- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

GẶP TƯỚNG L Ê-NGUYÊN-V Ỹ… LẦN CUỐI

08 Tháng Tư 20248:51 CH(Xem: 9932)
tuongLeNguyenVy
Lê Nguyên Vỹ (1933 – 1975)

      

GẶP TƯỚNG LÊ-NGUYÊN-VỸ…LẦN CUỐI

Triệu Vũ


T
ừ phòng ngủ của Tư-Lệnh bước ra, Y-Sĩ Thiếu-Tá Đàm-Quang-Hiển xúc động, nghẹn ngào : “Thiếu-Tướng… đi rồi!” … Các Sĩ-Quan hiện diện, không cầm được nước mắt, kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt chủ tướng. Bác-sĩ Đàm-Quang-Hiển, hiện định cư tại Mỹ, bang Minesota, nguyên là y sĩ trưởng Sư-Đoàn 5 Bộ Binh, kiêm Tiểu-Đoàn-Trưởng Tiểu-Đoàn 5 Quân-Y. Vào trưa ngày 30 tháng 4 năm ấy, ông được gọi lên, với hy vọng cấp cứu Chuẩn-Tướng Tư-Lệnh vừa dùng súng tự sát... Bác sĩ Hiển khám nghiệm, bắt mạch….Nhưng không kịp ! Người đã “đi” rồi! Ôi ! Thực buồn làm sao!

Lại sắp tới ngày 30 tháng 4 ! Đã 49 năm trôi qua, nơi tâm tư riêng, từ vùng sâu thẳm ký ức của mỗi người, của nhiều người; tưởng rằng đã quên hoặc đã phai mờ phần nào. Có khi cái ngày “quái ác” ấy, không biến mất, mà còn âm ỷ gậm nhấm, nhói buốt trong tim; nhắc nhở, nghĩ về xa xưa. Như những rỉ sét bám vào thanh kim loại, cứ ôm chặt, bào mòn, khiến bao người bàng hoàng, ngơ ngác, tưởng như mới xảy ra hôm nào, gần đây thôi. Có nhiều người cho rằng đó là một nhát chém, một vết thương .Vết thương ấy có thể đã thành sẹo, hoặc đã theo ai đó, chôn sâu dưới ba thước đất, hoặc có khi vẫn chưa lành, còn nhức nhối, còn rỉ máu. Là một quân nhân và cũng là chứng nhân, nên bao nhiêu kỷ niệm về ngày 30 tháng 4 đau buồn này, trong tâm trí tôi, theo chu kỳ một năm, lại hiện về. Trên toàn thế giới, nơi nào có Cộng đồng người Việt cư ngụ, nơi ấy chắc chắn sẽ tổ chức một lễ tưởng niệm; có thể đơn giản, thu hẹp, hoặc trọng thể, với nhiều tên gọi Ngày Quốc Hận, Ngày Mất Nước, nhớ về Tháng Tư Đen v.v . Tham dự lễ tưởng niệm, mọi người dâng hương tri ân, tưởng nhớ các quân, dân, cán chính đã hy sinh vì tổ quốc, hoặc thiệt mạng trên đường tìm tự do; đồng thời đặc biệt vinh danh 5 vị tướng đã anh dũng tuẫn tiết vào thời khắc không thể quên. “Sinh Vi Tướng, Tử Vi Thần”! Thực hãnh diện biết bao, trong trang sử Việt, có thêm 5 vị “ Thần”: Nguyễn-Khoa-Nam, Phạm-Văn-Phú, Trần-Văn-Hai, Lê-Văn-Hưng và Lê-Nguyên-Vỹ .

            Tôi chưa có hân hạnh được làm việc, hay phục vụ trong đơn vị của các Tướng Nam, Phú, Hai.  Riêng với Tướng Hưng, nhất là với Tướng Vỹ là hai vị  Cựu Tư-lệnh Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh  (  SĐ5BB ), một đại đơn vị, tôi đã phục vụ 8 năm rưỡi; trong đó, với trên 4 năm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị yểm trợ tiếp liệu và hành chánh cho Bộ Tư-Lệnh Sư-Đoàn, nên tôi đã nhiều lần làm việc trực tiếp với hai vị Tướng này.

            Nhớ lại, gần 60 năm trước, tháng11-1964, tôi nhận lệnh động viên để theo học khóa19 Sĩ-Quan Trừ-Bị Thủ-Đức (khóa19/TĐ). Đầu tháng 9 năm 1965, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn-Úy, được điều về phục vụ tại Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh ( SĐ5BB ).Thế rồi, thời gian trôi mau, trải qua 5 đời Tư lệnh :

            -Đại-Tá Phạm-Quốc-Thuần,Tư-Lệnh(TL);Đại-Tá Dương-Phún-Sáng:Tư-Lệnh-Phó(TLP)

            -Thiếu-Tướng Nguyễn-Văn-Hiếu, TL ; Đại-Tá  Ngô-Lê-Tuệ , TLP.

            -Đại-Tá  Lê-Văn-Hưng , TL ; Đại-Tá  Lê-Nguyên-Vỹ ,TLP .

            -Đại-Tá  Trần-Quốc-Lịch , TL ; Đại-Tá  Nguyễn-Bá-Long , TLP .

`           -Đại-Tá  Lê-Nguyên-Vỹ , TL ; Đại-Tá  Trần-Văn-Thoàn , TLP .

            Đời quân ngũ của tôi, không có gì là oai hùng; tôi được chỉ định phục vụ tại đơn vị kỹ thuật của Sư-Đoàn, yểm trợ các đơn vị chiến đấu ngoài trận tuyến.Tuy vậy, dù ở cương vị nào, chức vụ gì, tôi chỉ biết chu toàn trách nhiệm. Nhớ ngày ấy, trong doanh trại các đơn vị thuộc Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh (SĐ5BB), đó đây có những tấm bảng, sơn đậm màu hàng chữ:“Không nhiệm vụ nào khó; không hy sinh nào lớn; bổn phận trên hết”. Chiến binh SĐ5BB, không ai quên được lời tâm nguyện này. Chỉ 14 chữ đơn giản, nhưng đã nhắc nhở, thấm sâu vào tim óc tôi lúc đó, một thanh niên, một sĩ-quan trẻ tràn đầy nhiệt huyết…

            Thời gian cứ trôi, về đơn vị đã vài tháng; tuy được chỉ định đúng theo bảng cấp số: Sĩ quan Tiếp-liệu kiêm Thanh-tra; nhưng có thể nói, tôi thi hành bất cứ nhiệm vụ gì thượng cấp giao. Tôi còn nhớ, vào cuối tháng 11-1965, ông đơn vị trưởng giao tôi nhiệm vụ Trưởng toán (trên 30 người) đi thu lượm thi hài quân nhân tử trận, tại khu vực làng 13 bis, đồn điền cao su Michelin, thuộc quận Dầu-Tiếng, tỉnh Bình-Dương. Chuyến công tác này, tôi ghi lại trong một bài viết, vào dịp Lễ Tạ Ơn 2017, với tựa đề “Phía Sau Mặt Trận”, đăng trong Tạp Chí Hợp-Lưu, do nhà thơ Đặnh-Hiền chủ biên, ở miền Nam California. Cũng cuối năm 1965 ấy, Bộ-Tư-Lệnh sư đoàn hướng dẫn các tân sĩ-quan mới tốt nghiệp khóa 20 Võ-Bị Đà-Lạt, được điều về SĐ5BB, đến thăm đơn vị tôi, trước khi phân phối đi các Trung-Đoàn. Ông Đơn-Vị-Trưởng, ông phụ tá “ e ngại” điều gì đó, lánh mặt và yêu cầu tôi, một Chuẩn-Úy mới ra trường, đại diện đơn vị, thuyết trình cho phái đoàn. Sau cùng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói, vài ba năm đầu, hầu như tôi công tác ngoài đơn vị. Khi thì huấn luyện, khi thì hội thảo, hoặc tham dự các khóa học ngắn hạn; thường xuyên đến các đơn vị thuộc Sư-Đoàn để thanh tra, nhiều  khi xuống tận trung đội bộ binh để nhận xét tại chỗ, nhu cầu tiếp liệu của quân nhân. Thời gian này, tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ Tướng Vỹ và được biết thêm nhiều về Ông. Lúc ấy Ông còn mang cấp Thiếu-Tá, giữ chức Trung-Đoàn-Trưởng Trung-Đoàn 9 Bộ-Binh, rồi được thăng cấpTrung-Tá. Sau đó Ông giữ chức Trung-Đoàn-Trưởng Trung-Đoàn 8, thăng cấp Đại-Tá; và năm 1970, Ông đi thụ huấn  khóa Chỉ-Huy-Tham-Mưu Cao-Cấp tại Hoa-Kỳ …

            Nhớ lại, khoảng giữa năm 1968, theo tổ chức mới, mỗi Sư-Đoàn thành lập một Tiểu-Đoàn Tiếp-Vận; SĐ5BB được chỉ định thành lập Tiểu-Đoàn Tiếp-Vận đầu tiên để trắc nghiệm.Và Đại-Đội 5 Quân-Nhu được cải danh thành Đại-Đội Tiếp-Liệu (ĐĐTL) trực thuộc Tiểu-Đoàn 5 Tiếp-Vận (TĐ5TV). Đại-Đội Tiếp-Liệu, ngoài Đại-Đội-Trưởng, có 12 Sĩ-Quan và trên hai trăm quân nhân thuộc quyền. Thời gian trôi mau, phục vụ tại SĐ5BB đã 5 năm, và tháng 10-1970, tôi được chỉ định giữ chức Đại-Đội-Trưởng Đại-Đội Tiếp-Liệu, thay Đại-Úy Lý-Văn-Trọng (khóa7-Thủ Đức) đi thụ huấn tại Hoa-Kỳ. Ít tháng sau, Đại-Tá Lê-Văn-Hưng thay Tướng Hiếu làm Tư-Lệnh SĐ5BB, Đại-Tá Hưng được thăng cấp Chuẩn-Tướng đầu năm 1972.

            Vào giữa năm 1971, mãn khóa học Chỉ-Huy-Tham-Mưu Cao-Cấp, Đại-Tá Lê-Nguyên-Vỹ được chỉ định về làm Tư-Lệnh-Phó/SĐ5BB. Thời gian ngắn sau, Ông được thông báo chuẩn bị nhận chức Tư Lệnh Sư-Đoàn 22 Bộ-Binh  thuộc Vùng II Chiến Thuật. Nhưng, tin tình báo ghi nhận : Có nhiều khả năng, Việt-Công sắp sửa mở cuộc tấn công lớn vào dịp Xuân Hè 1972; không giống tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam, như dịp Tết Mậu Thân (1968), mà nhắm ba mục tiêu chính là Quảng-Trị, Kon-Tum và Bình-Long. Với trên mười năm hành quân trong vùng trách nhiệm của SĐ5BB và Khu 32 Chiến Thuật (gồm 3 tỉnh Bình-Dương, Bình-Long, Phước-Long). Đại-Tá Vỹ thuộc lòng địa hình, địa danh…những chi tiết, từ gốc đa cổ thụ kế bên ngôi miếu cổ; từ con  suối nhỏ dưới chân ngọn đồi dốc;  từ con đường mòn, giao lộ đến cây cầu kiên cố hoặc đơn sơ… Đặc biệt, biết bao lần, đơn vị do ông chỉ huy đã phục kích, chạm trán, đương đầu, truy lùng và diệt gọn địch quân ...cho nên cấp trên giữ ông tạm thời ở lại phụ lực với Tướng Hưng. Và đầu tháng 4-1972, trận chiến Bình-Long An-Lộc khởi diễn; Tư-lệnh chiến trường là Chuẩn-Tướng Hưng, Tư-Lệnh Phó là Đại-Tá Vỹ ( Đại-Tá Lê-Đức-Đạt được chỉ định làm TL/SĐ22BB). Viết đến đây, tôi chợt nhận ra không biết có chăng, một sự kết hợp nhiệm mầu, kỳ diệu, hay là một sắp xếp định mệnh huyền bí giữa hai vị Thần có tộc nguồn họ Lê. Năm 1933 , vùng đất phương Nam, nơi Gia-Định thành, ngôi sao Lê-Văn-Hưng chào đời. Cũng năm 1933 ấy, tại miền Bắc nước ta, nơi có thành Sơn-Tây, một vì sao khác Lê-Nguyên-Vỹ cũng xuất hiện, lấp lánh trên không trung. Rồi do vận nước, duyên trời, gần bốn mươi năm sau, 1972,  hai vì sao ấy kết hợp, lung linh, chói rạng trên vùng trời An-Lộc (tỉnh Bình-Long). Người sau còn nhắc mãi, không quên, và mặt trận tử thủ An-Lộc ghi lại đậm nét trong quân sử .

            Rời chiến trường Bình-Long An-Lộc, vùng rừng núi miền Đông Nam Phần, thuộc Quân-Đoàn III,Vùng 3 Chiến Thuật; Đại-Tá Vỹ về làm Tư-Lệnh-Phó Sư-đoàn 21 Bộ-Binh, vùng sình lầy miền Tây, thuộc Quân-Đoàn IV, vùng 4 Chiến-Thuật. Không ngờ ít tháng sau, tướng Hưng lại về làm Tư-Lệnh Sư-Đoàn 21 Bộ-Binh. Đã từng cùng chung sức, dẫn dắt một đại đơn vị oai danh, từng chung lòng tử thủ An-Lộc, gần một trăm ngày “nghẹt thở”trong hỏa ngục; nay lại sát cánh bên nhau, chỉ huy sư đoàn trấn giữ vùng cực nam đất nước. Đầu tháng 11-1973, Đại-Tá Vỹ được chỉ định trở lại chiến trường xưa, vùng rừng núi miền đông, giữ chức Tư-Lệnh Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh rồi được thăng Chuẩn Tướng. Và thật trùng hợp, đúng vào ngày tang thương của đất nước, (30-4-1975), hai cựu Tư-Lệnh của Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh oai hùng, được hấp thu linh khí kết tụ, cùng vượt tầng không gian, chắp cánh bay lên cao, tỏa sáng để hậu thế vọng tưởng, kính cẩn bái phục. Phải chăng đây là một kết hợp định mệnh giữa hai vị “Thần”!...

Riêng tôi, sau khi giữ chức vụ Đại-Đội-Trưởng Đại-Đội Tiếp-Liệu trên hai năm; ngày 31 tháng 12-1972, tôi bàn giao Đại-Đội cho Đại-úy Đặng-Đình-Quế (khóa16/TĐ), rồi được chỉ định thay thế Đại-úy Trần-Văn-Nhàn (khóa17/TĐ), trong chức vụ Chỉ-Huy-Trưởng Trung-Tâm 3 Sản-Xuất Đồ-Gỗ (TT3SXĐG), trực thuộc Bộ-Chỉ-Huy 3 Tiếp-Vận. Trung-Tâm đồ gỗ nằm giữa Căn-cứ 30 Nhiên-liệu và “Xưởng Cưa Quân Đội”, trên đường Phan-Văn-Trị, quận Gò-Vấp, tỉnh Gia-Định. Lúc đó Bộ-Chỉ-Huy 3 Tiếp-Vận, do Đại-Tá Trần-Quốc-Khang làm Chỉ-Huy-Trưởng, đã dời lên Căn-Cứ Long-Bình, gần Biên-Hòa…

Về phục vụ tại đơn vị mới chưa đầy một tháng, Hiệp-Định Paris 27-1-73 được ký kết; các chuyên gia nhận định, bất lợi cho Việt-Nam Cộng-Hòa. Lực lượng đồng minh lần lượt rút hết, khỏi Nam Việt-Nam nhưng quân Cộng-Sản Bắc-Việt lại không rút về Bắc (?)Tình hình chính  trị và quân sự đổi thay. Viện trợ Mỹ bị cắt giảm. Quân đội đánh giặc theo kiểu con nhà nghèo. Thả một trái bom, bắn một phát đại bác đều phải quy ra tiền …Khi Đại-Tá Vỹ nhận chức vụ Tư-Lệnh SĐ5BB ngày 7 tháng 11 năm 1973, thay chuẩn Tướng Trần-Quốc-Lịch, với trọng trách chấn chỉnh, lấy lại uy danh của Sư-Đoàn; Ông đã nỗ lực tổ chức, sắp xếp, bổ sung nhân sự; hầu như đổi mới toàn diện đội ngũ cấp chỉ huy, từ Bộ Tư-Lệnh, đến 3 Trung-Đoàn. Và ông gửi văn thư chính thức, xin đích danh tôi về giữ chức vụ Đại-Đội-Trưởng Đại-Đội Tổng-Hành-Dinh kiêm Chỉ-Huy-Trưởng Tổng-Hành-Dinh/SĐ5BB (ThayThiếu-Tá Sơn). Thế là, rời SĐ5 chưa bao lâu, nay “vì nhu cầu công vụ” như trong Lệnh Thuyên Chuyển ghi rõ, tôi trở lại, nhưng ở cương vị khác và nhiệm vụ khác. Mười bốn chữ “ Không nhiệm vụ nào khó . Không hy sinh nào lớn . Bổn phận trên hết” vẫn chưa hề phai mờ trong trí. Với chức vụ mới này, tôi, ngoài việc chỉ huy, điều hành công việc của Đại-Đội Tổnh-Hành-Dinh, phụ trách yểm trợ tài chánh, tiếp liệu cho những đơn vị thống thuộc Bộ-Tư-Lệnh/SĐ như Trung-Tâm Huấn-Luyện, Đại-Đội Trinh-Sát, Biệt-Đội Quân-Báo, Biệt-Đội Tác-Chiến Điện-Tử..v.v, đồng thời trách nhiệm an ninh phòng thủ căn cứ và bản doanh Bộ-Tư-Lệnh. Do vậy, tôi hầu như nhận lệnh và trách nhiệm trực tiếp với vị Tư-Lệnh Sư-Đoàn…Những ai từng phục vụ trong quân ngũ trước năm 1975, hẳn đã biết, tổ chức Quân lực VNCH cấp Sư-Đoàn trở lên mới có đơn vị Tổng-Hành-Dinh, chắc sẽ hiểu và thông cảm cho nhiệm vụ của tôi. Mười bốn chữ “Không……hết”,tâm niệm của quân nhân SĐ5BB vần còn đó!

Một năm sau ngày Đại-Tá Vỹ về làm Tư-Lệnh,  SĐ5BB đã lấy lại uy danh xưa; tổ chức  những cuộc hành quân để giáng trả giành dân lấn đất của địch; những trận đánh bẻ gẫy vi phạm hiệp định đình chiến, trong vùng trách nhiệm. Nổi tiếng nhất là chiếm lại đồn Rạch Bắp, một trọng điểm, trên hành lang di chuyển của địch và ngày 1-11-1974, Đại-Tá Vỹ được thăng cấp Chuẩn-Tướng .

             Từ khi viện trợ Mỹ bị cắt giảm, ngân sách quốc phòng không đủ bảo vệ toàn lãnh thổ, cấp trên lập kế hoạch tái phối trí …Nhưng sau ngày Ban-Mê-Thuột thất thủ, 10-3-1975, rồi cuộc triệt thoái, di tản chiến thuật khỏi vùng II ngày 16-3-1975, gây bao thảm cảnh; tiếp theo là những cuộc lui binh từ vùng hỏa tuyến, dọc theo duyên hải miền Trung trở vào; tình hình chính trị, quân sự tại miền Nam thực bất ổn. Bộ-Tư-Lệnh SĐ5 được lệnh dời về Bình-Dương và để một Bộ-Chỉ-Huy trung đoàn ở Lai-Khê. Sư-Đoàn đã lên kế hoạch di chuyển. Đại-Tá Thoàn, Tư-Lệnh-Phó đã có mặt tại Bình-Dương, các bộ phận khác sẽ dần dần di chuyển về địa điểm mới. Thủ đô Saigon, không khí ngộp thở, người ta bàn tán về những thay đổi trong chính phủ và có thể thành lập chính phủ liên hiệp v.v.  Rồi lại có những nguồn tin Nam Việt-Nam đã bị bán đứng cho Bắc-Việt. Lại thêm tin không vui từ mặt trận đưa về : Ngày 28 tháng 3-1975, Đà-Nẵng và Quân-Đoàn I bỏ ngỏ. Các đài phát thanh ngoại quốc, không biết vô tình hay cố ý loan những tin bất lợi cho Miền Nam. Dân Sai gon xôn xao tìm đường chạy ra nước ngoài. Tháng Tư: đón nhận các quân nhân và gia đình di tản từ miền Trung, từ Cao Nguyên. Tháng Tư: tái phối trí, tái định cư; tháng Tư: Bộ Tư-Lệnh Tiền-Phương Quân-Đoàn III ở Phan-Rang thất thủ; lập phòng tuyến mới bảo vệ Saigon. Tháng Tư : tìm nhau, thất lạc, thương vong khi di tản v.v..Tháng Tư hoảng loạn, tinh thần quân sĩ giao động, sa sút. Người dân thực hoang mang, ngơ ngác…Những gia đình có liên hệ đến Mỹ, gia đình viên chức cấp cao, Tướng lãnh, v.v tìm đường ra đi lánh nạn. Rồi bàn giao chức vụ Tổng-Thống để…ra đi khi trời tối; Rồi lại bàn giao chức vụ Tổng-Thống để …tìm giải pháp…đầu hàng v.v.

             Ngày 28-4-1975, lúc 7 giờ sáng, tôi đưa gia đình Tướng Vỹ (gồm Bà Vỹ và 4 con: 3 trai, 1 gái) đến điểm hẹn gần phi trường Tân-Sơn-Nhứt để làm thủ tục di tản ra nước ngoài. Hôm đó, tôi đã thấy có gia đình của Tướng Toàn, Tướng Thi, Đại-Tá Thoàn và một vài Sĩ-quan ở Bộ Tổng-Tham-Mưu. Mỗi gia đình riêng một danh sách. Một sơ suất nhỏ không ngờ : danh sách lên tàu họ trao cho tôi, thiếu tên một con trai của Tướng Vỹ. Dĩ nhiên nhân viên phụ trách đã điều chỉnh và mọi việc cũng êm xuôi. Một chiếc xe buýt lớn màu ô liu đậm, của quân đội Mỹ, có nhân viên bảo vệ, chở những người di tản vào trong khu vực hạn chế, để lên máy bay. Có ai ngờ, chuyến bay đã mang đi nụ cười héo hắt, ánh mắt ngây thơ vô tội….từ đây, không thấy chồng, không thấy cha… Xong việc, tôi lập tức trở về đơn vị.

            10 giờ sáng 28 tháng 4-1975, lên tới Lai-Khê, tôi gặp Tướng Vỹ tại văn phòng Tư-Lệnh. Tôi đưa Ông bức thư dán kín, do phu nhân của Ông nhờ trao. Bức thư khá dầy, cầm hơi nặng tay. Ông mở thư, đọc ngay rồi hỏi tôi: “Bà xã “moi” khóc nhiều lắm hả”(1) ? Không đợi tôi trả lời, Ông tiếp : “Bà ấy đủ sức lo cho mấy đứa nhỏ”! Nét mặt Ông lúc ấy rất bình thản; đôi mắt Ông  ánh lên một niềm tin, đồng thời bàn tay phải đưa lên chiếc kệ gỗ kế bên, nơi để ít vật kỷ niệm, và đặc biệt, Ông đặt tay lên một khẩu súng lục nòng ngắn p.38, để trên kệ. Ông chầm chậm gật đầu, như  cảm thấy yên tâm về gia đình; nay dành toàn tâm toàn ý cùng quân sĩ chống giặc. Bàn tay Ông vỗ nhẹ lên khẩu súng ngắn. Rồi Ông chỉ thị tôi về Bình Dương, ghé kiểm soát doanh trại mới, để chuẩn bị di chuyển Bộ-Tư-Lệnh vào những ngày sắp tới. Ông còn dặn dò tôi về lo cho gia đình, xong trở lên đơn vị, cùng Ông “Sống chết có nhau”! 

            Trưa ngày 28-4-1975, rời Lai Khê đi Bình-Dương, ghé  kiểm tra doanh trại mới; bốn giờ chiều, tôi về Saigon. Gia đình cho biết chú em tôi, Nguyên-Vũ, đã lo được phương tiện di tản, có ý chờ tôi về. Nhưng tôi về không kịp. Nguyên-Vũ cho gia đình biết là vào Dinh Độc-Lập thực hiện cuộc phỏng vấn. Chiều hôm ấy, 28 tháng 4 năm 1975, diễn ra một sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt, thời khắc mà Tổng Thống Trần-văn-Hương bàn giao chức Tổng-Thống cho Đại-Tướng Dương-văn-Minh. Tôi liền đi đến dinh Độc-Lập, không phải để chứng kiến lễ bàn giao , mà muốn tìm em tôi. Đến góc đường  Hồng-Thập-Tự và Hai-Bà-Trưng, súng nổ rất nhiều, nguy hiểm quá, đành quay về. Càng lo lắng hơn, khi có phi cơ lạ ném bom phi trường Tân-Sơn-Nhứt… Đêm hôm ấy sao dài quá ! Nghĩ về đơn vị; trông tin tức của chú em. Thức chờ sáng mới thấm: đêm sao qua chậm thế !

Sáng sớm hôm sau, 29/4/75, quay lại  những con đường quanh Dinh Độc-Lập, xác một số quân nhân  nằm dọc lề đường. Nhưng không “xác nào là em tôi”.Lòng chất nặng ưu tư, tôi trở lên đơn vị. Dọc đường, gặp đoàn xe di chuyển Quân Đoàn III, từ Biên-Hòa về Gò-Vấp. Xe tôi vừa qua quận Lái-Thiêu, đường bị đóng vì địch quân đặt chốt chặn hướng lên Bình-Dương, Lai-Khê. Quân cảnh, cảnh sát dã chiến, lực lượng quân sự địa phương đặt những chướng ngại vật, chăng kẽm gai không cho lưu thông. Tôi quay lại Saigon. Tâm trí rối bời, không yên lòng, buồn và lo. Tình hình thay đổi từng giờ .Chính phủ mới yêu cầu Mỹ đóng cửa Văn Phòng Tùy-Viên Quân-Sự.Tối 29-4 trực thăng Mỹ quần thảo trên bầu trời. Máy vô tuyến liên lạc tầm xa, gắn trên xe tôi, bị nhiễu sóng, không sử dụng được…Cả thành phố náo loạn…

 Sáng 30-4-1975, Tổng-Thống Dương-Văn-Minh tuyên bố đầu hàng; trời Saigon mưa nhẹ; không biết đây có phải là những giọt lệ xót thương số phận của một đất nước nhược tiểu. Thế là Miền Nam sụp đổ. Rồi trả thù, nợ máu, tù đầy. Nước mất nhà tan. Không còn tiếng bom đạn, nhưng lại vang lên tiếng oán than, nguyền rủa, kêu cứu. Tình người và nghĩa đồng bào ở đâu ? Nói đến bao giờ và nói sao cho hết những nỗi đau. Nếu ghi lại thì nước biển, trúc rừng liệu có đủ chăng ?... Tôi vẫn thầm nghĩ : Đúng là ý Trời! Thực không ngờ trưa 28 tháng 4-1975, tôi gặp Tướng Vỹ lần cuối. Lời nói sau cùng của Ông và đặc biệt, hình ảnh bàn tay Ông vỗ nhẹ vào khẩu súng ngắn hôm ấy, là dấu ấn, khó phai mờ trong trí tôi …

Những ngày còn trong nước, cũng như khi định cư tại Hoa-Kỳ, cựu Chánh văn phòng của Tướng Vỹ, Đại-Úy Tiêu-Nguyên, đã gặp tôi và xác nhận : Ngay sau khi biết Tướng Vỹ dùng súng tự sát, Đại-Úy Nguyên trình ngay với Đại-Tá Tham-Mưu-Trưởng. Thiếu-Tá Đàm-Quang-Hiển, Y-Sĩ-Trưởng kiêm Tiểu-Đoàn-Trưởng Tiểu-Đoàn 5 Quân-Y được gọi lên gấp, với một chút hy vọng mong manh cấp cứu chủ tướng …Nhưng từ phòng ngủ của Tư-Lệnh bước ra, y sĩ Thiếu-Tá Đàm-Quang-Hiển mắt rưng lệ, nghẹn ngào : “ Thiếu-Tướng…. đi rồi !”…

Định cư tại Liên bang Mỹ vào mùa Xuân 1990; tuy phải bận rộn lao động mưu sinh, tôi đã tìm đọc một số ít tài liệu lịch sử, viết về giai đoạn chiến tranh Việt-Nam và đọc những bài viết nhắc đến các vị Tướng tuẫn tiết ngày 30 tháng 4–1975. Riêng với Tướng Vỹ, có những tác giả ghi lại qua lời kể của ai đó; có những tác giả chỉ ghi lại nội dung một vài lần gặp gỡ, hoặc có tác giả, nhớ lại một thời gian, đã từng phục vụ dưới quyền Tướng Vỹ v. v. Mỗi người kể lại theo một góc nhìn của riêng mình. Theo tôi, đây là những tư liệu rất quý. Tuy nhiên có những bài viết, đôi chỗ hơi “cường điệu”, khiến người đọc nhận ra ngay, là tác giả dựa vào những thông tin chưa được kiểm chứng …Gần đây nhất, một tuần trước, người bạn tù Phạm-Đức-Vượng, từ San Jose, bang Cali chuyển cho tôi vài bài viết, của… ai đó, được thu âm và phổ biến rộng rãi tại Hoa-Kỳ; tiếc thay, nội dung đề cập đến Tướng Lê-Nguyên-Vỹ và Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh, chưa được chính xác lắm…

 Nhớ lại, mười bẩy năm trước, 2007, vào một ngày đẹp trời, tại thành phố Houston nắng ấm tình nồng thuộc Bang Texas; nhân đến dự buổi họp mặt toàn quốc của một hội đoàn quân đội; mọi người đề nghị tôi nói đôi điều về Tướng Lê-Nguyên-Vỹ và Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh. Khi tôi phát biểu xong; một người bạn mới quen,Vũ-Văn-Vượng (lại tên Vượng), là cựu Sĩ-quan Sư-đoàn 25 Bộ-Binh, đã đề nghị tôi phải viết lại những gì tôi biết về Tướng Vỹ. Anh đặc biệt nhấn mạnh sẽ “có tội” nếu không nói lên sự thực. Tôi tự hỏi :Tôi có tội sao? Hai chữ “có tội”khiến tôi như bừng tỉnh sau cơn mê dài và tự thấy cần phải nói lên, phải ghi lại những sự thực mà tôi biết. Như thêm giọt nước làm tràn ly; và cảm thấy có mũi nhọn của một lưỡi lê, đâm vào lưng, nhói buốt, thôi thúc tôi. Và bài viết “Vài cảm nghĩ về Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh & Tướng Lê-Nguyên-Vỹ” ra đời, đăng trong  tạp chí Hợp-Lưu. Bài viết này đã được trân trọng đón nhận và là một tư liệu lịch sử. Bởi thế, có nhiều cơ quan truyền thông khác, cùng những mạng truyền thông xã hội đã tiếp tay phổ biến. Lần này, anh bạn tù Phạm-Đức-Vượng, người biết nhiều về gia đình tôi, lại dùng “chiêu khích tướng”, gửi cho tôi những tài liệu cần được “bổ sung” để, một lần nữa tôi phải nói thêm những sự thực mà tôi biết về Tướng Vỹ. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là trách vụ, nên đã mạnh dạn ghi lại những gì tôi biết, dù có một chút riêng tư, nhưng là sự thật. Nói đến sự thật, chắc mọi người đều đồng ý, có những sự thật nói ra, thực đau lòng. Thân làm Tướng, đánh đông dẹp bắc, vào sinh ra tử, oai hùng nơi trận địa; trấn giữ thành, thành mất, phải tính sao đây? Gương sáng tiền nhân Hoàng-Diệu, Nguyễn-Tri-Phương…còn đó. Chẳng lẽ để quân địch vào trói tay đưa đi tù sao? Chắc không ai quên câu nói của người xưa : thà chết chứ không chịu nhục; hay nói khác đi là chết vinh hơn sống nhục …

Chết vinh hơn sống nhục. Có những cái chết lưu danh thiên cổ. Có những cái chết để lại tiếng xấu muôn đời. Người ta không thể chọn nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn cho mình một cái chết oai hùng, để lại tiếng thơm, sử sách lưu truyền mãi mãi, như 5 vị Tướng đã làm…

Di cốt Tướng Lê-Nguyên-Vỹ đã đưa về an táng tại quê nhà ở Sơn-Tây, miền Bắc nước ta. Suốt chiều dài cuộc chiến “Quốc Cộng” vừa qua, riêng dòng họ Lê, tỉnh Sơn-Tây, theo tôi biết, đã cống hiến nhiều thành viên phục vụ trong quân lực VNCH. Một số đã hy sinh vì tổ quốc; trong quân chủng Lục quân có: Lê-Nguyên-Vỹ, Lê-Quốc-Anh; Hải quân có: Lê–Anh-Tuấn; Không quân có: Lê-Nguyên-Hải. Cùng với bao anh hùng khác, đã góp công sức, máu xương, mạng sống; những chiến binh họ Lê hiên ngang, đáp đền ơn nước, trả nợ núi sông, rạng ngời trong quân sử …

            Những lần về thăm quê hương, có dịp đi lại trên quốc lộ 13 , ngang khu vực có tên gọi Lai-Khê thuộc quận Bến-Cát, tỉnh Bình-Dương; nơi đã từng đặt bản doanh Bộ Tư-Lệnh Sư-Đoàn 5 Bộ-Binh; hình như có điều gì huyền bí, không diễn tả được. Phải chăng anh hồn của vị “thần”  Lê-Nguyên-Vỹ như ẩn như hiện quanh đây. Vẫn những lô cao su trồng làm mẫu, vẫn còn vài ba tòa nhà gạch khuất sau những tàn lá xanh tươi. Tôi cảm thấy có điều gì bí ẩn, linh thiêng, rợn người, khiến tôi không dám ghé vào, chỉ ngước lên trời cao và thầm khấn nguyện …

 

   TRIỆU – VŨ  
( Houston, TX ) 

 “ moi” : tiếng Pháp, có nghĩa là: tôi

   

    

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Năm 202412:21 SA(Xem: 9123)
Anh Trần Đình Đài là con trai thứ trong một gia đình trung lưu ở quận 3, Saigon xưa. Mẹ anh cũng là hậu duệ của hoàng gia triều Nguyễn. Cha anh là một trí thức vì vậy cả đàn con, bảy đứa ba mẹ đều cho ăn học đến nơi đến chốn. Những năm tháng ấy, đất nước bất ổn, tiếng súng vẫn hăm he đau đó trên đầu, bên cạnh cuộc sống bất an là vậy nhưng cha mẹ anh vẫn cố làm lụng để chăm lo cho con cái, trang trải cuộc sống. Mẹ anh tần tảo đủ mọi việc như buôn bán, chạy hàng chợ trên chợ dưới để làm sao các con đều được học hành nên người.
23 Tháng Năm 202412:01 SA(Xem: 8054)
Ánh hoàng hôn cuối cùng lóe lên trên đường cái quan. Trời nhập nhoạng. Hành giả nhìn trước nhìn sau, rời đường nhựa, lẻn bước vào một lối mòn. Một cô gái trạc 28 tuổi đeo túi xách và máy ảnh từ xa chạy tới và rảo bước theo ông.
16 Tháng Năm 20248:32 SA(Xem: 8734)
Chiều, cuối dòng Lại giang / Dòng sông trôi / Xuân hạ thu đông / Chiều bên dòng Lại giang / Nắng trôi / Dòng người lú lượt lao nhanh qua cầu nối đôi bờ /
16 Tháng Năm 20248:16 SA(Xem: 9031)
đợi người về rót rượu bên sông / ngàn dặm đường xa một nổi lòng / trông vời mấy ngọn mây tần trắng / dào dạt chiều nay nổi chờ mong
06 Tháng Năm 20243:11 CH(Xem: 8457)
“Thưa ngài, về đồ ăn mà các ngài chỉ định nhà hàng mang đến, xin vui lòng thu xếp người để chúng tôi trao đổi rõ hơn về các quy định của khách sạn”. Guillaume đánh thức tôi dậy trong dòng hồi tưởng một cách chuyên nghiệp. Tôi lia mắt qua từng đồ vật, chi tiết, màu sắc được phối một cách hài hoà, tinh mỹ trong căn phòng tổng thống, quả là không chê vào đâu được với một gã đã từng phục vụ tại thế giới du lịch như Guillaume. Tất cả chúng đều bóng loáng không một hạt bụi. Hẳn tôi đã bước vào, đi quanh, ngó nghiêng, ngồi xuống cái sofa này như một kẻ mộng du, rồi trầm mặc trong sự ngỡ ngàng của gã.
05 Tháng Năm 202411:41 CH(Xem: 7085)
Cô em bên Texas gửi text về một bản tin CNN tường trình việc các nhà ngoại giao Âu châu giành nhau gặp gỡ các đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump, người coi như sẽ được đề cử đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống tháng 11 tới, để thăm dò. Cùng lúc, báo chí loan tin ngoại trưởng Anh David Cameron đã tới tận tư dinh của ông Trump ở Florida để tham khảo về cuộc chiến tại Ukraine và xung đột Israel-Gaza. Tôi đoán các bản tin khiến cô lo ngại về một Trump 2.0, như thể điều đó sẽ phải xẩy ra thôi.
05 Tháng Năm 202410:43 CH(Xem: 11142)
tôi đến thành phố vào hai giờ sáng lạnh lẽo vô hồn / cơn mưa rơi ngoài hàng hiên có con chim bồ câu trú ẩn / ánh đèn vàng như thây ma bên mái chái / người homeless nằm co quắp dưới gầm cầu / đưa tay xin điếu thuốc / trời về khuya lặng lẽ như vì sao băng /
05 Tháng Năm 20249:48 CH(Xem: 7701)
Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ: Chư Tôn Đức Tăng Ni và Ban Hộ Niệm chùa Đại-Giác, chùa Viên-Thông, Houston, TX Ban Giám-Đốc và nhân viên Nhà quàn Vĩnh-Phước 2, Northwest Houston, TX Cùng toàn thể thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần mà chúng tôi không thể nêu hết nơi đây, đã chia buồn qua điện thoại, e mail, mạng xã hội, báo chí, truyền thanh, truyền hình , tham dự tang lễ, tiễn đưa linh cữu của: Chồng, Cha, Ông, Em, Anh, Chú, Bác của chúng tôi là: Sử gia VŨ-NGỰ-CHIÊU tức nhà văn Nguyên Vũ
22 Tháng Tư 20242:54 CH(Xem: 9434)
Tối thứ sáu 23/2/2024, chị Duyên gửi cho tôi link bài thơ “Tạm biệt một căn phòng” [1] của anh Phạm Cao Hoàng ghi gửi anh Trương Vũ./ Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến /
22 Tháng Tư 20242:24 CH(Xem: 11842)
Ngày nào tôi cũng gắng làm cho đặc sắc / Cố hữu chỉ là một chủ xị buồn / Đêm tôi uống với lá / Nghe gió rung cành / Rồi chỉ thấy giọt mù lên mắt tượng / Ngày nào là ngày nào làm sao biết /