CHƯƠNG 4.
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. Những khuôn mặt hốc hác với tròng mắt to tròn trũng sâu thao láo nhìn nhau dưới cái nắng nóng gần 50oC. Nhiều người không ngớt lời cầu khẩn thánh Allah. Về một nghĩa nào đó thì như thể chúng tôi đang phải trả giá cho sự hoang phí thực phẩm của chính mình trước kia.
Nhưng chúng tôi đói một thì mẹ đói mười. Nhìn những đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn phổng phao, nay rộc người đi, mẹ nhịn dần phần của mình, để dành cơm cho các con. Có những khi mẹ không ăn liên tục hai ngày liền, rồi dần gầy ốm đi. Chẳng ai trong mấy chị em biết. Mãi đến khi mẹ nhịn nhiều quá, dạ dày không chịu được, bụng đau dữ dội, phải đưa đi bệnh viện khám, bác sĩ nhìn chúng tôi ái ngại hỏi: “Không cho bà ăn à?”. Sự thật nghiệt ngã bị tiết lộ ấy không khác gì cái tát mạnh vào mặt chúng tôi. Anh ba gần như phát điên, khóc lóc không ngừng rồi đập phá đồ trong nhà. Tôi và anh hai lao tới, dùng hết sức lực ghì chặt, bắt anh ba nằm im. “Nghèo quá, ôi nghèo quá, tại sao chúng ta lại nghèo đến thế”. Ngừng cựa quậy, anh ba nằm im trên đất, khóc tu tu. Anh cả nhắm chặt mắt, thốt từng từ: “Hết cách rồi”. Sau đó anh cả xin đi làm cảnh vệ cho tổng thống. Nghề này đã nuôi sống cả gia đình tôi giai đoạn đó, nhưng thực lòng thì anh cả không thích, và nó cũng vô cùng nguy hiểm trong lúc nhạy cảm đó ở Baghdad. Anh ba vẫn đi học. Tôi thi thoảng xin đi làm thợ xây, bán hàng cho Pepsi trên đường phố để kiếm thêm thu nhập. Phải một năm sau ngày bị cấm vận, cuộc sống chúng tôi mới dần dễ chịu hơn.
Mẹ bắt tôi tập trung vào việc học nhiều hơn, như thể đó là ước mơ to lớn nhất đời mẹ, ước mơ vượt xa hơn những rặng cây chà là, những đám mây trên trời cao và đến một nơi nào ánh sáng vẫn chiếu rọi. Mẹ nói: “Kể cả các anh chị nghỉ học hết, nhưng riêng con không được phép lười. Con thông minh nhất, cũng khôn lanh nhất, phải ráng học để sau này còn giúp đỡ gia đình”. Tôi lại cắp sách tới trường, vì theo luật ở Iraq, ai bỏ kỳ thi coi như phải học lại một năm, rồi được thi một lần nữa như cơ hội cuối cùng, bỏ thi hoặc trượt thì coi như bị đuổi thẳng.
Điều đặc biệt nhất ở Iraq là nhà nước bao cấp toàn bộ cho giáo dục, từ mẫu giáo lên tới đại học, thậm chí là cao hơn vẫn không mất tiền, chỉ cần người ấy có khả năng. Bù lại là hệ thống thi cử, xét tuyển rất nghiêm túc và chặt chẽ. Chính vì vậy các dòng họ, gia tộc rất tự hào khi con cháu vào được trường tốt, và bản thân họ cũng dễ dàng đạt được vị trí cao trong xã hội hơn. Y, xây dựng, kiến trúc, luật, khoa học chính trị là tốp trường quan trọng nhất. Ngay khi học đến lớp 11, học sinh nào cũng phải chọn một trong hai chuyên ban là khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên. Lúc ấy tôi buộc mình phải vào ban khoa học với mục tiêu tiếp theo là đại học y. Nhưng dù đạt được 85/100 điểm, đủ để vào nha khoa, nhưng do tôi từng phải bỏ thi vì việc tang của cậu, nên bị trừ mất 10 điểm trong tổng số điểm thi, và chỉ đủ để vào đại học Nông nghiệp. Có thể ví đây là cú sốc đầu tiên, khi sự tự tin vào khả năng của bản thân mình bị lẽ may – rủi, một điều rất thường trong cuộc đời này đánh gục. Tôi cảm giác mất thăng bằng và từ chối theo học trường Nông nghiệp. Với tôi, dường như tương lai đã bị định đoạt. Điều không mong đợi thì cũng xảy ra rồi. Nếu đó là vận rủi thì chắc chẳng còn gì có thể xui xẻo hơn nữa.
Tôi quyết định thi vào đại học Quân sự, để vừa có bằng, vừa có lương nuôi gia đình. Các vòng thi tôi đều vượt qua một cách xuất sắc, chỉ còn một buổi phỏng vấn. Nhưng tôi không tham gia. Rồi tới lượt trường Công An, cũng trong lần trao đổi cuối cùng ấy, tôi lại không tới. Chẳng biết điều gì lại ngăn cản khiến cho tôi không muốn bước ra khỏi nhà vào cả hai ngày đấy. Không phải sự chết nhát, sợ mình bị từ chối sẽ khiến thiên hạ cười chê. Tôi tự tin là mình sẽ đỗ, nhưng như có một điềm báo trước nào đó khiến cho tôi luôn có cảm giác bồn chồn không yên. Linh tính như mách bảo tôi rằng: đừng đi, đừng đi. Tôi biết, nếu vào quân sự thì bắt buộc suốt đời này sẽ không được phép bước chân ra khỏi Iraq dù làm chức vụ gì. Đó là một lời thề thiêng liêng mà không một người lính nào được phép phạm phải. Đêm trước buổi phỏng vấn, tôi thức trắng. Tôi tự đặt ra cho mình câu hỏi mà không trả lời được: “Mình đang làm gì đây?”. Ừ, mình đang làm gì nhỉ! Định biến cuộc đời mình thành một tù nhân trong cái nhà tù lớn là Iraq này chăng. Có khác gì một nhà tù không nếu ta chẳng thể ra ngoài? Khi ấy, tôi nào đã nghĩ tới chuyện sẽ có ngày mình đi tới một vùng đất Á Đông xa xôi và ở lại đó, nhưng thâm tâm tôi tự thấy sự bó buộc, hạn chế nếu tự tay khép cánh cửa, nhốt mình trong đất nước này. Sau này khi có những chuyện vô tình cũng như hữu ý khác xảy ra trong cuộc đời mình, khi cần phải suy nghĩ và đưa ra quyết định trước việc làm hay không làm, tôi luôn chú tâm lắng nghe linh cảm của mình.
Tôi biết phải làm gì đây, khi dường như không có một lựa chọn nào khả dĩ tốt hơn cho tương lai của mình. Học hay kiếm tiền trong khi anh ba vừa tốt nghiệp, còn chờ việc, chị cả chưa lấy chồng, còn em gái vẫn đang đi học. Chúng tôi không dám nghĩ tới ngày mai sẽ gõ cửa với màu sắc gì nữa. Đường cùng, tôi cắn răng bán cái áo sơ mi đẹp nhất đang có trong tủ, mua ba cây thuốc lá đứng bán rong ngoài đường. Khi Jihad nhìn thấy cảnh đấy đã vô cùng ái ngại, bảo: “Cậu học giỏi như thế, đừng có ra đứng đường cho ảnh hưởng, thôi để tôi hy sinh đi bán thuốc lá thay ông”. Nhưng cuộc sống đường phố phức tạp hơn những gì đầu óc non nớt của một đứa trẻ có thể lường trước, bọn bảo kê, trấn lột, ăn hiếp, lấn áp địa bàn… Jihad lủi thủi đưa ra vài đồng bạc còn lại, kể với tôi rặt chuyện buồn. Không nản chí, tôi lại đi mua sữa chua, vác chậu to trong nhà ra, đặt sữa chua vào bên trong, đổ đầy nước, cho đá vào giữ lạnh, mang ra bến xe ngồi bán. Lãi lời đáng là bao so với cái nắng rằn vặt mỗi ngày. Nắng đến cong vênh cả thanh chắn bùn xe ô tô nếu chẳng may người chủ quên không phủ bạt. Tôi chỉ còn lại vài đồng bạc, cùng sự thất vọng in hình trên khuôn mặt. Cuối năm 1993, anh hai đột nhiên ra khỏi lực lượng cảnh vệ, nên chị cả quyết định xin đi làm tại khách sạn năm sao Al-Rasheed để phụ giúp gia đình. Tôi quyết định đi thực hiện nghĩa vụ quân sự ba năm để có tiền lương, vừa đi học trường Văn học Anh lớp buổi tối. Nhưng vào quân đội cũng đâu khiến cuộc sống dễ chịu hơn. Nơi tôi đóng quân cách Baghdad khá xa, nên phải tháng rưỡi đến hai tháng mới được về nhà một lần. Tôi cố gắng xoay xở đủ mọi cách để xin về Baghdad, nhưng thay vào đó, lại bị chuyển đi xa hơn. Tới 1995, tôi đóng quân ở Mussel nên cố gắng tham gia lớp buổi tối trường Văn học Anh. Mãi năm 1996 tôi mới được chuyển về gần nhà, sáng xách ba lô tới quân trại, chiều về. Đáng tiếc là tôi quá chậm trong thủ tục chuyển từ trường ở Mussel về Baghdad nên không còn được theo học tiếp. Chẳng còn lý do gì gò bó, tôi lại nghĩ tới chuyện kiếm tiền.
Khó khăn kéo dài khiến một loạt các doanh nghiệp phá sản, nhiều người tự tử vì bế tắc, tới giai đoạn 1996 – 1997 tuy Baghdad chưa qua thời cấm vận nhưng đã dễ chịu hơn, chính phủ phát nhiều phiếu hơn cho dân để mua lương thực nên cái ăn không thiếu, có điều hàng hóa, đồ dùng hàng ngày vẫn còn khan hiếm. Đồ mới thì không mấy người đủ điều kiện mua, nên mới có những cửa hàng chuyên bán đồ “second hand” xuất hiện ngày càng nhiều. Suy đi nghĩ lại thì đây sẽ là cơ hội của mình. Không đủ điều kiện để mở hẳn kho trữ đồ, chúng tôi xoay xở làm người môi giới ở giữa, điều quan trọng là tìm được nhanh nhất thông tin của những gia đình đang có nhu cầu bán toàn bộ đồ đạc với giá rẻ cũng được để có thể đi khỏi Iraq, sau đó giới thiệu cho các cửa hàng. Như thế sẽ chỉ lời khoản hoa hồng rất thấp, nhưng tỉ lệ an toàn cao. Cứ thế chăm chỉ một thời gian, tôi và anh ba đã có một chút vốn trong tay, liền mua đồ về, nhưng không bán ngay mà sẵn có tay nghề sửa chữa của anh, chúng tôi bỏ công sức rửa sạch, sơn sửa lại đẹp nhất có thể để làm hài lòng người mua hơn và tăng giá trị món hàng. Lúc đầu chúng tôi mang ra bán sỉ lại cho cửa hàng đấu giá. Có dư vốn hơn, chúng tôi chỉ ký gửi và chia hoa hồng cho họ. Dù không nói là khấm khá, nhưng biết cách xoay xở nên gia đình bớt khó khăn hơn trước.
Như được Thánh Allah chỉ lối, một hôm, người anh họ tới và thông báo cho chúng tôi rằng có cửa hàng trên phố vừa nhập một lượng lớn lốp ô tô cũ các kiểu dáng, do có việc cần tiền gấp nên muốn bán trọn gói với giá rẻ. Chúng tôi ngay lập tức đi xem. Vừa nhìn qua, anh ba biết là số lốp tốt nhiều hơn lốp hỏng, khả năng sẽ lời nhiều, nên bàn nhau dốc hết tiền mua toàn bộ, rồi chuyển về trang trại của anh họ lưu trữ. Chúng tôi dành cả hai ngày để lau, dùng xà phòng rửa sạch lốp, cái nào hỏng hẳn mới vứt đi. Nhìn đống lốp xe còn lại gần như mới, chúng tôi vô cùng phấn khởi, và quả nhiên rất được giá. Sau khi biếu mỗi người giúp mình một ít tiền, chúng tôi còn lời rất nhiều.
Cứ thế tiến tới, tôi dần lân la tìm hiểu thêm thông tin về các mặt hàng khác, mở rộng mối quan hệ để cơ hội tới nhiều hơn. Trong họ hàng tôi có ông anh làm công an và cũng có buôn bán thêm ô tô. Nhận ra thuận lợi này, tôi quyết định tới tìm anh, đề nghị kết hợp với nhau cùng làm ăn. Theo đó tôi sẽ tìm mối mua xe ở các tỉnh lân cận với giá rẻ, mang về sửa chữa lại, rồi anh họ sẽ xoay xở đổi thành biển số ở Baghdad, bán để lấy chênh lệch cao. Được sự đồng ý của anh họ, chuyến đi tới thành phố Mussel cách Baghdad 550 km về phía Bắc đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Chấm dứt luôn chuỗi ngày lúc nào cũng phải buông cả mành lẫn rèm che kín mọi khung cửa, chỉ hé mắt nhìn ra xem ai tới, phòng khi chủ nhà muốn lấy tiền thuê nhà hoặc ai sang đòi nợ thì không biết phải lấy gì đưa cho họ. Thành công luôn tới khi ta chú tâm vào một việc gì. Nhưng điều thực sự có ý nghĩa là khi tôi có thể dẫn mẹ tới cửa hàng, bảo mẹ chọn tủ lạnh, máy giặt mới để mua. Thật khó diễn tả, nhưng mẹ xúc động và nói rằng: đã quá lâu rồi không có ai dẫn mẹ đi mua một món đồ gì mới cả. Nhìn vào mắt mẹ tôi nhận ra sự an tâm.
Ba năm, tôi đã dành đủ tiền để mua đất, mua nhà và sắm thêm hai chiếc ô tô cho gia đình. Ngày có đủ tiền trong tay để tự tin nói với mẹ chuyện bà nên đi chọn mua một ngôi nhà cho gia đình, tôi thấy bà đột nhiên biến thành đứa trẻ lần đầu nhận được món quà lớn nhất trong đời. Mẹ vui không tả xiết, tới hết đại lý này đến đại lý khác chọn cho kỳ được ngôi nhà mình ưng ý. “Con là con trai mẹ, thứ con làm ra thảy đều là của mẹ”. Bà thì thào lặp đi lặp lại lời tôi nói. “Ngay cả thứ bố không cho mẹ được, con sẽ cho”.
CHƯƠNG 5.
Cuối tuần, tôi tới đón em vào cái giờ mọi khi chúng tôi vẫn ngồi gần nhau trò chuyện. Nơi em ở là tầng hai có lối đi riêng nhỏ hẹp từ bên hông con ngách cụt. Vốn đó là căn nhà trệt mặt tiền trên con phố đông đúc. Em đã cơi nới gác lửng rộng ra, đẩy mái cao lên, tách lối đi riêng để ở, rồi cho thuê phía dưới như vô vàn những con người khác trong khu nội thành chật chội này. Kể ra đó cũng là quyết định không tồi. Sống trong chốn này đến hít thở cũng hạn hẹp.
Tiệm vịt nướng bốc ra từng đợt khói kèm mùi thơm dậy mũi. Từng con vịt vừa treo lên móc chưa ấm chỗ đã bị dỡ ra thớt chặt chém rồi trút vào hộp. Giờ tan tầm, tựa như thành phố này dốc ngược túi, đổ hết bao nhiêu người nó đang chứa trong mình ra đường để đếm. Những gương mặt cứ thế hiện hữu trước mắt tôi rồi tiêu biến. Liệu có khi nào tôi vô tình gặp lại họ ở nơi khác và nhận ra không nhỉ. Đến tôi cũng thấy nực cười với sự nhàn tản quá mức của mình. Trên một góc độ khác mà nói, dù đã sống ở đây hơn 30 năm, tôi vẫn luôn thấy mình chỉ như một du khách tạm dừng chân mà nhìn ngắm mọi thứ bằng đôi mắt xa lạ. Không phải loại du khách hứng trí bừng bừng khám phá, mà là một đôi mắt mỏi mệt, thê lương.
Con xe của tôi hẳn cũng già nua cũ kĩ như tôi. Nó chẳng bóng bẩy bắt mắt mà như một tồn tại cần được thay thế trên đường phố. Một sản vật mà thời gian không khoác lên nó bất kì giá trị cổ điển, trầm tích, chỉ thể hiện ra sự lạc loài với thời đại. Thế nên mỗi một vị khách dừng lại mua vịt nướng, trong lúc chờ đợi đều hướng mắt tới con xe của tôi, mà dường như đều có vẻ trách móc tiềm ẩn vì sao tôi không chịu tống con xe vào một cửa hàng nào đó, dỡ nhỏ nó ra, rồi kiếm cho mình một chiếc xe mới rẻ tiền, hợp thị hiếu hơn. May thay, chiếc xe vẫn chạy tốt, chứ không phụt ra hàng đống khói đen kịt khi khởi động. Nó như niềm an ủi cuối cùng của tôi với ông bạn già này. Một thân xác già nua hơi rệu rã nhưng không ốm đau.
Từ xa em hướng tới con xe của tôi, từng bước ngắn chậm rãi. Quần jean, phông trắng, áo phao đen, khăn quàng xám, balo khoác trên vai, đi đôi giày Adidas đỏ, em hiện diện như tất cả những gì vốn có của tuổi trẻ, sạch sẽ, không cần tô điểm cầu kì để che đủ loại khiếm khuyết trên cơ thể. Đơn giản đến hoàn hảo. Thấy tôi mở cửa xe, em gật đầu cảm ơn, đưa mắt khẽ liếc một vòng xung quanh rồi mới nhoài người vào. Như để trả lời cho cái nhìn của em, đằng sau quầy hàng đối diện nhô ra một mái tóc bù xù, hai mắt lập loè bao quát kín kẽ chúng tôi. Hàng lông mày em nhướng lên cao, mặt vênh lên đáp trả rồi đóng xầm cửa xe lại.
“Xin lỗi vì để anh chờ”.
Em rút bao thuốc lá trong túi ra, đưa lên mũi ngửi, thoáng ngần ngừ rồi lại bỏ vào. Dường như em đang bối rối, cần điều gì đó để phân tán sự chú ý.
“Em khoẻ không! Ai làm phiền em hả?”
“Em đang có chút khúc mắc với hàng xóm. Anh biết đó, em cơi nới gác lửng, sửa lại lối thông ra ngõ bên hông mà em vốn không sử dụng lâu lắm rồi. Thế là bà ấy trở mặt như thể em đang xâm phạm tới quyền sở hữu của bả. Ồi, chỉ là chút lông gà vỏ tỏi mà đi nói xấu em khắp nơi. Anh nhìn dáng vẻ vịt bầu của bà ấy chưa, vậy mà dám nói em xấu như viên ô mai cuối lọ nên không ai thèm lấy. Lạy hồn.”
Em có xấu không? Chưa khi nào tôi tự hỏi bản thân điều đó, nó thật sự không cần thiết. Tôi thích làn da sáng màu với chút tàn nhang bên gò má của em, cùng tôi mắt to đen sạch sẽ, sạch sẽ đến mức tôi sẽ tự nguyền rủa mình nếu cố làm vấy bẩn nó. Nếu kết hợp giữa làn da cùng lớp son môi màu đen, móng tay đen cùng trang phục tối màu, phản ứng của số đông hẳn là như nhau, mà tôi không mấy quan tâm tới thẩm mỹ của đám đông. Một gã già gàn dở cùng một cô gái trẻ gàn dở là đã đủ lắm rồi.
Tôi khởi động máy sau khi nhắc em buộc đai an toàn. Con xe khò khè thở dài trước khi lăn bánh. Chúng tôi đi xuyên thành phố tới phần rìa tây quận nơi con sông lớn nằm lẫn lộn giữa một đống hồ nước. Người ta đã dần dần lấp đi những cái hồ nhỏ để lấn thêm đất. Hẳn trong ngày nắng nóng, những cái hồ cũng thở khò khè không khác gì con xe già lão của tôi. Một lớp hỗn hợp dầu mỡ, chất thải, váng bẩn, tích lại cùng rác rưởi phủ trên mặt hồ cướp đoạt sức sống, phà vào không khí hơi thở hôi thối đặc trưng của cống rãnh. Tôi đã từ lâu đóng kín cửa xe khi chạy ngoài đường. Tôi từ chối nhìn, nghe và tiếp nhận mọi hiện thực đang có vẻ tồi tệ hơn ngoài kia. Tôi sớm khoác lên mình sự ích kỷ của tuổi già và dừng nghĩ về tương lai để không cần phàn nàn với ai khác về sự bất ổn, lật lọng, phản bội từ thế giới.
Chúng tôi đi xuyên thành phố và dừng xe trên vỉa hè, rồi đi bộ xuôi theo con dốc ngắn hẹp chạy xuống hồ. Một người đàn ông trung tuổi nhỏ gầy đứng ngay ở cổng tỏ vẻ chờ đợi đã lâu, rồi để chúng tôi bước vào trong xem với thái độ ân cần đúng mực. Gã tựa như đã được dặn trước về tôi, nên sau màn chào hỏi, gã tự bỏ qua vẻ mặt hờ hững của tôi mà chỉ bắt chuyện với em.
“Anh tên Tố, vốn là người luôn sửa chữa, dọn dẹp ngôi nhà này, mà lâu rồi không có ai ở nên xuống cấp nhanh quá. Cô Ánh có nói là em sẽ ở lại đây và muốn làm hài lòng em, nên chiều theo ý của em là tiện nhất. Em muốn sửa chữa, tu bổ hoặc cần đồ đạc gì thì nói trực tiếp với anh là đủ.”
Tôi bước lên ban công tầng hai, nhìn xuống hồ như tôi đã từng đứng đây mười năm về trước trong một đêm trăng sáng. Không còn từng bãi trống mọc đầy lau sậy rầm rì tiếng côn trùng than thở. Căn nhà lọt thỏm trước những hàng xóm cao gầy lèn ứ xi măng sắt thép. Đến gió cũng phải lách mình mới lọt qua nổi. Ánh mắt tôi không tự chủ lướt qua từng góc khuất tối cố tìm kiếm đốm sáng nhập nhoè từng múa vũ điệu lân tinh câm lặng của rất nhiều năm về trước. Đom đóm là loài ngủ đông. Lý trí tôi dù lặp đi lặp lại lời này vẫn không thể điều khiển đôi mắt của tôi ngừng đuổi theo. Loại cảm giác phi lý tới bất lực đè nặng lên vai tôi. Nó ở đó, còn nguyên, nằm sâu trong tôi nỗi sợ hãi cận kề cái chết.
“Anh”.
Em đứng cạnh tôi từ lúc nào, dè dặt vươn tay không dám chạm. Tựa như em nhìn thấy đôi mắt tôi đang lồi ra nhìn trân trối vào khoảng không, rằng đôi tay tôi bấu mạnh vào lan can sắt cố giữ lấy thứ vũ khí cuối cùng bảo trì sinh mạng. Tôi quay sang và vất nguyên nỗi sợ hãi vào em không hề phòng bị. Mặt tôi đủ kinh hoàng khiến cho em vội lui lại nửa bước. Cái chết tựa như cười nhạo sự ngu xuẩn của một gã yếu đuối như tôi mà lùi ra xa, tự chìm vào bóng tối. Quanh tôi chỉ còn vẻ sững sờ trong mắt em và từng vệt sáng đan xen mà ánh đèn sợi đốt trên cao toả ra. Tôi run rẩy đưa tay lên quờ mặt, che vội đi sự thất thố.
“Xin lỗi em. Anh tự dưng nhớ lại chuyện không tốt”.
CHƯƠNG 6
Khi tiền không còn là vấn đề quá nghiêm trọng, tôi bắt đầu nghĩ nhiều hơn tới việc phải làm một điều gì đó khác hơn cho cuộc sống của mình. Và chuyện đi nước ngoài vô tình gieo vào đầu óc của tôi sau một lần nói chuyện với người anh họ, nguyên là con của Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Năm 1997, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước tiến thêm một bước quan trọng khi cả hai đã cùng thông qua chương trình hợp tác văn hóa, theo đó mỗi bên sẽ tặng vài suất học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Tuy nhiên chỉ có một suất giành cho ngành ngôn ngữ. Theo quan điểm của Iraq lúc đó thì ngôn ngữ các nước nhỏ… được coi là ngôn ngữ “chết” vì chỉ có dân bản địa dùng, không mang tính phổ biến rộng trên thế giới, nhưng chính phủ vẫn muốn gửi sinh viên sang học nhằm đạt tới một tầm quan hệ chính trị rộng và chặt chẽ hơn nữa. Đối với tôi, điều này không khác gì một lối thoát cho cảm giác hoang mang hiện tại và cũng là cơ hội, biết đâu cũng sẽ tạo ra con đường thênh thang hơn cho sự nghiệp sau khi kết thúc khóa học về nước.
Vốn dĩ lúc này tôi đang theo Đại học Văn Hoá buổi tối, nên sau khi suy nghĩ kỹ, tôi nêu nguyện vọng sẽ đăng ký thi để theo ngành ngôn ngữ học tại Châu Á. Không ước vọng đó là thiên đường, tôi chỉ mơ hồ cảm nhận thấy một sự phù hợp nào đó cho mình về một nước ở xứ nhiệt đới. Tôi sang nhà bác nguyên là Bộ trưởng Giáo dục, mong ông giúp đỡ. Nhưng vốn là người khó tính và nguyên tắc, ông ngồi trước tôi, khoanh tay bảo: “Muốn đạt được nó thì thi vào thôi, bác không giúp gì được”.
Tự lực, thì tôi vốn tự đứng trên hai chân mình từ quá lâu rồi, nên điều đấy chẳng còn quá đỗi xa lạ nữa. Cũng chẳng non nớt gì cho cam, tôi nhìn thống kê gần 300 người xin thi vào một cách hờ hững, trong đầu chỉ hiện lên một điều: Tiếp tục. Ừ, nếu cả cuộc đời này có là một cuộc chiến đấu dai dẳng và mệt mỏi đi chăng nữa thì cũng chẳng còn lựa chọn nào khác là phải tiến lên phía trước.
Tôi tập trung ôn luyện cho kì thi và ngay khi môn thi cuối cùng kết thúc thì tôi buông cây bút, thở phào nhẹ nhõm, chỉ muốn nhanh chân bước về nhà. “Học tài thi phận”, không, vận may đôi khi là có thật nhưng nó sẽ chẳng có giá trị gì nếu ta không cố gắng đến cùng. Tôi đã cố gắng đủ rồi, giờ chỉ còn chờ đợi.
Một hôm, ba anh em tôi đang ngồi nói chuyện trong nhà thì người chị họ khóc nức nở tìm tới. Nhìn những giọt nước mắt xối xả nhỏ ra trên gương mặt xinh đẹp của người phụ nữ yếu ớt luôn bị chồng đánh vì ghen tuông vô cớ, chúng tôi không thể kìm nén sự phẫn nộ. Với người Iraq, phụ nữ luôn là đối tượng phải được bảo vệ hàng đầu, nhưng bố chị đã mất, anh hai hy sinh trong chiến tranh, anh cả và anh ba đều là tiến sĩ, học quá nhiều, không còn quan tâm tới gia đình, nên coi như nhà không có đàn ông, chị đành qua than thở với chúng tôi. Không nói nhiều, anh cả dẫn chúng tôi đi tìm gã và đánh một trận, bắt gã phải hứa sẽ không bao giờ dám vô cớ đánh vợ như thế nữa. Thế nhưng điều tôi không thể ngờ tới là dù không dám kháng cự cũng như đe dọa vợ nữa, nhưng gã âm thầm bày mưu, giấu vàng của vợ rồi đi báo công an là ba chúng tôi tới gây sự, đánh rồi cướp số vàng đó. Nghiễm nhiên, ngay chiều thứ năm, khi tôi đang ở nhà, công an tới, chẳng thông báo gì, yêu cầu tôi phải theo họ về đồn. Khai xong tên tuổi, địa chỉ, việc làm, quan hệ với người báo mất đồ xong, họ để tôi ngồi lại một mình trong phòng. Như để thị uy, nửa tiếng sau mới có người tới, nhìn chằm chằm vào tôi với cặp mắt đầy đe dọa, gằn giọng hỏi:
“Có biết vì sao cậu lại ở đây không?”
Bỏ mặc những lời giải thích của tôi, hắn ra điệu bộ biết thừa về thói quen chối tội của bọn tội phạm, điềm nhiên gấp sổ tay, bỏ đi. Ngồi một mình và bị trói chặt trong mớ suy nghĩ vòng vo không thoát ra được, tôi đưa ra hàng loạt giả thiết cho chuyện bị bắt của mình, xác lập nguyên nhân, loại bỏ, rồi lại hồ nghi. Tôi chờ đợi trong sự nóng giận và lo sợ, nhưng kết quả vẫn chẳng rõ ràng gì khi chiều muộn hôm đó một tay cảnh sát ra lệnh tạm đưa tôi vào phòng giam vì chính họ cũng chưa có thời gian để xem xét trường hợp của tôi.
“Tại sao?”. Tôi hốt hoảng hỏi.
“Mai sẽ biết”.
Tôi suýt nổi khùng lên, mai là thứ sáu, theo đạo Hồi thì phải nghỉ, nên từ “mai” của họ ý là đợi tới thứ 7 mới được giải thích. Thế nhưng họ chẳng thèm đoái hoài gì tới nỗi bất bình của tôi, cũng chẳng trả lời câu hỏi tại sao mà nghiễm nhiên bắt tôi chờ tới thứ tư tuần tiếp theo mới gọi lên để tra hỏi tiếp.
“Giờ thì khai hết chưa, hai anh trai mày đâu?”
“Tôi không biết, chắc ở đâu đó thôi”
“Trốn hả”
“Không thể, chúng tôi có phạm tội gì đâu mà phải trốn”
“Thôi đừng cố chối. Ba anh em chúng mày đến tận nhà người ta đánh, rồi còn lấy vàng. Họ trình báo rõ ràng như thế mà vẫn bai bải chối”
“Thưa ngài, không thể buộc tội khống được, tôi đang kể đúng sự thật đã xảy ra cho các ngài đây”.
Nhưng dù sự thật của tôi có rõ ràng thế nào thì quy trình làm việc của cảnh sát cũng chẳng vì thế mà thay đổi. Biệt tài lớn nhất của họ là làm cho người vô tội cũng phải hồ nghi vào sự trong sạch của bản thân. Ngay khi biết tin tôi bị bắt, hai anh đã tạm thời giấu mặt.
Phòng tạm giam vốn chỉ toàn những người đang trong diện bị nghi vấn giống tôi, thế nhưng như mọi nơi giam giữ khác, nó cũng có ông trùm. Ma mới, nên khi cảnh sát dẫn giải vừa đi khỏi, tôi nhìn quanh quất để tìm chỗ ngả lưng, nhưng ngồi đâu cũng bị đuổi bằng điệu bộ, lời nói và những cái gườm không thân thiện. Cực chẳng đã, tôi lê bước ra ngay sát cửa ra vào, ngồi bệt xuống, lẫn lộn với đống giày dép trong tâm trạng mệt mỏi chán chường, rồi ngủ lúc nào không biết.
Thêm một người đàn ông nữa bị tống vào, nồng nặc mùi rượu, nhưng luôn mồm đe dọa sẽ cho những thằng tống giam ông ra đường. Hóa ra ông là họ hàng của một sếp lớn thật, và sáng sớm hôm sau cả phòng giam đã rộn ràng tiếng chửi bới, nạt nộ của lão. Tôi ngao ngán lắc đầu tự nhủ: đúng mình là dân đen rồi.
Ngày trôi qua nặng nề, không một dấu hiệu thân thiện nào của căn phòng chứng tỏ tôi đã được họ tiếp nhận. Cứ thấy bóng công an đi qua là tôi lại bật dậy hỏi han dù không ai buồn dừng lại. Tôi không có cảm giác thèm ăn, chỉ muốn được hút điếu thuốc lá để giữ được thăng bằng, nhưng tìm đâu ra thứ hiếm hoi đó ở nơi này. Mặc cho sự chán nản xâm chiếm, tôi ngồi thu lu một mình trong góc. Cách đó không xa hiện diện một người đàn ông có dáng vẻ lười nhác, chỉ nằm khểnh ra, bên cạnh là hai người công an đang massage tay chân. (Ở Iraq, khi công an phạm lỗi cũng bị tạm giam với thường dân chứ không có phòng riêng. Trong trường hợp này, tôi cho rằng họ đã từng có thù oán với lão trùm nên mới phải bấm bụng hầu hạ như thế). Rồi tôi chợt nhận ra gã trùm đang để lòng bàn chân hướng thẳng về phía tôi ngồi, không phải cố tình, cũng không vô ý, đơn giản là gã coi như tôi hoàn toàn chẳng hiện diện trước mặt, dù lão hiểu rõ rằng với người Iraq hành động này thể hiện sự coi thường không thể chấp nhận được. Không lưỡng lự, tôi quay hẳn người về phía lão, rành rọt:
“Ông có thể vui lòng để chân về hướng khác được không”.
Sự phản kháng bất ngờ làm lão nghểnh cổ lên, nhìn tôi qua khoảng trống giữa hai bắp đùi.
“Cái gì?”.
“Ông hãy quay chân ra hướng khác, phải đàng hoàng chứ, tôi cũng là người có văn hóa mà”. Tôi nhắc lại.
Ngay lập tức, vài khuôn mặt dữ tợn đứng bật dậy, chực nhào vào tôi để trừng trị tội hỗn, nhưng lão gằn giọng:
“Chúng mày dừng lại”. Quay sang phía tôi, lão hất hàm: “Sao, không thích à?”
Tôi thu nắm đấm chờ đợi một trận đòn tập thể, cơ bắp dần cứng lên.
“Vâng, hoàn toàn không thích. Tôi cũng là người chứ, ông hãy bỏ chân ra chỗ khác”
“Mày tên gì?”
“Không cần biết!”
“Tao hỏi thật. Nói. Tên gì”.
“Noor Tahi”
“Ừm, Noor, tới đây và ngồi cạnh tao”
Lão chìa cho tôi điếu thuốc, bật lửa và không cần nghĩ ngợi nhiều, tôi đưa lên miệng, rít một hơi. Chỉ còn cảm giác rất thèm hương vị khói thuốc quấn quyện trong lồng ngực lúc này.
“Ể, đừng có hút hết chứ, điếu thuốc này quý lắm đấy, phải chia sẻ cho cả phòng, đó là luật đấy”.
Thế rồi chúng tôi nói chuyện, không quá thân mật, cũng không khách sáo, như thể hai thằng đàn ông vị nể nhau. Tôi kể cho ông gần như tất cả về tôi, từ họ hàng, gia thế lẫn những khao khát đang cồn cào trong tôi.
Sinh ra trong một gia đình có xuất xứ không tốt, không chỉ lão mà em trai lão cũng là những tay giang hồ lọc lõi. Thường khi tội phạm bị bắt, cảnh sát sẽ nhốt họ vào một nơi, tra tấn hàng ngày, gọi là đào tạo một tháng để dằn mặt. Lão đã ba lần phải đi đào tạo, nhưng chẳng điều gì thay đổi. Lão nhếch mép thả cho đám khói xám xịt bay ra khỏi kẽ răng. Tuy nhiên, vào lúc này, trong tình cảnh lạ lùng ấy chúng tôi lại trở nên dễ dàng thấu hiểu cho nhau hơn lúc nào hết. Tôi chia sẻ với mọi người ngay cả thức ăn khi gia đình mang vào.
Một hôm, mẹ vào thăm tôi, bà sâu kín nói tôi đã đỗ học bổng, đứng đầu toàn khóa. Nhận được tin báo từ mẹ mà tôi chỉ muốn khóc. Làm sao có thể vui mừng nổi khi tôi vẫn đang chôn chân mình trong trại giam này còn thời hạn nhập học thì có hạn. Lòng tôi như lửa đốt. Nếu không nhanh thoát khỏi chốn này thì cơ hội sẽ được trao cho người thứ hai. Nhận ra nỗi rối bời trong mắt con trai, mẹ cầm tay tôi động viên: “Đừng lo, các anh đang cố chạy cho con”. Ừ, cả nhà đều biết tôi khao khát chuyến đi này, nên đều dốc hết khả năng có thể thể tìm cách đưa tôi ra, còn nếu không được thì đành đổ cho số phận. Một số phận với chuyến đi ra nước ngoài trong vinh quanh hay một số phận thiếu ánh sáng trong phòng tạm giam này và luôn bị người khác hồ nghi vì từng có tiền án.
Còn anh họ, người đã đẩy tôi vào hoàn cảnh này dường như cũng đang làm hết khả năng có thể để lôi kéo vợ, thậm chí hắn còn trả khoản tiền lớn cho cảnh sát để họ giữ tôi trong trại giam lâu hơn, hòng mong mẹ tôi tạo sức ép, buộc vợ hắn vì sợ hãi mà phải về nhà. Hắn vì tình yêu lệch lạc, còn tôi là khát vọng thanh xuân, dường như cả hai đều đang mong chờ một thứ may mắn không biết rõ là gì rơi xuống. Nhưng tôi có hai người anh ruột và họ đã trốn thoát khỏi cuộc vây bắt của cảnh sát, nên tôi chẳng lạ gì khi được tin báo là họ lần nữa quay lại và đánh tên anh họ một trận tơi bời. Chuyện dần bung bét và cuối cùng những người vai vế nhất trong dòng họ tôi cũng biết. Với một họ lớn như Al-Mashhadany thì việc một người cháu vô cớ bị ngồi tù chẳng khác gì xúc phạm cả dòng họ, nên không chỉ gia đình tôi mà các bậc chức sắc cũng vào cuộc. Họ tới làm việc với cảnh sát, nhưng phía cảnh sát thì chưa thể tha ngay được nếu không có một lý do nào đó. Và không nói cũng biết gã kia đã bị cả họ hàng tới đe dọa. “Tôi chỉ muốn vợ quay về”, gã lý nhí nói nhưng không còn ai quan tâm nữa, với người Iraq, danh dự là tất cả.
Đã hai tuần. Tôi không hiểu điều gì đang diễn ra với cuộc đời mình. Những con người khốn khổ đã sống với tôi suốt hai tuần liền ở đây, những đôi mắt xa lạ thoảng hoặc lại ném về phía tôi một ánh nhìn run rẩy. Thời khắc chậm rãi trôi qua. Khung cửa sắt nhỏ với những chấn song nhà tù tựa như lời phán quyết cho tương lai chưa rõ ràng này. Đứng đầu trong danh sách gần 300 người tham gia kỳ thi, tôi đã đỗ học bổng và đã có tấm vé sang Việt Nam. Nhưng cái cánh cửa bước sang đất nước nhỏ bé ấy giờ đây đang bị từng thanh sắt bằm nát. Tựa như vết thương ngưng chảy máu chưa lâu, và tôi lại tự tay cào làm nó thêm hoen rỉ. Có giấc mơ xa lạ nào đó về một vùng đất nhiệt đới thì thào liên tục bên tai. Đau đớn, bấn loạn, tuyệt vọng. Tất cả chạy hỗn loạn bên trong cái vẻ ngoài to lớn, kiên định. Đưa hai tay lên đầu, tôi thầm kêu: “Lạy Thánh Allah, con đã làm gì”.
Tiếng giày đinh gõ lộp cộp dọc hành lang, tới gần và dừng lại. Tiếng chìa tra vào ổ khóa tanh tách. Xạch. Cánh cửa phòng giam bật mở, hắt chùm ánh sáng đèn nê ông vào căn phòng vàng bủng. Tay cảnh sát đảo mắt một vòng, nhìn thẳng vào tôi và nói: “Noor, anh được tự do”.
“Tao biết chuyện sẽ thế này mà, chả có gì ngáng chân được mày đâu”.
Gã giang hồ vỗ bộp vào vai làm tôi hoàn hồn lại. Tôi biết may mắn đã trở lại trong lòng bàn tay rồi.
“Tôi sẽ quay lại đây thăm mọi người với những món ăn hạng nhất đấy. Chờ nhé”.
“Ờ. Được thế thì khoảng một tháng nữa. Tao bị đưa đi chơi xong thì mày đến thăm tao nhé. Nhớ đấy, tao thèm một tảng thịt cừu nướng chảy mỡ, mà phải nguyên khối”.
“Hứa chắc”.
Phạm Ngọc Lương
* Còn tiếp những kỳ sau
- Từ khóa :
- PHẠM NGỌC LƯƠNG