- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ—CHIẾC CẦU NỐI KẾT THẾ HỆ

18 Tháng Ba 202210:50 CH(Xem: 7912)

GIỚI THIỆU SÁCH   

 

NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ—CHIẾC CẦU   

NỐI KẾT THẾ HỆ   

 

Trần C. Trí   

 

Ngon Ngu Va Van Hoa 

Cuốn To Our Grand Children with Love độc đáo ở chỗ là người cầm nó trên tay không phải là một độc giả mà chính là đồng tác giả với hai vị chấp bút: Giáo sư tiến sĩ Nguyễn-Lâm KimOanh và luật sư tiến sĩ Lưu Nguyễn Đạt. Vì thế, đây không phải là một “cuốn sách” theo định nghĩa, hình thức và nội dung thông thường. Tiểu đề của tập sách này cho thấy đây là một “công trình”, một sự hợp tác giữa thế hệ ông bà và thế hệ các cháu, bắt đầu từ ông bà, những người từng sống qua nhiều chặng đường lịch sử và địa lý, muốn kết nối với thế hệ Việt Nam trẻ, sinh trưởng và lớn lên ở Hoa Kỳ.

Với chữ “Love” trang trọng nằm trong nhan đề, hai tác giả đặc biệt nhấn mạnh rằng tình yêu thương chính là động lực và nền tảng của công trình có một không hai này. Người viết bài này chưa đến giai đoạn có cháu như nhị vị tác giả, nhưng qua những quan sát và suy nghiệm về quan hệ giữa ông bà và các cháu từ những người thân và bạn bè, có thể nhận thấy tình thương của ông bà đối với các cháu đặc biệt, sâu xa hơn cả tình thương yêu dành cho con cái của mình. Điều này cũng dễ hiểu. Lúc làm cha mẹ, chúng ta còn trẻ, vừa bận bịu với con cái, lo toan cho gia đình, vừa phải tạo dựng sự nghiệp, nên tình thương, sự chăm lo và dạy dỗ của chúng ta đối với con cái ít nhiều cũng bị giới hạn ở một số phương diện. Lúc trở thành ông bà, tình thương của chúng ta dành cho các cháu “thuần tuý” hơn, không bị những yếu tố khác chi phối hay tác động đến. Tuy cách xa nhau về thế hệ, ông bà và các cháu lại cảm thấy gần gũi nhau hơn là giữa cha mẹ với con cái, nhất là về mặt thương yêu và sự cảm thông.

Tinh hoa của tập sách này dựa trên mối quan hệ đầy ý nghĩa đó. Đặc biệt hơn nữa, hai đồng tác giả—GS Nguyễn-Lâm KimOanh và LS Lưu Nguyễn Đạt—là “bà” và “ông” thuộc hai độ tuổi suýt soát hai thế hệ khác nhau. Nhìn qua một lượt hình thức và nội dung của tập sách, chúng ta có thể hình dung ra ngay, đây là một sự hợp tác gần như hoàn hảo, qua đó, “bà trẻ” và “ông lớn” đã trao đổi với nhau những quan điểm, kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm của riêng mình, để cùng hoà chung vào tổng thể của công trình.

Tập sách với sáng kiến độc đáo này, một khi đã vào tay của người sở hữu nó, lập tức trở thành một vật thể hết sức cá nhân, riêng tư, rộng mở cho biết bao điều, bao tâm sự, bao gởi gấm, bao đón nhận giữa ông bà và các cháu. Bố cục của tập sách có một thứ tự vừa hợp lý, vừa hợp tình. Các mục chính được sắp xếp dựa trên nhiều chủ đề khác nhau: lịch sử, địa lý, cá nhân, gia đình, xã hội, đạo đức, văn hoá, giáo dục, nghề nghiệp, tài năng, giải trí và kỳ vọng. Sợi dây nối kết tất cả những chủ đề trên là chuỗi thời gian liên tục: quá khứ, hiện tại và tương lai, và một không gian liên tục: Việt Nam, (trại tỵ nạn) và Hoa Kỳ.

Tập sách được trình bày theo kiểu khuôn mẫu, vừa có nội dung cụ thể cho từng chủ đề, vừa có những trang hay mục để trống cho người dùng viết hay điền vào. Như thế, “cuốn sách” này đã thoát ra khỏi thông lệ của tất cả những cuốn sách khác, trong đó không có “người đọc” thuần tuý và thụ động, mà chỉ có người “hấp thụ” những gợi ý của hai tác giả, đồng thời là người “tham gia” tích cực vào công trình thú vị này. Chẳng hạn như chỗ trống để ông bà viết thư cho các cháu, chỗ trống để các cháu ghi chú những gì học hỏi được từ các chi tiết trong tập sách theo từng chủ đề, chỗ trống để dán hình ảnh cá nhân, gia đình hay bạn bè, chỗ trống để ông bà hay các cháu ghi lại cảm xúc hay tâm tình đối với từng chủ đề, v.v. Việc tham gia này, vì thế, không phải là một tiến trình máy móc, cứng nhắc, mà là một công việc đầy hứng thú, bởi nó đặt nền tảng trên sự hiểu biết, trên cảm xúc cá nhân và trên nhiều mối yêu thương hoà quyện vào nhau: tình gia đình, tình bằng hữu, lòng ái quốc và tình yêu thương nhân loại.

Hình thức của tập sách khá phong phú. Sách được bọc bìa cứng với hình ảnh đầy ý nghĩa. Bên trong, cạnh những dữ kiện liệt kê rõ ràng trên mỗi trang giấy cho thế hệ trẻ tìm hiểu về nguồn cội, còn có các bức minh hoạ, hình ảnh, bản đồ, kể cả những hình vẽ nét đủ dạng khác nhau để người tham gia ghi vào trong đó những cảm nghĩ hay nhận xét về một vấn đề gì một cách ngắn gọn, hàm súc. Các trang sách được trình bày rõ ràng, kèm theo các lời hướng dẫn ngắn để người dùng hiểu rõ cần làm những gì trong các phần để trống. Sách được in nhiều màu, tạo thêm phần thoải mái và hứng thú trong khi sử dụng.

Tất nhiên, ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chiếc cầu nối giữa ông bà và các cháu. Đây là một tập sách song ngữ, trong đó tiếng Anh chiếm phần lớn vì đối tượng tiếp nhận và đóng góp chính là thế hệ trẻ gốc Việt, sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ. Nhưng không vì thế mà tiếng Việt không có một chỗ đứng nhất định và có ý nghĩa trong công trình này. GS Nguyễn-Lâm KimOanh và LS Lưu Nguyễn Đạt đã khéo léo lồng phần tiếng Việt vào phần Anh ngữ dưới nhiều hình thức khác nhau: khi thì dùng từ ngữ Anh-Việt song song trong các tiêu đề, khi thì để phần tiếng Việt ở trên, bên dưới là phần dịch qua tiếng Anh, có lúc lại chủ ý chỉ để phần tiếng Việt cho các cháu tự tìm hiểu, tra cứu qua Anh ngữ.

Đặc biệt, có rất nhiều ca dao, tục ngữ tiếng Việt trong công trình. Đây là một điểm son của tập sách, qua đó các cháu có thể bước vào kho tàng văn hoá của dân tộc, học hỏi và trân quý những kinh nghiệm, tâm tình, lời dạy dỗ của bậc tiền nhân. Các cháu sẽ có cơ hội so sánh và đối chiếu nhiều câu tục ngữ Việt Nam với tục ngữ Anh, Mỹ để biết giá trị nhân bản của dân tộc Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung.

Cũng vì lý do đó mà tập sách không chỉ giới hạn trong tất cả những gì thuần tuý Việt Nam như truyền thống dân tộc, ẩm thực, văn hoá, v.v. mà còn mở rộng cánh cửa ra thế giới bên ngoài cho các cháu, qua các gương thành công của người Việt lẫn người thuộc nhiều quốc tịch khác, qua những câu danh ngôn bằng tiếng Anh, qua các hình ảnh của nhiều danh lam thắng cảnh trên thế giới. Có như vậy, các cháu mới được thấm nhuần, không những là tình yêu gia đình và đất nước Việt Nam, mà còn là tình yêu đối với Hoa Kỳ là quê hương của các cháu, và cả tình yêu đối với nhân loại, khi ngày nay thế giới đã trở thành một “ngôi làng nhỏ”, cùng sống, cùng tranh đấu, cùng đau khổ và hạnh phúc với nhau. Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine vì lực lượng xâm lược Nga đã cho thấy ngày nay, thế giới đã thu nhỏ lại đến chừng nào. Những gì đang xảy ra ở Kyiv cũng đang mang lại ít nhiều hệ luỵ cho phần còn lại của thế giới. Những trăn trở, đau xót, cảm thông và hành động của chúng ta đối với nạn nhân chiến tranh ở Ukraine là lời minh chứng mạnh mẽ cho câu tục ngữ Việt Nam “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.

Xin hân hạnh giới thiệu tập sách–công trình To Our Grandchildren with Love của GS/TS Nguyễn-Lâm KimOanh và LS/TS Lưu Nguyễn Đạt. Với công trình này, một khi tất cả các trang giấy đã được ghi chép đầy đủ, cộng thêm các hình ảnh sống động của ba hay bốn thế hệ lưu giữ vào đó, tập sách đã nghiễm nhiên trở thành món gia bảo độc nhất vô nhị, để chắt chiu và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Để biết thêm chi tiết, độc giả có thể liên lạc với hai tác giả qua địa chỉ email grandparentBP@gmail.comĐẶT MUA SÁCH TRÊN AMAZON TẠI ĐÂY.


Trần C. Trí
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Sáu 202210:20 CH(Xem: 7930)
Mãi rồi cũng về đến núi. Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch. Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
02 Tháng Sáu 202212:19 SA(Xem: 9653)
Tháng Tư, mặt trời phương Đông / Những tượng đá im lìm níu giữ / Có mùa hoa kẹt lại bên song / Người cũng không về nữa
25 Tháng Năm 20227:11 CH(Xem: 9258)
Người về tím chiều cánh diều châu thổ / chập chờn mái lá / những chú bê nấn ná vạt cỏ non / vườn cây xanh trần ai khát khao cánh chim tìm tổ / vọng tiếng cười đợi chờ son sắt nhân duyên / Đất từ bi mộc mạc / Đất chân chất yêu thương / dường như cánh sen rơi nước mắt / và mùa hạ đang nở nốt hồn nhiên
25 Tháng Năm 20226:43 CH(Xem: 9544)
Tôi viết dăm ba chữ / rồi gán đó là thơ / nhướng con mắt mỏi đọc / trong cát gió mịt mờ
25 Tháng Năm 20226:30 CH(Xem: 8222)
Cách đây mấy năm, trong khi làm phim tài liệu chân dung “Lê Đại Cang - nhân cách bậc quốc sĩ”, nhà báo - Tổng BT tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa đã đưa tôi tới sông đào Ngũ Huyện Khê để ghi hình ảnh bộ cho phim này.
25 Tháng Năm 20226:26 CH(Xem: 8069)
“Anh trẩy chùa Hương phía xót thương”, đó là câu thơ thường chợt hiện trong tôi giữa những ngày rong ruổi khắp Kinh Bắc làm phim về Học Vấn vùng đất này - theo yêu cầu của Sở Giáo dục Hà Bắc, sau đó là làm phim chân dung về thi sĩ Hoàng Cầm - theo nhu cầu của đạo diễn Tự Huy và bản thân tôi…
20 Tháng Năm 20228:49 CH(Xem: 10364)
Thứ Tư, 18/5/2022: Ngày 84 Thật khó ngỡ cuộc xâm lược Ukraina của tập đoàn thực dân mới Vladimir V Putin đã bước sang ngày thứ 84. Mười hai tuần chiến tranh trên truyền hình, báo chí online, cùng các video social media với đại đa số nhân loại, nhưng là 84 ngày, 84 đêm máu, nước mắt, đổ nát, chết chóc, đau khổ, đói ăn, thiếu nước, không đèn điện, không gas sưởi của hơn chục triệu dân Ukraina đã và đang bồng bế, giắt dìu nhau rời nhà cửa, xóm làng nổi trôi trốn trảnh tiếng tru rít của pháo, bom, hỏa tiễn, phi cơ đủ loại, đủ kiểu. Và, cho tới tối ngày thứ 84 này, viễn ảnh kết thúc chiến tranh vẫn xa vởi. 959 chiến binh Lữ đoàn 36 TQLC Ukraina tại Azovstal, Mariupol, đã buông súng đầu hàng, rời bỏ địa ngục trần gian sau 82 ngày kháng Nga. Nhưng chết chóc, đổ nát, khổ đau chỉ có dấu hiệu gia tăng.
12 Tháng Năm 202210:30 CH(Xem: 10875)
anh sẽ không nhận ra em / gặp nhau bên ngoài thư viện / đơn sơ, blue jeans T shirt không son phấn / một cuốn sách mở, anh sẽ đoán / dù mọi người đang viết tiểu thuyết bí ẩn. đời mình
29 Tháng Tư 202210:44 CH(Xem: 11252)
thành phố tan hoang mảnh vụn / phố nhà, cao ốc, bệnh viện vỡ tung / thây người la liệt / khói lửa ngút trời / từ đâu niềm hung ác của kẻ láng giềng thô bạo / mới hôm qua là anh em ?
29 Tháng Tư 20221:40 SA(Xem: 8681)
Xin mượn tạm tên tập thơ của thi sĩ họ Chế để miêu tả cảnh tượng cơ quan cũ của tôi trong ngày 30 tháng 4 lịch sử, cùng tâm trạng chung của nhiều cô bác, anh chị em từng làm việc tại đây: Hãng phim truyện VN, 4 Thụy Khuê Hà Nội, cơ sở làm phim truyện lớn nhất nước - mặc dù tính chất Điêu tàn mới chỉ nói được phần nào cái vẻ ngoài của hiện tượng cũng như bản chất sự việc… / ... Nền điện ảnh đàn em, sinh sau đẻ muộn ở ta tuy không mắc căn bệnh ung thư tới độ trầm trọng như sự miêu tả của Bondarev, song lại không có đủ nội lực để tự vượt thoát và tự “xạ trị” như “ông lớn Mosfilm”, nên đã bị “đầu độc” một lần tới gần chết vào đầu những năm 90 thế kỷ trước - khi Liên Hiệp Điện ảnh VN đã có chủ trương hãm hại nó bằng nhiều phương thức khá tàn độc - trong đó có việc xóa bỏ tất cả các rạp chiếu phim và chuyển chúng thành quán bia, vũ trường, các kinh doanh văn hóa lặt vặt không dính líu gì tới Nàng tiên thứ Bảy… Hãng phim, cùng cả nền ĐA dân tộc chết lâm sàng từ đó...