- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ—CHIẾC CẦU NỐI KẾT THẾ HỆ

18 Tháng Ba 202210:50 CH(Xem: 7902)

GIỚI THIỆU SÁCH   

 

NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ—CHIẾC CẦU   

NỐI KẾT THẾ HỆ   

 

Trần C. Trí   

 

Ngon Ngu Va Van Hoa 

Cuốn To Our Grand Children with Love độc đáo ở chỗ là người cầm nó trên tay không phải là một độc giả mà chính là đồng tác giả với hai vị chấp bút: Giáo sư tiến sĩ Nguyễn-Lâm KimOanh và luật sư tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Vì thế, đây không phải là một “cuốn sách” theo định nghĩa, hình thức và nội dung thông thường. Tiểu đề của tập sách này cho thấy đây là một “công trình”, một sự hợp tác giữa thế hệ ông bà và thế hệ các cháu, bắt đầu từ ông bà, những người từng sống qua nhiều chặng đường lịch sử và địa lý, muốn kết nối với thế hệ Việt Nam trẻ, sinh trưởng và lớn lên ở Hoa Kỳ.

Với chữ “Love” trang trọng nằm trong nhan đề, hai tác giả đặc biệt nhấn mạnh rằng tình yêu thương chính là động lực và nền tảng của công trình có một không hai này. Người viết bài này chưa đến giai đoạn có cháu như nhị vị tác giả, nhưng qua những quan sát và suy nghiệm về quan hệ giữa ông bà và các cháu từ những người thân và bạn bè, có thể nhận thấy tình thương của ông bà đối với các cháu đặc biệt, sâu xa hơn cả tình thương yêu dành cho con cái của mình. Điều này cũng dễ hiểu. Lúc làm cha mẹ, chúng ta còn trẻ, vừa bận bịu với con cái, lo toan cho gia đình, vừa phải tạo dựng sự nghiệp, nên tình thương, sự chăm lo và dạy dỗ của chúng ta đối với con cái ít nhiều cũng bị giới hạn ở một số phương diện. Lúc trở thành ông bà, tình thương của chúng ta dành cho các cháu “thuần tuý” hơn, không bị những yếu tố khác chi phối hay tác động đến. Tuy cách xa nhau về thế hệ, ông bà và các cháu lại cảm thấy gần gũi nhau hơn là giữa cha mẹ với con cái, nhất là về mặt thương yêu và sự cảm thông.

Tinh hoa của tập sách này dựa trên mối quan hệ đầy ý nghĩa đó. Đặc biệt hơn nữa, hai đồng tác giả—GS Nguyễn-Lâm KimOanh và LS Lưu Nguyễn Đạt—là “bà” và “ông” thuộc hai độ tuổi suýt soát hai thế hệ khác nhau. Nhìn qua một lượt hình thức và nội dung của tập sách, chúng ta có thể hình dung ra ngay, đây là một sự hợp tác gần như hoàn hảo, qua đó, “bà trẻ” và “ông lớn” đã trao đổi với nhau những quan điểm, kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm của riêng mình, để cùng hoà chung vào tổng thể của công trình.

Tập sách với sáng kiến độc đáo này, một khi đã vào tay của người sở hữu nó, lập tức trở thành một vật thể hết sức cá nhân, riêng tư, rộng mở cho biết bao điều, bao tâm sự, bao gởi gấm, bao đón nhận giữa ông bà và các cháu. Bố cục của tập sách có một thứ tự vừa hợp lý, vừa hợp tình. Các mục chính được sắp xếp dựa trên nhiều chủ đề khác nhau: lịch sử, địa lý, cá nhân, gia đình, xã hội, đạo đức, văn hoá, giáo dục, nghề nghiệp, tài năng, giải trí và kỳ vọng. Sợi dây nối kết tất cả những chủ đề trên là chuỗi thời gian liên tục: quá khứ, hiện tại và tương lai, và một không gian liên tục: Việt Nam, (trại tỵ nạn) và Hoa Kỳ.

Tập sách được trình bày theo kiểu khuôn mẫu, vừa có nội dung cụ thể cho từng chủ đề, vừa có những trang hay mục để trống cho người dùng viết hay điền vào. Như thế, “cuốn sách” này đã thoát ra khỏi thông lệ của tất cả những cuốn sách khác, trong đó không có “người đọc” thuần tuý và thụ động, mà chỉ có người “hấp thụ” những gợi ý của hai tác giả, đồng thời là người “tham gia” tích cực vào công trình thú vị này. Chẳng hạn như chỗ trống để ông bà viết thư cho các cháu, chỗ trống để các cháu ghi chú những gì học hỏi được từ các chi tiết trong tập sách theo từng chủ đề, chỗ trống để dán hình ảnh cá nhân, gia đình hay bạn bè, chỗ trống để ông bà hay các cháu ghi lại cảm xúc hay tâm tình đối với từng chủ đề, v.v. Việc tham gia này, vì thế, không phải là một tiến trình máy móc, cứng nhắc, mà là một công việc đầy hứng thú, bởi nó đặt nền tảng trên sự hiểu biết, trên cảm xúc cá nhân và trên nhiều mối yêu thương hoà quyện vào nhau: tình gia đình, tình bằng hữu, lòng ái quốc và tình yêu thương nhân loại.

Hình thức của tập sách khá phong phú. Sách được bọc bìa cứng với hình ảnh đầy ý nghĩa. Bên trong, cạnh những dữ kiện liệt kê rõ ràng trên mỗi trang giấy cho thế hệ trẻ tìm hiểu về nguồn cội, còn có các bức minh hoạ, hình ảnh, bản đồ, kể cả những hình vẽ nét đủ dạng khác nhau để người tham gia ghi vào trong đó những cảm nghĩ hay nhận xét về một vấn đề gì một cách ngắn gọn, hàm súc. Các trang sách được trình bày rõ ràng, kèm theo các lời hướng dẫn ngắn để người dùng hiểu rõ cần làm những gì trong các phần để trống. Sách được in nhiều màu, tạo thêm phần thoải mái và hứng thú trong khi sử dụng.

Tất nhiên, ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chiếc cầu nối giữa ông bà và các cháu. Đây là một tập sách song ngữ, trong đó tiếng Anh chiếm phần lớn vì đối tượng tiếp nhận và đóng góp chính là thế hệ trẻ gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ. Nhưng không vì thế mà tiếng Việt không có một chỗ đứng nhất định và có ý nghĩa trong công trình này. GS Nguyễn-Lâm KimOanh và LS Lưu Nguyễn Đạt đã khéo léo lồng phần tiếng Việt vào phần Anh ngữ dưới nhiều hình thức khác nhau: khi thì dùng từ ngữ Anh-Việt song song trong các tiêu đề, khi thì để phần tiếng Việt ở trên, bên dưới là phần dịch qua tiếng Anh, có lúc lại chủ ý chỉ để phần tiếng Việt cho các cháu tự tìm hiểu, tra cứu qua Anh ngữ.

Đặc biệt, có rất nhiều ca dao, tục ngữ tiếng Việt trong công trình. Đây là một điểm son của tập sách, qua đó các cháu có thể bước vào kho tàng văn hoá của dân tộc, học hỏi và trân quý những kinh nghiệm, tâm tình, lời dạy dỗ của bậc tiền nhân. Các cháu sẽ có cơ hội so sánh và đối chiếu nhiều câu tục ngữ Việt Nam với tục ngữ Anh, Mỹ để biết giá trị nhân bản của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Cũng vì lý do đó mà tập sách không chỉ giới hạn trong tất cả những gì thuần tuý Việt Nam như truyền thống dân tộc, ẩm thực, văn hoá, v.v. mà còn mở rộng cánh cửa ra thế giới bên ngoài cho các cháu, qua các gương thành công của người Việt lẫn người thuộc nhiều quốc tịch khác, qua những câu danh ngôn bằng tiếng Anh, qua các hình ảnh của nhiều danh lam thắng cảnh trên thế giới. Có như vậy, các cháu mới được thấm nhuần, không những là tình yêu gia đình và đất nước Việt Nam, mà còn là tình yêu đối với Hoa Kỳ là quê hương của các cháu, và cả tình yêu đối với nhân loại, khi ngày nay thế giới đã trở thành một “ngôi làng nhỏ”, cùng sống, cùng tranh đấu, cùng đau khổ và hạnh phúc với nhau. Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine vì lực lượng xâm lược Nga đã cho thấy ngày nay, thế giới đã thu nhỏ lại đến chừng nào. Những gì đang xảy ra ở Kyiv cũng đang mang lại ít nhiều hệ luỵ cho phần còn lại của thế giới. Những trăn trở, đau xót, cảm thông và hành động của chúng ta đối với nạn nhân chiến tranh ở Ukraine là lời minh chứng mạnh mẽ cho câu tục ngữ Việt Nam “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.

Xin hân hạnh giới thiệu tập sách–công trình To Our Grandchildren with Love của GS/TS Nguyễn-Lâm KimOanh và LS/TS Lưu Nguyễn Đạt. Với công trình này, một khi tất cả các trang giấy đã được ghi chép đầy đủ, cộng thêm các hình ảnh sống động của ba hay bốn thế hệ lưu giữ vào đó, tập sách đã nghiễm nhiên trở thành món gia bảo độc nhất vô nhị, để chắt chiu và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Để biết thêm chi tiết, độc giả có thể liên lạc với hai tác giả qua địa chỉ email grandparentBP@gmail.comĐẶT MUA SÁCH TRÊN AMAZON TẠI ĐÂY.


Trần C. Trí
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Tư 20221:33 SA(Xem: 10537)
Cầm tay biền biệt / mà nói không cùng / vì trời mưa dột / ướt mềm vai chung
27 Tháng Tư 20223:24 CH(Xem: 10824)
Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập.
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 9416)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Tư 202211:21 CH(Xem: 10432)
chỉ là cảm giác, anh biết không / một cái gì đó ta không thể cầm, nắm, bắt và ngăn / trói bàn chân, em cố ngồi dậy mà vẫn không thể bước / hình như chúng ta mỗi người trôi về một hướng / hình như em không còn là em / hinh như anh không còn là anh /
13 Tháng Tư 20229:16 CH(Xem: 8881)
Nói một cách đầy đủ là: Nguyễn Du - người Việt Nam đầu tiên đã tìm mọi cách giúp Dân tộc mình “thoát Trung” - một khái niệm hiện đại mang ý nghĩa Địa-Chính trị, Địa-Lịch sử trọn vẹn, có tính thời sự sâu sắc.
13 Tháng Tư 20228:56 CH(Xem: 9620)
nghe chiều vàng nắng xuống sân nhìn em tàn lá cây mân đỏ nhòe hai tay anh đưa lên che rụng em trái chín ươm hòe đôi vai
02 Tháng Tư 20221:01 SA(Xem: 9076)
Tiếng chim lảnh lót / Sương giọt long lanh / Ban mai lấp lánh trên cành / Gọi ngày nắng mới trong lành dịu êm
02 Tháng Tư 202212:34 SA(Xem: 8895)
Tôi sinh ra ở Hà Nội, và xa Hà Nội năm tôi 18 như một bài ca người ta thường hát. Tôi cũng có người em mười sáu trăng tròn. Khi cả hai cùng di cư vào Nam năm 54, gặp nhau lại. Mối tình học trò đó, như bong bóng mùa mưa tan lúc nào không hay. Bốn mươi năm sau, tôi trở lại Hà Nội vào mùa Thu, năm mới mở cửa, đường phố, nhà cửa gần như không thay đổi, nhưng cũ đi nhiều
30 Tháng Ba 202210:46 CH(Xem: 8608)
Nhận được tin buồn / Nhà thơ - nhà văn HUY PHƯƠNG / LÊ NGHIÊM KÍNH Pháp danh Thiện Bảo / Sinh ngày 25 tháng 6 năm 1937 tại Huế Cựu Giáo sư Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị / Cựu sinh viên sĩ quan Khóa 16 Trừ bị Thủ Đức Tạ thế ngày 25.2.2022 tại Anaheim, California – Hoa kỳ / hưởng thọ 86 tuổi.
27 Tháng Ba 202211:27 CH(Xem: 11174)
Em níu bàn tay / Anh buông bàn tay / Em níu vạt nắng chiều / Anh vươn màu nắng sớm / Anh đi qua rồi / Để em ở lại / Nhặt nhạnh những vui buồn / Cuộn sợi khói quạnh hiu.