- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HƯ CẤU MỘT TÌNH ĐẦU

17 Tháng Tám 202110:48 CH(Xem: 10709)

 
MY CA- chan dung
Chân dung tác giả MỸ CA

 

 Mỹ Ca
HƯ CẤU MỘT TÌNH ĐẦU

     

 

LTS: Mỹ Ca là bút hiệu của Bùi Hoàng Hải, hiện đang định cư  tại Massachusetts (USA). Trước đây Mỹ Ca đã sống tại Vương Quốc Bỉ (Belgium). Anh đã cộng tác với nhiều báo tại hải ngoại và có hơn một bút hiệu cho những thể loại khác nhau, như : thơ, truyện ký, nhạc sinh hoạt...

-Bút hiệu Tim Nguyễn: Nhận được giải thưởng đặc biệt "Viết Về Nước Mỹ 2003" của Việt Báo (USA).

- Bút hiệu Bùi Tĩnh với Tập truyện ngắn “Vĩnh Biệt Tình Em” do Làng Văn (Canada) xuất bản…

Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Hư Cấu Một Tình Đầu” của tác giả Mỹ Ca.

TCHL

 

 

Vòng quay trái đất hai mươi bốn giờ một ngày, ba trăm sáu mươi lăm vòng một năm, ba ngàn sáu trăm năm mươi vòng mười năm. Vòng quay thời gian nhớ thương, đợi chờ, tuyệt vọng. Vòng quay bánh xe ra đi chắc nàng còn ngủ say, vòng quay bánh xe trở về không biết nàng giờ ra sao.

 

Ngõ vào nhà nàng, hàng hoa giấy tím vẫn còn đó - nụ hôn đầu.  Hàng hiên trước nhà với cánh cửa sổ mở lớn vào phòng khách. Một đứa bé đang chơi với những viên sỏi vương vãi trên sàn, dưới cái nhìn trìu mến của cha già dân tộc lộng kiếng trên tường. Chẳng lẽ…

 

Buổi tối trước khi ra đi, hắn đạp xe tới định gặp nàng lần cuối dù không thể nói lời giã từ. Ở đầu ngõ nơi có hàng hoa giấy tím, hắn thắng lại. Dưới ánh sáng từ trong nhà hắt ra hàng hiên, nàng đang đứng nói chuyện với B., ứng viên đang theo nàng sát nút. B. theo cha cán bộ tập kết vào tiếp quản trường nàng đang học, có nhiều ưu điểm vật chất ở thời buổi khó khăn giao thời, luôn cố làm đẹp lòng nàng và gia đình với những ưu điểm ấy.

 

Quay xe lui. Âm thầm. Sao đời mãi là một cuộc triệt thoái dài như vận nước. Triệt thoái cao nguyên, triệt thoái đồng bằng, triệt thoái sông nước, triệt thoái biển khơi, triệt thoái cuộc tình… 

 

 

“M. mến, với tấm bưu thiếp này, báo cho M. biết tôi đã tới nơi bình yên. Chỗ tôi ở mùa đông rất lạnh làm tăng nỗi cô đơn của kẻ xa nhà. Ngồi nhớ lại những ngày đã qua để cám ơn M. đã cho những kỷ niệm đẹp khó bôi xóa trong tâm khảm. Chúc M. thật nhiều may mắn trong cuộc sống.”

 

Chiều đi làm về. Nhạc sĩ vẫn còn ngồi đó với cây guitar, những ngón tay nhảy múa trên phím đàn tạo nên chuỗi âm thanh réo rắt. Ly cà-phê đã hết, điếu thuốc còn trên môi, khói thuốc lãng đãng trên trần, gói Stuyvesant vơi hết một nửa.

 

“Được bãi nào chưa?” hắn hỏi.

“Bãi trước trọn vẹn, bãi sau dang dở…Có thư nàng từ Việt Nam, người tình bỏ lại?”

Thư của nàng.

Bạn nhạc sĩ không hơn, chuyên trị hoa thơm: người tình còn lại Hoàng Lan hay những Tường Vi, Hương Mai trong vườn mới đang chở những rung cảm thiết tha vào lời ca nốt nhạc muộn phiền cuộc tình chia xa.

 

Anh ơi! Em van anh đừng xưng tôi với em. Anh có biết sau khi anh đi rồi em hối hận biết chừng nào không? Em biết mình đã đùa cợt trên tấm chân tình của anh. Em hụt hẫng trong nỗi nhớ, chỉ muốn gặp để xin lỗi nhưng quá trễ phải không anh? Em đã tìm tới nhà anh xin địa chỉ để viết cho anh những dòng này, tha thứ cho em nghe anh. Em đã tránh xa tất cả, ngồi nhà ôm kỷ niệm, nhớ lại nhưng câu chuyện vui anh kể rồi cười một mình như một con khùng. Hãy viết cho em, chúng mình sẽ nối lại tình cảm, đó sẽ là điểm tựa và động lực đẩy em đi tới trong cuộc sống không phương hướng không tương lai này. Em vẫn còn đi học dù biết học xong cũng chẳng làm được gì nhưng ít nhất cũng lấp đầy trống vắng tâm hồn. Trả lời em nghe anh.

 

 

 

Ra đường. Hai nghệ sĩ ở buổi hàn vi, co ro lang thang trên phố người giữa mùa đông lạnh giá. Đam mê nghệ thuật rất đầy nhưng cả hai nào biết nhạc của chàng bên phải sẽ được ca sĩ trong và ngoài nước ngêu ngao, chưa kể còn được bầy kên kên của xã hội nhân văn mượn đỡ bản quyền không thèm trả lại; còn văn của chàng bên trái sẽ được chuyền tay nhau đọc cùng với những lời bàn nồng ấm nhất táo bón bị thọt léc. Dường như người ta thường thích xem bi kịch, hư cấu hay đời thật ; biết trên đời có người xấu số hơn mình, họ cảm thấy yên tâm mãn nguyện. Mãi về sau, hầm métro Paris có còn âm vang tiếng đàn ngọt ngào và tiếng hát ấm áp của hai nghệ sĩ lãng tử chỉ chờ một ngày rực sáng trên vòm trời văn nghệ …

 

“Pierre rủ đi coi ban nhạc Mít Da-Ghẻ chơi ở Le Pied, đi không?” nhạc sĩ rủ.

“Đi cho quên nỗi buồn.” hắn trả lời.

 

Mít được gia đình cho đi du học, qua xứ người học không xong bèn du dương với nhạc Rock. Trong tuần đi làm, cuối tuần đi hát. Ra đi dù không thành công cũng thành nhân công, thêm vai ca sĩ cho người mua vui. Ông rất thành công bản sao của Mick Jagger ca sĩ chính The Rolling Stones: hàm răng ngựa hí cùng với cặp giò lỏng khỏng ống tre, nhảy múa và trình diễn không thua ông hoàng nhạc Rock Anh Quốc.

 

Hộp đêm nồng mùi khói thuốc trộn với mùi rượu bia và mồ hôi người. Đám trẻ Tây cuối tuần rủ nhau đi nhảy xả láng. Trên sân khấu ban nhạc đang tấn công nàng Susie Q:

 

Oh Susie Q, oh Susie Q

Oh Susie Q baby I love you, Susie Q

I like the way you walk

I like the way you talk

Susie Q…

 

Giữa bài, ban nhạc chơi chuyển tiếp, Mít túm lấy vi âm quay vòng vòng, làm xiếc cặp giò bật ra chụm vô nhuyễn nhừ, khán giả vỗ tay nồng nhiệt. Hăng máu Mít nhét vi âm vào trước bụng, hẩy hẩy người cho nó rớt vào chỗ nào cũng được. Đám trẻ hú lên cuồng nhiệt. Mít Da-Ghẻ giả chơi còn bạo hơn Mick Jagger thứ thiệt.

 

Lou, người bạn của Pierre tới bá cổ hắn “Ê uống gì, tôi đãi” “Cho một mỹ nữ tóc vàng” “Stella Artois tới ngay.” Lou quay đi, Pierre nói với hắn “Báo bạn biết trước để khỏi ngỡ ngàng là Lou khoái con trai, có vẻ đang nhắm bạn, nếu không rào trước e có hiểu lầm tai hại.”  “Hèn chi nó cứ quàng sát vai tao, thôi tao phải về, nếu không chuyện đáng tiếc sẽ xảy ra.” “Chuyện gì?” “Nếu nó lộn xộn, tao bóp nát dế nó!” Bạn nhạc sĩ nói thêm “Ai biểu mày để tóc dài phủ gáy, nó tưởng bóng lại cái!” “Làm ơn rờ gáy mày coi có hơn tao không” hắn trả đũa rồi rút êm.

 

Vừa nhận được thư anh, em chạy vào góc nhà đọc từng chữ anh viết. Vui khôn tả. Bên đó một mình buồn lắm hả anh…Em giờ đã nghỉ học và sang làm ở tổ hợp may của chị. Làm cho quên nỗi buồn cứ gặm nhấm tâm hồn. Nhiều khi chỉ muốn tan thành gió cùng mây bay về nơi anh ở để cùng anh dạo chơi trên cánh đồng xanh bát ngát đầy hương hoa dị thảo…

Hãy mang tôi đi xa nơi này, đi thật xa. Biển khơi từng đợt sóng vỗ, hứa hẹn trùng phùng cho một chuyện yêu đương. Anh thường nói hạnh phúc là cái tên con người đặt cho cảm xúc nhất thời? Em đặt tên hạnh phúc là tình yêu của hai chúng mình, của kỷ niệm, của nhớ thương, của hy vọng nhưng sẽ không nhất thời; em giờ không còn là cô gái nhí nhảnh nữa mà đã lớn lên theo năm tháng và nỗi buồn. Em đang tìm xe đi thăm anh. Mong một ngày sẽ gặp anh để ôn lại chuyện chúng mình…

 

 

 

Rose đón hai người ở cửa.

“Sinh nhật vui vẻ!” hai cửa miệng của nhạc sĩ và hắn đồng thanh.

“Mời vào” Rose đứng nép qua một bên.

“Pierre về chưa?” hắn hỏi.

“Anh ấy về rồi, đang tắm, sẽ xuống ngay.”

 

Căn hầm ấm cúng. Vài người trẻ đang trò chuyện ở sofa nơi góc phòng. Trần nhà treo lủng lẳng trái cầu với những mảnh kiếng nhỏ chậm chạp quay phản chiếu ánh đèn xanh đỏ từ góc nhà tạo nên nhưng chấm đầy sắc màu đuổi nhau vòng vòng trên trần.

 

Nhạc trỗi lên. Bài slow Reality nhạc chính trong phim La boume:

 

Met you by surprise

I didn't realize

That my life would change forever

Saw you standing there

I didn't know I care

There is something special in the air…

 

Từng cặp trai gái dìu nhau nhảy trong tiếng nhạc du dương. Dự dạ vũ, hắn có thói quen kiếm một cái ghế ở góc phòng, ngồi nghe nhạc để thưởng thức nỗi cô đơn lạc loài. Nghĩ tới M. day dứt không thôi, người con gái bên kia bờ đại dương đang nhớ nhung đợi chờ nhưng không biết bao giờ gặp lại.

 

Rose tiến lại chỗ hắn ngồi “N. nhảy với tao bài này,” “tao không biết nhảy” hắn thoái thác. “Dễ ợt, mày ôm tao, tao ôm mày, mày bước theo nhịp chân tao”. Đúng là nhảy slow không khó, chừng vài bước là hắn đã quen nhịp, nhún qua nhún lại theo điệu nhạc.

 

Piere đi ngang, chai bia trên tay, nháy mắt với hắn “Coi chừng cô em gái tao!”

Rose ôm hắn sát rạt, mùi thơm da thịt gái tây phương làm hắn ngầy ngật. Rose hun nhẹ trên má hắn “Hun tao đi” rồi chu môi nhìn hắn chờ đợi. Hắn lúng túng đẩy người con gái khỏi tầm tay. “Xin lỗi, tao… mắc tiểu!”. Hắn quay lưng bỏ ra cửa. Người con gái đứng trông theo đầy thất vọng.

 

Em vừa trở về sau mấy tháng tù đày. Em cùng anh T. rủ nhau đi thăm anh. Em vừa tới bến bị bắt lại còn anh T. đi thoát. Ra tù về đến nhà thì được tin anh T. đã chết trên biển, lòng mình như tê dại, không còn nước mắt để khóc sau những thống khổ đã chịu. Tự hỏi sao trời nỡ đọa đày không cho con đạt ước mơ lại còn lấy đi người thân thiết nhất. Tuyệt vọng thật rồi anh ơi. Đường tới nhau ngày càng xa. Em không biết phải làm gì bây giờ. Cầu nguyện cho em nghe anh. Đêm nay không trăng. Bầu trời đen như mực, như đời mình. Em dần đi vào giấc ngủ. Trong giấc mơ em sẽ lại thấy anh.

 

“M. mến. Với tấm bưu thiếp này, muốn nói vói em một ý tưởng đã dằn vặt anh suốt mấy ngày qua. Anh không muốn bắt em chờ mãi một điều vô vọng. Khi ra đi anh không nghĩ sẽ được bắt liên lạc với em nên những lá thư và tình cảm của em đã sưởi ấm kiếp tha hương nhưng…ngày tháng vô tình trôi qua. Anh không thể ích kỷ giữ lấy sợi dây thời gian của em. Đã đến lúc phải buông nó ra để em sống với thanh xuân của riêng mình. Anh nợ em quá nhiều không biết bao giờ trả được. Hạnh phúc chỉ còn là trái đắng. Anh đã ghi danh đi học lại và đang ở ký túc xá, cố gắng làm điều gì đó cho mình sau những tháng năm phung phí tuổi trẻ. Chúc em thật nhiều may mắn trong cuộc sống.”

 

 

“Chú kiếm ai?” người đàn bà luống tuổi xuất hiện nơi ngưỡng cửa.

“Cho hỏi cô M. có còn ở đây không?”

“Chủ cũ dọn đi cách đây bốn năm rồi. Tôi là chủ mới.”

 

Lại quay xe lui. Cánh cửa nhà đối diện xịch mở “Anh N., phải anh N. không?” Cô gái trẻ bước ra “Em là Na, bé Na hồi xưa đó, anh nhớ không?” “À nhớ rồi, em lớn quá anh không nhận ra.” “Anh kiếm chị M. hả?” “Ờ, nhân tiện về tảo mộ ghé qua thăm M.” “chị M. sau khi dọn đi đã có chồng, một con, nghe nói mới ly dị. Anh muốn địa chỉ của chị ấy không?”

 

 

Nằm dài trên giường, nhìn bầu trời và những rặng cây xa qua cửa sổ, lắng nghe tiếng những đứa trẻ chạy chơi bên hồ nước và tiếng nước bắn lên mỗi lần có ai nhảy xuống hồ. Ánh sáng mặt trời xuyên qua cây lá xào xạc trong gió tạo nên những bóng râm nhảy múa cùng ánh sáng trên tường. Tiếng rì rì đều đều máy lạnh đưa hắn vào cơn thiu ngủ. Cảm giác khoái lạc hay hạnh phúc ?

 

“Hồi đó nếu mình làm đám hỏi là nhà cho em đi với anh rồi.”

“Nói thật lúc đó má anh chỉ đủ khả năng lo cho một người, vả lại nhà em có vẻ nhắm B. cho em, anh coi như lọt sổ.”

 

Im lặng… Hắn thọt tay dưới mền.

“Anh làm gì vậy?”

“Đoàn quân Việt Nam đi, sao mà cứng thế… chào cờ… chào!”

“Em làm gì vậy?”

“Kéo cờ!”

Hắn úp mặt lên ngực nàng, thổn thức. Bao nhiêu uẩn tình dồn nén bây lâu nay chợt vỡ òa những giọt nước mắt nóng hổi. Mười năm tuổi trẻ đi qua trong đợi chờ, nhớ nhung, tuyệt vọng…Bây giờ chỉ còn hai thân xác kề nhau với ham muốn tự nhiên đực cái. Nàng âu yếm xoa đầu hắn, rồi nhẹ nhàng lột đồ cho hắn, cử chỉ dịu dàng của một người mẹ hiền lột đồ con trai trước khi gội đầu tắm rửa.

 

Chuyện còn lại tự nhiên như hai con thú giao hợp theo bản năng trường tồn duy trì nòi giống. Chuyện mà những trái tim mẫn cảm nghệ nhân gọi Tình Yêu viết hoa rồi thay nhau ca ngợi với những lời lẽ văn hoa bóng bẩy nhất. Tất cả chỉ là trò chơi quyến rũ để được lòng khác phái. Nếu không được đoái hoài sẽ uẩn ức trào dâng bằng những lời than vãn thống thiết khóc cho một cuộc tình tự đánh mất. Tình lỡ, tình bẽ bàng, tình ngang trái, tình hận, tình xa, tình tang… cả một khối sáng tác từ những cuộc tình đánh mất.

 

Bi kịch của tình yêu ở đó. Người yêu nhau có cảm tưởng là người đầu tiên nghĩ ra và nói lên những câu yêu đương nhưng thực sự chỉ lập lại những ngôn từ đã nói ra từ thủa hồng hoang, từ khi loài người biết dùng miệng lưỡi để biểu lộ tình cảm. Cùng một vở diễn, cùng một câu thoại, chỉ thay đổi diễn viên.

 

Chuyện tự nhiên con bướm cái hoa, điều gì phải tới cứ tới, tiệm tiến, nhịp nhàng từ chậm tới nhanh: Slow qua Slowrock tới -Rock’n Roll. Nhịp kết tăng nhanh, thành giường gõ đều vào tường lộp cộp như đang gõ cửa. “Ai đó?” giọng ngái ngủ từ phòng bên vọng sang. Nàng nín cười, thân thể rung từng hồi…

 

Yêu xa đã khổ, yêu gần khổ không kém, khó khăn như đi làm ruộng: những bước chân trần bị bùn đen đặc quánh níu kéo, mỗi lần nhấc chân lên nước tràn vào khoảng trống âm vang phọt phẹt nhọc nhằn một đời nông gia…

 

 

 

Trở về lục tất cả những lá thư tình cũ đã vàng vọt theo thời gian và mang đốt. Nhìn đám khói bay tản mác trong sân, hắn cảm thấy nhẹ nhõm như vừa cất đi một gánh nặng trên vai; nhớ nhung phiền muộn bỗng tan theo làn khói trắng để lại trống rỗng trong tâm hồn.

 

Tây phương ví tình yêu như trái táo cắn dòn; tình yêu nhiệt đới như trái xoài thơm, phải kiên nhẫn lột vỏ rồi mút ngọt.

 

Khi đã hiểu được ý nghĩa tình yêu, lòng hắn chợt mở rộng, sẵn sàng đón nhận hồng, đào, mai, lan, hướng dương… hay rose, marguerite, camélia, violette… những đóa hoa tươi đẹp sẽ tàn theo năm tháng nên phải được nâng niu ở thời khắc tươi đẹp nhất ấy.

 

Đời không thể rút lui mãi, hãy can đảm tiến lên dù nhọc nhằn trước mặt. Lãnh nhận hệ lụy như một đặc ân, vung gươm phát những nét thật đẹp dù kết thúc bi thảm như những nhân vật trong bi hùng kịch cổ Hy-Lạp.

 

Mỹ Ca

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 108473)
C âu hỏi được đặt ra là tại sao bài Đáp Lời Sông Núi [2] của Trúc Hồ lại có thể vượt không gian và đặc biệt là đường ranh Quốc - Cộng để không riêng được mọi người ưa thích mà còn được hát lên như vậy? Câu hỏi này đã khiến cho những người từng theo dõi sự xuất hiện và phổ biến của những bài hùng ca [...] nhớ tới những bài hát của thời thập niên bốn mươi của thế kỷ trước.
16 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 95710)
N hìn cái tựa sách, ngắm bức hình người bạn đồng nghiệp (dư) cầm bút, đồng nơi sinh (Sơn Tây) và đồng tuổi (song thua tôi mấy tháng) chít cái khăn đầy vẻ giang hồ trên hình bìa, tôi không khỏi mỉm cười. Lững thững, theo vdict.com, là thong thả, ung dung, như trong “đi lững thững ở bờ sông,” và informatik.uni-leipzig.de cũng dùng cùng một định nghĩa.
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 101779)
S au nhiều năm bị giam cầm và cả 7 năm quản thúc tại gia, lãnh tụ dân chủ đối lập bà Aung San Suu Kyi được thả ra. Ngay sau đó, từ tháng 8 năm 2011, bà đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi phong trào quần chúng hãy bảo vệ con sông Irrawaddy cùng với yêu cầu phải tái lượng giá ảnh hưởng môi sinh...
05 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 116948)
N hà thờ vắng vẻ. Những hàng ghế trống im lìm. Chúng tôi đứng cạnh nhau sau hàng ghế cuối, tôi bảo nàng nhìn lên tượng Chúa và im lặng. Rất trang trọng, mấy phút sau tôi hỏi nàng, Kim có biết tôi vừa nói gì với Chúa không. Nàng gật đầu, mắt long lanh ướt. Tôi thầm cám ơn Chúa và nắm tay Kim rời nhà thờ. Tôi đã cầu hôn nàng như thế đó.
25 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 91631)
H ợp Lưu 115 đến với quí độc giả và văn hữu vào những ngày cuối tháng Mười khi “Cuộc cách mạnh Mùa Xuân Ả Rập” ở Lybia đã thành công bằng sự ra đi vĩnh viễn của Gaddafi, một tin ngắn của Reuters cho biết: “Ông Gaddafi và con trai đã bị thương, bị bắt sống nhưng sau đó đã chết. Theo truyền thống Hồi giáo, người chết phải chôn cất trong vòng một ngày, nên việc trưng bày xác chết cho người xem trong nhiều ngày đã làm cho nhiều người cảm thấy khó chịu, nhưng […]mọi người và các nhà lãnh đạo Libya đều đến xem xác Gaddafi để rút bài học và đừng bao giờ đàn áp người dân.” Đoạn tin trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến nhiều việc...
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 89069)
C uộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963 , trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963. Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào cuộc tự thiêu bi tráng của Thượng tọa Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 [...] “Vài Ý Nghĩ Về Thượng Tọa Thích Quảng Đức” công bố lần đầu tiên một số tài liệu văn khố Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hòa, giúp vùi chôn một lần và mãi mãi loại sử văn suy tôn, nhớ ơn và đào mộ. Tạp Chí Hợp Lưu
23 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 105580)
D ưới tiểu tựa Vài Vấn Nạn Lịch Sử Thế Kỷ XX, tác giả đưa ra hai vấn nạn từng bị xuyên tạc trầm trọng bởi các hệ thống tuyên truyền của nhiều hơn vài ba thế lực chính trị. Vấn nạn thứ nhất là vai trò nhà ngoại giao của ông Hồ Chí Minh (1892-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ 1945 tới 1969, trong giai đoạn 1945-1946, một giai đoạn cực kỳ quan trọng cho sự sống còn của nhà nước Việt Nam hiện nay [...] Vấn nạn thứ hai là cuộc tranh đấu của Phật Giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, trên bối cảnh liên hệ ngày một xấu đi giữa Bộ Ngoại Giao Mỹ và chính phủ Ngô Đình Diệm trong hai năm 1962-1963...
16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 88944)
H iệp ước sơ bộ 6/3/1946 [Convention priliminaire de 6 mars 1946] là văn kiện ngoại giao đầu tiên ký giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [VNDCCH] với đại diện Cộng Hòa Pháp tại Đông Dương, qua trung gian chính phủ Trùng Khánh. Mặc dù chỉ có tính cách tạm thời, văn kiện này công nhận sự hiện hữu của VNDCCH. Nó chính thức cải biến, nói theo các viên chức Bri-tên và Pháp, một thực thể chính trị “sinh ra trong hỗn loạn” thành một chính phủ lâm thời, của một “nước tự do” [un état libre] “có quốc hội, quân đội, tài chính và ngoại giao riêng,” nằm trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp.( 1)
15 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101521)
N hạc sĩ Phạm Duy có cái nhìn xuyên suốt, không rào cản so với nhạc sĩ cùng thời. Người lắng nghe giao thoa những tiến triển nền âm nhạc Việt so với thế giới từ những năm 1930 cho đến nay.Từ cái bắt gặp đầu tiên trên bộ đồ bà ba xanh, đôi mắt sáng trên vành tai thính âm tài hoa ấy. Nhạc sĩ Phạm Duy chợt cười, nụ cười nhéo mắt luôn điểm lại con người ấy từng nốt nhạc vượt không gian thời gian. Hồn nhiên Phạm Duy cười nói: : “Tôi có hai con mắt, một con trái mắt tỉnh tảo thực tế với dòng đời. Và mắt phải luôn làm việc sáng tạo.” Cuộc phỏng vấn sau đây ghi lại một vài nét về cuộc đời nhạc sĩ Phạm Duy với thế hệ trẻ tại Việt Nam đang muốn cùng ông bày tỏ tâm sự.
14 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 96496)
T rong lịch sử tranh đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ hai mươi, hai lần nước ta đã được các nhà cầm quyền đương thời chính thức tuyên bố độc lập. Lần thứ nhất vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 bởi Hoàng Đế Bảo Đại và lần thứ hai bởi Chủ tịch Chính Phủ Lâm Thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 9 năm 1945. Hai lần cả thảy, nhưng đa số người Việt chỉ biết hay chỉ được học có một lần. Họ chỉ biết có bản tuyên ngôn của Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 mà không biết bản tuyên ngôn của Bảo Đại ngày 11 tháng 3. Lịch sử do đó chỉ được biết có một nửa thay vì toàn vẹn.