Triệu Vũ
ĐI TÌM NÀNG THƠ
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian. Hình như những buổi hội ngộ bây giờ có phần kém vui, vì đã có nhiều đổi thay. Sinh hoạt giờ khác với khi xưa, không say mê phong phú, hấp dẫn lúc gặp gỡ, hàn huyên; cũng không lưu luyến bịn rịn khi chia tay. Tuy vẫn còn khoe nhau những bản nhạc, những bài thơ mới sáng tác, nhưng hình như bầu không khí thiếu vắng niềm đam mê nhiệt tình như những ngày chưa có nạn dịch. Một số đã đi xa, xa lắm, về bên kia thế giới. Một số tuổi đời trĩu nặng đôi vai, di chuyển khó khăn, phải có xe lăn xe đẩy. Lại có một số khác đang thơ thẩn ngẩn ngơ, ngước nhìn bầu trời trên cao, mỉm cười bâng quơ, dạo quanh sân, khu nhà dưỡng lão. Một số khác nữa đang oằn mình chiến đấu với bệnh tật trong nhà thương…Âu cũng là quy luật!
Thành phố Houston đã vào thu, không còn ánh nắng chói chang, thiêu đốt. Bầu trời xanh lơ, có mây trắng, có gió nhẹ. Tạo vật êm ái nhẹ nhàng trở mình. Những hàng cây bên đường, tàn lá tươi xanh, mùa này làm dáng, trang điểm, nhuộm đỏ nhuộm vàng. Nhiều người bảo rằng trời vào thu, cảnh vật nên thơ. Trong kho tàng văn học nghệ thuật, đã có biết bao tác phẩm, trong nhiều lãnh vực, từ văn, thơ đến nhạc, họa, phim ảnh v.v. ca tụng nét đẹp quyến rũ của mùa thu. Không biết rằng nếu nói mùa thu là mùa của mộng mơ, của nhớ nhung, của lưu luyến, của chia xa, của “nghệ thuật” liệu có quá đáng không? Khung trời mùa thu, những kỷ niệm, gặp gỡ, hẹn hò, tỏ tình v.v., những gì của mùa thu cũng là cảm xúc tuyệt vời, là “yên sĩ phi lý thuần” –inspiration -. Từ biển trời bao la, núi rừng sâu thẳm, đến mênh mông ruộng đồng, hoa cỏ, sông nước v.v. là nguồn cảm hứng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bất hủ lưu danh kim cổ. Ngoài kia, trời vào thu; chiếc lá mùa thu cũng khác, giọt mưa mùa thu cũng khác; rồi nỗi buồn, niềm nhớ khi thu về v.v. tất cả lưu lại trong lòng người, cảm xúc man mác dịu dàng, thanh thoát. Tôi đã được nghe những bản nhạc viết về mùa thu. Tôi đã đọc những áng văn hay, tả cảnh mùa thu. Tôi đã say mê ngân nga những dòng thơ trữ tình lãng mạn, rung động dạt dào mỗi độ thu về. Và có lẽ cảnh đẹp nên thơ của mùa thu quanh đây đã tác động, gợi hứng, làm tâm hồn lâng lâng bay bổng, thôi thúc tôi nên làm, đúng hơn là phải làm một bài thơ; điều mà từ trước đến nay tôi chưa hề nghĩ tới. Nhớ lại, vài ngày trước đây, trong một lần nói chuyện qua điện thoại với vợ chồng anh bạn trong nhóm, chúng tôi có nhắc đến thơ. Tôi thành thực tâm sự, dù quen rất nhiều nhà thơ nhưng buồn thay, tôi không biết làm thơ và từ thuở bé đến giờ chưa làm được câu thơ nào. Vợ anh bạn, vốn là một nhà thơ gợi ý: “Dễ lắm anh. Làm thơ cũng tự nhiên như viết văn vậy!” Có thực không đây? Tôi phân vân, hoang mang và thầm nghĩ: Nếu quả thật làm thơ dễ, tôi, đường đường là đấng nam nhi, mang thân trai, đánh đông dẹp bắc, tung hoành ngang dọc … mà không làm nổi bài thơ sao? Hơn nữa, cảnh vật ngoài kia, quanh tôi, một bức tranh thu tuyệt đẹp, rất nên thơ. Đúng rồi, hình như tôi nghe loáng thoáng đâu đó, một câu nói: mỗi người Việt Nam là một nhà thơ (?) Lòng tự hào nổi dậy, lại thêm niềm hưng phấn, tôi nghĩ thật đơn giản: nhìn thấy gì, cảm nhận gi`, diễn tả lại, là có thơ rồi. Thế là tuy đang trên đường đến quán cà phê, tôi dừng xe trong môt khu siêu thị, vội ghi lại những cảm xúc, phác thảo rất nhanh một bài thơ ngắn.
Tới điểm hẹn, rất tự tin, tôi hiên ngang, hùng dũng giới thiệu bài thơ đầu tiên trong đời, sáng tác khi mới “84 tuổi”, mang tựa đề “Bài thơ chợt đến”. Quanh tôi có hơn chục người, kể cả 5 nhà thơ cỡ khá lớn, là thành viên của nhiều hội đoàn văn nghệ, được nhiều người biết. Tất cả đều vỗ tay sau khi tôi đọc hết bài thơ. Ôi vui chi lạ! Làm xong bài thơ đã vui biết mấy, lại còn được người nghe thơ vỗ tay tán thưởng, niềm vui ấy tăng lên gấp bội. Lúc đó, tôi cứ ngỡ mình “đã” là một nhà thơ từ thuở nào rồi. Nhưng lạ quá! Vỗ tay xong, các nhà thơ nhìn nhau, nhìn nhau mà không nói; thỉnh thoảng kín đáo đưa ánh mắt ngờ vực, hoang mang về phía tôi. Giả vờ như không quan tâm, nhưng lòng tôi không yên; nghi ngờ, băn khoăn tự hỏi phải chăng thơ tôi có điều gì không ổn, phải chăng thơ tôi không tự nhiên, là một cái gì đó ngớ ngẩn, không phải là …thơ! Biết tính sao đây? Thơ đã đọc cho mọi người nghe rồi, làm sao lấy lại được. Tôi hơi bối rối và tự trách không lượng sức mình; đã say mê cảnh đẹp mùa thu đáng yêu, mùa thu quyến rũ ngoài trời, lại còn mang nặng cái tánh tự cao tự đại; cứ tưởng mình là nam nhi thì…làm gì gì kia còn được, chỉ một bài thơ lẽ nào làm khó tôi sao? Nhưng sự thực hôm nay, kết quả không mấy vui. Trên đường về nhà, tôi suy nghĩ mãi và quyết định không phổ biến “Bài thơ chợt đến” này…
Thời gian cứ trôi, suốt 84 năm qua, đường đời tôi đi, vấp ngã thì nhiều, vinh quang chẳng bao nhiêu, hầu như không có; nhưng một bài học quý giá tôi có được là hãy kiên trì, đừng bao giờ bỏ cuộc. Vang vọng từ xa, khi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, câu nói để đời “Thất bại là mẹ thành công” thực sự là một phương châm trong đời sống. Thế nên dù bài thơ đầu tiên có đi vào quên lãng, tôi không từ bỏ quyết tâm sáng tác thơ và biết đâu, tôi, mai kia, sẽ trở thành một nhà thơ “lớn”. Chưa thành hiện thực, chỉ nghĩ đến viễn ảnh của tương lai, chỉ là một ước mơ thôi, lòng tôi đã dạt dào niềm vui khôn tả! Tuy chưa biết làm thơ nhưng tôi thích nghe ngâm thơ, thích đọc những vần thơ hay và đôi khi cao hứng cũng “can đảm” diễn ngâm một bài thơ mà tôi thích, nhưng chỉ ngâm thơ cho riêng mình. Tôi rất quý mến những nhà thơ. Không biết những thành phố ở các tiểu bang khác ra sao, riêng Houston, có nhiều nhà thơ lắm và tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ, trao đổi tâm tình. Có một nhà thơ trẻ, thực ra đã bảy chục tuổi (tôi vẫn coi là trẻ), tâm sự: người làm thơ cứ nghĩ mình là Thượng đế!? Chỉ có “thơ của tôi” mới là thơ! Ôi lạ quá! Không hiểu đây là thực hay hư, liệu có “lộng ngôn” không? Có một lần, nơi quán cà phê bánh mì nằm ngay góc khu thương mại của người Việt, vùng tây nam thành phố; có người hỏi nhà thơ T.T.Y, nổi tiếng từ cuối thập niên 1950, rằng khi các nhà thơ gặp nhau, chắc hẳn rất vui và rất “thơ”? Ông châm biếm: “Nhà thơ gặp nhau, không bàn chuyện thơ văn, mà …nhau”. Tôi không biết làm thơ, không phải là nhà thơ nên không dám lạm bàn. Theo sự hiểu biết thông thường, hạn hẹp của tôi, ít nhất phải đạt một vài tiêu chuẩn căn bản nào, mới gọi là thơ được chứ! Tôi nghĩ rất đơn giản và thực tế: Thơ không phải là tờ “Khai sanh” hoặc “Hôn thú”, không là một “khế ước”, một “hợp đồng”… Bên A, ...Bên B…phân minh. Những từ, những câu trong văn bản này chỉ có một nghĩa thôi; trong khi người đọc một câu thơ, có thể phong phú hóa, đưa trí tưởng đi xa hơn. Thơ hình như phải nhẹ nhàng bay bổng một chút, thực thực ảo ảo, khác hẳn với tiếng gót giầy chắc nịch nện xuống mặt đường của đoàn quân đang diễn hành; cũng không là tiếng nổ đinh tai nhức óc tiếp nối nhau của 21 phát đại bác chào mừng quốc khách. Nhưng thơ cũng không nên, một cách cố ý dùng từ tối nghĩa, khó đọc, khó hiểu, không có vần điệu; thơ đọc xong, ngẩn ngơ không biết nói chi; hoặc không cảm nhận, không rung động, bùi ngùi xót xa thương cảm v.v. điều mà người ta thường nói: thơ không có hồn! Nhớ lại, lâu lắm rồi, khi còn là một học sinh trung học, cách đây gần bảy chục năm, giáo sư dạy Việt văn của tôi khi giảng về thơ, nhắc nhở rằng :
“Thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tim. Nhưng nó chỉ tự nhiên khi nào ta đem lòng đối diện với lòng và đem lòng đối diện với vũ trụ”.
Dạo ấy, là một cậu học trò mặt trắng, chỉ mong sao học hành đàng hoàng, cuối năm lên lớp hoặc thi đậu, đơn giản và thực tế; làm gì có ước vọng trở thành nhà thơ, nên lời Thầy vô tình cầm bằng theo gió đưa đi! Giờ đây, tuy Thầy đã đi xa, về miền miên viễn, nhưng nhận xét của Thầy về thơ có thể là thước đo, thẩm định giá trị một sáng tác thơ.
Còn nữa, từ lâu lắm rồi, tôi có nghe một từ ngữ “Nàng Thơ”, nhưng chưa đọc hoặc nghe kể về “Nàng Thơ”. Không biết những nhà thơ nam hoặc nữ đã gặp hoặc nghe nói Nàng Thơ là ai, được diễn tả lại như thế nào? Tại sao lại gọi là Nàng, không phải là Ông, Bác, Cụ hoặc Chàng Thơ nhỉ? Tôi có quen biết khá nhiều nhà thơ, nổi tiếng và chưa nổi tiếng, nhưng chưa có vị nào giúp tôi hiểu biết Nàng Thơ là ai; hình ảnh, họa phẩm về Nàng Thơ lưu giữ ở bảo tàng nào? Và không biết trên thế giới, có chăng một viện bảo tàng chuyên về thơ? Tuy nhiên, cứ theo sự hiểu biết nông cạn của tôi : Nàng Thơ chắc là một mỹ nhân, một nữ nhân đẹp, không phải là một lão bà còng lưng chống gậy xin ăn ngoài đường, không phải chị em phụ nữ từ thiếu niên đến trung niên, đội nắng dầm mưa, dọc đường phố, tay cầm những tấm vé số mời chào cầu may; càng không phải là những bà đứng sau các quầy bán thịt, lóc xương hay đập đầu, mổ bụng những con con gà, con cá …Nàng Thơ bí hiểm thật! Nàng là ai? Tìm nàng nơi đâu? Tôi biết, đối với người bình thường, hình như đây là câu hỏi lạ và khó. Tuy thế, những người bạn già và những nhà thơ trong nhóm Cà Phê Thứ Bẩy của tôi đã trả lời, nhưng chưa đủ ý, chưa đủ nghĩa và dĩ nhiên tôi chưa thỏa mãn. Hình ảnh mơ hồ về Nàng Thơ cứ bám sát theo tôi, đôi lúc còn âm thầm theo tôi vào giấc ngủ. Tôi chợt nhớ đến lời khuyên trong dân gian rằng: “đi hỏi già, về nhà hỏi…vợ”. Thế là, vào một ngày đẹp trời, tôi bình tĩnh, cố gạt tự ái sang bên, rất nhỏ nhẹ dịu dàng nói với người bạn đời: “Em à, Anh muốn… đi tìm Nàng Thơ…” Thật bất ngờ! Vợ tôi đưa bàn tay lên che miệng nàng, đôi mắt mở lớn trừng trừng nhìn tôi, ngạc nhiên và dò xét. Đôi mắt nàng không còn “dìu dịu buồn Tây Phương” của người con gái xứ Đoài (Sơn Tây), như nhà thơ nổi tiếng Quang Dũng ca ngợi. Tình hình căng quá! Tôi bối rối và tự trách mình thực tối dạ. May thay, tôi nói lại ngay: ý của anh là không phải đi tìm… ai, tìm nàng nào, anh chỉ muốn …làm… thơ; thấy có nhiều người làm nên anh cũng thử xem sao. Vợ tôi, đôi mắt nhìn dịu lại, tay không che miệng nữa, ân cần nhẹ nhàng như thường ngày, chăm lo cho chồng con: “Có thiệt không đây? Anh có uống lầm thuốc không đây?” Rồi nàng tiếp: “Anh muốn …làm.. thơ thiệt hả? Em nghĩ làm thơ khó lắm đấy. Nhưng nếu anh muốn, hãy cố gắng lên! Làm xong thơ, đưa em xem thế nào nhá.” Tôi thở phào nhẹ nhõm. Hú hồn! Nhưng qua lời tâm sự với người bạn đời, lòng tôi lại rộn lên niềm vui mới, niềm vui bao la, vô tận, vô bờ bến. Tôi nghĩ biết đâu chừng mai mốt đây, tôi sẽ thực sự trở thành một nhà thơ “lớn”…Thế là kể từ giờ phút này, tôi như hấp thụ được một luồng sinh khí mới; tưởng như có luồng thơ thổi vào từng mạch máu lớn, nhỏ luân lưu khắp toàn thân. Tôi có cảm tưởng cơ thể, suy tư, nhịp đập trái tim, hơi thở của tôi bây giờ, tất cả là “thơ”! …Tôi vẫn biết dù có năng khiếu bẩm sinh, tàng ẩn trong người mà dân gian thường gọi là thiên phú, nếu không được rèn luyện học tập thì con đường thành công cũng xa vời vợi. Câu thơ của nữ sĩ Hồ-Xuân-Hương “Lại đây cho chị dạy làm thơ” nhắc nhở tôi, hãy thận trọng, và hãy học tập, cho nên tôi quyết định sẽ tập làm thơ. Dĩ nhiên với quyết tâm cao, có ý chí và tinh thần cầu tiến, lại được người bạn đời khuyến khích cổ vũ, tôi không tốn nhiều thời gian và đã sáng tác được một bài thơ. Thực khác xa với những “bài văn” đã viết trước đây, phải mất mấy tháng trời mới hoàn tất; không ngờ làm thơ lại thoải mái, không tốn nhiều thời gian như tôi nghĩ. Lòng dâng lên niềm vui, tôi đọc lại nhiều lần bài thơ mới hoàn tất và tưởng tượng ra nụ cười, ánh mắt ngạc nhiên, thán phục của người bạn đời. Không chậm trễ, tôi lấy lại niềm tự tin, bình tĩnh, mạnh dạn đưa nàng đọc bài thơ; quan sát, và chờ đợi những lời thán phục tài làm thơ của tôi. Nhưng không hiểu sao thơ đọc xong, nàng đăm chiêu, ngẩn ngơ nhìn tôi bằng đôi mắt khác thường, và cứ chầm chậm lắc đầu, không một lời bình…Lòng bối rối nhưng tôi linh cảm hình như thơ của tôi có vấn đề. Con đường lên đỉnh vinh quang của thơ văn không lẽ trở thành đại lộ hoàng hôn buồn hay sao? Cả một trời tâm sự ngổn ngang, biết gửi vào đâu? Tất cả nỗi niềm từ đam mê thơ phú đến tập tành sáng tác, tôi muốn đem trải lên trang giấy, trong những câu văn có vần có điệu như sau:
TẬP LÀM THƠ
--oOo—
-Em yêu ơi, anh muốn …làm…thơ quá!
Thấy người làm, nên anh cũng thử xem.
-Khó lắm đấy . Anh hãy cố gắng lên.
Khi nào xong, đưa thơ cho em “duyệt”.
Thế là anh ngồi ngay vào bàn …, viết
Thật nhanh, chỉ ít phút, đã có thơ.
Anh đắc ý, vội vàng đưa em “duyệt”.
Thơ đọc xong, sao em cứ ngẩn ngơ?
Giọng âu yếm, hơi cau mày nhăn nhó:
Thơ của anh kỳ lạ quá anh ơi!
Em cố gắng nín hơi, đọc cho hết.
Hình như thơ anh, nó đã “bốc mùi”!
Ôi ! Giấc mộng trở thành “nhà thơ lớn”,
Đã tan tành theo mây khói sao đây?
Không tuyệt vọng, anh sẽ làm thơ mãi.
Đến khi nào em bảo: “Thơ Anh Hay!”
Dù không được vui khi người bạn đời không ngợi ca, có thể nói là chê bài thơ vừa sáng tác, nhưng tôi biết đây là những nhận xét chân thực. Cũng may, sẽ còn xấu hổ, ngượng ngùng hơn nhiều, nếu dương dương tự đắc, cứ tưởng thơ mình hay, đọc cho bạn bè nghe. Phải thành thực nhận rằng giai đoạn tập tành làm thơ vất vả làm sao! Lòng buồn, biết tỏ cùng ai? Những bước khởi đầu hay là “tập sự” thường có nhiều thiếu sót, khó khăn, vất vả như dân gian thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Thế nên, không nản chí, tôi suy nghĩ một cách tích cực, thua keo này, ta bày keo khác và tự nhủ mình phải cố gắng và “cố gắng sẽ thành công” như một câu ngạn ngữ đã nói.
Tôi vẫn biết, những bài thơ hay, được lưu truyền mãi, vượt thời gian, đã để lại trong óc trong tim người đọc, người nghe, những suy tư, những rung động, cảm xúc dạt dào; đôi khi thơ đọc xong thấy xót thương, não nùng, bùi ngùi, rưng rưng ngấn lệ. Phần lớn những vần thơ để đời ấy, nói về tình yêu. Tình yêu có lẽ là đề tài muôn thưở. Tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa v.v. luôn là những nguồn cảm hứng bất tận. Đặc biệt tình yêu đôi lứa thực phong phú, bao la. Từ thuở ban đầu, những nhà thơ nghĩ ra nhiều ngôn từ nào là “tiếng sét” nào là “hò hẹn” nào “thề non hẹn biển” rồi “giận hờn” rồi “lỗi hẹn”, “xa cách”, “nhớ nhung”, “dang dở” v.v. Nhìn chung những sáng tác thơ, nội dung chuyên chở chuyện tình buồn, tình dang dở, tuyệt vọng, dễ đi vào lòng người. Tôi nghĩ, cứ theo lối mòn của các nhà thơ đi trước, xây dựng một câu chuyện tình dang dở; yêu nhau tha thiết nhưng phải xa nhau, rồi thương nhớ nhớ thương đến thắt ruột đau lòng, có khi dùng nhiều phương cách để hủy hoại bản thân, mà người đời thường bảo là chết vì yêu. Càng lâm ly bi đát càng hay, dù chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Hư cấu, không phải chuyện thật mà người đọc, người nghe nghĩ là thật, tưởng là thật, cho là thật; như thế thơ đã đạt đến cái hay của thơ rồi.
Đất nước tôi trải qua nhiều biến động, đổi dời. Chiến tranh gây nên bao cảnh đổ nát tang thương, chia lìa. Thế nên, trong kho tàng văn học nghệ thuật, đã xuất hiện những áng thơ văn bất hủ lấy bối cảnh ly tán, chia xa thời chiến loạn. Có cả trăm lý do, hoàn cảnh, khiến những người yêu nhau, không được cùng nhau chung lối; hai trái tim yêu thương không hòa chung nhịp đập, đường tình đôi ngả…. Biết bao ngôn từ hoa mỹ để diễn tả tâm trạng luyến tiếc nhớ nhung, thấm sâu vào lòng người đọc người nghe. Đặc biệt, sau biến cố tang thương đau buồn 30 tháng 4 năm 1975, tưởng rằng quê hương đất nước không còn vọng lại những tiếng đạn pháo ì ầm; gia đình mừng vui đoàn tụ, không còn chia ly tang tóc; đó đây nơi nơi vang lên tiếng hát câu hò yêu thương. Nào ngờ, thảm cảnh còn đau lòng đứt ruột hơn thời chiến tranh. Những cuộc tình chia ly, không phải ngăn cách đôi bờ sông Gianh hay sông Bến Hải. Giờ đây người đi, kẻ ở, hai phương trời xa thẳm, hai bờ đại dương, xa cách muôn trùng mỏi mòn trông chờ …Hai người yêu nhau, phải xa nhau, nhớ nhung, mỏi mòn, dường như tuyệt vọng; chỉ còn chút ánh sáng cuối đường hầm là thành khẩn nguyện cầu để hy vọng có một phép nhiệm màu nào đó, giúp những trái tim yêu thương gần nhau …
Có lẽ do lòng hăng say và quyết tâm cao, lại thêm một chút “tự ái vặt” nên tôi đã hoàn tất một bài thơ, xây dựng trong bối cảnh vì vận mệnh đất nước, câu chuyện tình hai người yêu nhau, phải xa nhau, không kịp gặp gỡ nói lời chia tay nên ngậm ngùi, xót xa, thương nhớ. Đối với tôi, đây là một ngã rẽ bất ngờ và sau khi đọc lại nhiều lần, thấy cũng tạm ổn. Rồi đề tựa của bài thơ: “Em còn đó không”, theo tôi nó cũng rất “thơ”. Tóm lại, tôi đánh giá một cách chủ quan, từ ý tưởng đến ngôn từ, đây là bài thơ sẽ đi vào lòng người:
E M C Ò N ĐÓ K H Ô N G
---oOo---
Em còn đó không?
Bờ Tây Thái Bình.
Muôn trùng xa cách!
Vẫn hoài đợi mong?
Em còn đó không?
Anh nay phương trời.
Ôm đầy nỗi nhớ!
Xa vời vợi trông.
Em còn đó không?
Chiều tàn, nắng nhạt.
Tím màu áo em.
Tím trái tim hồng!
Em còn đó không?
Nửa vòng trái đất,
Một trời thương nhớ,
Chôn tận đáy lòng!
Em còn đó không?
Tháng tháng năm năm.
Mắt mờ ngấn lệ.
Tóc ngả màu bông.
Em còn đó không?
Mỏi mòn! Tượng đá !
Em ơi! thấu hiểu?
Thắt ruột, đau lòng!
Em còn đó không?
Đôi bờ nhớ mong.
Lệ sầu nhỏ xuống
Đại dương mênh mông.
Em còn đó không?
Tâm thành khấn nguyện:
Không còn ngăn cách.
Giọt lệ tương phùng!
Bài thơ làm xong, lòng vui chi lạ! Người ta bảo đó là niềm vui sáng tác. Thực chính xác. Nhớ lại, niềm vui ấy nó nhen nhúm từ khi chợt có ý định làm một bài thơ, rồi từ từ tưởng tượng ra một câu chuyện tình mà phải là chuyện tình dang dở, không trọn vẹn, mới hấp dẫn, mới đi vào lòng người. Tôi lại tin rằng lần này, người bạn đời của tôi không phải cố nín hơi đọc hết bài thơ, như thế là đã thành công và chắc chắn không bị lưỡi kéo kiểm duyệt của nàng làm khó. Niềm vui đang dâng lên, bỗng dưng tôi thấy như có điều gì không ổn. Chợt nghĩ, chẳng may vợ tôi duyệt thơ xong, không thấy bốc mùi mà lại có suy nghĩ khác thì tính sao đây? Rồi không chừng bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu nghi vấn nhạy cảm, làm sao tôi giải thích để nàng hiểu: đây chỉ là hư cấu thôi, không phải thực. Đây là tâm sự chung của những người yêu nhau, vì hoàn cảnh đất nước nên xa nhau, nhớ nhau. Tuyệt đối đây không phải là nỗi niềm riêng của cá nhân ai. Nhưng nghi ngờ là tâm lý thường trực của phái nữ mà. Có ai cấm được nàng nghi ngờ đâu. Nguy hiểm quá! Thà “bốc mùi” còn hơn “bốc hỏa”.Tôi cứ phân vân đắn đo không biết có nên đưa nàng duyệt bài thơ này không. Càng nhiều tuổi càng mong yên bình, xin đừng dậy sóng. Tôi tự nhủ: không nên vì một chút đam mê thơ phú mà xảy ra nghi kỵ, bất hòa. Tôi nhớ lại lời khuyên quý báu của người xưa: Gia đình có yên vui hòa thuận, mới hưng thịnh được, cho nên tôi dè dặt, cân nhắc xem có nên đưa duyệt bài thơ “Em còn đó không” hay là để từ từ, chờ dịp khác. Không vội vàng, nên cẩn thận đề phòng vẫn tốt hơn. Sau cùng, tôi quyết định vì lý do ngoài ý muốn nên bài thơ cần giữ lại để nghiên cứu thêm và sẽ đưa “duyệt” vào một dịp thuận tiện…
Triệu Vũ (Houston, TX)
- Từ khóa :
- TRIỆU VŨ
- ,
- tranh Phương Bình