. Trong số những người cố ý khuấy rối người ta nhận thấy có một số nhân vật tự gọi là thuộc Lực lượng thứ Ba, như Ni cô Huỳnh Liên và Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, là những người được coi là có cảm tình với cộng sản. Cuộc biểu tình diễn ra êm thấm, không xẩy ra biến cố đáng tiếc nào, trừ việc một ký giả của hãng CBS bị một dùi cui vô tình đánh vào bụng, và đã được báo chí và các hãng thông tấn ngoại quốc đưa tin. Báo Sóng Thần đã đăng tải một bài tường thuật với nhiều hình ảnh về Ngày ký giả đi ăn mày trong số báo ra ngày 11 tháng 10 năm 1974. Riêng Linh mục Nguyễn Quang Lãm đã đóng góp một bài ký ghi lại kinh nghiệm lần đầu đi biểu tình của mình, dưới tựa đề “Tôi xuống đường” được đăng tải trong cùng số báo kể trên.  
     

Vào ngày hôm sau Ngày ký giả đi ăn mày, 11 tháng 10, Bộ Nội vụ gửi trát đòi tôi, với tư cách là chủ nhiệm báo Sóng Thần, ra hầu tòa vào ngày 31 tháng 10 vì đã phạm tội phỉ báng và vu khống Tổng thống khi đăng tải bản Cáo trạng số 1 của Phong trào nhân dân chống tham nhũng và kiến tạo hòa bình trong số báo ra ngày 21 tháng 9, mặc dù toàn bộ số báo đó đã bị tịch thu. Cũng nhận được trát hầu tòa là chủ nhiệm hai tờ Đại Dân TộcĐiện Tín. Ngày hầu tòa của họ được ấn định vào ngày 7 tháng 11. 

Nghị sĩ Lý Quí Chung viết trong một bài báo đăng trên Sóng Thần ngày 16 tháng 10, đặt câu hỏi về loại bản án nào cho một tờ báo vốn chỉ làm công việc của mình là đưa tin. Nghị sĩ Chung tự hỏi tại sao Linh mục Thanh, tác giả của Bản Cáo trạng và những người đã đọc những lời buộc tội này ở nơi công cộng đã không bị kiện. Ông Chung tiếp tục chất vấn tại sao nếu Tổng thống Thiệu cảm thấy rằng mình bị phỉ báng và vu khống đã không làm cái việc bình thường, đó là yêu cầu tờ báo cải chính trước khi dùng tới biện pháp mạnh, đó là kiện tờ báo. Dù phán quyết của tòa đối với Sóng Thần ra thế nào, ông Chung kết luận, thì công luận cũng sẽ có phán quyết của mình dành cho tòa.

Vào ngày 13 tháng 10, Lực lượng Luật sư Tranh đấu đã thông báo cho Ủy ban tranh đấu cho quyền tự do báo chí và xuất bản rằng đã có tổng cộng 175 luật sư đã ghi tên vào đoàn biện hộ cho báo Sóng Thần. Con số này vào ngày trước ngày Sóng Thần phải ra tòa đã lên tới tổng cộng 205 luật sư, trong đó có sự góp mặt của các bậc lão thành của ngành luật như các luật sư Bùi Tường Chiểu, Hồ Tri Châu, Lê Ngọc Chấn, Vũ Văn Bút, Trần Văn Văn, Bùi Văn Văn, Vũ Văn Mẫu và nữ luật sư nổi tiếng, bà Nguyễn Phước Đại. Trong số các điều phối viên của Lực lượng luật sư tranh đấu đã làm việc kiên trì từ đầu tới cuối phải kể tới các luật sư trẻ Đinh Thạch Bích và Đặng Thị Tám, với sự hợp tác của luật sư riêng của Sóng Thần là Đàm Quang Lâm.

         Trong bối cảnh sôi động đó, tình trạng báo chí bị tịch thu vẫn không thuyên giảm. Tính đến ngày 19 tháng 10, Hội Chủ báo cho biết là đã có tổng cộng 11 lần báo bị tịch thu từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 10. Ngoài ra, nhật báo Đại Dân Tộc cho biết nhà in của họ đã bị chính quyền đóng cửa. Trong khi đó, tại một số tỉnh, văn phòng của báo Sóng Thần được lệnh tháo gỡ bảng hiệu và được nhân viên công lực cho biết là theo lệnh từ trung ương của Bộ Nội vụ. Trước tình trạng đó, Hội Chủ báo ra tuyên cáo: 1) bắt đầu từ ngày 21 tháng 10, tất cả các nhật báo sẽ không tường thuật bất kỳ tin tức gì liên quan đến chính phủ; và 2) không gửi phóng viên tham dự bất kỳ cuộc họp báo nào do chính phủ tổ chức, bao gồm cả cuộc họp báo hàng ngày tại Bộ Thông tin.

        Vào ngày 23 tháng 10, để xoa dịu báo chí, Thủ tướng Chính phủ đã giải nhiệm  bốn Tổng trưởng của Bộ Thông tin, Thương mại và Kỹ nghệ, Tài chính, và Nông nghiệp. Những Tổng trưởng này tuy vậy vẫn còn tại chức xử lý thuờng vụ. Và nỗi khốn khổ của báo chí miền Nam vẫn tiếp diễn.

        Vào ngày 24 tháng 10, lần đầu tiên Linh mục Thanh của Phong trào nhân dân chống tham nhũng và kiến tạo hòa bình tiếp xúc với Lực lượng luật sư tranh đấu và Ủy ban tranh đấu cho quyền tự do báo chí và xuất bản để phối hợp hành động cho ngày xét xử báo Sóng Thần. Họ chọn ngày 31 tháng 10 là ngày để thể hiện ý chí hợp tác của họ. Cũng trong cuộc gặp gỡ này, Linh mục Thanh nói rằng ông sẵn sàng vào tù thay cho chủ nhiệm Sóng Thần nếu việc này xảy ra. Và nếu tòa án phạt tiền, ông nói sẽ kêu gọi giáo xứ của ông đóng góp mỗi người 10 đồng cho đến khi đạt được mục tiêu 5 hoặc 10 triệu đồng.

          Được biết vào ngày 25 tháng 10 Viện Báo chí Quốc tế với 1.900 hội viên gửi điện tín cho Tổng thống Thiệu phản đối sự áp bức đối với báo chí Việt Nam, và yêu cầu tự do báo chí được khôi phục. Cũng trong ngày hôm đó, Hội đồng Phối hợp Hành động gồm đại diện của 10 tổ chức trong ngành báo chí và xuất bản và dân sự khác đưa ra chương trình hành động cho ngày xử báo Sóng Thần, được gọi là “Ngày Công Lý và Báo chí Thọ Nạn.” Theo đó, vào ngày 30 tháng 10, một buổi cầu nguyện dự trù diễn ra tại Câu lạc bộ Báo chí tại số 15 đường Lê Lợi; và tất cả các báo ngừng xuất bản vào ngày phiên tòa diễn ra. Phong trào nhân dân chống tham nhũng và kiến tạo hòa bình của Linh mục Thanh cùng phối hợp với các giáo xứ vùng ngoại vi Sài Gòn cũng chuẩn bị làm đêm canh thức vào ngày 30, với Thánh lễ cầu nguyện cho quốc gia và khai sáng các nhà lãnh đạo. Các nhà tổ chức chiến dịch đêm canh thức cũng tuyên bố sẽ đi bộ tới tòa án sáng hôm sau để yểm trợ báo chí đồng thời kêu gọi lương tâm của Tư pháp.

         Trong khi đó, buổi chiều ngày 30 tháng 10 nhật báo Sóng Thần đã tổ chức một bữa tiệc chia tay tại câu lạc bộ PEN Việt Nam. Đây cũng là nơi bốn năm trước chúng tôi đã tổ chức một buổi tiếp tân để giới thiệu tờ báo do tập thể làm chủ đầu tiên của làng báo Việt Nam với thân hữu và công chúng. Sau bữa tiệc chia tay đơn giản, tôi được “bàn giao” cho các đại diện của Lực lượng luật sư tranh đấu, và họ có nhiệm vụ đưa tôi đến một nơi an toàn nghỉ qua đêm chờ phiên tòa ngày hôm sau vì các luật sư cho biết khu tòa án trên đường Công Lý sẽ bị phong tỏa bởi giây kẽm gai, rào cản và cảnh sát.

Đêm hôm đó, một đêm được giới tranh đấu mệnh danh là “Đêm trải mền,” tôi nghỉ đêm tại căn phòng nhỏ trong văn phòng của luật sư Đặng thị Tám nằm trong khu vực Tòa án, cùng với một số luật sư trẻ khác. Họ chia nhau nằm la liệt trên sàn nhà và tại mọi ngõ ngách của văn phòng luật sư, có người phải ngủ ngồi vì không đủ chỗ. Cùng với tôi là hai phóng viên trẻ của Sóng Thần, ký giả Triều Giang và phóng viên nhiếp ảnh Nguyễn Tân Dân.

TD -BIEU TINH 2

 

‘Ngày dài nhất’

Đó cũng là hàng tít chạy tám cột trên trang nhất của báo Sóng Thần đề ngày 31 tháng 10 năm 1974. Ngày đó cuối cùng đã đến.

Trung tâm thành phố Sài Gòn bị phong tỏa. Mọi sinh hoạt ngưng trệ. Phố xá vắng tanh. Người người hồi hộp chờ đợi. Từ sáng sớm những đoàn người biểu tình rầm rộ từ các giáo xứ kéo về trung tâm thành phố Sài Gòn đều bị rào cản, giây thép gai, cảnh sát trang bị chống bạo động cản lại. Có một vài đụng độ, xô sát xẩy ra giữa người biểu tình và cảnh sát, nhưng không có gì đáng tiếc xẩy ra. Nhiều luật sư trong đoàn biện hộ bị cản lại tại các chốt chặn không được vào khu vực tòa án.

Nhóm chúng tôi nhờ ngủ đêm tại văn phòng luật sư Tám chỉ cách tòa án có đôi ba con phố nên đi bộ tới tòa, qua những con đường vắng tanh như trong một thành phố ma. Dù vậy, khi tới được tòa án, đoàn chúng tôi cũng phải điều đình với các nhân viên an ninh trước tòa một lúc họ mới mở cổng và kéo giây kẽm gai sang một bên cho chúng tôi vào tòa.

 

Phiên tòa “lịch sử” cuối cùng đã không hề diễn ra. Bộ Nội vụ đã hoãn ngày xử hay rút đơn kiện, tôi không còn nhớ. Đoàn luật sư biện hộ cũng như bị cáo không hề được thông báo cho tới khi vào phòng xử. Không một lý do được đưa ra về sự trì hoãn hay bãi bỏ này.

Ba tháng sau, vào một ngày tháng Hai sau Tết Nguyên Đán, giữa lúc chiến cuộc gia tăng, chúng tôi nhận được thư từ Bộ Nội vụ gửi tới tòa soạn Sóng Thần tại số 133 đường Võ Tánh, thông báo là giấy phép xuất bản báo đã bị thu hồi mà không đưa ra lý do. Việc này hoàn toàn trái với luật định là phải có án lệnh của Tư pháp.

 

Kết luận

           Trong lúc tôi đang viết chương này, báo chí Hoa Kỳ đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng với Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, người đã gọi truyền thông là “kẻ thù của quần chúng” qua một cái  tweet vào tối thứ Sáu ngày 17 tháng 2 năm 2017. Chỉ trích ông Trump vì đã gọi truyền thông là kẻ thù, Thượng nghị sĩ Cộng hòa, John McCain, nói: “Đó là cách mà những nhà độc tài bắt đầu.” Sự việc này khiến nhớ tới câu nói nổi tiếng của một trong những nhà lập quốc Mỹ, Thomas Jefferson. Trong một lá thư từ Paris gửi Edward Carrington, một chiến sĩ và chính khách từ Virginia mà ông Jefferson gửi tới Quốc hội từ năm 1786 đến năm 1788, về tầm quan trọng của một nền báo chí tự do để canh chừng chính quyền, ông viết: “Nếu như tôi phải chọn giữa một chính phủ mà không có báo chí hay một nền báo chí không có chính phủ, tôi sẽ không ngần ngại chọn cái sau.”

         Một sự lựa chọn như vậy chắc chắn sẽ không phù hợp với một nền dân chủ còn non nớt lại đang phải trải qua một cuộc chiến tàn khốc trong khi cố gắng xây dựng một quốc gia còn non trẻ và mỏng manh như Việt Nam Cộng Hòa. Báo chí ở miền Nam Việt Nam hiểu sự cần thiết của một số hạn chế từ chính quyền, đặc biệt khi có những tay sai cộng sản nằm vùng trà trộn trong hàng ngũ của họ. Các nhà báo miền Nam biết rõ sự hiện diện của cán bộ cộng sản và cảm tình viên trong hàng ngũ của họ, nhưng vì tôn trọng dân chủ và pháp quyền, họ để yên những nhân vật nằm vùng này, hoặc có khi vì ý thức nhân bản, họ cũng đã ký tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu thả một nhà báo thân cộng nào đó, điển hình là trường hợp của nhà văn Vũ Hạnh nằm vùng cho cộng sản.

Dù vậy, tôi tin rằng nếu lúc đó đã có những cuộc đối thoại thành thực giữa chính quyền của Tổng thống Thiệu và báo chí thì đã rất hữu ích và sự hỗn loạn có thể đã ít hơn hoặc có thể đã tránh được. Chính phủ có thể lắng nghe với sự quan tâm chân thành đối với những than phiền của báo giới, sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi hợp pháp của họ, và ngược lại yêu cầu báo giới hỗ trợ trong việc cải tiến xã hội và chống lại làn sóng xâm lăng của cộng sản. Đã hẳn điều đó nghe ra có vẻ lý tưởng, nếu không nói là ngây thơ, nhưng đó là điều mà tôi và nhiều người bạn của tôi cảm thấy trong những ngày tháng cuối cùng của miền Nam. Vâng, quả chúng tôi đã từng ao ước phải chi chính phủ của ông Thiệu triệu tập một hội nghị giống như Diên Hồng mà Vua Trần Thánh Tông của nhà Trần đã làm vào năm 1284 để trưng cầu ý dân về việc nên chiến đấu hay đầu hàng quân Tầu đang đe dọa xâm chiếm đất nước.

Thật không may là cả hai ước vọng – đối thoại chân thành giữa chính quyền và báo giới và chính quyền mở một cuộc trưng cầu dân ý vào những ngày sôi động đầu năm 1975 -- đã không diễn ra.

Từ nhiều năm nay tôi ngần ngại không muốn viết về kinh nghiệm của một người đã từng tham gia vào cuộc tranh đấu cho tự do báo chí có một không hai trong lịch sử báo chí Việt Nam này. Phần lớn do sự khiêm tốn vì nghĩ Sóng Thần là tờ báo của tập thể gồm những người quan tâm tới sự sống còn của một hậu phương lành mạnh để yểm trợ cho một tiền tuyến chống cộng sản độc tài. Viết về kinh nghiệm này có khác nào như ngầm tự đề cao vì không thể không nhắc đến tư cách chủ nhiệm tờ báo của mình. Tôi đã quyết định vượt qua sự ngần ngại đó khi theo dõi những gì đã và đang xẩy ra tại quê hương thứ hai của tôi từ sau kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016, và việc báo chí dòng chính đã hầu như đồng loạt hành xử Quyền thứ Tư của mình để canh chừng chính phủ và thông tin ngay thực cho quần chúng.

Tôi muốn chứng tỏ đấy cũng là những gì báo chí miền Nam đã cố gắng làm hơn 40 năm trước bất chấp mọi khó khăn, đàn áp. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này để vinh danh những nhà báo, nhà văn, nhà xuất bản, thợ thuyền nhà in và rất nhiều người đã tiếp tay trong cuộc tranh đấu cho tự do báo chí của miền Nam cách đây trên bốn thập niên vì lòng can đảm và ý thức mạnh mẽ về quyền hạn cũng như trách nhiệm của báo chí. Tôi cầu mong giới truyền thông Hoa Kỳ sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, và tôi cũng tin tưởng mãnh liệt là họ sẽ thành công nhờ có được một nền tảng dân chủ lâu đời và một hệ thống chính trị kiểm tra và cân bằng hữu hiệu. Và cuối cùng, tôi hy vọng một khi tự do dân chủ được khôi phục ở Việt Nam, báo chí cũng như bất cứ ai sẽ có trách nhiệm quản lý và xây dựng lại quê mẹ của tôi sẽ học hỏi từ kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa và đặc biệt là mẫu mực của Mỹ, để xây dựng nên một nước Việt Nam xứng đáng góp mặt với thế giới văn minh của nhân loại.

 

[TD2017, 2024]

 

 

 



[1] Uyên Thao & Lê Thiệp, “Sóng Thần: Vụ Án Lịch Sử 31-10-1974, Ngày Báo Chí và Công Lý Thọ Nạn,” Uyên Thảo and Lê Thiệp soạn thảo, tài liệu nội bộ, Sóng Thần 1974. Ấn bản pdf tại https://www.dropbox.com/scl/fi/621z4e5fq8g6gs177rkjt/ST-VuAn31oct74_UT-LT.pdf?rlkey=teino4n55hn2yxbfj5sd6rpeh&dl=0

[2] Hiến pháp Việt-Nam Cộng-Hòa, ban hành ngày 1 tháng 4 năm 1967. [Saigon] Nha Kế-hoạch Tâm-lý-chiến [1967] 46 p. 21 cm. https://lccn.loc.gov/74218431

[3] “Luật số 019/69 ngày 30 tháng 12 năm 1969 ấn định QUY CHẾ BÁO CHÍ - Sửa đổi bởi Sắc Luật số 007-TT/SLu Ngày 4-8-1972 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà” (Saigon: Bộ Thông Tin, 1972). Ấn bản pdf tại https://tusachtiengviet.com/images/file/N3zxCLw71ggQAFEX/quy-che-bao-chi.pdf

[4] Tên Bộ này sau đó được đổi thành Bộ Dân vận và Chiêu hồi; tuy nhiên, đối với bài viết này, tôi sẽ sử dụng tên cũ cho đơn giản.

[5] Trần Thúc Linh, “Góp ý kiến về Luật báo chí Việt Nam,” Báo Chí Tập San, Tập I, Số 2, Đại học Đà lạt, Mùa hè năm 1968. Số Báo Chí Tập San này do Nguyễn Ngọc Linh biên soạn, có phần in lại 41 luật báo chí và sắc lệnh ban hành bằng tiếng Pháp và tiếng Việt từ năm 1881 đến 1968. Ấn bản pdf tại https://tusachtiengviet.com/a826/bao-chi-tap-san-so-1-2

[6] Van Nguyen-Marshall, “Appeasing the Spirits Along the ‘Highway of Horror’: Civic Life in Wartime Republic of Vietnam,” War & Society, DOI: 10.1080/07292473.2018.1469107.

[7] Trùng Dương, “Báo Chí Miền Nam: Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử, nhìn lại vụ Chu Tử bị ám sát hụt, ngày 16- 4-1966,” tại https://hopluu.net/a2073/nhan-ky-niem-38-nam-ngay-gio-chu-tu-nhin-lai-vu-chu-tu-bi-am-sat-hut-ngay-16-4-1966

[8] Luật ủy quyền 005/72, Công-Báo Việt-Nam Cộng-Hoà, Không rõ số, để ngày 29 tháng 6, năm 1972. Tư liệu Trần Gia Phụng.

 

[9] Nguyễn Việt Chước (Hồng Hà), Lược sử Báo chí Việt Nam, Saigon 1974. Ấn bản điện tử tại http://tusachtiengviet.com/author/post/19/1/hong-ha-nguyen-viet-chuoc?r=L3AxMDdhNDkyL25odW5nLXRyYW5nLXN1LXZlLXZhbmctcXV5ZW4tMg

[10] Letter from Vietnam Indictment No. 1. Vietnam Center and Archive. 14510325042 08 September 1974 Box 03, Folder 25. Social Movements Collection. The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University. Accessed 12 Apr. 2019, tại https://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=14510325042. Bản cáo trạng liệt kê sáu tội tham nhũng: 1) Nắm giữ bất động sản của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, 2) Nắm giữ đất ở Đà Lạt, 3) Đầu cơ phân bón, 4) Bệnh viện Vì Dân do Bà Thiệu sáng lập, 5) Buôn bán ma túy liên quan đến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và Tướng Đặng Văn Quang, và 6) Vụ lúa gạo ở miền Trung Việt Nam. Một số cáo buộc, như cáo buộc thứ năm về buôn bán ma túy, được cho là không có chứng cứ vì tất cả những người liên quan cuối cùng đã được phép tái định cư tại Hoa Kỳ, theo Trần Gia Phụng, Chiến Tranh Việt Nam, 1960-1975, (Việt Sử Đại Cương, Tập 7), p. 378, Nhà xuất bản Non Nước, Toronto, 2013.

[11] State Department Cable, Embassy Saigon Mission Weekly for Oct. 3-9, 1974. Declassified/Released US Department of State EO Systematic Review 30 JUN 2005 https://aad.archives.gov/aad/createpdf?rid=219521&dt=2474&dl=1345

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Năm 202411:00 SA(Xem: 5001)
Đã hai giờ đồng hồ, trong lớp học của bé, 31 bạn học với 02 cô giáo cùng 03 mẹ phụ huynh vẫn còn vui liên hoan cuối năm, còn bé thì cứ mong ngóng bố mẹ tới đón từ lâu, lâu tựa cả một buổi học mà không được ra chơi ấy chứ…
27 Tháng Năm 20249:48 SA(Xem: 4302)
Sau hơn hai mươi năm, tác phẩm ra đời, tôi đọc lại cuốn sách và cảm xúc vẫn nguyên vẹn trong tôi như lần đầu tiếp cận với Truyện Khảo Về Huế của tác giả Trần Kiêm Đoàn (Nxb Trẻ tháng 3/ 2000).
23 Tháng Năm 202412:44 SA(Xem: 4854)
Tôi viết chữ trên không / Rồi nghe đời biệt dạng / Mưa sấm qua cánh đồng / Nạo vét mùa khô
23 Tháng Năm 202412:21 SA(Xem: 5095)
Anh Trần Đình Đài là con trai thứ trong một gia đình trung lưu ở quận 3, Saigon xưa. Mẹ anh cũng là hậu duệ của hoàng gia triều Nguyễn. Cha anh là một trí thức vì vậy cả đàn con, bảy đứa ba mẹ đều cho ăn học đến nơi đến chốn. Những năm tháng ấy, đất nước bất ổn, tiếng súng vẫn hăm he đau đó trên đầu, bên cạnh cuộc sống bất an là vậy nhưng cha mẹ anh vẫn cố làm lụng để chăm lo cho con cái, trang trải cuộc sống. Mẹ anh tần tảo đủ mọi việc như buôn bán, chạy hàng chợ trên chợ dưới để làm sao các con đều được học hành nên người.
23 Tháng Năm 202412:01 SA(Xem: 4602)
Ánh hoàng hôn cuối cùng lóe lên trên đường cái quan. Trời nhập nhoạng. Hành giả nhìn trước nhìn sau, rời đường nhựa, lẻn bước vào một lối mòn. Một cô gái trạc 28 tuổi đeo túi xách và máy ảnh từ xa chạy tới và rảo bước theo ông.
16 Tháng Năm 20248:32 SA(Xem: 4934)
Chiều, cuối dòng Lại giang / Dòng sông trôi / Xuân hạ thu đông / Chiều bên dòng Lại giang / Nắng trôi / Dòng người lú lượt lao nhanh qua cầu nối đôi bờ /
16 Tháng Năm 20248:16 SA(Xem: 5159)
đợi người về rót rượu bên sông / ngàn dặm đường xa một nổi lòng / trông vời mấy ngọn mây tần trắng / dào dạt chiều nay nổi chờ mong
06 Tháng Năm 20243:11 CH(Xem: 5204)
“Thưa ngài, về đồ ăn mà các ngài chỉ định nhà hàng mang đến, xin vui lòng thu xếp người để chúng tôi trao đổi rõ hơn về các quy định của khách sạn”. Guillaume đánh thức tôi dậy trong dòng hồi tưởng một cách chuyên nghiệp. Tôi lia mắt qua từng đồ vật, chi tiết, màu sắc được phối một cách hài hoà, tinh mỹ trong căn phòng tổng thống, quả là không chê vào đâu được với một gã đã từng phục vụ tại thế giới du lịch như Guillaume. Tất cả chúng đều bóng loáng không một hạt bụi. Hẳn tôi đã bước vào, đi quanh, ngó nghiêng, ngồi xuống cái sofa này như một kẻ mộng du, rồi trầm mặc trong sự ngỡ ngàng của gã.
05 Tháng Năm 202411:41 CH(Xem: 4171)
Cô em bên Texas gửi text về một bản tin CNN tường trình việc các nhà ngoại giao Âu châu giành nhau gặp gỡ các đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump, người coi như sẽ được đề cử đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống tháng 11 tới, để thăm dò. Cùng lúc, báo chí loan tin ngoại trưởng Anh David Cameron đã tới tận tư dinh của ông Trump ở Florida để tham khảo về cuộc chiến tại Ukraine và xung đột Israel-Gaza. Tôi đoán các bản tin khiến cô lo ngại về một Trump 2.0, như thể điều đó sẽ phải xẩy ra thôi.
05 Tháng Năm 202410:43 CH(Xem: 7521)
tôi đến thành phố vào hai giờ sáng lạnh lẽo vô hồn / cơn mưa rơi ngoài hàng hiên có con chim bồ câu trú ẩn / ánh đèn vàng như thây ma bên mái chái / người homeless nằm co quắp dưới gầm cầu / đưa tay xin điếu thuốc / trời về khuya lặng lẽ như vì sao băng /