Nguyễn Thanh Sơn
HỒI XUÂN
Đôi tình nhân đã có một thời 20 hoặc 30 năm…
Họ, dường như khó hoặc là (!)nhận ra nhau.
“Xin lỗi cô, tôi không cố ý!”
Sự gặp nhau trên bãi tắm . Họ đang bơi và vô tình va chạm nhau.
***
Họ lại gặp nhau trên một chuyến xe buýt
“Chỗ này có ai ngồi chưa, thưa cô?”
“Ồ, à “
Ông ngồi bên cạnh, lơ đãng nhìn qua khung cửa kính. Hàng cây bên đường , những ngôi nhà thấp thoáng , lướt thướt qua.
Xe dừng lại ở trạm dừng. Một vài người lên và xuống. Xe tiếp tục lộ trình , hàng cây bên đường, phố xá nối tiếp nhau chạy chuồi qua khung cửa kính. Ông nhìn xa, nhìn gần và rồi nhìn người đối diện. Một hình ảnh từ xa xưa chợt ùa vào trong ông. Vết xước, nứt ở khung cửa kính gợi lên một điều gì trong trí nhớ . Nó vừa mơ hồ , vừa nhoi nhói. Xe vừa dừng lại ở trạm mới, xe dừng quá đột ngột khiến hành khách trong xe như nhòa hẳn vào nhau. Cái va chạm mà hai người không ngờ trước, một thoáng bỡ ngỡ, ngượng ngùng làm bối rối cho cả hai.
Chuyến xe dừng ở trạm mới. Bà mỉm cười với ông, rời khỏi xe như một người qua đường.
Cung đường cũ-mới, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc như tự thưở nào.
***
Những buổi sáng ông thường có thói quen quán cà phê Giếng Truông để nhâm nhi cái buổi sáng rảnh rỗi, nhám nháp những hồi ức từ thời xa xưa. Quán ở sâu phía cuối con đường, mà ngày trước, phố thị chưa hình thành, chưa được gọi tên thì con đường này là hương lộ chính cho một thị trấn. Chủ quán hẳn là người am hiểu về lịch sử ở vùng đất này, lại yêu mến sâu sắc tình quê hương nên đặt tên quán là Giếng Truông. Nằm cạnh bên hương lộ này có một cái giếng có tên là Giếng Truông. Theo các nhà Hán Học, Truông chỉ vùng đất hoang vu, có nhiều bụi rậm, cây cỏ um tùm, là nơi ẩn chứa nhiều hiểm nguy.
‘Thương em anh cũng muốn vô
Sợ Truông Nhà Hồ sợ Phá Tam Giang”
Truông để chỉ tên cái giếng này rồi liên tưởng đến Truông Nhà Hồ thì chưa thuyết phục lắm. Nhưng điều đó hãy để cho những nhà Hán học. Giếng truông trên thị trấn này gợi nên nhiều kỷ niệm đáng nhớ cho lớp người cũ như ông.
Làng ông ở thường là đồng chua nước mặn. Người trong làng đào giếng thường phải qua nhiều khâu xử lý mới dùng , nhưng để ăn uống thì không thể .
Giếng Truông ở đầu làng, nước luôn trong vắt và ít khi cạn. Người trong làng từ xưa nay thường sử dụng cái giếng này. Ăn uống , pha trà nhâm nhi mỗi buổi sáng.
“Giếng Truông là giếng Truông Bồng
Nên vợ nên chồng cũng tại Giếng Truông”
Những đêm trăng thanh gió mát, dưới rặng dừa xanh ngát, ông quên sao được những cuộc hò hẹn dưới trăng. Đôi gàu múc như va chạm vào nhau dưới lòng giếng làm vỡ bóng trăng tan. Đôi gàu múc nước đã va chạm nhiều lần, tiếng va chạm lanh canh gây rối lòng ông một thời trai trẻ.
“Hỡi cô gánh nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
Đổ đi, đổ đi… ánh trăng vàng kia ơi, sao lại đổ nó đi. Trái tim ông nhói lên niềm xót xa , nó như đánh nhịp cái vụn dại, nông nổi của thời non trẻ. Đôi lúc ông lại tự hỏi với cõi lòng mình là tại sao, và vì sao?
Ông thoáng thấy bóng bà loáng qua ở quầy, trái tim ông rộn ràng như thời son trẻ . Ông dõi mắt nhìn theo, bóng bà thấp thoáng sau chậu cây cảnh, một không gian rất riêng mà chủ nhân muốn tạo dựng nên. Ông lần về phía ấy, điệu dáng như nỗi vô tình của kẻ nhàn cư.
Bên góc khuất rất riêng đó, ông thoáng thấy một bóng dáng khác, như ông. Ông hụt hẫng quá đỗi , ông ngập ngừng, khựng lại một hồi lâu, rồi lùi ra xa, ra xa như trốn chạy một ảo ảnh xa xưa, một ánh sao vừa chợt tắt. Ông trốn chạy khỏi bao điều ao ước còn đọng lại trong tim nhịp đập của thời son trẻ, thèm mái tóc rộn ràng , đôi môi mịn màng , hương nồng thơm thơm mùi cỏ dại.
Người ơi người hỡi
Hãy quay lại nhìn coi
Một mối tình xa cũ chừng đã khuất sau hàng dậu thưa.
Nguyễn Thanh Sơn
- Từ khóa :
- NGUYỄN THANH SƠN