- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THẦY TÔI

18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 10562)
 
tinh vat cuoi tuan- tranh Dinh Truong Chinh
Tĩnh Vật Cuối Tuần - tranh Đinh Trường Chinh

 

Nguyễn Thanh Sơn

THẦY TÔI 

 

         Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này. Thỉnh thoảng năm mười bữa nửa tháng, bọn năm ba thằng quan chức cấp thấp đi rảo từ đầu xóm đến cuối xóm, mắt liếc ngang ngó dọc, dòm chừng, xiên xỏ. Những lần như vậy, trái tim ông như sắp vỡ vụn ra, phần sợ cho thân phận mình, phần xót xa vì tiếc của. Những lần như vậy, cái hầu bao trong tủ kính chừng như teo lại chút ít.

 

   Cảnh bắt lính rất tình cờ, ngẫu nhiên, nó không theo một lịch trình nào. Khi có một cuộc sắp xảy ra, cả xóm Cồn này sẽ ồn ào như cái chợ. Ngữ cảnh ồn ào này là do bà con mình tự tạo ra, người đầu xóm chuyền tai to nhỏ với người cuối xóm. Công đầu phải dành cho đám con nít, đứa lớn thì chạy rần rần khắp hang cùng ngõ hẻm, còn đứa nhỏ dù nó không quấy phá, không muốn khóc chút nào nhưng các bà mẹ lại cố ý cấu véo, phát vào đít  thật đau cho nó ré lên. Cái cảnh thật mà ngỡ như đùa. Đó là ban ngày, còn ban đêm, cảnh bắt lính, kiểm tra nhân khẩu thì thật là đáng ngại.

 

  Chiếc xe cam nhông GMC đậu cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đầu xóm Cồn. Tốp lính chừng năm bảy tên tỏa ra, dàn thành một mặt trận nhỏ. Đi đầu là tên chỉ huy mang lon thượng sỹ, đi bên cạnh hẳn nhiên là gã Sáu Lá, tên chỉ trỏ, thổ địa cho vùng đất này. Vì thế , mỗi lần giăng lưới, bao giờ cũng được vài ba mẻ cá.

 

  Một tối nọ, tôi còn đang nằm trên tấm phản gõ “đa năng”. Bỗng chợt tỉnh giấc vì có nhiều tiếng giày đinh gõ rầm rập dưới nhà chồ. Mọi người trong nhà đã tỉnh ngủ hẳn, chú Sáu vội lĩnh vào một góc kín đặc dụng trong nhà. Một lát sau có tiếng giầy đinh bước thình thịch trên bậc tam cấp, hai cánh cửa bằng ván ép run bần bật vì bị gỏ đập.

 

  - Mở cửa, mở cửa!.

  Thím Sáu bật công tắc điện, dáng điệu rị mọ như cố ý kéo giãn thời gian ra.

 -Mở cửa, nhanh lên.

 

    Hai cánh cửa mở tung, một tên lính mặc quần áo rằn ri đứng chắn giữa nhà, còn một tên nửa quét đèn pin thẳng vào mặt tôi, luồng sáng làm lóa mắt kẻ còn ngái ngủ.

 

   - Đứng dậy, thằng nhóc!

 Tôi lồm cồm ngồi dậy, hai tay dụi mắt với dáng vẻ ngơ ngác.

  - Chồng bà đâu?

 - Dạ, ổng đi biển từ tối hôm qua.

  - Thằng nhóc này là con bà?

   -Thằng con lớn của tui đấy , chú hai. Nó vừa thi đậu vào trường công lập Võ Tánh.

  _ Nhà còn ai nữa không? Một tên lính nhìn thẳng vào mặt thím, dò tìm một nét lúng túng nào đó trên khuôn mặt .

  - Dạ, còn mấy đứa nhỏ nằm trong ngăn buồng..

 

  Luồng sáng của đèn pin quét lia lịa khắp mọi nơi, có một tên cúi gần sát dưới gầm giường như kinh nghiệm của những lần bắt lính. Khi luồng sáng quét ở bất cứ góc nào trong nhà cũng khiến trái tim tôi run lên, cố nín thở vì sức ép của sợ hãi làm co rúm lồng ngực.

 

  - Bà dám chắc là không có ai trong căn nhà này chứ?

  - Dà dà..chỉ tôi và mấy đứa nhỏ, nhà cửa trống hoác thì che giấu được ai, chú hai!

  - Vậy chứ gã kia là ai?

  - Dạ dạ…gã nào ..gã nào.. chú hai chỉ nói giỡn.!  Thím tôi giật thót người , nhưng vẫn cố giả lả.

 

  Ở dưới nhà chồ có bước chân chạy thình thịch, một bóng người chạy loáng thoáng trong ánh đèn điện từ trong nhà hắt ra. Sau đó có tiếng la ó: “Bắt nó lại!”. Như phản xạ có điều kiện, tên lính từ trong nhà phóng thẳng xuống đất, nắm đầu anh thanh niên đang đánh bài chuồn, tiện tay , tên lính tát vào mặt anh ta năm ba cái.

 

  - Đụ mẹ , chạy này chạy này!  Tên lính còn lại quay gót thẳng xuống nhà chồ. Thật hú vía, thím đã cứu chồng mình một bàn thua trông thấy.

 

   Từ tờ mờ sáng, dưới chân nhà chồ đã tụ tập dăm ba người bàn tán sôi nổi về cuộc bắt lính tối hôm qua. Qua câu chuyện, tôi nghe lỏm bỏm rằng thằng Minh, thợ may, bị lính bắt đêm vừa rồi, nghe nói hắn cố ý chống lại kẻ thi hành công vụ, nhưng không thoát..

 

  Tin thằng Minh bị bắt lính, trong lòng tôi nhói lên niềm chua xót. Bạn bè với nhau, trải qua bao ngọt bùi cay đắng suốt mấy năm ròng với xóm Cồn này, từ thằng cu mới mười tuổi, cùng với nó chập chững bước chân đầu tiên ở thành phố này, điều hay cũng có mà điều dở không phải là ít. Bao người thân kẻ sơ lần lượt ra đi. Con người không thể làm chủ được thân phận mình, không một dự định, một lo toan nào khả dĩ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân. Cho dù vị giáo sư đệ nhị cấp đến anh thợ may ở xóm nhỏ này, một cư dân bình thường bên những ngôi nhà chồ bập bùng tiếng sóng, chỉ thèm muốn được sống bình lặng mà hồ dễ được đâu!.Tất cả như con thiêu thân cuốn vào cơn lốc lớn của thời đại.

 

   Vết thương lòng rồi cũng trôi qua, thời gian là liều thuốc hiệu nghiệm luôn chữa lành mọi vết thương. Những con người ở quanh tôi, xóm Cồn như mũi thuyền bập bềnh nắng gió, đi xa hơn nữa là thành phố Nha Trang hoa lệ, người ta vẫn theo nhịp sống muôn đời vốn có, những hạnh phúc, buồn thương , đau khổ. Nơi này buồn khổ , đói rét, thì nơi khác người ta vẫn vui chơi thâu đêm suốt sáng.

 

  Dù muốn hay không, buổi sáng hôm sau tôi vẫn phải chạy bộ gần năm cây số để đến trường học, vượt qua con đường dài Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên kia đường là trại lính, Tiểu Khu Khánh Hòa, nơi có bức tường kiên cố bao bọc bởi hàng rào kẽm gai, có lỗ châu mai bất chợt chạy dọc theo bức tường, mà có những lần thằng cu hơn mười tuổi, lẩn thẩn vừa đi vừa đếm với nỗi buồn vô duyên cớ. Phía sau bức tường, trong một góc phòng nào đó, thằng Minh cùng những người khác đang ngồi bó gối mà đếm thời gian trôi, chờ số phận!

 

  Giậm bộ năm cây số để đến trường học, tôi đến trường bao giờ cái cổng cũng vừa khép. Bác cai trường bao giờ cũng hiểu tâm lý của học sinh. Vừa đúng giờ học, bác cai khép cổng hửng hờ khoảng năm phút, chờ những hoc sinh dậm bộ như tôi còn có cơ hội vào lớp. Ở đây không có tình trạng là, cứ anh nào  trễ giờ thì cứ mặc nhiên trèo rào, leo tường để vào lớp như các trường tư khác. Nếu học sinh nào đi trễ, coi như cúp cua giờ đó, la cà các hàng quán bên đường, bên hàng cây cổ thụ có tán che mát suốt con đường đi, ngồi chờ tiết học sau.

 

  Tôi học hành siêng năng, chăm chỉ. Dù đi bộ xa nhưng tôi ít khi bị trễ giờ học, hoặc cúp cua vài tiết học để la cà hàng quán. Tôi từ chối mọi thú vui hàng ngày để lao vào cuộc tìm kiếm các con chữ. Nếu có thú vui nào cám dỗ, tôi vẫn không thể nào moi đâu ra tiền để thỏa mãn thú vui đó. Tuy rằng có nhiều thú vui thanh nhã như dự buổi cắm trại cùng các bạn trong lớp ở Thành, cuộc picnic trong thành phố hay xa hơn nữa là Ba Ngòi, Cam Ranh, tôi cũng từ chối.

Vì bởi, đó là những cuộc vui tốn kém so với cái túi luôn thủng rách của tôi. Năm thì mười họa tôi mới được xem vài thước phim hay được quảng cao rùm beng  những tấm băng rôn treo trên con phố chính, hoặc đôi lúc nghiện quá thì đến dán mắt vào các tấm áp phích, ngắm nghía tấm thân căng tròn của các nữ tài tử, minh tinh dán ở ngoài rạp.

 

  Quá ghiền các con chữ nên thành tích học tập của tôi không đến nổi nào, nhưng cũng chỉ thường thường bậc trung. Đó là hậu quả của việc học băng lớp, bỏ cả chương trình của một năm học. Ban văn chương mà tôi đang theo đuổi, chương trình học nhai đi nhai lại theo các bậc học, nên dù tôi học băng lớp nhưng vẫn không bị mất căn bản. Những bài học vỡ lòng từ những năm đệ thất đến lớp đệ nhị vẫn nguyên xi. Áng văn bất hủ của các tiền nhân để lại từ năm học này đến năm học khác chỉ thêm hoặc bớt chút ít chữ. Dù thời gian có trôi qua, ngữ nghĩa của các con chữ, với tôi, nó không bị rơi rụng.

 

  Tôi luôn thèm muốn tên mình được ghi trên bảng danh dự sơn son thiếp vàng treo ở cổng chính của trường, tấm bảng mà mỗi học sinh đi qua đó ít nhiều cũng ngước mắt nhìn lên. Than ôi!, tấm bảng danh dự thì quá nhỏ, nó chỉ đủ chứa vài ba nhân vật xuất sắc cho mỗi lớp học mà thôi. Lực bất tòng tâm, cái danh dự hão huyền kia, ngày tháng cứ trôi vuột khỏi tầm tay tôi.

 

  Sự học của tôi trôi chảy đều đều như tiếng tích tắc của cây kim đồng hồ. Cái đồng hồ hiệu Oméga automatic, món quà hậu hĩnh của chú Út Mười ở quê gởi cho nhân dịp thi đậu vào trường Võ Tánh, xếp thứ nhì trong ba học sinh. Cái đồng hồ quá hoàn hảo, tân tiến. Cây kim được định vị trong vòng tròn khép kín, thỉnh thoảng nó đi nhanh hay chậm chút ít nhưng chưa có khi nào nó tuột khỏi vòng quay. Nhưng có một hôm, cái đồng hồ mà tôi cho là tân tiến, hoàn hảo đã nổi loạn, các phụ tùng có dấu hiệu xộc xệch, cái nọ đè lên cái kia, sự xộc xệch của chiếc đồng hồ như vận xui rủi áp đặt vào số phận tôi.. Số là, sau một tiết học buổi sáng hôm đó, thầy thư ký gọi tôi đến văn phòng. Thầy phán rằng nhà trường đã phát hiện tôi đang xài bằng giả, nhà trường buộc tôi phải chứng minh?  Một tin sét đánh ngang mày, tôi chao đảo, hụt hẫng, cảm giác tê dại khiến đôi chân khó bề kéo khỏi chiếc ghế ở văn phòng thầy thư ký.

 

   Những ngày sau đó, tôi như cánh diều no gió đang bay trên độ cao bất chợt đứt dây, chao đảo vô định hướng. Và đêm, tôi đi lang thang, đi đâu về đâu?

 

   Trở về con đường cũ trường Kim Yến, gặp lại thầy thư ký béo mập phục phịch, tấm thân to dình dàng như thần hộ pháp, khi ngồi cái đít choán hết chiếc ghế, đôi co với thầy bằng thật học giả, bằng giả học thật. Có thể nào phân trần phải trái với thầy khi tiền đã trao cháo đã múc!. Trong lòng tôi rối bời ngổn ngang trăm mối.

 

  Một người nào tôi có thể giải bày, tâm sự những nỗi lo ăm ắp,trút nặng nỗi ưu tư?. Tôi chợt nhớ  đến Nguyễn Văn Ba, người bạn đã đồng cam cộng khổ trong suốt mấy năm trời. Hắn có thể giúp tôi một đôi điều gì đó.  Tôi lần về khu Máy Nước, khu có những con đường bất chợt nảy sinh, những ngôi nhà ổ chuột vách được che chắn bởi thùng carton, mái che bằng loại tole siêu mỏng, khu có cái hồ rộng luôn ứ nước và nhà hắn nằm cạnh bên mép hồ.

 

  Căn nhà cửa đóng im ỉm, không một bóng người lai vãng. Tôi ghé mắt nhìn qua khe cửa, bên trong vẫn tềnh toành như độ nào, vật dụng trong nhà chẳng thêm mà cũng không bớt. Tôi ngồi thừ ở góc nhà, lòng suy nghĩ mênh mang.

 

  Không gặp được Nguyễn Văn Ba, tôi thất thểu bước ra đường. Thành phố bây giờ đang là buổi chiều, cái nắng vẫn còn gay gắt. Tôi bước theo cái bóng của mình. Nó liêu xiêu, vật vã, ngã dài trên con đường nhựa.

 

  “Hoạ vô đơn chí” tâm hồn bé nhỏ của tôi tràn ngập nỗi buồn. Sự việc này biết ngỏ cùng ai, thời gian còn quá ngắn để chứng minh bằng thật bằng giả với thầy thư ký trường Võ Tánh. Nếu không chứng minh được, sự việc sẽ ra sao? Nghĩ đến đó, lòng tôi chùng xuống thật sâu, mắt cay sè!

 

              Thầy Đỗ Đức Trí có thể giúp gì cho tôi. Chợt nhớ đến thầy, lòng tôi lóe lên tia hy vọng. Sao không đến với thầy để tìm chỗ dựa, thầy là người am hiểu chuyện thế sự, có nhiều quan hệ bạn bè, một nhân vật nào đó ở ty giáo dục Khánh Hòa.

 

  Thầy Trí thuê một căn phòng nhỏ ở cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, căn phòng bày biện đơn sơ cho một viên chức khiêm tốn. Một cái giường, tủ đựng sách và bộ bàn ghế tiếp khách. Bà chủ cho thuê phòng trọ bước ra sân mở cửa cho tôi vào. Đối với tôi, bà quá quen mặt  nên không buồn hỏi tôi là ai và từ đâu tới. Tôi rất mừng là thầy có nhà và dường như thầy đi đâu về với dáng bơ phờ, mệt mỏi.

 

  -Em chào thầy.

  - À ừ..em ngồi chơi.  Thầy chỉ cái ghế dựa kê ở sát tường. Em đến thăm thầy hay có việc chi?

 

  Tôi ầm ừ chưa dám bày tỏ nỗi ưu tư , lo lắng của mình. Tôi chờ đợi một thời điểm thích hợp để bày tỏ, đánh động lòng thương cảm, khơi gợi lòng nhiệt tình nghĩa tình thầy trò.  Đột nhiên thầy bảo tôi.

 

  -Thầy vừa nhận công lệnh trở về đơn vị cũ. Có lẽ thầy sẽ thôi dạy một thời gian khá dài đấy.

 

 - Thầy đi lính?

 - Chính phủ vừa có quyết định trưng tập những sỹ quan dự bị về đơn vị cũ. Cuộc chiến đang đến hồi quyết liệt đây. Người Mỹ đã rút hết quân đội của họ về nước, chỉ còn lại ta đánh với ta, cảnh nồi da xáo thịt.

 - Thầy cũng có thể từ chối nhiệm vụ, nói nôm na là trốn lính? Tôi ấm ớ từ trốn lính như ngầm nhắc với thầy một lối thoát nào đó.

  - Không. Thầy là một sỹ quan quân đội, một công dân có trách nhiệm với đất nước, với chế độ mình đang sống. Thầy đã thấy sự rệu rã của quân đội nhưng thầy chấp nhận trước cái chết và không oán trách số phận!.

   Tôi nuốt nước bọt, cố nén nỗi ấm ức trong lòng. Muốn tranh luận với thầy về mối ưu tư của nhiều người, nhưng đành bất lực là không đủ lý để luận với thầy.

  - Em uống nước và có rảnh mua cho thầy ổ bánh mỳ.

 

  Tôi thường giúp thầy những công việc như vậy. Có buổi thầy trò ngồi gặm bánh mỳ cho một bữa tối đơn giản. Hôm đó, tôi không thể nhai nổi ổ bánh, mọi suy nghĩ giờ như mớ bòng bong. Thố lộ chuyện của mình lúc này là điều không thể, là  tiểu sự.  Đăng lính của thầy lúc này mới là chuyện đại sự.  Tôi cứ mãi ấp a ấp úng về chuyện đi lính của thầy. Ở hai con người khác biệt. Chú Sáu tôi thì phải trốn chui trốn nhủi, bằng mọi cách để khỏi đi lính,còn thầy Trí, một giáo sư đệ nhị cấp, khi nghe tiếng gọi là sẵn sàng lên đường mà không phân vân hay luyến tiếc điều chi!.

 

  - Thầy xin hoãn dịch vì một lý do nào đó, chằng hạn như gia đình đông con!.

  - Em có ý gì vậy? Sao cứ mãi vương vấn về chuyện đi lính hay không.

  - Em nghĩ chế độ này có gì hay ho mà thầy phải xã thân phụng sự?

 

 - Hay hay không sau này hậu thế suy xét. Mình đang sống với chính thể nào thì phải phụng sự cho chính thể đó, đó là lương tâm, là trách nhiệm của một công dân lương thiện. Thôi ta không bàn về vấn đề này nữa. Ngày mai thầy mời các nhóm bạn ở ban c cùng đến quán bar số 1, thầy chiêu đãi.

 

  Nỗi ám ảnh sâu  xa gây nhức buốt trong tim của thằng bé mười tuổi, bao hình ảnh hãi hùng ở xóm Gò Nhãn quê tôi một thời không xa lắm. Một gã trung úy điển trai trong bộ quân phục thẳng nép, đôi giày đinh bóng lộn, chiếc mũ lưỡi trai gắn hai bông mai kiêu hãnh ở vùng cát quê tôi. Một thời đã làm mưa làm gió ở làng tôi. Thầy  tôi  không phải là người như vậy!.

 

 

NGUYỄN THANH SƠN

( trích tập truyện  thương nhớ làng ơi)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 7995)
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 9177)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.
19 Tháng Mười Hai 202311:30 CH(Xem: 8243)
Tuổi 17 của tôi qua lâu rồi. Thuở tôi 17, mọi thứ thật đáng yêu, chuyện tình thôi âm thầm không hứa hẹn trong cái nghéo tay tráo trở ở tuổi 13, vác trên vai chiếc cung lửa, tôi săn mọi cô gái mình ưng ý, đường tên ngọt sớt, giương cung là trúng tử huyệt, có lúc tôi nhắm trượt, phải đặt bẫy, náu mình, bắn hụt, mất cả giỏ tên, bỏ cuộc rồi tiếp tục, cứ thế, tôi mải mê trong cánh rừng say, trái tim tử thương đã bao lần vẫn run rẩy vì tình.
19 Tháng Mười Hai 202311:23 CH(Xem: 10267)
Cúi /lạy / biết đến bao giờ / nước bốn mùa chảy/ đất ngờ ngờ / trôi / người trôi / người trôi / đời / trôi
27 Tháng Mười Một 20236:15 CH(Xem: 7330)
Được tin Cụ Bà quả phụ Đặng- văn- Ngữ / Nhũ danh ĐẶNG-TRẦN-THỊ- Y / Pháp danh TỊNH-Ý / Đã quy tiên ngày 22 tháng 11 năm 2023 tại nam CA / Đã quy tiên ngày 22 tháng 11 năm 2023 tại Quận Cam, nam CA , Hưởng thượng thọ 87 tuổi .
27 Tháng Mười Một 20236:01 CH(Xem: 7817)
Được tin Thân Mẫu nhà thơ Đặng- Hiền, Chủ Biên Tạp Chí Hợp Lưu là / Cụ Bà quả phụ Đặng- văn- Ngữ / Nhũ danh ĐẶNG-TRẦN-THỊ- Y / Pháp danh TỊNH-Ý / Đã quy tiên ngày 22 tháng 11 năm 2023 tại nam CA , Hưởng thọ 87 tuổi .
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 8635)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
14 Tháng Mười Một 202312:01 SA(Xem: 10941)
Bước qua sóng biếc / Ngu ngơ dấu chân còng / Vỏ ốc bơ vơ khoắc khoải / Cánh cò vụng dại Lao xao xanh / Và những người con gái trinh nguyên vá lưới tím hoàng hôn
12 Tháng Mười Một 20239:09 CH(Xem: 7387)
Nhận được tin buồn /Thân mẫu của nhà văn Trần Thanh Cảnh /Cụ bà DƯƠNG THỊ BÉ / Đã từ trần lúc 19h05 phút ngày 11/11/2023 (ngày 28/9 Quý Mão). / Hưởng thọ 84 tuổi.
07 Tháng Mười Một 20236:34 SA(Xem: 8276)
“…câu chuyện giáo sĩ Alexandre de Rhodes là câu chuyện cũ đã hơn 300 năm trước. Ông không sáng chế ra chuyện đánh vần tiếng Việt ra mẫu tự Bồ. Tôi nghĩ ông là một giáo sĩ tận tụy với nghiệp vụ truyền giáo, chỉ có điều kiến thức quá giới hạn của ông về văn hóa tôn giáo và con người Việt Nam làm tôi bực mình, và thèm khát một ngày mà những bất cập như vậy không còn sót lại nơi một giáo sĩ dù với đức tin nào. Tuy nhiên, phê phán nặng nề một giáo sĩ 300 năm trước là điều không nên, khi mà các giáo sĩ nói chung bấy giờ một phần vì giới hạn kiến thức, không có truyền thống kính trọng văn hóa địa phương. Nhưng ta tự nguyện tự lãnh một cái ơn tày đình với những giáo sĩ như De Rhodes cũng là chuyện không căn cứ. Có lẽ thỉnh thỏang ta nên đọc lại Phép Giảng Tám Ngày của ông ta để có một viễn cận phải chăng với câu chuyện.” (Mai Kim Ngọc).