- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Một Cõi Đi Về Cho Trịnh Công Sơn?

23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 110155)

trinhcongsonTin từ quê hương cho biết tin vui cuối cùng nguyên văn, “các vị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế đã hứa cấp... khoảng một ngàn mét vuông đất để xây dựng Khu lưu niệm” Trịnh Công Sơn.

Tin cũng cho biết Nhà Nước, cũng như thân nhân Trịnh Công Sơn, không dính líu gì đến việc xây dựng và nội dung trưng bày khu lưu niệm này. Đất chỉ được cấp theo yêu cầu của “những người bạn và những người mến mộ âm nhạc Trịnh Công Sơn” thôi. Không nghe nói cả nước và cả thế giới có được mấy người mến mộ âm nhạc Trịnh Công Sơn?

Ơn trả nghĩa đền cho Trịnh Công Sơn đã có công gây ra số người mến mộ đó, và cũng là mến mộ đất nước Việt Nam, là một ngàn mét vuông đất.

Một ngàn mét vuông? Nếu diện tích đất này mà nằm lọt giữa Hà Nội hay TP HCM nơi mà đất đai được tính bằng số cây vàng cho từng mét vuông thì quả tình một ngàn mét vuông chính quyền ban cho kể cũng nhiều vô kể. Chỉ có một điều là khoảnh đất này nằm lọt thỏm giữa núi rừng trong khu vực Dòng Thiên An cách trung tâm thành phố khá xa. Chọn nơi này làm cõi đi về cho Sơn để Sơn vui với tiếng khỉ ho cò gáy, tiếng chim chóc hay tiếng heo bò gà vịt từ khu chăn nuôi của Dòng Thiên An ngày xưa vọng sang thì cũng được thôi. Có còn hơn không.

Nhưng một ngàn mét vuông để xây “... một khu nhà lưu niệm với phòng trưng bày hình ảnh tư liệu hiện vật, phòng hội họp, nghe nhạc tối thiểu vài trăm người, thư viện, quầy giải khát, điểm tâm, sân vườn có thể chứa được 500 người ...” như ước nguyện của những bạn bè và người ái mộ Sơn thì có được không? Bởi lý, một miếng đất giả dụ một bề 20 mét và một bề 50 mét, thì quả là dư thừa để xây một ngôi mộ, một bảo tháp hay kim tỉnh, hoặc đủ để cất một quán cà phê bún bò bèo ram ít ướt, hoặc một dãy chuồng gà, chuồng thỏ, chuồng heo hay một chuồng bò chuồng trâu chứa mươi mười lăm con như khu nhà bếp và chăn nuôi ngày trước của Dòng Thiên An gần đó là nhiều. 

Nghe kỷ lại những bài như Cát Bụi, Một Cõi Đi Về, hay ngay cả Cho Một Người Vừa Nằm Xuống... hẳn thấy Sơn không ham chuyện trăm năm bia đá. Nhà lưu niệm nào có thể làm nơi an trú cho một một hạt bụi? Nhà lưu niệm nào bằng con tim của những Việt còn biết yêu nước yêu người?

Nguyễn Du từng băn khoăn ba trăm năm sau còn ai nhớ mình chăng? Trịnh Công Sơn không hỏi câu đó, và thực tình Sơn cũng không cần hỏi câu đó, bởi còn Việt Nam, còn lịch sử Việt Nam, còn ngôn từ Việt Nam, còn nhạc Việt Nam thì còn Trịnh Công Sơn.

Sơn sẽ sống mãi qua những người biết nói với người ngay cả khi yêu thương ngất trời, ngay cả khi hy vọng chứa chan, ngay cả khi cuồng nộ đắng cay tuyệt vọng phẫn hận nhưng chẳng thù đời hay xuôi tay bỏ cuộc, mà vẫn còn muốn nói với nhau những lời êm dịu nên thơ.

Sơn sẽ sống mãi như những câu ca dao, những bài đồng dao, những bài quan họ, những câu hò, câu vè vô danh, không cần tao đàn, nhạc viện, không cần quốc tử giám, không cần hàn lâm viện. Trong thế giới nghệ thuật Việt Nam hiện đại, đặc biệt là âm nhạc và thơ văn, không có một người Việt Nam nào được biết đến, được mến mộ, được yêu thương như Trịnh Công sơn.

Trong khung cảnh văn hóa Tam giáo, Nguyễn Du đã nâng ngôn từ Việt mà đặc thù là tiếng Nôm, đã nâng thi ca Việt mà đặc thù là Lục Bát, lên hàng phổ biến, đã chứng tỏ không có ý nghĩ nào hay tư tưởng nào dù cao siêu uyên áo thâm diệu đến đâu mà tiếng Việt không diễn đạt được, mà chữ Nôm không viết được. Trịnh Công Sơn là người tiếp nối con đường hoàn thiện ngôn từ Việt đó của Nguyễn Du, không chỉ bằng lời mà còn bằng nhạc. Không những hoàn thiện mà còn, nói theo ngôn từ thời thượng, hiện đại hóa hay đổi mới tiếng Việt nữa.

Cũng buồn cũng vui, cũng thất tình lục dục nhưng tiếng nói của Trịnh Công Sơn là tiếng nói của thế hệ suy tư ở ngoài đường, thế hệ đem tâm tình viết lịch sử, thế hệ xuống đường và đem cả bàn thờ xuống đường để đặt lại vấn đề về ý nghĩa lịch sử, về lý tưởng đời người, lý tưởng quốc gia và tình nhân loại. Đây là thế hệ nhìn thẳng vào mắt những người công an cảnh sát dẹp biểu tình, những người lính ra trận, những thanh niên trốn quân dịch, những con ông cháu cha êm ấm nhờ phúc nhà, những người lính đồng minh đang tưởng mình là kẻ thế thiên hành đạo... để thầm nói với họ rằng: Tôi nổi loạn và chúng ta hiện hữu. Thế hệ của Quảng Đức, Quách Thị Trang, Mai Tuyết An, Nhất Chi Mai... Cái thế hệ chỉ sáu tháng vùng lên là đủ làm nghiên ngửa một chính quyền đã thoát hiểm và đứng vững suốt chín năm sóng gió. Đó là một sự thật, hiển nhiên như quê hương Việt Nam, như cuộc chiến cam go dành tự chủ tự quyết, như ước vọng thanh bình đòi đoạn mong manh dai dẳng trong lòng người Việt suốt bao thế hệ.

Cho nên, có làm gì cho Sơn, có nghĩ đến gì cho Sơn, thì cũng là làm cho và nghĩ đến những người còn sống. Khu nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn là một cách làm, cách nghĩ đó. Vì tâm tình những thế hệ quá khứ, vì tâm tư của thế hệ hiện tại và vì tiền đồ của những thế hệ tương lai.

Vấn đề còn lại là quyết tâm và vận dụng phương tiện. Liệu cơm gắp mắm, với một ngàn mét vuông và không được một tài trợ chính thức nào, bạn bè và người mến mộ Sơn có thể làm một kim tỉnh, một bảo tháp theo mô hình Chùa Một Cột, một tượng đồng lớn theo mô hình Le Penseur của Rodin, một tháp bút, một tháp hoa sen như ở quảng trường Duy Tân hay một bức tường hoa cương như bia mộ đen ở Washington...bạn bè và những người mến mộ Sơn không thiếu nhân tài để sáng tạo một mô hình độc sáng, không chỉ để tưởng niệm Sơn mà để cho tất cả những người làm thơ, văn, họa, nhạc hiện đại nổi tiếng của Huế, của miền Trung, của Việt Nam... Cho Sơn khỏi “nằm” trơ trọi trên non một mình giữa nơi sơn lâm. Không sao cả. Bởi thiên tài nào mà chẳng cô đơn. Ngày nào đây, có duyên may được cấp phát thêm mặt bằng thì lúc đó hãy tính mở rộng thành một khu lưu niệm đúng nghĩa. Không ai xây Roma xong một ngày. Chùa Một Cột hay tháp Thiên Mụ tự những ngày đầu có lẽ cũng chơ vơ lạc lõng và cũng chẳng mấy ai nghĩ một ngày nào đây đã trở thành những ngọn hải đăng tâm linh của Việt Nam như hôm nay.

Bạn bè và những người mến mộ Sơn cũng có thể xung phong xin lại khu vườn chơi hoang phế dưới chân núi Ngự Bình và biến nơi đó thành Lâm Viên Trịnh Công Sơn hay Đạo Tràng Trịnh Công Sơn, còn hơn là để làm nơi xả rác cho người và trâu bò.

Gia đình thân nhân Trịnh Công Sơn hình như không đến nỗi nào, bạn bè và những người mến mộ Sơn cũng có thể gây quỹ bằng cách thương thuyết với họ để khai thác bản quyền của tất cả tác phẩm của Sơn còn giữ được. Hoàn thành trung tâm còn dư thì dùng tiền đó tổ chức những giải thưởng, những học bổng Trịnh Công Sơn. Phạm Duy, Hữu Loan làm được, Trịnh Công Sơn tại sao không?

Có thể ngoại giao với chính quyền cho phép đấu thầu một hai kỳ xổ số để gây quỹ không? Rồi các chùa, nhất là chùa Huế. Các chùa làm sao quên được một người mà lời nhạc nhiều khi đã trở thành pháp khí, trở thành những tiếng chuông tiếng mõ có tác dụng khai ngộ an tâm không kém gì kinh kệ đúng nghĩa. Có thể vận động các chùa tiếp tay xây dựng trung tâm Trịnh Công Sơn không? Tạo điều kiện cho sinh viên học sinh và các nhóm ái mộ Trịnh Công Sơn tham gia việc gây quỹ xây dựng trung tâm tưởng niệm này. Mỗi người một viên gạch, người yêu thương Sơn, nhớ Sơn trong nước ngoài nước, không ít đâu. 

Trịnh Công Sơn chết đã năm năm rồi, ngoài cái vườn chơi Bình Qưới ở ngoại ô TP HCM, hình như chưa có một tượng đá, một công viên, một tên đường, một khu bảo tàng... nào chính thức dành cho Sơn. Đặc biệt là nơi chính quê hương chôn nhau cắt rốn của Sơn. Trong khi đó, tên tuổi của những người như Trương vĩnh Ký, Alexandre de Rhodes, Nguyễn trường Tộ, Paulus Của... xuất hiện khắp nơi, được tưởng niệm thường xuyên. Biết đâu mai đây lại sẽ có cả Trần Lục, Nguyễn Thân tham dự nữa. Điều đó có công bằng hợp lý cho một người như Sơn không?

Tưởng niệm Sơn không phải vì Sơn là người Huế, mà vì Sơn là người Việt Nam. Không phải Sơn là người Việt Nam mà vì Sơn là người Á châu. Không phải Sơn là người Á châu mà vì Sơn là người. Không “Ngụy”, không “cách mạng”, mà cũng chẳng “cách mạng 30”, dù Bùi Giáng đã dạy cho Sơn một bài học thực tế, thực tế như con cá sống vì nước. Bài học còn hai con mắt khóc người một con. Khóc một con mắt thôi vì dù thương yêu mấy đi nữa, khổ đau vì chia lìa mất mát mấy đi nữa thì cũng chỉ thương bằng một mắt, cũng chỉ khóc bằng một mắt thôi, phải để dành con mắt kia mà sống, ngay cả sống còn, sống sót. Con mắt còn lại đó lỡ kẹt phải bỏ nước ra đi thì để nhìn ghe vượt biên, không ra đi mà ở lại thì để nhìn công an khu vực, để đọc hộ khẩu và bảng hiệu cửa hàng nhu yếu phẩm. Trước, trong và sau cuộc đổi đời, Sơn đã khóc, đã cười và đã sống, sống như một người, sống ra người. Hay nói như Nietzsche, ecce homo! Chừng đó cũng đủ để nhớ Sơn rồi, không phải nhớ cho Sơn mà nhớ cho chính mình, những người còn đang trả nợ đời.

Và đã nhớ thì gắng cho ra nhớ, đã tưởng niệm thì gắng cho ra tưởng niệm, bất cứ nơi đâu, trong tâm, nơi tượng đài, công viên, đường phố, trường ốc, quảng trường, nhịp cầu... đâu đâu cũng có thể mang tên Sơn, nhắc nhớ Sơn, như Sơn đã và đang ở trong lòng nhân thế từ gần nửa thế kỷ qua...

Đời mắc nợ hạt bụi Trịnh Công Sơn nhiều hơn là Sơn mắc nợ cuộc đời.

HOÀNG NGUYÊN NHUẬN

(Trại Đỗ Quyên 14/6/2006)

*

Một vài bài liên hệ xin hoan hỉ đọc thêm:

- 40 Năm Hành Trình Âm Nhạc -Trịnh Công Sơn, Thái Hòa và Tôi của Trần Tuyết Hoa [chuyenluan online số tháng 04/06]

- Trịnh Công Sơn và Tôi của Nguyễn Tú A [chuyenluan online số tháng 04/06]

- Giã Từ Nguyễn Du Thế Kỷ 20 của Hoàng Nguyên Nhuận [ Hoàng Nguyên Nhuận - Phồn Hoa Kinh, Văn Mới, Ca. 2003]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 115492)
B ài thơ anh viết lại nhiều lần Ao ước xoá đi niềm đau giữa hai hàng chữ Nhưng làm sao nói lời tỏ tình Với những điều không thật...
11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116411)
đếm những bước chân tá túc ở xứ lạ bằng nỗi chật hẹp tù túng nơi quê nhà, mùa xuân trước tôi thấy thênh thang một nỗi buồn, khập khễnh (em đi bên cạnh, rất xa, những chân trần, thui chột gót hồn nhiên)
09 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84543)
Là một dân tộc đã có ít nhất ngàn năm lịch sử thành văn, từng nhiều phen đổ xương máu để bảo vệ chủ quyền của mình và đồng thời mở mang bờ cõi về phía Nam, từ đầu thế kỷ XX, người Việt bắt đầu chiêm nghiệm lý do thất bại của các phong trào Cần Vương, Văn Thân v... v...
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 98345)
Nguyễn Trung, để đi đến Xám Trắng Đen năm nay hay Bảng Đen năm 2004 là cả một chuổi dài rượt nà theo nghệ thuật. Kể từ những năm năm mươi tại Đàm trường viễn kiến của Nguyễn đức Quỳnh, những năm sáu mươi ký Anh Oanh viết phê bình mỹ thuật trên Văn Nghệ chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký toà soạn Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu )...
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 116658)
Nắng chiếu óng ánh trên mái tóc ngắn của cậu con trai, chiếc sơ mi mầu xanh dương hơi nhàu nơi hai bàn tay cô gái níu. Cô níu chặt quá, làm cái cổ sơ mi như muốn lật ngửa ra soi rõ một cái gáy thanh xuân mạnh mẽ. Cô gái nằm phía dưới tuy không nhìn rõ hết khuôn mặt, nhưng vầng trán nhô ra rất thanh tân.
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 74178)
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84787)
...Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95928)
LTS: Nguyễn Hạnh Nguyên sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học ngành Ngữ Văn. Hiện sống và làm việc tại Hạ Long, Quảng Ninh. Năm mới, bài viết mới lần đầu đăng ở trang mạng Hợp Lưu như một món quà xuân gởi đến quí văn hữu và bạn đọc đầu năm Tân Mão 2011. TCHL
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 83786)
Bài viết này duyệt lại huyền thoại trụ đồng Mã Viện xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IV-V, nhưng không hề có dấu vết trên thực địa hay trong quốc sử Hán. Những dã sử về số lượng và vị trí trụ đồng chẳng những thiếu cơ sở, mà còn di động, từ châu Khâm tới Hà Tiên-An Giang—không ngừng nam tiến, giống như tấm bản đồ biển Đông Bắc Kinh mới công bố năm 2009, ấn chứng của “thực dân xã hội chủ nghĩa” [Han social-colonialism ], vò đựng mới cho tinh thần Đại Hán phong kiến.
30 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 73517)
Vichto Olegovich Pelevin sinh ngày 22.11.1967 tại Moskva, trong một gia đình quân nhân. Năm 1989 Pelevin thi vào trường đại học năng lượng, từ 1989-1990 học hàm thụ trường đại học viết văn Maxime Gorki. Pelevin bắt đầu sáng tác vào giữa những năm 80, mười năm sau, chưa đầy ba mươi tuổi, có trong tay hơn chục tiểu thuyết, truyện vừa và năm-sáu tập truyện ngắn, anh đã trở thành "hiện tượng bí hiểm nhất và nổi tiếng nhất trong thế hệ các nhà văn hậu Xô Viết".